Phạm Thị Nhung-Dẫn Vào Thế Giới Ca Dao

                    Xin ghi rõ nguồn ( trích từ blog Hoàng Lan Chi)

GS. Phạm Thị Nhung

Hiện tượng ngôn ngữ có trước văn tự là một hiện tượng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lúc đầu có thể còn nghèo nàn với một số từ vị cơ bản, tiếng nói của tổ tiên ta cũng đã có khả năng làm phương tiện liên lạc và trao đổi kinh nghiệm tranh đấu với thiên nhiên, chế ngự các thú dữ và lao động sản xuất để sinh tồn. Nhưng rồi đời sống xã hội mỗi ngày một phức tạp, trí tuệ con người mỗi ngày một phong phú, ngôn ngữ mỗi ngày một phát triển thì ông cha ta dần dần cũng biết phát biểu các kinh nghệm, các tư tưởng, tình cảm của mình bằng những câu, từ ngắn gọn đến phức tạp, từ không vần đến có vần, có điệu… Cứ thế những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao được thành hình và phổ biến trong dân gian. Những câu này sau được thêm bớt sửa đổi, trau chuốt qua nhiều thế hệ cho đến khi thật hoàn chỉnh, ý hay lời đẹp, hợp với cảm quan của đại chúng; rồi cùng với những truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, trào phúng… mà tạo thành một nền văn học bình dân truyền khẩu rất phong phú ở xứ ta.

Thành ngữ, tục ngữ và ca dao nhờ có vần vè, đọc lên vui tai, dễ nhớ, dễ truyền miệng nên đã đặc biệt phát triển. Ca dao phát xuất từ thành ngữ và tục ngữ; do đó, trước khi đi vào thế giới ca dao, chúng ta nên biết qua thành ngữ và tục ngữ.

Thành ngữ
Thành ngữ là một nhóm từ cố định, một thành phần trong câu nói, xuất hiện từ lâu đời, được đại chúng quen dùng như những đặc ngữ, những cách nói màu mè sẵn có trong chuỗi lời ăn, tiếng nói hàng ngày, để tả sự, tả vật, nhưng ở mức khái niệm chứ chưa diễn được trọn ý.
Thành ngữ được biểu thị dưới nhiều phương thức:
– So sánh trực tiếp : Như diều gặp gió.
– So sánh gián tiếp qua :
. Ẩn dụ : Cõng rắn cắn gà nhà.
.Thậm xưng : Châu chấu đá xe.
. Hoán dụ : Ruột để ngoài da.

Thành ngữ có khi có đối, không vần, như : Cá chậu, chim lồng. Nhưng đa số có vần, mà thường là vần lưng (yêu vận). Đây chính là điều khác biệt giữa văn chương Việt Nam với văn chương Trung Hoa. Văn vần Trung Hoa chỉ có cước vận (vần chân), trong khi văn vần Việt Nam vừa có vần chân, vừa có vần lưng.
Thí dụ vần lưng: Trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay.
Những hình thức vừa nêu trên đã giúp cho những yếu tố kết hợp nên thành ngữ thêm vững chắc, lời ăn tiếng nói thêm nhịp nhàng, uyển chuyển và giàu hình ảnh.

Tục ngữ
 
Tục ngữ là những câu nói ngắn, gọn; cú pháp thì hoàn chỉnh và có ý nghĩa trọn vẹn.
Tục ngữ thiên về lý trí, đưa ra những lời nhận xét xác đáng hay những lời khuyên răn mẫu mực, có tác dụng giúp người bình dân xưa sống thích ứng với gia đình và xã hội.
Xét ý nghĩa, ta có thể chia tục ngữ thành mấy loại như sau:
– Luân lý : Lá lành đùm lá rách.
– Tâm lý : Yêu nên tốt, ghét nên xấu.
– Xử thế : Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
– Phong tục : Miếng trầu nên dâu nhà người.
– Khoa học thường thức :
. Về thời tiết : Trời nắng chóng trưa, trời mưa chóng tối.
. Về canh nông : Mạ chiêm đào sâu chôn chặt, mạ mùa vừa đặt vừa đi.
. Thổ sản : Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, Nước mắm Vạn Vân, Cá rô đầm Sét.

Những câu tục ngữ ngắn gọn thì hình thức có cấu trúc như ta thường thấy trong thành ngữ. Những câu tục ngữ dài, có nhiều vần, nếu thêm vào cảm xúc thì thành ca dao.
Tóm lại, thành ngữ và tục ngữ là một trong những nguồn tài liệu vô giá để người xưa xây dựng thành bộ môn ca dao. Thế nên trong ca dao thường có xen lẫn thành ngữ và tục ngữ.
TD1.    Tục ngữ: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.
Ca dao:  Chớ thấy sóng cả mà lo.
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.
TD2.   Thành ngữ: Châu chấu đá xe.
Ca dao:       Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.
 
