Phạm Duy nói về Thái Hằng

Hồi ký Phạm Duy nói về Thái Hằng :

Vào đầu năm 1949, sau khi tất cả mấy anh em Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương, Thái Hằng, Băng Thanh (tức Thái Thanh) đã gia nhập các ban văn nghệ quân đội của Liên Khu IV rồi thì hai ông bà Thăng Long cũng rời Chợ Đại di cư vào Thanh Hoá để được sống gần gũi các con.

Hai ông bà tới một nơi gọi là Chợ Neo, cách làng Ngò khoảng vài cây số, thuê lại căn nhà lá của một nông dân tên là Cò Mại và mở một quán phở vẫn lấy tên là Quán Thăng Long.

Chợ Neo là một chợ quê rất bé, trước kia chỉ có lèo tèo vàigian nhà trống dùng làm nơi họp chợ của dân điạ phương, bây giờ thì có thêm khoảng trên hai chục cửa hàng là những túp nhà lá do dân di cư’ dựng lên. Quán Thăng Long nằm ở ngay trước mặt một ngôi chùa nhỏ, chung quanh chùa có đào nhiều hố tránh máy bay.

Vì cùng là đội viên của đoàn văn nghệ quân đội và vì không có ai là người quyến thuộc cho nên vào những ngày nghỉ, tôi thường hay theo Phạm Đình Viêm và Thái Hằng về chơi quán Thăng Long.

Đã quen biết hai ông bà từ ngày ở Chợ Đại cho nên tôi được ưu đãi. Tôi được ăn uống, nghỉ ngơi và ngủ luôn tại quán, giường ngủ là hai cái bàn trong quán ăn kê xát lại nhau. Cùng với Viêm, Chương, Thái Hằng, Băng Thanh, chúng tôi ngồi đàn hát với nhau suốt ngày hoặc cùng với đội viên của đoàn văn nghệ đóng quân ở gần đây, kéo nhau ra sông máng để tắm táp, bơi lội.
Khi nhìn thấy mấy cô trong đoàn mặc maillot de bain nhẩy plongeon xuống nông giang thì bộ đội đi hành quân trên bờ đê đã… điên lên.
. . .
Khi còn ở Chợ Đại, tôi cũng thoáng biết tới cô con gái lớn của Quán Thăng Long, được nghe cô đánh đàn guitare hawaiwenne và hát chung với mấy người anh, nhưng lúc đó tôi không năng tới quán ăn này để tán tỉnh nàng – như thường lệ mỗi khi gặp bất cứ người đẹp nào – bởi vì tôi còn đang quá bận bịu với những chuyện vui chơi của tôi.

Vả lại lúc bấy giờ cũng có khá nhiều cây si được trồng tại quán Thăng Long. Các chàng si này, nếu phải mài kiếm dưới trăng để so kiếm, lại toàn là những tình địch trong nghề như Đinh Hùng, Huyền Kiêu, Bùi Xuân Phái, Ngọc Bích…
Vào tới Khu IV, tuy cùng hoạt động chung với nhau trong đoàn văn nghệ, nhưng tôi và Thái Hằng chỉ là hai người bạn đồng đội và sống riêng biệt.

Mới đầu tôi chỉ thấy Thái Hằng là người hiền lành, xinh xắn, dễ thương nhưng ít vui và rất hà tiện trong sự biểu lộ tình cảm.
Nay được ở gần nàng luôn luôn và vì tôi là người lém lỉnh cho nên nàng không thể im hơi lặng tiếng được nữa. Thế là chuyện này chuyện nọ được trao đi đổi lại như giữa bất cứ một đôi trai gái nào.
Rồi sau khi những chuyện thông thường đã mòn, chúng tôi nói tới chuyện riêng. Tôi hiểu được vì sao nàng luôn luôn là một vẻ buồn.

… Vào năm 1945, Thái Hằng đã đính hôn với một sinh viên trường Luật tên là Trần Văn Nhung (bạn đồng học của TrầnThanh Hiệp). Anh Nhung này là bạn thân thiết của Nguyễn Thiện Giám, anh họ của Thái Hằng.

Anh Giám là con trai độc nhất của bà bác ruột, một goá phụ, và là người làm mối Trần Văn Nhung cho Thái Hằng. Trong gia đình Nhung có mấy người anh đi theo Việt Nam Quốc Dân Đảng, còn Nhung thì vào đầu thập niên 40, cũng như rất nhiều thanh niên khác, anh tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp.
Cảm tình của anh đối với Nhật Bản còn khiến cho anh được tặng một học bổng để đi du học nhưng anh chưa kịp đi thì xẩy ra vụ đảo chính ngày mùng 9 tháng 3, 1945.

Trước giờ đảo chính không lâu, một sĩ quan Nhật tới một buổi họp của sinh viên Hà Nội do họ triệu tập cấp bách để hỏi xem có ai là người xung phong cùng đi với lính Nhật vào hạ thành Hà Nội" Những người này sẽ được dành cho danh dự đặc biệt là tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp xuống.

