Viết văn thời internet

Thuở xưa  chúng tôi phải học Việt Văn khá nhiều giờ ở bậc trung học. Từ đệ thất tức lớp 6, Việt văn chia làm Kim Văn và Cổ Văn. Cổ văn thì học “cổ” ví dụ như Kiều hay Chinh Phụ Ngâm. Còn Kim Văn thì học nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thơ thời tiền chiến. Chúng tôi cũng được học văn phạm từ tiểu học. Bậc “tiểu” này, tôi nhớ rõ thường phải bình các câu ca dao tục ngữ kiểu “ Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “ Một con ngựa đau cả tầu không  ăn cỏ”. Lên Trung Học, bắt đầu phải học “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thuỷ..”!! hay “ Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Thật tình, tôi chả thích mấy câu Hán hay Hán nôm tí nào. Đó là lý do tôi thích Chinh Phụ Ngâm hơn Kiều.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này

Cái câu hùng mà tôi thích là

Chí làm trai dậm nghìn da ngựa
Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu vị ào ào gió thu

Câu tình tôi thích là
 
Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng nghỉ mát phương nao
Xưa nay chiến địa nhường bao
Nội  không  muôn dặm xiết bao dãi dầu

Về văn phạm cũng phải học từ bậc tiểu học cho hết trung học. Thời tôi đệ nhất tức lớp 12, lại còn phải học môn Triết. Với tôi triết chán ơi là chán.

Vì được học như thế nên có lẽ cách viết văn của các cao niên ngoài 60 hay 70 khá giống nhau ở chỗ là ..dài dòng văn tự. Cách nhập đề, đa số là “lung khởi” chứ không  phải “trực khởi”. Hai cái “khởi” này chắc “trẻ con thời nay” chả hiểu là gì. Mô tả môt vấn đề thường hay vòng vo mà tôi mô tả là “Yêu thì nói đại đi, còn bầy đặt vòng vo Trên trời có đám mây xanh, Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng (!) rồi mới Uớc gì anh lấy được nàng!”.

Tôi nghe nói có “cụ” còn tự hào là văn cụ viết chưa bao giờ dùng đến chấm phẩy cả. Tất nhiên tôi là người được đào tạo bởi thời Việt Nam Cộng Hòa thì tôi cũng hao hao như thế. Tuy vậy, sau này khi tham gia internet, tôi đã chọn cho mình một lối viết khác mà tôi gọi là “viết văn thời internet”.

Thế nào là lối viết văn thời internet? Đó là lối viết rất ngắn, hầu như chỉ cốt để diễn tả ý và không chú trọng hình thức. Đôi lúc, lối viết này còn “ vi phạm luật văn phạm” nữa là khác.

Lối viết này đi thẳng vào vấn đề không có oong, đơ, toa, cát gì cả  ( un, deux, trois, quatre, tức 1,2,3,4) và câu văn cũng vậy. Ngắn, sử dụng phẩy, chấm phẩy để netters đọc nhanh cũng hiểu được nghĩa liền. Câu văn thường xuyên … không  có chủ từ. Cũng rất ít liên từ theo kiểu thì, là, mà, vậy, do đó…

Lối viết này có ưu điểm là không  cần trau chuốt, có thể viết nhanh và và netters không “ớn” vì phải đọc dài. Một bài không  nên quá hai trang cho một chủ đề. Một ngày nettres lướt net với hàng ngàn, chục ngàn thông tin thì với những bài dài, họ sẽ “delete” hay không  đọc kỹ. Như thế sẽ thiệt thòi cho chính tác giả là người muốn gửi các tin tức đi càng rộng càng tốt. Các netters không có thì giờ để ngăm nghía vẻ mượt mà của câu văn, để  thưởng thức cái ẩn ý “arriere idee” ( không  bỏ dấu tiếng Pháp được ở đây) sâu sắc đằng sau câu văn, hay để chiêm ngưỡng cái ý nhị của mỗi chữ trong câu. Họ cần hiểu nhanh và rõ ràng để họ “túm” được ý chính.