CA  DAO

Ca dao là những câu hát dân gian, lời lẽ nôm na trong sáng, vần điệu lưu loát phong phú, thường cô đọng trong thể lục bát hay song thất lục bát; có thể ngâm nga một cách tự nhiên hay hát theo tiết điệu âm nhạc.
Ca dao do cảm xúc mà có nên chủ yếu là tính trữ tình, nghĩa là thiên về việc bộc lộ tình cảm hay tâm trạng riêng tư.

Ca dao còn được sáng tác nhiều do nhu cầu hát xướng đối đáp  nam nữ trong những dịp sinh họat cộng đồng. Ở trường hợp này người ta chỉ cần thêm vào câu ca dao những điệp khúc và những tiếng đệm (như : có mấy, tính tang tình bằng, hay : thời v.v…), tiếng đưa hơi (như : ới a, ứ ư, hay : í ì i i v.v…) , ca dao liền trở thành dân ca với những giai điệu riêng biệt của từng loại (như hát quan họ Bắc Ninh, hát trống quân, hát đặm, hát ví v.v…).

HÌNH THỨC CA DAO
 
Kết cấu, tức cách dàn ý, ca dao có ba lối chính là : Phú – Hứng – Tỉ.
Phú. Phú là phơi bày, mô tả (sự việc, cảnh vật hay tình cảm) một cách trực tiếp.
TD :    Trời mưa , ướt bụi, ướt bờ
Ướt cây, ướt lá, ai ngờ ướt em!
Trời mưa rả rích qua đêm
Thấy em gian khổ, anh thêm não lòng.
  Hứng. Hứng là cảm xúc mạnh do ngoại cảnh tác động vào tâm hồn con người, nhân đó muốn bầy tỏ nỗi lòng.
TD:    Tóc mai sợi vắn, sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
  Tỉ. Tỉ là so sánh. Đây là một phương pháp nghệ thuật đặc sắc, giúp cho ý tứ diễn đạt thêm rõ ràng, mà tình cảm bộc lộ cũng có phần bóng bẩy, tế nhị.
TD :   Đố ai biết lúa mấy cây
Biết sông mấy khúc, biết mây mấy từng
Đố ai quét sạch lá rừng
Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây.

NỘI DUNG CA DAO
 
Nội dung ca dao rất phong phú, căn cứ vào ý nghĩa, chúng ta có thể chia làm mấy loại chính như sau:
Ca ngợi các danh lam thắng cảnh của đất nước, cùng tình yêu gắn bó tha thiết của người dân đối với xứ sở.
 
Quê hương ta từ Bắc chí Nam có vô vàn cảnh đẹp.
–          Xinh tươi quyến rũ như cảnh xứ Lạng, một thị trấn địa đầu của đất nước; trong đó nổi bật hình tượng núi đá Tô Thị đứng ôm con chờ chồng :

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu, nắm nem
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Hùng vĩ như cảnh rừng núi miền thượng du Bắc Việt :

–      Đường lên Mường Lễ bao xa  Trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh.

– Núi sông hội tụ, trời đất bao la ngoạn mục như cảnh trí đền Hùng, trung tâm miền đất Văn Lang cổ, nơi các vua Hùng dựng nước :
Bốn nghìn năm lẻ về sau
Miếu lăng ở hạt Lâm Thao núi Hùng.
Xem địa thế trùng trùng long hổ
Tả Đảo Sơn mà hữu Tản Viên.
Lô, Đà, hai nước hai bên
Giữa sông Thao Thủy, dòng bên Nhị Hà.

   – Êm đềm, cổ kính như các thắng cảnh tiêu biểu của cố đô Thăng
Long, chốn ngàn năm văn vật :
Nào hồ Gươm với ngôi đền Ngọc Sơn, có đài Nghiên, tháp Bút cùng chiếc cầu đỏ ối nên thơ :
Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc , xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai xây dựng nên non nước này?

Nào phong cảnh Hồ Tây bát ngát với ngôi chùa cổ kính, xây từ thế kỷ thứ 5, bên cạnh làng làm giấy Yên Thái :

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương.
Tuyệt  mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Thăng Long đế đô xưa còn gọi là Thượng Kinh, năm 1831 mới đổi là Hà Nội. Hà Nội với 36 phố phường phồn hoa đô hội :
Hà Nội ba mươi sáu phố phường
Hàng Gạo, hàng Đường, hàng Muối trắng tinh
…………………………………
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ
Phong cảnh miền Trung cũng vô cùng hấp dẫn.
– Còn gì đẹp bằng con đường dẫn vào xứ Nghệ :
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ.

