Trò Chuyện với Cựu Đệ Nhất Tham Vụ Sứ Quán VNCH tại Nhật Bản ( 1975)

LGT: Trong chiều hướng tìm về Sài Gòn muôn năm cũ để người đã qua thì ôn lại, người chưa trải thì được biết, để so sánh một VNCH trước 1975 và một Việt Nam cộng sản sau 1975, chúng tôi trò chuyện với Ông Từ Trì. Ông hiện là Phó Chủ Tịch Văn Bút Âu Châu. Hội Văn Bút này đã tách rời Văn Bút Hải Ngoại của Hoa Kỳ. Du học Pháp, về nước 1964 giữ Giám Đốc Nha Viện Trợ (Tổng Nha Kế Hoạch). Năm 1975, ông là Đệ Nhất Tham vụ, Trưởng Phòng Kinh Tế Tài Chánh Xã Hội của Sứ quán Việt Nam tại Nhật. Xin mời nghe ông kể về VNCH của thời ông sống và phục vụ.

Từ Trì (giữa) tại Canada

HLC: Xin chào nhà văn Từ Trì. Được biết hiện nay ông là Phó Chủ Tịch Văn Bút Châu Âu. Đã từng đọc vài truyện ngắn của ông, HLC có cảm nghĩ vầy: từ hình thức đến nội dung phảng phất hình ảnh của một Tự Lực Văn Đoàn ngày nào. Tuy vậy hôm nay chúng ta nói chuyện về Sài Gòn của chúng ta nhé. Ông biết Sài Gòn khi nào?

Từ Trì: Tôi sinh trưởng ở Hà Nội và sau đó đi du học bên Pháp nên chỉ được biết Sàigòn vào tháng 11/1964 khi trở về phục vụ chính phủ quốc gia

HLC: Gia đình ông di cư năm 1954. Là một công chức, hẳn thân phụ ông di cư bằng phi cơ và mang được tài sản?

TT: Đúng vậy, cha mẹ tôi di cư vào Nam bằng phi cơ. Các anh em tôi thì phần lớn là vào Nam bằng đường hàng không. Nhưng tôi có một người em trai đi bằng tầu thủy, mà người ta gọi là “tầu há miệng” của quân đội Pháp.

Tài sản thì chẳng có gì nhiều để mang vào. Chỉ có cái nhà ở Hà Nội thì đành phải để lại.

HLC: Năm 1954, khi đất nước chia đôi và gia đình di cư vào Nam, ông đang du học Pháp. Cảm giác của ông lúc đó? Ví dụ, nhớ nhung Hà Nội và lo lắng cho gia đình ở miền Nam?

TT: Mất đi một phần đất nước, nơi mà mình đã chôn rau cát rốn ai không buồn. Nhất là Hà Nội với bao kỷ niệm êm đềm, nơi tôi học tiểu học ở trường Hàng Kèn và trung học Chu Văn An.

Tôi không lo lắng gì nhiều cho gia đình vì cuộc di tản năm 1954 được tổ chức trong trật tự và hiệp định Genève ấn định có tới ba trăm ngày để đồng bào đi lại tương đối dễ dàng. Tôi nói tương đối vì phe cộng sản Việt Minh làm đủ mọi cách để ngăn chặn không cho đồng bào ở nơi vùng họ kiểm soát ra đi.

HLC: Thời 1953, du học tự túc Pháp thì mỗi tháng được chuyển ngân thế nào? VC hoạt động ở Pháp rất mạnh. Ông có thể kể những “mời gọi, dụ dỗ” từ các hội thiên tả hay của cộng?

TT: Hồi tôi đi du học bên Pháp năm 1953 thì chính phủ cho gia đình những du học sinh tự túc được chuyển mỗi tháng 35, 000 quan. Vì hối suất thời đó là mỗi đồng bạc Đông Dương (hồi đó ba quốc gia Việt, Mên, Lào cùng chung một tiền tệ do chính phủ Pháp phát hành trong khuôn khổ “các quốc gia liên kết”) trị giá 17 đồng phật lăng. Do đó mỗi gia đình có thể chuyển hằng tháng 2058 đồng cho con du học bên Pháp. Nhưng không phải gia đình nào cũng có khả năng chuyển ngân tối đa như vậy. Tôi ở nội trú trong trường tiền ăn ở chỉ phải trả có 30 000 quan mỗi tam cá nguyệt quan nên gia đình tôi chỉ cần chuyển 2 nghìn đồng là tôi đủ sống trong 3 tháng.

Sau khi các gia đình người Bắc di cư vào Nam những sinh viên Việt Nam và các hội thân cộng thường đến o bế mời các sinh viên khác đi dự các buổi liên hoan, các trại hè nhưng chúng tôi từ chối vì chúng tôi thấy mình đã là nạn nhân của cộng sản thì làm sao mà giao hữu với họ được. Ngoài ra Tòa Đại Sứ VNCH cũng giúp đỡ các sinh viên bị gián đoạn với gia đình bằng cách cấp cho những người nào chưa được liên lạc với gia đình ở bên nhà 10 000 quan.

