Ngày tết ôn chuyện cũ: nghĩ gì khi Dương Văn Minh đầu hàng năm 1975

Ngày tết ôn chuyện cũ: nghĩ gì khi Dương Văn Minh đầu hàng năm 1975

Hoàng Lan Chi

Không biết sao tự nhiên năm nay đón Xuân mới, tôi lại lẩm cẩm thích tìm hiểu vào đúng thời điểm Dương Văn Minh đầu hàng thì bạn hữu nghĩ gì làm gì và cái tết đầu tiên sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản thì họ đón tết ra sao? Có phải là điềm gì không, tôi không biết.

Với tôi thì không bao giờ tôi quên được đúng lúc Dương Văn Minh đầu hàng, bầu trời Sài Gòn bỗng dưng u tối trong mươi phút cho dù đó là trưa Tháng Tư, nắng như đổ lửa. Lúc đó tôi đang ở nhà bà chị ruột tại Quận 1. Tôi nghe mà không tin, cứ ngỡ như mơ. Tuy vậy, sợ hãi nên sau đó lấy “acetone” chùi hết móng tay, phụ cùng bà chị vứt hết quần áo quân nhân, sách vở có hai bàn tay Việt Mỹ. Trở về nhà ở Gia Định,  đường đi không bị kẹt lắm nhưng ngổn ngang rác do mọi người sợ hãi đem vứt. Ngay sáng 1/5 thì vào trường Khoa Học trình diện. Tết năm đó, họ hàng vẫn kéo nhau lên nhà bác tôi (trưởng tộc) nhưng không khí không như xưa vì ai cũng nghèo đi, ai cũng sợ hãi cho tương lai bấp bênh và những ngày tháng đen tối trước mặt…Cả mấy năm sau, tôi vẫn ở tình trạng mơ hồ như thế. Khi đi về miên Tây, tôi cứ tự hỏi “ Quê hương mình như thế này đây, miền Nam mình như thế này đây, bây giờ lại bị lũ đười ươi cướp hay sao?”. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn “khinh rẻ” lũ đười ươi. Với tôi, họ, lũ cán chóp bu,  không phải là “người”!

Khi nhận thư trả lời của bạn hữu thì đúng là mỗi người một cảnh và từ đó một suy nghĩ . Nhà văn Từ Trì ở Pháp, lúc đó đang làm ở ngành ngoại giao kể như sau:

Năm 1975, chúng tôi ăn Tết ở Tokyo. Tuy lúc đó tình hình bên nhà chưa đến nỗi nguy ngập lắm nhưng trong thâm tâm của người công dân VNCH có tình trạng bất an. Chúng tôi ở bên ngoài nên thấy rõ tình hình, biết rằng sau hiệp định Paris 1973 cộng quân đang chuẩn bị chiếm miền Nam. Đêm trừ tịch anh em sứ quán gượng vui đến ăn Tết với kiều bào để cố gắng trấn an mọi người. Nhưng tôi cảm thấy ai ai cũng lo lắng.
Ngày 30 – 04 – 1975 : khi tôi tới Tòa Đại Sứ thì thấy sinh viên du học và kiều bào ở Nhật  vào đứng đầy chặt trong sân. Khi bị mất nước đồng bào ở ngoại quốc cố bấu víu vào Sứ quán như là một mảnh đất còn lại của quê hương. Ông Đại Sứ và chúng tôi quyết định gia hạn thẻ thông hành (giờ gọi là hộ chiếu) 5 năm cho tất cả các kiều bào để họ có lý do xin chính quyền Nhật cho ở lại trong khi chờ đợi xin tỵ nạn ở nưóc khác.
Trước hôm đó mấy hôm các nhà ngoại giao phục vụ tại Tokyo được Thủ Tướng Nhật mời dự tiệc trong vườn dinh Thủ Tướng để mừng mùa anh đào nở (Cherry blossom) nhưng vì cộng quân tiến dần về Sàigòn nên chúng tôi quyết định không tham dự.
Sau ngày 30/04 vì tôi ngày trước học bên Pháp nên ông Đại Sứ yêu cầu tôi tới Sứ quán Pháp để lo việc xin cho kiều bào xin tỵ nạn tại Pháp. Một đồng nghiệp khác vì đã học ở Mỹ về cũng có sứ mạng tương tự khi đến Sứ quán Mỹ.
Sứ quán Pháp đón tiếp tôi lịch thiệp và dành mọi dễ dàng khi cấp chiếu khán (visa) nhập cảnh Pháp. Sứ quán Mỹ đón tiếp không lấy gì là niềm nở, không hứa hẹn gì vì họ nói chưa nhận được chỉ thị của chính phủ Mỹ.
Gia đình chúng tôi ở lại Nhật cho tới cuối tháng 6 mới qua Pháp vì đợi hết niên học để con cái không bị gián đoạn trong việc học hành. Trong thời gian này chính phủ Nhật vẫn cho chúng tôi giữ nguyên các quyền lợi ngoại giao như đặc quyền đặc miễn (immunity and privileges) cho tới khi rời nước Nhật.

