Cuộc bút chiến “Văn chương mặc áo thụng vái nhau”
Giữa Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do và Nguyên Sa Trần Bích Lan
Hoàng Lan Chi yêu cầu ông Nguyễn Khánh Do cho đăng lại bài viết VCMATVN trên web Lan Chi, và ông đã đồng ý, nhưng với yêu cầu đặc biệt là loạt bài này được đưa vào trang web Lan Chi chỉ với mục đích để người đọc tham khảo, hay dùng làm tài liệu dẫn chứng, tuyệt nhiên không được trích đăng toàn bộ hay từng bài ở bất cứ đâu, khi chưa có sự đồng ý của tác giả. Điều cẩn trọng này, ông Nguyễn Khánh Do nhấn mạnh và giải thích rõ là vì một số đối tượng được đề cập trực tiếp trong bài viết này đã ra người thiên cổ.
Loạt bài này phần chính gồm 6 bài, 3 bài của ông Thiện Nhân Nguyễn Khánh Do, và 3 bài của thi sĩ Nguyên Sa Trần Bích Lan. Đan xen vào giữa các bài đó là những trích dẫn các bài đăng trên báo Đời của thi sĩ Nguyên Sa, với các bút hiệu khác nhau chỉ được dùng cho mục đích duy nhất trong cuộc bút chiến. Người đọc sẽ được giải thích rõ ràng, đầy đủ hơn trong phần “dẫn nhập” của loạt bài. Theo lời kể lại của ông Thiện Nhân thì suốt trong khoảng hơn nửa năm, từ tháng 5/1985 cho đến hết năm đó số người viết hay bình phẩm về cuộc bút chiến, đăng trên nhiều báo và tạp chí ở nhiều nơi, không thể biết hết và sưu tập hết được, vì thế tập tài liệu post trên web Lan Chi chỉ gồm bài viết của ông Thiện Nhân và những bài viết đăng trên báo Đời của ông Nguyên Sa mà thôi. Thực ra, sau khi ông Thiện Nhân tuyên bố chấm dứt cuộc bút chiến thì ông Nguyên Sa còn viết thêm 2 bài nữa rồi mới chấm dứt. Nhưng ông Thiện Nhân cho biết, vì ông đã tuyên bố chấm dứt cuộc bút chiến về phía ông, và sẽ không viết thêm nữa. Còn việc tiếp tục viết nữa là quyền của ông Nguyên Sa, và vì thế hai bài sau cùng của ông Nguyên Sa không được đưa vào tuyển tập này.
Trân trọng
Hoàng Lan Chi
——————————————————————————————————————-
Lời nói đầu: Cuộc bút chiến “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” gồm những bài viết trong cuộc tranh luận giữa Thiện Nhân (Nguyễn Khánh Do) và Nguyên Sa (Trần Bích Lan).
Các bài của Thiện Nhân đều đăng trên tạp chí “Ngày Nay” của ông Lê Hồng Long, ở thành phố Wichita tiểu bang Kansas, USA, và gồm có 3 bài:
- Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau (bài đầu tiên, gây nên cuộc bút chiến).
- Lại Phải Nói Chuyện Về văn chương “Mặc Áo Thụng.”
- Thư gửi Nguyên Sa ( bài số 3 và là bài cuối cùng của Thiện Nhân.)
Các bài đối đáp của ông Nguyên Sa, gồm 5 bài, có tiêu đề chung là “Mặc Áo Thụng” và đều ký bút hiệu là Nguyên Sa. Ngoài ra ông Nguyên Sa còn viết nhiều bài để hỗ trợ cho ông với nhiều đầu đề khác nhau, và ký bút hiệu khác nhau. Tất cả các bài do ông Nguyên Sa viết đều đăng trên báo Đời do ông làm chủ nhiệm, xuất bản ở quận hạt Orange County, tiểu bang California.
Do sự xuất hiện của các bài viết trên hai tạp chí Ngày Nay và Đời liên quan tới cuộc tranh luận đan nhau theo thời gian xuất hiện, nên để người đọc theo dõi diễn biến của các sự kiện, các bài xếp đặt trong tuyển tập này được sắp xếp đan nhau từ đầu đầu “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” tới bài “Thư gửi Nguyên Sa” mà Thiện Nhân tuyên bố chấm dứt tranh luận với ông Nguyên Sa thì coi như cuộc “bút chiến” được chấm dứt, mặc dù sau đó ông Nguyên Sa còn tiếp tục viết lai rai thêm 2 bài “Mặc Áo Thụng” và những bài khác nữa.
Như vậy tuyển tập này gồm 8 bài (6 bài chính, 1 bài phụ họa, và 1 tài liệu dẫn chứng) xếp đặt theo thời gian xuất hiện, mặc dù bài “Tình bạn, Mai Thảo Nguyên Sa” xuất hiện trên báo Đời trước cuộc tranh luận xẩy ra, được xếp sau chót làm tài liệu dẫn chứng, để người đọc có tài liệu hiểu thêm lý do của cuộc tranh luận. Thứ tự các bài được sắp xếp như sau như sau:
Bài 1: Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau của Thiện Nhân, đăng trên tạp chí Ngày Nay.
Bài 2: Mặc Áo Thụng (1) của Nguyên Sa đăng trên tạp chí Đời.
Bài 3: Mặc Áo Thụng (2) của Nguyên Sa đăng trên tạp chí Đời.
Bài 4: Lại Phải Nói Chuyện về văn chương “Mặc Áo Thụng” của Thiện Nhân, đăng trên tạp chí Ngày Nay.
Bài 5: Mặc Áo Thụng (3) của Nguyên Sa đăng trên tạp chí Đời.
Bài 6: Bạn Đọc Viết, đăng trên tạp chí Đời. Đây là hai trong số những bài do ông Nguyên Sa viết để tự hỗ trợ. Trong “Bạn Đọc Viết” này có hai bài ngắn là “Không Đồng Ý Với Nguyên Sa” (Nguyên Sa viết dưới bút hiệu B.T.T) và “Hiền Nhân Xuống Núi” (Nguyên Sa viết dưới bút hiệu Hiền Nhân).
Bài 7: Thư gửi Nguyên Sa, của Thiên Nhân, đăng trên tạp chí Ngày Nay.
Bài 8: Tài liệu phụ thêm: “Tình bạn, Mai Thảo, Nguyên Sa.” Đăng trên tạp chí Đời.
Văn chương MẶC ÁO THỤNG VÁI NHAU
Thiện Nhân
Trong cuộc đối kháng Quốc Cộng, về phương diện văn hóa, chúng ta vẫn tự hào nền văn hóa dân tộc, tự do và khai phóng của miền Nam hách hơn thứ văn hóa chỉ đạo Mác-xít nhiều. Quả có vậy, nhưng trong vô số những cái hay cũng có vài cái rởm, chỉ miền Nam chúng ta mới có, mà chúng tôi sẽ đề cập một cái ở đây.
Hãy lấy năm 1955 làm mốc thời gian. Chiến tranh và Cộng sản đã đồng lõa đánh tan nát thế hệ những người làm văn nghệ tiền chiến, cho nên năm 1955 các ngươi văn nghệ trẻ quy tụ lại ở miền Nam để xây dựng một thế hệ văn chương mới. Những Doãn Quốc Sĩ, Thanh Nam, Mai Thảo, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền,… ở trong đám đó. Tình cảnh của họ đã được Nguyên Sa nói lên một cách chính xác trong bài tiểu luận, viết khoảng cuối thập niên sáu mươi. “Tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm năm mươi và sáu mươi” (Bài này được đăng lại trong tạp chí Văn số 36, tháng 3/85, ở hải ngoại). Chủ ý của Nguyên Sa trong bài tiểu luận là nói về nỗi cô đơn của người làm văn nghệ những năm 50-60. Trong một hoàn cảnh bất bình thường, không có kẻ đi lớp trước để đối thoại, để phản kháng để vượt qua,… họ múa gậy trong khu vườn hoang, múa kiếm trong căn nhà vắng, cùng một lứa khen nhau, chê nhau, bởi vì thế hệ đàn anh của họ đã bị chiến tranh và cuộc phân đôi đất nước làm tan mất. Nguyên Sa viết:
“Bốn phía toàn những tay cùng lứa tuổi. Họp thành một bọn chiếm đất đai. Chúng ta công nhận lẫn nhau, phân chia với nhau. Rồi thời gian và tập quán, sức mạnh của số đông hợp lực với thời cơ kỳ lạ làm thành pháp luật.”
Trong cái môi trường tự múa, tự khen, tự phán đó, lớp nhà văn trẻ của thế hệ 50-60 dễ trở thành kiêu căng, hợm hĩnh. Nguyên Sa viết: “Trong thế giới khép kín của chúng tôi, chúng tôi ca tụng lẫn nhau, xỉ vả lẫn nhau. Chửi bới những thằng không hợp nhãn, ca ngợi anh em. Hơn nữa, thế kỷ này đã luyện cho chúng tôi ca ngợi có kế hoạch, chửi bới bằng chụp mũ. “Một đoạn khác :”Không bằng lòng thì chửi, không bạn thì hạ nhục chơi, anh em thì nay gài một câu khen, mai một câu đưa lên.” Tuyệt quá, đúng quá! Hãy khuyên cho Nguyên Sa một điểm son. Hai điểm son, nếu ông viết bài này sau khi đã mượn đất của Kiều Phong trên báo Độc Lập để ròng rã đả Phạm Công Thiện, mượn đất của Chu Tử trên báo Sống để đập Trần Phong Giao dài dài (Trần Phong Giao lúc đó đang chăm sóc cho tờ báo Văn, ở Saigon). Nhưng nếu bài này viết trước hai sự kiện nêu trên thì nên thay hai điểm son bằng hai sổ toẹt.
Nguyên Sa đã sâu sắc cảnh cáo những kẻ tập tễnh làm “văn phiệt”: “Nhưng khen tặng đề cao có kế hoạch là những hào quang giả và xung tụng lẫn nhau chỉ lòe được những tâm hồn ấu trĩ.” Hai chục năm trước Nguyên Sa đã viết đanh thép như thế, giá trị của lời khẳng định vẫn còn nguyên và nay lại được in lần nữa trên Văn của Mai Thảo (xin nhắc lại, Văn số 36, tháng 3/85). Nguyên Sa chắc hẳn phải đồng y với Nguyên Sa, còn Mai Thảo có đồng ý với Nguyên Sa hay không, không rõ lắm, nhưng ít ra có thể tin rằng Mai Thảo đã đọc những khẳng định đó của Nguyên Sa ít nhất một lần.
Hai nhà văn nghệ lớn, hai ngôi sao sáng trong đám múa gậy vườn hoang của những thập niên 50-60, nay đã qua cái tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh” hoặc đã tới cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, đã là những đàn anh của thế hệ văn nghệ trẻ hôm nay, đóng vai trò giống như những Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vi Huyền Đắc,… đối với các ông thời trước. Hoàn cảnh dường như cũng tương tự. Cũng hai mươi năm, chiến tranh và Cộng sản đồng lõa đánh tan nát thế hệ nhà văn các ông. Nhưng có điểm khác. Xưa, Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Trần Tuấn Khải, Đông Hồ,…thấy lớp đàn em múa gậy vườn hoang chỉ âm thầm nín lặng. Đinh Hùng chỉ gửi những khen chê của đám đi sau vào giữa hai hớp rượu. Nay, Nguyên Sa và Mai Thảo thì khác. Cả hai đang đi tìm “những hào quang giả”, đang tìm cách để “lòe những tâm hồn ấu trĩ”! Đây là dẫn chứng.
Đời số 30, tháng 3/85, trong bài “Một giờ với Mai Thảo”, ông Nguyên Sa kể chuyện dẫn “phái đoàn trung tâm Văn Bút Việt Nam tại Mỹ”, có cả “dàn Tivi của truyền hình Việt Nam”, đến thăm Mai Thảo. Rồi Nguyên Sa và Mai Thảo thuật lại những kỷ niệm ăn chơi oanh liệt xưa, rồi Nguyên Sa ca tụng tác phẩm của Mai Thảo:
“…Nhà thơ hỏi bạn về những thời kỳ của tác phẩm Mai Thảo, thời kỳ Đêm Giã Từ Hà Nội xuất hiện như một tiếng sét, kế tiếp bởi một tiếng sét chấn động khác là thời kỳ Tháng Giêng Cỏ Non. Mai Thảo hình như rất xúc động nhìn bạn.”
Xúc động là cái chắc! Hãy gọi đó là dịp Nguyên Sa mặc áo thụng vái Mai Thảo.
Có đi tất có lại, nên Văn số 36, tháng 3/85, Mai Thảo dành hơn một phần ba số báo để nói về “Áo Lụa Hà Đông” và trích dẫn văn thơ Nguyên Sa. Mai Thảo viết bài “Màu lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa”, 8 trang, cũng thuật cũng lại kỷ niệm oanh liệt xưa, cũng tâng bốc đại loại:
“Không thuật lại được đầy đủ hai mươi năm làm thơ, làm báo, dậy học, mặt nào cũng ngoạn mục, chấn động của Nguyên Sa còn vì vài lý do khác…” Lại cũng “chấn động!” Hãy gọi đây là dịp Mai Thảo mặc áo thụng vái lại Nguyên Sa. Ông nọ vái ông kia, ông kia vái ông nọ, coi cũng lạ mắt, và có lớp lang lắm!
Nguyên Sa đọc bài của Mai Thảo chắc khoái chí tử, lại sợ độc giả của Đời không có dịp đọc Văn số 36, không được thấy Mai Thảo vái lại mình nên Đời số 35, tháng 8/85, trong bài “Tình bạn của Mai Thảo Nguyên Sa” ông Nguyên Sa bèn cho trích đăng lại nhiều đoạn trong bài của Mai Thảo nói về ông. Ông viết:
“Sự kiện văn chương trổi bật hơn cả của thời điểm vừa qua là tạp chí Văn số 36, số đặc biệt về Nguyên Sa.”
Số đặc biệt về Nguyên Sa thì đối với Nguyên Sa hẳn là phải trổi bật nhất rồi!
Thứ văn chương mặc áo thụng vái nhau nghe đã lạ tai, đến khi nó biến thành văn chương mặc áo thụng tự vái thì thật là nặng mùi. Trong phần kết luận bài “Tình bạn Mai Thảo Nguyên Sa,” ông Nguyên Sa viết như sau: “Mai Thảo âu yếm, trong phần kết luận bài nhận định về Nguyên Sa, nhắc đến đêm gặp gỡ mới đây giữa hai người bạn, hai người thống lĩnh hai ngọn núi văn học miền Nam, gặp gỡ mới đây ở Doanh Doanh đêm Thái Tú Hạp.”
Ông Nguyên Sa quên không nói rõ thế nào là “Ngọn núi văn học miền Nam” và phải có điều kiện như thế nào mới có thể vỗ ngực xưng là thống lĩnh ngọn núi văn học đó. Không lẽ làm chủ một tờ báo là đủ? Nếu thế thì thật tiếc cho những Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Phan Khôi, Vũ Bằng, Chu Tử… mất một dịp khoe cai quản núi văn học. Cả Tô Văn cũng lỡ dịp, vì tờ Thức Tỉnh đã đình bản, Thanh Nam cũng mất dịp luôn. Đám đông to lớn Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hoàng Chương, Khái Hưng, Thế Lữ, Đinh Hùng… lẽ dĩ nhiên là không đủ điều kiện. Còn Võ Phiến và Lê Tất Điều ở Văn Học Nghệ Thuật, Hồ Anh ở Văn Nghệ Tiền Phong hãy may cờ nguyên súy mà thống lĩnh các ngọn núi văn học đi kẻo muộn, chả lẽ lại chịu là đồi thấp hay đụn cát sao?
Mà không có lẽ, nếu cứ có tờ báo trong tay là có một ngọn núi văn học thì số “núi văn học” của VN hải ngoại không chừng có tới hơn trăm. Kìa ông Hà Túc Đạo ở San Jose, các ông Đỗ Ngọc Yến, Duy Sinh ở Los Angeles, ông Hoàng Ngọc Ẩn ở Houston đều là nguyên súy thống lĩnh núi văn học cả sao, và như vậy bà Hoàng Minh Thúy ở Houston có tới hai ngọn núi văn học lận!
Hay là phải trông coi một lúc ít nhất hai tờ báo trở lên như Nguyên Sa mới được coi là thống lĩnh các ngọn núi văn học Miền Nam? Dĩ nhiên Mai Thảo là trường hợp ngoại lệ, dù chỉ có một tờ báo, vì Mai Thảo là bạn của Nguyên Sa. Định nghĩa này loại được khá nhiều tay. Những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Võ Phiến, Tô Văn , Hồ Anh… đều đi chỗ khác chơi, nhưng còn Tản Đà, Nhất Linh và Hoàng Minh Thúy?
Không phải thế, nhất định là không phải chỉ có thế. Hay là phải vừa là thi sĩ vừa là văn sĩ như ông Nguyên Sa? Điều này cũng khó loại bỏ được Nhất Linh vì Nhất Linh viết văn, và đôi khi cũng làm thơ, dĩ nhiên Mai Thảo vẫn nằm trong trường hợp ngoại lệ.
Hay chúng ta hiểu sai rồi? Muốn thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam thì thơ phải nổ bôm bốp như thơ Nguyên Sa, và văn phải kêu oang oang như văn Mai Thảo?
