Ở tuổi này, thể loại tôi thích đọc nhất là những đoản văn ngắn mà tên gọi thì có khá nhiều: tạp văn, tạp chí, tạp bút, tạp ghi. Những loại này dễ đọc vì ngắn và đa phần nói về nhân vật hay sự kiện quanh ta. Thể loại mà tôi ngán nhất là truyện ngắn ( đôi khi truyện dài) của vài nhà văn tài tử (đặc biệt giới cựu quân nhân) mà tôi xin phép được gọi họ bằng cái tên vui vui là “quan viết”. Một vài vị làm tôi rối mù bởi không gian, thời gian và cả những cái tưởng tượng xa rời thực tế mà thời chúng tôi gọi đó là “hư cấu”. Xin nhắc lại là vài vị nhé chứ tôi không vơ đũa cả nắm đâu đấy.
Nhiều khi đọc đến khoảng phân nửa một truyện ngắn mà tôi cũng không hiểu bối cảnh xảy ra là lúc nào trong khi nội dung câu truyện cần phải mô tả điều đó. Tôi nghĩ không có gì khó mà sao các “quan viết” hay quên thế. Tôi trộm nghĩ chỉ một giòng cũng để mô tả kia mà. Ví dụ “ Một ngày của Hè 1942”. Hay “Một sáng khai trường của năm 1960” hoặc “ Một chiều thu Đà Lạt cuối 1964”.
Bàn về sự tưởng tượng thái quá của vài “quan viết” tôi không hiểu họ nghĩ gì. Với tôi chính những điều đó có thể được bỏ qua bởi những độc giả dễ dãi và hời hợt nhưng với người “biết đọc” thì thế nào? Người “biết đọc” chỉ một thoáng đã biết ngay những tình tiết nào trong truyện là “tưởng tượng xa rời thực tế”. Những tưởng tượng này không vô hại mà chính nó đã làm giảm giá trị tác phẩm của họ rất nhiều và có vẻ các “quan viết” không để ý.
Hãy xem qua vài ví dụ của sự “tưởng tượng” của vài “quan viết”:
Một cô gái con một, nhà giàu, gia giáo, nề nếp, địa vị cha mẹ là cao sang. Một ngày cha mẹ cô tử nạn phi cơ và chỉ một sớm một chiều cô bé đi bán snack bar của Mỹ (Không gian là xã hội Việt Nam Công Hòa năm 1962-1964 gì đó). Trời đất, đã là cao sang nề nếp thì khi cha mẹ mất, sẽ còn ông bà cô dì chú bác thu xếp cho cô bé về ở chung và tài sản để lại vẫn đủ sức cho cô bé học hết đại học. Cổ nhân ta có câu “Sẩy cha còn chú”. Điều này có nghĩa là trong một đại gia đình nếu một người cha mất thì chú là người có nghĩa vụ “trông coi”. Trở lại nhân vật trên, cho dù gia đình cô bé này thuộc loại mồ côi không có họ hàng gì đi chăng nữa thì tôi vẫn cho rằng tom góp tài sản, bán nhà to mua nhà nhỏ vẫn đủ sức cho cô bé học tiếp. Sau đó vừa học vừa làm. Thời xưa sinh viên đi học và dạy kèm là chuyện thường tình. Khi tưởng tượng như vậy, vô tình tác giả đã “bêu xấu” những người con gái xuất thân gia đình nề nếp của xã hội Việt Nam Công Hòa! Phải chi đó là cô gái quê nhà nghèo, cha mẹ làm nông lam lũ, một bầy em nheo nhóc và sau nhiều cố gắng, cô gái mới sa chân vào con đường bán snack bar, còn có vẻ hợp lý đôi chút.
