Giới thiệu “Vũ Đức Nghiêm, Anh Tôi”của Vũ Trung Hiền

Vũ Đức Nghiêm và Vũ Trung Hiền trong đêm Nửa Thế kỷ, Một Đời Viết Ca Khúc – 2005
LTS: Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm không xa lạ. Là một tên tuổi khá nổi tiếng từ 1965 trở về sau. Nhạc phẩm “ghi dấu VDN” là “Gọi người yêu dấu” với tiếng hát học trò Thanh Lan. Nhà văn Vũ Trung Hiền, bào đệ nhạc sĩ thay anh viết hồi ký. Xin trân trọng gửi vài nhận xét của Hoàng Lan Chi khi đọc tác phẩm này.

Vũ Đức Nghiêm và Vũ Trung Hiền -2005



“Vũ Đức Nghiêm, Anh Tôi” là một quyển sách nhỏ của nhà văn Vũ Trung Hiền viết cho người anh ruột để kỷ niệm đêm “Nửa Thế kỷ, Một Đời Viết Ca Khúc”  của Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Đêm nhạc kỷ niệm tổ chức ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Crystal Cathedral, thành phố Garden Grove, California và thành công rực rỡ với số lượng khán giả đông đến độ khán phòng không còn ghế .

Tôi hân hạnh đuợc đọc bản thảo khi nhà văn Vũ Trung Hiền vừa hoàn tất nên xin được phép giới thiệu về nội dung sách. Sách có thể gọi là một loại truyện nhỏ, khoảng hơn hai trăm trang, được chia làm nhiều chương nhỏ, mỗi chương nói về một thời kỳ của Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm. Điều lý thú là hầu hết đuợc kể lại dưới hình thức –như một cuộc phỏng vấn. Do đó, độc giả sẽ được xem toàn bộ cuộc đời của Nhạc sĩ như một hồi ký nhưng không diễn tả rườm rà lê thê mà đi thẳng vào các sự kiện bằng giọng văn rõ ràng, mạch lạc, lưu loát. Chen vào đó là cảm tưởng của cậu em út Vũ Trung Hiền khi nghe anh lớn Vũ Đức Nghiêm kể một chuyện gì đó “ngồ ngộ” hay quá khác biệt với thời bây giờ.
Những điều lý thú

Qua cuốn sách nhỏ này, những người già ở độ tuổi thất thập sẽ đuợc nhìn lại thời thơ ấu của mình qua cuộc kháng chiến chống Pháp,những danh từ đã từ lâu không đuợc sử dụng như “bánh tây (tức bánh mì), áo bông kép”… Đồng thời lớp người trẻ dưới ba mươi sẽ đuợc biết về nhiều khía cạnh, từ xã hội, giáo dục đến chính trị …

Về giáo dục, độc giả trẻ sẽ thú vị, nhưng cũng sẽ khâm phục khi thấy lớp người xưa đã giáo dục con hết sức nghiêm khắc theo kiểu yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nguời cha đã bắt các con dậy sớm chạy bộ để rèn luyện thân thể. Những bữa ăn thanh đạm với chủ đích không cho thân thể quen với đồ ngon. Hoặc cảnh cô giáo lấy bánh tây ra ăn trong khi học trò chép bài. Cảnh Thầy đánh học trò bằng cách bắt chụm năm ngón tay lại để Thầy quất thước kẻ. Bên cạnh đó, những ân tình của các thầy giáo cũng được kể lại bằng cái giọng nhẹ nhàng của một người đã tri thiên mệnh gần 20 năm, đứng bình thản và nhìn lại quãng đời đã qua bằng con mắt dịu dàng. Một bài học thực tế hữu ích cho tuổi trẻ: Nhạc sĩ lông bông ham chơi và thi rớt nhưng sau đó may mắn nghe lời khuyên của người anh lớn, trở lại con đường học vấn và cũng đã hoàn tất Tú Tài Một. Cuộc đời nhờ thế rẽ sang hướng khác, thuận lợi hơn. Và sau này chính Nhạc sĩ lại khuyên em mình y như vậy và người em đã biết ơn anh mình. Một số các giai đoạn học của thời kỳ này cũng đuợc Nhạc sĩ mô tả khá đầy đủ như trường học, sách học, cách thi cử, các hình phạt…

