Phạm Mỹ Lộc-Hành Trình Về Âm Nhạc Việt

LGT: LS Phạm Mỹ Lộc, còn được biết với bút danh Phạm Văn Kỳ Thanh, Cựu học sinh Chu Văn An, Ts Luật San Francisco, học trò của Michael Lorimer, (Ông Lorimer là học trò duy nhất của danh cầm Andre Segovia tại Bay Area California), phụ trách CT Tiếng Vọng Quê Hương trên Đài Phát Thanh San Francisco 1972, cộng tác với Nhân Văn San Jose (1980), Thế giới Lưu Vong (San Jose 1985), Journal Vietnamse Music (Ohio, 1992), Văn Học.  Sáng tác và biên khảo âm nhạc từ 1969.

Phạm Mỹ Lộc

Âm nhạc vốn dĩ là quà tặng của Thượng đế cho con người. Viết nhạc, hát nhạc hay nghe nhạc đều là một hạnh phúc. Nhưng khảo cứu nhạc nhất là tìm hiểu về nét đặc sắc của nhạc Việt để đóng góp cho nền văn hóa thế giới thì phải coi đó là Một Quà Tặng Nho Nhỏ của Thượng Đế.

Phạm Mỹ Lộc chính là một quà tặng “nho nhỏ” của Thượng Đế cho âm nhạc Việt  Nam trong nghĩa đó.  Gần 40 năm, Phạm Mỹ Lộc đã làm một Hành Trình đi tìm Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt. Hôm nay chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả hành trình ấy của Phạm Mỹ Lộc và sau đó là một thoáng về giòng nhạc của anh.

Đi Tìm Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt

Trước Phạm Mỹ Lộc đã có GS.TS. Trần Văn Khê  và một số nhà nhạc học khác cả trong và ngoài nước nhưng với những kiến thức và cả những điều kiện thuận tiện có ở Hoa Kỳ, những gì Phạm Mỹ Lộc (PML) sưu tầm, tìm tòi, khảo cứu và viết lại có một giá trị theo tôi là khá đặc biệt. Tìm hiểu vì sao một người ở độ tuổi thanh niên khi nền đệ nhị Cộng Hòa khai mở và “nhạc trẻ” du nhập ồ ạt lại tìm về dân ca, tôi cảm thấy xúc động khi nghe PML kể “Tôi bắt đầu lưu tâm đến dân ca Việt Nam khi hoạt động trong đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Ca Dao (1969)tại Sài Gòn do Hà Quốc BảoNghiêm Phú Phát thành lập sau khi đã lập đoàn văn nghệ Nguồn Sống). Nhưng động lực mạnh nhất thúc đẩy tôi cả đời đi nghiên cứu và sáng tác trên vốn âm nhạc Truyền Thống và Dân Ca Việt Nam là trong một buổi hạnh ngộ với cha Hoàng Kim tại nhà thờ Ba Chuông (Sài Gòn-1969). Tôi thấy cha lúc ấy đã có tuổi mà còn cặm cụi ngồi viết hòa âm cho những bài dân ca Việt Nam như “Trống Cơm”, “Cây Trúc Xinh”…Cha Hoàng Kim thốt lên một câu :“Rồi ra các nhà soạn nhạc Việt Nam dù có đi bốn bể năm châu cũng phải quay về với âm nhạc Việt thôi nếu muốn đóng góp cho văn hóa thế giới.” Hóa ra câu nói này là một lời tiên tri đã tác động rất mạnh đến tận đáy tim tôi. Sau đó tôi ra hiệu sách Khai Trí ở đường Lê Lợi mua ngay tập “Dân Ca Việt Nam ” của Nguyễn Hữu Ba. Đó cũng là cuốn sách dân ca Việt Nam đầu tiên tôi sưu tầm được”.