Trong phần kết luận bài viết về Nguyên Sa, Mai Thảo ghi lại một nhận xét lý thú:
“Mấy phút trước máy vi âm tối đó mà Nguyên Sa gọi hai đứa tôi là Laurel và Hardy, tôi thấy lại cái tôi trẻ thật. Nguyên Sa cũng vậy. Mấy phút trước máy vi âm tối đó, tôi thấy lại cái tôi đầu, những ngày sáng tạo trẻ trung phơi phới. Và thấy lại cái phần trước sau tôi thích thấy nhất và yêu mến nhất ở Nguyên Sa…”
Nguyên Sa ví von đúng và Mai Thảo đánh giá trị đúng sự ví von của Nguyên Sa. Tiếc rằng hai ông chỉ tưởng trong một lúc hứng khởi đã biến thành cặp bài trùng Laurel – Hardy Việt Nam trong bữa tiệc. Thực ra nếu để ý kỹ hơn thì hai ông sẽ thấy là đang diễn trò Laurel – Hardy trên văn đàn ở hải ngoại. Và nếu cái màn “mặc áo thụng vái nhau” hay ” mặc áo thụng tự vái” đó cứ lâu lâu diễn lại một lần thì không chừng hai ông có thể trở thành cặp Laurel – Hardy đích thực và đầu tiên của văn học Việt Nam vậy.
Bài dưới đây đăng trên báo Đời số 38 do Nguyên Sa viết và đặt tên
oaH MẶC ÁO THỤNG (1)
Nguyên Sa
Trên tờ báo Ngày Nay xuất bản ở Kansas, nhận là “báo bán” ông Lê Hồng Long chủ nhiệm đã cho đăng một bài báo ký tên Thiện Nhân, nội dung và mục đích giống như nhiều bài báo khác đã đăng trên cùng một tờ báo này.
Bài viết ký tên Thiện Nhân, không biết ông này có phải là “thiện nhân” không, điều chắc chắn ông này không phải là một tên tuổi quen thuộc trong văn giới cho nên trong những trường hợp tương tự, người ta thường nói chuyện cùng lúc với chủ nhiệm và người viết, nếu như “tuy hai mà một” thì nhất cử lưỡng tiện.
Lê Hồng Long và Thiện Nhân tỏ ra bất mãn vì việc mà họ gọi là “Nguyên Sa mặc áo thụng vái Mai Thảo.”
Cuối năm ngoái. Trung tâm Văn Bút Việt Nam tại Mỹ và hội Báo chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ đã tổ chức một loạt thăm viếng tất niên một số những anh em làm văn học nghệ thuật. Bốn người mà anh em chúng tôi rủ nhau đến thăm là họa sĩ Nguyễn Khai, nhà báo Tô Văn, nhà văn Mai Thảo và nhà văn Thanh Nam. Tôi còn nhớ việc đi thăm họa sĩ Nguyễn Khai và nhà báo Tô Văn do nhà thơ Kiêm Thêm đề nghị, anh em tán đồng, việc đi thăm nhà văn Mai Thảo do nhà thơ Du Tử Lê và chủ nhiệm Người Việt Đỗ Ngọc Yến đề nghị, toàn thể anh em đồng ý. Việc đi thăm nhà văn Thanh Nam, do nhà văn Du Tử Lê đề nghị theo ý kiến của Mai Thảo. Họa sĩ Nguyễn Khai còn tương đối trẻ, chưa vượt ngũ tuần. Còn ba nhà văn mà anh em Văn Bút và Báo chỉ có ý định đến thăm tất niên đều tuổi hạc đã cao gần đất xa trời. Nhà báo Tô Văn bị tê liệt và không còn nói được khi anh em chúng tôi đến thăm cũng đã rất lung lay. Nhà văn Thanh Nam đã từ trần. Buổi đi thăm anh Thanh Nam dự định có ba người, rốt cuộc chỉ một mình anh Mai Thảo lên thăm tác giả Đất Khách. Trước khi anh Mai Thảo đi, anh đã bảo chúng tôi là sức khỏe của Thanh Nam suy yếu lắm. Anh em chúng tôi không đi được, người nào cũng đi theo Mai Thảo bằng tâm tưởng. Khi Mai Thảo trở về anh em chúng tôi lắng nghe từng lời tường thuật của Mai Thảo. Mai Thao nói đó có lẽ là chuyến viếng thăm Thanh Nam cuối cùng.
Trung tâm Văn Bút Việt Nam trong những hoạt động “nổi”, ngoài việc thăm viếng tất niên những người làm văn học nghệ thuật, còn tìm cách cám ơn những anh em đã đóng góp cho văn học nghệ thuật nước ta bằng cách tổ chức những cuộc họp mặt, đọc văn, đọc thơ, thảo luận với người nghệ sĩ. Chúng tôi đã tổ chức “Đêm ba mươi năm cổ nhạc Bích Thuận” cách đây ba tháng. Tháng trước chúng tôi tổ chức “ Ba mươi năm văn chương Võ Phiến”. Trước khi đi thăm tất niên các nhà văn, chúng tôi đã thăm họa sĩ Nguyên Khai. Mở đầu cho chương trình “Một đời văn học nghệ thuật”, chúng tôi chọn Bích Thuận, mà Du Tử Lê gọi là Thái Sơn Bắc Đẩu. Chọn lựa không nói lên sự phân chia ngôi thứ, mà cốt bày tỏ mối quan tâm của anh em chúng tôi với mọi ngành văn học nghệ thuật.
Việc anh em chúng tôi đi thăm tất niên những nhà văn lão thành, những người bạn đau yếu không phải do tôi sáng chế ra, mà vốn là những sinh hoạt quen thuộc của trung tâm Văn Bút Việt Nam khi chưa mất nước. Anh em trong Trung Tâm Văn Bút đã đến thăm tất niên nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nữ thi sĩ Mộng Tuyết. Một năm Trần Dạ Từ cầm đầu phái đoàn đi thăm Nguyễn Nghiệp Nhượng trong quân lao. Một năm khác chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt tất niên và chào mừng thi sĩ Trần Tuấn Kiệt, lúc đó, vừa được trả tự do.
Tôi mang kinh nghiệm của Văn Bút Việt Nam kể cho anh em trong Trung Tâm Văn Bút Việt Nam tại Hoa Kỳ nghe: Đa số anh em là những người rất trẻ. Tôi cũng tâm sự với anh em rằng chúng tôi hiện nay sống nơi đất khách quê người, không tránh được tình cảm buồn rầu. Nước Mỹ rộng lớn mênh mông. Thế giới lại càng to rộng. Mặc Đỗ ở bên Texas, Vũ Khắc Khoan ở Minnesota. Tạ Tỵ ở biên giới Mễ Tây Cơ, Duyên Trần Anh, TrầnTam Tiệp, Phạm Hữu, Trần Thanh Hiệp ở tuốt bên trời Âu, Nguyễn Thị Vinh ở Bắc Âu, Thiếu Mai mù mịt Úc Châu. Nhiều anh em chị em từ ngày bỏ nước ra đi cho đến nay không có cơ hội gặp lại. Tôi vẫn lo sợ có nhiều nhà văn nhà thơ nghệ sĩ mà tôi khao khát gặp gỡ, thảo luận, thăm viếng , rồi ra, vì sự bó buộc của đời sống nơi đất khách quê người, vì không có đủ khả năng về nhiều mặt, không biết có cơ hội gặp lại nhau không. Tôi vẫn ao ước gặp lại bạn bè tôi còn bị kẹt ở Việt Nam. Còn hạnh phúc nào to lớn hơn là gặp lại những nhà thơ lẫm liệt như Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Nhã Ca… Tâm sự của nhà thơ đã bước vào tuổi thứ ba, khao khát cầm tay bạn cũ “hỏi hết xa gần”, cùng nhau “tính tuổi”, cùng nhau nâng ly rượu thực sự “ngon” vì có “bạn hiền”, mừng bạn tinh thần vần còn vững, đã được nhà thơ Nguyễn Khuyến mô tả tuyệt vời trong bài thơ Khóc Dương Khuê. Người bạn trẻ Đỗ Ngọc Yến đã nhiều lần căn dặn tôi “hôm nào anh Vũ Khắc Khoan từ Minnesota về thế nào chúng mình cũng phải tổ chức một buổi họp mặt.” Thỉnh thoảng chủ nhiệm Người Việt thông báo cho tôi về tình trạng sức khỏe của tác giả Trần Tháp Rùa. Tôi mường tượng “anh Vũ tóc đã bạc phơ từ trước bẩy năm, năm nay chắc anh đang đi gần tới thất tuần…” Tôi chân thành nhờ chủ nhiệm Người Việt Đỗ Ngọc Yến khi nào anh Vũ đi ngang cho tôi hay ngay, để tôi kịp thời báo cho anh em. Bất kể ngày Tết hay ngày thường. Ngày có cơ may cầm tay nhà văn Vũ Khắc Khoan dù cho vào thời điểm nào cũng là một ngày Tết.
Việc anh em chúng tôi đi thăm viếng nhà văn Mai Thảo, nhân dịp tất niên, là một sinh hoạt nằm trong một truyền thống văn học, xây dựng trên những lý do văn chương và tình cảm nghiêm chỉnh và chân thành.
Nhà văn Mai Thảo không phải là nhà văn đầu tiên và cũng không phải là nhà văn cuối cùng mà anh em Văn Bút và Báo Chí đến thăm tất niên. Tôi thực sự không ngờ cuộc viếng thăm một nhà văn cao niên, sức khỏe rất mong manh, nhà văn đã đóng góp lớn lao, bằng sức đẩy không mệt đưa văn chương của chúng ta đi thẳng đến cái mới, hiện ra như nguồn cảm hứng sâu xa của một dòng văn học nghệ thuật hai mươi năm Việt Nam tự do, và bằng tác phẩm độc đáo của ông, đúng thế, tôi rất kinh ngạc vì cuộc thăm viếng này đã làm cho ông Lê Hồng Long và bạn ông Long là ông Thiện Nhân phải phiền lòng. Trước đây tôi biết rất mơ hồ có ông Lê Hồng Long nào đó làm tờ báo Ngày Nay ở Kansas. Tôi nhớ đủ ba chữ Lê Hồng Long. Tôi hoàn toàn không biết có ông Thiện Nhân. Bây giờ thì tôi biết. Tôi biết việc anh em văn bút và Báo Chí cùng với tôi đi thăm những nhà văn cao niên trong dịp tất niên đã làm hai ông bực mình. Tôi rất mong hai ông hoàn hỉ cho.
Tôi tự hỏi: “Tại sao ông Lê Hồng Long và “bạn văn” của ông không phiền lòng về cuộc viếng thăm phòng tranh Nguyên Khai, cuộc viếng thăm tất niên Tô Văn, đêm cám ơn Bích Thuận, buổi chiều “Ba mươi năm văn chương Võ Phiếm” mà hai ông lại chỉ nổi giận về việc anh em chúng tôi đi thăm tất niên nhà văn Mai Thảo. Đúng vậy, tại sao? Những cuộc viếng thăm và họp mặt văn nghệ khác nhau này đều được tường thuật đầy đủ trên tạp chí Đời và nhiều tờ báo khác. Sao ông Long và bạn ông lại quan tâm đặc biệt đến ông Mai Thảo? Quý ông giận tôi đã khen ngợi ông Mai Thảo, các ông gọi đó là “Nguyên Sa mặc áo thụng để vái Mai Thảo.”
Tôi e rằng hai ông không những đã sai lầm, mà còn độc ác, tàn nhẫn.
Cảnh tượng một người mặc áo thụng để “vái” người khác, quả thực trông buồn cười thật. Nếu như ông Thiện Nhân viết một bài ca ngợi ông Lê Hồng Long có tác phẩm “gây ra tiếng sét “, thơ văn của ông Long “chấn động” thì đúng là ông Nhân đã “mặc áo thụng” vái ông Long Ngày Nay như ông Nhân khen ông Long là báo Ngày Nay của ông Long “hay”, là “chuyên nghiệp”, thì những lời khen ngợi đó cũng gây ra một cảnh tượng trào phúng.
Khi một người viết văn không tên tuổi viết bài “bốc thơm” một người mới tập tễnh bước vào làng văn trận bút khác mà tác phẩm còn mơ hồ, người trên đáng bị chỉ trích là “mặc áo thụng vái” người dưới. Sự khen ngợi văn chương dành cho người không có tác phẩm, hay tác phẩm còn mơ hồ, nhất là khi họ còn quá trẻ thì thật đáng giận. Nhà văn Mai Thảo không ở trong những tư thế bất tiện này.
Mai Thảo là một nhà văn có tác phẩm. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Tác phẩm của Mai Thảo đã được những nhà phê bình thời danh của văn học nghệ thuật miền Nam tự do, từ Huỳnh Phan Anh đến Nguyễn Quốc Trụ, từ Phan Lạc Phúc đến Tạ Tỵ. Sách của ông thuộc loại được các nhà phê bình “đọc” nhiều nhất. Phần lớn những bài phê bình đó là những bài khen ngợi. Việc này không phải mới xẩy ra hôm qua, mà đã có từ ba mươi năm, diễn ra đều đặn trong sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam thời kỳ 54 -75. Có những nhóm văn nghệ, những nhà phê bình, trực tiếp hay gián tiếp bày tỏ sự không đồng ý với Mai Thảo, những người này cũng không phủ nhận giá trị văn chương của tác phẩm của Mai Thảo. Trong số những người này có tôi. Nhưng việc tôi, để nói sau.
Trong thời gian thập niên sáu mươi, nhóm Đất Nước của gs Nguyễn Văn Trung và nhóm Trình Bày của nhà văn Thế Nguyên, tác giả cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa, nhiều lần cổ xúy cho một đường lối văn nghệ gọi là dấn thân, và chỉ trích quan niệm văn nghệ gọi là “viễn mơ”, mà hai nhóm này cho là do Mai Thảo chủ trương. Bất đồng ý kiến thì có, đúng hay sai là một chuyện khác, nhưng mọi bất đồng luôn luôn được biểu lộ một cách nghiêm chỉnh, bởi những người có tư thế văn chương và tư cách con người, tuyệt nhiên không bao giờ có chuyện mỉa mai, xỏ xiên, và nhất là không bao giờ có cảnh chửi bới, ném bùn bẩn thỉu.
Tôi cũng không thấy có ai thắc mắc trong suốt khoảng thời gian qua về việc các nhà phê bình văn học nghệ thuật kể trên đã ngợi khen tác phẩm của Mai Thảo, càng không có ai nói xỏ xiên là họ “mặc áo thụng” để “vái” Mai Thảo.
Tác phẩm của Mai Thảo không phải chỉ đăng trên tạp chí Sáng Tạo. Tờ báo của anh không phải chỉ dành cho riêng anh. Có nhiều người đến đó một thời gian rồi bỏ đi. Có những người đi cùng Mai Thảo một đoạn đường thật dài. Tôi viết cho Sáng Tạo ngay từ số 1. Tôi viết cho Sáng Tạo khoảng hai ba năm. Nguyễn Văn Trung, Thế Phong, Trần Dạ Từ, Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng đi ngang đó một thời gian ngắn. Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp đi với Mai Thảo suốt con đường dài. Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu và hàng chục nhà văn nhà thơ khác bắt đầu cuộc đời văn chương của mình với Sáng Tạo. Phần lớn những bài thơ lừng lẫy của Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng được đăng ở Sáng Tạo. Những người đến đó rồi bỏ đi, những người khởi nghiệp từ đó, những người dừng lại ở đó, phần lớn đã trở thành những ngọn núi văn chương lẫm liệt, họ chọn thế đứng đầu gió chênh vênh của những ngọn núi dù đứng bên nhau nhất định gần nhau trong khác biệt không chấp nhận sự quần tụ của những đụn cát. Những người đó, những người làm thành một phần đáng kể của ngôi nhà văn học nghệ thuật miền Nam thời kỳ 54 – 75, chắc chắn còn giữ nguyên hình ảnh tuyệt đẹp về Mai Thảo. Hơn một lần, những bằng hữu này đã viết về Mai Thảo. Tôi không biết ông Long trước ngày tỵ nạn có theo dõi văn chương miền Nam nhiều không và ông có nghĩ rằng khi các nhà văn nhà thơ khác nhau viết lên, nói những ghi nhận về Mai Thảo, họ có “mặc áo thụng” để “vái” Mai Thảo không? Tôi, tôi xin thành thực thưa rằng tôi không nghĩ như thế. Mong ông Long và ông Nhân, nếu thấy tôi có ý kiến trái ngược, cũng xin hoan hỉ cho.
Nhà văn đã đóng góp lớn, bằng sức đẩy không mệt mỏi văn chương ta đi thẳng đến cái mới, hiện ra như nguồn cảm hứng sâu xa của một dòng văn học nghệ thuật hai mươi năm Việt Nam tự do, và bằng tác phẩm độc đáo của ông…”, tôi vừa viết như thế về Mai Thảo. Đúng thế, chính tôi.
