Mùa Tựu Trường
GT bài “Tôi đi học” viết riêng cho Thế Giới Mới (Texas) . Bài trích đăng từ Thế Giới Mới số tháng 8/2013
Tôi Đi Học
Hoàng Lan Chi
Chỉ còn chưa đầy một tháng là tựu trường.
Tôi lẩn thẩn nhớ đến bài văn của Thanh Tịnh mà đứa nào trong thế hệ chúng tôi cũng thuộc! Ô chẳng qua là bài ấy nằm trong chương trình nên ai cũng phải học. Thật tình bây giờ tôi cũng chẳng nhớ đến Ngày Khai Trường đầu tiên của mình như thế nào. Chắc chắn là nó chả thơ mộng theo kiểu trời cuối thu với lá vàng bay bay rồi mẹ dắt tay dắt chân gì cả.
Này nhé, vào năm 1954 khi mới di cư vào Nam thì chúng tôi trú ở vùng Phú Nhuận. Tôi còn nhớ ngôi trường đầu tiên là Võ Tánh ở gần ngã tư Võ Di Nguy. Đường ấy thì không có bóng cây gì cả lại còn hẹp và xe cộ ồn ào, bụi mù. Hồi ấy, mùa tựu trường ở Sài Gòn vẫn còn nóng thấy mồ tổ chả thấy lá vàng rơi gì hết. Cha thì phải đi dạy tuốt Sóc Trăng để kiếm tiền nuôi cả nhà. Mẹ và chị lớn cùng đứa em kế thì ở Cây Quéo. Tôi, con bé không mồ côi mà lại như như mồ côi ấy, không được ở nhà mà phải đi ở trọ nhà các cô ruột. Ngày ấy tôi đi học chung với cu Cường, con út một bà cô ruột. Vì thế tôi không có mẹ dắt tay mà chỉ có chị người làm đưa hai đứa chúng tôi đi ngày đầu tiên. Còn những ngày sau thì có lẽ tôi dắt tay cu Cường thì phải.
Kỷ niệm của những ngày đi học ở miền Nam mưa nắng hai mùa là mấy đứa con nít ranh cùng lớp cứ thế này hát chọc tôi “Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông ăn hồng cả hột!”. Tức điên cả người mà có oánh được đứa nào đâu. Chả là vì tôi giống ai không biết nhưng có nét “lai lai”. Vì thế, lũ ranh hát như vậy. Bây giờ cũng có người hỏi tôi là chị có lai không vậy! Thiệt cái tình!
Sau mấy chục năm không làm học trò thì năm ngoái tôi trở lại “xách giỏ” đến trường. Nói “xách giỏ” là chính xác đấy. Cặp đâu mà xách cơ chứ. Thật ra tôi đi học ở “college” ở VA trước. Trường Nova ở VA thì khá đồ sộ, đẹp. Hồi đó tôi ghét bàn học của Nova lắm. Đi học thì có sách, bút và thêm vài thứ linh tinh lang tang chứ có phải đi họp hội nghị đâu mà sắm bàn theo kiểu đó? Ngồi học với bàn kiểu ấy thiệt là khó chịu. Khi về Quận Cam, may mắn là bàn học khá dài. Tuy vậy, tôi vẫn ao ước phải chi bàn học ở Mỹ có ngăn như ngày xưa nhỉ. Có ngăn thì mình dễ để vài thứ vào đó và lấy ra cũng dễ dàng hơn. Đằng này muốn lấy gì lại phải cúi xuống mò trong giỏ!
Lớp học bên Mỹ có cái thú vị là sỉ số không kinh khủng như ngày xưa tôi học trung học. Giời ơi, tôi nhớ Gia Long mỗi lớp có đến 50-60 học sinh thì phải. Ơ mà trung học Mỹ có vậy không nhỉ? Cũng chả biết nữa vì tôi đang học “college” cơ mà? Nhưng ngày xưa đại học của tôi cũng đông lắm, nhất là các chứng chỉ dự bị tức năm thứ nhất. Cả một giảng đường dễ đến mấy trăm sinh viên thì phải. Các chứng chỉ chuyên khoa thì ít hơn nhưng với các chứng chỉ chính thì vẫn đông nghẹt cái giảng đường nhỏ.
Bây giờ đi học tôi vẫn có ý thích y như ngày xưa: ngồi đầu bàn nhì. Muốn thế thì cả hai tuần lễ đầu tiên cứ phải đi sớm giành chỗ. Tại sao ư. Thì college là ai muốn ngồi đâu thì ngồi nhưng nếu cứ cố định một chỗ thì sau hai tuần lễ, tự động cả lớp cũng không ai giành “chỗ của mình” cả. Y phục ở đây thì cũng giống Việt Nam: lớn rồi không còn đồng phục nữa. Tôi chưa có dịp quan sát các lớp college thực thụ của bọn trẻ vì tôi đang học ESL cơ mà.