Thế đó, từ Ban Văn Nghệ Ca Dao và từ rung cảm thuần khiết trong sáng của một trái tim yêu quê hương mà PML đã đi vào một cuộc hành trình về âm nhạc Việt. Cuộc hành trình này phải chăng là một định mệnh của đời PML? Một định mệnh đã khiến chàng trai trẻ tiếp tục con đường của mình dù sau đó anh không còn ở Việt Nam mà đang đeo đuổi ngành Luật tại San Francisco vào năm 1971.

Ngày đó vào mỗi cuối tuần, PML đều đến đại học Berkeley ( California ) làm copy tất cả những tài liệu liên quan đến dân ca, dân nhạc Việt. Sau khi tra cứu danh mục sách của trung tâm Việt Học tại Southern Illinois University ở Carbondale (Hoa Kỳ) do cố Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa  làm giám đốc, anh gửi thư xin tài liệu. Giáo sư Hòa đã sốt sắng nói nhân viên gửi cho anh tất cả những gì liên quan đến âm nhạc Việt. Tưởng cũng nên nhắc lại, trung tâm này đã đón tiếp giáo sư Nguyễn Hữu Ba và danh cầm Vĩnh Bảo đến giảng dậy về nhạc Việt. Không dừng ở đó, PML đã dùng cách “inter-library loan” để mượn sách liên quan đến vấn đề âm nhạc Việt từ ngay cả Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ, thư viện Đại Học Cornell và các thư viện trên thế giới có tàng trữ những tài liệu liên quan đến âm nhạc Việt như Đài Loan, Bắc Kinh, Tokyo, Luân Đôn, Paris

16 năm sau, vào khoảng năm 1985, PML mở hiệu sách Văn Đàn ở San Jose . Tại đây anh có cơ hội làm quen với Phạm Duy và đã mua hết 70 cuốn sách “Music of Vietnam” của ông do Dale R. Whiteside san định cho hiệu sách để giới thiệu với các nhà nhạc học trên thế giới. Phạm Duy đã giảng giải cho PML về lý thuyết  âm nhạc ngũ cung do chính ông khám phá khi đi kháng chiến chống Pháp và kiến thức ông thu nhập ở Âm Nhạc Viện Paris khi ông theo học hai năm tại đây. PML tâm sự “Điều quan trọng tôi được học hỏi ở ông chính là về những kỹ thuật áp dụng dân ca, dân nhạc Việt vào ca khúc một cách sáng tạo. Chính về sáng kiến táo bạo này mà ông đã biện luận rất thuyết phục về trường ca “Con Đường Cái Quan” của ông khi ông bị chỉ trích từ giáo sư Nguyễn Phụng (giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn) và nhà nhạc học Trần Văn Khê. Tôi, PML có viết một bài trên báo Văn Học ở Hoa Kỳ luận về nhạc thuật trong trường ca ‘Con Đường Cái Quan’”.  

19 năm sau, 1988, PML gặp GS.TS. Trần Văn Khê tại San Francisco . Anh nêu một số thắc mắc về Thang Âm và Điệu Thức trong âm nhạc Việt với ông. GS.TS. Trần Văn Khê kiên nhẫn giải thích tường tận, nhưng cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi, và sau đó PML xin thọ giáo qua cách hàm thụ. Sau đó GS Khê gửi rất nhiều tài liệu cho PML để làm rõ thêm những luận điểm về thang âm và điệu thức nói riêng và những vấn đề lý thuyết của âm nhạc quốc tế như Ấn Độ, Trung Quốc, Ba Tư. GS.TS. Trần Quang Hải, trưởng nam của GS.TS. Trần Văn Khê cũng gửi tặng anh tài liệu về Hát Văn sau khi nghe cassette tape về buổi nói chuyện của PML trên đài phát thanh Mẹ Việt Nam tại San Jose về “Dân Ca Việt Nam ”.  

