LGT: Hoàng Lan Chi đọc “Bên Bờ Tử Sinh” đã lâu ở net. Thấy xúc động. Một tình cờ mà quen Đỗ Dung. Đỗ Dung có nghe tên Hoàng Lan Chi và sau đó gửi sách tặng. Tuy Hoàng Lan Chi đọc ngay nhưng viết thì đôi khi cần có hứng. Lý do, Hoàng Lan Chi không bao giờ áo thụng vái nhau và những gì Hoàng Lan Chi viết thì xuất phát từ trái tim chân thành của mình. Hoàng Lan Chi dám nói rằng, tất cả các tác giả mà Hoàng Lan Chi điểm sách đều vui như chưa bao giờ vui thế. Tại sao ư? Thì tại vì họ có thể khoe bạn bè mà không “ngượng”. Vì những ngợi khen đều được dẫn chứng chứ không phải là những ngôn từ kêu rổn rảng mà rỗng tuếch. Xin mời xem Hoàng Lan Chi giới thiệu “Như Một Thoáng Mây Bay” của Đỗ Dung.
Trò Chuyện với Lan Chi – Nguyệt san Bút Tre tháng 10/2014
Đỗ Dung với “Như một thoáng mây bay”
Trong cuộc đời này, đôi khi chúng ta đến với nhau rất “buồn cười”.
Tôi quen nhà văn Đỗ Dung cũng là một dạng đến với nhau thật “buồn cười”. Buồn cười là vì Đỗ Dung bênh vực lẽ phải và chuốc họa. Tôi cũng bênh vực lẽ phải và cũng chuốc họa. Thế là từ cái “họa” mà hai đứa giữa đường bị quàng đã biến thành cái “may” là sau đó hai chúng tôi có nhau. Một người Trưng Vương là Đỗ Dung, một người Gia Long là tôi. Người Gia Long hôm nay giới thiệu một người Trưng Vương với giới thưởng ngoạn bốn phương qua tác phẩm “Như một thoáng mây bay”.
Tập truyện ngắn “Như một thoáng mây bay” (NMTMB) là một tác phẩm “đẹp”. Tôi quan niệm như thế này: một tác phẩm đẹp là phải hội đủ hình thức đẹp, nội dung đẹp và mục đích đẹp. Đứa con tinh thần đầu lòng của Đỗ Dung có đủ ba yếu tố trên và với tôi, là tác phẩm đẹp.
Hình Thức Đẹp
Quyển sách với giấy trắng khá dày và bìa đẹp nhã nhặn. Doãn Quốc Vinh trình bầy bìa. Nền mầu xanh lá mạ. Cảnh chim bay, ánh trăng vàng. Tựa sách mầu trắng. Tên Đỗ Dung mầu đen. Tất cả là một phối hợp nhẹ nhàng thanh thoát. Điều ấy phù hợp với Đỗ Dung, người Trưng Vương gốc Bắc, cô nữ sinh thuở nào và những tâm tình như thoáng mây bay.
Bìa sau như mọi trình bầy sách khác là chân dung tác giả và vài nhận xét. Đỗ Dung nói với tôi rằng đã có người phê bình là mọi cái đều “ được” trừ chân dung tác giả. Tôi bật cười trả lời “Đúng vậy. Nếu là Hoàng Lan Chi chọn cho Đỗ Dung, Lan Chi sẽ chọn một tấm của cô nữ sinh ngày xưa. Đồng thời có ghi chú năm ở dưới thì cũng không phải là một sự không đúng nào đối với độc giả cả”.
Bên trong là nhiều phụ bản tranh của Duy Thanh. Cũng phải thôi vì họa sĩ Duy Thanh là anh chồng của Đỗ Dung. Những bức tranh của một người từ xưa lắm, thuở miền Nam đang dang tay đón hơn một triệu đồng bào Bắc bỏ quê ra đi tìm tự do, có những nét mạnh, gẫy mầu sắc đậm, cho tôi cái cảm tưởng đấy là những nét chấm phá trong toàn cảnh “mây bay” của Đỗ Dung.
Đỗ Dung viết nhiều truyện thực nhưng cô con gái nhà nề nếp ấy quá giữ kẽ. Cô không rơi vào trường hợp của vài tác giả khác. Những tác giả ấy đã biến tác phẩm thơ của mình thành một “album” gia đình. Đỗ Dung thì không hề. Nhưng như vậy, với tôi, lại là chút thiếu sót. Tôi nghĩ rằng, sẽ không có độc giả nào khe khắt khi nhìn thấy hình ảnh thực kèm trong bài viết về bố, về mẹ, về anh, về em…
Với một hình thức nhẹ nhàng, trang nhã và toát ra vẻ tôn trọng độc giả thì nếu tôi có trao tặng hình thức đẹp cho sách của Đỗ Dung, có lẽ cũng không phải là vì người Gia Long ưu ái cô bạn Trưng Vương đâu nhỉ?
Nội Dung đẹp
“Như một thoáng mây bay” có một nội dung đẹp.
Trước hết đẹp vì sự ngăn nắp, thứ tự của truyện. Có nhiều tác giả đã làm tôi bị rối và tôi bỏ dở. Tôi vẫn cho rằng để được phổ biến rộng rãi, đưa tâm tình, tư tưởng của mình đến với mọi người thì phải là một dĩa bánh ngon, một bình hoa đẹp. Mọi cái phải ngăn nắp thứ tự nhất là trong thời đại internet này, mấy ai có nhiều thì giờ để nghiền ngẫm nếu như mọi việc bị rối bòng bong.