Mọi người còn đang im lặng vì do dự thì Trần Văn Nhung và một sinh viên đã đứng lên nhận lời mời của Quân Đội Nhật. Hai sinh viên này đi tiên phong trong đám lính Nhật và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo chính. Sau đó một hai ngày, Nguyễn Thiện Giám cũng bị thảm sát trong một trường hợp khác.

Cái chết của Giám đã làm cho mẹ anh phát điên. Ngày 11 tháng 3 năm 45, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh cho nền thịnh vượng chung của Đại Đông Á được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này. Mẹ nàng cũng tới, thay mặt cho bà bác đã phát điên.

Cái chết của vị hôn phu và của người anh họ đã ảnh hưởng rất lớn vào Thái Hằng.
Trong suốt một năm còn ở trong thành phố, kể từ ngày Nhung được chôn cất, Hằng tuần nàng mang hoa tới đặt trên mộ và ngồi khóc.
Đi theo gia đình ra vùng kháng chiến, nàng vẫn mang theo tấm ảnh và tập nhật ký của người đã chết.

Sau này, nàng sẽ cho tôi biết là trong ba năm ấy, đã có nhiều chàng trai đến với nàng nhưng nàng không thấy ai như Trần Văn Nhung cả. Những chàng trai đó – mà tôi cũng quen biết – đối với tôi, đều là những người đáng yêu, đáng kính nhưng tôi ngờ rằng họ không biết tới chuyện riêng của nàng hoặc nếu có biết đến thì chắc rằng cũng chỉ biết vậy mà thôi.

Tôi thì khác, tôi đóng luôn vai trò của một bác sĩ phân tâm học. Hằng ngày tôi gợi chuyện cũ cho nàng nói. Nói cho thật nhiều, nói cho vơi đi và chắc chắn sẽ có thể nói cho hết đi.
Và tôi cũng thật lòng xưng tụng thái độ anh hùng của Trần Văn Nhung, sự chung tình của Thái Hằng khi vẫn thờ hình ảnh của vị hôn phu trong lòng.

Khi nàng cho biết Trần Văn Nhung sinh ngày mùng 10 tháng 5 năm 1921 thì tôi bảo tôi cũng sinh năm 1921 và vào ngày mùng 5 tháng 10, gần giống y chang đó nhé. Khi nàng nói Trần Văn Nhung cận thị, người dong dỏng cao và có mang một biệt hiệu là Chung Tử Kỳ thì tôi bảo tôi đây cũng là Bá Nha, cũng đeo kính nhìn gần và dáng người của tôi thì có lùn gì đâu"

Nàng đã có lúc buột miệng nói rằng: trông tôi cũng hao hao giống Trần Văn Nhung, thế là khá rồi đấy. Để cho có thêm nhiều sự trùng hợp, tôi cho nàng biết tôi cũng có liên hệ với vụ Nhật đảo chính.

Chuyện tôi may cờ Nhật rồi bị Tây bắt ở Cà Mâu. Cũng trong một ngày, ở hai nơi xa lắc, hai người cùng tuổi, vóc dáng hơi giống nhau, cùng bị lùa vào tấn bi hùng kịch hay bi hài kịch chính trị. Cả hai đều được đẩy đưa một cách êm du vào một người con gái. Là phép lạ hay là số mệnh đây"

Cuối cùng, để cho nàng có cảm tưởng tôi là người có thể thay thế được Trần Văn Nhung, tôi cũng là một chàng trai cũng có nhiều can đảm lắm: tôi sẽ xung phong đi vào Bình-Trị-Thiên trong sáu tháng, khi trở về mới làm lễ cưới.

Ngoài ra, tôi cũng phác hoạ cho Thái Hằng – qua những truyện kể, qua những bản nhạc – thấy được sự lớn lao của cuộc chiến đấu hiện đang diễn ra Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút… tại khắp mọi nơi trong nước, với vinh quang ngụt trời và đau khổ vô biên để cho nàng thấy rằng nỗi niềm của một cá nhân rất là bé bỏng trước sự vĩ đại của cuộc sống trước mặt.

Đến với Thái Hằng, tôi còn có một ưu điểm mà người khác có thể không có, đó là cái tài mọn của tôi trong âm nhạc. Tài nghệ nhỏ nhoi này cũng đã được nhiều người công nhận, từ Tướng Tư Lệnh Nguyễn Sơn rất giỏi về văn nghệ, qua những nhà văn hoá lão thành như Đặng Thái Mai, Nguyễn Đức Quỳnh… tới đông đảo quần chúng là bộ đội hay dân quê nhưng nó chỉ xuyên qua loại nhạc hùng có ích lợi cho kháng chiến mà thôi. Tôi gọi đó là cái tài hùng (!)

Riêng đối với Thái Hằng, bây giờ tôi trổ luôn cái tài hèn ra là việc soạn nhạc tình và soạn lời Việt cho nhạc cổ điển.

