“Thuỵ Mi, chuyên viên computer, khá trẻ, với hai con nhỏ nhưng những suy tư và đưa suy tư vào nhạc với ngôn từ mới, âm điệu mới và lạ, là một ngọc lan trong vườn âm nhạc. Tôi, không ví em như hoa hồng vì nhạc em không ngọt ngào và kiêu hãnh như hồng. Tôi, không ví em như bằng lăng tím vì nhạc em không dịu dàng như mầu tím thuỷ chung. Em, hoa ngọc lan với tất cả sự cao sang, thanh khiết và hương nhẹ nhưng nồng ngát cả không gian.
Phạm Mỹ Lộc ( Phạm Văn Kỳ Thanh), một luật sư, một nhạc sĩ viết thơ nhạc từ ‘”một nghìn chín trăm thuở ấy”, thuở sinh viên kính trắng và hồn nhạc mong manh, dịu dàng như hoa nắng của sân trường đại học.”
(Trích HLC)
Hôm qua, tôi giới thiệu lại với các bạn nhạc jazz của Jazzy Dạ Lam. Hôm nay giới thiệu jazz và bossa nova của Thuỵ Mi.
CD “Những vết chùng” của Thuỵ Mi được giới thiệu năm 2006. Cho đến nay, với tôi, “Những Vết Chùng” là 1 CD hay, rất hay và lạ mà tôi chưa từng gặp trong nhiều năm cho dù tôi là người thường xuyên giới thiệu sáng tác mới.
Từng quen thuộc với ngôn ngữ nhạc của các nhạc sĩ thời trước như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Từ Linh, Đoàn Chuẩn, Văn Cao, tôi tiếp nhận ngôn ngữ nhạc của Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang rất tự nhiên. Nhưng khi gặp ngôn ngữ nhạc của Thuỵ Mi, tôi ngạc nhiên. Rất ngạc nhiên. Tôi không biết diễn tả thế nào. Trau chuốt, không phải. Kỳ bí, không phải. Chỉ biết hay và lạ.
Năm đó, Thuỵ Mi nổi ở San Jose như “một hiện tượng”. Bao lời ca tụng dành cho Thuỵ Mi. Khi nghe chương trình của tôi, cô em họ ( ca sĩ tài tử) hỏi mua mấy CD liền để tặng bạn bè.
5 năm. Không biết bây giờ Thuỵ Mi như thế nào. Có lẽ cuộc sống và nhiều hệ luỵ cuộc đời khác đã cuốn nàng và sự nghiệp âm nhạc chỉ đến đó? Tôi không biết nhưng đêm khuya nghe lại dòng nhạc Thuỵ Mi, tôi nguyên vẹn cảm xúc như 5 năm về trước.
Hồi ấy, khi trò chuyện với LS Phạm Mỹ Lộc, tôi nói rằng phải nghe nhạc Thuỵ Mi trong thinh lặng với một ngọn nến. Đêm nay, ánh trăng dịu dàng của Cali mong manh qua vuông cửa sổ như ánh nến vậy và tôi chìm trong dòng nhạc ray rứt, mênh mông buồn.
Nên nghe. Phải nghe. Nếu không bạn sẽ hối tiếc. Tôi nói thật đấy. Hoàng Lan Chi chưa bao giờ dùng những “mỹ từ” như thế này cho sáng tác mới nhưng đây là lần đầu, với nhạc jazz và bossa nova Thuỵ Mi.