Có lẽ lúc đó ở hải ngoại nên nhà văn Từ Trì lo cho đồng hương và cũng không có thì giờ để nhớ đúng lúc Dương Văn Minh đầu hàng thì mình đang ngủ hay đang làm gì?

Ông Nguyễn văn Tần, lúc 75 là Thiếu Tá Hải Quân thì kể:
Lúc DVM ra lịnh đầu hàng, tôi trên đường ra Côn Sơn họp với Bộ Tư Lịnh Hạm Đội.
Tôi thật sự chết sững vào khoảng 5 phút, không biết mình nghĩ gì. Tết đầu tiên tôi ở Maryland, ngồi buồn rồi đi ngủ, nằm mơ thấy đứa em út của tôi bị VC rượt bắn. Tôi la lên và lăn từ trên giường xuống đất. Ngồi dậy, tôi tỉnh ngủ xuống nhà ngồi chờ sáng để đi làm.

Một “người lính” khác, ô Nguyễn Ngọc Anh ( cựu Chủ Tịch TCCĐ Arizona), vào 75, đang là phi công:

Lúc ông DVM tuyên bố đầu hàng, vì đang ở Côn Sơn nên tôi không trực tiếp nghe, mà chỉ nghe mấy cấp chỉ huy nói lại. Bây giờ đọc câu hỏi của chị tôi mới sực nhớ lại là từ rạng sáng 29 tháng 4, sau khi VC pháo vào phi trường TSN, cho đến chiều ngày 30 tháng 4 hình như tôi không có ăn gì cả, chỉ uống nước cầm hơi. Tôi cũng nhớ lại cảm giác khi nghe DVM đầu hàng là tuyệt vọng đến cùng cực,  mọi thứ đều trở nhòa đi, và đầu óc như bị “đóng băng”. Cảm giác “trí nhớ bị đóng băng” hình như kéo dài  đến 5 năm sau, khoảng 1980 thì tôi mới hoàn hồn. Trong suốt thời gian đó tôi như người bị mộng du, không suy nghĩ hay nhớ được điều gì, thành ra không có “kỷ niệm đáng nhớ” nào để hồi tưởng cả.

Còn với một người nửa lính nửa dân thì sao? BS Thú Y Bùi Xuân Cảnh kể:

Đêm 29 tháng 4 năm 1975, tôi ở trong doanh trại quân y, gần Tổng Y Viện Cộng Hòa, ở Gò Vấp. Cả đêm, nghe đại bác giặc rót vào phi trường Tân Sơn Nhất. Chúng tôi chui vô mấy căn hầm, phòng ngừa bị trúng đạn. Bụng đói, nhưng lòng hoang mang tan nát. Nửa đêm, ông thương sĩ Thường Vụ nấu cháo gà đem tới. Ông nói:” Vợ con binh sĩ trong gia binh đã ra ngoài hết. Tụi em quơ đại mấy con gà nấu cháo. Mình phải có cái gì bỏ bụng mới cầm cự được!” Lúc ấy đã quá nửa đêm . Tiếng đại bác thưa dần rồi im bặt. Một thứ yên lặng chết chóc bao trùm không gian. Không tiếng máy bay gầm rú, không tiếng súng quen thuộc! Bụng đói, nhưng sự lo lắng làm tôi phải cố gắng mới nuốt hết ca cháo gà. Tôi nhớ, lúc ấy chỉ có một ông Thiếu Úy là sĩ quan cấp dưới, còn lại mấy chục người vây quanh đều là hạ sĩ quan và binh sĩ. Thiếu Úy Tố dè dặt nói với tôi: “Có lẽ có thỏa thuận ngưng bắn rồi, đại úy à! Sao tự nhiên êm lặng quá!” Nhưng linh tính báo cho tôi chuyện khác. Tôi nói với anh em: “Chuẩn bị rút ra khỏi doanh trại này ngay. Tụi nó tới rồi, có lẽ nó ở ngay ngoài hàng rào này thôi!” Nhìn nét mặt kinh hoàng của những người bao quanh, tôi biết họ đang cháy lòng chờ đợi một quyết định của tôi. Sau cùng, không thể chờ đợi lâu hơn nữa, ông thượng sĩ Bốn lo lắng lên tiếng:” Sao bác sĩ biết là nó tới sát đây rồi? Nếu như thế, mình làm sao rút ra khỏi trại được?” Nhìn mấy chục cặp mắt xoáy vào mặt tôi, chờ đón một câu giải đáp, như những kẻ chết khát chờ được uống nước. Tôi nói: “Đang đánh nhau mà mọi tiếng súng đều im bặt, thì chỉ có nghĩa là không còn mục tiêu nào để cho địch thanh toán. Có lẽ quân ta quanh vùng này cũng đã rút hết đi rồi! Thôi, tụi bay chuẩn bị vũ khí và tập họp quanh đây. Thiếu Úy Tố sẽ điều động anh em ra khỏi doanh trại, hướng về Ngã Tư Phú Nhuận. Mục tiêu là tìm đường đi xuống miền Tây. Ai không muốn đi, xin tùy ý. Tôi cũng chẳng còn biết xin lệnh của ai lúc này!”.

