Từ “Cụ già” Văn Quang đến “Cụ già made in France from Vietnam, Trần Thanh Hiệp”

Tháng trước tôi gửi bài phỏng vấn về Sài Gòn muôn năm cũ cho nhà văn Văn Quang. Bình thường cách làm việc của tôi như sau: 1) nếu chưa biết thì tôi nói chuyện cho biết khoảng nửa giờ, 2) sau đó gửi câu hỏi, 3) dựa vào những gì trả lời, tôi soạn thêm câu hỏi. Vài lần mails qua lại thì bản phỏng vấn hoàn tất.

Như đã thưa nhiều lần, “Trò Chuyện với Lan Chi” là gửi tâm tình của một người đến mọi người và người được/bị phỏng vấn hoàn toàn chịu trách nhiệm trên những gì họ phát biểu. Đọc tâm tình một người nào đó để “hiểu”. Không phải họ ra ứng cử một nhiệm vụ gì mà phải “bắt bí”. “Hiểu” thì dễ cho cả đôi bên, người được/bị phỏng vấn và độc giả (coi như giám khảo). Tôi cho rằng những bài phỏng vấn viết kiểu này sẽ cô đọng. Người kia có thì giờ nghĩ và nói gọn vào vấn đề. Nhận định về câu trả lời của người ấy, là đúng/sai hay chỉ “làm dáng” là tùy vào khả năng “đọc và hiểu” của độc giả.  Phỏng vấn “nói” hay rơi vào tình trạng giông dài, lan man vì số người “nói thạo” không lạc đề thường hiếm. Sau nữa, nghe phỏng vấn nói rất mất thì giờ. Thời buổi net, ai có đủ can đảm bỏ thì giờ quý báu để  nghe cả giờ hay hai giờ về một vấn đề được trình bày bởi một ông bà nào đó? Có lẽ chỉ có những vị về hưu, đang làm việc tại nhà hay nội trợ. Trái lại, đọc thì không mất nhiều thời gian như thế. Với một bài phỏng vấn dài sáu trang, được trình bầy sáng sủa, theo tôi đoán chỉ mất từ bẩy đến mười phút. “Đọc” còn có cái lợi là khi cần chú ý điểm nào, chỉ việc “tua” và “lướt” lại rất nhanh. “Đọc” cũng có cái lợi là chuyển đi dễ dàng. Youtube cũng chuyển nhưng như đã nói, phải đặc biệt lắm mới đủ kiên nhẫn nghe hay xem.

Trở lại với Văn Quang. Sau khi đọc một số câu trả lời của ông, tôi gửi thêm câu hỏi. Văn Quang hứa sẽ gõ. Cuối cùng ông rên rỉ “Bà xã đau, anh cơm hàng cháo chợ. Lại phải edit Lẩm Cẩm cho Uyên Thao”. Tôi chán ông anh này quá vì bài phỏng vấn ngắn. “Chán” thứ hai là ông nói rằng rất nhiều hình ảnh cũ nằm trong computer mà ông đã bị tịch thu. Tôi gào lên “Anh nói họ phải trả computer cho anh chớ. Muốn tịch thu bài viết thì cứ xóa hết bài đi, còn thơ tình của anh, hình ảnh ngày xưa này nọ của anh, phải trả chớ”.

Sau khi tôi gửi bài phỏng vấn ra, Văn Quang bảo “Anh tìm được hình rồi. Còn Hỏi Đáp dài mà. Anh sẽ gõ trả lời những câu còn lại cho em”

Đó là chuyện Văn Quang. Dù sao trong bài “Sài Gòn muôn năm cũ với Văn Quang”, tôi nghĩ có hai điểm “good” mà Văn Quang đã dám nói trong khi ông đang ở Việt  Nam và đã từng bị tịch thu computer, bị cấm viết một thời gian.

Từ Văn Quang (một ông già nhé) chả hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi lang thang và xem (chỉ 30 phút) LS Trần Thanh Hiệp (một ông già khác nhé) nói về sự bịp bợm của vc trong màn sửa đổi hiến pháp.

Tôi xin mở ngoặc chút xíu ở đây. Có một câu chuyện ngụ ngôn nói về một ông vua đòi giết người già vì cho là họ vô tích sự. Cuối cùng thì nhà vua và cả mọi người đều ngộ rằng “người già có cái khôn ngoan của họ”. Tôi cũng nghĩ vậy. Tôi quý sự nhạy bén thông minh của tuổi trẻ và tôi cũng quý sự khôn ngoan từng trải của người già.

“Ông già” Văn Quang vẫn tỉnh táo, sáng suốt để viết về mọi sự chung quanh và cũng vẫn dí dỏm lưu loát khi kể về ngày tháng cũ.
“Ông già” Trần Thanh Hiệp vẫn tỉnh táo, sắc bén trong chính trị và tư tưởng.