Ngày chúng tôi đến thăm viếng tất niên ông Mai Thảo, tôi không đi một mình, cũng không làm một cách “kín đáo.” Đài truyền hình Việt Nam có lẽ cho rằng đó là một sinh hoạt văn nghệ đứng đắn đã cử những chuyên viên thâu hình đến quay phim. Tất cả nhất cử nhất động, mỗi lời nói, cả nụ cười đều được thu vào ống kính và trình bày cho đồng bào coi trong buổi phát hình dịp Xuân về năm ngoái. Đài truyền hình của họa sĩ Lương Tỷ đã trình chiếu và giới thiệu hình ảnh một cách đầy thiện cảm. Tôi không nghĩ là những anh em làm công việc truyền thông này đã “mặc áo thụng” để “vái” ông Mai Thảo. Trong buổi họp mặt thân yêu hôm đó có nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Đỗ Ngọc Yến…Những bạn này không phải là những “người trẻ”. Không mười năm đã trôi qua rồi. Tôi nhớ có Trầm Phục Khắc, có Nguyễn Anh Tuấn, có Trần Thế Ngữ, những người làm văn, làm thơ rất trẻ. Gần gũi với Mai Thảo bây giờ trên Văn , cũng như trên Sáng Tạo luôn luôn có một tập hợp đông vui những người trẻ muốn chọn văn học nghệ thuật làm nghiệp dĩ. Hôm nay là Cao Đông Khánh, Trầm Phục Khắc, Đỗ Vẫn Trọn, Lê Thị Huệ, Phạm Thị Trọng Tuyến…Tôi thỉnh thoảng nghĩ rằng những người làm văn nghệ có những căn phần khác nhau, chia làm hai loại, loại hạnh phúc và loại bất hạnh. Sao tôi thấy trong giới anh em làm thơ chúng tôi loại bất hạnh đông hơn hạnh phúc. Có người bất hạnh thì trượt hoài, buồn hỏng thi muôn năm, có ông bị chém cổ, trước đó chửi “đéo mẹ đời,” Bùi Giáng bất hạnh đến điên, Trần Dạ Từ tù đến giờ này chưa về, Trần Tuấn Kiệt bị bắt đi bắt lại, tôi bị phường vô lại quấy phá hoài, chụp cho đủ thứ mũ từ suốt ba mươi năm nay, có đứa chửi mãi mà vẫn thấy không làm suy suyển được thơ văn không làm rúng động được con người, điên lên chửi luôn cả cha mẹ tôi, gia đình tôi. Mai Thảo là nhà văn hạnh phúc. Anh lúc nào cũng được vây bọc bởi bằng hữu yêu thương.
Dĩ nhiên phân biệt này chỉ tương đối, phân loại nào cũng tương đối.
Trong những cuộc hội thảo văn chương thường diễn ra ở Cai, những người viết trẻ quy tu ở Văn nhiều lần phát biểu ý kiến của họ về Mai Thảo. Đầy kính yêu. Những phát biểu này cũng được phổ biến trong văn giới. Không biết biết hai ông Long-Nhân có phiền lòng không và có coi đấy là trò chơi “áo thụng” chăng?
Thực ra tìm kiếm cho kỹ còn có cả những cuộc “mặc áo thụng” tập thể. Đồng bào ở Hoa Thịnh Đốn đã mời ông Mai Thảo về nói chuyện. Tác giả Đêm Giã Từ Hà Nội cũng đã diễn thuyết ở Houston. Hội thảo văn chương ở Paris. Ở quận Cam thì đều đều. Ở Sanjose, ở Seattle, hơn một lần. Ở khắp nơi, Mai Thảo được những người điều khiển chương trình giới thiệu bằng những lời lẽ hết sức xúc động và kính trọng. Ở khắp nơi đồng bào đã dành cho Mai Thảo sự tiếp đón kính yêu, sự tiếp đón mà một dân tộc có văn hóa quê hương. Tôi không biết ông Long và bạn ông có gọi những tình cảm hết sức dân tộc này là “mặc áo thụng vái nhau” không. Tôi thì tôi không nghĩ như thế. Hai ông biết ý kiến của tôi rồi, cũng mong hai ông hoan hỉ cho.
Bài dưới đây đăng trên báo Đời số 39 do Nguyên Sa viết và đặt tên
MẶC ÁO THỤNG (2)
Nguyên Sa
Ông Long và “bạn văn” của ông sau khi buồn phiền về việc “ông Nguyên Sa vái ông Mai Thảo”, lại buồn lắm về việc mà các ông nghĩ là “ông Mai Thảo vái ông Nguyên Sa”. Tôi thấy hai ông thắc mắc như thế tôi cũng ái ngại. Nhưng xin hai ông yên tâm. Ông Mai Thảo không “mặc áo thụng để vái ông Nguyên Sa” đâu.
Mai Thảo viết cuốn sách có tên là Chân Dung. Cuốn đầu tiên gốm 15 nhà văn nhà thơ. Ông viết từng bài, mỗi bài nói về một tác giả, đăng trên tạp chí Văn. Tháng trước sau khi đã tập hợp đủ 15 bài, về 15 tác giả, Mai Thảo tập hợp 15 bài văn đó lại trao cho nhà xuất bản Văn Khoa ấn hành thành một cuốn sách có tên là Chân Dung. Mười lăm tác giả được Mai Thảo đề cập đến trên Chân Dung và trước đó, trên Văn, gồm theo thứ tự trên bìa sách: Vũ Khắc Khoan, Túy Hồng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Đình Toàn, Nhã Ca, Mạc Đỗ, Phạm Công Thiện, Thanh Nam, Võ Phiến, Trùng Dương, Nhật Tiến, Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu. Trong tạp chí Văn cũng như cuốn Chân Dung, Nguyên Sa không phải là người đầu tiên cũng không phải là người cuồi cùng được Mai Thảo đề cập tới. Sau khi Chân Dung in ra. Mai Thảo tiếp tục viết về những bạn văn khác. Số Văn mới nhất là một số đặc biệt về Du Tử Lê. Những anh em làm văn học nghệ thuật và độc giả khắp nơi đều ý thức được rằng những người mà Mai Thảo đề cập đến trong cuốn Chân Dung 1 không phải vì quý trọng hơn những anh em mà ông sẽ đề cập đến trong cuốn Chân Dung 2. Trong số 15 nhà văn nhà thơ của Chân Dung 1 tôi chưa thấy Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc sĩ, Thao Trường, Trần Dạ Từ, và hàng chục nhà văn nhà thơ lẫm liệt khác gần Mai Thảo hơn tôi nhiều, trong cuộc đời văn chương thuở đó, Mai Thảo năm nay đã tới lục tuần. Không biết hai ông Long và Nhân có gặp tác giả Đêm Giã Từ Hà Nội chưa? Sức khỏe của anh chưa bao giơ sung mãn, nay càng lung lay lắm. Sức khỏe của anh Mai là nỗi lo âu chung của anh em cầm bút chúng tôi. Tuổi của anh Mai một mặt vẫn là tuổi sáng tạo, vì rằng không thể có giới hạn nào cho tuổi sáng tạo, nhưng lục tuần cũng là khởi đầu của “tuổi nhìn lại.” Người thì kể lại “Những Ngày Thơ Ấu.” Cây viết khác viết “Một đời văn.” Nhiều người viết Hồi Ký, Vũ Bằng viết “Bốn Mươi Năm nói láo”. Thanh Nam để lại cái nhìn lại cuộc đời viết văn làm báo trên Văn. Mai Thảo khiêm tốn hơn, anh viết về bạn bè anh. Phóng ra những chân dung của bằng hữu, màu sắc và đường nét trên mảnh bố có đầy áp những ngày tháng vui buồn của đời mính. Ông Long và ông Nhân, sao hai ông không hiểu điều đó? Sao hai ông nỡ bôi bùn lên mắt kính để nhìn thấy phong cảnh rực rỡ đó trở thành xấu xa? Sao các ông nỡ cầm bùn đen ném lên bức tranh có lớp sương mờ buổi sáng, có những rặng cây buồn, những ghế đá hẹn hò, có mặt trời đang khuất dạng tìm lại những bình minh xưa? Đáng lẽ tôi nên dừng bút nơi đây. Những luận cứ mà các ông đã hằn học đưa ra xụp đổ cả rồi. Suy luận mà hai ông sử dụng là suy luận loại suy tự nó không vững vàng, đương nhiên phải xụp đổ khi bị chi phối bởi thiên kiến, ghen tức nhỏ bé và những sự kiện không có thật. Hai ông nhận định: “Nguyên Sa mặc áo thụng vái Mai Thảo”. Do đó, để đáp lễ “ Mai Thảo mặc áo thụng để đáp lễ vái lại Nguyên Sa”. Không, thư trước đã nói rõ sự việc trong toàn bộ khung cảnh: Không có chuyện Nguyên Sa mặc áo thụng. Mai Thảo trong những ngày tháng nhìn lại đã và còn đang nhìn lại bạn bè xưa, cuộc đời sáng tạo mênh mông như quê hương tự do thuở đó. Không có chuyện Mai Thảo “Mặc áo thụng vái Nguyên Sa để đáp lễ”. Luận cứ của Long và Nhân chỉ chứng minh rõ rệt hai người tập sự viết văn này đã áp dụng “suy luận loại suy “, nôm na là “suy bụng ta ra bụng người”. Một cách đáng thương hại.
Nhưng tôi xin được tiếp tục. Vì rằng mục tiêu bài văn này không phải chỉ là vạch ra những sai lầm của hai ông Long và Nhân.
Mười lăm tác giả mà Mai Thảo đề cập tới trên Văn, và Chân Dung, anh đã không đi theo một thứ tự nào, không chia ranh giới, không phân biệt trường phái, trẻ già. Với một lòng quí trọng bằng nhau. Lòng quí trọng là tình cảm, là “tình yêu, không phải là lý trí, không phải là phán đoán khách quan, càng không là những phán đoán lượng giá hống hách. Trong “Tựa” của Chân Dung, Mai Thảo viêt:”…Mọi chân dung đã được minh họa và dầu chỉ được minh họa từ những chất liệu của kỷ niệm và trí nhớ. Không bằng tài liệu văn học, bằng tác phẩm. Chân Dung giới hạn hiện hình với những tiếp nhận và dấu tích tiếp nhận chưa mờ xóa và tôi còn gìn giữ được, như một thân yêu mãi mãi trong lòng về mười lăm người bạn cùng thời. Mười lăm người bạn, một số còn gần, một số đã xa, và một số như Thanh Nam, như Vũ Hoàng Chương đã đi vào vĩnh viễn.”
Chân Dung đăng trên Văn, và trong sách không phải là phê bình văn nghệ, đó là thời gian tìm lại, là ngày tháng đồng hành, “là minh họa từ một lòng quý trọng đồng đều, quý trọng ở tôi sâu xa và không bao giờ thay đổi. Thế hệ trước thế hệ sau ở đây không phân ngôi, và chia giòng. Những không phân ngôi và chia giòng.”
Tôi nhìn thấy hồi ký trong chân dung, tôi nhìn thấy tùy bút Mai Thảo sáng rực trong bức tranh Vạn Hoa Niên ở lối vào của ngôi nhà Bình Nguyên Lộc. Tôi nhìn thầy Mai Thảo mang lại bài học lớn về những khác biệt hòa đồng của người quân tử đời xưa khi đề cập đến Vũ Hoàng Chương, đến Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Phạm Công Thiện, Nhã Ca, Nhật Tiến và chính tôi, với Mai Thảo là những khác biệt văn chương hết sức sâu xa, mỗi người là một ngọn riêng tư. Ở trong tận cùng khác biệt. Mai Thảo chỉ cho chúng tôi thấy: “cùng biển cùng trời”. Mai Thảo đã trong Chân Dung chẳng mặc áo thụng cũng không vái ai, mà chỉ đánh thức dậy hình ảnh tương đồng của những nhà văn nhà thơ cùng thời, “cùng một tâm thức giống nòi, một trí thức thời thế, một tình huống xã hội, một giai đoạn đất nước…” Mai Thảo nói rõ anh muốn thắp lại cái không khí văn học đứng vững những khác biệt trong tôn kính và thương yêu bằng hữu. “Nên cùng trời cùng biển.” Anh muốn gửi đi “cái không khí văn học một thời quây quần bằng hữu” đã trôi qua.
Hai ông Lê Hồng Long và Thiện Nhân, tôi không nghĩ rằng hai ông hiểu được tâm sự này của Mai Thảo. Hai ông “đi vào văn chương” không cầm cây bút nào mà chỉ cầm những nắm bùn hận thù trong tay, tôi không nghĩ rằng hai ông hiểu đươc tâm sự của một nhà văn nhìn lại đoạn đường đã qua, nhà văn viết hồi ký đời mình bằng cách vẽ chân dung của kẻ khác.
Lại phải nói chuyện
văn chương “MẶC ÁO THỤNG”
Thiện Nhân
Kính gửi tiên sinh Nguyên Sa Trần Bích Lan chủ nhiệm báo Đời
Kính thưa tiên sinh,
Tôi lấy làm ngạc nhiên là bài: “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” do tôi viết trên tạp chí Ngày Nay của ông Lê Hồng Long, ở Kansas, lại được tiên sinh đặc biệt quan tâm đến thế. Bài báo mà tác giả của nó, Thiện Nhân, một danh xưng tiên sinh bỉ thử “một tên tuổi không quen thuộc trên văn giới,” xuất hiện trên một tờ báo mà tiên sinh mục hạ đến tên họ của ông chủ báo cũng không biết, lại được một nhà thơ, nhà báo, nhà giáo “mặt nào cũng ngoạn mục” quan tâm đến phải viết thành một loạt bài để đáp lại, quả là một sự lạ. Nhưng nếu bất cứ ai đọc bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” của tôi, rồi lại đọc chỉ nội trang đầu bài “Mặc Áo Thụng” của tiên sinh, thì họ không chỉ ngạc nhiên, mà là kinh ngạc, kinh ngạc tột cùng, về cái khả năng nhận thức, cái phương pháp lập luận và nhất là cái “tư cách tiếp tục biểu lộ sự vênh váo rất buồn cười, rất hề” của một người ngót ba chục năm qua, dù ai có yêu hay ghét, cũng phải nhận là có khả năng viết rất khỏe, rất lẹ.
Lẽ ra chúng tôi chờ cho loạt bài “Mặc Áo Thụng” của tiên sinh chấm dứt mới có nhận xét, nhưng vì còn muốn giữ chút kính trọng đối với tiên sinh, nên đành phải mạo muội viết ít dòng này. Tiên sinh cứ tiếp tục viết “ Mặc Áo Thụng”, càng dài càng tốt, nhưng xin giữ tâm cho ngay, lý cho vững, lời cho cứng, đừng dùng xảo ngôn, lấy văn chương lòe loẹt mà che dấu yếu kém, dùng lời lươn lẹo mà bẻ queo sự thật, lấy cái vênh vang “được nhiều người biết đến” để che lấp cái nhược điểm của khả năng nhận thức và luận lý. Bởi vì, thưa tiên sinh, những cái đó không biểu lộ tư cách của một người đàng hoàng, lại càng bất xứng đối với một người tự cho là có tư cách “thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam” như tiên sinh.
Thưa tiên sinh, bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” của tôi, chỉ cần sự hiểu biết của một học sinh trung học cũng đủ nhận ra ý chính của nó. Nó nói về cái hoạt cảnh hề: “thi sĩ Nguyên Sa viết bài ca tụng văn sĩ Mai Thảo, rồi văn sĩ Mai Thảo viết bài ca tụng lại thi sĩ Nguyên Sa, rồi Nguyên Sa ca tụng thêm Mai Thảo, rồi hứng chí lên nói rằng bác với tôi mỗi người thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam Việt Nam”. Chắc tiên sinh sẽ vặn: “nếu hề thì cười chứ sao lại đả kích?” Thưa tiên sinh, nếu là Khả Năng và Phi Thoàn mà nói như thế, thì chúng tôi cười thật, cười thoải mái vô cùng, vì họ là những danh hề có chân tài, nhưng thi sĩ Nguyên Sa, văn sĩ Mai Thảo lại tính diễn cảnh diễu qua mặt danh hề, thì, thưa tiên sinh, độc giả chúng tôi có cười cũng không thoải mái!
