Cõi Riêng Tháng Chạp

Bây giờ là tháng Chạp. Trời cuối năm bao giờ cũng buồn se sắt. Những náo nức khi năm mới sắp đến chỉ dành cho tuổi nhỏ. Với tuổi lá vàng, mỗi năm trôi là một bâng khuâng.

Sau những ngày khô hạn, California không dưng sụt sùi. Mưa ở đây hiếm hoi lắm nên nhiều người thích được mưa. Tối qua, tôi nghe tiếng mưa rả rích trên mái nhà. Tiếng mưa gợi nhớ quê hương quá chừng quá đỗi. Sài Gòn mưa nắng hai mùa nên biết bao kỷ niệm về mưa. Những ngày mưa Khoa Học, tôi đứng cạnh anh bạn. Tà áo bay quấn quýt, khói thuốc thơm nồng. Những ngày mưa Tổng Nha Kế Hoạch, theo anh bạn vào Vương Cung Thánh Đường và cùng quỳ trong khi tôi là người ngoại đạo. Những ngày Thống Nhất, anh bạn theo tôi đến trường và cứ ngắm tôi trong chiếc mũ như nàng công chúa. Ừ nhỉ, dường như từ xưa tôi đã thích đội mũ rồi. Nắng Sài Gòn ngày đó đã giúp tôi khoe đủ kiểu mũ. Bao nhiêu năm trôi qua, giờ đây nơi xứ người tôi cũng lại có đủ kiểu mũ để điệu đà. Dường như khuôn mặt tôi hạp với đội mũ nên nhiều người, nhất là phái nữ lại là những người thích và khen tôi đội mũ đẹp hơn là phái nam. Trở lại với mưa kỷ niệm. Mới năm ngoái, tôi gọi cho chị Hà để rồi sau đó tôi viết “Hà Thanh, tiếng hát hoa đào” vì linh cảm một ngày chia tay. Tôi cũng viết “Hai người tôi muốn gặp bây giờ” mà Hà Thanh là một. Người thứ hai vẫn còn đây, anh vẫn nhìn theo bước chân cô em gái phương xa nhưng gặp nhau thì …mai sau biết có bao giờ.

Ngày hôm nay, cuộc sống trên vùng quê hương thứ hai với quá nhiều bận rộn khiến mưa vẫn là mưa và tôi đã không thể đi mưa hay ngắm mưa với ai đó. Sẽ rất là thú vị khi được ngắm mưa tí tách với bạn hiền bên ly cà phê. Tôi vẫn nhâm nhi cà phê nhưng trong phòng một mình và cố gắng thanh toán cho xong một số việc trì trệ vì kỳ thi.

Hy vọng ngày mai vẫn còn mưa nho nhỏ. Nhớ những ngày ở Virginia, lắm khi mưa cũng to và cuồng nộ như Sài Gòn làm tôi sợ. Tôi mê nhất mưa bụi. Có lẽ ảnh hưởng sách của Nhất Linh. Những cảnh nhà quê, mưa bụi, dậu mồng tơi, khóm trúc trong truyện Nhất Linh làm tôi mê mẩn. Tôi cũng bị ảnh hưởng cả về tình cảm. Nghĩa là thuở nhỏ, tôi thích được yêu những người “đi làm cách mạng” như Dũng của Nhất Linh trong “Đôi bạn”. Mẫu người lý tưởng của tôi thuở nhỏ là mẫu người hùng nhưng con nhà nề nếp, nho nhã, lịch sự. Đến khi lớn thì mọi cái vẫn thế trừ cái “người hùng”. Có gì đâu, lúc đó tôi đã trải qua hai nền cộng hòa và mọi cái rối ren khiến tôi không dám mơ tưởng người hùng gì cả. Nói rõ ra là tôi không chú ý đến giới quân đội. Tuy thế bàng bạc trong tôi vẫn là hình ảnh những người vì nước. Đó là lý do tôi “đắm đuối” với những câu như “Người đi giúp núi sông, hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề, gìn giữ quê hương” hay “Anh đến đây rồi anh như bóng mây, giữa khung trời gió lộng, nghìn sau nối nghìn xưa”. Bên cạnh đó vẫn là mê mẩn với “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ”.