Đỗ Dung cảm ơn cha mẹ, gia đình, con cháu và bạn hữu. Từng nội dung cũng được sắp xếp như thế. Viết đến đây tôi nhớ đếnmột nhạc phẩm của PD mà tôi thích vì tôi cho rằng nó nói lên cái tình tự gia đình của người Việt Nam: Me có hay chăng con về rồi mới đến Em có hay chăng anh về và cuối cùng mới là Con có hay chăng cha về.
Những ân tình được Đỗ Dung mở đầu cho cha. Đừng nghĩ là tâm tình viết cho người già thì không hấp dẫn nhé. Không, Đỗ Dung thật tuyệt vời khi mô tả cảnh đến gặp cha, chiếc lá vàng sắp rụng chưa đầy một trang. Rồi ngay sau đó Đỗ Dung đã nắm tay độc giả chạy phăng phăng về miền quá khứ. Chuyến xe dĩ vãng thật hấp dẫn người đọc với giọng văn giản dị, dí dỏm. Những người của Hà Nội năm nào thú vị đã đành mà những người của Sài Gòn năm nào như tôi ( nghĩa là di cư vào Nam khi còn bé lắm và như vậy tôi là người Sài Gòn!) cũng thú vị. Bức tranh thật sống động với một cảnh gia đình công chức tiểu biểu.
Sau nỗi nhớ về cha, “Chiếc Lá Vàng” , tuy chỉ là một thoáng mây bay nhưng cũng đã mô tả được toàn cảnh của gia đình, Đỗ Dung mời người đọc “Theo gió”. Cũng là chuyến xe về miền quá khứ nhưng là một quá khứ xưa hơn. Vì xưa hơn nên có lẽ “Theo Gió” là chương hấp dẫn tôi nhiều. Hà Nội, tháng Tám, 1954. Những biến động của một thời ly loạn, những vất vả của một thời di cư. Tất cả không làm người đọc đau đáu nỗi đau mà chỉ ngoái nhìn dĩ vãng với một thoáng ngậm ngùi. Như mây bay!
Rồi sau đó là những tự tình về gia đình, chồng con, bạn hữu. Dù chỉ thoáng mây bay nhưng độc giả vẫn được ngắm từ thuở mây hồng cho đến thoáng mây hoàng hôn.
Vẻ đẹp nội dung thứ nhì là tâm tình đẹp. Có những quyển sách viết về thời đã qua nhưng làm người đọc đau khổ vì những uất nghẹn, hờn căm không có ý nghĩa. Tôi vẫn nghĩ rằng mọi nỗi buồn của quá khứ khi kể lại thì chỉ nên lướt hay khoác lên đó bằng một giọng văn khôi hài để giảm nỗi đau cho người đọc. Bởi vì đọc là để thông cảm, đọc không phải là để đắm chìm trong đau đớn.
Trở lại với “Như một thoáng mây bay”. Mọi tâm tình trong sách thật đẹp. Đẹp vì tình cha mẹ, vì nghĩa phu thê, vì đạo huynh đệ, vì phận làm con. Hướng thượng là một tiêu chuẩn mà tôi luôn dành cho sách được gọi là đẹp. Một chi tiết trong truyện làm tôi cảm động chảy nước mắt. Đó là chính tay bà mẹ chồng làm giỗ cho người sui gia. Người con dâu không dám bày tỏ gì vì đang gánh vác cả giang sơn nhà chồng nhưng bà mẹ chồng đã lên tiếng trước, đã tự tay làm. Quá là đẹp cho tình cảm mẹ chồng, nàng dâu thuở ấy.
Cái tâm tình của cha dành cho con gái được kể thật duyên dáng. Dù chỉ chênh nhau vài tuổi nhưng các em phải ở trại “nữ binh”, chị cả được nguyên một phòng. Cùng là con gái nhưng áo dài cho em chỉ là tetoron, còn chị cả là lụa cơ. Tôi đã mỉm cưởi khi đọc những chuyện kể thực và đáng yêu ấy.
Ngay cả một chuyện không vui mà Đỗ Dung cũng không hề đem giáo mác vào. Ông bố đào hoa và cô gái rượu đã tương tế tựu kế rồi cùng mấy cô em “dẹp giặc cho mẹ”. Không đáng yêu sao được khi con gái dẹp giặc cho mẹ, phải không? Và sau cơn mưa, trời lại sáng với đám con gái yêu cả cha và mẹ.
Một tâm tình đẹp khác được gửi trong “Bố của các con tôi”. Cũng vẫn bằng giọng văn giản dị, pha chút dí dỏm, Đỗ Dung khắc họa về người bạn đời với chi tiết thật, rất sống động. Và cái câu kết thật đáng yêu cho nghĩa vợ chồng:
“Tôi có nhắc nhở ‘mắm mắm lại gắt như mắm’ thì chàng ngỏn ngoẻn giả lả ‘Hình như là lẩu mắm, bún mắm cũng ngon lắm. Hì hì’”.
