MINH DUY với BÀI CA CHIẾN THẮNG

                                                                                              

Kià đoàn quân chiến thắng đang trở về dưới nắng hồng
Cùng nhau hoà câu hát thành công!
Lớp áo xanh phai mầu thấy phất phơ ngang đầu
Ngọn cờ tung bay cuối phố

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng thuộc, từng hát giòng nhạc hào hùng ấy nhưng mấy ai biết tác giả là ai, sáng tác vào dịp nào.
Dòng họ của Minh Duy thiên cư vào Nam trước cuộc di cư vĩ đại năm 1954. Trước khi vào sống hẳn ở vùng đất trù phú nhất nước, chàng trẻ tuổi sống với gia đình bên dòng Hàn Giang thơ mộng. Gia đình khoa bảng nhưng ông nội rất thích nhạc. Giòng nhạc chảy đến Minh Duy thì thấm đẫm khiến chàng trai say đắm và luôn tìm nhạc mọi lúc, mọi nơi. Khi thì buổi văn nghệ dã ngoại và thường xuyên nhất là ban văn nghệ thuở học trò.
Buớc chân vào cổng trường Sư Phạm để có một nghề sinh nhai, Minh Duy chọn ngành Anh Văn. Thoạt đầu chọn nghề để sống, chưa hẳn là ý thích nhưng những năm tháng với phấn trắng bảng đen khiến Minh Duy cũng cảm thấy gắn bó và bao kỷ niệm vui buồn. Có lúc Minh Duy muốn  đổi nghề nhưng số phận không mỉm cười trọn vẹn với chàng. Năm 1960, Minh Duy hoàn tất các thủ tục và chờ ngày xuất ngoại nhưng lệnh tổng động viên đã làm giấc mơ đổi nghề cuả chàng tan như bọt sóng.

Thuở mới lớn, như hầu hết các chàng trai cùng thế hệ, Minh Duy gửi tâm tình vào câu chuyện tình yêu với nhạc phẩm đầu tay NGÀY TÔI YÊU NGƯỜI. Nhạc phẩm với tiết điệu khoan thai, nhẹ nhàng trữ tình như chuyện yêu đương thời mực tím.

Những năm thanh bình vội vã qua. Từ 1960, Cộng Sản tấn công miền Nam với sự ra đời cuả cái gọi là “ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà thời ấy còn non trẻ lắm. Vả lai, cuộc chiến đối đầu giữa hai chủng tộc bao giờ cũng dễ hơn cuộc chiến du kích và lại cùng một giòng máu. Khoảng đầu năm 1960, Quân Đội chiến thắng một trận lẫy lừng. Tổng Thống và Tổng Tư Lệnh Quân Đội quyết định tổ chức một buổi đón đoàn quân chiến thắng trở về. Buổi lễ đón quân về Thủ Đô diễn ra vào một buổi sáng tại rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự Sài-Gòn.

Minh Duy lúc ấy còn rất trẻ, đang là sinh viên năm thứ hai Sư Phạm. Từ Bàn Cờ, chàng ra xem buổi diễn binh.  Nhìn hình ảnh đoàn quân oai hùng, áo xanh mầu lá, súng bồng vai, hiên ngang trong nắng Sài Gòn, Minh Duy thấy lòng rạo rực khôn xiết. Sờ đến túi, không có giấy, chàng sinh viên vội chạy như bay về nhà trọ để ghi vội nguồn cảm hứng.

Bài Ca Chiến Thắng ra đời như thế đó.

Bạn bè nghe Minh Duy hát cũng nức lòng theo. Bài ca tuyệt vời quá, âm điệu hào hùng thế, giai điệu tráng lệ thế, cần phải đuợc phổ biến. Được bạn bè cổ vũ, Minh Duy đạp xe đến Đài Phát Thanh Quân Đội, lúc bấy giờ toạ lạc trên đường Hồng Thập Tự Sài-Gòn.

Minh Duy xin gặp người phụ trách âm nhạc. Chờ vài phút, một vị Trung Uý buớc ra. Minh Duy chỉ giản dị “Tôi vừa viết bản nhạc này và nhận thấy rất thích hợp với tình hình hiện tại. Trung Úy vui lòng xem, nếu được thì xin phổ biến giúp cho. Vị Trung Uý cầm bản nhạc, cảm ơn và từ biệt. Nhìn vào ngực vị Trung Uý, Minh Duy thấy bảng tên ghi Thọ Đan.
 
