Tranh Luận với “Thế Hệ Hậu Chiến”!

Phượng Tím Cali

Thế là hè lại về. Phượng tím Cali đang rợp trời. Sau này nếu ai hỏi yêu gì nhất của Cali thì có lẽ câu trả lời không ngập ngừng của tôi sẽ là “Phượng tím”.

Người khác yêu Cali vì khí hậu ấm áp, vì cộng đồng đông, vì đồ ăn Việt phong phú còn tôi thì chỉ yêu vì phượng tím. Khí hậu có ấm thật khi ra đường không phải manteau dầy. Còn trong nhà thì lại không ấm như Virginia. Thật là nghịch lý phải không. Thì đúng là như thế vì ở Cali nhiều nhà không bật heat. Dân Cali chịu nóng lạnh rất giỏi. Nhiều bạn hữu phương xa đã nói thế với tôi trước khi tôi về Cali. Trời lạnh họ mặc nhiều áo, trời nóng họ bật quạt máy. Thế thôi. Trừ phi hôm nào quá lạnh thì mới bật heat chút đỉnh. Đó là lý do tôi nói “lạnh hơn Virginia” là thế. Mùa Thu hay Đông, Virginia luôn có heat để giữ nhiệt độ trong nhà là 70 độ. Cali thì lắm hôm ở trong nhà nhiệt độ chỉ còn 64 độ thì tôi phải mấy lớp áo thêm khăn choàng, vớ dày là đúng rồi.

Cộng đồng đông thì cũng có cái vui và cũng có cái “xô bồ”. Người Việt có kẻ tốt và người xấu. Người xấu thì đi học phất phơ cốt lấy tiền nên vào lớp chỉ nói chuyện làm mình xấu hổ với teacher quá. Hoặc mua đồ xài cho đã rồi đem trả. Hay nói năng ồn ào nơi công cộng. Hoặc gian lận đủ thứ.

Đồ ăn phong phú thì cũng thích thật nhưng vì tôi không có tâm hồn ăn uống nên mục này cũng không hấp dẫn tôi lắm.

Và vì thế, Cali chỉ hấp dẫn tôi ở phượng tím.

Phượng Tím trải đầy sân (2013)

Tranh Luận với “Thế Hệ Gạch Nối”

Tôi thích giao thiệp với đàn ông hơn đàn bà, thích người trẻ hơn cao niên. Thì cũng có lý do. Có thể với tôi, những cái đố kị, ghen tị của phụ nữ làm tôi không thích. Ví dụ vầy nhé, khi tôi yêu quý LS Dương Như Nguyện vì tài năng thì có vẻ vài “mợ” khác không thích. Còn lý do thích người trẻ thì tại vì họ ít gàn hơn, họ bắt kịp một số “hight tech” hơn các lão niên. “Có vẻ”, “có vẻ” nhé, quý bô lão rất lười học computer nhưng xem “hình ảnh mát mẻ” thì rất tận tình!

Đàn ông trẻ qua Mỹ khoảng đôi mươi mà tôi thường gọi họ là “thế hệ gạch nối”. Với nhóm người này, tôi có thể tranh luận ỏm tỏi nhưng khi chấm dứt thì chị vẫn là chị, em vẫn là em. Cả đôi đều hiểu rằng, ta cùng chiến tuyến và chỉ khác biệt phương cách hành động. Vấn đề là thế hệ gạch nối chưa đủ tài thuyết phục tôi cũng như thế hệ cao niên (là tôi) chưa đủ mạnh để lôi kéo thế hệ trẻ. Chúng tôi không chụp mũ nhau và cũng chẳng vì thế mà ghét nhau hay tạ từ nhau. Tranh luận đúng tinh thần dân chủ.

Một người thuộc “thế hệ gạch nối” là Chủ Tịch Michigan, ông Dương Đức Vĩnh. Tôi và Vĩnh tranh luận ỏm tỏi về việc có nên cho phép du sinh được tiếp xúc với cộng đồng không. Nói cả giờ nhưng chưa ..sùi bọt mép và tuần trước,  khi đi công tác Cali thì Vĩnh gọi, nói rằng muốn gặp tôi. Hai chị em hẹn nhau đi ăn. Khi nhắn tôi gửi hình, Vĩnh nói như sau  làm tôi bật cười “Khi về Michigan, em sẽ nói cho mọi người biết, hôm nay tôi đi gặp Hoàng Lan Chi bằng xương bằng thịt thật đó nghe!”. Tôi hiểu ý Vĩnh nói gì. Chả là vài ông cựu quân nhân ở đó cũng tò mò không biết bà HLC ngoài đời có “dữ dằn” như bài viết uýnh việt gian của bà không!

Với Chủ Tịch TCCĐ Michigan Dương Đức Vĩnh 2013
 
Tranh Luận với “Thế Hệ Hậu Chiến”!

Hôm qua nhận báo Bút Tre. Cô cháu, chắc cũng thuộc thế hệ một rưỡi, chủ nhiệm Bút Tre thật giỏi và cũng may mắn. Người khác ngắc ngoải, Bút Tre vẫn sống và báo lại càng càng ngày càng dày, quảng cáo càng ngày càng nhiều dù là nguyệt san! Sự thành công theo tôi nghĩ có lẽ do sự kết hợp già trẻ của Mộng Tuyền. Tờ báo có nhiều bô lão (như tôi) và Mộng Tuyền rất trân trọng người già. Ngoài ra, bên cạnh Tuyền là những người bạn trẻ. Sự nhiệt huyết và hiện đại của người trẻ vẫn được “gìn vàng giữ ngọc”  bởi các cô chú.

