Thu Cali trời như Đà Lạt
Lạnh vừa se, không lá vàng rơi
Nắng vẫn hanh dù mầu rất nhạt
Thu nơi này lạ quá anh ơi!
Từ Rừng Phong vẫn hoài ngày anh đến
Nghe lá khô rơi nhẹ hững hờ
Mầu thời gian tựa như mầu lá
Lá úa vàng vẫn đẹp như mơ!
Anh chưa đến, và em về đồng cỏ
Bãi biển xanh, mây trắng sa thật gần
Nghe sóng vỗ buồn như đời tị nạn
Hạt cát nào cứa ngọt gót chân
Em đã đi bao nhiêu rồi nhỉ
Gót thị thành và cả thôn quê
Thơ ấu cũ dòng sông bạc mệnh
Sóng nơi này có bạc tóc em?
Thì thôi nhé cũng đành là thế
Mộng rất cao và trời lại thật gần
Đêm tháng Mười mở lòng hoa rộn rã
Cali, về hay ở cũng là không!
Hoàng Lan Chi
Thế là tôi đã về Cali được hơn tháng. Thành phố biển nên khí hậu ngồ ngộ. Trời chỉ hơi se lạnh. Lá có vàng, có rơi nhưng không là mùa thu rực rỡ và diễm lệ như Virginia. Cây thấp, không có những hàng cây cao với tàn lá xòe rộng nên trời vẫn xanh và nắng vẫn hanh. Bây giờ thì tôi hiểu câu thơ anh bạn viết:
Nắng cháy Cali đồng cỏ rám
Thỏ xanh chả biết đi hay về!
Ngày còn ở Virginia, tôi không hiểu vì sao Cali lại “đồng cỏ rám”! Bây giờ thì chớm hiểu! Nghe nói Cali có động đất nên không để cây cao vì thế đa số cây thâm thấp và nắng tha hồ reo vui trên hè phố không hề bị tàn cây che phủ.
Chưa đầy một tháng tôi đã lo xong những gì cần thiết nhất: thi lại lý thuyết để có bằng lái của Cali, “registration” lại xe, mở “account ngân hàng” và đã đi học ngay sau khi đến Cali được mười ngày.
Nói về vụ thi lại lý thuyết, tôi phải cảm ơn PĐ, người phụ trách mục “ Bảo Trì Xe” cho một tờ báo ở Cali. Tôi gọi điện thoại hỏi thủ tục, anh nói vài điều và sau đó gửi mail “Lan Chi xem số báo ngày mai nhé”. Thật dễ thương, số báo mới nhất anh viết về mọi thủ tục khi di chuyển xe về Cali bằng một giọng văn dí dỏm vui nhẹ nhàng. Trong đó anh ví dụ “ ..bạn từ VA về CA” để mà viết “ ..Ở đây bốn mùa không rõ nét như tiểu bang miền Ðông nơi bạn vừa từ bỏ, nhưng thời tiết rất hiền hòa, rất dễ thương đối với một người có tâm hồn thi sĩ như bạn!” nhưng khúc cuối thì “ tặng HLC”. Đúng là dấu đầu lòi đuôi. Khi thi xong, tôi đùa “ ..LC rớt rồi, lỗi tại anh đưa bài cho Lan Chi không đủ và muộn quá!”.
Kèm cái xe thì tôi phải vô cùng tri ân người phát minh ra GPS! Một người già, ngu về đường xá như tôi thế mà di cư sang đây cứ vi vút đi đây đi đó hoàn tòan không cần tới ai ngòai GPS! Tôi còn nhớ một anh bạn già ở VA, nghĩa là già mà lạc hậu bảo tôi “ …vừa lái xe vừa coi GPS coi chừng tai nạn”! Tôi cười ngất, rõ là anh ta cứ ngỡ GPS chỉ đường như bản đồ! GPS bây giờ hiện đại, cứ thế mà nghe nó nói, thỉnh thỏang liếc vào xem thôi, bộ khùng sao vừa lái vừa xem nhỉ! Một ông khác cũng già nên cũng lạc hậu cứ một hai cổ võ cho việc học phương hướng và bản đồ! Tôi tự nhủ “Vậy thì khoa học tiến bộ để làm gì?”. Hai mươi năm trước không có GPS thì người mới đến Hoa Kỳ phải học bản đồ, phải ghi ra giấy và cầm theo khi lái xe. Bây giờ với google thì chỉ một phát là ra ngay “direction”, chỉ nhập một cái vào GPS là sau đó cứ ung dung ngồi lái, nó chỉ đâu đi đó, cần gì phải nhớ đi về hướng Tây, quẹo trái vào đường Xòai ba miles, quẹo phải vào đường Mít hai miles rồi lại quẹo trái vào đường Ổi một mile! Trời ơi, nếu vừa phải lái xe, đối phó với dòng lưu thông vừa phải nhớ những cái đó chắc tôi điên! Dường như mấy người già họ không thấy và không hiểu GPS vận hành ra sao nên họ hình dung GPS chỉ đường giống như trên bản đồ giấy! Họ cũng không hiểu từ điểm A giữa đường, tôi hòan toàn đi đến ngân hàng hay trạm xăng hoặc chợ gần nhất mà tôi muốn. Chính vì thế một lần tôi đang ở DMV và hỏi nơi thử khói xe mà một ông bạn tôi quen, ông bảo tôi “Nếu vậy cô về nhà, mai đi học hãy đến chỗ đó vì nó ở gần nơi cô học!” Thiên địa quỷ thần ơi! Tôi nói ông chỉ cần cho tôi số phone là đủ. Tôi gọi xin địa chỉ và nhập vào GPS thế là nó “dắt” tôi đi chứ việc quái gì tôi phải chờ hôm sau đi học hãy thử khói xe chỉ vì chỗ thử khói ở gần trường tôi học! Chẳng qua ông cứ ngỡ tôi đang ở một trạm DMV nào đó nên …sẽ không tìm được đường đến nơi thử khói xe!
