Bâng Khuâng Đầu Tháng Bẩy

Hôm nay hơi không bận nên lang thang net. Gặp một số điều và thấy bâng khuâng.

Bâng khuâng đầu tiên là dành cho hình ảnh cặp vợ chồng Phương Thảo-Ngọc Lễ.

Năm 2005 thì phải, PT định cư Hoa Kỳ do tìm được người cha Mỹ. Một gia đình hạnh phúc với hai cô gái nhỏ, với sáng tác cho gia đình thật dễ thương, “ Bốn Ngọn Nến”. Họ cũng đã xuất hiện trên sân khấu Asia. Tôi không nhớ một hay hai lần. Thế rồi tắt ngúm. Tôi hỏi người bạn. Anh ta bảo không vừa ý TH điều gì đó. Tôi thở dài. Hải ngoại ít sân khấu nên chủ trung tâm dễ bắt nạt, bắt chẹt ca sĩ. Tội nghiệp. Lẽ ra hải ngoại được xem nhiều bản nhạc gia đình, có ích cho thiếu nhi hơn do PT-NL trình diễn nếu như họ chịu lép TH.

Đã ghét TH một, tôi lại càng ghét hơn. Kể từ đó!

Đừng ai nói rằng quyền chọn ca sĩ là của họ… Đúng, họ là chủ trung tâm và quyền chọn ca sĩ là của họ. Nhưng đằng sau hậu trường, với ca sĩ ngoan ngoãn, dễ bảo (người nào có óc tưởng tượng phong phú thì cứ tha hồ tưởng tượng thế nào là ngoan ngoãn dễ bảo nhé) thì cho hát, với ca sĩ không đồng ý việc làm sai trái của mình thì “dìm”.

Cá nhân tôi không cho rằng gia đình Phương Thảo-Ngọc Lễ, khi mới chân ướt chân ráo qua Hoa Kỳ lại dám đòi hỏi nhiều điều vô lý.

Năm nay 2015, gia đình PT-NL kéo nhau về VN. Nhìn hình ảnh này, Ngọc Lễ không già lắm, hai cô gái nhỏ đã lớn, và Phương Thảo thì “xuống” sắc. “Xuống” là không trẻ đẹp so với tuổi như những phụ nữ khác. Có lẽ người phụ nữ ấy không được hát như ý mình mong muốn và bươn chải sống ở một môi trường không mấy thuận lợi.

Bâng khuâng thứ hai dành cho Bảo Yến-Quốc Dũng.

Họ là vợ chồng đẹp đôi nhưng cuộc sống ấy cũng đã “lỏng lẻo” từ lâu. Thuở sinh viên, tôi dành nhiều cảm tình cho Quốc Dũng-Thanh Mai. Một phần vì sự trẻ trung của họ, một phần vì nét đẹp “búp bê” của Thanh Mai. Tôi cũng thích giọng hát Bảo Yến ở một khoảng thời gian nào đó.

Có lẽ đời sống tình cảm của đa số giới văn nghệ sĩ thường hay “trắc trở”. Đó là nói “lịch sự”. Nói không lịch sự là “bê bối”. (cười). Họ, cứ “nhâng nhâng” nói những điều hoa mỹ về “nửa kia” và trên thực tế thì ngược lại. Chỉ khi về già hay bị cái gì đó, mới thấy họ ở bên “nửa kia”.

Quốc Dũng bị tai nạn xe hơi. Hiện giờ nghỉ ngơi, không làm việc gì vì dường như đã bị chấn thương não.

Và hình ảnh mới nhất: Quốc Dũng “tháp tùng” Bảo Yến khi BY đi hát:

Phương Dung hỏi thăm Quốc Dũng

Bâng khuâng thứ ba là dành cho trường cũ. Nhạc sĩ Nguyễn Đức, người thầy nhạc của trường Gia Long vừa mất. Ông là Trưởng Ban Việt Nhi. Ông đã đào tạo một ca sĩ từ Gia Long: Hoàng Oanh.

Gia Long cũng có một ca sĩ nổi tiếng khác, từ lò Hoàng Thi Thơ: Họa Mi.

Có bao giờ bạn thấy hai nữ ca sĩ này xuất hiện trong các Đại Hội Gia Long thế giới để hát đóng góp cho trường xưa chưa? Câu hỏi ấy dành cho Ban Tổ Chức, cho chính hai người ca sĩ trong cuộc.

Khép lại những bâng khuâng để nghe một người Gia Long không là ca sỹ nổi tiếng nhưng hát “Duyên Tình” rất hay: Vân Phương.

Tôi nhận xét giọng hát ấy không khàn gợi dục mà chỉ phảng phất chút khàn để không chói tai người nghe. Giọng hát ấy có chút nũng nịu của cô gái con nhà lành. Giọng hát ấy luyến láy rất mềm. Giọng hát ấy ngân rung rất “kỹ thuật”. Không là một giọng trong trẻo hay ngọt ngào thường thấy ở các giọng hát “dân ca” mà là một giọng hát thuộc loại “sang” nhưng luyến láy rất “pro”.

Nghe Gia Long Vân Phương với “Duyên tình” và Hoàng Lan Chi khép những bâng khuâng trong ngày tại đây.

Vân Phương thứ hai từ trái, hàng cuối. (Họp mặt nhóm nhỏ Gia Long tháng 10/2014) ( Hoàng Lan Chi thứ nhất hàng đầu. )

Gia Long Vân Phương hát Duyên Tình

Hoàng Lan Chi

7/2015

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.