Phạm Duy-Tình Ca

Tình Ca

 Viết tặng chú Phạm Duy nhân ngày sinh nhật 5 tháng 10 của Nhạc sĩ
Tặng thêm con gái QC với ước mong tình yêu quê hương sẽ thấm đậm trong lòng 
 
Tôi yêu tình ca quê huơng từ thuở bé .Tôi nghĩ rằng ai cũng có tình yêu quê hương cả, chỉ là nhiều hay không nhiều lắm. Tình ấy sẽ đuợc vun đắp thêm bởi những giòng nhạc hay thơ mà ta đuợc nghe từ thuở nằm nôi .

Từ nhỏ, tôi thích nghe tình ca quê hương của Phạm Duy . Không bài nào bị trùng lắp. Mỗi bài một vẻ, một giai điệu riêng, một lời  riêng.  Tình ca,   nhạc phẩm của Phạm Duy , theo tôi là một tình ca quê hương đẹp nhất !

Tình ca đã ca tụng tiếng Việt hay rõ hơn ,tiếng nói của người  dân Việt . Tiếng nói của một dân tộc bao giờ cũng đuợc con người  của xứ sở đó nghe từ thuở còn nằm nôi mà sau này khoa học còn chứng minh nghe từ thuở còn trong bụng mẹ . Khoa học cũng đã chứng minh là nếu bà mẹ mang thai mà đọc sách, nghe nhạc hay thủ thỉ hàng ngày cho đứa con trong bụng thì ..chúng đều có “nghe ” đuợc cả .

Trở lại Tình Ca của Phạm Duy . Giòng nhạc cao, thanh thoát nhẹ nhàng và lời thì quá tuyệt để đi vào tận ngóc ngách tâm hồn  của mỗi người Việt !
Vâng, từ khi chào đời, chúng ta đã đuợc nghe Tiếng nuớc ta bằng lời ru của mẹ .

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời

Lời ru ấy sẽ còn mãi muôn đời vì đuợc truyền tụng từ đời này sang đời khác . Tiếng nuớc tôi , nhạc sĩ đã khéo léo lồng vào đó , cột mốc để trẻ con , khi nghe nhạc phẩm –        là cũng biết dòng lịch sử của Việt nam đã trải dài trên bốn ngàn năm .        Bốn ngàn năm với vui buồn trộn lẫn và tiếng nuớc Viêt  ấy đã khóc cuời theo mệnh nuớc nổi trôi . Quá tuyệt ! Vận nuớc Việt Nam đã bao lần trôi nổi và người dân Việt , với tiếng nói đã theo vận nuớc mà khóc cuời !

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!

Tôi thích giòng nhạc cao nhưng khi tha thiết thì xuống ngậm ngùi bằng tiếng than         Ơi .        Tiếng Việt  ta, khi kêu than thuờng Trời ơi hay Chúa ơi, Phật ơi và cả mẹ ơi . Vì thế , lời         Nuớc ơi        của giòng nhạc ở Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!  rất não lòng
Lời tiếp theo   -như một lời nhăn nhủ    –        tiếng mẹ sinh thoắt ngàn năm thành tiếng nuớc tôi .       Chữ Thoắt ở đây, tôi cảm nhận như một nét chấm phá trong một bức hoạ .

Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Giòng nhạc vẫn thanh thoát mà đầm ấm , cao sang khi “tiếng ngang trời ” để rồi chùng xúông như tiếng vỗ về ” Những câu hò giận hờn khôn nguôi ” .  Vâng, yêu tiếng sáo diều ngang trời  và yêu những câu hò đối đáp giữa đêm trăng sáng giữa trai làng gái quê . Tôi thích chữ khôn nguôi . Đúng là lời đặc trưng của miền bắc,  khôn nguôi .   Nghe da diết thắm thiết hơn là chữ  không quên

Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn khôn nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Sau giai điệu khá cao nhưng thiết tha, nhạc phẩm chuyển sang giai điệu khác . Từng lời đuợc kể lể như tiếng thủ thỉ của mẹ già , thuớt tha như tiếng võng đưa sau hè :

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên

Nhạc sĩ đã -rất khéo léo -lại đưa vào giòng nhạc -môt tác phẩm nổi tiếng của văn học nước nhà –    Truyện Kiều !  Ví von câu hát lẳng lơ như tiếng sáo diều -theo tôi -rất tài tình. Ai mà chẳng biết Kiều -có phần lẳng lơ ? Có chút lẳng nên Kiều đã dám leo rào qua với Kim Trọng . Nhưng ..ví lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta làm tôi thú vị . Tôi  trộm nghĩ , hẳn là ‘làng ta ‘ -với tiếng sáo diều của một anh chàng mục đồng nào đó đã quyến rũ đuợc một cô gái quê . Vâng, nếu tiếng hát Trương Chi diễm tuyệt đã nao lòng tiểu thư lầu son gác tía thì tiếng sáo diều của trai làng cũng đã rung động cô gái quê . Há chẳng phải  là tiếng sao diều lẳng lơ đó ư ?

Qua đoạn sau , vẫn giòng nhạc muợt mà và lời ca trữ tình . Lời ca vẽ ra một  giải đất Việt Nam yêu dấu –    nằm phới phới bên bờ biển xanh !

Nếu như đoạn truớc , chữ   nổi trôi    gợi hình bao thăng trầm dâu bể thì đoạn này, chữ  phơi phới  lột tả hình ảnh tươi mát xinh đẹp của quê hương . Nhìn quê hương và ví như một cô gái xinh đẹp nằm phơi phới , quả là chỉ có người nhạc sĩ bao năm lăn lộn đi suốt cả chiều dài đất nuớc !
Rồi tiếp theo là cả một hùng ca với  “Ruộng đồng vun sóng ra Thái bình ! “ Yêu biết bao những lời tình ca ấy. Tâm hồn người dân Việt nô nức, tự hào khi thấy quê hương nhìn trùng dương hát câu no lành ! ai có thể viết đuợc lời hùng vĩ  “Vun sóng ra Thái bình”  như Phạm Duy?