Trung Uý đó chính là nhạc sỹ Đan Thọ, trưởng ban văn nghệ Đài Phát Thanh Quân Đội

“Tôi phụ trách các sáng tác mới cho Đài Phát Thanh Quân Đội. Khi xem Bài Ca Chiến Thắng của Minh Duy, tôi thấy rất hoàn hảo về mọi mặt. Do đó tôi đã cho tập ngay và chỉ trong vòng một tuần lễ, bản hùng ca đã vang lên trên làn sóng phát thanh cuả Đài Quân Đội. Kết quả thật không ngờ, ai cũng khen ngợi và tôi rất vui vì đã giúp được một phần nào trong việc giới thiệu nhạc mới đồng thời đóng góp cho kho nhạc hùng của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa một tuyệt phẩm. Lúc đó tôi không hề biết Minh Duy là ai.”

Nhạc sĩ Đan Thọ nói như vậy. Còn Minh Duy, chàng sinh viên năm thứ hai Sư Phạm thì rất đơn giản với nghĩ suy “ Mình đã không trực tiếp cầm súng chiến đấu thì cũng nên đóng góp một chút gì để nâng đỡ tinh thần chiến sĩ và  có hy vọng vào tương lai.”

Sau thành công của Bài Ca Chiến Thắng, Minh Duy viết tiếp “Tình Quân Dân” để nói lên sự gắn bó cá nước giữa quân với dân. Tuy vậy, chàng nhận thấy không phong phú bằng Bài Ca Chiến Thắng nhưng Tình Quân Dân cũng có tác dụng mạnh mẽ với lời lẽ tha thiết như:
 
Tình quân dân như là mây với gió
Dù phôi pha qua ngàn năm còn đó…

Tình quân dân! Tình quân dân!
Vững bền tình đoàn kết tay chân…

Giữa thập niên 1960 Minh Duy viết trường ca CON ĐƯỜNG NGÀY MAI được ban hợp ca Hồn Nước của nhạc sĩ Hải Linh trình bày lần đầu tiên trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Sài-Gòn. Lời ca có lúc giải bày trải rộng, có lúc hùng tráng, có lúc nhẹ nhàng đầy tình tự dân tộc:

Con đường ngày mai đưa chúng ta vào trang sử mới
Đầy phấn đấu gian lao, chất chồng bao máu xương cao ngập đầu!
Con đường ngày mai đưa chúng ta về hy vọng mới
Về chiến thắng kiêu hùng, về thế giới đẹp với thành công!
………………….
Nguyện đem về hoà bình!
Nguyện quét sạch bạo tàn!
Nguyện giữ quyền làm người
Quyền sống đời no ấm, đời nhân ái,
Đời vui mãi trong Tự Do, Công Lý!
Thề chiếm lại ruộng vườn!
Thề chiếm lại rạch nguồn!
Thề xoá trọn mọi đường biệt cách tình Nam Bắc để thống nhất
Ngày mai thắm bao mùa hoa luyến thương.
….
Rồi mai ta về thôn làng nhóm lửa chờ ta …
Rồi mai ta về mẹ già con trẻ mừng ta…

Sau 1975, nhiều người đã gác bút không viết văn, thơ, nhạc vì cảm hứng không còn và vì sinh kế khó khăn. Riêng Minh Duy, lòng say đắm những âm thanh thánh thót trầm bổng của âm nhạc vẫn làm chàng say sưa viết.  Hương Thời Gian, nhạc phẩm đầu tiên sau 1975 của Minh Duy với nét nhạc buồn man mác, như Minh Duy tâm sự “Sau 75, mới có dịp nhìn rõ nhiều thứ. Từ người đến vật. Ai còn tình người hay không. Tất cả chỉ là hư  vô , chỉ còn thời gian là đọng lại. Vẫn còn mãi hương của thời gian!”

Năm 1980, hành trang gọn nhẹ, Minh Duy vượt biên và quê hương mới của Minh Duy là xứ Úc hiền hoà với khí hậu rất giống quê nhà, với những chú Kangaroo  ngộ nghĩnh. Bốn năm sau, Minh Duy đón gia đình đoàn tụ. Cuộc sống mới vẫn tạo hứng cho Minh Duy. Lòng yêu âm nhạc như một đam mê phù thuỷ, không dứt bỏ, không phai nhạt, không vơi  cạn.

Cho đến nay Minh Duy đã cho trình làng:

-Bộ Tình Khúc  Minh Duy gồm 5 CD
-Bộ tuyển tập Cung Thương Hoài Khúc gồm 4 tập và tập Khúc Nhạc Tình Thơ

Cuộc sống tha hương của hơn ba triệu người Việt hải ngoại đã làm giòng nhạc của rất nhiều nhạc sĩ không được phổ biến rộng như thuở nào. Nhưng kiếp tằm thì cứ nhả tơ và từng sợi tơ cứ nhẹ nhàng thả vào không gian.

