Mưa Trên Ngàn Thông

Lại sắp hết một năm. Thời gian như bóng câu cửa sổ. Tôi đang trở lại một vùng nhiều mưa. Mưa như mưa Sài Gòn nghĩa là mưa xối xả, mưa trắng trời trắng đất hay ít ra cũng là mưa lớ . Tôi không yêu mưa như thế. Tôi yêu mưa bụi hay chỉ rả rích và đừng lê thê.
Trở lại sau chín năm. Chỉ cần năm năm không gặp cũng đã bao đổi thay nói gì đến chín năm. Ngày đó, từ Sài Gòn tôi đến thung lũng hoa vàng của California đầu tiên và sau đó là vùng mưa này đây. Tôi đã mê mẩn với lá phong vàng của mùa thu diễm lệ. Tôi chạy theo ngàn lá đổ ngập phố phường. Tôi gom lá về phòng ngỡ sẽ đem được về quê hương. “Portland tưởng như là ngày cũ”, tôi đã viết từ hứng khởi của thu vàng ngày mưa tại đây.

Chín năm trở lại. Mùa thu đã qua đi và đông đang vào mùa. Ối chao, lạnh sao mà lạnh thế. Đêm đầu tiên lạnh quá. Vài ngày sau, Portland đông đá. Ngày đó mọi cái là lạ, bây giờ thì không. Tôi nhìn Portland với đôi mắt của người quan sát. Quan sát và so sánh. Người Portland sẽ chẳng yêu tôi vì tôi đang thì thầm “Portland không đẹp như Virginia của tôi”. Virginia với những con đường quanh co lên đồi xuống dốc và lá phong diễm lệ, anh đào lộng lẫy.

Tôi lên đây không phải để lãng du như chín năm xưa. Về lại đây là mong tìm một việc làm kiếm sống. Gia đình cô em họ gần gũi. Tôi đến nơi cô làm để học việc. Tôi chẳng thích kinh doanh, tôi ưa đời công chức nhưng cũng liều nhắm mắt đưa chân, thử xem con tạo xoay vần đến đâu.

Ông chủ trẻ, trẻ là so với tôi chứ anh ta cũng đã là “tri thiên mệnh”, có lẽ nghe cô em họ giới thiệu về tôi nên cứ một hai gán cho tôi cái mác “nghệ sĩ”. Trời ạ, tôi có chút văn, tí thơ nhưng con người tôi là khoa học. Tôi yêu khoa học. Văn thơ chỉ để làm dáng. Tôi chán khi ai đó gọi tôi là nghệ sĩ!

Đó là một người có nghị lực và thành công. Dù chỉ còn một mắt, một tai nhưng với vài cơ sở, cũng là đáng nể phải không. Tôi chưa học được gì ở anh ta trong thương mại vì chưa chính thức “vào mùa” (mùa làm việc của anh ta) nhưng tôi cảm ơn anh ta đã cho tôi theo anh ta qua Van Couver, giáp ranh Seattle. Tôi thích du lịch mà. Trên đường về, anh ta cho tôi lên một ngọn đồi, như đồn ngày xưa. Từ đó nhìn bao quát một vòng Portland. Trái là giòng sông Columbia, Núi tuyết trước mặt và phải là phi trường Portland. Ở vùng giáp ranh này tôi gọi cho người bạn “Em ở cách anh có ba giờ thôi đó” và “Người nợ tôi từ muôn kiếp trước” “Cô nương đang ở gần bố trẻ lắm đó nhe”!

Thông ngút ngàn. Từ khung cửa sổ, khung cửa sổ này rộng chả hẹp như của Andre Gide tí nào, ngắm thông thoai thoải và rặng núi mờ. Không dưng tôi lại nhớ bản nhạc “Đường về Việt Bắc”. Lẽ ra đi học nghề, gặp người thân và sống không khí gia đình, tôi phải vui. Thế nhưng lòng tôi vẫn chưa được yên. Đài Việt Nam Hải Ngoại, nơi tôi vô tình cộng tác đầu tiên đã làm tôi đau đớn. Giờ phút này, tôi ghét hết thẩy, kể cả “người dưng cùng họ” của tôi. Tôi thấy đó là một lũ xảo quyệt, phản bội, lường gạt. Với những bằng cớ rõ ràng, “chúng” không thành tâm xin lỗi thính giả mà vẫn quanh co dối trá. Tôi tức điên người khi thấy lão văn sĩ già bán rẻ lương tâm. Tôi “cáu” cả với một ông cựu tướng trước kia tôi quý. Thì là vì ông đã không dám có một tiếng nói nào dù ông là  người lính đã ở lại, đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng để sau đó hơn mười năm tù ải. Ngược lại, ông còn “xin” tôi tìm hiểu kỹ trước khi viết bài về vị chủ tịch của cái hội mà ông là một thành viên.