Một tâm tình khác, không chỉ đẹp mà cảm động làm bao người rơi lệ. Với “Bên Bờ Tử Sinh”, Đỗ Dung thuật lại câu chuyện thật của đời mình, một câu chuyện man mác cổ tích vì phép lạ ẩn tàng. Đỗ Dung được chẩn đoán mắc căn bệnh hiếm, phải thay phổi, thay tim. Bản án từ bác sĩ “còn sống khoảng hai năm” thật dễ sợ biết bao cho người vợ, người mẹ trong một gia đình tràn trề hạnh phúc. Đỗ Dung cũng trải qua giai đoạn xuống dốc, mất tinh thần. Nhưng rồi những suy nghĩ, thiền và tư tưởng chấp nhận đã khiến Dung đứng dậy. Còn số 2 năm của bác sĩ tặng, giờ đây đã là 11 năm. Há đây chẳng phải là một bài học tuyệt vời cho con người về niềm tin và hy vọng sao?
Vẻ đẹp nội dung thứ ba là tư tưởng đẹp. Một câu chuyện có tư tưởng đẹp là gửi vào đấy nhưng chuyện có thể thật hay không thật nhưng không được quá tiểu thuyết nghĩa là không thể có ngoài đời, và mục đích là mong ước, là khuyến khích người đọc cũng sẽ có những cái “đẹp” như thế. “Như một thoáng mây bay” đặc sắc nhất là tình cảm gia đình của ba thế hệ. Từ một thế hệ của thời mà phong kiến còn rơi rớt, của người con vâng lời cha mẹ lấy vợ lấy chồng mà không hề yêu nhau từ trước. Chính cái tư tưởng sống cho nhau, chăm chút nhau của đoản văn dưới đây đã thúc đẩy người đọc cũng sẽ mở lòng mình cư xử với người khác như thế:
“Buổi sáng trước khi cùng chị Sửu và cô Nga gánh hàng ra chợ, bà nội tôi thở dài:
-Tội nghiệp ông Giáo. Hôm nay là ngày giỗ ông đây, tôi ra chợ mua hoa quả, thêm vào thứ để chiều về mợ sử một mâm cơm canh cúng ông.
-Con cám ơn mẹ.
Nói xong mẹ tôi thổn thức. Bà nội tôi ái ngại bước chân đi.”
Không thể tưởng được một bà cụ thuở ấy lại nhớ được ngày giỗ của ông sui gia để nhắc con dâu làm giỗ bố. Tình cảm gia đình của người Việt Nam gia giáo, lễ nghĩa là như thế. Chúng ta có thể noi theo chăng?
Hoặc “Hết rồi cô gái Hà Thanh tóc dài thả gió lê thê. Cô gái thùy mị, nết na, không hề có mộng mơ, lãng mạn của một thời con gái. Mẹ về với cha theo duyên, theo phận, không một lời hẹn biển, thề non. Mẹ về với cha bằng tình, bằng nghĩa để rồi cả một đời keo sơn gắn bó. Cuộc đời mẹ đã hoàn toàn lệ thuộc vào người đàn ông đã cùng nhau làm lễ tơ hồng.” Tất nhiên cái tư tưởng an phận thủ thường không phải là một tư tưởng quá lộng lẫy đẹp nhưng cái tư tưởng chấp nhận và sống vui với sự chấp nhận ban đầu là một tư tưởng đẹp. Chính cái “chấp nhận” đã được đền bù: một mái gia đình hạnh phúc. (Theo Gió-Trang 50)
Hoặc cô dược sĩ đã lòng tự hỏi lòng bao lần khi mối mai cho cô là những chàng Y. Vợ Dược chồng Y còn gì hơn! Rồi anh chàng nhà giáo, đi lính ra trường với cái chức vụ “chuẩn úy quèn” đã uống thuốc liều sau nhiều lần e ngại. Rồi cô dược sĩ hỏi một câu “ Anh có yêu em thật không? Có suốt đời lo lắng bao bọc cho em không?”. Rồi cái kết cuộc bây giờ: “Trên con đường nhỏ dành cho khách bộ hành, một bên là đồi cỏ xanh, một bên là rặng hoa đào, ông già tóc bạc trông còn tráng kiện và lưng còn thẳng, người đàn bà bên cạnh dáng đi chậm chạp. Ông khẽ nắm tay bà, tay trong tay vẫn ấm và hai người thong dong, khoan thai đi bên nhau trong buổi sáng mùa xuân, nắng vàng đẹp, gió nhẹ hây hây hoa reo vui, lá reo vui trong khong gian thật êm đềm. Khuê cảm tạ Trời Phật đã cho Khuê một lựa chọn đúng, cho Khuê một nương tựa bình yên suốt cuộc đời ( Một thời con gái- trang 137)
Hoặc “ Minh tự tay xây một cái am nhỏ sau vườn làm noi thờ Phật. Hàng ngày em cũng thỉnh chuông và thắp nhang nguyệnn cầu. Như có sự mầu nhiệm, sau khi giải phẫu cắt bỏ gần hết mấy cơ quan nội tạng, Minh ra khỏi bịnh viện là đi làm ngay, lại lo toan, tính toán, sắp xếp cho tương lai ba thằng con…..( Như áng mây trôi. Trang 295). Thế há không phải là tư tưởng đẹp đã được gửi gấm qua câu chuyện thật? Rằng con người ta có số nhưng với nghị lực thì đôi khi nghị lực cũng thắng số như là “đức năng thắng số” vậy.