– Còn gì thơ mộng hơn xứ Huế với cảnh sông Hương trên bến dưới thuyền, hay sông nước hữu tình :
Bến chợ Đông Ba tiếng gà eo óc
Bến đò Thọ Lộc tiếng trống sang canh
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngả nghiêng.
–          Đất Thần Kinh lại là nơi có biết bao điện ngọc đền rồng, chùa tháp, miếu mạo nổi tiếng, như tháp bảy tầng ở chùa Thiên Mụ,Thánh miếu gồm Văn Thánh Võ Thánh, và Chùa Ông thờ Quan Công. Ở vùng Thành Nội gần Hoàng Cung thì có Tam Tòa, nơi cửa tam quan xưa có treo chiếc trống, để người dân khi có điều oan ức thì tới đánh lên ba hồi, tức thời có lính tới nhận đơn, trình lên vua xét xử :

Đất Thần Kinh trai thanh, gái lịch
Non xanh nước biếc, điện ngọc đền rồng
Tháp bảy từng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa.

– Còn gì  hoành tráng hơn đèo Hải Vân (đúng ra là Ải Vân):
Hải Vân bát ngát ngàn trùng
Hòn Hồng ở đây là trong vịnh Hàn.
Đi bộ thì khiếp Hải Vân
Đi thuyền thì khiếp sóng Thần, hang Giơi.

Cảnh miền Trung phong phú thêm nhờ những bể bạc, non vàng (thuộc Quảng Nam) :
Bể bạc Nam Hải, non vàng Bồng Miêu.

Cảnh trí miền Nam thì đồng lúa phì nhiêu, cây trái xum xuê; sông nước mênh mông với tôm cá ê hề :
 
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Đồng Tháp Mười  cò bay thẳng cánh
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.
.Bến Tre nước ngọt lắm dừa
Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm.
Sầu riêng măng cụt Cái Mơn
Ba Tri ruộng muối, Giồng Trôm lúa vàng.
v.v…
Người dân chẳng những yêu mến cảnh đẹp của đất nước mà đồng thời còn gắn bó tha thiết với xóm làng đồng ruộng, với con người và cuộc sống nơi chôn nhau cắt rốn :

Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư giang khúc như hình con long.
Nhờ trời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy, vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười
Trong  làng kẻ gái, người trai đua nghề
Trời ra, gắng; trời lặn, về
Ngày ngày, tháng tháng nghiệp nghề truân chiên.
.Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi gió, dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
2. Ca ngợi những con người ưu tú của quê hương dân tộc: Trai anh hùng – Gái đảm đang
2.1. Trai anh hùng
Lịch sử Việt Nam là một trường kỳ tranh đấu sử. Từ thuở các vua Hùng dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải luôn luôn tranh đấu chống ngoại xâm.
Sau một ngàn năm bị các đế quốc phong kiến Trung hoa xâm lược, thống trị (207 TCN – 938 SCN), lại đến gần 100 năm bị thực dân Pháp chiếm đóng, đô hộ (1862 – 1954). Vì thế, ca dao Việt Nam có nhiều câu ca ngợi các vị anh hùng dân tộc, đã xả thân cứu nước, tạo nên những sử tích vẻ vang:
Sa Nam trên chợ dưới đò
Nơi Mai Hắc Đế kéo cờ dựng binh.
(Mai Hắc Đế chống nhà Đường thôn tính, thế kỷ VIII)
Đánh giặc thì đánh giữa sông
Chớ đánh trên cạn phải chông mà chìm.
(Ngô Quyền phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, thế kỷ X).
Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng.
(Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, thế kỷ XI)
Sâu nhất là sông Bạch Đằng
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.
(Vua tôi nhà Trần ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược, thế kỷ XII).
Ai lên Biện Thượng, Lam Sơn

Nhớ Lê Thái Tổ chặn đường quân Minh.
(Lê Lợi đuổi giặc Minh, thế kỷ XV)
.Bần Gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm, Xoài Mút muôn đời rạng danh.
(Nguyễn Huệ tiêu diệt quân Xiêm trên hai con sông thuộc tỉnh Tiền Giang, cuối thế kỷ XVIII)
.Nguyễn ra rồi Nguyễn lại về
Giặc đến Bồ Đề thì giặc lại tan.
(Quang Trung Nguyễn Huệ ra Bắc đại phá 20 vạn quân Thanh, cuối thế kỷ XVIII).

Đến thời quân Pháp sang đánh chiếm nước ta ( thế kỷ XIX), thì từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng có những tổ chức kháng chiến :

Tỉnh Hưng đất tổ Rồng Tiên
Thiếu gì hào kiệt côn quyền lược thao.
Đề Vân, Đốc, Ngữ tìm vào
Đề Thành, Đề Dị, Đề Kiều tới nơi
Đại thần ra cửa đón mời
Thề cùng chung sức diệt loài sói lang.
(Đại thần Nguyễn Quang Bích lập chiến khu kháng Pháp).
Gò Công anh dũng tuyệt vời
Ông Trương “đám lá tối trời”, đánh Tây.
Bao giờ hết cỏ Tháp Mười
Thì dân Nam mới hết người đánh Tây.
v.v…

Và để cổ võ chí nam nhi, ca dao có nhiều câu đề cao :

– Bổn phận kẻ làm trai đối với nhà, với nước :
Làm trai đứng ở trên đời
Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta.
Ghé vai gánh vác sơn hà
Sao cho tỏ mặt mới là trượng phu.
– Cuộc sống hào hùng với ý chí sắt đá:
Làm trai quyết chí tang bồng
Sao cho tỏ mặt anh hùng mới cam.
.Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan.
.Người đời muôn sự của chung
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
.Gừng già, gừng rụi, gừng cay
Anh hùng càng cực, công dày nghĩa nhơn.