Tôi phải theo dõi và hỗ trợ cho vụ này vì nếu không, bọn VC sẽ “móc nối” được nhiều hơn! Về một phương diện nào đó, “chúng” đã thành công. Vì ba chương trình chống cộng tắt tiếng và một sắp sửa tự tắt.

Trong cơn lốc của vụ phản bội đó, nhiều niềm vui nhỏ. Từ “Tạp Ghi tháng Một, Hỏi thế có buồn không”, tôi đọc bài “Viết cho bố vào tháng Tư” của Lê Xuân Trường thật cảm động. Cũng từ bài viết này, tôi bật cười khi đọc e-mail reply của Dương Nguyệt Ánh trên bài viết đó:

Ánh viết:

“Cám ơn chị Lan Chi đã  có những dòng thơ rất đẹp. DNA cũng thích câu “Vàng bay theo áo lùa chân guốc” lắm và dám liều lĩnh nói rằng 4 câu đầu bài thơ của chị hay hơn của Tản Đà. DNA đang ngồi trên máy bay sang Australia chứ không thi sẽ lo đêm nay nhà đại thi sĩ hiện hồn về bóp cổ con ranh dám khen thơ chị Lan Chi hay hơn!
🙂
DNA”

Không bật cười sao được khi Ánh dí dỏm nghịch ngợm (nhà đại thi sĩ hiện hồn về bóp cổ con ranh dám khen thơ chị Lan Chi hay hơn) trong khi “con ranh” là “bomb lady”! Dương Nguyệt Ánh chế bom chứ Ánh hiền hoà và dí dỏm nghịch ngợm trẻ trung. Ánh chẳng khô khan tí nào. Ông xã Ánh cũng vậy. Đích thân ông xã Ánh chọn kiểu và mầu áo cho vợ khi Ánh được vinh danh năm 2007 của Hoa Kỳ. Đó là mầu xanh nửa rêu nửa ve chai. Tôi thầm phục vì quả là Ánh rất hạp với mầu đó. Tôi hỏi ý kiến Ánh trước khi viết bài vì tôi muốn cho mọi người thấy bên cạnh một khoa học gia, Ánh là một phụ nữ dòng dõi Dương Khuê nên yêu văn thơ, vẫn có cái hồn nhiên dí dỏm của “trẻ thơ”. Sau nữa đương nhiên tôi phải thích vì Ánh đã cho rằng bốn câu thơ sau của tôi hay hơn Tản Đà (!):

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi đường phố lối em sang
Vàng bay theo áo lùa chân guốc
Nắng hạ vì em, đã úa tàn

Năm 2009, nhóm Khoa Học chúng tôi mất vài người. Gần nhất là Thầy Thuỷ, ông xã cô Thu Vân. Cô Thu Vân là cháu ruột cháu GS Lê Văn Thới và cô dậy tôi môn thực tập hoá vô cơ. Trước đó, bà xã một anh bạn Ban Vật Lý từ trần. Sau đó khoảng hơn tháng, một anh bạn khác “QG ơi sao cô không gọi cho PTT?” “Còn bận uýnh lũ việt gian ở đài VNHN!” “Cô uýnh nó, nó chả suy suyển đâu. Nhưng cô không gọi, anh PTT sẽ buồn. Cô đặt lại bàn cân đi”. Trời đất! Anh bạn này đúng là dân Bắc kỳ…đểu! Ngày xưa, anh là một trong vài người đẹp trai của Nhóm Lý Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Đặc biệt anh cùng Ban Vật Lý Địa Cầu với tôi. Lém lỉnh, ăn nói lưu loát và đôi mắt nâu rất đẹp. Có lẽ ỷ mình đẹp trai nên anh làm tàng. Còn tôi cũng giống anh, ỷ mình đẹp gái nên cũng … làm tàng luôn! Hai cái làm tàng đụng nhau là phải. Nhưng vào 2000, khi tôi từ Sài Gòn qua California, anh nghe tin đến đưa tôi dự buổi họp mặt với nhóm Trưng Vương. Anh hơi ngớ người khi nhìn tôi sau bao năm không gặp. Tôi biết chứ. Họ ngỡ từ Việt Nam qua, chắc QG ngày xưa sẽ ….gìa lắm, sẽ xấu lắm! Ai dè QG ngày xưa vẫn còn phong độ lắm, phải không Quyền?

