Văn Quang-Có âm mưu đảo chánh năm 1975 không

Thưa quý vị

Khi đọc bài “Tưởng nhớ Tướng Bùi Thế Lân” của nhà văn Văn Quang, tôi chú ý chi tiết về vụ đảo chánh năm 1975. Tôi có mail hỏi ô Văn Quang. Sau đây là câu trả lời từ ông.

Nhận định của tôi là: có thể có kế hoạch đảo chánh thật. Suy nghĩ của Văn Quang về việc so sánh Nam Hàn với VNCH lúc đó là đúng,  nghĩa là nếu đảo chánh thành công, “bảo vệ’  2,000 gia đình người Mỹ ở Sài Gòn thực  chất là giữ làm “con tin” thì thời cuộc có thể biến chuyển khác. Sự sụp đổ của Sài Gòn sẽ không nhanh chóng vội vã và biết đâu một giải pháp trung lập đã thành hình và như vậy: sẽ không có chuyện hàng trăm ngàn người vượt biển Đông tìm tự do và hàng ngàn ngàn người chết trong lòng biển cả, sẽ không có những thảm trạng cướp bóc hãm hiếp của hải tặc Thái Lan, sẽ không có những trại tù “khốn nạn” nhất của vc đối với quân nhân VNCH, sẽ không làm Việt  Nam bị tụt hậu so với Triều tiên, Singapoor, Thái Lan, sẽ không có một Việt  Nam như ngày nay.

Hoàng Lan Chi

—————————————–

Câu hỏi của Lan Chi
Trong bài anh viết “Tưởng nhớ Tướng Bùi Thế Lân”, lý do nào anh không tiết lộ tên “người đứng đầu cuộc đảo chánh”. Anh tham gia với tư cách gì và làm gì? Anh có định viết lại toàn bộ chi tiết về cuộc “đảo chánh hụt” này không?

Văn Quang trả lời:

Anh cũng dự đoán là sẽ có nhiều độc giả muốn biết điều này. Anh cảm ơn tất cả độc giả đã chịu khó theo dõi loạt bài của anh. Về chuyện tên người đứng đầu cuộc đảo chánh, anh chỉ có thể tiết lộ là vị này cũng đã “nằm xuống”. Ngay khi vị đó còn sống, anh cũng chẳng muốn viết bởi có thể gây ra sự hiểu lầm có mâu thuẫn hoặc anh muốn “bới lông tìm vết” người đã từng giữ chững chức vụ cao trong quân đội, đó là điều anh vẫn tránh. Có biết tên người đó cũng chẳng để làm gì. Chỉ biết có kế hoạch đó thật. Anh được mời tham gia vì ông đó biết anh là bạn khá thân với ông Bùi Thế Lân và cùng khóa với vài tướng lãnh thời kỳ đó chỉ huy những đoàn quân tinh nhuệ của Quân Đội VNCH như tướng Ngô Quang Trưởng, Lê Quang Lưỡng… Thật ra suốt thời kỳ ở trong quân đội, anh vẫn phản đối chuyện “đảo chánh” như anh đã viết trong truyện dài Chân Trời Tím vào năm 1963 là anh không muốn thấy cảnh “quân ta bắn quân mình”.  Ai thắng thì cũng quân đội cũng thiệt thòi và anh đã nhận định rõ ràng trong đoạn kết của truyện dài đó là “Quân đội không phản bội ai cả, chỉ có người ta lợi dụng quân đội thôi”.

Vì vậy, dù suốt thời kỳ đó xảy ra vài cuộc đảo chánh, anh quen biết khá nhiều anh em tham gia và anh trả lời rõ ràng: “Tôi không tham dự”. Nhưng sau khi đảo chánh xong, họ thường nhờ anh “coi giùm mấy Đài Phát Thanh và Truyền Hình dân sự”. Khi cụ Trần Văn Hương mới lên làm Thủ Tướng, cụ nhờ quân đội coi luôn cả việc kiểm duyệt báo chí. Anh cử sĩ quan sang trông coi thời kỳ đầu chứ tuyệt đối anh không sang. Tuy nhiên anh vẫn chịu tránh nhiệm. Em có quen biết Thiên Hà, anh ấy viết là một cuốn sách của anh ấy xuất bản do chính anh ký tên là vì lẽ đó chứ anh có làm việc ở Bộ Thông Tin bao giờ đâu.