2.2            Gái đảm đang, xinh đẹp
 
Trai Việt có nhiều đấng anh hùng thì gái Việt cũng có lắm bậc anh thư cân quắc, từng phất cờ khởi nghĩa cứu nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, hay tích cực tham gia kháng chiến chống xâm lăng như các vị võ  tướng dưới trướng Hai Bà : Lê Chân, Xuân Nương, Thiếu Hoa, Bát Màn…, họ đã nêu cao truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” của gái Việt :
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành.
(Quốc sử diễn ca)
Em là con gái xứ Thanh
Em đi múc nước rửa bành con voi.
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà vua Triệu cưởi voi, đánh cồng.

Hay mang dòng máu dũng cảm như con gái Bình Định :

Ai vô Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết cầm roi, đi quyền.
Gái Việt xưa nay còn nổi tiếng xinh đẹp :
Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng.
.Những người con mắt lá răm
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
.Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh  em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh  trúc mọc bờ ao
Em xinh  em đứng chỗ nào cũng xinh.

Tuy nhiên, đối với dân ta thì nhan sắc chưa phải là tất cả giá trị của người đàn bà, đạo đức mới là phẩm chất đích thực và cao quí nhất, vì “cái nết đánh chết cái đẹp” :

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Xấu người  đẹp nết, còn hơn đẹp người.

Bởi vậy, những người con gái sinh ra là được các bà mẹ đặc biệt dạy dỗ uốn nắn, để trở thành những người phụ nữ nết na và đảm đang. Khi còn ở nhà thì hiếu dưỡng đối với các đấng sinh thành :
Mẹ cha trượng quá ngọc vàng
Đền bồi sao xiết muôn vàn công ơn.
.Cau non khéo bổ cũng dày
Trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm.
.Đói lòng ăn đọt chà là
Để cơm muôi mẹ, mẹ già yếu răng.
.Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con.
Khi đã lập gia đình thì :
– Trọn tình thủy chung với chồng :
Chữ rằng chi tử vu qui
Làm thân con gái phải đi lấy chồng.
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
– Biết nhẫn nhục để bảo vệ hòa khí gia đình :
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê.

–          Đảm đang quán xuyến việc nhà chồng, và giữ trọng trách giáo dục con thơ cho nên người hữu dụng :

Có con phải khổ vì con
Có chồng gánh vác giang sơn nhà chồng.
.Mẹ nuôi con bấy lâu rồi
Nuôi con cho đến thành người mới nghe.

–          Nhiều khi họ còn phải lo toan cả sinh kế cho gia đình, để người chồng được rảnh rang mưu việc tiến thân, hay ra đi vì nghĩa vụ công dân :

Xin anh kinh sử học hành
Để em cày cấy, cửi canh kịp người.
Mai sau xiêm áo thảnh thơi
Ơn trời, lộc nước, đời đời hiển vinh.
.Anh ơi! phải lính thì đi
Việc nhà đơn chiếc đã thì có tôi.
.                       .Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già.

Xem như thế đủ rõ, trong cơ cấu tổ chức gia đình Việt, người đàn ông tuy làm chủ nhưng thực quyền lại ở trong tay người đàn bà. Họ làm  kinh tế, nắm giữ tài chánh, cai quản việc nhà và có ảnh hưởng lớn trong vấn đề giáo dục con cái. Với tài đảm đang, họ tự khẳng định sự trưởng thành của mình; với lòng tận tụy hy sinh, họ tạo được sự quân bình giữa bổn phận và quyền lợi. Điều đó giải thích vì sao  họ được chồng nể vì và đối xử bình đẳng; không như người phụ nữ Trung hoa chỉ biết cúi đầu tuân thủ đạo tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).

3. Tình yêu nam nữ
Xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, sinh hoạt có thời vụ và giữa cảnh trí thiên nhiên nên nam nữ có nhiều hoàn cảnh gặp gỡ, như những khi làm việc đồng áng chung hay vào những dịp nghỉ ngơi, hội hè đình đám; thêm vào đấy, dân ta còn có thói quen hát đối đáp nam nữ, và tục mời trầu, nhờ đó tình yêu dễ dàng nảy nở.
Ca dao chủ vể trữ tình nên những bài nói về tình yêu nam nữ rất phong phú :

– Từ gặp gỡ buổi đầu :
Đôi ta bắt gặp nhau đây
Như con bò gầy gặp bãi cỏ hoang.
.Thiên duyên kỳ ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau.