Tôi “scan” bài viết cho LS Trần Thanh Hiệp xem. Ông rất thích và ngỏ ý nhờ tôi xin Bút Tre gửi báo cho ông. Tôi nói rằng Bút Tre luôn cư xử rất lễ độ và tử tế. Năm kia, Bút Tre đã gửi hẳn một “package” gồm ba cuốn cho nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm và tết vừa qua cũng gửi thiệp tết làm ông anh nhạc sĩ của tôi cảm động quá. Do đó Bút Tre sẽ sẵn sàng gửi báo qua Pháp cho LS Hiệp.


Bài phỏng vấn LS Trần Thanh Hiệp của HLC ở Bút Tre ( 2013)

Trước đó tôi trêu LS “Ông chú ơi, ông chú coi chừng nhé. Hè này, cô cháu sẽ trò chuyện với LS Dương Như Nguyện về nhóm Sáng Tạo đó”. Ông chú bắn súng cà nông không tới dù đã ngoài tám mươi nhưng chả lẫn tí nào nói rằng ông có giao thiệp với cha mẹ cô Dương Như Nguyện và ông cũng “ái mộ” tài của Nguyện.

Tôi nói thế vì trong bài “Sáng tạo thảo luận: Nhân Vật Trong Tiểu Thuyết[1]thì câu viết của Thanh Tâm Tuyền làm tôi bất bình. Câu đó như sau:

Thanh Tâm Tuyền: Điểm đó cũng là thành công của một vài tiểu thuyết gia lớn của Mỹ như Faulkner, Passos. Sự thất bại của tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn đối với người đọc hiểu biết ngày nay là có những đoạn tả cảnh rất đẹp, nhưng thừa. Bằng chứng cụ thể là đọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn có thể nhẩy những đoạn thừa đó mà vẫn biết rõ cốt chuyện.
 
Tôi viết cho vài người bày tỏ suy nghĩ của tôi. Dương Như Nguyện trả lời:

Câu phê bình về TLVD hoàn toàn đặt nhầm chỗ. TLVD mở đường cho văn học chữ quốc ngữ và thiết lập ngôi vị cho văn chương trong việc cải tạo xã hội. TLVD không viết để chúng ta đem so sánh với…Sartre hay bắt cứ ai khác! 
 
“No exit” của Sartre là một tác phẩm lớn, nhưng người VN thời đó bị méo mó tối ngày là “nghe” lời Sartre! Tôn sùng không đúng chỗ.  Vì Sartre không nổi tiếng ở cái đẹp của văn chương! “No exit” có tầm vóc lớn là vì nó biểu tượng cho existentialisme của Sartre. Nhưng Sartre không sáng chế ra Thuyết Hiện Sinh (existentialism). Tây phương có thuyết đó đã từ lâu, để đi ngược lại với thuyết hữu thần tin vào thượng  đế và đường lên “trời”.  
 
No exit (Huis Clos-1944)– tác phẩm lớn của Sartre — là một vở kịch 3 màn (CHECK) — tương đối ngắn, không phải một cuốn tiểu thuyết! 
 
Tiểu thuyết đúng nghĩa phải có chi tiết. Cũng giống như tranh của Rembrandt (Nightwatch).  Bác Doãn Quốc Sĩ có cốt cách. Tô Thùy Yên là người có trí thức và kiến thức. Trong một buổi diễn thuyết, ông ấy có đến nghe, và ông ấy đã bắt kịp làn sóng với N khi nói về tư tưởng cách mạng trong Symphony #9 của Beethoven (phổ thơ của Schiller). Nếu nghe Beethoven, nếu đọc Schiller thì đã tránh được Holocaust, có thể, và có thể tránh luôn cái thế giới đại đồng của Karl Marx.
 
Có loại truyận ngắn như bức tranh thủy mạc. Nhưng tiểu thuyết thì không thể. 
 
Chị Lan Chi có quá nhiều khả năng, để trở thành nhịp cầu nối cho thế hệ thứ nhất, về đủ mọi phương diện. Tiếc rằng hiện giờ N thiếu hụt thì giờ đến mức trầm trọng để nói chuyện thêm.

Tôi nói đùa rằng những người như ông chú và Sáng Tạo được coi như “thế hệ hậu chiến” thì hãy đợi đấy, thế hệ gạch nối sẽ và có thể làm công việc, như các ông đã làm với Vũ Hoàng Chương hay nhóm Tự Lực Văn Đoàn của những năm 1954-1960.

Còn tôi, như Dương Như Nguyện nói, là nhịp cầu cho sóng sau tiếp sóng trước.

Hoàng Lan Chi không bao giờ thích Trường Giang, sóng sau xô sóng trước mà sóng sau hãy tiếp nối cho sóng trước [2]
Hoàng Lan Chi 6/2013


[1] Xem tại đây:
Thảo luận của nhóm Sáng Tạo: Nhân vật trong tiểu thuyết
[2] Bản dịch của Phan Kế Bính

Trường Giang cuồn cuộn chảy về đông
Sóng vùi dập hết anh hùng
Được, thua, thành, bại, thoắt thành không
Non xanh nguyên vẻ cũ
Mấy độ bóng tà hồng.

Bạn đầu bạc ngư tiều trên bãi
Đã quen nhìn thu nguyệt xuân phong
Một bầu rượu vui vẻ tương phùng
Xưa nay bao nhiêu việc
Phó mặc nói cười suông.

This entry was posted in Tạp Ghi, Trần Thanh Hiệp and tagged , . Bookmark the permalink.