Paris Có Gì Lạ Không Em?

Câu hát từ một nhạc phẩm đã nhanh chóng phổ biến trong giới thưởng ngọan nhất là sinh viên, học sinh của thập niên bẩy mươi. Tôi cũng không ngoài ngoại lệ. Tuổi nào cũng có một số sở thích giống nhau mà. Sau này tôi nghịch ngợm viết “Virginia có gì lạ?” hay “DC có gì lạ?”…Còn Paris, Paris vẫn lạ lắm dù Paris có nhiều gắn bó.

Đầu tiên phải kể văn hóa. Cha tôi cho ba đứa con lớn học sinh ngữ Pháp văn. Khi vào Gia Long, tôi học đệ thất 14. Từ đệ thất 1 đến 7 là các lớp chọn sinh ngữ chính là Anh văn, từ 7 đến 14 là lớp Pháp văn. Năm tôi vào Gia Long, chúng tôi học Mauger I, II, I II và IV từ đệ thất đến đệ nhất. Bẩy năm sinh ngữ chính là Pháp văn thì đủ biết văn hóa Pháp đã ở trong máu huyết chúng tôi như thế nào.

Chúng tôi quen thuộc với Paris, với Lyon, với Marseille… Đến giờ phút này, tôi vẫn còn nhớ những bài hát tuổi nhỏ trong các cuốn Mauger như “Dans le jardin de mon père”, “Chevalier”, “Il était un petit navire”….

Thứ hai là… người yêu dấu của tôi ở đấy. Từ năm 2000, khi làm quen net, bài tôi viết về “mối tình” say đắm của tôi với GS Phạm thị Nhung được nhiều netter tha đi khắp nơi. Tóm tắt là tôi khá Việt văn và tôi mê cô Nhung vì cô đẹp, dậy hay! Hồi đó học sinh thần tượng thầy/cô giáo là chuyện thường. Chả bù bây giờ, văn hóa … lộn xộn khiến học sinh cấp hai và ba trong nước không còn như chúng tôi thời xưa. Họ không tôn trọng hay thần tượng thầy dậy mà có khi còn ngược lại. Thôi chả nói nữa. Đã có lần tôi viết rằng tôi căm ghét VC vì chúng đang làm hư hỏng cả một thế hệ trong nước.

Cô Nhung ở Paris nhưng đến giờ phút này tôi vẫn chưa có dịp sang đó. Nhiều lý do mà lý do tài chánh là nặng ký nhất!

Và với tôi Paris vẫn là:

Những chiếc lá vàng rụng đầy trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo (thời tôi đã dịch là Lục Xâm Bảo)
Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi mỏng manh buồn…

Kỳ lạ, tôi là người thích tình ca quê hương, hùng ca quê hương và thi ca quê hương nhưng tôi lại không ghét nước Pháp vì cả trăm năm đô hộ! Không giải thích được. Có thể, có thể thôi nhé, bị nhồi sọ văn hóa Pháp chăng? Hay vì tôi ngưỡng mộ kiến trúc mà Pháp đã xây ở Việt Nam như Tòa Đô Chánh, Bưu Điện, Nhà Thờ Đức Bà?

Không ghét nước Pháp và tôi vẫn yêu tài tử Pháp như Michele Mercier, bài hát Pháp như “La plus belle pour aller dancer”, “Que sera sera”, “Tous les garçons et les filles”… Năm 2006, tôi nảy ra ý tưởng thực hiện chương trình phát thanh những nhạc phẩm ngọai quốc lừng danh một thời. Tất nhiên tôi chọn giới thiệu nhạc Pháp trước!

Nhưng công việc lúc bấy giờ ở sở quá nhiều nên tôi cầu cứu nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tôi nỉ non: “Anh ơi, anh là người chịu ảnh huởng Pháp nhiều như em vậy. Anh giúp em đi vì anh còn kiến thức âm nhạc và anh nhớ những bài nhạc Pháp xuất hiện ở Việt Nam trước 75 ra sao. Chứ em lo đi học mà đâu có biết vũ trường là gì?”

Nỉ non chưa chắc khéo nhưng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nhận lời vì tình nghĩa. Trước đó, tôi dành bao tâm huyết thực hiện chương trình Hà Thanh-Nguyễn Văn Đông , có tiếng vang khá rộng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã phải ghi tên ở thư viện Văn Hóa Pháp để tìm tài liệu và viết cho tôi. Viết được vài script thì ngưng vì tôi không thực hiện chương trình đó nữa. Năm 2008, tôi bớt bận và đem script ra thực hiện! Không thể tưởng được là chương trình “ăn khách” dữ dội! Mail được chuyển tiếp đi đến nhiều người lạ. Rồi netter ‘kiện’:
– Tôi không mở được.
– Tôi già không biết làm sao nghe. Chị gửi CD sang Úc cho tôi được không?!
……

Nhà văn Văn Quang dù bận rộn với “Lẩm cẩm thiên hạ sự” mà cũng mail:

Lan Chi ơi,
Đã nghe những bản nhạc Tây xưa rồi, rất hay. Có lẽ bây giờ những người có tuổi và thuộc thế hệ cũ VN và nhất là có tí chữ nghĩa “phú lăng sa” vẫn còn đắm đuối với những nhạc phẩm như thế.

Đến cả dân Pháp kỳ cựu là Chủ tịch Đại Việt Quốc Dân Đảng Phan văn Song … cũng thích. Anh viết cho tôi:

Lan Chi thân,
Có dịp sang Virginia sẽ mời Lan Chi đi nghe Nhạc Pháp để LC “đắm đuối”. Anh có một lố anh em bạn già “dân trường tây” đã một thời “trồng cây si” trước cổng Gia Long, nhưng vẫn “thật thà” không biết dân Gia Long “đắm đuối” nhạc Pháp.

Chỉ vì khi anh khen chương trình hay quá, tôi nói rằng, tôi “đắm đuối” nhạc Pháp!

Tôi… “dụ dỗ” nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tiếp tục sưu tầm và viết script cho tôi thực hiện! Anh Đông trả lời “ Anh già rồi, sức làm việc không theo kịp cô đâu!” Hì, thế là:

…nhạc Pháp của tôi chết yểu!

Không sao. Bao giờ bớt bận, tôi sẽ tiếp tục!

Paris sắp tới có lạ! Vì Đại Hội Gia Long Thế Giới kỳ IV, do Hội Ái hữu Gia Long Ấu Châu (HAHGL Âu Châu) đảm trách, sẽ tổ chức tại Ile de France vào giữa tháng sáu tới đây.

Sáu bẩy năm về trước, ĐHGLTG kỳ I được tổ chức tại Paris, do Hội Aí Hữu Gia Long PARIS thực hiện, đã được “người đẹp của tôi”, GS Phạm Thị Nhung tiếp tay. Hy vọng ĐHGLTG 2009 Cô vẫn có mặt bên cạnh các bạn HAHGLAC.

Tôi phải mua vé số cầu may từ bây giờ. Nếu trúng, sẽ sang Paris để được diện áo lụa tím của cô Nhung vẽ tặng, dự ĐHGLTG ,và để thỏa nguyện ước:

Paris không còn lạ nữa đâu em!

Hoàng Lan Chi
( GL 1960-67)

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.