Nhớ lại năm 2000, đang chờ hồ sơ con bảo lãnh, tôi lên net dạo chơi do học trò chỉ. Ngày đó vào net bằng điện thoại và điện thoại ở Việt Nam thì đắt. Gọi bao nhiêu tính bấy nhiêu. Mạng đầu tiên là vietnamnet gì đó và là intranet, tức la net trong phạm vi Việt Nam thôi ( đó là đệ tử giải thích như vậy). Hơn một năm, thì tham gia Đặc Trưng, rồi Việt Báo, Thư Viện Toàn Cầu, Trinh Nữ, Phụ Nữ Việt…Đặc Trưng là nơi tôi vẫn gắn bó (nghĩa là gửi bài đều đặn) đến giờ. Đặc Trưng cũng là nơi duy nhất, thỉnh thoảng tôi tham gia “tranh luận” mỗi khi tôi “bực mình” với một nick nào đó. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi gửi bài viết về thời sự cho anh Nhung Râu để anh “phóng” lên các diễn đàn. Cá nhân tôi không tham gia. Lý do, không đủ thì giờ.
Năm 2008 nếu tôi nhớ không lầm, bực mình một sự kiện liên quan đến Tổng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị xoay quanh vụ “HO”, tôi đã ra tay “giúp” Tổng Hội. Năm đó, có lần chúng tôi ba người ở 3 tiểu bang, liên kết nhau. Đứng tên bài viết là một người miền Nam. Hai người còn lại là Bắc, gồm một anh nữa và tôi. Bài viết có tác động khá mạnh, văn giọng Nam và …ý tứ câu cú mang hơi Bắc! Tôi còn nhớ, tôi đã mỉa mai “Những điều tử tế và không tử tế quanh cái đại hội những người tử tế!”.
Qua 2009, chứng kiến từ đầu trong “nội bộ”, tôi viết bài về vụ án “Đài Việt Nam Hải Ngoại giao du với Đệ Tam Tham Tá Tòa Đại Sứ VC”. Trong vụ này, Chủ Tịch Tổ Chức Cộng Đồng DC-VA-MD và cả một nhà văn, cựu Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại đã bị tôi viết khá nhiều bài “tấn công” tơi bời hoa lá. Tôi mỉa mai “Mua danh 3 vạn, bán danh 3 bài” khi ám chỉ nhà văn cựu Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại đã “xả thân liều mình Lê Lai cứu chúa” bằng ba bài viết và coi như ‘tiêu tùng” vì ba bài này. Sau gần một năm, vụ án này đã xong xuôi: ê kíp Ban Giám Đốc cũ của Đài ra đi. Và cũng từ đó, hình thành nhóm “Tứ Nhân Bang” gồm 4 thành viên đều là những cộng tác viên của Đài Việt Nam Hải Ngoại và đã “chống lưng” trong vụ án giao du với VC của Đài! Hồng Phúc, coi như Anh Cả của “Tứ Nhân Bang” đã gọi tôi là “Phàn Lê Huê”! Ý anh ám chỉ, tôi luôn luôn “nổ súng” trước tiên! Thật ra mà nói, tôi viết khá nhanh, sắp xếp mọi thứ khoa học, vì thế bài tôi viết, luôn có “link” âm thanh kèm theo chứng minh. Lý do khác, lúc đó tôi đang ở nhà, có nhiều thì giờ hơn các “chiến hữu” khác.
Vụ tiếp theo mà tôi viết bài là vụ Cựu Tù nhân chính trị Đỗ Văn Phúc bị Nancy Bùi kiện. Trước đó tôi thu âm bà Nancy Bùi gần một giờ và đã có đủ bằng cớ về việc bà về Việt Nam buôn bán từ 1994 gi đó. Bà này nhiều lần cho “anh chị em” sinh đôi ra viết bài nhưng tôi “đập” hết! Còn một vụ nữa ở Hoa Thịnh Đốn, đó là vụ ảo thuật xé cờ Việt Nam Cộng Hòa trong đại hội của Hải Quân. Một vụ khác nữa là vụ “July 4th” cũng ở DC. Nhóm tổ chức ngày này khoảng ba năm nay, đã nói bậy và tệ hơn là “chụp mũ phá hoại” cho người bạn của mình. Tôi bỏ ra hai ngày để xem cái youtube của buổi họp cộng đồng, cắt từng phần nhỏ, cho link, và cuối cùng viết bài. Trong bài là quan điểm của tôi, là mô tả sự kiện kèm link youtube dẫn chứng, thế là nhóm bên kia … “tắt đài”.