Trong khi chúng tôi chuẩn bị rời doanh trại thì trời đã lờ mờ sáng. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy dân chúng từ miệt Gò Vấp đang hối hả đổ về đường Võ Di Nguy, hướng về phía Saigon.Tôi mở vòng kẽm gai bên cửa ngách, nắm lấy một anh thanh niên đang hớt hải, hỏi anh ta “Anh ở đâu chạy tới đây vậy ?” Anh ta khoát tay chỉ về phía sau “Em ở gần đây thôi, nhưng nó đến đầy quanh nhà em rồi! Thôi, xin để em chạy ra bến tầu bây giờ!”. Tôi chợt nẩy ra ý định “Sao mình không rút ra bến Bạch Đằng, may ra có tàu!” Tôi quay vào doanh trại, lệnh cho Thiếu Úy Tố [ nay đang định cư ở Pennsylvania ] lấy chiếc xe Jeep còn lại, lấy thêm 2 binh sĩ hộ tống sẵn sàng. Tôi gọi Thượng sĩ Bốn, nói với những người còn lại, nên chạy ra bến Bạch Đằng, may ra có thể đi tàu. Ai không muốn đi, thì về với gia đình.

Chúng tôi ra đi lúc 6 giờ sáng. Xe chạy  trên đường từ Tổng Y viện Cộng Hòa về ngã tư Phú Nhuận, tôi thấy nhiều xác lính nằm chết bên ven đường. Chúng tôi qua đường hai Bà Trưng và tới bến Bạch Đằng. Tới nơi, chúng tôi thấy một rừng người. Trên sông là một chiếc tàu, người đã bu đen trên tàu như đàn kiến. Trên mấy cái cột cao ở tàu, người “đậu” như chim! Trên bến , từng loạt đạn vang lên chát chúa. Có lẽ là súng của đám lính bắn dọa nhau, hoặc dành nhau xuống tàu. Thấy cơ sự không thể xuống tàu được, tôi ra lệnh quay xe về. Trên đường quay về, tôi nói với hạ sĩ Nhàn là tài xế, cho tôi ghé qua nhà ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa. Tôi sợ khi giặc tràn vào, chúng sẽ tàn sát gia đình các sĩ quan ở đây. Đêm hôm qua, tôi đã gọi phone về nhà, để bà xã tôi đem mấy đứa nhỏ và bà mẹ tôi đến nhà cô em ở đường Công Lý, gần Phú Nhuận. Nhưng tôi muốn chắc ăn, nên ghé qua nhà, cũng muốn để coi qua xem có chuyện gì cần làm. Cổng cư xá vẫn có lính gác nghiêm nhặt. Ngoài toán lính thường, còn có lính dù bao quanh. Mở cửa vào căn nhà thân yêu, nhưng vắng bóng người, lạnh lẽo. Mấy anh lính đi theo tôi, lấy đồ trong tủ lạnh ra. Chúng tôi chiên trứng và làm bánh mì, rồi mở radio nghe tin tức. Khi tôi đang quấy ly cà phê và lơ đãng nghe, thì thiếu úy Tố la lên “Chết mẹ! nó đầu hàng rồi!”. Phải mấy giây sau đó tôi mới tỉnh ra, để nghe thấy cái tiếng eo éo của Minh Cồ, đại ý “...anh em binh sĩ buông súng, ở yên tại chỗ, chờ bàn giao cho các anh em phía bên kia!…” Tôi không nghe được cái lệnh đầu hàng! Chỉ là lệnh buông súng và bàn giao! Đó là vào khoảng 10 giờ sáng 30 tháng 4 năm 1975!

