Bài trích từ mục Chia Sẻ của nguyệt san Bút Tre-Arizona
Tiếng Việt có những nhóm từ ghép rất hay, Học Hành là một. Sau khi Học thì phải Hành. Tuy vậy coi bộ Hành khó nên số người Học vẫn nhiều hơn chăng? Hôm nay tôi xin chia sẻ với các bạn một vài cái Hành của tôi nhé.
Số là thuở bé tôi là dạng người “timite”. Rất nhút nhát. Kể cả năm mười bốn tuổi, học đệ tứ tức lớp 9 mà còn nhát ghê lắm. Trong lớp tôi không hoạt động gì cả, mỗi khi bị cô gáo kêu thì trống ngực đập liên hồi và nói thì nhỏ híu hìu hiu. Dường như tôi làm quen với cuốn “Đắc Nhân Tâm” của Dale Cargenie từ năm này. Đệ tứ là năm thi Trung Học, tôi bận học nhưng cũng ráng dành thì giờ ngốn Đắc Nhân Tâm.
Tôi không nhớ chương nào của Đắc Nhân Tâm đã biến tôi từ một người nhút nhát trở nên bạo dạn. Có lẽ cũng liên quan đến vấn đề “Sức Mạnh của Tư Tưởng” mà tôi đã viết trước đây. Cũng không nhớ đến lúc nào, dường như năm đệ tam thì phải, tôi cảm thấy “bực mình” với cái tình nhát trước đám đông của mình. Tôi nghĩ cách “trị” nó! Tôi tự nhủ nhiều lần những khi ngồi một mình “Không nhát, không nhát nữa. Không việc gì phải sợ. Không ai ăn thịt mình cả. Cứ hét lên”. Rồi một hôm, khi giáo sư gọi, tôi nắm chặt bàn tay để khỏi run và nhắm mắt nhắc lại bài tự kỷ ám thị. Tôi tưởng tượng như mình đang hét to và tôi “hét lên”. Trả bài xong và ngồi xuống, (sau khi tự nhủ “cứ hét lên” rồi tưởng như mình hét thật), tôi quay qua hỏi cô bạn “Bồ có thấy tui hét to không?” “Không, nghe vừa á. Còn hồi đó bồ nói nhỏ xíu không ai nghe được kể cả tui!”. Trời đất ơi, tôi nhủ thầm “Mình ‘hét lên’ mà con ‘ả’ bạn nói như vậy đấy”! À hoá ra từ trước đến giờ vì mình run quá nên cứ lí nhí trong cổ họng và khi cố gắng không run nữa để tưởng tượng là hét lên thì coi như âm thanh chỉ vừa đủ nghe cho vừa lòng cô giáo!
Sau đó bạn biết điều gì xảy ra không? Tôi càng ngày càng dạn dĩ hơn, thậm chí năm đệ nhất tức lớp 12, một người bạn còn xúi tôi ra ứng cử Ban Đại Diện Trường nữa cơ đấy!
Khi lên đại học thì khỏi nói nhé, tôi đâu có sợ ai nữa khi gặp gỡ hay giao thiệp. Tôi làm quen với bác phụ trách một phòng thí nghiệm tỉnh bơ để nhóm chúng tôi được ông cho vào đó nghỉ trưa. Thật là sướng “rên mé đìu hiu” vì thời tiết nóng mà chúng tôi được nằm dài trong phòng có máy lạnh mát rợi. Tôi cũng “ngoại giao” với mấy vị “masculin” (con giai ý mà) học trên tôi và ngoại giao cả vài vị “thầy bà cấp nhỏ” (nghĩa là mấy ông giảng nghiệm viên dạy thực tập) để mượn “cours” (sách học) từ mấy vị này. Thật là một bước tiến vĩ đại phải không nào.