Bài Ca Chiến Thắng, cho đến giờ này, còn rất nhiều người thuộc và cho dù chương trình Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương của Paris By Night số 13 đã giới thiệu như là một nhạc phẩm của Cục Chính Huấn nhưng Minh Duy vẫn bình thản vì …hương thời gian chẳng bao giờ phai nhạt. Như hôm nay, Bài Ca Chiến Thắng xin được trang trọng gửi đến những ai từng nghe, từng hát của một thuở Sài Gòn. Rất tiếc, qua ngót nửa thế kỷ, vì lý do tam sao thất bổn mà một số lời ca cũng như một nét nhạc trong nguyên tác đã bị sửa đổi. Minh Duy cũng đã viết thêm một lời ca 2 nhưng chưa kịp cho phổ biến thì xảy ra biến cố 30.4.75. Đây la lời ca trong nguyên tác:
 
 
 
BÀI CA CHIẾN THẮNG

Kìa đoàn quân chiến thắng trở về dưới nắng hồng
Cùng nhau hoà câu hát thành công!
Lớp áo xanh phai mầu thấy phất phơ ngang đầu
Ngọn cờ tung bay cuối phố …
Kìa đoàn quân chiến thắng trở về với phố phường,
Thành công còn ghi máu đầu súng!
Những tấm gương kiêu hùng phấp phới vui trong lòng,
Cả trời Thủ Đô đón mừng!

Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đoàn quân ta về đây!
Tiếng reo hoan hô dậy một trời
Lớp lớp tinh kỳ bay trong gió …
Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đàn con yêu đã về đây!
Ôi, bao nhiêu ngày luôn ước mơ
Giờ chiến thắng quay về chốn xưa!

Ai về Đồng Tháp, hỏi thăm cây cỏ lá hoa
Quân Cộng tàn ác chiều nao thây đổ máu sa!
Giữa gió mưa âm u tiếng cười ngàn đời vờn trên xác không mồ nằm đó
Tiếng súng ta như mưa khiến thù gục đầu dường như vẫn còn nghe …

Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đoàn quân ta về đây!
Chiến công xin dâng đều người người!
Siết tay trong niềm tin yêu mới!
Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đàn con yêu đã về đây!
Xua bao quân Cộng nô nát thây!
Ngày chiến thắng bóng cờ tung bay!

LỜI 2

Nầy vòng hoa chiến thắng trao tặng người anh hùng
Lòng dân hoà vui với lòng quân!
Những cánh hoa tươi mầu, những tiếng khen câu chào
Đượm tình quân dân thắm thiết!

Mẹ bạc phơ mái tóc mắt mừng rưng rưng lệ
Chờ con mẹ ra ngóng đầu phố
Những đứa con anh hùng của núi sông huy hoàng
Ngày về đẹp bao phố phường!

Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đoàn quân ta về đây!
Tiếng reo hoan hô dậy một trời
Lớp lớp tinh kỳ bay trong gió …

Thủ Đô ơi! Thủ Đô!
Đàn con yêu đã về đây!
Ôi, bao nhiêu ngày luôn ước mơ
Giờ chiến thắng quay về chốn xưa!

Ai về Rừng Sát, hỏi thăm qua vùng Cái mơn
Ai về Rạch Giá hỏi thăm lên rừng Thất Sơn
Mỗi bước chân ta đi khí hùng ngụt trời
Giặc khiếp vía kinh hồn từ đó
Những tiếng hô “Xung phong!”, tiếng đạn rền trời
Dường như vẫn còn nghe …

Việt Nam ơi! Việt Nam!
Giờ vinh quang là đây!
Cháu con bao anh hùng ngàn đời
Đã ghi thêm một trang sử mới!

Việt Nam ơi! Việt Nam!
Tồn vinh trên bốn ngàn năm
Luôn xua quân thù tan nát thây!
Ngày chiến thắng bóng cờ tung bay!

Minh Duy, đã viết Bài Ca Chiến Thắng từ 1960 khi đang là sinh viên năm thứ hai Sư Phạm và bây giờ từ xứ Uc, xin tiếp tục gửi đến người yêu nhạc, những tình tự mới của Minh Duy!

Viết tại Rừng Gió Virginia

Hoàng Lan Chi

 

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc, Phỏng Vấn. Bookmark the permalink.