Ý tứ bài báo của tôi rõ ràng, suông đuột như thế, một học sinh trung học cũng còn hiểu rất rõ, rất rành, mà nay nói rằng tiên sinh, một giáo sư triết học, đã từng dậy môn Luận Lý Học nhiều năm qua, lại không hiểu được, thì tôi thực có lỗi bất kính lớn. Thưa tiên sinh, thói thường đã trót lỡ lời, nếu bị bẻ thì né cho xong, nay tiên sinh cố ý lờ cái ý chính của bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” đi, thì hẳn tiên sinh có chỗ khổ tâm riêng. Nhưng tôi sở dĩ phải nói lại cho rõ ràng ở đây, là vì hậu ý của tiên sinh khi mở đầu loạt bài “Mặc Áo Thụng” trên báo Đời. Tiên sinh đã cố tình bóp méo ý bài của tôi, cố gây cho người đọc cái cảm tưởng là tôi đả kích việc tiên sinh và quý vị văn nghệ sĩ đi vấn an các vị cao niên hay bệnh hoạn. Thưa tiên sinh, đi thăm các bậc lão niên, các người bệnh tật, vào lúc cuối năm, là một mỹ tục, một truyền thống tốt đẹp của người Việt, ai cũng nên làm, ai cũng nên theo, chứ không phải chỉ riêng gì văn nghệ giới. Việc đó không có lý do gì tôi lại chê bai, lại đả kích. Tiên sinh còn cố gán cho tôi cái xấc xược đối với các văn nghệ sĩ cùng đi với tiên sinh để thăm các vị như Tô Văn, Mai Thảo, Thanh Nam… hàm cái ý là tôi bảo họ “vái” ông Mai Thảo. Thưa tiên sinh, tôi chỉ có nói, rất rõ ràng, là ông Nguyên Sa vái ông Mai Thảo, rồi ông Mai Thảo vái ông Nguyên Sa, rồi ông Nguyên Sa vái thêm ông Mai Thảo v.v.Tiên sinh đọc lại bài báo đi, giấy trắng mực đen còn rành rành đó, chối không được, mà bẻ queo cũng không được! Tiên sinh lờ cái ý chính của bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” đi thì được, nhưng lại cố tình gây sự thù ghét của người đọc, của các văn nghệ sĩ đối với tác giả của nó, thì thực không nên. Đó không phải là tư cách của một chính nhân, mà là tư cách của một kẻ “hàm huyết phún nhân,” thưa tiên sinh. Từ trước tới nay, tiên sinh vẫn luôn luôn đả kích việc chụp mũ người khác, coi đó là một đòn phép hèn hạ của kẻ tiểu nhân. Ngay như trong bài “Mặc Áo Thụng” tiên sinh cũng có phàn nàn về điểm này (“…tôi bị phường vô lại quấy phá hoài, chụp cho đủ thứ mũ từ suốt ba mươi năm nay…” (Đời số 38, tháng 11/85, trang 27, cột 2). Bài viết của tôi không hề đả động đến cái truyền thống tốt đẹp thăm viếng người già cả, bệnh tật, không hề công kích việc văn nghệ sĩ thăm nhau, cũng không hề bảo họ vái ông Mai Thảo, dĩ nhiên trừ tiên sinh, vậy mà tiên sinh lại nặn ra những ý đó và gán cho tôi, như thế có phải là tiên sinh đã “tặng” cho tôi cái mũ không? Tiên sinh lại còn nói trong bài “Mặc Áo Thụng” như sau “…tôi e rằng hai ông không những đã sai lầm, mà còn độc ác, tàn nhẫn.” Thưa tiên sinh, “sai lầm” thì xin để độc giả phán xét, giấy trắng mực đen, điều chúng ta viết ra không dễ gì chối cãi được, nhưng “độc ác, tàn nhẫn” thì nhất định là không. Tôi không hề xúi bẩy, kéo bè kéo cánh, để “đánh”, để “chửi” ai hết. Tôi là độc giả, đọc thấy cái lối văn huênh hoang, vênh váo, vỗ ngực là “thống lĩnh núi văn học” nó chướng quá thì nói, chỉ cốt ý mong các văn nghệ sĩ Việt Nam sáng tác những tác phẩm giá trị để cho chúng tôi thưởng thức, học hỏi, và tránh sản xuất những tác phẩm rỗng tuếch mà những kẻ mang nặng đầu óc bè phái cứ nhắm mắt tâng bốc nhau hoài. Nếu tiên sinh trách tôi đã dùng ngôn ngữ mỉa mai, châm biếm, thì tôi xin nhận, nhưng “độc ác, tàn nhẫn” thì nhất định không! Bốn chữ này xin trả lại tiên sinh. Cứ thực tâm mà nói, tiên sinh đã cố tình chụp lên đầu tôi cái mũ nói ở trên, thì với tâm địa đó, bốn chữ “độc ác, tàn nhẫn” đem trả lại tiên sinh là rất hợp lẽ. Tiên sinh có giận tôi cũng đành chịu, nhưng dám mong tiên sinh hoan hỉ nhận lại dùm.
Tiên sinh thừa hiểu rằng bút hiệu ký dưới một bài văn không thể phản ảnh nội dung của bài đó, bút hiệu cũng tuyệt nhiên không thể dùng để suy diễn về tâm tính hay tư cách con người. Phê bình một bài thì phải xét đến cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của những ý tưởng chứa đựng trong đó, chứ không thể xét cái bút hiệu lạ hay quen, rồi từ đó gán ghép cho bài văn những ý nghĩa, những thắc mắc lẩm cẩm đại loại như: “Bài viết ký tên Thiện Nhân không biết ông này có phải là “thiện nhân” không…” (Đời số 38, tháng 11/85, trang 25, cột 1). Tôi thật ngạc nhiên về thắc mắc ấu trĩ này, nhất là nó lại phát xuất từ ngòi bút của một người đã từng viết “phê bình văn học” trong ngót ba chục năm qua. Có thể bỉ thử cái tên Thiện Nhân, hay Văn Ổi, Văn Xoài là lạ hoắc, là vô danh tiểu tốt. Nhưng nếu thắc mắc không biết ông Văn Ổi có vừa ăn ổi vừa viết văn không, ông Văn Xoài có vừa sáng tác vừa gọt xoài không, thì thật là buồn cười! Nói ở trên sân khấu, làm trò hề cho khán giả coi thì được, nói trong văn chương phê bình thì thật là bất ổn. Thắc mắc về một bút hiệu, muốn tìm hiểu ý nghĩa của nó hoàn toàn để thỏa mãn trí tò mò thì được. Như tại sao ông Trần Khánh Giư lại lấy bút hiệu là Khái Hưng, ông Đái Đức Tuấn lại lấy bút hiệu là Tchya? Nhưng đem bút hiệu của người ta ra mà mỉa mai, mà che dấu lý luận yếu kém, mà đánh lạc hướng nhận xét của độc giả trong một cuộc tranh luận, thì thật là một kẻ non nớt. Trên hai chục năm nay, ai chẳng biết tiên sinh dùng bút hiệu Hư Trúc để “phê bình về văn học.” Thế mà chưa thấy ai chỉ trích việc tiên sinh lấy tên của một nhân vật “tâm phật,” không hề buồn ghét với cả kẻ thù, để ký dưới những bài báo chửi bới, lăng mạ hết người này, người nọ. Cũng chẳng thấy ai thắc mắc tâm hồn và thân thế của tiên sinh có giống như của Hư Trúc hay không.
Cũng về bút hiệu tôi xin lưu ý tiên sinh một điểm, tuy nhỏ nhưng rất hệ trọng đối với kiến thức và tư cách của một người cầm bút. Khi đối thoại với một người , kính trọng nhất thì nêu cả bút hiệu và họ tên của người ta ra, thí dụ “Nguyên Sa Trần Bích Lan.” Nếu chỉ biết họ tên, như là Lê Hồng Long thì nêu cả họ tên, coi thường thì nêu tên ông Long, ông Lan cũng được. Nếu người ta dùng bút hiệu, thì chỉ còn chọn lựa duy nhất là nêu nguyên vẹn bút hiệu của người ta ra. Như Thiện Nhân thì gọi là “Thiện Nhân” chứ không thể gọi là “ông Nhân” được. Từ xưa tới nay chưa thấy ai gọi Tản Đà là ông Đà. Khái Hưng là ông Hưng. Ngay đến Mai Thảo và Nguyên Sa cũng không ai gọi là ông Thảo hoặc ông Sa cả. Thưa tiên sinh, một kẻ tên tuổi không quen thuộc trong văn giới như Thiện Nhân chẳng hạn, viết thế sẽ bị chê là dốt nát. Nhưng là một nhà văn hóa đã “thành danh” có thể tự nhận là thống lĩnh một ngọn núi văn học như tiên sinh, thì tôi không hiểu tại sao tiên sinh đã viết đi viết lại “ông Long” và ông “Nhân” khá nhiều lần. Tôi nói những điều trên tuyệt nhiên không vì phiền lòng chuyện tiên sinh bỉ thử cái tên Thiện Nhân, mà vì không ngờ một nhà văn nhà báo như tiên sinh lại có thể viết được như vậy.
Bây giờ thì chắc tiên sinh biết Thiện Nhân và Lê Hồng Long là hai kẻ khác nhau, nhưng biết hay không biết thì sự đồng hóa Thiện Nhân và Lê Hồng Long cũng vẫn là một sự đồng hóa… nực cười, trong một bài viết để tranh luận. Bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” đã ký tên Thiện Nhân, thì cứ Thiện Nhân mà phê phán, mà trách cứ, hà cớ phải gán ghép, phải đồng hóa nó với người này người nọ? Cái chuyện giận cá chém thớt tiên sinh đã dùng ở Việt Nam trước kia, xin đừng diễn lại ở hải ngoại nữa, vì nó không đẹp đẽ gì! Nó chỉ biểu lộ tâm tính quay quắt, không xứng với địa vị và văn tài của tiên sinh đâu. Tôi muốn nhắc lại chuyện trước đây tiên sinh đã hạ nhục Trần Phương Giao là “sa đích văn nghệ” chỉ vì họ Trần đã “dám” (!) để cho Lê Ngọc Trụ chê thơ của tiên sinh trong mục điểm sách của báo Văn. Là độc giả theo dõi loạt bài của tiên sinh, thú thật, tiên sinh cáo buộc Trần Phong Giao là sa đích văn nghệ, mà chúng tôi, bàng quan đứng coi, thì lại cứ có nhận xét hoàn toàn trái ngược! Vậy xin tiên sinh hãy để riêng ông Lê Hồng Long ra trong vụ “Mặc Áo Thụng” này, xin cứ một tên Thiện Nhân mà nhắm là đủ, xin đừng để lịch sử về sa đích văn nghệ tái diễn một lần nữa!
Mở đầu bài viết “Mặc Áo Thụng” tiên sinh còn bỉ thử những bài viết trên Ngày Nay là nội dung và mục đích giống như “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau.” Tôi không tin thế, nhưng tôi thực áy náy đối với các vị có bài đăng trên Ngày Nay, vì bài của tôi mà bị vạ lây. Tôi xin trách tiên sinh, đã là một giáo sư dạy Luận Lý Học lâu năm, sao lại dùng cái lối suy luận “quy nạp phóng đại” như thế? Xin thưa thực với tiên sinh, tôi chỉ là một độc giả, ao ước thấy những bài báo có giá trị để mà thưởng thức, mà học hỏi điều hay. Nay thấy cái hoạt cảnh các vị thành danh cứ vái đi vái lại nhau, nó trái mắt quá, mà chẳng thấy ai lên tiếng, nếu cứ để chuyện đó diễn đi diễn lại thì thật tai hại cho văn học Việt Nam. Cực chẳng đã phải đánh bạo viết đôi lời.
Với tư cách là người đọc, đọc cả Ngày Nay và Đời, tôi xin góp vài lời về hai tờ báo, tuyệt nhiên không có ý mặc áo thụng vái ông Lê Hồng Long, cũng không cay cú mà chê ông Nguyên Sa đâu. Báo Đời bìa in offset nhiều mầu thật lỗng lẫy, thật tuyệt, hơn hẳn nhiều báo, trong đó có Ngày Nay. Đó là một chút về hình thức. Về nội dung, thì chỉ xin đề cập đến một điểm bất lợi cho báo Đời sau đây. Độc giả chúng tôi mua báo về với hai mục đích: vừa đọc để giải trí, để tăng thêm kiến thức, vừa để cho con cháu đọc mà học hỏi thêm về ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt, và nhất là mong cho chúng hấp thụ được cái đạo đức tốt đẹp của người Á Đông qua báo chí. Nhưng trên báo Đời của tiên sinh có rất nhiều bài nội dung đáng dán nhãn hiệu 3X. (Xin độc giả hiểu cho 3X là lối ghi vắn tắt của “porno”, chứ không phải 3X là 3 xu, kẻo chúng tôi mang tiếng xúc phạm tiên sinh Trần Bích Lan). Con cháu chúng tôi nếu đọc phải những bài đó, dù khả năng ngôn ngữ hay văn chương Việt của chúng có tăng tiến được đôi phần, thì chút đạo đức cổ truyền mong manh, còn sót lại trong chúng, sẽ tiêu tan hết! Thưa tiên sinh, không biết tiên sinh có dám đưa những bài báo như thế cho quý phu nhân, hay các quý ái nữ đọc không, chứ đối với vợ con chúng tôi, chúng tôi xin chịu!
Tôi nói có chứng, chứ không hàm hồ, nếu tiên sinh không tin thì xin cứ đọc lại những bài như “Một Nghìn Lẻ Một Vấn Đề”, hay “Trang Phụ Nữ”,v.v.. là thấy ngay, chúng tôi thực không dám trích dẫn lên đây sợ làm phiền bạn đọc. Nói cho ngay, mua tờ Ngày Nay, bài viết có hay hoặc dở thì cũng còn dám đem về nhà cho con cháu đọc, chứ tờ Đời thì thực đem về không biết phải dấu ở đâu! Thưa tiên sinh, tiên sinh đã là một nhà văn, nhà thơ thành danh, một nhà mô phạm giảng dạy rất hùng hồn về “đạo đức học,” nay trong khi chúng ta đang cổ súy việc bảo tồn ngôn ngữ, đạo đức Việt, tiên sinh lại cho đăng những bài có nội dung thiếu lành mạnh như thế, đều đều trên báo Đời, thì thực là một điều không tốt, một thiệt thòi cho độc giả chúng tôi. Lời góp ý nêu trên, nếu có làm cho tiên sinh bực mình thì cũng xin tiên sinh hỉ xả cho, vì là một lời chân tình.
Kính thưa tiên sinh, chúng tôi còn nhiều điều muốn nói, muốn thưa chuyện với tiên sinh, nhưng vì loạt bài “Mặc Áo Thụng” của tiên sinh còn đang tiếp diễn, nên xin dành lại để để hầu tiếp tiên sinh về sau.
Mong được tiếp tục đọc bài “Mặc Áo Thụng” của tiên sinh, càng dài, càng lâu, càng tốt, để chúng tôi có dịp được học hỏi, được nhận chân những lý luận, được thấy rõ chân phẩm cách của một nhà văn hóa đã thành danh, đã tự cho là có thể thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam Việt Nam.
Kính chúc tiên sinh thân tâm thường an lạc, sức khỏe vững bền, tinh thần tinh tiến.
Kính,
Thiện Nhân (Tháng 11/85)
MẶC ÁO THỤNG (3)
Nguyên Sa
Mai Thảo và Vũ Hoàng Chương
Mai Thảo mở đầu loạt bài Chân dung trên tạp chí Văn bằng Vũ Hoàng Chương, bài văn cũng được dùng để mở đầu cuốn sách có tên là Chân Dung, mang lại cho người đọc kỷ niệm của chủ nhiệm Sáng Tạo lúc trước và Văn bây giờ về 15 tác giả.
Mai Thảo gọi Vũ Hoàng Chương là “sao Bắc đẩu”, Vũ Hoàng Chương không phải chỉ là một ngọn núi. Ngọn núi cao thì có núi cao hơn. Nhà thơ, với Mai Thảo, cũng không phải là một ngôi sao. Không phải là môt ngôi sao sáng chói. Lời khen tặng này cũng chưa đủ. Ngôi sao sáng chói, có ngôi sao chói lọi hơn. Không ngọn núi nào có thể cao hơn Vũ Hoàng Chương. Không ngôi sao nào có thể cao hơn tác giả Mây và Thơ Say. Ông là sao Bắc đẩu. Vũ Hoàng Chương ngã xuống là Bắc đẩu tắt đi trong trời thơ.
Mai Thảo viết “Ông mất đi sự mất mát càng lớn vì thế. Trong một tuyệt vọng ý thức hơn là một đau đớn thường tình, tôi trở về chỗ ẩn đêm đó dưới trời mưa. Trời mưa đã dứt. Nhìn lên, những vì sao lác đác. Nhưng trời thơ Việt Nam đêm đó tối tăm. Chỉ còn lại một ngôi sao Bắc đẩu và Bắc đẩu cũng đã tắt. Với Mai Thảo, Vũ Hoàng Chương “muôn đời hơn chúng tôi, “thơ” và thi sĩ (vẫn hiểu theo tinh thần Đông Phương muôn đời) vẫn hơn chúng tôi. Nên thể hiện được trước định mệnh chân lý đơn giản mà ký ảo này: bản ngã đạt tới đại thành là một bản ngã bất khả xâm phạm, bất khả hủy diệt. Một bản ngã cõi biếc. Không gợn. Không bợn.” Mai Thảo rất rõ ràng: mọi người có thể làm thi sĩ. Vũ Hoàng Chương là thi bá. Anh có thể là ngôi sao. Tôi cũng muốn gọi anh là ngôi sao sáng chói. Vũ Hoàng Chương là Bắc đẩu, Mai Thảo có thể gọi bạn là sự chấn động. Là một thăng hoa. Hơn thế nữa, bạn là thiên tài. Nhưng Vũ Hoàng Chương là một thiên tài siêu việt. Thi sĩ là sự thăng hoa, nhưng chính sự thăng hoa đặc biệt mới là Vũ Hoàng Chương, Thiên tài Vũ Hoàng Chương là sự “thăng hoa kết tinh mọi thăng hoa của giống nòi và đồng loại, trong một.” Những đứa bước vào thế giới văn chứng có bút hiệu trước khi có tác phẩm, những kẻ có chủ trương “đánh đấm” những người có tên tuổi để nổi danh, những thằng ghen tức, những loài bò sát nhìn ngọn cỏ thấy rừng cây, lấy vũng bùn làm biển lớn sẽ bực bội, sẽ bất bình giả, diễu võ dương oai hò hét “Mai Thảo Mặc Áo Thụng.” Mai Thảo vái Vũ Hoàng Chương.” Những tên tập sự phù thủy sẽ mặc vội lấy chiếc áo ngự sử bằng giấy báo thẳng tay chỉ vào mặt Mai Thảo.