 Đến năm 1990, PML về Việt Namđể giải quyết một số việc riêng của gia đình. Trong khoảng thời gian này, anh có cơ hội tiếp xúc với các nhà nhạc học trong nước như Lư Nhất Vũ, Tô Vũ, nhạc sĩ Phạm Đức Thành, một danh cầm về đàn bầu. Sau đó, mỗi khi làm việc về luật quốc tế tại Á Châu, PML lại ghé Việt Nam để sưu tầm tài liệu và để tiếp xúc thêm với những nhà nhạc học như Đặng Hoành Loan, Lê Văn Toàn (Viện Âm Nhạc)… Niềm đam mê dân ca đã đem đến cho anh một phần thưởng không nhỏ: trong tay anh có khoảng 200 CD  về dân ca, dân nhạc từ Viện Âm Nhạc (chuyên về nghiên cứu) và Nhạc Viện (trường âm nhạc chuyên về đào tạo) cộng với hàng vài trăm cassette tapes, đĩa nhạc, video tapes cùng lãnh vực mà anh sưu tầm suốt từ năm 1970. Đấy là chưa kể những sách cũ mới gì viết về âm nhạc dân tộc trong và ngoài nước anh đều cố gắng tìm mua bổ túc cho tủ sách nghiên cứu của mình.

Nhưng những tài liệu PML quí nhất chính là những tài liệu do các nhà nhạc học, nhạc sĩ, tư nhân sưu tầm được và tặng riêng cho anh. Đa số những tài liệu này là những bản ghi chép những khúc dân ca Việt Namtoàn cõi Việt Nam, trong đó có một khảo luận rất công phu về dân ca, dân nhạc Việt của GS.NS. Hùng Lân chưa xuất bản. Nói về sách báo sưu tầm thì Phạm Mỹ Lộc tự hào “Tôi có một thư viện cá nhân khá đầy đủ” [1]

Ngoài sách Việt, PML còn sưu tầm tài liệu bằng Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Hoa Văn (trong thời gian anh làm việc ở Trung Hoa) do các tác giả ngoại quốc viết về Âm Nhạc Việt. Đặc biệt anh sưu tầm rất nhiều bản tổng phổ của các bản giao hưởng hoặc tấu khúc cho nhạc khí do các nhạc sĩ trong và ngoài nước viết cho nhạc khí tây phương hoặc nhạc khí dân tộc hòa với nhạc khí tây phương.

Theo PML, trong nước có Tô Vũ, Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Đạm, Nguyễn Xuân Khoát, Đinh Thìn, Trần Quí, Hoàng Dương, Quang Hải, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Văn Nam v.v. Ngoài nước có Cung Tiến (với tấu khúc “Chinh Phụ Ngâm”), Lê Văn Khoa (“Giao Hưởng 1975”), Phan Quang Phục, Nguyễn Thiện Đạo, Trương Tăng, Tôn Thất Tiết… Phạm Mỹ Lộc tâm tình“Với sưu tầm này tôi lại mở cho tôi thêm một cửa sổ sang khu vườn mênh mông của hòa tấu khúc.” Như nhiều người khác, vì đam mê dân ca mà PML cũng đã tìm mua lại những đàn Việt của các danh cầm. Anh cho biết có như thế mới có đàn tốt để thử nghiệm âm thanh.  [2]

Ngoài những tên tuổi nhạc Việt kể trên, PML còn tiếp xúc với những nhà nhạc học ở ngoài Việt Nam như  Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thuyết Phong. GS Phong tốt nghiệp Đại Học Sorbone ( Paris ) và giảng dậy tại Kent State University ( Ohio ).[3]