Chúng tôi sững sờ, thấy như trời sập đổ, đất sụp dưới chân! Tôi như mụ đi, ra một cái lệnh trong mê sảng “Đi về lại doanh trại!”. Chúng tôi nhả miếng bánh mì và hối hả nhảy lên xe. Nhưng cổng cư xá đã đóng chặt bằng hai lớp kẽm gai. Mấy người lính bảo tôi “Đại úy không ra được! Có lệnh bất xuất, bất nhập!” Tôi xuống xe, gặp một Trung Úy dù chỉ huy toán lính dù, chỉ vào dấu hiệu quân y, nói với ông rằng tôi phải về doanh trại gấp. Ông nhìn tôi thẫn thờ, rồi không nói lời nào, ông phất tay ra lệnh cho anh lính kéo vòng kẽm gai đủ chỗ cho cái xe jeep vọt qua. Tới đầu đường Bắc Hải, tôi muốn cho xe đi về phía chợ Ông Tạ, định đi lối đó về phía Tổng Tham Mưu, rồi lên Gò vấp. Nhưng không thể đươc, vì đường Lê Van Duyệt lúc ấy đã biến thành đường một chiều. Chỉ có thể đi xuôi xuống phía Saigon mà thôi! Đành phải đi  xuôi theo lối đó. Đi qua trại Nguyễn Trung Hiếu, ở phía đối diện với cái Nghĩa Trang Chí Hòa, tôi thấy tên mặt đường một lỗ đạn nổ, và xác chết một người dân nằm cạnh.
Xe chạy một khúc đường chưa tới Ngã Sáu Saigon, thì phải qua một doanh trại lớn của quân đội, hình như là Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô. Người ta túa ra đường như kiến, làm đường kẹt cứng. Lính trên xe của tôi phải bắn chỉ thiên liên hồi mới lách qua được. Tới Ngã Sáu, có con đường Yên Đổ chạy ra đường Công Lý.

Chúng tôi quẹo xe vào đường đó, và vọt ra đường Công Lý, rồi đi ngược về phía Tổng Tham Mưu. Xe chạy trên đường Công Lý một khúc, bỗng nghe có tiếng xe tăng chạy ầm ì ngay phía sau, và cảnh sát dã chiến trên các lầu cao và hai bên đường chợt rút sâu, biến mất. Thiếu úy Tố quay lại phía sau và la lên “Chết mẹ! xe tăng nó ở ngay phía sau mình nè!” Hạ sĩ Nhàn vội quẹo xe vào một con hẻm gần  trường trung học Quốc Anh. Chúng tôi hối hả rời xe. Tôi móc túi lấy một nắm tiền dúi vào tay các anh em binh sĩ trên xe, rồi mỗi người đi một ngả. Lúc ấy, mặc quân phục trên người rất dễ làm mục tiêu ăn đạn; nhưng tôi không thể cởi  trần truồng ra được. Vả lại, tôi nghĩ, nếu có cởi quân phục , thì cũng là một cách tự tố cáo mình là lính mà thôi! Nhục nhã và bối rối, nước mặt tôi nhạt nhòa. Chợt tôi nhớ ra, tôi đang ở rất gần nhà cô Tâm, em vợ tôi. Tôi đập cổng, và vào lọt nhà em, bên hông vẫn còn khẩu colt chưa kịp quăng đi. Vừa vào tới nhà, thì hai chiếc xe tăng Việt cộng tới ngay trước cửa. Nó dừng lại, và tác xạ dữ dội về phía Tổng Tham Mưu. Khói đạn bay khét lẹt vào căn phòng, nơi chúng tôi đang nằm rạp tránh đạn. Thì ra lúc ấy các chiến sĩ Biệt Cách Dù vẫn còn chiến đấu. Hai chiếc xe tăng này hình như sau đó cũng bị bắn cháy gần tổng tham mưu, vì ngày hôm sau, tôi đi qua đường gần tổng tham mưu để về nhà, vẫn còn thấy hai cái xe tăng cháy,có thằng lính cộng sản nằm ngửa đầu, nón cối văng sang một bên!
Mấy ngày sau đó là những ngày kinh hoàng đối với tôi. Tôi đã cố vùng vẫy để thoát cái lưới oan nghiệt của bọn Bắc Cộng. Tôi ra Vũng Tàu, xuống Rạch Giá, ra Gò Công, Phan Thiết! Nhưng tôi đi như kẻ mê sảng, vì đâu có quen biết ai! Đi đâu cũng thấy lưới thù vây bọc.
Nửa tháng sau, tôi cùng các chiến hữu đau lòng cúi mặt nhìn nhau trong trại “tù cải tạo”, và những tháng ngày khốn nạn cứ theo nhau như bất tận! Tết đến, chỉ gợi những ngày đầm ấm khi chưa mất nước. “Mất nước là mất tất cả!” Còn gì đâu nữa. Tôi đã ăn 5 cái tết trong tù, nhìn bọn người mặt choắt, xanh bủng, trong những bộ quần áo bèo nhèo, nón cối, dép râu, nói ngọng, nhưng ánh mắt đầy thù hận, luôn mồn đe dọa, giết chóc! Lòng vẫn tự hỏi như trong mơ:” Bọn ngợm kia đã thống trị được chúng ta ư!?” Còn gì nữa đâu! Thê thảm kéo theo tuyệt vọng! Tôi chạnh lòng nghĩ tới các chiến hữu nay vẫn còn kẹt lại quê nhà. Nghĩ đến họ, lòng tôi lại sôi lên, không chịu nổi bọn đã lấy xương máu, mồ hôi, nước mắt của chúng tôi để che thân, để yên thân, thoát ra nước ngoài, nay có đứa muốn quay đầu cắn quái, lòn trôn kẻ thù của đất nước, và nhục mạ những người đã lấy máu xương che chở cho chúng nó. Tôi thề với Đất, Trời, tôi không bao giờ dung thứ bọn khốn kiếp này.