Cách đây vài hôm, LS Trần Thanh Hiệp gửi cho “cô cháu bắn súng cà nông không tới” (là tôi, Hoàng Lan Chi!) ba bài. Thú thật, sư muội Gia Long gửi nhạc, tôi không có thì giờ nghe chứ “chuyện cũ và tư tưởng” thì tôi dành thì giờ xem ngay.

Trong các bài của Trần Thanh Hiệp, tôi “đắm đuối” bài này nhất:  “Trí thức trước bạo quyền hay Vai Trò Biểu Tượng của Tri Thức VN Trước Nền Văn Hóa Thứ Ba”.

Tôi đọc rồi “hight ligh”, tô xanh đỏ và chuyển cho “nhóm nhỏ” của tôi xem để chia sẻ và hỏi ý kiến. Đồng thời tôi viết cho ông chú “bắn cà nông không tới” như sau:

Ông chú,
Tháng trước, nhóm nhỏ tranh luận về một talk show trong nước. Cô cháu đồng ý với người được phỏng vấn là ” khi mình thương/yêu/giao thiệp” với một người coi là “tài năng” thì mình được lợi nhiều cái. Đơn giản,  cô cháu cũng là người “đói kiến thức” và không gì bằng khi chơi với người có kiến thức, mình được san sẻ. Như thế nhanh hơn là mình tự mò đi trên con đường vì kiến thức mênh mông quá.
 
 Cô cháu rất thú vị, khi đọc những bài tự bạch của ông chú. Sau khi ông chú kể về Sáng Tạo, cô cháu hiện giờ tạm, hình thành vài cái để trò chuyện tiếp với ông chú. Đọc ông chú, cô cháu “biết” thêm. Thanks ông chú.
 
Mail tiếp theo, tôi viết:
Cô cháu thấy ông chú là một mẫu người sót lại của cái “made in France from Vietnam” nên nghĩ là mình moi được vài cái thú vị cho độc giả! Cô cháu vốn chán những người rỗng tuếch. Ờ mà thế giới bây giờ dường như hight tech đã làm người ta bị què ở cái não thùy tư tưởng và phát triển ở phần khoa học? Như thế, tương lai thế giới sẽ đi về đâu, như thế nào nhỉ?
 
LS Trần Thanh Hiệp có vẻ thú vị với cái “Made in France from Vietnam” lắm. Ờ mà tôi nghĩ là ông chú “hiểu” tôi muốn nói gì về cái “from VN” mà lại “Made in France”.

Đây là bài viết của Trần Thanh Hiệp mà tôi “đắm đuối”. Nào xin mời quý bạn cùng “trao đổi ý kiến” nhé. HLC sẽ trò chuyện về đề tài này với “người già khôn ngoan Trần Thanh Hiệp”, quý bạn đón xem nhé:

Trí thức trước bạo quyền

Hay là

VAI TRÒ BIỂU TƯỢNG CỦA
TRI THỨC VIỆT NAM
TRƯỚC NỀN VĂN HOÁ THỨ BA
Trần Thanh Hiệp

Để mở lại Hồ sơ “trí thức” ở Việt Nam
Nhân dân các nước vùng Bắc Phi Trung Đông đã nổi dậy, dưới nhiều hình thức khác nhau, với ý chí rõ rệt trục xuất ra khỏi vũ đài lịch sử những lãnh tụ và bộ máy cầm quyền độc tài, gian ác, tham nhũng, thối nát để thiết lập dân chủ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, trong nước, 50 nhà trí thức đã lấy sáng kiến đạo đạt lên tập đoàn cầm quyền đảng trị cộng sản ở Hà Nội, nguyện vọng và ý kiến của họ, mong thấy cơ cấu lãnh đạo này chu toàn nhiệm vụ chống xâm lược Trung Quốc, đối ngoại, mở rộng và củng cố quan hệ ngoại giao trên thế giới cũng như trong vùng, đối nội, cải thiện chế độ, thực hiện phát triển bền vững đất nước. Ở ngoài nước, một đằng, 36 nhân vật, nhân danh “trí thức hải ngoại”, đã gửi cho cho các “nhà lãnh đạo” cộng sản ở Hà Nội một “lá thư ngỏ” tỏ bày nguyện vọng trông đợi bộ máy cai trị đất nước sớm thực hiện một đợt cải cách cơ bản, có hiệu lực đoàn kết nhân dân, dân chủ hóa chế độ, xiết chặt hàng ngũ, chuẩn bị ứng phó với mối nguy ngoại xâm trước mặt, đến từ phương Bắc. Đằng khác, cũng từ nước ngoài, 14 nhà trí thức khác, đã lên tiếng bằng một văn thư, “chia sẻ [với nhà cầm quyền cộng sản ở Hà Nội] suy nghĩ về một cuộc cải cách toàn diện cần thiết – cải cách thể chế – con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để phát triển đất nước”.
Việc làm này của các nhân vật văn hóa nói trên, tuy vậy, chỉ gặp được sự im lặng kéo dài của phía cầm quyền, nhưng đồng thời, trái lại, đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt ở phía dân chúng, nhất là trên các diễn đàn của người Việt ở ngoài nước.