Hay “ Chiều từ từ buông xuống nhẹ nhàng. Hà đã có một cuộc sống hạnh phúc giản dị, êm dềm. Hà đã gặp hạnh phúc đó v đã biết gìn giữ, nâng niu hài lòng với những gì mình đang có. Phải chăng đây là chốn Thiên Đường. Thiên Đường hay Địa Ngục là do ta”. ( Dây tơ hồng. Trang 191). Tư tưởng ấy là cũ, nhưng lồng trong câu chuyện tình, thì vẫn coi là mới, là đẹp.
Vẻ đẹp thứ tư là ngôn ngữ đẹp. Ngôn ngữ trong văn là câu văn, cấu trúc và từ ngữ. Đọc Đỗ Dung với “Như một thoáng mây bay”, không ai có thể nói rằng không hiểu vì “bí hiểm” quá. Đọc Đỗ Dung, chúng ta dễ hình dung đến những người mở đường: Nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Sự giản dị, trong sáng của tiếng Việt được lướt nhẹ nhàng dưới bàn tay Đỗ Dung. Những ngôn ngữ đặc trưng của miền Bắc được diễn tả đúng chỗ, đúng lúc.
Dung viết “Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm với anh, ông anh tính nết lộc tà lộc tộc”. Hẳn là người miền Nam sẽ rất xa lạ với nhóm chữ “lộc tà lộc tộc” . Hoặc “Anh con trai phổi bò ruột ngựa” (Ngàn thu vĩnh biệt- Trang 197). Hiếm người miền Nam nào thích sử dụng “phổi bò, gà tồ” để mô tả chính xác sống động về tính cách của một người lớn mà còn ngây thơ, dại khờ như thế.
Tuy giản dị nhưng văn Đỗ Dung không phải lúc nào cũng “gạo tẻ” mà nhiều khi “gạo nếp” rất ngọt ngào. Lấy ví dụ “Ngàn thu vĩnh biệt” mà Dung lấy làm tựa cho tạp ký về người anh, không phải là óng ả đấy sao?
Hay “ ..qua khung cửa sổ, mặt trời mới ló lên khỏi ngọn đồi phía xa. Những vạt nắng vàng nhẹ như tơ, dịu dàng như thì thầm với hoa, với lá rồi êm ả lướt nhẹ, mỉm cười với những cảnh vật nắn đi qua.” ( Một thời con gái- Trang 137)
Không tìm được bất cứ một thứ ngôn ngữ nào không đẹp hay “cẩu thả” trong văn Đỗ Dung. Có vẻ như văn là người mà người phụ nữ ấy là một tượng trưng cho con gái Hà Thành xưa, cho một nề nếp cổ, cho một gia giáo cũ nên ngữ từ đẹp cứ thế tuôn chảy dễ dàng nhẹ nhàng. Như đó là ngôn ngữ hàng ngày của Dung. Giờ chỉ lập lại, viết ra.
Mục đích đẹp
Đỗ Dung viết sách không phải để bán. Sau một lần “bên bờ tử sinh”, cô nữ sinh Trưng Vương Trưởng ban Báo Chí ngày nào chợt có ý tưởng viết. Viết về chính cuộc đời mình. Những lưu dấu ấy, cũng có thể coi là một chấm nho nhỏ của gia phả để lại cho con cháu. Một ngày nào đó, những thế hệ thứ hai, những người Mỹ gốc Việt của giòng họ Đỗ bước vào tuổi lá vàng, cũng sẽ có những giây phút lắng đọng tâm hồn, thả hồn ngược giòng dĩ vãng thì cuốn tự truyện nhỏ sẽ giúp họ nhìn được một quãng đời của cha ông.
Quãng đời ấy có những mảng đẹp lộng lẫy nhưng cũng có những mảng buồn thê thảm. Quãng đời ấy có những đoạn đấu tranh để sinh tồn, để vươn lên: há không phải là một mục đích đẹp hay sao? Quãng đời ấy cho thấy người Việt với hai lần chạy trốn cộng sản, từ bỏ quê cha đất tổ, tha phương tìm tự do há không phải là một tấm gương đẹp cho thế hệ sau soi ư?
Xin mời xem một tùy bút cảm động vì là chuyện thật của Đỗ Dung: “Bên bờ tử sinh”.
Để biết một cảnh đời, xin mời mua “Như Một Thoáng Mây Bay”:
Do Dzung
544 International Blvd#1
Oakland, CA 94606
Tel: 510 – 386-8068
Nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst St
Garden Grove, CA 92843
Tel: 714 – 531-5290
Bên bờ tử sinh
Đỗ Dung
Buổi sáng thứ bảy, mùa hè, bầu trời xanh trong không một gợn mây, màu nắng vàng chanh, gió nhè nhẹ mơn man làn da, mùi thơm của cỏ cây, hoa lá… vương vương, thoang thoảng. Con đường nhỏ uốn lượn nhẹ nhàng, hai hàng cây xanh bên đường đều tăm tắp, một bên hè trống tiếp ráp với những ngọn đồi nhấp nhô nối nhau trải dài, in lên nền trời, bên kia là dãy nhà nằm ngoan ngoãn sau những mảnh vườn được trồng tỉa vén khéo. Hai vợ chồng tôi lững thững đi trong cảnh trí êm lặng, an bình của thành phố nhỏ như còn đang say ngủ.
Tôi mới mổ “cataract” mắt bên phải, tinh nghịch nhắm bên mắt trái, cảnh vật như sáng hẳn ra, những chiếc lá thật rõ nét, óng ánh, rung rinh dưới nắng, những bông hoa tươi hẳn lên reo vui, cảnh vật trong trẻo như được nhìn qua khung cửa kính mới được lau chùi kỹ lưỡng bằng Windex. Nhắm mắt phải, mở mắt trái, vạn vật như qua một lớp sương vàng đục, mờ ảo, nhạt nhòa.