Chúng sẽ nói đại khái như Mai Thảo đã xem thường tất cả những thi sĩ lẫm liệt của văn chương Việt Nam của những thời đại trước, những tiền nhân của chúng ta. Chúng ta có Cao Bá Quát bước lên đoạn đầu đài mang theo cả thơ, cả thi sĩ, cả thiên tài và cái nhìn xuống phía dưới. Chúng ta có Nguyễn Khuyến lỗi lạc. Chúng ta có Hồ Xuân Hương lừng lẫy, Hồ Xuân Hương thiên tài. Không ai có thể bỏ quên Trần Tế Xương phá vỡ mọi đóng khuôn xã hội. Bầu trời cao của thi ca Việt Nam có nhiều ngôi sao. Không thể nói chuyện sáng hơn, sáng kém. Nếu nói chuyện sao Bắc đẩu thì bầu trời đó là hội tụ của Bắc đẩu chứ không phải là hiện diện của một thôi. Nói chuyện thăng hoa, nói sự kết tinh của giống nòi trong một, bỏ quên toàn diện những kết tinh khác, Mai Thảo phải chăng đã quyết đoán, đã chủ quan? Mai Thảo đã không phải chỉ “mặc áo thụng vái Vũ Hoàng Chương mà ông còn xì xụp lễ nhà thơ họ Vũ.
Đối chiếu thi ca của Vũ Hoàng Chương với những người cùng thời của ông như Đinh Hùng, như Trần Dần, như Lưu Trọng Lư, như Thế Lữ, như Xuân Diệu, Huy Cận, như Văn Cao, như Phùng Quán và gần chúng ta hơn, như Nguyễn Chí Thiện, nói chuyện chỉ có một Bắc đẩu, còn lại là đêm đen, nói chuyện thi sĩ và thi bá, nói chuyện giống nòi và nhân loại kết tinh trong một cũng là một cuộc lễ bái xì xụp khác.
Mai Thảo nói đúng. Trong suốt hai mươi năm văn chương miền Nam, tôi chỉ đi cùng trong một phạm vi nào đó, với Mai Thảo, trong hai năm đầu. Khoảng thời gian 57 – 58. Sau đó chúng tôi đứng ở những vị trí văn chương khác nhau, chúng tôi gần như không có cả cơ hội gặp nhau. Sự khác biệt giữa chúng tôi, nhiều lúc có cả sắc thái đối nghịch, mà thật ra chỉ là sự khác biệt trong kính trọng lẫn nhau. Nếu Mai Thảo cho rằng “lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa” là Bắc đẩu còn “rượu ngon không có bạn hiền…”, “ba hồi trống dục đù cha kiếp…”, “gậm một khối căm hờn trong cũi sắt…” chỉ là những đêm đen, tôi sẽ nói tôi không đồng ý với Mai Thảo. Không thể nói “Mười hai tháng sáu” hơn hay kém Hàn nho phong vị phú. Khóc Dương Khuê, Thăng Long Thành, Hoài Cổ, Lửa Thiêng , Gửi Hương Cho Gió…Nhân Văn Giai Phẩm của những người “dùng dao chép thơ lên đá” là một thế giới hành tinh khác. Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, những cõi riêng. Không ai, không bao giờ nên so sánh Thơ Say của Vũ Hoàng Chương và những bài thơ làm trong ngục tối của Nguyễn Chí Thiện. Mỗi thơ là một cõi khác. Tôi đã cùng với những anh em cầm bút đi thăm tất niên nhà văn yêu quý của chúng ta và tường thuật lại buổi thăm viếng đó, tôi vẫn sẵn sàng trình bầy những ý kiến khác biệt về văn chương của tôi với Mai Thảo, như tôi đã trực tiếp làm trong ba mươi năm qua. Tôi sẽ không ngần ngại nói với Mai Thảo là bàu trời thi ca Việt Nam mà tôi ngưỡng mộ không phải chỉ có một ngôi sao Bắc đẩu.
Nhưng tôi đã đọc kỹ bài văn của Mai Thảo viết về Vũ Hoàng Chương. Tôi đã dừng lại ở “thiên tài”, ở “thăng hoa”, ở “kết tinh của giống nòi và đồng loại, trong một”, ở “sao Bắc Đẩu’, và “đêm đen”, không một phút nào tôi cảm thấy Mai Thảo “mặc áo thụng” vái Vũ Hoàng Chương, càng không thấy anh “lễ xì xụp”. Tôi nhớ lại ngày tôi nghe tin thi sĩ Vũ Hoàng Chương từ trần tôi cảm thấy như bốn phía có nứt rạn, tôi thấy có xụp đổ to lớn nào xẩy ra ở trên cao, tuốt phía cuối chân trời, và cùng khắp chung quanh tôi. Tối hôm đó, tôi thấy trời tối hơn, đêm hiển hiện đen vô cùng. “chỉ còn một ngôi sao Bắc đẩu cũng đã tắt. “Mai Thảo đã diễn tả dùng cả nỗi bàng hoàng của chính tôi khi nghe tin dữ, và đêm đó
Bạn đọc viết ((báo Đời số 40)
Không đồng ý với Nguyên Sa
Gần đây, và cả hiện nay, chúng tôi cũng như độc giả Đời và quý vị trong văng giới đều nhận thấy nhà thơ Nguyên Sa nhọc lòng giải thích những sự việc văn chương với một người cũng như tôi, có bút hiệu, nhưng chưa viết lách gì cả, chẳng có tác phẩm nào cả, ký tên Thiện Nhân.
Tôi thấy việc làm này của nhà thơ là quá nhân đạo.
Nói chuyện thì phải chọn người mà nói, chứ không thể bất cứ đứa vô danh tiểu tốt nào mình cũng phải lên tiếng. Tôi thấy ông Mai Thảo giữ thái độ im lặng là khinh bỉ đối với bọn này là đúng quá. Nhà thơ Nguyên Sa là một nhà giáo trước kia, cho nên ông bị méo mó nghề nghiệp, thấy đứa càng ngu dốt ông càng thương sót, lấy điều phải quấy để chỉ giáo, răn dậy. Nhưng ông nhầm to rồi ông ơi. Cuộc đời di tản này không phải là ngôi trường Chu Văn An năm xưa đâu, tuy nghịch phá mà hiền hòa thân ái…Đây là cuộc đời tỵ nạn lưu vong, chẳng còn tôn ti trật tự gì nữa. Những anh trốn động viên bỏ mẹ cũng khoe huy chương cùng mình, những chú lính cậu chưa tốt nghiệp Quang Trung hôm nay lên trung tá, đại tá ráo trọi rồi. Trong phạm vi văn chương báo chí cũng vậy. Thơ cạo thơ hồ cũng ra báo loạn cào cào. Và chiến thuật của bọn này là nhè các nhà văn tên tuổi chửi tưới hạt sen. Rồi vênh váo “tao đánh cả ông Nguyên Sa lẫn ông Mai Thảo…”
Với bọn này, chiến thuật tốt nhất là giữ im lặng. Nhà văn Nhật Tiến quyết định giữ im lặng. Nhà văn Mai Thảo cũng giữ im lặng. Cả nước tỵ nạn chúng tôi đều hiểu rằng các nhà văn này khi quyết định không thèm trả lời bọn “nhà văn lập nghiệp bằng chửi bới” này đã biểu lộ ý nghĩa rõ ràng: các chú muốn bám vào tên tuổi chúng tôi để nổi tiếng , các chú chỉ là những tên đáng khinh bỉ”. Cả nước khinh bỉ bọn “làm nên sự nghiệp văn chương “bằng phương thức đó.
BTT
Hiền nhân xuống núi
Gửi Tạp Chí Đời
Tôi là hiền nhân, muốn tu luôn trên núi nhưng thấy đời có nhiều chuyện…cần phải nói, nên nhờ quý báo cho mượn chút xíu đất để phát biểu ý kiến.
Gần đây có ông Thiện Nhân trên tờ báo Ngày Nay, than phiền về việc bút hiệu của ông Lê Hồng Long… là Lê Hồng Long mà sao ông Nguyên Sa lại gọi là Ông Long, và ông Nhân.
Tôi thấy mấy ông này khó quá.
Bút hiệu cũng như văn bằng, có loại tiến sĩ thiệt và…tiến sĩ giấy. Tôi có thằng con tôi đặt tên nó là Nguyễn Bác Sĩ, nhưng nó học dốt kinh khủng, bây giờ đi làm…tả lourt. Nó cứ giận người ta sao không gọi nó là ông Sĩ. Nó là Bác Sĩ…khai sinh, nhưng tiếc thay không phải là bác sĩ…trường thuốc, thì nó có giận cũng đành chịu, không ai, dù cả chính đào của nó, cũng không chịu gọi nó là…đốc tưa!…Thằng khỉ này rất chướng, nó đúng là con khỉ chướng, nó đúng là con khỉ. Đi làm sở Mỹ nó dịch tên nó là John Doctor, và cứ bắt bạn Mỹ gọi là Doctor, không cho gọi là John. Xếp Mỹ thường gọi nhân viên bằng tên nhỏ, cho nó thân ái. Họ gọi nó là John, nó phản đối, kêu tên tôi là Doctor. Mỹ phì cười cho nó nghỉ việc, không bồi thường vì bệnh…tâm thần. Nó hận đời đen bạc, bèn đi in danh thiếp rõ ràng:
Nguyễn Bác Sĩ.MD.
Khi có hai chữ MD là medical Doctor mà chính mình không phải là Y Khoa bác sĩ thì bị truy tố tội tiếm danh. Thằng nhỏ bị ra tòa, may mà có hồ sơ bệnh tâm thần nên được xử trắng án, vì bệnh tật. Trong làng văn trận bút xưa nay không phải hễ cứ có bút hiệu là liền trờ thành…văn thi sỡi. Phải có tác phẩm nữa. Các ông Lê Hồng Long và Thiện Nhân không có tác phẩm nào cả. Chưa ai thấy các tên hiệu này trên một tác phẩm văn xuôi hay văn vần nào. Một khi có tác phẩm thì người có tên hiệu thường được gọi bằng tên hiệu. Cho nên chúng ta gọi Mai Thảo là Mai Thảo chứ không gọi là ông Thảo. Chúng ta gọi tác giả Đoạn Trường Thanh là Nguyễn Du, không ai gọi là ông Du. Nhưng những người không thực sự làm nghề viết văn, thì dù có là Tổng Thống ta cũng gọi là ông Diệm, ông Thiệu không có gì là thiếu lễ độ, trái lại rõ ràng là trúng phép lịch sự. Còn nếu như gọi là Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu chả có ông có cụ gì cả thì có hơi lạnh lùng. Đến khi gọi là Diệm hay Thiệu thì có hơi nặng…Trường hợp hai ông Lê Hổng Long và Thiện Nhân chúng ta gọi là ông Thiện Nhân, hay ông Nhân đều rất trúng cách. Vì ông này chỉ là “nhà văn mới có bút hiệu”, ông Lê Hồng Long ta gọi là “ông Lê Hồng Long” hay “ông Long” đều lịch sự, rất tốt. Không nên gọi là “Lê Hồng Long” trơn. Còn Nguyễn Đình Toàn, Nhật Tiến, Hoàng Anh Tuấn thì gọi là ông Toàn, ông Tiến, ông Tuấn thì không đúng vì các ông này có viết văn làm thơ thật sư.
Tôi không hiểu các ông Nhân và ông Long còn buồn phiền cái nỗi gì. Sang đến nước Mỹ này, các ông nhẩy phóc một cái lên làm chủ báo, làm “nhà văn”, bút hiệu mới lại báo chí tùm lum, còn muốn gì. Chẳng lẽ bắt chúng tôi gôi là “kính thưa văn hào Thiện Nhân hay sao?” Vừa thôi chứ! Đã đành sang đây có nhiều vị binh nhì khai là thiếu tướng, các ông có quyền so sánh là các ông lên…chậm! Nhưng mỗi nghề mỗi khác, nóng không được. thưa hai ông Long và Nhân. Lại nữa, tôi thấy các nhà văn nhà thơ thường gọi nhau có một chữ cũng là thường, còn có vẻ âu yếm là đàng khác. Cụ Nguyễn Khuyến gọi cụ Dương Khuê là bác Dương…có thấy ai kêu ca gì đâu. “Bác Dương Khuê thôi đã thôi rồi…” thì thừa một chữ, trông như thừa một…mũi kim, kỳ lắm!…
Nhà văn Mạc Đỗ có lần gọi Vũ Khắc Khoan là Khoan, lần khác gọi là Vũ, Nguyên Sa vẫn gọi các thi sĩ bạn là Từ, khi nói về Trần Dạ Từ, Uyển khi nói về Trần Đức Uyển. Lê khi nói về Du Tử Lê. Sự xưng hô này chỉ nói lên ý nghĩa có tình yêu lồng trong sự kính trọng…
Đã đành tôi biết hai ông Nhân và ông Long, không có tác phẩm nào cả cho nên đã bị mặc cảm. Tôi cũng vậy, tôi là Hiền Nhân, mới là “văn sĩ…hiệu”. Tức là mới mở cửa hiệu… khai tên văn sĩ. Mà chưa viết văn. Bài đầu tiên của tôi là bài nói chuyện với ông Nhân và ông Long hai “bạn văn” cũng thuộc loại “có bút hiệu tức là văn sĩ” như tôi. Tôi rất thông cảm. Nhưng dám mong hai bạn bớt nóng. Chẳng bao lâu các bố già Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa…cũng chết hết cả. Văn đàn chỉ còn lại chúng ta. Chúng ta cùng với L.T. bên miền Đông, chia nhau chiếu trên chiếu dưới, lo gì!…
Kinh thư,
Hiền Nhân
VĂN CHƯƠNG “ MẶC ÁO THỤNG VÁI NHAU”
Hồ sơ Nguyên Sa
Thiện Nhân
Trên Ngày Nay số 50 chúng tôi có cho đăng tải bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” của ông Thiện Nhân phê bình về thái độ cầm bút của nhà văn Mai Thảo – chủ nhiệm tạp chí Văn-, và nhà thơ Nguyên Sa – chủ nhiệm tạp chí Đời.
Ngày đó, ông Thiện Nhân chưa phải là cây bút cộng tác thường xuyên với Ngày Nay, và bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” là bài đầu tiên ông gửi cho Ngày Nay. Phải nói rõ như thế để thấy rằng Ngày Nay không phải là người chủ động trong vụ “Văn Chương Áo Thụng Vái Nhau.” Nhưng chúng tôi hoàn toàn tán đồng thái độ của ông Thiện Nhân trong vụ này.
Để phản ứng lại bài phê bình của ông Thiện Nhân, một bài nhặn, dẫn chứng cụ thể, thái độ rất chính nhân quân tử, ông Nguyên Sa đã sử dụng những tiểu xảo và ngôn từ làm thất vọng những người đã một thời – trong đó có tôi – yêu mến, tác giả “Tuổi 13, Paris có gì lạ không em, Áo lụa Hà Đông…” Vì đuối lý, ông Nguyên Sa đã giả vờ làm anh chàng nghễnh ngãng. Ông đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà ông Thiện Nhân phê bình, lại đi lôi cá nhân chủ nhiệm Ngày Nay ra chụp mũ, bôi bẩn đủ điều rất ư là thiếu tinh thần văn nghệ.
Thực lòng, chúng tôi không buồn phiền gì ông Nguyên Sa cả. Bởi vì chúng tôi thông cảm với ông, trong cơn thảng thốt nên đã “lạng quạng đường đao.” Chúng tôi chỉ tiếc cho ông, một nhà thơ, một nhà giáo, một nhà báo đã thành danh, chỉ vì một bài báo của ông Thiện Nhân mà ông đã hành động thiếu cái “sứ mạng cao cả của người đi học cầm bút” (1).
Cũng như ông Thiện Nhân, chúng tôi nhận thấy cuộc đối thoại với ông Nguyên Sa không còn cần thiết nữa vì nó không hữu ích cho người đọc, nên tự ý chấm dứt kể từ sau số báo này, cho dù ông Nguyên Sa còn tiếp tục làm những việc như ông đã làm.
Trước khi chấm dứt, để độc giả có dịp thấy rõ việc làm của chúng tôi và ông Nguyên Sa qua vụ Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau, chúng tôi cho đăng lại toàn bộ những bài của ông Thiện Nhân đã viết về hai ông Nguyên Sa và Mai Thảo. Và ngược lại, chúng tôi cũng cho đăng lại tất cả những bài của ông Nguyên Sa đã viết cũng như những bài mà ông gọi là “thư độc giả” của ông.
Chúng tôi khuyên ông Nguyên Sa nên noi gương chúng tôi, cho đăng lại toàn bộ và nguyên văn những bài liên quan đến vụ Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau, để độc giả báo Đời phán xét. Bởi vì chỉ có độc giả (độc giả chân chính) mới là người trọng tài công minh nhất.
LÊ HỒNG LONG
Chủ nhiệm/chủ bút
Tạp chí Ngày Nay
- VĂN CHƯƠNG “ MẶC ÁO THỤNG VÁI NHAU”
Hồ sơ Nguyên Sa
Trên Ngày Nay số 50 chúng tôi có cho đăng tải bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” của ông Thiện Nhân phê bình về thái độ cầm bút của nhà văn Mai Thảo – chủ nhiệm tạp chí Văn-, và nhà thơ Nguyên Sa – chủ nhiệm tạp chí Đời.