– Rồi làm quen, ướm hỏi và tỏ tình :
Gặp đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền vào đậu sát thuyền anh.
Dừng chèo muốn ngỏ tâm tình
Sông bao nhiêu nước, thương mình bấy nhiêu.

– Rồi mơ ước :
Anh còn son, em cũng còn son
Ước gì ta được làm con một nhà.

– Thề nguyền gắn bó :
Tay nâng chén muối đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau.
.Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
– Yêu đương, tương tư, sầu muộn :
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
.Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
.Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
.Yêu nhau là sự đã liều
Mưa mai cũng chịu, nắng chiều cũng cam.

– Đến hạnh phúc lứa đôi :
Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không?
Trầu vàng nhá với cau xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời !

Nhưng không phải cuộc tình nào cũng tiến tới hôn nhân tốt đẹp mà còn nhiều cuộc tình gặp oan trái, vì :

– Hoàn cảnh xa cách :
Vừng trăng ai xẻ làm đôi
Đường trần ai rẽ ngược xuôi hỡi chàng !

– Bị tình phụ :
Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
– Vì nghèo không theo được thách cưới :
Vắn tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo, cưới chẳng đặng em.

– Cha mẹ không chấp thuận :
Con thương một ngả
Cha mẹ gả một nơi
Cực lòng đây lắm, đó ơi!

– Có khi chỉ vì người con trai chậm bước :
Tay chùi nước mắt ướt nhem
Tại anh chậm bước nên em có chồng.
– Sự tan vỡ của tình yêu đã đưa tới hậu quả đau khổ suốt đời không nguôi :
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm.
Lan huệ sầu ai, lan huệ héo
Lan huệ sầu đời, trong héo ngoài tươi.
4. Tranh đấu xã hội
4.1 Tranh đấu tiêu cực bằng những lời than thở hay qua ca dao trào phúng, ngụ ngôn.
4.1.1  Chống hủ tục
– Nạn ép duyên
Mẹ em tham thúng xôi dền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm  mẹ hứ, mẹ bưng ngay vào.
Bây giờ kẻ thấp, người cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.
Gà tơ sào với mướp già
Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi
Ra đường chị giễu, em cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng.
Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
Sụt sùi tủi phận , hờn duyên
Oán cha, trách mẹ tham tiền bán con..

–          Nạn tảo hôn :
–           
Tham giầu em lấy thằng bé tỉ tì ti
Làng trên xóm dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó dầy vò
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.
Cũng đa mang là gái có chồng
Chín đêm trực tiết, nằm không cả mười.
….
Chị em ơi! Hoa nở mấy lần!
 – Nạn đa thê :
Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công.
Tối tối chị giữ lấy chồng
Chị cho manh chiếu nằm không nhà ngoài.
Sáng sáng chị gọi : Bớ Hai!
Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo.
Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo
Cho nên tôi phải đâm bèo, thái khoai.
Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
– Nạn làm dâu – gửi rể :
Làm dâu khổ lắm ai ơi
Vui chẳng dám cười buồn chẳng dám than.
Trời mưa cho ướt lá khoai
Công anh làm rể đã hai năm ròng
Nhà em lắm ruộng nhiều đồng
Bắt anh tát nước cực lòng anh thay
Tháng chín mưa bụi, gió may
Cất lấy gầu nước, chân tay rụng rời.
– Nạn góa chồng phải thủ tiết :
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng
Thương thân góa bụa phòng không lỡ thì
Gió đưa cây trúc ngã quì
Ba năm trực tiết còn gì là xuân!
 – Nạn ma chay cỗ bàn cúng tế , ăn uống linh đình để trả hiếu, làm hả vong linh người chết(?), và trả nợ miệng cho người sống :
Sống thì con chả cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi !
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượi la đà
Bao nhiêu cóc, nhái nhảy ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân
Chim chích cởi trần, vác mỏ đi rao.
4.1.2  Chống các tệ đoan xã hội :
– Tham nhũng :
Nhất thì bộ Lại, bộ Binh
Nhì thì bộ Hộ, bộ Hình cũng xong.
Thứ ba thì đến bộ Công.
Nhược bằng bộ Lễ, lạy ông tôi về.
– Mua quan bán tước :
Mười quan thì được tước Hầu
Năm quan tước Bá, ai hầu thua ai?
– Tứ đổ tường :
Đàn ông một trăm lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
Anh hay xóc đĩa cò quay
Máu me cờ bạc, lại hay rượu chè
Eo sèo công nợ tứ bề
Kẻ lôi, người kéo, ê chề lắm thay !
Cả ngày chỉ rượu với say
Khi nay thuốc phiện, khi mai tài bàn
Nói ra mang tiếng phũ phàng
Nếu đi thì não can tràng xiết bao !
– Mê tín, dị đoan :
.Tiền buộc dải yếm bo bo
Trao cho thầy bói đâm lo vào mình.
.Hòn đất mà biết nói năng
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.
4.1.3 Chống chế độ độc quyền, độc lợi, và chê bai những kẻ cầm quyền kém tài, vô đức:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa.
Bao giờ dân nổi can qua
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Người trên ở chẳng chính ngôi
Khiến cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn.
Người ở trên chẳng kỷ cương
Khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa.
4.2.  Tranh đấu xã hội tích cực bằng cách – nghĩ thực – nói thực – sống thực:
Mục đích đi ngược lại, đồng thời tố cáo các tư tưởng ngoại lai, phi dân tộc (nhất là chế độ quân quyền, phụ quyền, nam quyền của Tống – Nho) đang bị các nhà lãnh đạo (quân chủ phong kiến) đương thời áp đặt lên đời sống dân tộc, là không có giá trị thực tế trong gia đình và xã hội Việt.
– Đi ngược lại kỷ cương, tôn chỉ đạo đức, luân lý chính thống :
Trống chùa ai đánh thì thùng
Của chung ai khéo vẫy vùng thành riêng.
Được làm vua, thua làm giặc (t.n.)
Khó thì hết thảo, hết ngay
Công cha cũng bỏ, nghĩa thầy cũng quên.
Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có nghĩa, có nghì thì hơn.
Của chồng công vợ (t.n.)
Lệnh ông không bằng cồng bà (t.n.)
Dẫu xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.
– Đi ngược lại tinh thần coi thường các giới nông – công – thương của giai cấp sĩ, qua bảng xếp hạng: Sĩ – nông – công – thương.
Đề cao sức mạnh thực chất của các nghề nông, công, thương :
Nhất sĩ, nhì nông
Hết gạo chạy rông
Nhất nông, nhì sĩ.