Tình trạng đúng sai, phải trái lẫn lộn đã dẫn đến nhu cầu phải đặt lại cho rõ, trước công luận, vấn đề trí thức ở Việt Nam, đặc biệt về các mặt giá trị tri thức, vai trò, chức năng, trách nhiệm của trí thức trong đời sống xã hội. Mở lại hồ sơ “trí thức” như vậy là để thử trả lời cho câu hỏi đã được dư luận nêu lên, rằng, trước những sự thật hiển nhiên về bản chất phi-pháp, phi-nhân của chế độ cộng sản đang hiện hữu ở Việt Nam, trước những tội ác chồng chất  của chế độ này đối với nhân dân và, điều cần nhấn mạnh, trước sự kiện chế độ ấy đã cam tâm làm tay sai cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc – bá quyền vùng Trung Cộng – thái độ cũng như những ứng xử của các “trí thức” nhắc đến ở trên, có thể coi là thích đáng hay không?

Xin xác định ngay, việc duyệt xét này sẽ tạm gác sang bên cuộc tranh luận, chưa ngã ngũ, về các định nghĩa của danh từ trí thức, để chỉ chú trọng nhận diện, cho thật rõ thêm, hiện tượng xã hội có tên gọi là trí thức Việt Nam, trong quá khứ cũng như trong sinh họat chính trị chung hiện tại. Trí thức Việt Nam là những ai, họ đã giữ những vai trò xã hội nào và đã làm được những gì lợi ích cho đất nước v.v. ?

Ba ngộ nhận cần đính chính

Về điểm này có ba ngộ nhận cần được đính chính trước khi xét lại vấn đề trí thức ở Việt Nam.

Sự ngộ nhận thứ nhất là việc đồng hóa“kẻ sĩ “với“trí thức”. Vấn đề trí thức đã có tự ngàn xưa và dưới nhiều dạng thức khác nhau, cho nên có thể nói, nó đã được gắn liền với lịch sử, nó là một sản phẩm của lịch sử. Các dạng thức này thay đổi theo địa dư, bởi vậy, cái được gọi là trí thức ở phương Đông đã không giống cái được gọi là trí thức ở phương Tây. Tại Việt Nam, theo Nguyễn Công Trứ, kẻ , nhân vật mang những tính cách mà ở phương Tây người ta coi như tương đương với trí thức, đã có vai trò xã hội [lâu đời rồi]: “tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên” (tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên). Nhân vật “kẻ sĩ” này, thật ra, đã được du nhập từ Trung Quốc, nhưng chỉ dưới dạng đơn giản hóa, nên loại  hình “” ở Việt Nam và loại hình “” ở Trung Quốc, cả hai loại hình này không đồng nhất về hình thức cũng như về nội dung. Dù vậy, cả hai loại hình “” đó đều khác với những nhân vật được gọi là “trí thức” ở phương Tây. Giáo sư Diệp Khải Chính, Khoa Xã hội học Trường Đại học Đài Loan, chủ trì rằng nguồn gốc của khái niệm “trí thức” ở phương Tây có thể tìm thấy nơi hai từ “intelligentsia” (tầng lớp trí thức) và “intellectuel”, intellectual” (người trí thức).

Intelligentsia là một lớp người ở Nga và ở Ba Lan, có kiến thức cao, có óc phê phán và có tinh thần phản kháng đối với hiện trạng xã hội, họ hình thành nên một tầng lớp riêng biệt trong xã hội.

Còn intellectuel, tiếng Pháp hay intellectual, tiếng Anh, đã được dùng để chỉ một mẫu người như nhà văn người Pháp, Emile Zola, ngày 13-01-1898,  đã viết một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Pháp, dưới đầu đề “Tôi lên án”, đòi hỏi xét xử lại Vụ án Dreyfus, bất công, vì đã dựa trên vu cáo. Bức thư ngỏ này lại đã được đăng trên tờ báo “Tia sáng”, dưới tựa đề “Tuyên ngôn của giới trí thức” (Manifeste des Intellectuels). Từ đó về sau, Intellectuels là tiếng dùng để chỉ những nhà văn, nhà giáo, nghệ sĩ nổi tiếng về học thuật, dám công khai ngay thẳng phê phán nền chính trị đương hành và, do đó, nó trở thành trung tâm của ý thức xã hội đương thời. Điểm cần lưu ý, người “trí thức, Intellectuel”, tuy rất quan tâm đến đất nước nhưng không mang ý nghĩa giai cấp xã hội, mà chỉ phản ánh tâm thái cá nhân cùng vai trò của mình trong xã hội.