Ngày đó, ông Thiện Nhân chưa phải là cây bút cộng tác thường xuyên với Ngày Nay, và bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” là bài đầu tiên ông gửi cho Ngày Nay. Phải nói rõ như thế để thấy rằng Ngày Nay không phải là người chủ động trong vụ “Văn Chương Áo Thụng Vái Nhau.” Nhưng chúng tôi hoàn toàn tán đồng thái độ của ông Thiện Nhân trong vụ này.
Để phản ứng lại bài phê bình của ông Thiện Nhân, một bài nhặn, dẫn chứng cụ thể, thái độ rất chính nhân quân tử, ông Nguyên Sa đã sử dụng những tiểu xảo và ngôn từ làm thất vọng những người đã một thời – trong đó có tôi – yêu mến, tác giả “Tuổi 13, Paris có gì lạ không em, Áo lụa Hà Đông…” Vì đuối lý, ông Nguyên Sa đã giả vờ làm anh chàng nghễnh ngãng. Ông đã không trả lời thẳng vào vấn đề mà ông Thiện Nhân phê bình, lại đi lôi cá nhân chủ nhiệm Ngày Nay ra chụp mũ, bôi bẩn đủ điều rất ư là thiếu tinh thần văn nghệ.
Thực lòng, chúng tôi không buồn phiền gì ông Nguyên Sa cả. Bởi vì chúng tôi thông cảm với ông, trong cơn thảng thốt nên đã “lạng quạng đường đao.” Chúng tôi chỉ tiếc cho ông, một nhà thơ, một nhà giáo, một nhà báo đã thành danh, chỉ vì một bài báo của ông Thiện Nhân mà ông đã hành động thiếu cái “sứ mạng cao cả của người đi học cầm bút” (1).
Cũng như ông Thiện Nhân, chúng tôi nhận thấy cuộc đối thoại với ông Nguyên Sa không còn cần thiết nữa vì nó không hữu ích cho người đọc, nên tự ý chấm dứt kể từ sau số báo này, cho dù ông Nguyên Sa còn tiếp tục làm những việc như ông đã làm.
Trước khi chấm dứt, để độc giả có dịp thấy rõ việc làm của chúng tôi và ông Nguyên Sa qua vụ Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau, chúng tôi cho đăng lại toàn bộ những bài của ông Thiện Nhân đã viết về hai ông Nguyên Sa và Mai Thảo. Và ngược lại, chúng tôi cũng cho đăng lại tất cả những bài của ông Nguyên Sa đã viết cũng như những bài mà ông gọi là “thư độc giả” của ông.
Chúng tôi khuyên ông Nguyên Sa nên noi gương chúng tôi, cho đăng lại toàn bộ và nguyên văn những bài liên quan đến vụ Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau, để độc giả báo Đời phán xét. Bởi vì chỉ có độc giả (độc giả chân chính) mới là người trọng tài công minh nhất.
LÊ HỒNG LONG
Chủ nhiệm/chủ bút
Tạp chí Ngày Nay
Thư gửi NGUYÊN SA
Thiện Nhân
Kính gửi tiên sinh
Nguyên Sa Trần Bích Lan
Chủ nhiệm báo Đời
Kính thưa tiên sinh,
Trong lá thư kỳ trước, tôi viết gửi cho tiên sinh, đăng trên Ngày Nay số 52, tháng 12/85, tôi đã nêu một số vấn đề tôi không đồng ý với tiên sinh sau khi đọc bài “Mặc Áo Thụng” kỳ I của tiên sinh đăng trên báo Đời số 38, tháng 11/85. Lá thư đó được in ra cùng thời với bài “Mặc Áo Thụng” kỳ hai của tiên sinh, trên báo Đời số 39, vì vậy “Mặc Áo Thụng” kỳ 2 chưa phản ảnh những gì do lá thư của tôi mang lại. Trong lá thư đó tôi yêu cầu tiên sinh cứ tiếp tục viết “Mặc Áo Thụng” nhưng xin giữ “tâm cho ngay, lý do vững, lời cho cứng” để tôi có dịp thấy rõ, được dịp học hỏi thêm về lý luận, và được thấy rõ chân phẩm cách của một nhà văn hóa đã thành danh, đã tự nhận là “Thống lĩnh một ngọn núi văn học miền Nam.” Quả thực tôi đã thấy rõ được đôi điều.
Thứ nhất: Tiên sinh đã tiếp tục viết “Mặc Áo Thụng” và có khuynh hướng còn tiếp tục lâu dài. Trong “Mặc Áo Thụng” kỳ 2, tiên sinh giới thiệu việc Mai Thảo cho in cuốn “Chân Dung”. Tiên sinh có đi lạc đề hơi xa, nhưng không sao, vì người đọc được biết thêm một tin vui về văn hóa là sau mấy năm sống nơi quê người, cuối cùng nhà văn Mai Thảo đã sản xuất được một tác phẩm “vẽ” lại chân dung bằng hữu của ông! Trong “Mặc Áo Thụng” kỳ 3, Tiên sinh theo chân ông Mai Thảo để nói về Vũ Hoàng Chương. Cũng lại lạc đề hơi xa, nhưng cũng không sao, vì Vũ Hoàng Chương là một trong những nhà thơ lớn của văn học VN cận đại, đáng nên ca tụng. Cuốn “Chân Dung I” nói về 15 tác giả, trong đó có tiên sinh. Nếu tiên sinh cứ tuần tự theo chân Mai Thảo để tô điểm cho mỗi nhân vật trong “Chân Dung I” thì độc giả còn hy vọng được đọc “Mặc Áo Thụng” dài dài. Độc giả có dịp được coi một hoạt cảnh mới: Ông Mai Thảo đi trước, cầm bút vẽ lại chân dung của các nhà làm văn hóa, ông Nguyên Sa “Mặc Áo Thụng” lẽo đẽo theo sau tô điểm thêm, rồi lâu lâu quay mặt đi chỗ khác, ngừng tô điểm thêm, và chửi xéo tên Thiện Nhân một vài câu. Kể cũng vui! Xin tiên sinh đừng bẻ queo ý tưởng của tôi ở đây, như tiên sinh đã từng làm, mà bảo tôi đả kích cuốn “Chân Dung I”( thưa tiên sinh cho tới nay tôi chưa được đọc cuốn đó!), hay chỉ trích việc ông Mai Thảo ca tụng những nhà văn hóa đã thành danh. Tôi chỉ muốn nói cảnh một ông “thống lĩnh” mặc áo thụng lẽo đẽo theo chân ông thống lĩnh bạn nó vui vui, là lạ vậy thôi.
Đã tự nhận là “thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam” thì lẽ ra phải hách lắm, nói năng, hoạt động phải tự chủ, tự tin lắm, chứ đâu phải cố níu kéo ông bạn mình vào cuộc, để cùng đi cho nó có “bè,” như trường hợp tiên sinh lôi kéo ông Mai Thảo vào vụ “Mặc Áo Thụng” này!
Thứ hai: Tuy loạt bài “Mặc Áo Thụng” của tiên sinh chưa chấm dứt, nhưng với ba bài đầu, nhất là bài “Mặc Áo Thụng” kỳ 3, tôi đã thấy rõ được lý luận và chân phẩm cách của tiên sinh. Việc đọc tiếp “Mặc Áo Thụng” trở thành không cần thiết. Kiến thức như thế, thì dầu tiên sinh có viết một trăm bài “Mặc Áo Thụng” nữa, nó cũng vẫn chỉ… như thế! Nó vẫn chỉ… Nguyên Sa như thế! Như thế là… như thế nào thì tôi sẽ xin trình bày trong phần cuối của lá thư này. Trước hết hãy xin lược qua một số điều tôi không đồng ý với tiên sinh trong hai bài “Mặc Áo Thụng” kỳ 2 và kỳ 3 đã.
Trong “Mặc Áo Thụng” kỳ 2, để biện minh cho việc ông Mai Thảo ca tụng tiên sinh, trên tờ báo Văn số 36, không phải là “Mai Thảo mặc áo thụng vái Nguyên Sa”, tiên sinh giới thiệu sơ lược về cuốn “Chân Dung I”. Rồi tiên sinh xót xa, quan tâm về sức khỏe của “anh Mai”(?) Rồi tiên sinh nói về các nhà văn, khi luống tuổi thường viết hồi ký về đời làm văn làm báo… Cuối cùng tiên sinh trách cứ chúng tôi:
“Ông Long và ông Nhân, sao hai ông không hiểu điều đó? Sao hai ông nỡ bôi bùn lên mắt kính để nhìn thấy phong cảnh rực rỡ đó trở thành xấu xa? Sao các ông nỡ cầm bùn đen bôi lên bức tranh có lớp sương mờ buổi sáng, có những rặng cây buồn, những ghế đá hẹn hò, có mặt trời đang khuất dạng tìm lại những bình minh xưa?”
Tôi đành phải mời tiên sinh trở lại vấn đề, vì tiên sinh bị xúc cảm dẫn đi lạc quá xa rồi! Tiên sinh làm như tôi đả kích việc ông Mai Thảo viết hồi ký vậy. Tôi không hiểu có nên nói là tiên sinh lại tăng cho tôi thêm một cái mũ khác nữa hay không? Vì tiên sinh nói chúng tôi “bôi bùn lên mắt kính…” nên nhìn sự kiện đen tối thì tôi cũng xin thưa lại với tiên sinh. Bùn nhơ vấy vào mắt kính, nếu biết nghe lời phải trái, lau sạch đi rồi đeo lại mà nhìn thì sẽ thấy rõ sự kiện. Đến như đã sai lầm, đã nói quàng xiên người ta vạch rõ cho mà thấy, lại không chịu sửa chữa, mà chỉ ngụy biện dông dài, cay cú, thì quả thật bùn nhơ đã… dày đặc trong óc rồi, thuốc đâu mà trị! Tiên sinh nghĩ lại xem có phải vậy không?
Sau khi nói tiếp về cuốn “Chân Dung I” và phương cách ông Mai Thảo dùng để xây dựng nó, tiên sinh trách chúng tôi:
“Hai ông Lê Hồng Long và Thiện Nhân, tôi không nghĩ rằng hai ông hiểu được tâm sự này của Mai Thảo.” Hai ông đi vào văn chương không cầm cây bút nào mà chỉ cầm những nắm bùn thù hận trong tay, tôi không nghĩ rằng hai ông hiểu được tâm sự một nhà văn nhìn lại đoạn đường đã đi qua, nhà văn viết hồi ký đời mình bằng cách vẽ chân dung của kẻ khác.
Tiên sinh giả bộ tài quá! Khi tôi viết bài “Văn Chương Áo Thụng Vái Nhau” thì cuốn “Chân Dung I” của ông Mai Thảo chưa in. Chưa được đọc tác phẩm thì làm sao người đọc có thể hiểu được tâm sự của tác giả gửi gấm trong tác phẩm? Cáo buộc chúng tôi là “đi vào văn chương không cầm cây bút nào mà chỉ cầm nắm bùn hận thù trong tay” là một cáo buộc khôi hài và có phần nào “suy bụng ta ra bụng người.” oa Tôi thấy cái lối văn chương tâng bốc nhau, lối văn chương tự vỗ ngực xưng là này nọ nó rác tai, hợm hĩnh, có hại cho văn học VN thì nói, tuyệt nhiên không có chút hằn học chứ nói chi tới “hận thù!” Tại sao lại nghĩ rằng khi người ta chỉ trích những điều mình viết sai quấy là người ta hận thù mình? Xin tiên sinh hãy xét lại mình đi. Trong thập niên 50, tiên sinh đã viết về lớp đàn anh của tiên sinh như thế nào? Trong thập niên 60, tiên sinh đã mạt sát, bới móc những người đồng thời như thế nào? Phạm Công Thiện bị bới móc trên tờ Độc Lập, Trần Phong Giao bị mạt sát trên tờ Sống, Bùi Giáng bị đả kích trên tờ Hòa Bình…v… Rồi bây giờ ở hải ngoại, trên hai tờ Đời và Phụ Nữ Mới tiên sinh lại tiếp tục làm những chuyện xấu xa đó. “Nạn nhân” của tiên sinh còn đủ cả. Tài liệu vẫn còn đầy đủ để dẫn chứng. Ký giả Tô Văn bị tiên sinh bêu riếu trên tờ Đời (số 3), tiên sinh không chỉ trích những điều ông Tô Văn viết, mà tiên sinh lại đề cập tới những sự kiện đời tư, không liên hệ gì đến văn chương cả (ký giả lão thành Tô Văn có viết bài “trả lời” tiên sinh trên báo Thức Tỉnh, số 93, chúng tôi hiện vẫn còn giữ tờ báo đó, nếu tiên sinh muốn đọc lại thì chúng tôi sẽ xin đưa hầu tiên sinh). Hồ Anh và Tú Rua trên Văn Nghệ Tiền Phong tiên sinh chỉ trích văn chương hay tiên sinh mạt sát họ? Còn ông Lê Hồng Long chủ nhiệm báo Ngày Nay, không biết trước kia ông Long có làm nghề thợ may thực sự hay không, nhưng cho dù có thế đi nữa, thì đó cũng là một “nghề đàng hoàng”, làm ăn lương thiện, có xấu xa gì đâu mà bêu riếu? Đó là nghề “tay làm hàm nhai”, còn đàng hoàng, lương thiện hơn chán vạn nghề làm “cai thầu” trong nhiều lãnh vực, tiên sinh nghĩ lại mà coi.
Khi viết về tiên sinh, tôi hoàn toàn dựa trên các điều tiên sinh viết ra, không hề đả động đến những sự kiện riêng tư của tiên sinh, không hề bới móc, mạt sát này nọ, mà tiên sinh lại cáo buộc tôi viết với lòng “hận thù” thì thật là bất chỉnh. Phải chăng đây là một thứ “lý luận loại suy” mà tiên sinh đã nói tới? Xin thưa thực với tiên sinh, dù có bị tiên sinh miệt thị hay mạt sát đến thế nào, tôi cũng không bao giờ thù hận tiên sinh, có thể tôi viết về tiên sinh với lòng… không thể kính trọng đúng mức như tôi ao ước muốn làm, nhưng thù hận thì không bao giờ. Hận thù nên chuyển về phía Cộng Sản, kẻ thù to lớn đã chiếm quê hương chúng ta, chứ có đâu lại hận thù chỉ vì khác quan điểm về một vấn đề văn chương, hay vì một bài báo vênh vang, lố bịch, thưa tiên sinh?
Bây giờ tôi xin đề cập tới bài “Mặc Áo Thụng” kỳ 3 của tiên sinh. Trong bài này tiên sinh đã phạm vào một điều đại kỵ khi tranh luận: đó là sự nóng giận thái quá. Sau khi nói về việc Mai Thảo ca tụng Vũ Hoàng Chương là sao Bắc Đẩu của thi ca miền Nam, tiên sinh viết:
“Những đứa bước vào thế giới văn chương có bút hiệu trước khi có tác phẩm, những kẻ chủ trương đánh đấm những người có tên tuổi để nổi danh, những thằng ghen tức, những loài bò sát nhìn ngọn cỏ thấy rừng cây, lấy vũng bùn làm biển lớn sẽ bực bội, sẽ bất bình giả, diễn võ dương oai hò hét “Mai Thảo mặc áo thụng Mai Thảo vái Vũ Hoàng Chương. Những tên tập sự phù thủy sẽ mặc vội lấy chiếc áo ngự sử bằng giấy báo thẳng tay chỉ vào mặt Mai Thảo. Chúng sẽ nói đại khái như Mai Thảo đã xem thường tất cả những thi sĩ lẫm liệt của văn chương VN của những thời đại trước, những tiền nhân của chúng ta.”
Xin tiên sinh hãy từ từ, hãy “hạ hỏa,” để tôi xin thưa chuyện. Trên văn đàn, hùng hổ, trợn mắt, phùng má, lớn lời không làm thành lý luận! Thái độ và ngôn ngữ này nên dành để dùng ở chỗ chợ búa thì đúng hơn.
Trước hết, tiên sinh quan niệm thế nào là một “tác phẩm?” Phải chăng đó là một ấn phẩm mà tên người viết là tên thực hay bút hiệu của một người? Nếu quả như thế thì số lượng tác phẩm của tiên sinh còn thua xa số lượng “tác phẩm” truyện kiếm hiệp của ông Lý Ngọc Hưng, truyện chưởng dịch thuật của các ông Tiền Phong, Thương Lan hay Hàn Giang Nhạn! Nói chi tới số lượng khiêm nhường về tác phẩm của tiên sinh so với các tác phẩm của Lê Văn Trương, Lan Khai, Khái Hưng, Nhất Linh, Duyên Anh, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc,… Đó là nói về lượng. Còn về phẩm tôi thực không muốn đề cập nhiều tới giá trị các tác phẩm của tiên sinh ở đây vì đang tranh luận với tiên sinh, e bị ngộ nhận có thiên kiến. Chỉ xin thưa rằng toàn bộ tác phẩm của tiên sinh chưa chắc đã có giá trị hơn bài thơ “Thuật Hoài” của Đặng Dung! Với bài thơ bẩy chữ tám câu này, tên tuổi của tráng sĩ Đặng Dung đã vĩnh viễn đi vào văn học sử nước nhà. Trương kế với bài Phong Kiều Dạ Bạc, Thôi Hiệu với một bài Hoàng Hạc Lâu, cũng đủ để có danh mãi mãi trong thi sử Trung Quốc.