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Lắm tiền, lắm gạo là tiên trong đời.

Có chí làm quan, có gan làm giàu (t.n.)
Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn đưa lên.
Khôn ngoan kiếm ăn người
Mạt đời kiếm ăn quẩn. (t.n)

Chúng ta được biết “Cổ loa là một trung tâm hội tụ văn hóa và giao lưu kinh tế… Sự buôn bán giữa vùng Lạc-Việt ven biển với miền ven biển đông nam Trung hoa, và với cả miền thượng lưu sông Hồng, quan hệ giao lưu đó đã ít nhất được xác lập từ đầu thời đại đồng thau, và được duy trì liên tục ở các đời sau”. ( Giòng lịch sử, trang 253-254, Trần Quốc Vượng, nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội 1996)… Chỉ đến khi tư tưởng Tống Nho ngự trị trong xã hội Việt, nghề buôn mới bị khinh thường, chỉ còn tiểu thương và phần lớn phó thác trong tay đàn bà, con gái.

5. Những sinh hoạt về nghề nghiệp và văn hóa từ gia đình đến xã hội.
5.1  Đề cao nghề nông
Khảo cổ học ngày nay đã tìm ra được những chứng tích, tỏ rõ dân tộc Việt từ ngàn xưa đã có một nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước. Các kinh nghiệm về phương pháp canh tác cũng như về thiên văn đã được tích lũy từ đời này sang đời khác, rồi truyền lại cho con cháu, khiến nghề nông ở xứ ta mỗi ngày một tinh tế, phát triển.
Chính vì nghề nông là một nghề căn bản nuôi sống gia đình và cả dân tộc, nên bất cứ thời đại nào nhà cầm quyền cũng phải chăm lo đến việc khuyến nông. Riêng ca dao đã có rất nhiều bài đề cao nông nghiệp, phản ảnh tinh thần trọng nông và yêu nghề của người dân Việt:
Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cầy sâu.
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.
Ai ơi, đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bất nhiêu.

Tháng chạp là tháng trồng khoai
Tháng giêng trồng đậu, tháng hai trồng cà
Tháng ba cày vỡ ruộng ra
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng
Ai ơi cùng vợ, cùng chồng.
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay !
5.2  Phong tục về lễ nghi :
Sống gần gụi với thiên nhiên, chứng kiến luật sinh tưởng tiến hóa của cây trái, lại do kinh nghiệm bản thân “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đã tạo cho dân ta tình thần biết ơn tiền nhân, những người có công xây dựng, mở mang làng nước, để đi tới tục lệ thờ quốc tổ, các vị anh hùng dân tộc và thành hoàng :
Tháng ba nô nức hội đền
Là ngày giỗ tổ bốn nghìn năm nay.

Trong gia đình, tôn tộc thì thờ cúng tổ tiên, lo báo hiếu cha mẹ và trả nghĩa thầy học :
Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể cả, sông sâu
Người ta nguồn gốc ở đâu
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ, kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Mồng một thì ở nhà cha
Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy.