Vậy nhìn dưới độ góc từ ngữ, có thể nói, theo quan điểm được tỏ bày từ phía chính những nhà nghiên cứu Trung Quốc,  “” của Trung Quốc cổ đại khác với “Trí thức” của Phương Tây thời cận đại ở 2 điểm cơ bản:
 
Một, “sĩ” của Trung Quốc không truy cầu tri thức như trí thức Phương Tây, mà lấy tư tưởng Nho gia là cốt lõi, chú trọng luân lý đạo đức, truy cầu sức mạnh đạo đức để ràng buộc mình, nhào nặn nên nhân cách cho mình. Hai, trí thức Phương Tây thời cận đại là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản, họ lấy “xã hội thị dân” làm môi trường sinh tồn, có thể dựa vào tri thức và kỹ năng của mình để tìm chỗ đứng trong đời, làm nghề tự do, mưu sinh độc lập, được tương đối tự do bay bổng trong môi trường xã hội…..
(Xem Trí thức là gì? Chức Sa Mộng, bài viết bằng Hoa ngữ đăng trên mạng Internet, bản dịch của Quốc Trung, passim…)

Bởi thế, khi bàn về trí thức ở Việt Nam, nên tránh đừng đồng hóa ”” với “Trí thức”.

Ngộ nhận thứ hai, cũng vẫn là một sự đồng hóa, là quan điểm theo đó, những người trí thức ra đời trong môi trường xã hội dân chủ tự do, và, những người trí thức xuất phát từ trong lòng chế độ cộng sản, đều là trí thức như nhau cả.
Nếu qui chiếu vào ý kiến của một trong những người lãnh đạo cộng sản hàng đầu trên thế giới là Lenin thì phải nói rằng không co một cơ sở nào để đồng hóa như vậy. Thật thế, “trong thư gửi Maxim Gorky ngày 15-09-1919, Lenin viết rằng: Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt” (Nguyễn Đình Đăng trích dẫn, Lênin Toàn tập, tái bản lần thứ 5, NXB Văn học Chính trị, 1978, tập 51, trang 48-49).  Về sau, theo gót Lenin, Mao Trạch Đông  cũng gọi trí thức tư sản là “cứt”. Rõ ràng là, đối với cộng sản, không có hề có “trí thức tư sản” chỉ có “trí thức xã hội chủ nghĩa” thôi, vậy làm sao có thể đồng hóa hai loại hình này để coi là một được ? Hệ luận tất yếu sẽ không thể là gì khác hơn lời kết luận rằng, dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, đã không có những người “trí thức đúng như mẫu phương Tây”.
 
Sau cùng, ngộ nhận thứ ba, là ý kiến cho rằng ở Việt Nam thực sự đã có những nhà trí thức, hoặc là những người tiếp diễn, trong thời đại mới, nếp sống của những kẻ “Sĩ” thời cổ đại ở Trung Quốc – những “độc thư nhân, người đọc sách” – giống như “trí thức” ở Phương Tây, hoặc là những người bằng xương bằng thịt, có tâm hồn, có thái độ sống của “trí thức” phương Tây đích thực . Nhiều người thường hay nói ở Việt Nam đã có một tầng lớp “trí thức” đúng với tên gọi ở phương Tây. Nhưng thật ra, ở Việt Nam, chỉ có những người mang trong đầu hình ảnh – thay vì thực sự có nếp sống và thực chất – của kẻ “” cổ đại Trung Quốc hay của “trí thức” phương Tây. Cho nên khẳng định rằng Việt Nam đã có một tầng lớp trí thức là một điều khiên cưỡng.
Dư luận trong và ngoài nước về “trí thức” ở Việt Nam
Nhận định khe khắt này có vẻ như không có tính thuyết phục cao. Tuy nhiên cũng khó mà có thể tìm ra cách nhìn vấn đề nào khác – có tính thuyết phục cao hơn nhận định này – để giải nghĩa sự kiện dư luận ở trong cũng như ở ngoài nước, với những cách lý giải khác nhau, đều đồng thanh nói rằng, ở Việt Nam không có “trí thức”, hiểu theo nghĩa phương Tây của danh từ.
 