Gần 20 năm, quãng thời gian không ngắn, say sưa với khối tài liệu âm nhạc nói trên, PML vừa nghiên cứu vừa viết báo (Nhân Văn, Văn Học, Hợp Lưu…) và cả viết ca khúc để thử nghiệm. Trong lãnh vực khảo luận PML đã viết về Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Văn Cao. Tuy vậy, trăm nghe không bằng tay sờ mắt thấy. PML, với hai chuyến xuyên Việt và nhiều chuyến đi từng địa phương để sưu tầm thì anh đã được nghe các nghệ nhân trình diễn. PML chia sẻ “Với những lần tiếp xúc này đã mang lại cho tôi bao nhiêu điều học hỏi quí báu và cảm xúc mà sách vở và tài liệu chưa mang lại đủ. Khi giáo sư Trần Văn Khê giảng về hơi Oán thì tôi cũng chỉ biết vậy vậy thôi. Nhưng một buổi chiều bảng lảng trên kinh rạch đồng bằng sông Cửu Long tôi vừa được ăn cá nướng trui vừa được nghe ông lão chủ thuyền tấu đàn kìm và hát khúc dân ca “hơi Oán” thì tôi “vỡ lẽ” được nhiều mảng lý thuyết. Cũng như đến “Ca Trù Thăng Long” 87 Mã Mây, Hà Nội nghe đào nương Phạm Thị Huệ “nức nở” các điệu Ca Trù còn hơn ngồi đọc khảo luận Ca Trù của Gisa Jahnichen.” 

 

Cuộc  Hành  Trình về Âm Nhạc Việt, tôi đặt tên vậy vì đúng là Phạm Mỹ Lộc hướng về Việt Nam vì khi đó anh đang du học Luật ở Mỹ (1971), coi như hoa kết trái vào cuối 2012. Cuốn khảo luận có tên “Những Nẻo Đường Âm Nhạc Việt” (và bản tiếng Anh “An Odyssey on Viet Music”). PML cho biết anh sẽ phổ biến Lời Dẫn Nhập của cuốn sách và Thư Nhạc Mục trong thời gian gần đây. Trong Lời Dẫn Nhập này, PML nói đến phương pháp nghiên cứu và mang ra những Âm Giai và Điệu Thức mẫu của nền âm nhạc Cổ Truyền Việt Nam, còn phần Dân Ca thì tùy từng vùng có những Âm Giai và Điệu tựa trên những luyến láy ảnh hưởng bởi lối phát âm đặc thù của thổ ngơi địa phương. Hãy nghe người Tiến sĩ Luật (San Francisco) kiêm nhà khảo cứu Âm Nhạc Việt bày tỏ: “Mong ước của tôi là với công trình nghiên cứu nói trên, tôi tình nguyện sưu tầm những thang âm điệu thức của dân ca, dân nhạc Việt để các nhà soạn nhạc của thế hệ tương lai có sẵn chất liệu tạo thanh khi họ có cảm xúc mãnh liệt muốn sáng tác những tác phẩm giá trị nghệ thuật cao, ngõ hầu đóng góp vào di sản văn hóa Việt và quốc tế.”

Giòng  Nhạc Phạm Mỹ Lộc

Từ một khóe mắt giai nhân của trường nữ Gia Long, PML đi vào con đường âm nhạc. Bản đầu tay viết năm 18 tuổi  (1965). Đến năm 21 tuổi (1968), tập nhạc đầu tiên “Những Bài Hát Cho Tình Yêu” trình làng giới thiệu với khán thính giả ở ViệtNam .

Ánh mắt Gia Long khơi nguồn cho giòng nhạc Phạm Mỹ Lộc

Hồi niên thiếu PML chỉ học tây ban cầm, hoàn toàn tiếp xúc với nhạc cổ điển tây phương và ca khúc phổ thông quốc tế. Thuở ấy, anh chỉ biết đánh đàn và chưa có một kiến thức sâu xa gì về hòa âm. Cho đến khi được tham dự lớp hòa âm của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tại trường quốc Gia Âm Nhạc (1969)  thì PML mới học hòa âm nghiêm chỉnh với cuốn sách “TRAITE’ D’HARMONIE THE’ORIQUE ET PRATIQUE” của The’odore Dubois. Sau đó, khoảng 1971, khi du học Mỹ, PML tiếp xúc với bộ sách Harmony, Counterpoint và Orchestration của Walter Piston (giáo sư âm nhạc tại Harvard). Ngoài ra anh còn tự học với những cuốn sách “The Musical Idea” của Walter E. Nallin, “The Thematic Process in Music” của Rudolph Reti” và “A History of Western Music” của Donald Jay Grout (dùng trong các đại học Mỹ phân khoa âm nhạc).