5.3  Hội hè đình đám
Nghề nông có thời vụ, vào mùa thì phải làm việc đầu tắt mặt tối, nhưng khi nông vụ đã hoàn tất thì lại được nghỉ ngơi, thong thả. Vụ lúa mùa tháng mười gặt hái vừa xong thì gặp lúc xuân sang Tết đến, nên dân làng đâu đâu cũng vui mở hội xuân.
Ngày Hội xuân được khai trương tùy theo từng làng; trước là tế lễ Thành Hoàng ở đình để tỏ lòng tri ân, sau là tổ chức các cuộc vui chơi cho dân chúng :
Thái bình mở hội xuân
Nô nức khắp xa gần
Nhạc dâng ca trong điện
Trò thưởng vật ngoài sân.
.Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy
Vui thì vui vậy chẳng tày rã La*.
(*Làng Khê Nam, tục gọi là làng La, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Thành Hoàng lúc sinh thời làm nghề đạo trích lại dâm bôn nên hôm rã đám, sau cuộc tế đám vừa dứt, đèn nến trong đền tắt hết cho dân làng tự do ăn trộm lẫn nhau, họ lợi dụng cơ hội này, khoảng 1 giờ khuya, tha hồ sờ soạng nhau.)

5.4  Đời sống phân công và bình đẳng từ gia đình đến xã hội.

Chính đời sống định canh, định cư này đã khiến dân ta có được nếp sống hợp quần, tinh thần cộng đồng cao. Đồng thời có được sự bình đẳng giữa vợ chồng và giữa những người cùng làng cùng xóm trong việc phân công và đổi công cho nhau (nay cùng làm việc ở ruộng nhà này, mai ruộng nhà khác), để cho công việc đồng áng được hoàn tất đúng thời vụ :
Rủ nhau đi cấy, đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.
Sự hợp tác phân công bình đẳng này còn được thể hiện ở những nghệ nghiệp khác :
Chồng chài, vợ lưới, con câu.
Chàng rể đóng đáy, con dâu đi mò.
Đặc biệt tinh thần phân công, bình đẳng và dân chủ ấy còn được áp dụng trong đời sống xã hội chính trị : Làng xã tự trị theo nguyên tắc địa phương phân quyền, thế nên :
Lệnh làng nào làng ấy đánh     (t.n)
Thánh làng nào, làng ấy thờ.
.Phép vua thua lệ làng.             (t.n)
Việc vua Trần Nhân Tôn mở hội nghị Diên Hồng (1281), triệu tập bô lão khắp nước đến để hỏi ý kiến nên hòa hay nên đánh giặc Nguyên, đã nói lên tinh thần dân chủ bình đẳng trong xã hội Việt Nam, và chính sách thân dân của giai cấp cầm quyền xưa.

6. Quan niệm xử kỷ – tiếp vật.
6.1  Xử kỷ:
Đối với mình phải cố gắng rèn luyện và thực thi những đức tính:
– Lao động cần cù :
Có khó mới có miếng ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
.Có vất vả mới thanh nhàn
Không dưng ai dễ cầm tàn che cho.
– Tự lực, tự túc, tự cường :
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
.Nước lã mà vã nên hồ
Tay không dựng nổi cơ đồ mới ngoan!
.Làm trai có chí lập thân
Rồi ra gặp hội long vân cũng vừa.
Nên ra tay kiếm, tay cờ
Chẳng nên thì chớ, chẳng nhờ cậy ai.
– Tinh thần tranh đấu bền bỉ để vượt thắng mọi hoàn cảnh khó khăn :
Ai ơi giữ chí cho bền
Dù ai xoay hướng, đổi nền mặc ai.
.Ai ơi đừng chóng, chớ chầy
Có công mài sắt có ngày nên kim.
.Chớ thấy sóng cả mà lo
Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng.
– Tinh thần cầu tiến :
Cầu tiến thì phải học, vì “có học mới nên khôn” :
Rừng nho, bể thánh khôn dò
Nhỏ mà không học, lớn mò ra sao?
. Nghèo mà hay chữ thì hơn
Giầu mà hay chữ như sơn thếp vàng.
Học lý thuyết suông chưa đủ, muốn trở thành con người trí thức hoàn toàn, vừa có kiến thức vừa từng trải việc đời, tục ngữ, ca dao  khuyên ta phải học cả ở trường đời, vì: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” :
Đi cho biết đó, biết đây
Ở nhà với mẹ, biết ngày nào khôn.
.Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, đống Nai cũng từng.
– Tinh thần lạc quan:
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây.
– Sống đời trong sạch đạo đức, theo tinh thần: “Thác trong còn hơn sống đục”, “Giấy rách giữ lấy lề” :
.Ai ơi ! có biết chăng là
Sống nhờ ,sống nhục, chẳng thà chết thơm.
.Nhà em có vại cà đầy
Có ao rau muống, có đầy chĩnh tương.
Dầu không mỹ vị, cao lương
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.
Một nhà vui vẻ, êm đềm
Đói no trong sạch, không thèm lụy ai.
6.2  Tiếp vật.
Đối với mình phải khắc kỷ nhưng đối với người thì lại khoan hòa, lấy tình nghĩa mà ứng xử theo tinh thần “Một bồ cái lí không bằng một tí cái tình” :
– Lựa lời, lựa giọng nói để gây thiện cảm :
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn  nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
– Đoàn kết, tượng trợ :
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Con quạ tha lá lợp nhà
Con cu chẻ lạt, con gà dựng phên.
– Tương thân, tương ái :
Thương người, người lại thương ta
Ghét người, mình lại hóa ra ghét mình.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Nhất là đối với anh chị em cùng một gia tộc, vì : “Một giọt máu đào, hơn ao nước lã” :
Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Anh em như thể tay chân.
Dưới trên hòa thuận, hai thân vui vầy.
– Biết thích ứng với hoàn cảnh :
Ở đời ai có dại gì
Khúc sông eo hẹp phải tùy khúc sông.
– Giữ lẽ công bằng, tương nhượng :
Ở cho phải phải, phân phân
Cây đa cậy thần, thần cậy cây đa.
– Và có tinh thần cởi mở, biết công nhận những cái hay của người :
Rằng trong lẽ phải có người, có ta. (t.n)
Nhờ vậy mới có sự tôn trọng lẫn nhau, dễ dàng đi tới hợp tác và hòa thuận, là nghệ thuật sống tạo hạnh phúc gia đình và thành công ở đời :
Thuận vợ  thuận chồng, bể đông tát cạn
Thuận bầu thuận bạn, tát cạn bể đông.