Một cô gái (bán snack bar) yêu một chàng và khi biết chàng định để dành tiền cưới một cô nữ sinh thì khi lấy chồng Mỹ, cô này đã tặng lại cho chàng ngôi nhà cùng 20,000 Mỹ Kim. Trời đất ơi, cái này còn hơn cổ tích Bokassa. Trên đời này làm gì có người con gái nào như thế, quan tưởng tượng như vậy và cho là mối tình đẹp và thơ mộng thì đúng là tôi hết ý kiến. Quan không chú ý điều sau đây: người lính hay viên sĩ quan Mỹ nào đó lấy cô ta cũng đâu phải giàu đến độ cô này bỏ lại 20,000 Mỹ Kim cho người tình. Vào 1963 thì 20,000 Mỹ Kim có lẽ phải gần 2 triệu bây giờ? Sao quan không hỏi một cô gái lấy chồng Mỹ để biết họ nghĩ gì trước khi viết? Theo một người lạ về xứ xa xôi thì cô gái Việt Namnào cũng lo sợ và nếu “thủ” được là họ “thủ”. Ở quê nhà còn có bà con bạn bè để nương tựa hỏi han chứ xứ Mỹ xa xôi nếu xảy ra việc gì thì làm sao đây? Một cô gái bán snack bar không bao giờ ngây thơ đến độ đặt hết lòng tin vào tình yêu chung thủy của người chồng Mỹ cả. Vì thế số tiền 20,000 Mỹ Kim là cả một gia tài để cô gái có đủ kinh nghiệm đem theo khi lập nghiệp nơi xứ lạ. Không cô nào điên đến độ để lại cho người tình ( chỉ là một chàng thiếu úy mới ra trường) nguyên một căn nhà và số tiền lớn đó để người tình lấy vợ nữ sinh cả.
Một ông cựu quân nhân qua Mỹ và hành nghề địa ốc bán được căn nhà 6 triệu ở DC! Tôi tự hỏi khi một người có khả năng mua nhà 6 triệu thì có thèm nhờ đến realtor người Việt không nhỉ?!
Một bà mẹ đùa với cô con gái qua điện thọai “Thế Bảo có đang cùng giường với con không đấy? Mấy cô bây giờ là ghê lắm!”. Thiên địa quỷ thần ơi, bà mẹ nào mà nói với con gái như vậy? Cho dù đó là bà mẹ vc đi chăng nữa thì tôi nghĩ cũng không bà mẹ nào nói giọng đó cả. Khi viết, quan đã gán câu của bạn bè chọc nhau vào miệng một bà mẹ Việt Nam. Quan viết kiểu này thì có vẻ hơi cẩu thả rồi. May phước mà quan không cho bà mẹ này là cựu nữ sinh Gia Long!
Một cô du học sinh con vc chính cống bà lang trọc, ở lại Mỹ học tiếp cao học. Chỉ nghe một ông cựu quân nhân Việt Nam Công Hòa nói về tượng đài hay công viên kỷ niệm gì đó ở DC là đã quay 180 độ về tư tưởng. Nghĩa là trước kia cô được vc giáo dục vầy vầy, cha mẹ cô dậy vầy vầy (họ là vc chính cống luôn) bây giờ chỉ cần nghe ông già nói vài câu là úm ba la, hiểu rõ ngọn ngành. Trời, tôi nghĩ thầm hồi đó Việt Nam Cộng Hòa không biết tài nghệ của “quan viết” này để mời ông làm Bộ Trưởng Chiêu Hồi!
Một Việt Kiều về nước và gặp một cậu bé đánh giày rồi có vài tình tiết liên quan cái gì đó mà ông VK này móc túi cho cậu bé 800 Mỹ Kim. Giê su ma lạy chúa tôi, người nhà của tôi nếu có về Việt Namcũng chỉ dám cho bà con dòng họ 100 là khá. Ai mà dám cho một cậu bé đánh giày quen ngoài đường số tiền 800 MK ngay tắp lự như thế bao giờ. Chắc tác giả là triệu phú Mỹ!
Còn nhiều nữa, cứ liếc một vòng qua truyện ngắn của vài “quan viết” thì biết. Quan thì hư cấu như cổ tích, Quan thì hư cấu xa rời thực tế. Có quan toàn gặp những tình cờ định mệnh vô cùng bất ngờ. Sáu bảy truyện của quan, truyện nào cũng “kỳ tích” như vậy cả.
Thiệt cái tình, truyện Mỹ cũng hư cấu nhưng cái hư cấu của họ dựa trên thực tế nên rất hợp lý.
Tôi bâng khuâng tự hỏi bao giờ các quan viết nhà ta bớt coi thường độc giả qua sự hư cấu quá đáng? Và bao giờ độc giả của ta bớt “kiểu đọc dễ dãi” (vì nhiều quan đọc cứ fw những truyện như vậy khiến tôi chả hiểu các quan đọc, trước khi fw có đọc không và khi đọc xong, vài quan đọc này có hiểu vài quan viết đã viết “hư cấu quá lố” không?!)
Hoàng Lan Chi