Trong nước, trao đổi với Đài BBC nhân dịp bước sang năm mới 2012, Giáo sư Chu Hảo, cựu Thứ trưởng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, hiện là ủy viên Hội đồng trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã tuyên bố rằng”Tầng lớp trí thức theo định nghĩa mà tôi hiểu chưa hình thành ở Việt Nam từ sau năm 1954 và sau năm 1975 ở Miền Nam […] Khả năng độc lập tư duy, khả năng dám bảo vệ chính kiến của mình, khả năng dự báo và tạo ra dư luận lành mạnh trong xã hội chưa có nhiều. Và đó là điều đáng thất vọng“. Vẫn theo Giáo sư Chu Hảo, “Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức”.

Ngoài nước, nhiều ý kiến tuy có nội dung không hoàn toàn giống lời tuyên bố của Giáo sư Chu Hảo ở trong nước nhưng đều gặp Giáo sư Chu Hảo ở điểm, theo đó, ở Việt Nam không có tầng lớp trí thức kiểu phương Tây.

Nhà văn Phạm Thị Hoài, khuôn mặt văn học nổi bật trên các trang nhà ở Berlin, đã nhận xét rằng những người mang danh là trí thức ở Việt Nam chỉ lo “phò chính thống” hay là làm“quan văn cũng vậy” và bà xếp loại ông Chu Hảo là trí thức trung thành với Đảng. Trung thành theo nghĩa là những nhà trí thức biết cách thỉnh cầu Đảng [để] được đảm đương những chức vị tuy không có thực quyền nhưng có một bục đứng để phát ngôn trong một không gian nhất định, còn được phép dấn thân vào những dự án tâm huyết chừng nào chúng chưa bị hệ thống coi là nguy hiểm, còn được xuất hiện như một nhân vật của công chúng, chừng nào ông biết làm cho hình ảnh của mình giống một bông hoa cài lên ve áo chế độ hơn là một cái gai. Nói cách khác, dưới mắt bà Hoài, trí thức trong nước đã chỉ làm công việc mà bà gọi là “Giải phẫu thẩm mỹ cho một chế độ toàn trị, giúp nó tồn tại mỹ miều hơn.”

Một nhân vật khác, cũng ở ngoài nước, ông Nguyễn Đình Đăng, từng du học ở Nga, đã phát biểu như sau: trí thức (интеллигенция) trong tiếng Nga được dùng cho tầng lớp của những người không đơn thuần chỉ có học và lao động trí óc, mà còn phải có tư duy phê phán, phải gánh vác những lý tưởng cao cả. Các tính năng chính của trí thức Nga trước cách mạng tháng 10 mang đặc thù của những cứu tinh trong xã hội, bao gồm:  sự quan tâm tới số phận của đất nước (trách nhiệm dân sự), thái độ và hành động hướng tới phê bình xã hội, tới cuộc đấu tranh với tất cả những gì cản trở sự phát triển quốc gia (vai trò của những người gánh vác lương tâm xã hội), và khả năng đồng cảm với những ai “bị xúc phạm và bị xỉ nhục” (cảm giác đồng cảm về đạo đức).

Khi bàn tới trí thức ở Việt Nam, ông Nguyễn Đình Đăng không ngần ngại khẳng định “Trên thực tế, nếu hiểu giới trí thức như khái niệm интеллигенция, thì Việt Nam từ đó không còn giới trí thức nữa. Thay vào đó, cụm từ “trí thức xã hội chủ nghĩa (XHCN)” đã ra đời tại miền Bắc XHCN, và sau đó cụm từ này đã chết yểu”.