Hôm ấy, khi nằm trên bàn mổ ở nhà thương của trường Đại học Stanford, vẫn căn phòng sáng trắng, vẫn những thủ tục thông thường như những lần phải thử nghiệm hay mổ xẻ cần chụp thuốc mê, sao lòng tôi thanh thản không một chút âu lo. Từng giọt thuốc an thần từ túi treo trên cao nhỏ vào mạch máu, tôi chơi vơi, bềnh bồng.
– Bà Nguyễn, bắt đầu nhé!
Tiếng bà bác sĩ nhẹ nhàng thoảng bên tai, mắt tôi tê đi, không cảm giác, chợt hai đốm đen hình vuông hiện ra rồi từ từ một vầng mây màu hồng đỏ, màu đỏ tuyệt vời, bay bay. Một mảng xanh “turquoi” bay lượn trên nền trời xanh trong. Cứ thế những quầng mây màu sắc đẹp chưa bao giờ tôi nhìn thấy nhẹ nhàng bay bay, chơi vơi, chơi vơi…tôi đi vào một vùng an lạc tuyệt vời, như có tiếng gió nhẹ nhẹ, như có tiếng thầm thì và tôi thiếp đi trong cảm giác thật êm ái lạ lùng.
– Xong rồi, bà Nguyễn, bà nghỉ ngơi một chút rồi về nhé. Sáng mai trở lại gặp tôi.
Bà bác sĩ dịu dàng vỗ nhẹ cánh tay tôi, chiếc giường lại được đẩy về chỗ đợi khi sáng.
Trong đời, hai lần tôi có niềm sung sướng ấy. Niềm hạnh phúc mênh mông trong tuyệt vời cảm giác, như mê thiếp trong hoan lạc dị thường… Lần đầu tiên sau một buổi tọa thiền, đặt lưng xuống giường, tôi mê đắm trong cảm giác nhẹ nhàng, lâng lâng ấy.
– Bố mẹ dậy sớm thế, đi những đâu rồi? Bố mẹ có lên những con đường đi bộ trên núi chưa?
Cô con gái đang tỉa mấy cây hồng trong khu vườn trước cửa ngước lên hỏi khi thấy chúng tôi về.
– Chưa, bố mẹ mới đi quanh đây thôi. Nhà cửa đẹp, không khí thật êm ả, thanh bình. Mai các cháu có đi leo núi, có đi “hiking” nhớ rủ ông bà đi cùng nhá!
Tuần này chúng tôi ở chơi nhà cô con gái, như một kỳ nghỉ hè.
– Mời ông bà vào uống cà phê, ăn tạm một miếng bánh “croissant” rồi chúng con đưa ông bà qua San Francisco chơi.
Tiếng cậu con rể từ trong nhà vọng ra, mùi cà phê tỏa ra thơm ngát.
Đã lâu không ghé SF, khung cảnh vẫn như xưa, không thay đổi, bầu trời xám, nhiều mây. Mùa hè vẫn phải mặc áo ấm. Vẫn những chiếc xe điện kêu leng keng, chở du khách thăm thành phố. Con đường Lombart vẫn ngoằn nghoèo và những con dốc dựng đứng làm chùn bước những người lái xe không cứng. Khu quanh biển vẫn tấp nập khách nhàn du. Sau khi lái xe một vòng quanh phố, chúng tôi xuống một công viên cho các cháu chạy nhảy, chơi mệt rồi vào phố Tàu ăn mì trong một tiệm khá ngon.
Về tới nhà còn sớm các cháu rủ xuống hồ bơi.
– Mẹ mới “surgery”, xuống hồ bơi mẹ cẩn thận nghe.
Cô con gái luôn miệng nhắc vì cháu nghe kể có người sau khi mổ “cataract” không giữ gìn kỹ nên bị thông manh, nhìn mọi vật không rõ nữa.
Mang cặp kính đen to bản của nhà thương cho, tôi nằm trên chiếc phao nổi trong một góc khuất của hồ bơi mặc cho mấy ông cháu chơi đùa. Hai vợ chồng cô con gái lúi húi sửa soạn cho bữa ăn tối ngoài vườn.
Buổi sáng trời không mây, bây giờ vài cụm mây trắng từ đâu tới, lang thang trên bầu trời xanh trong đưa tôi về thời gian mới cách đây vài năm mà tưởng chừng như xa xôi lắm.
***
Một buổi chiều đang ở sở làm tôi lên cơn ho sặc sụa, ho như xé ruột gan, nước mắt chảy ràn rụa, tôi phải xin phép về sớm. Tôi rất ghét đi bác sĩ vì không thích cảnh ngồi dài người chờ đợi nên thường khi bị ho như thế tôi chỉ uống thuốc ho, nhờ nhà tôi xoa dầu nóng khắp châu thân rồi nằm nghỉ. Sau một giấc ngủ dài là khỏe lại ngay. Lần ấy nhà tôi nhất định đưa tôi đi bác sĩ.
Sau những khám nghiệm thông thường, bà bác sĩ lấy một dụng cụ nhỏ kẹp vào ngón tay tôi. Đọc kết quả bà thốt lên:
– Bà Nguyễn, bà phải nhập viện ngay. Độ oxygen trong máu bà thấp quá, chưa đến tám mươi phần trăm!