Khi gặp các thí dụ trong sách, PML cố gắng vào thư viện tìm đĩa nhạc cổ điển tây phương để nghe hầu hiểu rõ những luận điểm bàn trong sách. PML biết rằng để trở thành nhà soạn nhạc chuyên nghiệp còn phải học nhiều hơn nữa nhưng trong thời gian đầu đến Mỹ anh phải học Kinh Tế và Luật nên không thể bỏ hết thì giờ cho âm nhạc được. Hơn nữa lúc ấy mục tiêu của anh chỉ là trau dồi kiến thức âm nhạc để viết ca khúc và trường ca bốn bè.

Chia sẻ về việc học tây ban cầm, PML nói “Thập niên 60 và trước đó ở Sài Gòn thiếu nhiều tài liệu giảng dậy và thiếu cả thầy chuyên nghiệp được đào tạo bởi những nhạc viện quốc tế. Vì thế đến Mỹ tôi phải học lại tử đầu với nhạc sĩ tây ban cầm Michael Lorimer (học trò duy nhất của danh cầm Andres Segovia tại Bay Area, California ). Tôi bắt đầu học lại sách ‘20 Etudes của Fernando Sor’ về cách diễn nhạc và ông Michael Lorimer còn dậy tôi cách để móng tay và các kỹ thuật của trường phái Segovia. Năm 1975 tôi tham dự thêm Master Class về guitar với Michael Lorimer tại San Francisco để học hỏi thêm những kỹ thuật diễn nhạc với những bài trình diễn khó hơn. Suốt trong thời gian này tôi say mê sưu tầm và đọc Guitar Review, nguyệt san này do “The Society of the Classic Guitar” xuất bản và do Vladimir Bobri (một họa sĩ gốc Nga giỏi đàn guitar cổ điển) làm chủ bút. Đồng thời tôi cũng tìm nghe những danh cầm trình diễn và mua những tác phẩm danh tiếng của tây ban cầm như Rodriguez, Granados, Hector Villa Lobos, Manuel M. once, Albeniz, Augustin Barrios Mangore…”

 

  

Phạm Mỹ Lộc giới thiệu tập nhạc “Những Bài Hát Cho Tình Yêu” tại trường QGAN Sài Gòn (1969)

Phạm Mỹ Lộc nói chuyện và trình diễn dân ca tại Đại Học Luật Khoa Sài Gòn-70

 

Phạm Mỹ Lộc trong buổi trình diễn nhạc chung với Nguyễn Đức Quang tại Little Saigon (2004)

   

Phạm Mỹ Lộc làm M.C, trong nhạc hội “Mẹ Trong Lòng Người Đi”, Orange County, California (2006)

Nhạc hội “Một Thời Để Nhớ”(Little Saigon , CA ) Từ trái sang phải Nam Lộc, Đức Huy, Ngô Thụy Miên & Phạm Mỹ Lộc (Ngô Thụy Miên học chung với PML thuở niên thiếu)

Sau một thời gian sưu tầm, nghiên cứu tài liệu và đi “điền giã thực địa”, PML bắt đầu cố gắng viết ca khúc có âm hưởng nhạc dân tộc.  Ca khúc đầu tiên anh thử nghiệm mang dân ca vào là “Quê Hương Tuổi Nhỏ” phổ thơ Nhất Hạnh. Anh sáng tác ca khúc này trong dịp về VN làm lễ dời hũ tro của Mẹ và cô em gái từ chùa Vĩnh Nghiêm về chùa Ngọc Phương. Ca khúc này rất đơn giản chỉ loanh quanh có một thang âm La-Si-Mi-La-Si nhưng được phát triển rộng toàn bài để diễn tả cảnh cô thôn buổi chiều “có con nghé nhỏ đuổi chạy mặt trời, xa xa là khói lam chiều bốc từ mái tranh nghèo…”. 