Người tôi mới biết mặt năm ngoái, người mà chương trình anh phụ trách được bầu là  ưa thích nhất năm 2008 của Đài VNHN, người vô tình đứng chung chiến tuyến với tôi trong vụ Đài VNHN vừa qua, Huỳnh Quốc Bình cũng ở Oregon nhưng Bình ở thủ đô. Portland, thành phố lớn và có khá nhiều dân Việt mới là nơi tôi đã đến và đang trở lại. Bình mời tham dự tiệc ra mắt của một tờ báo chống cộng nhưng tôi ngại. Trước đó, anh cũng mời tôi tham gia nói về lằn ranh quốc cộng cho chương trình mới mở lại của anh trực thuộc đài Tiếng Nước Tôi Atlanta nhưng tôi cũng ngại luôn. Tôi đâu có ngại nói! Tôi từng phụ trách phỏng vấn cho Truyền Hình VNHN từ 2005 kia mà nhưng tôi ngại cái khác. Tôi thích tự do và độc lập. Tôi không thích thuộc một tổ chức đảng phái nào. Nhiều người gửi mail khen tôi viết “cứng”, lập luận vững, câu văn khúc chiết rõ ràng…Tôi buồn cười. Vậy thì về một phương diện nào đó, tôi nên cảm ơn những con người “phản bội” của Đài VNHN? Vì tức giận họ mà “cây bút” Lan Chi thơ mộng lãng mạn, nhẹ như sương khói (Giáo Sư Lê Vân Tú –Úc Châu nói vậy, “văn em như khói mỏng lam chiều”!) đã cứng rắn, lập luận chắc? Một khía cạnh khác của mình và ta vừa khám phá ư?

Thật tình mà nói, tôi cũng không muốn thế. Viết bài “uýnh” việt gian là điều chẳng đặng đừng, tôi vẫn thích bình phẩm nhạc, thơ hơn. Ngay sau vụ VNHN, dù Hoàng Bách không có gì với cá nhân tôi nhưng thấy tư tưởng Hoàng Bách “bênh vực” cho VNHN, tôi gửi mail xin tạm ngưng chương trình Câu Chuyện Âm Nhạc ngay.

Oregon nhiều thông nhưng phong cảnh có lẽ không bằng Đà Lạt chăng? Thiếu một Hồ Xuân Hương lững lờ, một Hồ Than Thở lãng đãng? Thiếu quanh co đồi núi? Nhưng mưa thì không thiếu. Mưa trên ngàn thông bay bay. Giá không phải ra đường thì cũng có thể nhìn mưa bay, nhâm nhi tách cà phê và nghe giòng nhạc nhẹ, cũng là một hạnh phúc nhỏ nhoi quanh quẩn nơi này.

Sẽ từ giã thành phố mưa buồn với ngàn thông xanh ngắt. Virginia vẫn còn sóng gió lắm nên niềm mong trở về không thôi thúc. Năm cũ qua đi trong bộn bề cuộc sống, trong đảo điên lòng người hải ngoại, chợt nhớ những vần thơ cho con gái, thuở nào cũng cuối năm:

Bé ơi năm tháng cùng rồi đó
Tuổi mới tóc dài bé vui không
Ai đón giao thừa cùng bé nhỉ
Để xem bé đẹp má môi hồng

Bé ơi hoài niệm ngày tháng cũ
Khi tóc ta buồn mái điểm sương
Con dế vẫn là con dế nhỏ
Cho ta nỗi nhớ suốt đêm trường

Bé ơi cái thuở cò lặn lội
Dặm đường thân gái nỗi đơn côi
Bé còn nhớ chứ đòn roi ấy
Cũng chỉ là mong bé nên người

Bé ơi lòng mẹ như chiếc lá
Theo với thời gian cứ úa vàng
Lá ước chồi non đơm bông trái
Thì này thân lá sẵn sàng buông

Bé ơi thôi nhé đôi dòng lệ
Ta nuốt vào trong dấu ngậm ngùi
Vận nước vận ta ừ chung nhỉ
Thì thôi đây đó cũng một chương

Không viết được thơ mới, thơ cũ bị mất và cũng chẳng nhớ được đoạn cuối,

…như mưa rơi trên đồi thông ngập ngừng, dang dở rồi lại tiếp nối….

Hoàng Lan Chi

Portland vào đông 2009

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.