Càng ngày tôi càng dạn dĩ hơn. Dạn đến độ năm 1971, khi tôi vừa tốt nghiệp cử nhân xong, Ban Vật Lý Địa Cầu tổ chức Đại Hội và thầy Trưởng Ban, GS Nguyễn Hải, chỉ định tôi làm xướng ngôn viên. Bạn thử tưởng tượng nhé, tại một đại hội khoa học toàn là những dân “tai to mặt nhớn” trong giới “trí thức trí ngủ” mà tôi chả sợ gì sất, giới thiệu tỉnh bơ và lại còn “vặn vẹo” nêu câu hỏi với một vị khách mời (key note) là GS Thái Công Tụng nữa cơ chứ. Vài tháng sau, GS Khoa Trưởng Khoa Học đồng thời cũng là Trưởng Khoa Lý, ô Nguyễn Chung Tú, tổ chức Đại Hội Vật Lý và ông qua Ban Vật Lý Địa Cầu “mượn” tôi làm xướng ngôn viên. Đại Hội Vật Lý Địa Cầu thực hiện xong, tôi còn nhớ tôi đã hiên ngang một thân một ngựa đến hai nơi để yêu cầu đăng bài. Một là Thông Tấn Xã Việt Nam, tôi còn nhớ nằm trên đường Hồng Thập Tự. Đến xin đăng tin mà còn đòi gặp …Tổng Giám Đốc nữa cưa chứ! Thông Tấn Xã đăng ngay hôm sau. Nơi thứ hai là báo “Sống” của Chu Tử. Một người bạn của tôi có anh bạn làm ở đấy. Tôi đến gặp và người bạn hẹn vài ngày sau mới đăng được.
Rồi ngay sau 1975, khi vc về thành phố, tôi lại bị làm xướng ngôn viên cho đại hội toàn Khoa Lý. Mấy sinh viên ngồi trong giảng đường 1 bảo nhau “Ủa cô này nói giọng Bắc mà sao điệu quá vậy”. Sở dĩ họ nói vậy vì nghe giọng Bắc, họ tưởng lầm tôi từ Hà Nội mới vào nhưng ngó bên ngoài thì lại không giống người Hà Nội vì …điệu quá! Mở ngoặc giải thích thêm là lúc ấy dân “Bắc kỳ doón” từ Hà Nội vào thường ăn mặc rất quê mùa nên khi thấy tôi đúng “à la mode Sài Gòn” thì các sinh viên ngạc nhiên. Giời ạ, tôi là con gái “made in Sài Gòn” cơ mà nhưng gốc Bắc Kỳ chín nút thôi. ( Bắc Kỳ 1954).
Hơn hai chục năm sau, từ Việt Nam lò dò đến Virgnia, tôi tót đi theo Phó Giám Đốc Đài Phát Thanh Việt Nam Hải Ngọai ở DC, Đinh Quang Trung để xem biểu tình là thế nào (hôm đó biểu tình chống Phan Văn Khải). Bất ngờ hôm đó cũng có ông chồng bà Giám Đốc Đài đi theo. Ông này bất ngờ yêu cầu tôi và Đinh Quang Trung …tường thuật live về đài. Giá là người khác thì sẽ từ chối vì run và không chuẩn bị trước chứ gì, còn tôi thì miễn đi nhé. Đã có màn tự kỉ “Không sợ là không sợ. Không ăn cắp, ăn trộm, không làm điều xấu thì không việc gì phải sợ.” thì tôi tỉnh bơ tường thuật live về đài. Kết quả là sau đó Đài Việt Nam Hải Ngoại mời tôi cộng tác!
Đấy có phải là tôi “gặt hái” được khá nhiều kết quả nhờ áp dụng bài học từ Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie không nào? Bây giờ tôi nói đùa với các con là tôi chẳng sợ gì cả. Qua Mỹ lo học lái xe ngay và từ ngày có GPS thì tôi nói đùa như vầy “lên thiên đường hay xuống địa ngục tôi đều đi được tuốt mo miễn là có địa chỉ để set vô GPS”! Ngoài ra tôi cũng hay nói đùa là tổng thống Mỹ cũng cóc sợ nhé. (Nói nhỏ, coi vậy chứ còn hai thứ tôi vẫn sờ sợ là …ma và sâu đấy!)
Nào bây giờ thì xin các bạn thử Hành mấy cái Học xem nhé? Tôi vẫn đang cố gắng thực tập thêm những cái Học từ sách vở và cả bạn hữu chung quanh đấy chứ. Đời là học mãi không ngừng mà, phải không.
Hoàng Lan Chi 11/2013
Nếu có điều gì ích lợi muốn chia sẻ, hãy gửi cho hoanglecali. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút và báo biếu. Bài không được dài, khoảng 1300 words là tối đa. Có thể kinh nghiệm bản thân hay do bạn bè kể lại. Bài không đăng sẽ trả lại và xin miễn giải thích lý do.