Mưa tháng Chạp cuối năm gợi cho tôi nhớ Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn-Từ Linh. Câu chuyện tình lãng mạn mà đẹp.

Mộng nữa cũng là không

Ta quen nhau mùa Thu

Ta thương nhau mùa Đông

Ta yêu nhau mùa Xuân

Để rồi tình tàn theo mùa Xuân

Mối tình thật buồn. Quen nhau mùa Thu, thương nhau mùa đông, yêu nhau mùa xuân rồi tình cũng tàn trong mùa Xuân. Tôi vẫn yêu những chuyện tình buồn như vậy. Nhớ những ngày còn kẹt lại Sài Gòn, tôi thích được ngồi ban đêm ở quán cà phê của Cao Minh. Tĩnh lặng, có hoa nhài và nhạc tiền chiến. Thu mình trong cõi riêng.

Chợt nhớ năm xưa, tôi viết cho cô bạn nhỏ về một cõi riêng:

…Em à, chỉ là chút xúc cảm khi vô tình đọc tờ mail cũ. “Bỏ hết đi GY. Bay về cõi đó, không thương tiếc. Anh cũng bay về đây. Anh chờ em ở đó”. Anh đã muốn đợi tôi ở đó, một cõi riêng chỉ có nhạc và thơ, chỉ có tôi và anh, hoá thành kẻ dại khờ trên sân trường Phú Thọ, chỉ là tôi, cô bé Gia Long nhỏng nhảnh đuôi gà.
Nhưng thực tế đã kéo cả hai chúng tôi. Và chia ly từ đó. Để hôm nay tình cờ xem mail cũ, tôi tìm về cõi riêng. Em nói rằng có những niềm riêng xin đừng làm tôi/em khắc khoải? Không em à, hãy cứ để khắc khoải vì đôi khi đó là thú đau thương. Nghe giọt buồn tí tách rơi, nghe rứt tim từng mảnh, tuy là đau nhưng cái thú cũng thích đến nghẹn ngào. Em không nhớ tuổi hồng chúng ta cũng đã từng cắn chùm me xanh chua tái hồn người mà vẫn rất ngọt ngào trong vị chua ấy? Em nói rằng có những niềm riêng bất chợt về để tôi/em tìm thời thơ trẻ? Thì ai chả có những giây phút của một thời để nhớ? Em nói rằng muốn gậm nhấm nỗi buồn cô lẻ và ra đi, để lại kẻ độc hành? Thì kẻ ra đi hay người ở lại, nỗi sầu đong chắc cũng như nhau. Ai kia độc hành và em/tôi cũng độc hành. Đuờng song song vì chúng ta muốn thế, phải không? sẽ gặp nhau ở vô cực, ở tận cõi trời mây? À, em lại nói vui buồn rồi cũng để lại cho đời và tôi/em sẽ đồng hành cùng cát bụi? Khi ta đến, vui buồn đã có. Khi ta đi, vẫn hiện hữu vui buồn. Ta nằm xuống, thân cát bụi lại về cát bụi. Nhưng em ơi, những niềm riêng không cát bụi bao giờ. Niềm riêng của tôi/em sẽ là chút gì để nhớ cho ai chưa về cát bụi, phải không em? Thì thôi nhé. Cõi riêng. Cho mỗi người. Tôi/em có thể đóng, có thể mở. Rất riêng và cũng lại rất chung ! (Hoàng Lan Chi 2003).

Rồi hai nhà thơ đã viết thơ theo niềm riêng của tôi ngày đó:

CÕI RIÊNG

Mộng ảo đắm chìm trong cõi riêng
Bay cao mù tít trả ưu phiền
Tình đầu say đắm trong tiềm thức
Phút cuối mơ màng dưới mắt em
Bông súng vàng au mang nỗi nhớ
Câu ca bình dị hát mau quên
Chọn anh thôi biêt tìm ai nữa
Chịu đăng như rau mọc trước thềm

ĐỒNG VĂN

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.