Bà nói nhân viên gọi ngay xe cứu thương. Hai vợ chồng nhìn nhau tê điếng. Trầm trọng vậy sao! Xe cứu thương đến, mọi vật như lao xao và tôi như người mộng du, nằm trên chiếc băng ca, chui vào lòng chiếc xe hụ còi chạy nhanh.
Trong phòng cấp cứu tôi vẫn thảng thốt, mới tuần trước đi Houston ăn Tết với gia đình cô em gái, khỏe mạnh không một triệu chứng nào, bây giờ nằm đây những dây cùng nhợ. Vô thường đến vậy sao!
Mỗi ngày y tá đến lấy máu, cứ vài tiếng lại đo nhịp tim, đo huyết áp, đưa tôi chui vào hết máy nọ, máy kia để tìm bịnh. Mấy hôm đó trời chuyển mưa, gần như ngày nào cũng có mưa, có ngày mưa nhẹ, có ngày mưa như vũ bão, gió rít từng cơn. Buổi chiều sau khi tan sở là nhà tôi và cháu út lại đến thăm, ngồi bên giường đến tối mịt mới về. Ban đêm còn lại một mình tôi không tài nào ngủ được, lòng ngổn ngang trăm mối, mệt mỏi thiếp đi thì y tá lại vào để đo nhiệt độ, đo tim, đo máu, lấy máu để thử nghiệm.
Tôi còn nhớ như in buổi tối sau khi làm “Angiogram”, nhà tôi và cháu út đang ngồi cạnh giường. Viên bác sĩ đến đã thản nhiên nói:
– Tôi rất buồn, bà Nguyễn, bà vướng phải một căn bệnh hiếm, “Pulmonary Hypertension”, bịnh không chữa được, chỉ đợi thay phổi, thay tim. Bà còn sống hai năm, hãy thu xếp và hãy vui những ngày còn lại.
Mặt nhà tôi trắng bệch ra và thằng con cắn môi, dụi mắt để ngăn tiếng nấc. Tôi điếng người nhận bản án tử hình! Tôi có cảm giác mặt tôi như đanh lại và người như tê đi.
Buổi sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe lăn rời khỏi bệnh viện. Từ nay tôi là kẻ tàn phế. Mũi lúc nào cũng phải có ống thở oxygen. Tôi thật sự thành người tàn phế!
Sau một tuần mưa gió, hôm ấy trời nắng ấm. Tôi nhớ căn nhà nhỏ của tôi, xa có hơn mười ngày mà tưởng chừng như lâu lắm. Trước nhà, cả dãy Hồng dọc lối đi đầy hoa. Bước ra sân sau thăm khu vườn nhỏ, vạn vật như tươi cười trong nắng, cây Apricot hoa chi chít từ gốc đến ngọn, màu hồng dịu dàng như màu hoa Anh Đào của Nhật. Cây Mận đầy hoa trắng xóa trên cành. Cây Đào ăn trái hoa thưa hơn, màu hồng đậm hơn, duyên dáng ở một góc vườn. Bên hông nhà một dàn Nho vòm tròn hình vòng cung, lá non xanh và những chùm nho xinh xinh đã tượng hình. Bao phủ mặt đất từng khoảng cúc tím, cúc vàng nở rộ, những bông “Lily of the Nile” cũng như cố vươn lên mỉm cười với tôi. Thoang thoảng hương thơm của bụi hoa Nhài trộn lẫn hương hoa Hồng, dàn hoa Hồng với những bông hoa nhỏ xíu bằng đồng hai mươi lăm xu, màu hồng phấn, thơm nhè nhẹ. Hai cây Bông Giấy đỏ thắm quấn quýt hai bên cột “patio”.
Bấy giờ là mùa xuân, chim non ríu rít truyền cành. Cảnh đẹp quá, thiên nhiên đẹp quá. Tôi như say với nắng, màu nắng thật ngọt ngào. Tôi như say với gió, làn gió thật thơm tho. Từng phiến lá rung rinh, từng cánh hoa khoe sắc… Trời ơi… cảnh tươi đẹp thế kia, tôi yêu quá… thế mà chỉ hai năm, hai năm là hai mươi tư tháng, là bẩy trăm ba mươi ngày tôi phải vĩnh viễn rời xa. Tôi chỉ còn thời gian ngắn ngủi như thế trên cõi đời này sao… và tôi đã bật khóc.
Những chuỗi ngày tiếp theo ủ ê, buồn nản. Ban ngày chỉ còn mình tôi trong căn nhà vắng, đi vào, đi ra… dù sao tôi cũng phải sửa soạn, sửa soạn cho một chuyến đi thật xa, về miền miên viễn. Đầu óc mông lung, nghĩ quẩn nghĩ quanh rồi lại vùi đầu vào gối mà khóc, khóc cho vơi, khóc cho thỏa. Ban đêm giấc ngủ chập chờn với những cơn ác mộng, tỉnh dậy mệt nhoài, trăn trở.
Tôi thấy mình như đang đi trên một cánh đồng vắng lặng, hoang vu. Trời xám và hình như lất phất mấy giọt mưa. Đồi núi mênh mông, cỏ mênh mông, những bông cỏ may như bám vào mặt, những ngọn cỏ dại như vướng vào chân. Cảm giác bơ vơ đến tột cùng. Bỗng một đám người từ đâu ùa tới đuổi dồn tôi vào một ngõ sâu hun hút, như một con đường hầm tối đen. Tôi cắm đầu chạy và như hẫng chân, bừng tỉnh, tim đập mạnh, mệt nhoài.
