Nước Mỹ và Pháp
Nước Pháp và nước Mỹ, đôi khi tôi so sánh và tự hỏi, tôi thật sự nghĩ gì về hai nước này? Hôm nay, câu hỏi đó lại lởn vởn trở về khi một người bạn chuyển tiếp bài “Những cái nhất của nước Pháp” ( Bài này tôi bị đọc lần này là lần thứ 4!)
Không chối cãi là tôi bị ảnh hưởng văn hóa Pháp. Lý do dễ hiểu: Thuở trung học, tôi học Pháp Văn là sinh ngữ chính trong bẩy năm. Bố mẹ chọn cho ba đứa lớn, đẻ ngoài Bắc, học sinh ngữ Pháp có lẽ vì các cụ giỏi tiếng Pháp. Thật vậy, mẹ tôi kèm chúng tôi về Pháp văn. Thời tôi, Gia Long còn tuyểnbẩy (7) lớp Pháp và bẩy (7) lớp Anh. Sau đó số lớp Pháp giảm dần. Anh văn giờ đây là ngôn ngữ quốc tế.
Vì học Pháp văn nên thuở nhỏ tôi có cảm tình với văn hóa Pháp. Giống như mọi người thuở ấy, tôi thích Notre Dame, thích lá vàng rơi trên những pho tượng trong vườn Lục Xâm Bảo, thích giòng sông Seine, thích Ga Lyon đèn vàng…Ngày đó, tôi cũng nghĩ rằng Pháp lịch sự, văn minh. Paris thuở ấy là kinh đô ánh sáng, thời trang. Trong khi đó, Mỹ như một anh “nhà quê” mới giàu nổi. Thời gian trôi qua, bao diễn tiến, bao sự kiện và giờ là lúc tôi cảm thấy không còn thích Pháp như ngày xưa nữa.
Sau hiệp định Geneve, Hoa Kỳ thay chân Pháp ở Đông Dương. Liên Hiệp Pháp mất dần ảnh hưởng. Từ đó có vẻ như Pháp rất thù Mỹ. Pháp luôn tìm cách “phá đám” Mỹ nếu có cơ hội. Mỗi khi có một sự việc có tính cách quốc tế thì ngoài Anh, Hoa Kỳ chỉ còn trông mong “đồng minh” ở Canada, Úc, Tân Tây Lan…
Tôi không đi sâu vào vấn đề nhưng thử nghĩ mà xem, sau đệ nhị thế chiến, Liên Hiệp Quốc được thành lập và hầu như Hoa Kỳ phải đảm trách nhiệm vụ giữ gìn an ninh thế giới. Sự thực hiển nhiên là các quốc gia không thể sống một mình mà giữa các nước có sự tương quan liên đới. Thế giới có thể ví như một khu phố nhỏ. Phải có chủ khu phố để duy trì an ninh chung. Hiểm họa cộng sản đã khiến Hoa Kỳ tốn bao nhiêu công và của để Nga Sô sụp đổ, bức tường Bá Linh vỡ. Sự thí quân (VNCH) đã khiến Hoa Kỳ tiếp tục trách nhiệm với quốc gia nhỏ bé này qua chương trình vẫn được dân chúng gọi là “H.O”. Trong chiến tranh Việt Nam, đồng minh của Hoa Kỳ chỉ có Anh, Tân Tây Lan, Úc, Đại Hàn là “nồng nhiệt” nhất. Kẻ đáng trách chính là Pháp. Về mặt khác, chính phủ Pháp dung dưỡng một số lớn những người Việt thiên tả. Điểm mặt một số trí thức của cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng”, nổi bật nhất chính là BS Dương Quỳnh Hoa, y khoa Paris.
Việt Nam Cộng Hòa thì khốn khổ vì đối phó với chiến tranh du kích và “kẻ thù” chính là người cùng nòi giống, tiếng nói, diện mạo. Hoa Kỳ thì khốn khổ vì vừa phải gìn giữ trật tự thế giới đối với kẻ thù của nhân loại là cộng sản vừa phải đối phó với sự phá hoại ngầm của Pháp và cả những “phá hoại” ngớ ngẩn, ngu xuẩn từ đám “Hồi Giáo quá khích”. Ai đó nói rằng tư bản Mỹ tìm cách tiêu thụ vũ khí còn sót lại từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Cũng ai đó cho rằng Mỹ sản xuất vũ khí mới và cần nơi thử nghiệm. Thì cứ cho như thế đi nhưng nếu bọn Bắc Việt không tuân theo quan thầy chúng, tấn công miền Nam thì có điều kiện cho Mỹ làm những điều đó hay không?
Trong đợt bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2012, quả tình chưa bao giờ sau bầu cử mà vẫn còn chỉ trích dành cho chính tổng thống đắc cử. Một ngày tôi vẫn nhận khá nhiều bài về đề tài này.