KẾT LUẬN
Từ những phân tích trên, ta có thể đi tới kết luận:
– Về hình thức, ca dao cũng như thành ngữ và tục ngữ, vì tiếp cận với đời sống nên đã có nhiều câu rất mộc mạc, tự nhiên; tuy vậy, phần lớn chúng đã chứng tỏ tiếng Việt rất giầu nhạc tính, gợi hình, gợi sắc và có nhiều hình thức nghệ thuật diễn đạt đặc sắc. Từ đó, văn học bình dân truyền khẩu này đã có ảnh hưởng lớn đối với văn học thành văn (văn viết của giới trí thức, ở đây muốn nhấn mạnh đến văn học chữ nôm), từ ngôn ngữ đến cách diễn ý, cùng lối gieo vần lưng như trong các thể thơ lục bát, song thất lục bát và hát nói.
– Về nội dung, ca dao là tiếng nói tâm tình, bộc lộ trung thực nhất tâm hồn của người dân Việt. Qua đó, ta thấy được bản sắc văn hóa dân tộc, đó là tính nhân bản, bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước, lấy con người làm gốc. Con người làm chủ sinh mệnh của mình từ tư duy đến hành động, tự tạo cho mình một nếp sống hài hòa với thiên nhiên; đối với quá khứ thì biết ơn tiền nhân khai sáng; đối với hiện tại thì biết đoàn kết, yêu thương, cầu tiến; đối với tổ quốc thì hết lòng phụng sự; đối với gia đình thì tận tụy hy sinh, hiếu thuận.

Chúng ta đừng quên rằng bản sắc văn hóa này được tạo nên ngoài văn hóa bản địa, ít nhất cũng đã có sự giao lưu và chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa (Nho, Lão) và Ấn Độ (Phật). Nhưng dân tộc ta  đã biết chắt lọc những cái hay của người rồi biến cải, dung hợp, Việt hóa , làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa nước nhà; còn những gì có tính cách phi dân tộc tính thì cũng đã bị dần dần đào thải.

Cũng nhờ tinh thần văn hóa nhân bản này mà sau một ngàn năm Bắc thuộc, kéo theo ảnh hưởng tư tưởng Tống Nho ngự trị trong xã hội Việt thêm mấy trăm năm nữa (thời hậu Trần, nhà Lê, nhà Nguyễn), dân tộc ta vẫn không bị Hán hóa; sau lại bị gần một trăm năm Pháp thuộc, vẫn không bị Pháp hóa.

Ngày nay, chúng ta đang sống giữa thời đại văn minh tiên tiến, những khám phá mới đây về truyền thông đã làm thế giới thu hẹp lại, và bối cảnh giao lưu văn hóa càng mở rộng. Thiết nghĩ, người Việt chúng ta lại có nhiều cơ hội giao lưu, cải biến, Việt hóa những cái hay của văn hóa Âu Mỹ và thế giới, hầu hiện đại hóa tư tưởng và nếp sống của mình. Đồng thời, nền văn hóa nhân bản truyền thống của dân tộc, một nền văn hóa phục vụ hữu hiệu cho cuộc sống an vui, hạnh phúc của con người, cũng sẽ góp phần không nhỏ vào đời sống văn hóa chung của cộng đồng nhân loại.

 

 

This entry was posted in Phạm Thị Nhung. Bookmark the permalink.