“Vũng Rối”, Diễm Liên hát. Trước khi nghe Diễm Liên hát, các bạn sẽ nghe LS Phạm Mỹ Lộc “bình phẩm”. Với tôi, Diễm Liên hát bài này rất hay:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/VungRoi-DiemLien.mp3
“Em vẫn đó” Tuấn Ngọc. Giọng ca này có vẻ “bảo đảm” cho nhạc phẩm nhưng tôi đã nhận xét “chưa tới”. LS Phạm Mỹ Lộc không đồng ý với tôi. Anh biện luận rằng “phê ít hay nhiều”. Nghe “đàm luận” giữa Phạm Mỹ Lộc-Hoàng Lan Chi trước khi nghe Tuấn Ngọc hát nhé:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/EmVanDo-TuanNgoc.mp3
“Những vết chùng”, Thuỵ Mi hát. Nhạc phẩm này ưng ý nhất của Thuỵ Mi và cả của tôi. Năm 2005, khi Thuỵ Mi đến Virginia, chúng tôi quây quần trong căn phòng ở basement của Đinh Quang Trung. Thuỵ Mi ngồi đó, vừa đàn vừa hát “Những vết chùng”. Hôm ấy, lần đầu gặp gỡ, lần đầu nghe nàng đàn và hát. Khi về, tôi viết đoản văn nhỏ. Môt người bạn đã đùa “Chị Lan Chi ơi, chị viết cho Thuỵ Mi những lời đẹp như mơ”. 2 tuần sau, tôi nhận CD và lúc đó mới nghe nhiều hơn.
Sự xúc động ban đầu khi nghe Thuỵ Mi vừa đàn vừa hát vẫn còn trong trí nhớ. Tôi phải nói rằng nếu bạn được nhìn và nghe thì sẽ thấy hay hơn.
Nghe Phạm Mỹ Lộc tâm tình và sau đó Thuỵ Mi hát:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/NhungVetChung-ThuyMi.mp3
Chiều Đông-Nguyên Khang. Ca sĩ này hát hay nhưng ngày đó nghe Nguyên Khang hát sáng tác mới của Thuỵ Mi, tôi cảm thấy chưa đạt. Như thường lệ, Phạm Mỹ Lộc …phản đối. Nghe chúng tôi bàn luận và sau đó là Nguyên Khang:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/ChieuDong-NguyenKhang.mp3
Dấu Yêu Tôi-Thanh Hà
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/DauYeuToi-ThanhHa.mp3
Chán-Diễm Liên- Vẫn là Diễm Liên điêu luyện như nhảy nhót trên dòng nhạc. Tôi có cảm tưởng Diễm Liên là một ca sĩ hát sáng tác mới rất thành công. Tôi dám nói vậy vì nhiều ca sĩ nổi danh nhưng hát sáng tác mới không thành công. Họ hát để mà hát hay để “trả nợ quỷ thần” gì đó. Với Diễm Liên, có sự ‘đầu tư” suy nghĩ vào nhạc phẩm để “luyến nhẹ” hay “buông lơi”. Và vì thế đã đưa được hồn nhạc đến người nghe cho dù dòng nhạc quá mới mẻ.
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/TacGia/ThuyMi/Chan-DiemLien.mp3
Thuỵ Mi, chuyên viên computer, khá trẻ, với hai con nhỏ nhưng những suy tư và đưa suy tư vào nhạc với ngôn từ mới, âm điệu mới và lạ, là một ngọc lan trong vườn âm nhạc. Tôi, không ví em như hoa hồng vì nhạc em không ngọt ngào và kiêu hãnh như hồng. Tôi, không ví em như bằng lăng tím vì nhạc em không dịu dàng như mầu tím thuỷ chung. Em, hoa ngọc lan với tất cả sự cao sang, thanh khiết và hương nhẹ nhưng nồng ngát cả không gian.
Phạm Mỹ Lộc ( Phạm Văn Kỳ Thanh), một luật sư, một nhạc sĩ viết thơ nhạc từ “một nghìn chín trăm thuở ấy”, thuở sinh viên kính trắng và hồn nhạc mong manh, dịu dàng như hoa nắng của sân trường đại học.
Mời nghe “Hoa Nắng”, nhạc phẩm thuở sinh viên của Phạm Mỹ Lộc với tiếng hát Lê Văn Duyệt, Bích Hợp:
http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/HoaNang.mp3
Quận Cam “ Tháng Tám, chưa phải là thu” 2011
Hoàng Lan Chi