Âm nhạc hải ngọai dẫy đành đạch là tội của những người như ông!!!


Thật buồn cười khi ngày Lễ Tình Yêu đến và tôi đã viết như thế cho một anh bạn!
Có gì đâu, tôi gửi mail để hỏi ý kiến về chương trình Sáng Tác Mới và anh ta cho tôi một lô link của dĩa ASIA! Tức mình qúa, tôi viết trả lời như thế! Vâng, đã hơn ba mươi năm trôi qua, chúng ta cứ nhai đi nhai lại giòng nhạc cũ, phải nói là cũ xì cũ xịt. Mà nào đâu không có sáng tác mới!
Có đấy nhưng sự phổ biến, gọi văn vẻ là nghệ thuật “marketing” bị hạn chế quá nhiều nên dòng nhạc hải ngọai có vẻ không phát triển nhiều. Ngày xưa, để thính giả “quen”, một nhạc phẩm mới phải được vang lên trên làn sóng của Đài Phát Thanh Sài Gòn và của cả Đài Phát Thanh Quân đội có khi mấy tháng. Còn bây giờ? Sáng tác mới đâu có được diễm phúc đó? Muốn vang trên băng A, băng B thì vui lòng chi …10,000 Mỹ kim! Muốn vang trên làn sóng C, chi 300 Mỹ kim! Mà chỉ vang duy nhất một lần. Một lần làm sao thính giả “thấm” được? Số nhạc phẩm chỉ nghe một lần và thấy hay có lẽ đếm trên đầu ngón tay!

Không gì bằng mưa dầm thấm đất. Tôi chứng minh đây. Xin quý thính giả già cỡ …tôi để lòng lắng lại và thành thật trả lời cho tôi biết, quý vị thấy bài thơ sau của Nguyên Sa có hay không nhé:

Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh

Giời ạ, thơ mà không thơ tí nào, thơ mà chó mèo lại ví người yêu buồn như con chó ốm, như con mèo buồn ngủ!

Còn nhạc nhé, xin quý vị cho tôi hay vào giờ phút này suy nghĩ lại, quý vị có thấy là nhạc phẩm này vừa …sến vừa nghèo nàn vừa lê thê không nhé:

Con quỳ lạy chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con yêu
Đời con đau khổ đã nhiều

Tôi mà là chúa, nghe xin như vậy chắc tôi đuổi cổ ra khỏi nhà thờ! Nghe quê chết đi được. Thế nhưng vì là nhạc của PD, vì được nhiều ca sĩ thay nhau hát và … bất chiến tự nhiên thành, nhạc phẩm trở nên phổ biến. Thế thì không phải mưa dầm thấm đất thì là gì? Còn vô khối nhạc phẩm khác, thiển ý cá nhân tôi là chả hay một ly ông cụ nào cả nhưng “nổi” được là vì quý nhạc sĩ thời đó “bè phái” nâng đỡ lẫn nhau. Một ông ra là cả lò ca sĩ của ông kia yểm trợ và ngược lại. Thính giả không nghe cũng phải nghe vì nó ra rả bên tai từ nhà đến tỉnh, từ phố đến chợ. Nghe riết cái quen và đâm ra thuộc và thấy cũng hay hay! Viết đến đây tôi liên tưởng đến câu của các cụ:
 
Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi!

Thật vậy, có lắm mùi kỳ lắm nhưng ngửi riết rồi họ quen mùi của vợ/chồng và không thấy “khó ngửi” nữa mà lại nghiện, không có là nhớ!

Trở lại nhạc, tôi xin tách làm hai phần về các nhạc sĩ:

Với các nhạc sĩ,  cứ coi như nhạc là “nghề của chàng” đi, thì hiện giờ họ vẫn sáng tác (lai rai hay không) nhưng khó có điều kiện thực hiện. Thực hiện ở đây là làm thành CD. Lý do rất tốn kém dù là đưa về Việt Nam. Nhạc của quý vị này ít ra có thể từ trên trung bình trở lên theo thiển ý cá nhân. Điều đó có nghĩa là nếu ra CD, phổ biến rộng rãi thì cơ hội các sáng tác mới của họ sẽ được đông đảo giới thưởng ngọan biết đến và cơ hội “sống trong lòng thính giả” khá cao.

Với các nhạc sĩ tạm gọi không phải “nghề” mà vì muôn ngàn lý do nào đó đã trở thành nhạc sĩ thì nhạc của họ có thể hay và cũng có thể dở! Tuy vậy một số lớn các vị nhạc sĩ “không nghề” này lại có nhiều tiền và do đó CD của họ được trình làng khá nhiều. Tương tự như trên nếu có cơ hội giới thiệu thì có thể họ cũng có một tầng lớp “fan” nào đó. Y như ngày xưa, Văn Phụng hay Vũ Thành có “fan” riêng, PD có riêng, NTM có riêng, TTT có riêng…

Nhưng dù là ra CD hay không ra CD thì vấn đề then chốt là  làm sao giới thiệu các sáng tác mới trên đến thính giả? Cái khó của cộng đồng hải ngoại là sống tản mát khắp nơi nên vấn đề “quảng bá” gặp trở ngại. Thính giả khắp nơi xem/nghe hai trung tâm lớn là Asia và Thúy Nga nhưng hai trung tâm này cũng không dám mạo hiểm giới thiệu sáng tác mới nhiều vì một năm chỉ phát hành vài lần. Vài lần chưa đủ cho thính giả “quen” với một nhạc phẩm mới. Vì thế, đã hơn ba mưoi năm, âm nhạc hải ngọai hầu như không tiến triển bao nhiêu.

Chương trình Sáng Tác Mới của đài Việt Nam Hải Ngoại xuất hiện từ năm 2004 nhằm mục đích giới thiệu các  sáng tác mới trong ba lãnh vực Văn, Thơ và nhất là Nhạc. Kiên trì nghe để giới thiệu là người sáng lập Nguyễn Đăng Tuấn. Kiên nhẫn nghe và chọn lọc là Hoàng Lan Chi!

Tuy vậy nếu giới thiệu mà thính giả không nghe thì chúng tôi làm công cốc sao. Vì thế chúng tôi cần phải la làng trên xóm dưới rằng, nếu quý vị cứ xơi đi xơi lại dòng nhạc cũ trước 1975 mà không chịu khó nghe các nhạc mới sau này thì như tôi viết cho anh bạn:

Âm nhạc hải ngọai dẫy đành đạch là tội của những người như quý vị!
 
Bỏ nhỏ: (coi như la làng xong là …xuống nước!): quý thính giả thân mến ơi, quý vị có biết là  quý vị quan trọng lắm lắm không. Quý vị là người quyết định nền âm nhạc hải ngoại đó. Bởi vậy quý vị nên dành thì giờ nghe các sáng tác mới và nghe xong thì nhớ chọn ra nhạc phẩm nào quý vị thích, nếu ghi được lý do thích thì càng quý hóa. Quý vị chính là  những người xây gạch cho âm nhạc hải ngọai đó. Hoàng Lan Chi xin tạm hết. Kỳ tới ..la làng tiếp nhé!

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.