Còn đây là tâm trạng của một người du học từ trước 1975, Khê Kinh Kha:

Khê Kinh Kha nhớ lại năm 1975 lúc ấy đang học Tiến sĩ kỹ sư Hóa Học ở  Đại học UMASS (Amherst, Mass). Cả mấy tuần trước 30 tháng 4, mỗi khi có dịp là turn on TV hay radio để theo dõi tin tức về quê hương mình. Và mỗi lần như thế’ là tim mình quặn lên vì quê hương cứ tự động tan rã, người dân bồng bế nhau chạy bỏ nhà cửa làng mạc.
Bên đây Tổng Thống Ford thì đi chơi golf … thế là Mỹ bỏ rơi …

Cả tuần sau 30/4/75, không thể nào hồi tâm để học được. Còn ngay đêm 30/4 Khê Kinh Kha buồn quá viết bài thơ:

30 tháng Tư, 1975

30 tháng Tư là hôm nay
nhìn nhau, hoảng hốt, òa khóc
em khóc, anh khóc, chúng mình khóc
một ngày tổ quốc tả tơi rách

đúng rồi em, 30 tháng Tư là hôm nay
em hãy thắp cho anh chút nhan đèn
em khóc, anh khóc, chúng mình khóc
rồi mình quì cầu nguyện cho quê hương

một ngày hết chiến tranh mà lắm nước mắt
một ngày hoà bình mà nhiều tan tóc
tại sao quê hương mình đảo điên
em thấy không người cha vừa mất đứa con
em thấy không đứa em thơ vừa mất mẹ
em thấy không người chồng lạc mất vợ
em khóc, anh khóc, chúng mình khóc

em thấy không chiếc trực thăng cuối cùng vừa cất cánh
em thấy không bao dân mình chôn xác vào đại dương
một ngày, một trang sử mới bắt đầu
một ngày là mãi ngàn sau
em khóc, anh khóc, chúng mình khóc

đúng rồi em, hôm nay là 30 tháng Tư, 1975
bắt đầu cho một số kiếp lưu vong
của bao vạn dân mình
của đứa con sắp ra đời của mình
(tội cho con chưa ra đời đã làm người mất nước
chưa ra đời đã đội khăn tan cho tổ quốc)
đây là lá cờ vàng ba sọc đỏ
em hãy treo lên tường để tưởng nhớ

em khóc, anh khóc, quê hương oà khóc

ViệtNam ơi
ViệtNam của tôi
của tôi
của tôi

30 tháng Tư, bàng hoàng đứng khóc

khekinhkha

Gần 40 năm trôi qua. Lại một mùa xuân trở về. Mùa xuân, mùa hy vọng. Trong trí tưởng của người lính từng trực diện chiến đấu chống kẻ thù, người sinh viên du học, hay người làm công tác chính quyền, tất cả đều nhớ về ngày tháng cũ “tưởng như một giấc mơ”! Hy vọng giấc mơ ấy sẽ vỡ tan như bọt sóng vào năm Nhân Thìn này để chúng ta có thể hân hoan về quê cũ, về Sài gòn yêu dấu một ngày không xa…

Hoàng Lan Chi

This entry was posted in LanChiYesterday and tagged . Bookmark the permalink.