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành

Một lần nữa, giòng nhạc rực rỡ , như một khẳng định hai với hai là bốn     ” Đất nuớc tôi ”      và rồi trầm giọng nhưng kiêu hãnh   ” Dãy Trừơng Sơn ẩn bóng hoàng hôn ! ”   Tôi thích biết bao khi đuợc nghe điệp khúc khẳng định Đất nước tôi , đất nuớc tôi ..!

Với tất cả chúng ta, khi học lịch sử , từng biết đến dãy Trừơng Sơn và nhạc sĩ, một lần nữa lại khéo léo đưa địa danh ấy vào giòng nhạc quê hương . Những lời sau, đem đến cho chúng ta niềm tự hào dân tộc bát ngát !Từ đất miền tây , núi rừng Bắc đến lúa miền Nam. Tôi thú vị khi thấy như cả một môn địa lý trong Tình ca !

Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

Những lời sau làm lòng tôi não nuột vì xúc động . Vâng, quê hương tôi với ba miền yêu dấu , mỗi miền một vẻ đã đóng góp cho Việt Nam môt nét riêng , vô cung riêng và tôi tư hào biết bao . Nhạc sĩ thật đã hiểu thấu đáo vô cùng về mỗi vùng đất để viết nên nhưng câu diễm tuyệt

–   Biết ái tình ở giòng sông Hương !    Vâng, ai không biết Huế đa tình lắm Huế ơi ?
–    Sống no đầy là nhờ Cửu Long  !    Vâng, vựa lúa gạo của quê hương tôi chính là miền Nam yêu quý , là giòng Cửu Long bồi đắp mầu mỡ cho ruộng đồng !
–    Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong .  Vâng, ai không biết sông Hồng thuờng ngập lụt và con sông đỏ mầu máu đang ngóng chờ ?

Chỉ ba câu cho ba giòng nhạc đã gợi lên cho người Việt đủ ba miền yêu quý  Nam Trung Bắc, tượng trưng cho ba miền là ba con sông: sông Hương,sông Hồng và Cửu Long . Thật tuyệt .

Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Giòng nhạc trở lại trữ tình,thủ thỉ . Những tâm tình nhân bản,  đầy ắp tình người , như thuờng thấy trong hầu hết tình ca của Phạm Duy :

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

Từ lúc thầm thì to nhỏ, tôi yêu đất nuớc tôi từ khi mới ra đời bằng tiếng mẹ ru hời , yêu câu hát Kiều lẳng lơ , rồi yêu đất nuớc xinh đẹp với ba giòng sông , mơ uớc Nam Trung Bắc xếp hàng  , nhạc sĩ bắt đầu đi đến hình ảnh cụ thể : bác nông phu !    Nhạc sĩ không nói đến nhà nho mà lại là bác nông phu !     Bác nông phu , không hề thê thảm với áo rách vai mà  là hào hùng với   mình đồng da sắt .  Ai mà không xúc động truớc sự ca tụng này , dành cho những con người vùng quê , đem no đầy đến cho tất cả chúng ta.  Bác nông phu vài ngàn năm đứng trên đất nghèo !  Tuyệt  ! Làm sao nhạc sĩ tài hoa lại phóng ra đuợc lời “Vài ngàn năm “. Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo ! Xứng đáng chăng cho chúng ta nghiêng mình truớc  sự  hy sinh  vô bờ , nỗi vất vả gian lao của bác nông phu, của những mẹ quê chỉ biết cần lao ?

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi!

Sau hình ảnh cụ thể về nguời xứng đáng được ca tụng là “bác nông phu “, nhạc sĩ đã làm nức lòng người nghe, nguời dân Việt bằng niềm tự hào về những con người đã làm nên lịch sử : những vị anh hùng của các giòng họ Lý Lê Trần ! Nhạc phẩm, bây giờ , lại như một bài lịch sử !     Nhạc sĩ đã không ngừng ở qúa khứ với Lý Lê Trần  mà hướng đến tương lai với câu     ” và còn ai nữa ‘      Vâng, thế hệ trẻ khi nghe hát đến đoạn này, sẽ cảm thấy nức lòng để muốn dấn thân làm một cái gì đó cho quê hương , để góp vào  trang lịch sử oai hùng của dân tộc cùng với Lý, Lê, Trần  ! Ngày xưa, khi còn bé, nghe đến  đoạn này, tôi đã xúc động khóc ròng. Ôi quê hương tôi !

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Đoạn kết là lời tình tự cho quê hương , bình dị ” vì yêu, yêu nuớc, yêu nòi ” .

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài Tình Ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa!

Tình ca, một nhạc phẩm viết về quê hương rất tuyệt của Phạm Duy, bao gồm cả địa lý, lịch sử , văn học . Nhạc phẩm đã phả vào lòng người Việt niềm tự hào dân tộc, nỗi buồn vui của một đất nuớc với bao thăng trầm , đã khơi dậy tình yêu quê hương , một  thứ tình cao cả nhất trong mọi thứ tình !

Viết tại Rừng Gió mùa thu 2004

Hoàng Lan Chi

Tình Ca  

Tác Giả: Phạm Duy – Trình Bày: Thái Thanh

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi, tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn khôn nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai

Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong

Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi xây đắp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi!
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần… và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài Tình Ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa!

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc. Bookmark the permalink.