Anh nói để em biết quan niệm dứt khoát của anh nên dù qua bao cuộc “chính biến” tại miền Nam VN, anh vẫn chỉ ở lại Phòng Báo Chí và sau đó là Đài Phát Thanh Quân Đội. Bởi đó là nghề chuyên môn và cũng là chỉ số chuyên môn của anh. Tài sức của anh chỉ làm được vài công việc đó thôi, sang bên “Hành Chánh”, chắc anh không làm nổi.

Nhưng vào những ngày tháng 4-75, anh đi Đài Loan, về đến Hồng Kông là anh biết rõ tình hình rồi và về Đài Phát Thanh hàng ngày nhận tin tức, anh biết “tình hình nguy cấp lắm”, ông bạn đồng minh nhất định không viện trợ và tháo chạy. Nói thật anh cũng tính đường chuồn, viên cố vấn của Đài liên lạc thường xuyên với anh, ông ta cũng chuẩn bị cho anh “ra đi”, anh cũng đề nghị sắp xếp cho toàn thể anh em của Đài đi cùng. Nhưng rồi người đứng đầu chủ trương đảo chánh mời anh tới nhà và bày tỏ ý định phải “cứu đất nước”, làm được cái gì bây giờ phải làm thôi. Anh cũng nghĩ thê nên đồng ý giúp ông ấy một tay. Trước hết là liên lạc với ông tư lệnh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến và xem tình hình các đơn vị khác, tinh thần anh em thế nào. Giữ vững chương trình các Đài PT và Truyền Hình hoạt động theo đường lối “đảo chánh”. Đó là nhiệm vụ của anh. Kế hoạch được vạch ra khá chu đáo. Anh không thể kể hết ở đây. Anh nghĩ nếu làm được như vậy may ra tình hình có thể thay đổi, cứ để ông bạn đồng minh xen vào trong khi ông ấy muốn bỏ cuộc thì chỉ có nước chết. Với tất cả những gì còn lại, nếu giữ được vùng 4 trong một khoảng thời gian thì hy vọng sẽ có người khác giúp về mặt này mặt khác, có thể sẽ có một cuộc thương thuyết, may ra ông bạn đồng minh có thể thay đổi thái độ. Có lẽ ý nghĩ của anh lúc đó là “ngu xuẩn” chăng? Bởi chưa biết rõ bộ mặt thật của Kissinger và Nixon.

Anh nghĩ tới việc quân đội Nam Hàn rút lui tới Pusan rồi cũng chiếm lại phần đất đã mất, chỉnh đốn lại hàng ngũ và vẫn chiến đấu được, họ còn mạnh cho tới ngày nay. So sánh về tinh thần thì Quân Đội VNCH cũng mạnh như hoặc hơn Hàn Quốc vào thời kỳ đó.

Nhưng “cú lừa ngoạn mục” của anh Trung Tướng của tòa Đại Sứ Mỹ tại VN đã khiến người đứng đầu cuộc đảo chánh buông tay làm nhiều anh em chết dở sống dở. Anh và một số anh em khác không “di tản” được cũng vì chuyện này. Mặc dù có nhiều chỗ để đi. Ngay cả anh Hà Huyền Chi và anh Phạm Bá Cát có sẵn chỗ đi rồi, gọi cho anh để đi, nhưng anh kẹt vào chuyện “đảo chánh” nên đành chịu. Vả lại nếu anh bỏ đi sớm 1 ngày thì ai sẽ làm nhiệm vụ ở Đài PT QĐ. Mấy ông phụ tá của anh đi hết rồi. Chẳng lẽ để nó ngưng phát thanh nửa đời cửa đoạn sao? Anh phải ở lại đến phút chót, khi đài phát tuyến Quán Tre bị chiếm, Đài QĐ không lên sóng được nữa.

Sau cùng, anh trả lời LC là anh sẽ không bao giờ viết lại cuộc “đảo chánh hụt” và … vô duyên này nữa. Anh nghĩ nói như thế cũng đủ rồi.

VQ

**************************
Bài liên quan:

Văn Quang- Tưởng Nhớ Tướng Bùi Thế Lân

This entry was posted in Lan Chi Thắc Mắc, Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.