Trăng giữa ban ngày
2 giờ chiều củaCali. Trời nắng đẹp. Tôi nhìn qua cửa sổ. Chút ngạc nhiên. Trên bầu trời xanh lơ, một mảnh trăng lưỡi liềm.
2 giờ chiều củaCali. Trời nắng đẹp. Tôi nhìn qua cửa sổ. Chút ngạc nhiên. Trên bầu trời xanh lơ, một mảnh trăng lưỡi liềm. Tôi không phải là nhiếp ảnh gia, xem tạm nhé. Mảnh trăng trắng ở giữa nghiêng về bên phải, đốm trắng thứ hai là một chiếc phi cơ
Mảnh trăng ở giữa hình trên nền trời xanh. Tôi không thể dời vị trí để chụp được vì ra sau nhà thì không thấy nữa. Chỉ ở cửa sổ phòng tôi là thấy rõ mảnh trăng giữa ba giờ chiều.
Bây giờ là tháng Sáu. Không biết Hoa Thịnh Đốn bây giờ có hoa gì. Đào chỉ có khoảng tháng Ba và cũng mau tàn. Chỉ cuối tháng Ba là đã rụng đầy. Ai từng sống ở Nhật thì không cần nhưng nếu ai chưa thì nên cố gắng đến Hoa Thịnh Đốn vào lễ hội hoa anh đào. Bên bờ sôngPotomac, hai hàng anh đào với ba sắc: trắng, hồng phớt và hồng lạt nghiêng mình soi bóng nước thật là đẹp và thanh cao.
Bây giờ là Tháng Sáu. Califorinia không trụi lá vào mùa đông và hoa thì dường như đã tưng bừng khoe sắc từ cuối tháng Hai. Hồng tường vi nhiều và mai leo thì chi chít. Nơi tôi ở cũng có một giàn mai leo. Giữa tháng Hai, hoa nhiều hơn lá. Tôi vẫn yêu giàn hoa vàng hay tím. Còn nếu là hàng dậu thì phải là hoa dâm bụt cơ. Tại sao nhỉ, có lẽ vì hồi nhỏ tôi thường đi bộ ngang những ngôi nhà có hàng rào hoa dâm bụt.
Thuở ấy Gia Định giáp ranh với Gò Vấp, cảnh giống đồng quê với những ngôi nhà kiểu cổ và hàng dậu bao quanh. Từ nhà đền trường khoảng nửa giờ. Tôi thích nhìn lén qua hàng dậu thưa trên đường đi học. Thấp thoáng qua hàng rào hoa có khi là một lưng gù và một mái tóc trắng phau đang nhẩn nha lần chuỗi hột. Cũng có khi một phụ nữ đẹp như hoa đang nũng nịu ngả vai chồng. Cũng có khi là một áo bà ba nâu với quần đen của chị giúp việc đang rê chổi quét sân. Tất cả những cái gì dân dã đồng quê đều làm tôi ưa thích. Điều này giải thích vì sao tôi ưa nhạc dân ca nỉ non với ngũ cung. Nói thế không có nghĩa tôi không nghe được nhạc mới. Cũng nghe chứ nhưng một giai điệu buồn buồn nỉ non cất lên thì cuốn hút tôi hơn. Viết đến đây lại nhớ cố nhạc sĩ Hiếu Anh, Quân Trưởng Quân Nhạc Việt Nam Cộng Hòa. Tôi “chê” vài bài tình ca của anh là (quê quá) nhưng khi nghe bản nhạc anh viết cho vợ thì ngay những nốt đầu đã làm mềm lòng tôi và tôi gõ cho anh “ Nghe hay”.
Sau này khu du lịch Bình Quới ở Thanh Đa cũng trang trí nhiều cảnh dân dã. Một đụn như đụn lúa với hoa ti gôn hồng. Vài chậu đây đó với một bông súng mầu vàng chanh. Sang Mỹ hiếm khi “bắt” được hình ảnh quê nhà trừCaliforniacó “chút gì gợi nhớ” qua hàng chuối. Nhớ mùa hè năm qua tôi viết rằng nếuVirginiađược ví như một mệnh phụ đài các thìCaliforniađược tôi ví như một cô gái trẻ “điệu đà”. Cô gái này quanh năm suốt tháng nhởn nhơ với nắng vàng, với trời xanh, với hoa cỏ nhiều đến nỗi lắm khi không còn quý nữa!
Quả thế thật bây giờ tôi ngắm hồng và không thấy lòng xao xuyến như ngày nào mới vềCali. Hồng đẹp và cả không đẹp (tức hồng tường vi, hồng hàng dậu) khắp chốn. Nơi tôi ở cũng nhiều hồng nhưng kỳ lạ không khí không ngát mùi hương. Muốn thưởng thức tôi phải đến gần và dí mũi hít hà. Tôi bâng khuâng nhớ một ngôi nhà ởVirginiagần đài phát thanh. Họ trồng rất nhiều hồng quanh nhà. Đi ngang đã nghe mùi hương ngát trong không gian. Có phảiVirginiatrên cao nhiều rừng nên không khí có vẻ trong lành hơnCali? Và vì thế hương hồng đã tỏa ngát thay vì bị chìm trong bụi khói?