Một quan điểm khác, liên quan đến “trí thức Việt Nam” được Kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng, người lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên tại Pháp, đưa ra dưới hình thức một nghi vấn. “Các nước dân chủ đã có dân chủ nhờ có được một đội ngũ trí thức xứng đáng. Thay vì biện luận một cách xúc phạm là dân trí Việt Nam thấp, trí thức Việt Nam nên lương thiện nhìn nhận là chính mình kém. Trí thức Việt Nam quả là một ngoại lệ. Và một ngoại lệ lớn đến nỗi cần phải đặt lai câu hỏi chúng ta có những trí thức đúng nghĩa hay không”.  Rồi kỹ sư Kiểng đãtự mình giải đáp nghi vấn ông đã nêu lên khi ông cho rằng “Trí thức Việt Nam ngày nay là hậu thân của giai cấp sĩ phu ngày trước. Mối liên hệ phụ-tử vẫn còn rất thắm thiết. Kẻ sĩ vẫn còn là mẫu mực của rất nhiều trí thức Việt Nam. Ngày nay người ta vẫn còn tự hào là có tư cách của kẻ sĩ, người ta vẫn còn khen nhau là có thái độ của kẻ sĩ, […] một mẫu người tồi hèn, vong thân. Và vì thế vẫn còn mang cái tật nguyền này của kẻ […]. Nho Giáo không tạo ra kẻ sĩ để làm một con người tự do, để chịu trách nhiệm trước xã hội và để lãnh đạo xã hội, mà chỉ tạo ra kẻ sĩ để làm dụng cụ cho một guồng máy và làm thủ hạ cho các vua chúa. Trong suốt dòng lịch sử, kẻ sĩ Trung Hoa và Việt Nam đều chỉ biết sống với số phận tôi tớ. Sĩ là một nghề, nghề đi học và nghề làm quan. Trước sau là nghề quì. Quì trước mặt thày để học, với ước vọng thành đạt để được quì trước các vua chúa.Lập luận của kỹ sư Kiểng, coi những người trí thức Việt Nam hiện nay chỉ là những bản sao của “kẻ sĩ”- tạm gác sang bên không bàn tới dụng ý cường điệu của tác giả – là một một cách giải thích, có thể còn cần bàn cãi thêm, vì sao loại hình trí thức kiểu phương Tây đã vắng mặt tại Việt Nam.

Dưới một cách diễn tả khác, nhà toán học có tầm cỡ quốc tế, Ngô Bảo Châu cũng xác nhận tình trạng ở Việt Nam không có trí thức kiểu phương Tây khi ông phát biểu rằng “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”… giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. Tiếng nói của giáo sư Ngô Bảo Châu đã phản ánh một luồng dư luận, của cả trong lẫn ngoài nước, gián tiếp biện minh cho quan điểm khẳng định rằng ở Việt Nam thiếu một tầng lớp trí thức kiểu phương Tây, những người được coi như có một “quyền uy tinh thần” đặc biệt, nhờ ở “tài năng”và “phẩm hạnh” vượt trội hơn người. Người ta kính trọng những người nhân vật này vì tin rằng họ có thể là cứu tinh, là mẫu mực của xã hội khi cần. Nếu vì chút danh, chút lợi riêng, hay vì nhát sợ, họ lại chẳng dám “chống lại” dù bằng lời nói quyền lực cai trị – nghĩa là chẳng dám phản biện – thì đâu còn “quyền uy tinh thần”, đâu còn là trí thức nữa.
 
Đối với trong nước, điều này có những lý do khách quan. Đường lối toàn trị của nhà cầm quyền cộng sản, qua Nghị Quyết số 27-QT/TW ngày 06-08-2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ gọi là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã cho thấy loại hình trí thức, như trí thức phương Tây, không chịu phục tùng đảng không điều kiện vì muốn được độc lập về mặt tư tưởng đối với Đảng cầm quyền, loại hình này không được phép hiện hữu trong chế độ. Vì thế, trong chế độ, chỉ có chỗ đứng cho những người trí thức đã được “thuần dưỡng” sẵn sàng chịu làm công cụ cho đảng – những trí thức xã hội chủ nghĩa – mà thôi.

Còn ở hải ngoại, sự kiện thiếu vắng trí thức kiểu phương Tây, như đã được chứng tỏ qua những đợt “thư ngỏ”, “kiến nghị” trực tiếp hay gián tiếp v.v…có thể được giải thích là sự thiếu hụt về cả hai mặt “tài năng” lẫn “phẩm hạnh”, tiêu chuẩn của trí thức kiểu phương Tây. Nói khác đi, Việt Nam đã không có một tầng lớp “intelligentsia” như ở Nga và Ba Lan trước đây, đã không có những nhân vật công khai chống vụ án Dreyfus, hay nói theo ngôn ngữ của Albert Camus, đã không có những người không phục vụ  phía “làm lịch sử” mà chỉ phục vụ những nạn nhân phải “nhận chịu lịch sử”.
 
Trí thức ở Việt Nam và chế độ chính trị cộng sản : nỗi đau thương lịch sử
 
Tình trạng chỉ có được những “trí thức bất túc”, như đã trình bày trên đây, là sức đẩy đã nâng cao tuổi thọ cho tập đoàn cầm quyền cộng sản ở Việt Nam.