Vài người bạn nói rằng “Văn Hoàng Lan Chi rất lãng mạn, nhẹ nhàng. Không thể tưởng tượng được TDL chính là Hoàng Lan Chi”! Tôi cười khì. Thì khi viết bài thời sự, giọng văn phải khác chứ. Một ông thì “Chị viết bài coi bộ cũng dữ dằn lắm, sao lại sợ ma?”, tôi lại cười khì “Viết bài uýnh việt gian khác, sợ ma là chuyện khác.”
Phải nói thêm nữa rằng, tôi vốn ưa thích văn học nghệ thuật hơn chính trị và một nét trong lãnh vực này tôi chú trọng là phỏng vấn để tìm hiểu. Đi vào chi tiết, tôi thích phỏng vấn “tài năng trẻ” của cộng đồng người Việt hải ngoại, và phỏng vấn “ một thời để nhớ” của những “tuổi lá vàng”. Tôi thích làm một sợi chỉ xuyên từ “vẻ vang quá khứ” đến “thành công hiện tại”.
Chính trị, hay nói khiêm nhường hơn, lãnh vực thời sự, chẳng qua là vì tôi cũng có những hoài bão thuở còn là học trò, rồi ước mơ vỡ vụn khi lịch sử sang trang, rồi chứng kiến Việt Cộng tàn phá quê hương từ 1975 đến 2000, mà trong tôi “sùng sục” mối hờn căm. Nói đến bất cứ chuyện gì, cứ đi một lúc, thế nào cũng có thể quy về “ trách nhiệm chính là lũ VC!”. Vì sùng sục mối căm hờn đó mà thỉnh thoảng tôi tham gia với bạn hữu viết từ 2000. Nhưng chính thức bút hiệu HLC viết nhiều hơn, thì phải kể là từ sau vụ án “giao du với Đệ tam Tham Tá đặc trách liên lạc với người nước ngoài, Nguyễn Sĩ Tuệ của Tòa Đại Sứ VC” của 2 vợ chồng cựu Giám Đốc Đài này (DVH-LLN). Sau này tôi công khai cho biết những bài vê thời sự của HLC sẽ có bút hiệu TDL và sau này là vài bút hiệu khác. Chẳng qua, tôi chỉ muốn giữ bút hiệu HLC cho những đề tài văn học. Sự quan tâm hay nói cho rõ hơn, số lượng bài viết cho thời sự sau này có nhiều hơn, chỉ vì “bạn bè, người quen”, từ khi nào không rõ, có thói quen, coi tôi là người có trách nhiệm Viết! Tin July 4th, LC nè, đìêu tra đi. Tin cờ vàng bị ảo thuật xé, LC nè, tìm hiểu đi. Tin đại hội Thụ Nhân Đà Lạt âm mưu không chào cờ VNCH, LC nè, viết đi. Tin một nhà văn mỉa mai cờ vàng phủ “những đống thịt thối”, LC nè, viết đi…Họ, nếu trong phạm vi nhỏ, tôi có “ la lối”, tại sao là tôi mà không là người khác viết, thì bạn hữu cười “ Ơ hay, đã là Phàn Lê Huê thì phải đi tiên phuông chứ!” Người khác thì “Ai cũng bận kiếm sống cả, nhưng chị là người viết rất nhanh và rõ ràng. Sau nữa chị luôn có kèm bằng cớ là file âm thanh nên bài viết của chị thuyết phục nhiều hơn. Chị cứ đi tiên phong, chúng tôi thủng thẳng theo sau”. Anh bạn giữ lời, đôi khi tôi viết trước và bạn hữu tôi viết sau. Nhưng tôi chỉ viết khi nào tôi thích, tôi có thì giờ. Đôi khi tôi viết chỉ vì muốn yểm trợ chiến hữu, cụ thể nhất là vụ Đỗ Văn Phúc. Phía Nancy Bùi tung nick ảo, với lối viết rất “cứng”, cho thấy đấy chính là một nhà báo ( có thể là chính bà Nancy Bùi!), chỉ dữ kiện/dữ liệu là sai một chút để chụp mũ, vu khống mà thôi. Và tôi, TDL phải viết để “bẻ gẫy” những luận điệu đó, giúp Đỗ Văn Phúc.