Con mắt có đuôi
Có một điều tôi lấy làm lạ là số netters tò mò đọc rồi cả seach engine về “con mắt có đuôi” khá nhiều khi tôi coi “site stat” của web Hoàng Lan Chi. “Mắt có đuôi là sao”, câu hỏi ấy được “search” nhiều lần.
Lần đầu tiên tôi nghe về “Con mắt có đuôi” là vào khoảng 2003. Lúc ấy tôi còn ở Việt Nam và giao thiệp qua mail với một nhạc sĩ. Ông nói là sau bao năm gặp lại người xưa “chúng tôi vẫn nhìn nhau bằng con mắt có đuôi” “Là sao ạ”. Ông bật cười khi thấy tôi “ngây thơ” “ Thế khi cô cười tình tứ với ai thì con mắt thế nào, có cái đuôi không?”. Tôi vỡ lẽ. Từ đó tôi hiểu thế nào là “con mắt có đuôi”.
Không biết có bao nhiêu người khi gặp lại nhau với con mắt có đuôi nhỉ?
Khi “Quan viết” được khen
Tuần qua tôi giới thiệu hai bài viết về một thực trạng ở Việt Nam: tình trạng xe lửa vào những năm 85 va tình trạng phi cơ bây giờ. Một thân hữu mail “Cảm ơn chị Lan Chi về hai bài này. Cũng là quan nhưng hai quan này viết hay hơn quan trước trong bài của chị”.
Tôi bật cười. Chả là trước đó tôi viết một bài nhỏ về các “quan viết”. Đây là từ vui vui tôi đặt cho các vị cựu quân nhân khi họ viết. Thì là quan với lính ấy mà. Tôi nghiệm ra một điều là dường như số “quan viết” khi kể chuyện có vẻ “hư cấu” hơn người thường viết. Hơn chút đỉnh thôi. Có quan kể chuyện ở tù “hư cấu” đến độ một quan khác cự “Tôi chưa hề thấy trại tù nào mà tù nhân được phép tắm và hát hò kiểu đó cả”.
Ngày xưa khi viết truyện tôi cũng “xạo” nghĩa là “hư cấu” ấy mà nhưng không “hư trầm trọng” như vài “quan viết”. Tôi cóp nhặt hình ảnh của nhiều người hay nhiều quan hệ lại để vẽ lên một hình ảnh mới. Chỉ thế thôi. Còn bây giờ trong những tạp văn linh tinh lang tang thì tôi có thể kể nhưng không ghi tên “đương sự” Tôi dùng “một người bạn tôi” rất thường. Trường hợp đặc biệt muốn sử dụng mail của “một nhân vật” nào đó để bê lên net thì tôi mail hỏi ý kiến họ. Đã hai lần khi đọc mail của Cô Dương Nguyệt Ánh, tôi thấy vui và thích. Tôi mail hỏi ý kiến cô là tôi sử dụng mail cô viết cho tôi trong tạp văn được không. Lần nào cô cũng đồng ý. Với những cái “kể lể” chung chung thì tôi cứ kể. Xem tạp văn có cái vui là nghe tác giả kể lể linh tinh những chuyện thường ngày xung quanh họ.
Trở lại với “quan viết”. Hai quan viết được khen là vì hai quan viết thật, không hư cấu. Đặc biệt hai quan kể bằng giọng văn dí dỏm nên “dễ đọc” và có “fan”.
Phim Đại Hàn
Tôi thích xem phim Đại Hàn. Ngày xưa trước 75, mình gọi họ là gì nhỉ? Sau 75 thì gọi Hàn Quốc, Đại Hàn.
Nội dung trong phim Đại Hàn có nhiều cái hao hao văn hóa Việt Namxưa kia. Họ nề nếp và có vẻ khe khắt hơn. Trong gia đình, người già được tôn trọng. Ông bố dù là chủ công ty nhưng đi làm về vẫn vào phòng chào hỏi mẹ. Các cô dâu tương lai vẫn khép nép trường mẹ chồng, bà chồng. Tuy vậy cái đặc trưng của phim Đại Hàn, nói theo kiểu Tây Phương là tràn ngập “bạo lực”! Ông bố bà mẹ sẵn sàng cho con cái “ăn” tát tai, cú đấm, cú đầu. Ông Giám đốc tương tự. Thậm chí trong khung cảnh một trường y khoa, ông trưởng khoa cũng thản nhiên đá một cậu học trò.
Bạo lực như vậy mà không thấy giới trẻ ở Đại Hàn kêu ca là họ bị “abuse” nhỉ?
Một nét khác của phim Đại Hàn khiến tôi thích là “Thật”. Thật ở chỗ nhân vật này đang khốn khổ vì nghèo, nhân vật kia sầu khổ vì mình xấu. Chả như phim hay truyện Việt Nam, nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi nhân vật lấy tiền đâu mà sống và mua sắm như vậy?
Bằng lăng tím
Anh bạn gửi cho tôi hình bằng lăng tím kèm mấy câu.
Những cánh hoa bằng lăng mong manh, đón Hạ về…
Không phải là cốm sữa,
nhưng cũng “thơm bàn tay nhỏ”…
Ý tưởng hay và thơ. Không phải cốm sữa mà thơm bàn tay nhỏ.