Lối viết này cũng có ưu điểm là trình bày vấn đề theo hình tháp ngược tức là  cái gì quan trọng cho lên trước, ít quan trọng cho ra sau. Tại sao vậy? Vì người Mỹ đã chứng minh rằng độc giả chỉ tập trung được khoảng nửa trang số 1, sau đó đầu óc họ tự động lơ là để rồi sẽ lơ mơ ở đoạn cuối. Đó cũng là lý do vì sao sau này các chương trình phát  thanh của VOA hay RFA, chỉ tối đa 10 phút cho một chủ đề! Các cộng tác viên phải hết sức chọn lọc cô đọng tin tức để làm sao gửi đến thính giả chỉ trong 10 phút. Trong khi đó các cao niên của ta thường chọn kiểu viết cũ là hình tháp xuôi.

Tôi ví dụ, khi mô tả một sinh hoạt cộng đồng thì các cây viết cũ theo rập khuôn: “Ngày 19/6 tại Trung Tâm Eden LHCCS  đã tổ chức  ngày lễ Quân Lực. Nhiều hội đoàn cá nhân đã đến dự gồm hội A, hội B, cá nhân có ông C, bà D…”.  Nhận xét : Mọi người đọc một đoạn văn dài mở đầu chỉ toàn thấy liệt kê các tên tuổi mà ai nấy đều biết,  đều tỏ từ mấy chục năm qua! Trong khi đó, viết văn kiểu  Mỹ là đưa tin quan trọng lên ngay hàng đầu. Ví dụ “Ngày quân lực năm nay tại Eden đặc biệt có sự hiện diện của vị tướng Mỹ ABC” rồi sau khi mô tả ngày quân lực, đoạn cuối họ mới viết tên các thành phần tham dự! Việt Nam thì thích kể tên người tham dự lên đầu và tin kia thì cho vào giữa hoặc cuối!

Tôi ví dụ một đoạn văn viết theo cũ và được sửa lại theo kiểu mới như sau:

Kiểu cũ: Việc Hà nội ngầm cho dân VN biểu tình để xì bớt bất mãn nhà cầm quyền CS Hà nội có thái độ mà chính Bắc Kinh cũng ngạc nhiên là quá nhu nhược, quá bất động trước việc mất đất, đảo, biển, quyền lợi đánh cá vào bàn tay của TC, CS Bắc Kinh thấy “chẳng hề chi” trong tương quan giữa Bắc Kinh và Hà nội, nên tạm thông cảm.

Khi đọc nhanh, hẳn netters sẽ khó tóm được ý chính của câu văn khá dài này nhất là trong môt bài sẽ toàn những câu văn dài như trên.

Nhận xét: ý chính là Hà Nội cho biểu tình và Bắc Kinh thấy chẳng hề chi nên tạm thông cảm. Ý phụ để giải thích là “quá nhu nhược..”.

Vì thế nếu viết theo kiểu Mỹ, sẽ không có giải thích giữa câu mà được ngắt thành hai câu như sau:

Kiểu internet: CS Hà Nội quá nhu nhược, quá bất động trước việc mất đất, đảo, quyền lợi đánh cá, khiến người dân bất mãn và cả Bắc Kinh cũng ngạc nhiên. Để xì tốp sự bất mãn, Hà Nội ngầm cho dân VN biểu tình và Bắc Kinh thấy “chẳng hề chi” nên cũng tạm thông cảm.
 
Một kinh nghiệm cá nhân khác trong việc viết bài internet: nên sắp xếp bài cùng một chủ đề vào một mail theo thứ tự từ dưới lên trên. Ví dụ khi muốn trình bày một vấn đề A, thì bao giờ cũng nên có bài 1 là bài nguyên thuỷ viết về chủ đề A, tiếp theo là những bài 2,3,4 trả lời cho bài 1. Làm như vậy, một netter mới xem chủ đề này cũng dễ hiểu hơn là đọc một mail được “reply qua lại” dài ngoằng với đủ thứ “hổ lốn” ở trong.
 
Tóm lại, nếu định viết về tình yêu ( cha mẹ, con cái, lứa đôi…) thì còn có thể viết hoa lá cành, vào đề “lung khởi”, chứ viết về chính trị hay thời sự thì nên chọn lối viết văn thời internet mà tôi tạm trình bày ở trên.

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.