Vì tự thâm tâm thích văn học nhiều hơn, tôi không đưa đề tài thời sự vào web cá nhân. Tại đây, tôi chỉ gửi vài bài viết chung chung, vd như “ Xin được chọn làm thiên nga”, “ Khi người trẻ muốn vào hang cọp” “Truyền thông có nhiệm vụ chiêu hồi hay không” “Sức mạnh của internet trong vụ VNHN”. Uớc mong một ngày nào đó, tôi không phải ưu tư về những vấn đề thời sự nữa. Một chị bạn tôi cũng than thở “ Không ai bắt mà mình cứ phải xem, theo dõi rồi buồn. Lắm khi mất ngủ, tức quá chị nói thôi tui là người Mỹ rồi, tui không cần biết VN nữa. VN có bị xoá tên trên bản đồ thế giơi cũng kệ nó, VN có bị gì cũng kệ nó!”
Dù sao trong lãnh vực “thời sự”, tôi cũng có một số bạn bè mà tôi đùa gọi là “chiến hữu” và trong gia đình cũng có vài anh chị em họ, cùng suy tư. Trong số những cây viết thời sự hải ngoại, tôi dành cảm tình cho Duyên Lãng Hà Tiến Nhất. Ông viết ngắn, gọn và chính xác. Cách hành văn kiểu Mỹ, không dài lê thê. Một câu có đủ chủ từ, động từ và từ 1-2 túc từ là chấm hết. Với DL, không có kiểu một câu là cả một đoạn như khá nhiều “cao niên” khác. Thứ hai, ông không chửi bậy, nói tục đối phương. Thứ ba ông không có “hàm hồ” hay rất ít. “Hàm hồ” là chữ tôi ám chỉ một số vị, viết mà có vẻ như không chịu trách nhiệm lời mình viết. Họ viết khơi khơi “Tôi nghe đồn, tôi đọc ở sách này, tôi xem ở một đặc san nọ..”! Với tôi , thời buổi net, tôi cố gắng chỉ tin khi có bằng cớ rõ ràng đi kèm như âm thanh, hình ảnh. Tôi không tin dữ kiện được trích từ “sách, hồi ký” của ông A bà B vì đôi khi mấy vị này, lại cũng dựa vào “nghe đồn”!
Thứ hai, người nói hùng hồn rất hay trong các chương trình phát thanh là Huỳnh Quốc Bình! Huỳnh Quốc Bình là chủ chương trình “Chúng ta và thời cuộc” của Đài Việt Nam Hải Ngoại từ khoảng 2003-2009 và được thính giả bầu chọn là chương trình hay nhất trong cuộc bầu năm 2008. Năm 2009, với tính thẳng thắn, cương trực, Huỳnh Quốc Bình đã từ giã Việt Nam Hải Ngoại sau vụ ký giả Hồng Phúc tố cáo các vị Giám Đốc đài này giao du với Đệ tam tham tá Tòa Đại Sứ VC. Hiện nay Huỳnh Quốc Bình có chương trình cùng tên và thuộc đài Tiếng Nước Tôi ở Atlanta. TNT là một Đài Phát Thanh trước kia trực thuộc Việt Tân nhưng đài phát thanh tại Atlanta này không còn thuộc Việt Tân nữa. Đó là Huỳnh Quốc Bình giải thích với tôi như vậy. Khuôn mặt trẻ so với tuổi, vẻ bề ngoài thì hiền lành, có vẻ thư sinh là khác, nhưng khi điều khiển chương trình, Huỳnh Quốc Bình nói dõng dạc, rõ ràng. Ngôn ngữ rất giản dị, không cầu kỳ, không cao xa, không “bác học”, trái lại có khi rất “bình dân” nhưng đi thẳng vào tai nghe của thính giả. Tôi còn nhớ, khi nghe một chương trình của Huỳnh Quốc Bình, tôi rất thú vị khi Huỳnh Quốc Bình ví von như sau “ ..mấy người đem cái vấn đề có chào cờ hay không ra hỏi, không khác gì con cái đi hỏi người hàng xóm là tui có nên thờ cha mẹ tui hay không”. Tôi phì cười vì thấy ví von rất “bình dân” nhưng dễ hiểu vô cùng. Vâng, lá cờ là căn cước của người tị nạn, ở đâu phất phới lá cờ, người khác nhìn biết ngay đó là tập thể người Việt tị nạn cộng sản và yêu chuộng tự do. Vì thế, ở bất cứ cuộc họp tập thể nào tại nơi công cộng thì nghi thức chào cờ VNCH, cần phải có. (huynhquocbinh.com). Ngoài Huỳnh Quốc Bình còn Đỗ Văn Phúc, Đoàn Trọng Hiếu, chị Bé Bảy, Hồng Phúc ..Đó là những cây viết quốc gia đang giữ vững lằn ranh quốc cộng.