HLC: Trong thời gian ông du học, có xung đột nào lớn giữa sinh viên quốc cộng không?

TT: Trong thời gian tôi du học ít có những cuộc xung đột lớn vì phe cộng sản lúc đó chưa có sứ quán, chưa tổ chức chặt chẽ nên chỉ tìm cách lấy lòng phe quốc gia ở bên này thôi.

Ngoài ra chính quyền Pháp vừa thua trận ở Việt Nam nên còn “cay”. Cảnh sát Pháp thẳng tay đàn áp các vụ bạo động của phe cộng.

HLC: Được biết năm 1964, Tướng Trần Văn Đôn qua Pháp “cầu hiền”. Xin ông kể chi tiết?

TT: Năm 1964 Trung Tướng Trần Văn Đôn sang cầu hiền. Ông có mời sinh viên tới họp với ông tại Tòa Đại Sứ VNCH. Buổi họp rất thoải mái vì ông Đôn còn có tên Pháp là André Đôn tỏ ra rất hoà nhã cởi mở. Ông lại “đẹp trai” nữa” nên buổi họp được diễn ra trong vòng thân mật. Ông yêu cầu những anh chị em nào đã tốt nghiệp thành tài rồi nên về phục vụ đất nước. Ông nói là chính thể mới rất dân chủ, nhân dân hoàn toàn tự do. Ông còn nói đùa là lệnh cấm khiêu vũ của bà Nhu đã bị hủy bỏ nên dân Sàigòn nhẩy thả giàn khiến cử tọa phá lên cười.

Hôm ấy có vài người Cộng sản tới định mạt sát chính phủ miền Nam nhưng mỗi khi họ phát biểu ý kiến thì lại bị phe quốc gia la ó che lấp lời nói của họ. Họ đành chịu thua.

HLC: Qua điều ông kể, chúng tôi rất thú vị. Thú vị vì ít ra có một vị tướng đã biết sang Pháp cầu hiền. Lúc đó, chỉ mới bước qua nền đệ nhị cộng hòa được một năm. Theo đánh giá của ông, sự cầu hiền của Tướng Đôn thành công mỹ mãn hay chỉ một phần?

TT: Theo sự đánh giá của tôi thì sự cầu hiền này đã thành công. Vì khi tôi về nước thì gặp lại trong nước nhiều bạn cũ đã du học cùng thời với tôi ở bên Pháp

HLC: Được biết ông là học sinh Chu Văn An (Hà Nội), khi du học, ông theo ngành Chính trị ngoại giao. Như vậy, khi về nước, nhiệm sở đầu tiên của ông là gì, ở đâu?

TT: Khi tôi về nước nhiệm sở đầu tiên của tôi là Tổng Nha Kế Hoạch, trực thuộc Phủ Thủ Tướng.

HLC: À, thì ra ông về làm Giám Đốc Nha Viện Trợ, Tổng Nha Kế Hoạch. Tôi tò mò hỏi lúc ông về thì là thời của Tướng Nguyễn Khánh rồi? Trụ sở TNKH bấy giờ ở đâu?

TT: TNKH khi đó đặt trụ sở ở Hội Trường Diên Hồng, trên bến Chương Dương. Khi mới về tôi làm chuyên viên nha nghiên cứu. Đến năm 1967 tôi mới được cử làm Giám đốc Nha Viện Trợ Kỹ Thuật.

Vào năm 1967 khi Đệ NHị Cộng Hòa được thành lập thì TNKH chuyển trụ sở sang 30 Lê Thánh Tôn và trực thuộc Phủ Tổng Thống.

HLC: Ông có thể cho biết mức lương giám đốc bấy giờ là bao nhiêu và các phụ cấp?

TT: Vì tài nguyên Nhà nước không được dồi dào nên lương một giám đốc chỉ vào khoảng 20 ngàn đồng thêm một chút phụ cấp đắt đỏ. Nhưng chính phủ có tổ chức tổng cục tiếp tế và khi mua bán các nhu yếu phẩm qua TCTT thì giá cả rẻ hơn ở ngoài.

HLC: Xin kể về thời gian ông làm ở Viện Trợ? Việc chính của cơ quan này có phải là xin viện trợ quốc tế không? Trình tự của những việc này? Mình phải tìm xem có nguồn viện trợ không rồi mới xin hay là sao, thưa ông?

TT: Tôi làm giám đốc Nha viện trợ kỹ thuật nên chỉ lo xin các tổ chức quốc tế và các nước bạn gửi chuyên viên ngoại quốc tới huấn luyện các đối tác người Việt và đồng thời xin họ cấp các loại học bổng để VN gửi sinh viên và công chức đi du học hay tu nghiệp ở ngoại quốc trong các ngành kỹ thuật cần thiết cho việc phát triển nước nhà. Để xin viện trợ thì có hai cách : một là các cơ quan cấp viện đề nghị và cho biết khả năng viện trợ của họ, hai là mình đưa ra bản ghi rõ nhu cầu của mình để họ xét xem có thể đáp ứng được với yêu cầu nào để cấp viện trợ.

Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1971 tôi có xin được của Tây Đức một cái máy cạo lông lợn cho Lò sát sinh Chấn Hưng. Từ khi đó cho đến năm 1975 chưa bao giờ thịt heo ở Sàigòn được cạo lông kỹ như vậy. Tôi nghe nói sau này khi cộng sản chiếm miền Nam họ lấy cái máy này gửi sang Đông Đức để trả nợ.

HLC: các chương trình viện trợ của quốc tế do cơ quan nào điều phối? Ý tôi muốn nói, Nha Viện Trợ xin và giả dụ Nhật cấp thì lúc đó cơ quan nào tiếp nhận và điều phối ra sao? Có những áp lực gì hay chỉ thị ngầm gì từ cấp trên về vấn đề phân chia viện trợ? Nước tài trợ kiểm soát việc thi hành như thế nào?

TT: Việc điều phối viện trợ quốc tế thì tùy thuộc vào các loại viện trợ khác nhau. Viện trợ kinh tế thì do Bộ Kinh tế điều phối, viện trợ xã hội thì tùy thuôc bộ xã hội v.v.

Tổng nha KH thì điều phối viên trợ kỹ thuật.

Áp lực thì chắc là có vì một ông Tổng Trưởng nào ở vào thế mạnh thì bộ của ông được nhiều viện trợ hơn bộ khác.

Chính sách viện trợ thì do Ủy ban liên bộ thuộc quyền Thủ Tướng đìều hợp.

Những cơ quan quốc tế hay các nước cấp viện thường thường cử phái đoàn sang kiểm soát việc xử dụng viện trợ và nếu cần thì cố vấn hay đề nghị bổ túc.

HLC: Được biết năm 1972, ông chuyển qua Bộ Ngoại Giao. Xin kể nhiệm sở mới?

TT: Năm 1972, tôi được chuyển qua Bộ Ngoại Giao. Tôi giữ chức vụ Phó Giám Đốc Nha Kinh Tế tài Chánh và Xã Hội, với nhiệm vụ móc nối liên lạc giữa các cơ quan công quyền cũng như các xí nghiệp công hay tư của Việt nam và các đối tác của họ ở nước ngoài hầu đẩy mạnh quan hệ kinh tế, tài chánh và xã hội giữa nước ta và ngoại quốc.

Sau đó khi tôi được chuyển sang Tòa Đại Sứ VNCH ở Tokyo thì công việc cũng tương tự giữa VN và Nhật.

HLC: Năm 1975 mất nước, ông có thể kể lại toàn bộ diễn tiến mọi việc ở Tòa Đại Sứ VNCH tại Nhật?

TT Hôm 30 tháng 4 năm 1975, khi tôi tới sở làm việc như mọi ngày thì thấy kiều bào đứng đầy chặt sân Tòa Đại Sứ vì khi “mất nước” như cô nói mỗi người Việt Nam thấy cần phải bấu víu vào mảnh đất cuối cùng của quê hương. Khuôn viên Tòa Đại Sứ theo quốc tế công pháp là lãnh thổ của nước mình đại diện. Họ cũng lo lắng không biết tương lai ra sao? Ở lại Nhật hay đi nước khác? Nước nào nhận cho tỵ nạn?

Anh em đồng nghiệp chúng tôi trong sứ quán quyết định gia hạn thẻ thông hành cho mỗi kiều bào 5 năm để họ được ở lại Nhật trong khi chờ đợi làm thủ tục xin đi tỵ nạn tại quốc gia khác.

Ngày hôm sau cái gọi là chính phủ lâm thời miền Nam gửi telex sang“ra lệnh” cho chúng tôi phải tiếp tục hoạt động, nếu không sẽ bị trừng phạt. Ông Đại Sứ và toàn thể nhân viên Sứ quán VNCH ra thông tư đóng cửa Sứ quán và trao Sứ quán cho chính phủ Nhật quản lý.

Vì tôi trước học ở Pháp nên ông ĐS yêu cầu tới Sứ quán Pháp xin dành mọi dễ dàng nhập cảnh cho các đồng bào VN muốn sang tỵ nạn ở Pháp. Tôi được Sứ quán Pháp đón tiếp niềm nở và hứa sẽ cấp chiếu khán mau lẹ cho người VN cư ngự tại Nhật.

Ngược lại, một người bạn đồng nghiệp vì tốt nghiệp ở Mỹ nên được ông ĐS giao cho nhiệm vụ tương tự. Nhưng khi đến Sứ quán Mỹ anh không được tiếp vì Sứ quán Mỹ chưa nhận được chỉ thị về vụ này.

HLC: xin cảm ơn Ô Từ Trì.

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Phỏng Vấn and tagged . Bookmark the permalink.