Điều đáng buồn cười là tiên sinh rất thích thú với cái ý này: “những đứa bước chân vào thế giới văn chương có bút hiệu trước khi có tác phẩm…” Đã nói xa nói gần mấy lần trong các bài “Mặc Áo Thụng”, nhưng có lẽ thấy chưa đủ, nên tiên sinh đã nặn thêm ra hai ông “độc giả tưởng tượng” lấy bút hiệu là B.T.T. và Hiền Nhân, đưa hai ông này vào mục “Bạn Đọc Viết” rồi dùng họ để viết đi viết lại nhiều lần ý mỉa mai đó, và nêu cái ý “chưa có tác phẩm thì không nên chỉ trích người này người nọ.” Nhân thể lại để cho hai ông hình nộm này chửi ké đối thủ và tâng bốc thêm mình.
Thưa tiên sinh Nguyên Sa Trần Bích Lan, chính vì cái cung cách hành xử này mà tôi không phục tiên sinh ở hai điểm:
Thứ nhất: Lối nặn ra những độc giả tưởng tượng rồi dùng họ làm cái loa chửi bới người này, người nọ bằng giọng văn của chính mình là một việc bất xứng và … thiếu can đảm! Cái trò thiếu sạch sẽ này không dấu được ai, nó chỉ chứng tỏ một tâm địa quay quắt, một tư cách rất… thiếu tự trọng! Không dám thẳng thắn tranh luận, chỉ nói quanh co, lạc đề, rồi giả vờ những mồm mép phụ để “chửi” hỗ trợ thì đâu phải là phong thái của một nhà văn hóa đã thành danh, nói chi đến địa vị của ông thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam!
Thứ hai: Tôi thực không ngờ một nhà giáo, nhà văn, nhà báo như tiên sinh mà kiến văn về sự hiện hữu của tác phẩm và bút hiệu lại kém cỏi đến như thế! Tiên sinh thử nhớ lại xem ngày tiên sinh cầm bút viết bài văn hay bài thơ đầu tiên gửi đăng báo, tiên sinh có dùng bút hiệu nào không. Hay sợ văn thơ của mình còn non nớt quá nên đã không dám ký bút hiệu nào cả? Thiết tưởng người cầm bút có liêm sỉ biết chịu trách nhiệm về điều mình viết ra, thể hiện qua sự ký một bút hiệu dưới bài viết. Vậy bút hiệu là một tên mà một người chọn cho mình để ký dưới các văn phẩm do mình viết ra. Đa số các người cầm bút, nhất là các vị viết chuyên nghiệp, thường dùng không phải chỉ có một mà có khi cả chục bút hiệu để ký dưới những bài viết có thể loại khác nhau.
Hoặc giả tiên sinh định nói là muốn chỉ trích, phê bình một bài văn hay một tác phẩm thì kẻ phê bình phải là một người đã thành danh, đã có tác phẩm? Quan niệm như thế tôi e cũng không được chính xác. Nói như thế chẳng hóa ra đại đa số người đọc, hầu hết là những người ít cầm bút, hay không cầm bút, hay “không có tác phẩm,” thì không được quyền phê phán gì hay sao? Các vị nhà văn, nhà báo… muốn viết gì thì viết, muốn viết xấc xược khinh khi, xem thường độc giả, thì độc giả cũng phải… ráng chịu hay sao? Thiết tưởng sự phê bình một văn phẩm chỉ đòi hỏi hiểu biết những ý tưởng chứa đựng trong văn phẩm đó, cộng thêm với chút khả năng nhận định, phân tích, diễn tả… v.v. nhưng tuyệt nhiên không đòi hỏi người viết phê bình phải có tác phẩm hay có danh tiếng. Có tác phẩm không phải là một điều kiện cần thiết cho việc phê bình, mà chính khả năng phân tích, óc nhận xét tinh tế, căn bản sâu rộng về kiến thức, có phương pháp lập luận v.v.. mới là những đòi hỏi quan yếu, thưa tiên sinh.
Hoài Thanh khi viết các bài phê bình về thơ của các nhà thơ tiền chiến đã có tác phẩm nào đâu? Thế mà cuốn “Thi Nhân Việt Nam” của ông ngót nửa thế kỷ sau cũng chưa có cuốn phê bình nào về thơ sánh kịp. Vũ Ngọc Phan là một nhà dịch thuật hơn là một nhà sáng tác. Đia vị và danh tiếng của ông về phê bình văn học chỉ đến sau khi ông cho ra đời tác phẩm “Nhà Văn Hiện Đại”. Bộ sách này, cho đến nay vẫn còn là bộ sách phê bình văn học cận đại có giá trị nhất.
Cũng về bút hiệu, trong lá thư trước tôi đã lưu ý tiên sinh là không nên dùng chữ cuối của một bút hiệu để gọi tên một người. Tiên sinh biện bạch, qua lời hai ông “độc giả tưởng tượng” B.T.T và Hiền Nhân là chỉ cần phải lịch sự, nghiêm chỉnh đối với những người đã thành danh thôi, còn như đối với những kẻ có bút hiệu mà không có tác phẩm như Thiện Nhân, thì gọi là “ông Nhân” cũng được. Xin tạm nhận lời giải thích này. Thế còn ông Mai Thảo, một nhà văn đã thành danh, có tác phẩm đàng hoàng mà tiên sinh lại gọi là “anh Mai” thì xin tiên sinh giải thích dùm. Cứ theo, cách dùng này của tiên sinh thì Tản Đà không thể gọi là “ông Đà” nhưng có thể gọi là “ông Tản”? Khái Hưng không thể gọi là “ông Hưng” nhưng có thể gọi là “ông Khái”? Không hiểu văn giới đương thời có đồng ý với tiên sinh về cách gọi tên này hay không, nhưng chắc chắn là trong văn học sử của nước ta, cho tới nay, tiên sinh là người đầu tiên và duy nhất dùng cách gọi tên lạ lùng kỳ quái như thế! Cứ phải giải thích mãi về cách dùng bút hiệu với tiên sinh tôi thấy chẳng có hứng thú gì, nhất là tiên sinh lại không có tinh thần phục thiện trong trường hợp này.
Cũng trong “Mặc Áo Thụng” kỳ 3, tiên sinh thuật việc Mai Thảo ca tụng Vũ Hoàng Chương rồi mạt sát chúng tôi là “những thằng ghen tức, những loài bò sát nhìn ngọn cỏ thầy rừng cây, lấy vũng bùn làm biển lớn sẽ bực bội , sẽ bất bình giả…”. Tiên sinh lầm to rồi. Việc ông Mai Thảo ca tụng Vũ Hoàng Chương là một việc tốt, nên làm, cần làm. Tôi nghĩ không có ngươi Việt yêu thơ nào lại cho việc ca tụng cố thi hào Vũ Hoàng Chương là một việc sai lầm. Hai lần trong lá thư gửi tiên sinh kỳ trước, tôi đã khẳng định tôi chỉ là một “độc giả”, mong muốn được các nhà văn nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại sáng tác ra những tác phẩm hay để chúng tôi đọc, vừa thưởng thức vừa học hỏi. Tôi thiết tưởng dù là một nhà thơ cũng chẳng nên “ghen tức” về chuyện ông Mai Thảo ca tụng thi hào Vũ Hoàng Chương huống chi tôi chỉ là một người đọc, chỉ cầu mong được đọc để thưởng thức, thì không có lý do gì mà ghen tức, mà bất bình cả.
Nói cho ngay, thi tài, tư cách và địa vị của Vũ Hoàng Chương có lẽ đã được xác định ngay cả trước khi tiên sinh và ông Mai Thảo tập sự cầm bút, cho nên việc Mai Thảo ca tụng Vũ Hoàng Chương chưa chắc đã làm vẻ vang thêm cho nhà thơ họ Vũ. Nhưng ông Mai Thảo đã làm một việc đúng.
Ngay cả việc ca tụng các người làm văn nghệ có chân tài, sống cùng thời với mình, cũng không phải là một việc hiếm có. Vua Tự Đức đã chẳng từng ca tụng Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu là “Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán…” đó sao? Hoài Thanh khi đề cập đến những nhà thơ tiền phong trong phong trào thơ mới đã chẳng từng ca tụng Thế Lữ như một mặt trời mà các nhà thơ khác là những hành tinh châu tuần chung quanh đó sao? Phan Khôi trong khi bút chiến với Trần Trọng Kim về vấn đề Nho giáo đã viết những lời ca tụng sau đây: “ …một cuốn sách nói về Nho giáo tường tận tinh tế như vậy thật là trong cõi Việt Nam ta, từ xưa đến nay chưa thể có mà cũng chỉ có người nào đã chịu phép “bắp têm” của khoa học như Trần quân thì mới nói ra được, cho nên, công việc này nói thì mích lòng, đâu có thể trông mong được ở những nhà nho cổ hủ.” Đỗ Phủ khi viết về người bạn vong niên là Lý Bạch đã hạ những câu: “Bạch đã thi vô địch, Phiêu nhiên tứ bất quần…” (Lý Bạch thơ vô địch, Tứ siêu thoát không ai bằng, Đỗ Phủ, Xuân Nhật ức Lý Bạch).
Ca Tụng một nhà thơ có chân tài không giống với sự tâng bốc bạn bè vì cảm tình riêng, nó khác xa với sự công khai tâng bốc nhau một cách trơ trẽn, và không bao giờ gần gũi với thứ văn chương tự tâng bốc một cách lố bịch! Tôi tin rằng dù còn sống, thấy Mai Thảo ca tụng mình là sao Bắc Đẩu, Vũ Hoàng Chương cũng sẽ không cầm bút viết “đáp lễ” ông Mai Thảo, và chắc chắn như đinh đóng cột là trong cuộc đời làm văn làm thơ của Vũ Hoàng Chương, ông không bao giờ tự vỗ ngực khoe khoang đại loại như tiên sinh! Cuốn “Chân Dung” của Mai Thảo còn đề cập tới 14 nhà văn nhà thơ khác nữa, trong số đó có những người hiện đang có mặt tại hải ngoại. Để coi xem có vị nào “vội vàng lên tiếng ca tụng lại ông Mai Thảo theo cung cách như tiên sinh đã làm không? Chắc chắn chúng ta có thì giờ và phương tiện để kiểm chứng điều này.
Kính thưa tiên sinh Nguyên Sa, trong bài Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau, tôi đề cập tới hai điều:
Điều thứ nhất: việc tiên sinh và ông Mai Thảo ca tụng nhau qua lại trên hai tờ Đời và Văn là những điều làm “lạ mắt” chưa thấy trên văn đàn nước ta, điều mà tôi gọi một cách châm biếm là hai vị mặc áo thụng vái nhau.
Điều Thứ hai: việc tiên sinh tự ca tụng, tự nhận “hai người thống lĩnh hai ngọn núi văn học miền Nam”, điều mà tôi gọi châm biếm là “mặc áo thụng tự vái”.
Khi viết bài đó tôi hoàn toàn căn cứ trên những điều tiên sinh và Mai Thảo viết ra, và không hề ở một chỗ nào tôi đả động đến sự kiện thuộc lãnh vực đời tư của quý vị cả. Tôi cũng không chụp mũ hay đặt ra những điều giả tưởng mà tiên sinh và ông Mai Thảo không viết ra. Mỗi khi trích dẫn lời của tiên sinh hay của ông Mai Thảo, tôi đều ghi xuất xứ rất rõ ràng để độc giả có thể kiểm chứng. Tôi chỉ trích những điều tiên sinh viết vì cho rằng chúng có ảnh hưởng không tốt cho văn học Việt Nam. Tôi viết với đôi chút mỉa mai, đùa cợt, nhưng chắc chắn không có hận thù như tiên sinh cáo buộc, và luôn luôn dùng ngôn ngữ lịch sự như tiên sinh đã thấy.
Tôi thất vọng thấy tiên sinh không giữ được phong cách của một nhà văn hóa đã thành danh khi viết đáp lại. Sau đây tôi xin tóm lược một số điều mà tôi nhận thấy sau ba bài viết của tiên sinh.
Về lý luận: Đây là điều tôi cụt hứng nhất khi tranh luận với tiên sinh. Thay vì dùng lý luận làm sáng tỏ vấn đề, tiên sinh đã đi vào con đường “ngụy biện”. Lý luận không vững mà cứ ráng viết thì chuyện cù nhầy khó mà tránh khỏi. Nhiều độc giả đã tỏ ra thất vọng và chán nản không muốn đọc tiếp bài của tiên sinh vì thấy tiên sinh không trả lời thẳng vào vấn đề, mà chỉ đề cập đến việc ông Mai Thảo viết hồi ký. Thiết tưởng nếu tiên sinh muốn phê bình về cuốn Chân Dung thì nên viết trong một loạt bài khác. Bài Mặc Áo Thụng lẽ ra phải trả lời thẳng vào những vấn đề tôi đã nêu ra, và vạch ra những sai lầm nếu tôi đã mắc phải.
Nói mỗi nhà văn, nhà thơ là một ngọn núi văn học hay một vũ trụ thi ca là một điều rất tự nhiên, khác hẳn với lối nói “trùm lấp thiên hạ”, xưng là “thống lĩnh một ngọn núi văn học của miền Nam.”
Ca tụng một bạn văn cũng là một sự rất thường, nhưng đăng lại những lời người khác ca tụng mình trên báo của mình rồi ca ngợi người những lời đó là “sự kiện văn chương trổi bật hơn cả trong thời điểm vừa qua…” thì thật là lố bịch!
Về kiến thức: Đây là điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả về tiên sinh. Không ngờ một người viết phê bình ngót ba chục năm qua mà lại có kiến thức ấu trĩ về một số vấn đề sơ đẳng. Thí dụ: Không hiểu rõ phải gọi một người thế nào khi người ta chỉ dùng bút hiệu. Vì thế mới có chuyện gọi Thiện Nhân là “ông Nhân”, Mai Thảo là “anh Mai”. Đã thế còn không biết “dựa cột mà nghe”, lại còn hay chữ lỏng, ngoan cố dẫn chứng trường hợp “nhà văn Mặc Đỗ có lần gọi Vũ Khắc Khoan là Khoan, lần khác gọi là Vũ,” đều đúng cả. Thế có bao giờ Vũ Khắc Khoan gọi Mặc Đỗ là “ông Đỗ” hay là “Anh Mặc” không? Tôi xin nói rất ngắn ở đây. Các văn gia gọi tên nhau là để tỏ sự thân tình, gọi họ để tỏ sự mến trọng. Trang trọng và kính mến hơn nữa thì gọi tiên sinh quán, như Nguyễn Khuyến thì gọi là cụ Tam Nguyên Yên Đổ, Dương Khuê thì gọi là cụ Nghè Vân Đình.
Về tư cách và tâm địa: Đây là điều làm tôi thất vọng và bất phục hơn cả về tiên sinh. Trong cuộc tranh luận này, tôi luôn luôn dùng lời lẽ lịch sự để nói với tiên sinh thì tiên sinh lại dùng những tiếng hạ cấp như “thằng, đứa, tên, chúng nó…” để miệt thị thay vì tranh luận. Tiên sinh còn có thái độ giận cá chém thớt, bịa đặt về đời tư của ông chủ nhiệm Ngày Nay vì đã dám để cho đăng bài “Văn Chương Mặc Áo Thụng Vái Nhau” của tôi.
Ngoài ra tiên sinh còn bịa đặt ra những điều không có trong ý tưởng của tôi, như chỉ trích việc đi thăm các vị cao niên, hay “hận thù” một nhà văn vẽ lại chân dung các nhà văn, nhà thơ khác.
Kính thưa tiên sinh, với những điều tôi nêu ra ở phần trên của bài này, tôi thấy sự tranh luận với tiên sinh không còn cần thiết nữa. Tôi ao ước trong tương lai nếu tiên sinh có tranh luận với ai trên văn đàn thì tiên sinh nên thẳng thắn đi vào vấn đề và dùng lời lẽ trang nhã, lịch sự chứ đừng dông dài ra ngoài vấn đề, làm độc giả và người đối thoại chán nản không muốn theo rõi và tiếp tục tranh luận nữa.
Kính chào tiên sinh
* * *
Kính thưa độc giả. Tôi tưởng có được một cuộc tranh luận hào hứng với một nhà văn hóa đã thành danh là ông Nguyên Sa Trần Bích Lan, và hy vọng có thể học hỏi được đôi điều trong khi tranh luận, hay ít nhất cũng mang đến chút hứng thú cho độc giả theo rõi. Nhưng tôi thất vọng vô cùng vì ông Nguyên Sa chỉ nói dông dài, không dám trả lời thẳng vào các vấn đề tôi đã đặt ra. Hơn nữa ông Nguyên Sa còn dùng những từ ngữ lẽ ra chỉ nên dùng ở nơi đại thị.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng loạt bài “Văn Chương Mặc Áo thụng vái nhau” đã gây được đôi chút lưu ý của văn giới và báo giới hải ngoại. Một số báo chí đã nhắc tới cuộc “bút chiến” này, những nhóm chữ: áo thụng vái nhau, áo thụng tự vái, thống lĩnh ngọn núi, ông thống lĩnh, đã trở thành những thành ngữ thông dụng để mỉa mai những kẻ tự cao tự đại một cách lố bịch.