Dù sao, nói cho cùng, giả dụ như Việt Nam đã có được một tầng lớp trí thức kiểu phương Tây thì điều này cũng không có nghĩa là đã nắm được trong tay những phép lạ để chấm dứt cho đất nước thảm họa độc tài đảng trị cộng sản. Vì trí thức, nói chung, cũng mang trong mình nó những khuyết tật, như Albert Einstein, khoa học gia kiêm triết gia hàng đầu của thế kỷ XX, đã viết trong tập Tiểu luận về Nhân bản ông phổ biến năm 1950 rằng : “Thời đại chúng ta rất hãnh diện về những tiến bộ đẩy mạnh sự phát triển của con người.  Điểm đặc sắc này được phản ánh rõ nơi phẩm chất tinh hoa của các bậc tu sĩ cũng như các nhà trí thức. Con người trí thức có được con mắt sắc sảo về phương pháp và công cụ, nhưng lại mắc cái tật mù lòa về mục đích cũng như về giá trị. Cho nên không có gì là lạ khi cái kiếp đui mù ấy lưu truyền từ già tới trẻ, cho đến nay, đã bao trùm hết cả một thế hệ.

Trong Thông Điệp gửi cho giới Trí Thức của Albert Einstein, người ta đọc thấy đoạn sau đây : “Chúng ta ngày nay, với tư cách là các bậc trí thức và học giả của đa quốc gia, mang trên vai một trách nhiệm lớn lao về lịch sử. Từ lịch sử thương đau, chúng ta thấu hiểu được rằng tư duy duy lý không đủ để giải quyết các vấn đề xã hội của chúng ta. Những thâm cứu và công trình khoa học thường mang theo những nỗi niềm hàm chứa đau thương cho nhân loại : một mặt, tạo ra những phát minh giải thoát cho con người khỏi cảnh lao động cực hình, giúp cho đời sống dễ chịu hơn và cỏn có thể giàu có hơn; nhưng mặt khác, lại tạo ra sự bất ổn trầm trọng cho cuộc sống, biến con người thành nô lệ cho sinh môi, kỹ thuật – một tảm họa – tự tạo phương cách tự hủy diệt hàng loạt. […]
 
Trong khi loài người tạo ra các học giả thành công lớn trong địa hạt khoa học và kỹ thuật thì đồng thời cũng lại đã trải qua một thời gian rất dài, bất lực không tìm ra được những giải pháp thích hợp chấm dứt được những cuộc xung đột chính trị và những vụ căng thẳng kinh tế đang bủa vây chúng ta. […] Một nỗ lực tranh đấu vĩ đại quả thật là cần thiết cho hiện nay.”

Việc kẻ sĩ, trí thức ở Việt Nam đã không giúp giải cứu được nhân dân khỏi thảm họa bạo quyền cộng sản là nỗi đau thương của lịch sử mà Aslbert Eistein đã cảm chiêu được khi ông gửi thông điệp cho trí thức, cách đây trên nửa thế kỷ. Đến nay thông điệp ấy vẫn còn giữ được tính thời sự.
 
Thời thế đã thay đổi

Nhưng thời thế đã thay đổi.

Phải mượn tầm nhìn của những chuyên gia về khảo sát tương lai học như C.P. Snow, John Brokman và Edouard Cornish v.v…thì mới có được một vài ý niệm về những thay đổi đang dồn dập tới.

Theo sự tiên đoán của nhà tương lai học Edouard Cornish thì nhân loại hiện đang trải qua một cuộc biến đổi toàn cầu có ảnh hưởng tới mọi người khăp nơi trên thế giới mà ông gọi là một “Cuộc Đai Biến Đổi” (Great Transformation). Ray Kurzweil, một chuyên gia khác về tương lai học, dự báo rằng  “Thế kỷ XXI sẽ tương đương với hai mươi ngàn năm tiến bộ so với mức tiến bộ ngày nay, [tức là]sẽ gấp khoảng ngàn lần hơn thế kỷ XX”.

Cuộc Đại Biến Đổi” này bắt nguồn từ hiện tượng “Kỹ thuật bùng nổ”, nghĩa là một loạt những bùng khởi của những tân kỹ thuật đầy sức mạnh tiềm năng như, kỹ thuật ứng dụng « gin », trí thông minh nhân tạo và kỹ thuật tái tạo cơ năng với Siêu-vi-kỹ thuật (nanotechnology) và khoa học nhận thức với não bộ và tế bào thần kinh. Những hoạt trường này, quy tụ lại, nhờ vào tiến trình thông tin rộng lớn và thần tốc của máy điện toán, đã đi những bước phát triển thần kỳ, giúp cho con người vượt qua được sự hạn chế của sinh học, trở thành siêu-nhân-loại (transhumans). Một khi ý thức rõ rệt được sự tiến hóa và giới hạn của chính mình, con người sẽ chiến thắng được những câu thúc này để, rốt cuộc, trở thành con người hậu-hiện-đại của xã hội “Người và máy sống chung” (Cyborg-power society). Con người, như vậy, hiện đang đứng trước một viễn tượng biến đổi chóng mặt, ngoài sức tưởng tượng của chính nó. Theo nhà tương-lai-học Edouard Cornish, sự thay đổi đầy đảo lộn này sẽ tạo ra những nhu cầu mới, gây nên những xung đột mới, khiến cho các cá nhân cảm thấy bất ổn trong đời sống. Và sẽ chẳng một ai, chẳng một vật nào, có thể đứng ngoài cơn lốc đổi đời lịch sử này.