Thái Hằng có một giọng hát rất dịu dàng, hiền hoà, hợp với tính tình của nàng. Tôi đệm đàn cho Thái Hằng hát những bài hát tiền chiến trong đó có một bài hát của Lương Ngọc Châu nhan đề Ải Mai Pha rút ra từ một vở tiểu-ca-kịch nào đó của nhạc sĩ này. Đây là lời than khóc của một thiếu nữ trước cái chết của vị hôn phu mang tên là Đoàn Thăng.

Sau khi đẩy đưa cho nàng trút hết tâm sự ra qua bài hát ở nơi buồng hồng tang vắng và có lệ nồng khăn trắng này, tôi soạn Đêm Xuân cho Thái Hằng, để thay mặt cho đàn chim, báo tin cho nàng biết rằng: Xuân đã về trong giấc mộng… Em cứ việc yêu câu hát buồn đang lả lướt trong màn trăng…nhưng xin em hãy yêu luôn cả trời thanh vắng đã đón đưa em tới chàng…

Hồn em chùm đêm tối
Tình em còn chơi vơi
Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai.
Đừng nhạt phai…

Trong những bài hát của tôi soạn ra từ trước tới nay, đây là lần thứ sáu tôi nói tới cây đàn. Khi trước là cây đàn bỏ quên côi cút, là tiếng đàn tôi, tiếng đàn chết chóc trên đường dương thế xa vời, là tiếng đàn trầm vô tư bên chiếc cầu biên giới, là cung đàn thờ ơ của tình kỹ nữ hay là cung đàn Nam Thương, Nam Ai thở than của khối tình Trương Chi. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới.

Tiếng đàn đêm ấy sẽ ru trái tim này:
Chưa quen nhau lúc đầu
Em nghe theo tiếng sầu
Ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc mầu.
Em phôi pha tháng ngày
Vì lúc trăng về đây có đàn đêm ấy
Đã ru trái tim này.
Hồn em tìm nương náu
Tình em chờ thương đau
Lòng em chưa tàn, xin đừng phụ nhau.
Đừng phụ nhau…

Trong kháng chiến – như tôi đã có dịp nói tới vấn đề này – cho tới lúc này, chúng tôi rảnh rỗi vô cùng. Không bao giờ chúng tôi phải làm nô lệ cho cái đồng hồ cả. Cuộc chiến cũng chẳng bao giờ trói tay chúng tôi vào nhiệm vụ.

Chúng tôi rất có tự do. Những ngày được về nghỉ ngơi tại Quán Thăng Long, vì nhu cầu của hai chị em tên là Thái và tên là Thanh, tôi soạn ra khá nhiều những lời ca tiếng Việt cho nhạc cổ điển Tây Phương. Lời lẽ trong những bài này cũng phản ánh ít nhiều mối tình của tôi đối với Thái Hằng.

Trong bài Dạ Khúc của Schubert, có những lời ca rất an ủi:

Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.
Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.

Sau gần sáu tháng đi chung với nhau trong đoàn văn nghệ cũng như ở chung với nhau tại Quán Thăng Long và sau khi đã ôm được nàng vào lòng rồi, tôi chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ.
Chuyện tình của tôi và Thái Hằng cũng như chuyện tôi hỏi vợ được nhiều người ở chung quanh biết tới. Đặc biệt có hai người nhiệt liệt tán thành cuộc hôn phối của chúng tôi là Nguyễn Sơn và Nguyễn Đức Quỳnh.

Khi tôi còn đang gặp một chút lưỡng lự nơi hai ông bà Thăng Long thì hai cán bộ chính trị và văn nghệ này nói vào cho tôi. Hơn thế nữa, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) là người anh lớn trong gia đình cũng vận động dùm tôi và cuối cùng ông bà Thăng Long ưng thuận.

Trong đời tình ái của tôi, đây là lúc tôi không còn là con bướm nhởn nhơ trước những nụ hoa dọc đường và vui thú với những cuộc tình dễ dãi nữa.

Bây giờ, tôi phải vận dụng tất cả khả năng thuyết phục của lý trí, khả năng rung động của con tim, khả năng hấp dẫn của cây đàn và khả năng lôi cuốn của tình trai…. để đẩy được một vị thần hay một bóng ma ra khỏi đời một người con gái, rồi lấy nàng làm vợ.
Bắt buộc là phải có một cái lễ ăn hỏi chứ. Kẻ đãng tử xưa nay bất cần đời nay đầu hàng lễ nghi gia đình và xã hội rồi. Sau khi chọn được một ngày tốt lành, bà Thăng Long ra chợ ở ngay trước mặt Quán Thăng Long mua một nải chuối, một buồng cau, một gói trà… Ngày lễ hỏi, bên nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê Thị Kim là Bạch Bích tới bưng hộ khay trầu.

Hôm đó, từ trong Quán Thăng Long đi ra tôi còn là một kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của sáu tháng khổ công vận động của tôi.
Và phải đợi sáu tháng sau, khi tôi từ Bình-Trị-Thiên trở về, lễ cưới của đôi vợ chồng quê này mới được cử hành dưới sự chủ hôn của Tướng Nguyễn Sơn.

PHẠM DUY

This entry was posted in Âm Nhạc-Truyền Hình, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.