Ngay sau khi rời VA, một anh bạn bảo tôi “ …DC mấy hôm nay đường đậu lên giá” Vì bất ngờ nên tôi chưa kịp hiểu “Sao vậy?” “ ..tụi nó thấy bà đi, nó mừng quá nên cúng xôi chè!”. Tôi cười ngất “Còn khuya. Lũ Việt gian đó, nếu có thì giờ và bực mình thì tôi vẫn viết bài khỏ chúng nó được như thường, cứ gì phải ở DC?” “Biết rồi nhưng trêu bà chơi”!
Học phí ở trường dành cho người lớn của chính phủ trước kia “free” nhưng bây giờ thì …hai chục cho một khóa. Tôi lai rai học coi như “chạy rodage” vì “level” này khá dễ với mình. Vì thế dù học năm ngày một tuần nhưng tôi không phải làm hay học ở nhà vì đã biết gần hết và có thì giờ lo xe cộ, bảo hiểm, ngân hàng v.v.
Tháng qua, đúng hơn hai tuần trước bạn hữu gửi “Tóc thề đi đâu mà vội”, một bản nhạc phổ thơ của tôi. Đầu tiên là Phạm Anh Dũng, tác giả phổ nhạc từ 2003, sau đó là “NNĐTVYKTMKT” (nick name của một người bạn khá thân với nghĩa là Người Nợ Đóa Tường Vi Yêu Kiều Từ Muôn Kiếp Trước), vài người nữa và cả giáo sư Gia Long cũ của tôi. Họ xem net, thấy và gửi cho tôi coi PPS về nhạc phẩm này.
Thuở Sài gòn những năm 1960, con gái Bắc hay để tóc xõa ngang vai. Tóc không ngắn để giống “con trai”, cũng không dài lướt thướt “liêu trai” mà chỉ hơi quá vai một tí. Vì sao được gọi là “Tóc Thề” thì tôi không nhớ.
Học đệ thất Gia Long, tôi cũng để tóc thề. Đúng ra tôi mê một kiểu tóc khác, đó là tóc dài ngang lưng và chỉ uốn hơi quăn ở cái đuôi. Nhưng tính nóng, đời nào tôi chịu được tóc dài vướng víu như vậy. Kiểu này chỉ để cho mấy nàng “tiểu thư” làm duyên. Tôi thích học, lo học, không có thì giờ làm duyên như thế. Đã tóc xõa ngang vai như vậy mà nhiều khi tôi còn chưa chịu vì nóng, tôi cột làm hai đuôi mà bạn tôi gọi là “đuôi gà” và cũng nhí nhảnh thắt hai nơ. Còn khi tôi chỉ cột một đuôi thì sẽ được gọi là ” queue cheval” tức “đuôi ngựa”!
Đa số nữ sinh để tóc thề nên hình ảnh một tà áo trắng với mái tóc ngang vai là nguồn cảm hứng cho nhiều chàng thi sĩ thật hay nửa vời nhả thơ như lá vàng bay.
Năm 2003, tôi không còn nhớ vì sao tôi viết “Tóc Thề đi đâu mà vội”. Phạm Anh Dũng là người đầu tiên phổ nhạc bài thơ này, sau Phạm Anh Dũng là Đỗ Quân. Trong CD đầu tay của mình, Đỗ Quân chọn giọng hát nam. Tuy phổ nhạc trước nhưng Phạm Anh Dũng không có ca sĩ hát. Năm 2007, nếu tôi nhớ không lầm, ca sĩ Xuân Thanh là người hát nhạc Tóc Thề của Phạm Anh Dũng trước và hôm nay thì là Đòan Phi có vẻ “rộn ràng” hơn. Sau đó Hàn Sĩ Nguyên phổ theo điệu dân ca. Nhưng giai điệu vui vui là của Lại Tích Phúc.
Thôi thì cứ coi “mỗi tóc thề” một vẻ vậy! Như CA hay VA, mỗi nơi một vẻ để tôi bâng khuâng:
Ở hay về, chỉ là Không!
Hoàng Lan Chi