Về xã hội, độc giả sẽ được nghe kể :
-Khi Nhạc sĩ là một thanh niên mới lớn, nghe cán bộ CS tuyên truyền và lòng tràn đầy nhiệt huyết với mong mỏi giải phóng quê hương đã gia nhập Việt Minh. Nhưng chỉ sau ít lâu, Nhạc sĩ tìm cách đào thoát. Cuộc trốn chạy khá cam go, gian khổ. Một chi tiết cảm động mà Nhạc sĩ đã gọi là “Bát cơm Phiếu Mẫu! Đó là khi Nhạc sĩ đói lả người và đuợc hai cô gái cứu giúp. Nhờ đó Nhạc sĩ đã sống và trốn thoát CS, về với gia đình.
-Sau khi di cư vào Nam, Nhạc sĩ đã trải qua những giai đọan ở Phú quốc, Sư Đoàn 3 Dã Chiến, Phòng 5, Sư Đoàn 22 Bộ Binh, Huấn luyện viên Truờng Sinh Ngữ Quân đội, Pleiku, Kontum, Đà lạt, Long Bình…

Về quân đội, độc giả sẽ đuợc nghe kể vài câu truyện hấp dẫn, sống động:
-Câu truyện về anh sinh viên sĩ quan Vũ Đức Nghiêm đã dám nói sự thực về cấp trên khi Thủ tướng Trần Văn Hữu ghé thăm Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định, và hậu quả là bị phạt mấy ngày với lý do rất vu vơ! Nhưng nhà văn Vũ Trung Hiền thì rất thích thú khi thấy ông anh mình can đảm, khí phách như vậy.
-Câu truyện các sinh viên sĩ quan VN ở Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định đã trùm chăn, đánh một viên Hạ sĩ Tây về tội phách lối.
-Câu chuyện về anh thiếu úy mới ra trận lần đầu còn lớ ngớ để cuối cùng bị phạt 15 củ. Vũ Trung Hiền đã kể lại chi tiết thú vị khi Nhạc sĩ đến trình diện thiếu úy đại đội trưởng Hoàng Ngọc Tiêu ở đồn Trung Lăng. Thiếu úy Hoàng Ngọc Tiêu, tức nhà thơ Cao Tiêu, sau này là Đại Tá Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến.
-Câu chuyện kể về Trung Sỹ Nhất Đặng Chí Hiếu rất gan dạ, anh hùng. Khi Trung Sỹ chết, thân mẫu ra thăm mộ con đã bình tĩnh nhăn nhủ “ Các anh hãy trả thù cho em nó”
-Câu truyện cảm động về đám cưới thời chiến. Nhạc sĩ đã không hề có tuần trăng mật mà ngược lại sau đó còn bị phạt tù vì trái lệnh cấp trên. Điều lý thú là Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Quốc Thuần cũng ở tình trạng y hệt như Trung Úy Nghiêm! Gần hai mươi năm sau, ông Phạm Quốc Thuần là Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn.