Trong lòng tôi có chút bâng khuâng. Dường như đa số khối người Việt cao niên, có kinh nghiệm xương máu với cộng sản, hoàn toàn không chấp nhận đường lối mị dân và khuynh hướng xã hội của Obama. Giới trẻ Hoa Kỳ, như tuổi trẻ Việt Nam ngày xưa, ắp đầy lý tưởng đã ngộ nhận về cái “công bằng xã hội”. San bằng bất công là điều đúng nhưng có thể san bằng tuyệt đối không? Theo tôi câu trả lời là KHÔNG. Từ lọt lòng đã là bất công. Tại sao đứa trẻ này đẹp, đứa kia xấu. Đứa này lành lặn, đứa kia khiếm khuyết. Đứa này thông minh, đứa kia ngu dốt. Đứa này chăm chỉ, đứa kia lười biếng. Đứa này có trách nhiệm, đứa kia phủi tay. Như vậy tại sao những người thông minh tài giỏi siêng năng phải è cổ làm việc, kiếm tài sản cho xã hội để chỉ được hưởng (10) còn bọn lười biếng thì hưởng (8), nhân danh “san bằng” bất công?
Ngày vc vào thành phố, phải học tập chính sách mới, thấy bọn chúng chửi rủa tư bản bóc lột, đề cao giai cấp công nhân, tôi tức điên cả người. Một ông chủ phải làm việc chăm chỉ, dành dụm vốn, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi cách kinh doanh trong khi một tên công nhân rong rêu chơi bời từ nhỏ, chả có bằng cấp gì mà bây giờ người chủ phải trả lương thật cao cho hắn sao? Hay người chủ phải đóng thuế thật nhiều để xã hội nuôi vợ hai, vợ ba của hắn? Nếu vậy khi nhà máy lỗ lã thì ai chịu? Cuối ngày, cuối tháng, công nhân làm gì? Còn người chủ, đêm về có ngủ yên không, cuối tháng có ngủ kỹ không hay lúc nào cũng bận rộn tính toán để duy trì công ty? Tất nhiên số người chủ bóc lột công nhân cũng có, số công nhân tử tế vẫn có nhưng nhìn chung, tôi không chịu được cái kiểu của cộng sản tuyên truyền. Bây giờ thì tuổi trẻ Việt Nam ngày xưa hẳn đã mở mắt khi thấy bọn lãnh tụ, bọn cầm đầu đảng giàu như thế nào và cách thức chúng cai trị đất nước như thế nào. Hơn 30 năm trôi qua và nền kinh tế Việt Nam cộng sản tiến được bao nhiêu…Người dân được những quyền tối thiểu nào.
Obama nói riêng và Đảng Dân Chủ nói chung có vẻ có khuynh hướng hao hao cộng sản. Trong chừng mực nào đó, tôi đồng ý với đường lối của Đảng Cộng Hòa: đó là để dập tắt chiến tranh là phải gây chiến tranh. Phải đánh bọn quá khích trước, không ngồi đó chờ chúng đến bỏ bom hay đánh mình rồi mình mới tự vệ. Tôi cũng không chịu nổi khi thấy rằng trên thế giới vào thời buổi hiện nay mà còn tồn tại những “Hồi giáo quá khích” coi phụ nữ như nô tì. Càng không chịu nổi với lũ cộng sản độc tài đảng trị ăn trên ngồi tróc bao người dân.
Nếu hiến pháp Hoa Kỳ không chế tài hai nhiệm kỳ thì có lẽ tương lai Mỹ cũng sẽ giống Châu Âu chăng dưới sự cào phẳng giai cấp của đảng Dân Chủ? Lúc đó Mỹ cũng giống xã hội Pháp, như lá mail của người bên Pháp chăng? Tôi có đọc mail từ một người ở Pháp. Họ khoe rằng nước Pháp là tốt nhất thế giới vì làm việc không quá cực khổ, vì trợ cấp xã hội cao, vì y tế miễn phí gì đó. “Nước Pháp của tôi nhất vì thất nghiệp được ăn trợ cấp 2 năm rưỡi”. Tôi tự hỏi người viết mail ấy có nhìn vào thực trạng sau đây không: nếu không có Hoa Kỳ thì Pháp bị nuốt vào tay cộng sản, mọi tiện nghi xã hội của Pháp thua Mỹ, mọi tiến bộ y khoa cũng thua thì phải. Để giàu có, để được như hôm nay, để có những phát minh như internet cho thế giới hưởng thụ, thì có phải Mỹ làm việc tà tà như Châu Âu đặc biệt là “nước Pháp của tôi” như nhân vật đó viết không?
Tôi không nghĩ là trong một xã hội mà người thông minh tài giỏi chăm chỉ vắt óc ra suy nghĩ, làm việc và chỉ được hưởng hơn một người ngu si, lười biếng chút đỉnh, lại có thể có những tiến bộ vượt bực được.
Giờ này, tôi không thích Pháp như xưa nữa. Tôi thích chế độ dân chủ của Hoa Kỳ, tôi thích Cộng Hòa vì tôi chủ trương như Cộng Hòa: cho tụi quá khích vào vạc dầu, đuổi bọn cộng sản xuống mười tầng địa ngục!
Có vẻ như tôi cũng đang “quá khích” thì phải!
Hoàng Lan Chi