Tản Mạn Tháng Mười Với Ngôn Ngữ Việt Nam

Trích LanChiYesterday-Những vụn vặt đời sống quanh tôi

Tản Mạn Tháng Mười Với Ngôn Ngữ Việt Nam

Viết Hoa

Hôm qua tôi rất thích bài viết Cách Viết Hoa Trong Tiếng Việt của Đào Văn Bình và đã gửi ra chia sẻ. Nhiều người cũng thích và trả lời tôi là họ ủng hộ bài viết của ô Bình.

Thật ra, bài ông Bình chưa đầy đủ lắm về cách viết Hoa của Mỹ. Tuy thế, tôi nghĩ rằng ai học văn phạm Mỹ sẽ biết được đầy đủ thôi. Bản thân tôi cũng chưa nhớ được hết quy tắc viết Hoa của Mỹ. Lý do: tôi là người khá tiếng Việt (cười), những quy tắc văn phạm Việt ăn sâu vào đầu óc; trong khi đó quy tắc Mỹ có khá nhiều cái ngược với Việt nên “bổn cô nương bị bối zối là thường”!

Ví dụ, Mỹ sẽ viết Đường Hai Bà Trưng thay cho đường Hai Bà Trưng. Tôi khó chịu với quy tắc này của Mỹ.

Ví dụ hai: Mỹ viết các mùa tổng quát là xuân hạ thu đông. Tôi cũng khó chịu với quy tắc này. Tất nhiên khi đi vào trường hợp đặc biệt thì Mỹ viết Hoa cho mùa.

Về phía Việt Nam, vào khoảng 1970 nếu tôi nhớ không lầm, gạch nối đã bị nhiều người không sử dụng. Tôi không thích quy tắc này của Việt Nam.

Tuy thế, tổng quát thì đúng như ông Đào Văn Bình khuyến cáo. Đó là chúng ta nên cố gắng học theo cách viết Hoa của Mỹ. Tôi cũng cổ vũ cho việc viết bài xã luận theo kiểu Mỹ. Đa số quý cụ ông cao niên, cựu quân nhân VN, rất thích viết dài. Một câu văn dài như môt đoạn. Điều đó làm người đọc bối rối khi đi tìm chủ từ. Một vài cụ ông đã học được kiểu viết ngắn, gọn, mạch lạc, chủ từ ở đầu câu của Mỹ như Nguyễn Đạt Thịnh, Duyên Lãng Hà Tiến Nhất, Đỗ Văn Phú, Trương Sĩ Lương v.v. Kỳ dư các ông còn lại là múa bút theo ý mình. Độc giả sẽ rất mệt mỏi khi đọc văn chương của quý cụ ông này. Quý vị không cụ ông thì đương nhiên viết rõ ràng hơn. Có thể kể Huỳnh Quốc Bình, Nguyễn Kinh Luân, Phan Quang Trọng …

I hay Y

Hôm trước một người xấu đã cố tình gửi mail mập mờ để vu oan cho Hội Ái hữu Cựu NS Gia Long Nam CA là “thủ phạm” của hai chữ Biệt Li. Sau đó tôi gửi bài cho biết việc viết I thay cho Y đã xuất hiện từ lâu tại miền Nam trước 1975 nhưng không phổ cập. Tôi chỉ muốn nói, những người sử dụng I thay cho Y trong vài trường hợp, là người quốc gia. Họ không phải dùng chữ của VC đâu.

Tự thâm tâm, tôi rất ghét khi nhìn thấy “Biệt Li” hay “Chống Mĩ”. Thiệt tình, ngó thấy dị hợm, muốn “uýnh” quá. (cười). Lão Bạch Diện Thư Sinh là bạn tôi thì tôi “chiếu cố” chứ người khác mà viết “chống Mĩ” thì tôi vứt ngay bài ấy vào sọt rác. (quá khích nhỉ?)

Lai căng

Dù muốn hay không thì có vẻ hiện giờ ngôn ngữ viết nói của chúng ta bị “ba rọi” khá nhiều. Biết làm sao khi chúng ta đang ở hải ngoại và thời buổi @. Cái gì cũng cần nhanh và gọn.

Chữ Mỹ được dùng khá nhiều cho việc nói ba rọi là work. Liệt kê vài ví dụ:

TV work chưa vậy?

Sao nó không work?

Chữ nữa là OK.

Cái gì cũng OK được cả!

Bạn Biết Sử Dụng Mail Hay Chưa

Có vẻ nhiều người trong chúng ta vẫn cẩu thả trong sử dụng mails.

Tôi thường cố gắng: 1) Viết subject cho rõ ràng. (đấy, tôi lại viết lai căng rồi!) 2) Viết lại subject khi reply. 3) Cắt bớt mail nguyên thủy. (Bấm Ctrl và C để copy ý ngắn, sau đó bấm Ctrl và A, rồi delete hết. Bấm Ctrl và V để dán lại ý ngắn rồi gõ trả lời)

Tôi cũng cố gắng viết đôi lời giới thiệu cho bài của tác giả khác. Tôi sẽ cho độc giả của tôi hiểu tôi đồng ý/không đồng ý với bài đó; hay đơn thuần chỉ là FYI (For Your Information).

Dù cố gắng trong mails chính thức nhưng với mails qua lại với bạn bè, lắm khi tôi quá vắn tắt khiến họ không hiểu. Có gì đâu, “bổn cô nương” viết nhiều quá nên mỏi tay và vắn tắt. (cười trừ).

Hoàng Lan Chi

10/2015

Bài liên quan:

§ Đào Văn Bình-Cách Viết Hoa Trong Tiếng Việt

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.