Nghe kể “ngày xưa Hoàng Thị”- Làm thơ- Một hình thức của Tuổi Trẻ Làm Dáng- Nov 6, 2021

Ngày xưa Hoàng Thị

TUỔI TRẺ LÀM DÁNG

Hoàng Lan Chi viết: cuối tuần nghe " Ngày Xưa Hoàng Thị" nhé bà con cô bác. Đây cũng là một truyện ngắn ở Tiếng Vang, bút hiệu Phượng Quỳnh. Bảo đảm thời xưa đa số học trò đều là thi sĩ để làm dáng không thôi.

TUỔI TRẺ LÀM DÁNG

Tuổi trẻ thì thường hay làm dáng! Điều đó đáng yêu hơn đáng trách vì chính cái làm dáng đó khiến tuổi trẻ trở nên dễ thương hơn, quyến rũ hơn. Có nhiều hình thức làm dáng và mỗi người có một lối làm dáng riêng. Người thích làm dáng cho tâm hồn, người thích làm dáng cho thể xác. Ở đây, tôi chỉ xin nói đến một hình thức làm dáng cho tâm hồn của tuổi trẻ: làm thơ.

Vâng, theo ý tôi, làm thơ chỉ là một hình thức làm dáng cho tâm hồn của tuổi trẻ. Có thể có nhiều vị không đồng ý với tôi nhưng “phang phang” quý vị có ý kiến của quý vị, tôi có ý kiến của tôi quý vị hãy để tôi phát biểu cái đã. Còn ý kiến của ai đúng thì hạ hồi phân giải nhưng chắc quý vị đung đúng hơn tôi! Thật vậy, làm thơ chính là một hình thức làm dáng cho tâm hồn của tuổi trẻ ngoại trừ những bài thơ tuy rất dễ thương nhưng còn nồng mùi babilac của quý vị thi sĩ nhi đồng, lứa tuổi choai choai tức tuổi ô mai, mận, mơ, đào, táo, ổi, đu đủ, sầu riêng v..v và v.v. Tuổi vào yêu thường làm thơ không phải vì cảm hứng, thấy lòng rung động thật sự mà là làm chơi chơi, làm cho vui. Tất nhiên cũng có trường hợp “exception” vì như một anh bạn tôi đã nói “Một người con trai cộng với một người con gái thành một thi sĩ ” do đó khi yêu nhau người ta trở thành thi sĩ là thường. Còn thì đa số làm thơ là để làm dáng để chứng tỏ ta đây cũng thơ thẩn bay bướm lắm cơ chứ chẳng vừa đâu! Tâm hồn ta đâu đến nỗi khô khan và trống rỗng như một con số không to tướng.

Chính vì thế mà làm thơ cũng có “mốt” có “miếc” hẳn hòi chẳng khác gì mốt quần mốt áo mốt giày mốt dép. Chẳng hạn như ngày xưa còn có những cảnh thật là thơ mộng như:

Em ngồi bên song cửa

Anh đứng dựa tường hoa

Nhìn nhau và lệ ứa

Một ngày một cách xa

(thơ Lưu Trọng Lư)

Bây giờ thì sức mấy. Anh tán nhanh như chớp, tấn công lẹ như xe tăng (thời buổi này mà) em có chịu OK ngay đi, bằng không để anh đi tán cô khác. Thời giờ đâu mà ngày ngày đứng dựa tường hoa, nhìn em mà lệ ứa cơ chứ. Ngôn ngữ trong thơ cũng thay đổi liền liền. Ngày xưa thì thiếp với chàng, ta với nàng:

Quê nàng xa lắm tận phương Đông

Mãi xóm bình minh dậy lửa hồng

Vóc liễu y thường hoa phất phới

Trùng dương ngàn dặm nhớ mênh mông

Thơ Vũ Hoàng Chương

Bây giờ thì anh em, tao mày. Bởi thơ cũng có mốt như quần áo nên khi có một tên nào đó tung ra mốt mới lạ nào, lập tức thiên hạ ùn ùn bắt chước ngay (Thiên hạ ở đây phải hiểu là quý vị thi sĩ nửa mùa).