Từ ngày ở nhà thương về tôi hay có những cơn ác mộng như thế. Trong cơn mơ tôi thường gặp những đám người đen đúa, bẩn thỉu, không ra mặt người, không ra mặt quỷ chạy đuổi tôi và tôi chạy trối chết cho đến khi hoặc như vấp phải vật gì hoặc vì quá nhược sức tôi ú ớ vùng tỉnh dậy.
Tôi nghe nói khi con người ở bên bờ tử sinh hay nhập nhòa, chập choạng nhìn được cõi bên kia, một thế giới vô hình mà khi mạnh khỏe, dưới ánh mặt trời ta không nhìn thấy. Tôi nhớ hồi mẹ chồng tôi bịnh, đến gần ngày cụ mất cụ hay mê sảng: “ Sao ở đâu ra mà lắm người vào nhà mình thế này. Đuổi đi, đuổi chúng nó đi”.
Tôi buốt ruột khi nghĩ đến cha mẹ tôi, hai thân già còm cõi sẽ phản ứng ra sao nếu tôi bất hiếu đi trước, bầy chị em mỗi năm vẫn ríu rít gặp nhau và con, cháu tôi… Tôi sắp phải rời xa tất cả. Có đêm tôi mơ tôi mặc chiếc áo dài nhung đỏ nằm bình an trong chiếc quan tài, đèn nến lung linh và tôi bay như chim trong bầu trời bát ngát, thoải mái, nhẹ nhàng.
Tôi yếu và hốc hác hẳn vì lo buồn, vì khó ngủ, vì nghĩ ngợi lung tung. Ngày nghỉ nhà tôi đưa đi bộ quanh khu nhà ở hoặc ra khu công viên có cỏ hoa tươi tốt cho tinh thần sảng khoái nhưng cứ đi được một quãng ngắn là tôi phải dừng lại thở dốc, lên ba bốn bậc cầu thang tim đã đập thình thịch phải ngừng!
Cho đến một đêm lũ người đó lại đuổi theo tôi, tôi lấy hết sức bình sinh cắm đầu chạy. Những bước chân chạy theo đằng sau dồn dập, như gần, thật gần. Không hiểu sao tôi quay ngoắt lại, nhìn thẳng vào đám người đen đúa, bẩn thỉu đó gằn giọng:
– Sao tụi bay theo tao hoài vậy, có đi đi không?
Rồi tôi lao thẳng tới đuổi lại họ. Họ quay người chạy đi và biến mất. Kể từ lần ấy tôi không nằm mơ thấy mình bị rượt đuổi nữa.
Các bạn trong sở chia nhau đến phụ nấu cơm nước và chuyện trò làm tôi vui. Các bạn ở xa biết tin cũng điện thoại hỏi thăm, gửi kinh sách và băng giảng của các Thày. Tôi bắt đầu tập thiền. Cậu em rể đem bài chỉ dẫn cách tập Dịch Cân Kinh bảo tôi cố tập. Hàng tuần tôi phải đi ba bác sĩ, một chuyên về tim, một chuyên về phổi và vẫn phải trở lại bà bác sĩ gia đình. Mỗi tháng phải đến phòng khám bệnh của trường Đại Học UCLA để bác sĩ chuyên môn về bịnh Pulmonary Hypertension điều trị. Tiểu Linh, bạn của cô em tôi, PhD về Đông y, sau khi bắt mạch, khám bịnh có cho một toa thuốc tăng cường thể lực, cân bằng khí huyết và nhìn sắc diện tôi cô nói: “Chị còn vượng lắm, cần nhất là giữ tâm thanh thản và tinh thần vững vàng thì chị sẽ vượt qua.”
Mỗi tối tôi ngồi khoanh chân tập thở. Tôi chưa thể xua đi những tạp niệm, chưa thể lắng tâm tư mình như lóng gạn bình nước táo. Tôi ôn lại cuộc đời tôi từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành, những vất vả gian nan sau năm 1975 khi chồng phải đi cải tạo, những vinh nhục khi lên voi lúc xuống chó, những ngày lênh đênh trên chiếc thuyền con ra khơi vượt biển, những khó khăn khi một nách hai đứa con thơ phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, phất lên rồi thất bại và bây giờ lại mắc căn bịnh hiểm nghèo. Tại sao? Tại sao?? những câu hỏi cứ dằn vặt trong đầu óc. Có những lúc tôi như ngộp thở rồi lại dằn lòng xuống, tập trung để cố gắng hít vào thật sâu và thở ra thật từ từ.
Nhà tôi là người ít nói lại càng ít nói. Muốn an ủi vợ mà chẳng biết nói sao, chỉ nhắc nhở uống thuốc, chịu khó đưa đi bác sĩ và ái ngại khi thấy tôi ủ dột, buồn phiền. Thằng cháu út ra vào im lìm, không dám làm gì gây tiếng động mạnh, len lén nhìn mẹ xót thương. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp nhà tôi ngồi trong xó tối khóc lặng lẽ. Không khí trong nhà thật ảm đạm, thê lương.