Nói đến ESL thì tôi thấy có nhiều vị “dỏm”, dỏm ghê lắm cơ. “Dỏm” vì dấu nhẹm, sợ nói là trình độ Anh văn mình kém là quê lắm. Tôi chả hiểu. Tôi nói thẳng vì tôi tự tin vào mình. Tôi vẫn viết rằng, ngày xưa tôi học Pháp văn bẩy năm và chỉ có ba năm cho Anh văn ở thuở trung học Gia Long mà thôi. Tất nhiên ngưng cả hai khi vào đại học. Sau 1975, cứ lai rai học theo kiểu một năm (1984) vài tháng (2000) là hết. Qua Mỹ thì chúi đầu đi kiếm sống và cũng toàn làm trong cộng đồng Việt nên cũng chả có tiếp xúc gì với người Mỹ. Vì thế Anh văn dốt và bây giờ mới học ESL. Như thế thì có gì mà phải quê chứ nhỉ?!
Sách học ở Mỹ sao mà đắt thế. Mỗi cuốn cả mấy chục đồng. Tôi ghét sách Mỹ vì in giấy dày làm ôm nặng thấy mồ. Sao không in giấy vừa phải thôi nhỉ?! Cái xứ giàu có thật là phí phạm ghê.
Lại còn vụ điểm danh nữa chứ. Ô mà ngày xưa vài đại học ở Sài Gòn như Khoa Học, Luật hay Văn khoa thì chả ai “điểm danh” cả. “Colleg” Mỹ thì có điểm danh và kiểm soát y như trung học, thấy cũng vui vui.
Trong lớp có một bảng ghi nội dung là tắt cell phone và không được ăn uống trong giờ học. Khoản không ăn thì có vẻ mọi người tôn trọng. Khoản cell thì cứ bị “quên”. Tôi rất bực mình với những người hay “quên” này. Có mỗi việc học cách chuyển cell sang chế độ “rung” mà có vẻ như khá đông cao niên cứ quên. Thật kỳ cục. Nếu đó là học sinh gốc Việt, sự bực bội của tôi tăng gấp đôi. Thì “tự ái dân tộc” mà!
Học ở Mỹ, theo tôi cũng không khó lắm. Tại vì tôi so sánh với thời xưa của tôi đấy thôi. Ngày đó, chúng tôi phải học sáng thực tập, chiều lý thuyết. Cuối năm mới thi. Trí nhớ của chúng tôi thời đó bị mòn mỏi vì sử dụng theo kiểu như thế. College bây giờ của Mỹ thì chia thi cử làm nhiều đợt và nghỉ giữa “term” khá nhiều. Mỗi “term” chỉ mười sáu tuần. Thi cử kiểu này hay hơn là dồn bài vào cuối năm thi một lần.
Tôi chỉ mới đi học được hai terms thôi, vị chi bốn vị “teacher”. Ấy thế mà vị nào cũng “biết”, “biết” theo kiểu đặc biệt ấy. Có gì đâu, “student” đặc biệt mà. Đặc biệt vì …học trò này hành xử “giống như” một cô giáo ngoài cái khoản học chăm và giỏi! Thì cũng méo mó nghề nghiệp cũ. Nghĩa là tôi soi mói về phương pháp dậy của các “teacher”. Sau đó còn viết mail phê bình, nhận xét nữa cơ đấy. Và cũng vì là một loại “student” đặc biệt nên có lần tôi cứ thế mail qua lại với một “teacher”. Vốn liếng Anh văn chưa được một dúm mà dám tranh luận như vậy đấy. Bà giáo này cũng “ớn” tôi quá, qua chapter sau, bà mail hỏi tôi là “Cindy – what do you think now? Does the structure of “3 reasons, each followed by explanations “make sense to you?”. Nghĩa là ý bà hỏi, cái Structure mà bà mới giải nghĩa, tôi chấp nhận chưa?! Chỉ vì cái trước tôi không đồng ý với bà! Tuy thế, vị giáo sư này lại là người mà tôi yêu mến nhất vì bà dạy hay và tận tâm. Tôi có viết một bài báo về bà và Thế Giới Mới cũng để trên online. Một hôm, tôi gửi mail cho Chủ Bút một tờ báo của college yêu cầu đăng bài này.
Chủ bút trả lời tôi như sau:
Hi Cindy,
Thank you so much for your very nice message.
It’s great that you are so enthusiastic about your instructor! Coastline has so many wonderful instructors, and I love reading student feedback about my amazing colleagues. When you get to English 099, please take my class! I can tell that you are a dedicated and hard-working student.
The last Academic Senate News and Views for the year came out a few days ago, so I’m sorry to say that I can’t feature this is that particular newsletter.
However, I’m sharing your message with the ESL Program Coordinator (Prof. Kuntzman) and the Director of Marketing and Public Relations (Michelle Ma) for their consideration.
Anyway, thanks again, and have a great day and a great weekend ahead!
Khi nhận, tôi tủm tỉm cười vì câu “When you get to English 099, please take my class! I can tell that you are a dedicated and hard-working student”. Thấy chưa, người ta thích có tôi là học trò của họ đấy nhé!
Mỗi tuổi đi học có một thú vị khác nhau.
Tôi cũng “nôn nao” khi sắp đến “ngày khai trường” vậy!
Hoàng Lan Chi