Chẳng hạn như hồi xưa, Vũ Thành xuất hiện với những bài thơ nho nhỏ rất dễ thương trong tập thơ mang tên Người yêu áo tím. Thế là quý vị thi sởi tuổi ô mai, sầu riêng… bắt chước ngay lập tức. Con gái thì “em chỉ yêu hoa màu tím” con trai thì “hỡi người em gái áo tím”. Thơ xuất hiện trên khắp các mặt báo đều ca tụng mầu tím, mang mầu tím trông thấy bà ngoại! Mầu gì mà tối om om! Hồi ấy có cả một phong trào yêu mầu tím kia mà. Nhiều cô cậu cóc có yêu mầu tím tí nào mà thấy thiên hạ ca tụng cũng ra bộ ta đây là người yêu mầu tím rồi làm thơ ca tụng cứ tím cả cuộc đời, ớn thấy mồ.

Rồi sau đó, Lệ Khánh xuất hiện với tập thơ "Em là gái trời bắt xấu", gây rung động trong làng thơ. Và các nữ thi sởi lập tức bắt chước ngay gây thành một phong trào thơ than thở em là gái trời bắt xấu. Có cô đẹp thấy bà nội, cô đá kép liền liền mà dám làm thơ “em là gái trời bắt xí nên người ta hổng thương em, người ta bỏ em đi lấy dzợ”. Có cô xinh thấy bà ngoại mà cũng “cuộc đời em cô đơn và đầy rẫy trái ngang vì trót là người con gái trời bắt xí”. Ố thôi, thơ các cô lúc bấy giờ toàn như thế cả đến nỗi người ta có cảm tưởng các nữ thi sĩ choai choai của An Nam đều là người xí hết. Rồi khi cuộc chiến bắt đầu lan rộng, quý vị con trai:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiên theo việc súng gươm

Lần lượt “hàng hàng lớp lớp” ra đi làm bổn phận người dân lận tức có một phong trào thơ kiểu “Anh đi em ở lại nhà” “Anh tiền tuyến em hậu phương” hoặc “Chàng đi theo nước” “Người yêu lính chiến” v.v.

Ấy, Cũng chỉ vì làm thơ là một hình thức làm dáng cho tâm hồn của tuổi trẻ nên mới xảy ra sự kiện bắt chước tạo thành từng phong trào thơ như thế. Ngoài ra còn xảy ra biết bao nhiêu cảnh tượng tiếu lâm khác. Chẳng hạn có một cô bé nọ, nhằm ngày mẹ đi hốt hụi, cô phải ra trông coi cửa hàng… bán nước mắm. Ối giời đất ơi, giữa những chai, tỉn nước mắm đủ kiểu, đủ hiệu hôi như cái gì ý mà cô bé dám đặt bút viết những câu thơ sực nức hương hoa:

Em thấy tình yêu trong ánh mắt

Thơm mùi hoa bưởi ngát hương cau

Hoặc có một cậu bé, nhằm ngày chủ nhật ông bố lôi ra bắt sửa cái xe hư. Mình cởi trần trùng trục mồ hôi ra nhễ nhãi, tay nện chan chát, tay gõ leng keng mà mồm cậu bé thì lẩm bẩm làm thơ:

Có phải nơi đây chốn đào nguyên

Suối reo róc rách nhạc êm đềm

Chim muông ca hót đùa ríu rít

Thấp thoáng xiêm y vũ nghê thường!

Nói chi đâu xa! Ngay chính … tác giả đây cũng có một thời quê cùng mình như rứa. Ngày ấy, ngày bộ Giáo dục cho học sinh nghỉ ba ngày vì bão Lucie gì đó thổi qua Saigon. Được nghỉ ở nhà không thèm lấy bài ra học chỉ lo làm thơ. Rồi thì giữa lúc mưa bão sấm chớp đùng đùng “cô nhỏ” trùm hai ba lớp chăn mà còn lạnh run, thò tay ra viết:

Anh ạ trời Saigon giờ nắng quá!

Anh không về để che nón cho em

Ghét anh ghê! em giận cho mà xem

Tại không anh rám má hồng em nhỏ

Xạo Xạo quá chừng.

Chẳng mấy thuở Saigon giông bão mưa gì sụt sùi mà dám viết Trời Saigon giờ nắng quá. Rồi ngày ấy còn bé tí làm quái gì có “anh” nào mà làm nũng bắt cu cậu về cho nón cho đi học. Xạo, xạo ke, xạo quá chừng chừng!

Những chính những cái xạo đó đã làm cho tuổi trẻ có một cái gì dễ thương, quyến rũ lạ lùng. Và dù sao thì những vần thơ “xào xạo” ấy cũng đã trang điểm cho tâm hồn của tuổi trẻ trở nên duyên dáng hơn, ướt át hơn, mơ mộng hơn, lãng mạn hơn.

Mà mơ mộng, lãng mạn bao giờ cũng đẹp cả

Chỉ thực tế mới chua xót, phũ phàng thôi!

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.