Mời nghe Trần Thu Hà với Quê Hương Tuổi Nhỏ– (copy link vào browser)  https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/QueHuongTuoiNho.mp3  

Sau đó anh viết “Bỗng Tan Đi” ( phổ thơ Nhất Hạnh) và “Mây” có âm hưởng nhạc Tài Tử Miền Nam; rồi “Áo Em Chim” (phổ thơ Kiệt Tấn) và “Chuyện Kể Trên Sông” ảnh hưởng dân ca miền Nam. Ca khúc này PML  viết trong một buổi chiều đi thuyền trên sông Cửu Long bỗng nhiên anh làm được hai câu thơ “Nắng chiều loang đầy áo, rồi trăng lên ngập hồn, vì em ơi nỗi nhớ bắt đầu từ hoàng hôn”. Từ hai câu thơ này anh viết một mạch xong ca khúc nói trên.

Mời nghe Minh Châu với Chuyện Kể Trên Sông. Tương lai chúng tôi xin giới thiệu lại nhạc phẩm này với hòa âm khác và tiếng hát Lâm Dung:   https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/ChuyenKeTrenSong.mp3

Nhị Hồ” lại là một nhạc phẩm khác mà PML viết trong một chuyến điền dã ở Bắc Ninh.  “Giải Lụa Đào” ảnh hưởng dân ca Quan Họ Bắc Ninh; “Sài Gòn Đêm Xanh” ảnh hưởng Ca Trù…

Xin mời nghe PML nói về  nguyên do nào anh sáng tác nhạc phẩm Nhị Hồ: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/NoiVeNhiHo.mp3

Và PML hát Nhị Hồ, một nhạc phẩm theo tôi là khá đặc sắc: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/NhiHo.mp3

Khi được hỏi về sự trình diễn các tình khúc, PML cho biết anh đã có dịp giới thiệu những sáng tác này trong dịp hát chung với cố Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang tại sảnh đường báo Người Việt (Little Saigon–California); trình diễn tại Viện Việt Học (Little Saigon-CA); trong cuộc phỏng vấn ở đài VNCR (với Y-Sa), trong cuộc nói chuyện tại đài Little Saigon Radio (với Lê Văn Khoa), đài Mẹ Việt Nam San Jose (với Trần Chí Phúc)… Ngoài các nhạc phẩm có âm hưởng dân ca Bắc, Trung hay Nam vừa kể trên, PML có một số bài được các ca sĩ  trình diễn như:  Quang Tuấn với “Trăng Hạ Long”; Hà Bích Hợp với “Hoa Nắng”; Vi Vân với “Hoài Hương”;  Phạm Đức Nghĩa với “Đêm Giã Từ Hà Nội”& “Trở Về”…

Mời nghe Hà Bích Hợp với Hoa Nắng: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/HoaNang.mp3

Mời nghe Quang Tuấn với Trăng Hạ Long: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/TrangHaLong.mp3

Mời nghe Phạm Đức Nghĩa với Đêm Giã Từ Hà Nội: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/DemGiaTuHaNoi.mp3

Mời nghe Phạm Mỹ Lộc với Nắng Thu: https://dl.dropbox.com/u/89792831/Music/Single/PhamMyLoc/NangThu.mp3

Mời nghe Phạm Mỹ Lộc với Tháng Tư Buồn: https://soundcloud.com/phammyloc/th-ng-t-bu-n

Cho đến năm nay (2012) PML viết được 50 ca khúc và một trường ca. Trong số đó có những ca khúc anh thử nghiệm từ những âm giai nhạc Cổ Truyền và Dân Ca Việt Nam sau một thời gian dài sưu tầm tài liệu và nghe rất nhiều âm nhạc thuộc lãnh vực này cộng thêm kinh nghiệm của những chuyến đi về Việt Nam khảo sát (từ năm 1995 đến 2012).