Nghĩ đến lời nói của ông bác sĩ và khuôn mặt vô cảm của ông ta tôi thật giận và khi đến phòng mạch của ông tôi đã hỏi thẳng:
– Thưa bác sĩ, ông có phải là Thượng Đế không mà ông biết rõ ngày giờ tôi chết? Sao ông có thể nói như vậy với bệnh nhân? Nếu tinh thần người bịnh không vững thì tôi nghĩ họ có thể chết vì lời nói của ông chứ không phải vì căn bịnh.
Ông bác sĩ có vẻ không phật lòng còn đem quả tim bằng plastic ra để giảng giải. Ông đưa những tài liệu về căn bệnh này và chịu khó ngồi trả lời những câu hỏi vặn vẹo của tôi. Tóm lại bịnh chưa có thuốc chữa, con người sống nhờ máu đưa oxygen đi nuôi cơ thể, áp suất trong phổi cao nên phổi khó hấp thụ Oxygen, phổi không làm việc tốt thì tim phải làm việc nhiều, phải bơm máu nhiều lần hơn cho đủ lượng oxygen cần thiết và như thế thành của quả tim sẽ dầy ra, to ra, đến một ngày tim sẽ chai cứng, sẽ đình công không làm việc nữa…và ông khuyên tôi phải cắm ống thở vào mũi cả ngày lẫn đêm để tăng cường nồng độ oxygen trong máu cho tim bớt khổ, đợi đến ngày gặp cơ hội có tim phổi sẵn sàng để thay. Bệnh viện ở UCLA đã ghi tôi vào danh sách chờ người cho tim phổi.
Trời chớm Thu, gió nhè nhẹ, nắng hanh hanh. Rặng phong hai bên đường đã bắt đầu đổi màu. Sau mấy tháng đã quen, ống thở không làm tôi vướng víu. Giọng nói hiền từ, dịu dàng như người cha già của thầy Thích Thanh Từ qua các băng giảng đã cho tôi hiểu về lẽ vô thường, về lý nhân duyên, về luật nhân quả và nhất là về nghiệp lực của con người qua đời đời kiếp kiếp. Thời kỳ xuống tinh thần đã qua, buổi sáng ra sân sau tập thể thao, ngắm trời đất, cỏ cây, những chiếc lá vàng đã lác đác rơi. Tôi yêu đời nhưng tôi không sợ chết. Ai cũng phải chết, có ai sống hoài. Tôi thấy tôi thật hạnh phúc đã được báo trước chuỗi ngày còn lại, để có thì giờ ngẫm nghĩ về cuộc đời, về thân phận con người. Tôi không còn dằn vặt mình, không còn than trời trách đất. Tôi hết so sánh với các em, các bạn để buồn tủi về định mệnh nghiệt ngã của mình. Sống một ngày vui một ngày, tôi tự nhủ và tôi sẵn sàng đứng dậy như bao lần trong cuộc đời tôi đã từng gục ngã rồi lại cắn răng đứng dậy để vươn lên. Nếu có vướng nghiệp từ muôn kiếp trước thì tôi vui lòng trả cho hết nghiệp trong kiếp sống này và tôi sửa soạn sẵn sàng để ra đi.
Tôi vào “Recreation Center” tìm lớp học. Tôi học vẽ, học làm đồ gốm và học trang trí nhà cửa. Tôi có thêm nhiều bạn mới, những người già đã về hưu, những người nội trợ sau khi đưa con đi học thì vào trường. Ngồi trong lớp tôi chăm chú nặn những bình hoa, sáng tạo những vật dụng trong nhà. Tôi khắc những con búp bê Nhật Bản thật là xinh. Rồi những ngày đẹp trời tôi đem giá vẽ ra vườn để đắm mình vào thế giới của màu sắc. Tôi bắt đầu viết văn. Nếu không bịnh tôi có được về hưu sớm và sống thoải mái như thế này không?
Một chị bạn gửi cho hột cải thuốc của Nhật, lá cải tựa như lá rau cải làn bảo gieo hột trồng cây lấy lá ăn tốt lắm. Tôi rắc luôn cả gói, chỉ mấy tháng đã có cải non ăn. Có người bạn khác gửi cho đĩa tập Suối Nguồn Tươi Trẻ. Thế là cứ buổi sáng thì Dịch Cân Kinh và buổi tối thì SNTT. Khi ngồi thiền tôi đã bớt nghĩ ngợi lung tung, hít vào thật sâu và khi thở ra tôi thấy rõ luồng hơi ấm chuyển trong người. Bên cạnh thuốc tây tôi đã uống mấy trăm thang thuốc bắc. Uống thuốc tây nhiều khi chữa được phổi lại hỏng gan. Thuốc bắc gia tăng hệ thống miễn nhiễm và giúp điều hòa khí huyết.
Thời gian từ từ trôi, tôi tìm đến bạn thân, đến nơi hội họp. Tôi hết mặc cảm với ống tube oxygen còn đùa giỡn là mình có nữ trang đặc biệt. Trêu chọc ông chồng già của tôi để “cheer him up”. Hết hạn hai năm tôi thấy khỏe khoắn hơn, khi gặp ngài bác sĩ đã phán sau hai năm tôi phải chết, ông ta cười:
– Bà Nguyễn, bà là bệnh nhân tuyệt vời. Bà là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh hiếm này mà không bị tồi tệ hơn. Bà ráng cầm cự thêm vài năm, họ đang nghiên cứu nhiều, hy vọng sẽ tìm ra thuốc tốt để chữa căn bịnh này.
Tám năm đã qua… bây giờ tôi vẫn còn đây!
Đỗ Dung