Lời hay nhạc, nhạc hay lời?

 
Vài vị nói rằng tại sao người nghe hay nhận xét về lời và không nói về nhạc?

Nói sao bây giờ  nhỉ?

Tôi nhớ cách đây vài năm khi nhận “data” từ một nhạc sĩ, tôi chỉ xem những bài “dễ nhá” còn bài phân tích rất kỹ về âm nhạc dựa trên nhạc lý, kỹ thuật thì tôi đọc hết nổi. Chán chết! Thì giờ là vàng bạc, đúng hơn là “carbon graphit” ở thời buổi net này, bao nhiêu thứ phải đọc, làm sao có đủ kiên nhẫn để xem những bài dài ngoằng phân tích kỹ thuật? Thôi những thứ“cao siêu’ đó xin để in sách khảo cứu và đặc biệt dành cho học sinh các trường âm nhạc hoặc các nhạc sĩ đọc!
Còn chúng tôi, những thính giả chỉ xem nhạc như văn, thơ, họa là chút son phấn điểm trang cho cuộc đời thì chỉ xin đọc những bài dễ nhá nghĩa là nhận xét sơ sơ về nhạc và … bình phẩm về lời! Tôi nghe một bản nhạc và thường cảm nhận bằng trái tim tôilà âm điệu nhạc hay hay dở đối với lỗ tai tôi. Sau khi nhạc lọt lỗ tai tôi rồi thì khi nghe lại tôi sẽ chú ý đên lời và khi thích, tôi sẽ viết bài cảm nhận nhưng chỉ nêu sơ qua về nhạc, và tôi phân tích về lời nhiều hơn

Thiển nghĩ, đối với người Việt Nam thì lời rất quan trọng. Thường thì nhạc chiếm năm muơi và lời  năm mươi nhưng có vẻ như nhạc Việt Nam thì lời chiếm khoảng sáu mươi phần trăm. Chứng minh là “Tình ca” nếu không có những lời tuyệt diệu như:

Tôi yêu  tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời à à ơi tiếng ru muôn đời..

Tôi yêu biết bao người
Lý Lê Trần và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai

Rồi đến “Mùa Thu Cho Em” nếu không có những lời đẹp như mơ:

Em có mơ mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có mơ mơ mùa mắt uớt hoen mi…

Hoặc “Lệ Đá”

Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời
Hỏi những đêm thâu đèn vàng héo hắt..

Và hùng hồn nhất là …lời của Trịnh Công Sơn! Nhạc họ Trịnh không có gì đặc biệt nhưng chính cái lời xuất hiện đúng thời điểm và (một số lời với tôi rất vô nghĩa) nhưng được vô số người thích. (xin search net tên Music Hunger để xem MH phân tích rất hay về nhạc và lời của TCS. MH gửi bài này ở Đặc trưng từ năm 2003 thì phải. Sau đó tôi gửi bài của MH đăng ở một số tạp chí in ở hải ngọai như Thế Giới Nghệ Sĩ ở Texas, Sóng Thần ở Virginia..Tất nhiên là với sự đồng ý của MH ).

Tôi xin phép nhảy cóc một chút. Một số nhạc phẩm mà nhạc quá trội khiến lời dường như hơi bị lép. Ví dụ “Giòng Sông Xanh” chỉ nghe nhạc thôi cũng đã thấy hay quá và với cá nhân tôi thì đến bây giờ vẫn chưa có nhạc phẩm nào qua được Danube Bleu. Nhạc Việt Nam mà nhạc trội hơn lời thì tôi chỉ mới thấy có “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành. Thiển ý cá nhân, lời trong GMHH không hay lắm nhưng nhạc thì quá tuyệt!

Trở lại vấn đề nhạc và lời trong nhạc phẩm Việt Nam. Bây giờ giới trẻ cũng gần như chúng ta thời xưa. Sau khi nhạc khá lọt lỗ tai họ, (duờng như hạp lỗ tai giới trrẻ là nhạc giựt và ngắt như nhạc rap?) họ cũng nghe lời là chính. Nhưng cái “nghe lời” của họ thì có khác. Chẳng hạn họ thích bài “Vì Đó là Em”. Họ “khóai lỗ nhĩ” vì  “không cần biết em từ đâu tới, em làm nghề ngỗng gì và yêu em vì đó là em”. Thú thật, tôi không cảm được nhạc phẩm này, cả nhạc lẫn lời nhưng giới trẻ và một số không trẻ đều thích.

Cái “nghe lời” của giới trẻ có vẻ dễ dãi rất nhiều so với thập niên 70. Dường như vốn ngữ vựng Việt của đa số giới trẻ bây giờ có vẻ rất nghèo nàn. Không trách được vì họ không được học nhiều.Thời xưa, trung học phải học bắt buộc cả kim văn và cổ văn. Cổ thì có Đoạn trường tân thanh, Cung Óan ngâm khúc  và một lô tác giả khác. Vì thế vốn Việt văn của những người già như tôi tương đối khá. Và có lẽ vì thế chữ dùng trong nhạc, thơ hay văn sẽ trau chuốt hơn giới trẻ bây giờ?

Một nhạc sĩ viết cho tôi “Lắm bản nhạc bây giờ lời kỳ cục quá nhưng đang được hát và được hoan hô”.

Một người bạn viết cho tôi “Cô nương gửi lời của nhạc phẩm rồi tôi viết nhận xét cho vì tôi biết air nhạc sĩ này rồi”! Nghĩa là anh không cần nghe thêm nhạc vì đã biết air của nhạc sĩ  mà đánh giá thông qua lời. Trời đất ? Nhưng như vậy chứng tỏ thính giả Việt Nam biết air của nhạc sĩ đó là ở level nào và đánh giá nhạc phẩm ở lời!

Tôi có cảm tưởng rằng thính giả Việt Nam, đa số thích “nghe lời” sau khi nhạc tương đối lọt lỗ nhĩ!  Nếu quả đúng vậy thì xin quý nhạc sĩ vui lòng trau chúôt lời dùm thính giả chúng tôi.

Tôi biết nhạc sĩ kia, anh rất nắn nót tác phẩm của mình. Viết xong, anh gọt dũa lời nhiều lần. Vì thế đa số nhạc anh …lọt lỗ tai tôi! Vì lời khá hay và không gượng ép. Tôi hơi ngại các nhạc sĩ khoe tài viết nhạc trong ba mươi phút.

Ngòai ra còn một “số lời” mà xin các nhạc sĩ làm ơn chú ý dùm. Đó là những “ước lệ” như mắt biếc, tóc dài, ghế đá công viên…Bao nhiêu năm nghe mãi những “ước lệ” đó, thính giả chúng tôi thèm được thưởng thức món mới tức hình ảnh mới để diễn tả lắm.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.