Về thời gian tù cải tạo, độc giả sẽ đuợc nghe kể về thời gian 13 năm 4 tháng, qua 7 trại cải tạo của Nhạc sĩ. Sau vụ biến động Hàm Tân, Nhạc sĩ bị CS nghi ngờ là một trong những “đầu não” và đưa về Chí Hòa biệt giam. Nhạc sĩ đã sáng tác các nhạc phẩm ca tụng Thiên Chúa của mình, và ông đã đứng vững nhờ ở lòng tin nầy. Kỷ niệm đau buồn về cái chết của Nhạc sĩ Thục Vũ tức Trung Tá Vũ Văn Sâm. Vũ Đức Nghiêm đã đặt lời Hai cho ca khúc Anh Ở Đâycủa Thục Vũ. Độc giả sẽ ngậm ngùi cho người sỹ quan VNCH nhặt sung rơi cạnh bãi phân trâu để đỡ đói và bị cai tù phạt. Tuy vậy Vũ Đức Nghiêm đã rất công bằng khi kể về một người cai tù CS đã cư xử với Nhạc sĩ bằng tình người khi cả hai gặp nhau qua những câu chuyện về thơ và nhạc!

Về sự nghiệp âm nhạc của Vũ Đức Nghiêm,chúng ta sẽ đuợc biết nhạc phẩm để đời “Gọi người yêu dấuđã ra mắt trong hoàn cảnh nào. Ai là người đầu tiên hát tình ca Vũ Đức Nghiêm. Những thi sĩ quân đội nào đã đuợc Nhạc sĩ phổ thơ. Tổng số nhạc phẩm nhạc sĩ đã sáng tác trong hơn nửa thế kỷ qua đã vượt qua con số hai trăm.

Nhạc phẩm “Trong Ngục Tù Bao La” của Vũ Đức Nghiêm sáng tác năm 1970 đã đuợc Hoàng Kỳ tung ra thị trường âm nhạc trong nước sau 75 bằng cách đánh lừa chính quyền: nhạc Liên Xô, lời Việt của Hoàng Kỳ. Các thánh ca sáng tác trong tù và đuợc ngấm ngầm chuyển ra và phổ biến sâu rộng ở hải ngọai .

Trong thời gian tù đầy, Vũ Đức Nghiêm đã xúc động và phổ nhạc thơ Hà Thượng Nhân tức Trung tá Phạm Xuân Ninh, bài “Xin làm cỏ biếc vương chân em đi”. Bài này như một lời tạ ơn, một nốt nhạc tình gửi cho đóa hồng yêu dấu của nhạc sĩ, khi đôi nhạn còn đang chia cách.

Và để kết thúc tập truyện viết cho người anh của mình, nhà văn Vũ Trung Hiền đã rất khéo léo và cảm động khi hạ bút:

“..Sau 50 năm sóng gió, anh chị vẫn khắng khít bên nhau. Tôi xúc động khi thấy anh chống cây gậy sắt, đưa chị đi khám bệnh.Tôi vui, vì anh đã thực hiện đuợc mộng ước lúc ở trại tù :

Anh đã làm cây tùng che chở cho chị nương tựa. Và cũng làm những ngọn cỏ biếc vương mỗi bước chân chị đi

Tập truyện của một nhà văn viết cho người anh-Nhạc sĩ. Những câu truỵện sống động, tình cảm đuợc viết bằng giọng văn rõ ràng, lưu loát, không làm độc giả phải nhức đầu về những phô trương, những sáo ngữ mà đem lại cho chúng ta sự thú vị, cảm thông và bùi ngùi. Thú vị khi xem một cuộc đời. Cảm thông khi tình cảm đuợc phơi bầy thành thực. Bùi ngùi khi một tài hoa, một sĩ quan đã oằn vai gánh chịu.

Và nếu như Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã làm cây tùng che chở trong đoạn đời về trước, làm cỏ biếc vương chân trong đoạn đời về sau cho đóa hồng yêu dấu của anh và Vũ Trung Hiền đốt lên ngọn lửa ân tình; thì tôi , Hoàng Lan Chi xin làm một ngọn gió mong manh, đưa những tình ân ấy trôi xa…

Viết tại Rừng gió Virginia

Hoàng Lan Chi


Mua sách xin liên lạc: Gửi chi phiếu $10
Tên : Vu Trung Hien
1839 N. Los Robles Ave
Pasadena, CA 91104

This entry was posted in Điểm Sách. Bookmark the permalink.