Chính vì vậy nên, dù muốn hay không muốn, nhân loại cũng phải tiếp tục xây dựng cuộc đời. Về điểm này, dưới con mắt của Albert Einstein, “con người trí thức được coi là những tiến sĩ tiền phong đắc lực nhất”.

Hơn nửa thế kỷ qua, thực tại xã hội, trong nước cũng như ngoài nước, cho thấy thảm họa một nước Việt Nam thiếu cả tầng lớp lẫn cá nhân trí thức xứng đáng với tên gọi.

Tương lai của trí thức ở Việt Nam trên Nền Văn Hóa Thứ Ba

Thời thế đã tạo ra một nước Việt Nam không trí thức, theo tiêu chuẩn phương Tây. Nhưng thời thế đang mang thai những trí thức mới cho Việt Nam. Trong tương lai, trước mắt, xã hội Việt Nam sẽ có “trí thức” và phải có “trí thức”. Bước đầu trong thực tiễn sẽ chỉ mới có sự đột xuất của những biểu tượng trí thức trên địa hạt văn hóa.

Tưởng cần lưu ý rằng văn hóa trong thời đại thế kỷ XXI này đã chuyển sang Nền Văn Hóa Thứ Ba(Third Culture). Nền văn hóa này không còn là công trình trước tác của tầng lớp trí thức cổ truyền. Những tác giả này đã tự tách rời khỏi các nhà khoa học như Norbert Wiener, Albert Eistein, Niels Bohr, Werner Heiseigerg v.v..và tự nhận là Văn Nhân (Men of Letters), và theo đuổi mục đích vạch rõ ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời, ôm ấp giấc mơ xác định lại “ta là ai và ta là gì v.v…”. Sự thay thế này theo họ là để đáp ứng nhu cầu phải lấp hố ngăn cách giữa các trí thức “Văn Nhân” và các trí thức “Khoa Học”. Trong cuốn sách “Nền Văn Hóa Thứ Ba” (The Third Culture), xuất bản năm 1963, nhà tương-lai-học John Brochman cho biết các nhà trí thức của Nền Văn Hóa Thứ Ba có khuynh hướng tránh né lớp người trung gian (middleman). Vì họ muốn tự chính họ tìm được cách biểu thị tư tưởng thâm hậu của mình, sao cho lớp trí thức bình dân có thể bắt kịp đà chuyển hóa đã tới cực đỉnh và khoa học trong đời sống con người, đã giữ một vai trò rất quan yếu. Bởi thế, trí thức còn phải có vai trò truyền đạt tư tưởng. Người trí thức không phải chỉ là những người am tường mọi điều, mà còn phải là những người nhào nặn tư tưởng cho thế hệ của mình. Người trí thức là một nhà tổng hợp, một thông tín viên thời sự, nói gì ai cũng hiêu, nói tóm lại, trí thức của nền Văn Hóa thứ Ba là trí thức “bình dân”. Con người biểu tượng cho nền Văn Hóa Thứ Ba phải là nhân vật gắn liền với quần chúng, hay đại chúng gồm đủ mọi tầng lớp của toàn thể dân tộc.

Muốn trở thành biểu tượng trí thức của dân tộc thì con người trí thức phải gắn liền với lịch sử dân tộc, mang trong mình ấn tích “tiêu thức sơ nguyên” (archetype) tức là những vang vọng đời sống tâm linh của dân tộc trong quá trình sống, còn, nối, tiến, hóa, trải qua sinh hoạt thăng trầm của cộng đồng. Cứu nước dựng nước là sự nghiệp chung của toàn thể dân tộc. Tuy nhiên sự kết tinh sáng tạo, theo cách nhìn của Albert Einstein, lại chỉ đến từ cá nhân, dù trong khuôn khổ nghiên cứu tập thể.

Bạo quyền đảng trị trong nước, cuộc sống loạn động ở ngoài nước, đang bóp chết nguồn sáng tạo cá nhân này.

Lịch sử, quốc dân đang chất vấn trí thức Việt Nam. Và thời đại cũng đang đặt tầng lớp này trước những thử thách gay go. Nhưng đó lại chính là cơ hội cho trí thức Việt Nam triển khai tài năng và phẩm hạnh để mở đường phục hưng và tiến hóa cho dân tộc. /.

Trần Thanh Hiệp

Bài liên quan:

Sài Gòn Muôn Năm Cũ Với Văn Quang

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.