Vì lý do ông Nguyên Sa cứ lải nhải nói ra ngoài đề, và dùng văn từ khiếm nhã, nên tôi đành xin lỗi độc giả để chấm dứt cuộc tranh luận này.
Thiện Nhân
Tài liệu phụ thêm
Trong khoảng thời gian cuộc bút chiến diễn ra, nhiều tạp chí đăng lại loạt bài cho độc giả theo dõi. Nhiều ký giả đã dựa vào chất liệu trong loạt bài này để viết những bài bình luận hay làm những bài thơ hài hước, chế nhạo, nhiều khi với lời lẽ châm biếm rất nặng nề về “ông thống lĩnh.” Nhiều người trong văn/báo giới tránh viết bài đăng báo nhưng lại copy hàng trăm bản loạt bài và gửi hay phân phát cho nhiều người đọc. Các bài viết hay bình luận, rất tiếc, hầu như đều bất lợi cho nhà thơ Nguyên Sa, vì thế không tiện sưu tập và đem vào phần tài liệu phụ thêm này, nhất là ngày nay hai ông Nguyên Sa và Mai Thảo đều đã ra người thiên cổ. Chỉ 1 liệu duy nhất, phụ thêm dưới đây, được chọn để dẫn chứng cho sự kiện khởi đầu gây ra cuộc bút chiến, đó là bài “Tình bạn, Mai Thảo Nguyên Sa,” do chính Nguyên Sa viết và đăng trên báo Đời số 35 mà ông làm chủ nhiệm.
Tình bạn
MAI THẢO NGUYÊN SA
(Báo Đời số 35)
Sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam Cali, sau cái chết của nhà văn Thanh Nam, mang nặng khuôn mặt của bầu trời buồn bã. Các hội đoàn thường hoạt động mạnh như Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Hội Báo Chí đều… án binh bất động. Một nguồn dư luận cho rằng các hội này ngủ gà ngủ gật là vì tổng thư ký Du Tử Lê mắc bận… đi theo lãm! …Mối tình của Du Tử Lê và Lãm, “nhân vật văn chương”, hôm nay cũng chìm vào yên tịnh, không còn nữa những sôi động thuở nào!…
Một vài tổ chức đã diễn ra. Nhà xuất bản Người Việt tổ chức lễ ra mắt thơ Nguyễn Mạnh Trinh, Niêm Thu của Minh Đức Hoài Trinh, Câu Hò Vân Tiên của Nguyễn Văn Sâm… Hôm nhóm Người Việt tổ chức đọc thơ Vi Khuê thì quá vắng vẻ, khán giả như lá rụng mùa thu. Hôm nay thì quá đông cho một gian phòng quá nhỏ và quá nóng… Nhưng thôi, mọi việc đã trôi qua, thi cho trôi qua luôn…
Sư kiện văn chương trỗi bật hơn cả của thời điểm vừa qua là tạp chí Văn số 36, số đặc biệt về Nguyên Sa.
Mai Thảo trong số Văn đặc biệt này đã mang lại cho người đọc một Nguyên Sa bất ngờ, Nguyên Sa buổi đầu đời và một Nguyên Sa hôm nay. “Bấy giờ là 1955-1956, Nguyên Sa chia tay với tả ngạn sông Seine và đại học Sorbonne từ Pháp trở về.” Mai Thảo mở ra bầu trời mênh mông thời cũ. Tại sao năm tháng đó, đúng năm tháng đó, Nguyên Sa lại trở về Nguyên Sa trở về, Trịnh Viết Thành trở về, Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Trung trở về. Cả một lớp người văn chương và trí thức bỏ lại đàng sau tả ngạn sông Seine và đại học Sorbonne. Tại sao? Mai Thảo hỏi: Phải chăng như Nguyên Sa đã viết: “Nhưng giòng máu không thể chẩy ngoài huyết quản. Dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu người bạn, hơn một người yêu yêu một người yêu…” Hình ảnh Nguyên Sa buổi đầu đời, trong trí nhớ của tác giả Tháng Giêng Cỏ Non, “vừa ngoạn mục, vừa không ngoạn mục”. Không ngoạn mục là vì “người về từ tả ngọn sông Seine” không “choàng khăn đỏ rất Saint Germain des Pre’s của Eluard”, không có “cái mái tóc rất gió sương của Verlaine.” Nguyên Sa cũng không có cái vẻ “tay chơi mang về từ khu Quartier Latin của Trịnh Viết Thành”, “cái vẻ chuột đêm khu Montmartre của Hoàng Anh Tuấn.” Nguyên Sa trong trí nhớ của Mai Thảo thuở đầu đời, “giòng thơ hồi hương từ Paris văn học chỉ là một anh chàng trẻ măng, nụ cười hiền lành, cái nhìn khờ khạo, với cái xe đạp lọc cọc và cái mũ casque trắng lớp năm, rất học trò trường làng, rất giáo viên cấp xã. Vắn tắt, một anh chàng “nhà mùa” lần đầu từ một miền quê lên tỉnh như một nhân vật truyện ngắn Khái Hưng, đánh chết không thể nghĩ đã xuất dương du học…”
Cái “không ngoạn mục” của Nguyên Sa thời đó là “hình thức”, cái ngoạn mục là “nội dung”. Đường kiếm ra mắt từ “Áo Lụa Hà Đông” phóng ra thì lại hết sức ngoạn mục, lấp lánh. Đó là bài thơ “Nga” với tiểu đề “Thay Cho Thiếp Báo Hỷ”, cũng là bài thơ đầu tiên Nguyên Sa làm từ Paris mang về trao cho chúng tôi. Báo hỷ thiệt. Báo hỷ không chỉ về sắp sống chung hòa bình với một vị hôn thê mà thơ ngộ nghĩnh tả lúc “như con chó ốm”, lúc như con mèo ngái ngủ”. Mà còn báo hỷ cho thơ. Rằng thơ vừa có tin vui. Rằng trời thơ Việt vừa có một vị sao mới. Bài thơ “Nga” tôi nhớ Thanh Tâm Tuyền thích nhất. Đăng ngay trên tờ Người Việt, tiền thân của tờ Sáng Tạo và là diễn đàn của bọn chúng tôi lúc bấy giờ, với mấy lời giới thiệu trang trọng chào mừng tài thơ Nguyên Sa từ Pháp mới về, bởi vì “một giòng máu không thể chẩy ngoài huyết quản.
Chủ nhiệm tạp chí Sáng Tạo ngày đó, chủ nhiệm Văn hôm nay tiết lộ, vẫn chiếc mũ casque trắng lớp năm, vẫn thầy giáo trường làng muôn năm, Nguyên Sa trở thành “người viết chủ lực của Sáng Tạo suốt hai năm đầu của diễn đàn này. “Một” tình thân thiết mau chóng” giữa Mai Thảo và Nguyên Sa đã buộc chặt. “Đó là thời kỳ của những tiểu luận văn học, triết học đầy không khí Sorbonne và những bài thơ tự do loạt đầu làm từ trở về Việt Nam của Nguyên Sa gần như không số nào là không có trên tờ Sáng Tạo”.
Đối chiếu Nguyên Sa hình thức “thầy giáo trường làng”, trên hình thức, và Nguyên Sa trong văn chương, chủ nhiệm Sáng Tạo viết:
“Ở trên tôi đã nói có con người chẳng có vẻ gì du học và Paris hết. Nhưng trong văn thơ Nguyên Sa mới về thì có. Nhiều và đầy từ cách thế lựa chọn những chủ đề để viết, rất hiện đại, rất Tây Phương, đến phương thức lập luận tổng hợp chỉ có được từ nhiều dòng văn học tư tưởng thời đại, mà sự hội nhập vào kiến thức không thể đơn thuần bằng đèn sách mà còn nhờ được sống ngay giữa vùng hình thành và phát xuất mọi giòng văn học, tư tưởng thời đại, với Nguyên Sa là đời sống đại học nhiều năm ở Paris.” Mai Thảo mở ra bối cảnh lớn và rộng của dĩ vãng: “Nhưng trở lại với thập niên 50 và Nguyên Sa thời kỳ mới về nước trên tờ Sáng Tạo, mới nhận thức được rõ rệt cái làn gió mới, cái cánh cửa mới ấy nơi Nguyên Sa hồi hương đã đi ngay vào thơ, trên lối vào rực rỡ sinh động nhất của thơ lúc bấy giờ. Điểm này tôi viết như nhận định một sự thật về thơ Nguyên Sa thời kỳ khởi đầu, cái vị trí tiền phong của thơ Nguyên Sa mới về nước và trong thập niên 50, tuyệt đối không vì cảm tình hoặc xô đẩy của ngòi bút. “Thời kỳ khởi đầu, thời kỳ khởi đầu tuyệt vời. Đó là tòa soạn trên con đường Ký Con Nguyên Sa và cái xe đạp lọc cọc mang thơ tới, mang tới Kant và Sartre, áo lụa Hà Đông và tả ngạn sông Seine, đại học Sorbonne và chiếc mũ casque màu trắng muôn măn lớp năm trường làng. Đó là thời kỳ Mai Thảo lái xe đưa Nguyên Sa vào đời sống Saigon ban đêm. Chợ lớn và những con vịt quay Tứ Xuyên, Vũ Trường Arc en Ciel và những cô vũ nữ trẻ đẹp phá phách. Nguyên Sa “dạy tôi ở Sáng Tạo một điệu nhẩy swing của tả ngạn Pháp”, Nguyên Sa “nhiều đêm bị đánh thức ban đêm bởi những tiếng la lớn của tôi và Hoài Bắc, thời đó đã ban đêm khuya khoắt và réo gọi Áo Lụa Hà Đông cùng xuống đường khuya khoắt theo.”
Mai Thảo kể chuyện Nguyên Sa thời tả ngạn sông Seine trở về, và hôm nay, thời bang trưởng Triều Châu. Phúc Kiến, mũ cát kết, marabon không mệt mỏi, đứng chật hết mọi sinh hoạt, chủ nhiệm Văn chỉ có những kỷ niệm gián đoạn và mơ hồ về Nguyên Sa thời kỳ sau hai năm Sáng Tạo. Hiển nhiên đó không phải là một sơ xuất của Mai Thảo. Nguyên Sa có thói quen phủ lên mọi sinh hoạt một lớp khói mờ, xóa kỹ những dấu chân. “Nguyên Sa, một con người trầm lặng của gia đình hoàn toàn, thích sống trong một bóng mờ nào đó hơn là giữa vùng ánh sáng chói lọi, chỉ ra đường khi còn có lý do cụ thể, xong việc là về ngay nhà riêng. “Mai Thảo cho rằng “cá tính ấy còn vẽ lên con đường 20 năm văn chương quê nhà của Nguyên Sa. Một con đường tách rời, biệt lập, đôi khi nhà thơ phải đóng vai đầu đàn nhưng vẫn từ một tần số riêng, cùng trên giòng trường giang một thời, nhưng cái phong cách trước sau vẫn là một mình một cõi.” Mai Thảo ghi nhận: “Cá tính ấy cũng giải thích cho những phản ứng của Nguyên Sa trong đời sống, trước kẻ khác. Điểm này Áo Lụa Hà Đông là hình một con mèo nằm mắt lim dim, bất động. Hiền từ như ngủ. Nhưng coi chừng, bị va chạm là móng vuốt tức khắc.” Mai Thảo nhìn thấy Nguyên Sa vừa là một người rất tình cảm, vừa “lạnh tanh” khi bị tấn công. “Trong cái nếp mềm mại của tơ lụa Hà Đông vậy mà có ẩn mũi nhọn và song chưởng. Khiến có ân oán giang hồ. Khiến có ăn đũa trả đũa. Khiến chiến trận không ngớt, hết Bình Long đến An Lộc. Khiến bên cạnh lục bát dịu dàng còn có bút chiến dữ dội, trong con người làm thơ trữ tình còn có người làm báo cây viết thành thanh kiếm trên tay.
Không phê phán con người hành động chợt biến chợt hiện trong Nguyên Sa, Mai Thảo vẫn yêu mến thời kỳ của những lưu luyến và những hình ảnh đầu đời. Hình ảnh cái mũ trắng thầy giáo. Cái xe đạp lọc cọc. Căn lầu Tôn Thất Đạm. Món vịt Tứ Xuyên những đêm Chợ Lớn. Tập thơ in lần đầu, bài vào tập Mai Thảo, Nguyên Sa mới về nước, thơ trẻ trung như hồn. Khi xa gần, cũng như tôi đã có với Nguyên Sa biết bao nhiêu kỷ niệm của một thời kỳ văn chương không quên. Cũng là tôi đã cùng với Nguyên Sa hai mươi năm văn chương miền Nam, từ ngọn suối đầu tiên, từ bước chân thứ nhất. “Mai Thảo nhận định từ nguồn khởi đó, nhiều anh em cầm bút đã dừng lại. Nguyên Sa là tay đua đường trường, là người chạy marathon không mệt mỏi. Bây giờ, Nguyên Sa vẫn còn đứng nguyên đó, hiển lộng.
“Từ khởi nguồn xa thăm thẳm ấy, nhiểu đồng hành đã bỏ cuộc đi vào diện bích, vào im lặng. Riêng Nguyên Sa chưa.” Thỉnh thoảng nhà thơ kêu ca già rồi. Mỗi lần anh lại tung ra những trò chơi mới, những miếng võ bay bướm lạ thường. “Chúng mình già rồi. Bang trưởng nói với tôi. Nói vậy mà hiển lộng lại hiển lộng hơn bao giờ hết.” Mai Thảo ghi nhận chỉ cái cuộc đời bên cạnh văn chương của Nguyên Sa nơi thế giới âm nhạc, nơi có năm nàng Công Chúa Ngũ Long, bẩy nàng Ngũ Long Công Chúa”, “bang trưởng” đã làm cho Khánh Ly, Ngọc Minh than: “Ông Nguyên Sa ngồi chật phòng vi âm, hết cả chỗ đứng hát.” Nguyên Sa marathon”, suốt mấy chục năm, theo Mai Thảo vẫn là “một tay đua trưởng ngoại hạng”.
“Đường trường thật, nhóm bạn bè trở về từ Âu Châu cùng một thời kỳ với Nguyên Sa, tôi không còn gặp ai nữa.” Nguyễn Khắc Hoạch, Nguyễn Văn Trung, Trịnh Viết Thành “mỗi người đã một xa thẳm, một biệt tích.” Nguyên Sa “giữa trục giao thông, vẫn thấy lừng lững.” Đối thủ nào muốn đẩy Nguyên Sa ra một đường lề, thiệt khó, thiệt khó. “Theo Mai Thảo “cứ bốn giờ chiều, chỉ vài cú điện thoại, là mọi chuyện võ lâm giang hồ đã nắm vững trong tay. Thành ra nếu nhà thơ có ngồi chật phòng vi âm không còn chỗ đứng hát, Khánh Ly, Ngọc Minh đừng than. Nguyên Sa vẫn còn đó, chật hết mọi sinh hoạt.”
Mai Thảo âu yếm, trong phần kết luận bài nhận định về Nguyên Sa, nhắc đến đêm gặp gỡ mới đây giữa hai người bạn, hai người thống lĩnh hai ngọn núi văn học miền Nam, gặp gỡ mới đây ở Doanh Doanh đêm Thái Tú Hạp. “Tôi có cùng đi với Nguyên Sa lên trước máy vi âm. Đứng cạnh, chia nhau mỗi thằng đọc một khúc thơ tình của bang trưởng Phúc Kiến. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Thơ nằm trong tuồng cải lương, em không quần không áo. Thơ năm tháng cùng tắm, gì tắm một mình. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Tôi vẫn thích lắm những phút đùa nghịch như vậy. Cho thoải mái không khí, thân mật bạn bè. Cho đêm tối đã xuống với nhân thế ở ngoài kia, đêm tối bớt buồn và bớt lạnh với người. Đùa nghịch. Riễu bạn. Riễu luôn cả chính mình. Để câu nói của Nguyên Sa “chúng mình già hết rồi” phải có lúc không đúng. Hoặc một cách nào thôi tâm hồn ta vẫn trẻ. Mấy phút trước máy vi âm tối đó mà Nguyên Sa gọi hai đứa tôi là Laurel và Hardy, tôi thấy tôi trẻ thật. Nguyên Sa cũng vậy. Mấy phút trước máy vi âm tối đó, tôi thấy lại cái tôi đầu những ngày Sáng Tạo trẻ trung phơi phới. Và thấy lại cái phần trước sau tôi thích nhất và yêu mến ở Nguyên Sa. Đó là mấy chục năm về trước, Nguyên Sa mới ở Pháp về, Trịnh Viết Thành đem tới . Đưa bài thơ đầu tiên và sau đó đã cùng chúng tôi đi vào cuộc phiêu lưu đầy hào hứng tới những chân trời văn chương tuổi trẻ mênh mông.”
Số đặc biệt: Văn 36, chân dung Nguyên Sa ngoài bài “màu lụa Hà Đông trong thơ Nguyên Sa” có phần văn tuyển gồm một tiểu luận “tình cảnh nhà văn Việt Nam những năm năm mươi, sáu mươi” và những bài thơ Áo Lụa Hà Đông, tâm sự của gã chơi đàn lục huyền. Paris có gì lạ không em, Nga và thư cho bạn ở tù của Nguyên Sa.