Lời Kết

Trong cuộc viễn du của con cháu Âu Cơ đi khắp địa cầu có nhiều người trở về quê mẹ dưới nhiều hình thức. Tôi, người phỏng vấn nghĩ rằng, chọn lựa con đường trở về thế nào để mình vẫn là mình, một người yêu chuộng tự do dân chủ, nghệ thuật, văn hóa cổ truyền thì đó là một sự chọn lựa khôn ngoan đúng mức.

Phạm Mỹ Lộc đã làm một cuộc hành trình về Âm Nhạc Việt ngay từ khi du học năm 1971. Sau gần 40 năm, cuốn khảo luận “Những Nẻo Đường Nhạc Việt” sẽ được ra mắt vào cuối 2012. Một tâm hồn Việt với một con mắt Luật, đứng từ một chốn cách quê hương nửa vòng địa cầu, chúng ta hãy hy vọng, những nẻo đường ấy sẽ là những đóm lửa nhỏ cho thế hệ trẻ sau này khi họ muốn tìm về đất tổ với những âm thanh từ ngàn xưa còn truyền đến bây giờ.

Mùa Thu Calif  2012

Hoàng Lan Chi 

Phụ Lục

Âm Nhạc Phạm Mỹ Lộc tại đây: https://soundcloud.com/phammyloc

Các bài viết của Hoàng Lan Chi có liên quan đến Phạm Mỹ Lộc:

§                  Nhớ Về Dòng Suối Âm Thanh Sài Gòn 20 năm Xưa

§                  Rồi Cũng Xong Một Mùa Noel

§                  Thứ Bảy Nghe Nhạc Phạm Mỹ Lộc


[1] Thư viện cá nhân của PML có khá đầy đủ bao gồm những lãnh vực: Địa Lý, Lịch Sử tổng quát, Văn Minh, Phong Tục, Tập Quán, Tục Ngữ, Ca Dao, Phong Dao, Đồng Dao, Truyện Cổ Tích, Âm Nhạc Tôn Giáo (Nhạc Phật, Thánh Ca, Hát Văn), Anh Hùng Ca, Sân Khấu (Tuồng Cổ, Chèo, Cải Lương và Nhạc Tài Tử), Nhạc Múa, Âm Nhac Cung Đình Triều Nguyễn và Ca Huế, Ca Trù, Lịch Sử Âm Nhạc, Khảo Luận về Lý Thuyết Âm Nhạc Việt, Khảo Luận về Dân Ca, Dân Nhạc Quốc Tế, Nhạc Khí Dân Tộc Việt, Dân Ca Việt Nam (Dân Tộc Kinh gồm Dân Ca Ba Miền và 54 Dân Tộc Thiểu Số.) [2]  Trong bộ sưu tầm của PML có: đàn Đáy, đàn Nguyệt, đàn Tranh, đàn Bầu, đàn Nhị, Sáo, Tiêu, Phách, Song Lang, đàn Guitar Vọng Cổ… PML cũng sưu tầm đàn Tì Bà và Hồ cầm của Trung Quốc trong chuyến du khảo ở miền Nam Trung Hoa. [3] Cuối năm 1999, GS Nguyễn Thuyết Phong có đến nhà PML và trò chuyện với  ông  về nhạc Phật. GS là một chuyên gia về Nhạc Phật tại Á Châu.  Năm 2006 trong buổi nói chuyện “Đi Tìm Di Sản Âm Nhạc Việt” của ông và Giáo Sư Tiến Sĩ Miller tại tòa soạn báo Người Việt Orange County, PML giữ vai trò người điều hợp chương trình.

This entry was posted in Cảm Nhận Âm Nhạc, Phỏng Vấn, Tạp Ghi. Bookmark the permalink.