Tiếng Hát Lụa Hà Đông

Cách đây vài năm, Nàng, cô ca sĩ ấy, mới xuất hiện. Một người bạn gửi cho tôi cuốn lịch của Nàng. Một sự “tiếp thị” không  được đúng chỗ của người bạn. Tôi, vốn dĩ là một người khá cổ, nên nhìn hình ảnh “gợi cảm” của ca sĩ, tôi không  “mặn mà” lắm. Một điều đáng tiếc khác, nhan sắc Nàng không nên “gợi cảm” kiểu đó. Và tôi cất lịch vào một ngăn. Đồng nghĩa là việc “cất” giọng hát Nàng vào ngăn.Sau vài năm, Nàng đã nổi tiếng. Những bận rộn của đời sống giảm bớt, tôi thực hiện môt chương trình nhạc “Những nhạc phẩm viết lời sau nhạc”. Dường như cũng chính người bạn gửi Nàng đến tôi với “Lệ Đá”. Nhưng Hà Huyền Chi lại ưa thích một cậu bé khác trong nước với kiểu trình bày mới. Từ “Lệ Đá”, nghe Nàng hát, tôi có chút say đắm. Một chút thôi và tôi đã “định vị” ngay giọng hát Nàng cho riêng tôi: “Tiếng hát lụa Hà Đông”. Nhẹ nhàng và khá ngọt, đủ ngọt như suối, chưa ngọt như lúa đồng, vì thế lụa Hà Đông cho Nàng là đúng nhất, với tôi. Mềm mại, dịu dàng, một chút “sang cả”, là đặc tính của “lụa Hà Đông”.

Ai đó ví Nàng với Ngọc Lan. Tôi không  nghĩ thế. Cái ngọt của Ngọc Lan, chưa giọng hát nào sánh. Cái dịu dàng của Ngọc Lan, Nàng có. Cái mềm mại của Ngọc Lan, có thể nàng cũng có. Nhưng cái ngọt của Nàng khác Ngọc Lan. Ngọc Lan cho tôi cái cảm giác ngọt của nụ hôn người vợ mới cưới, cái ngọt của Nàng là nụ hôn đầu của người tình.

Ai đó cũng so sánh Nàng với Thái Thanh. Tôi không  nghĩ thế. Thái Thanh có cái sang cả của một “mẫu hậu” quyền uy khi giọng hát cao lanh lảnh trải dàn cả không gian làm người người phải lặng thinh. Nàng mềm mại hơn, ít lanh lảnh hơn, Nàng  như cô công chúa nhỏ đang khép nép và rụt rè nhưng cái khép nép ấy cũng đủ là một quyền uy khiến người người cũng lặng thinh.

Có phải chăng vì dòng nhạc Nàng chọn đã khiến người nghe mường tượng đến những thế hệ đàn chị của Nàng. Họ đã ví rằng giọng hát Nàng cho họ liên tưởng đến cả Lệ Thu, Khánh Ly…

Không, tôi không nghĩ thế. Nàng không là Thái Thanh với giọng hát thiên phú cao vút trời mây, Nàng không  là Lệ Thu với giọng nồng nàn ấm áp, Nàng chẳng là Khánh Ly với giọng hát nửa vời. Nàng là Nàng, giọng hát lụa Hà Đông và có chăng là chút dịu dàng của người ca sĩ mà Nàng yêu mến: Ngọc Lan.

Hình ảnh này đây gợi nhớ về Ngọc Lan. Tôi yêu hình ảnh này hơn hết thẩy. Cũng “gợi cảm” nhưng không là “quá thấp”, chút gợi cảm của trái nho vừa hơi chín, còn e ấp nhưng vẫn gói nét trinh nguyên:

Vài tháng trước đây, tôi và một người bạn trò chuyện về Nàng. Anh nói rằng cần có lịch vào năm đó để giới thiệu. Tôi đồng ý phải có lịch nhưng với Nàng, với giọng hát ấy, với dòng nhạc đó, những kiểu ảnh nào là phù hợp với Nàng. Chỉ thế thôi. “Lụa Hà Đông” chỉ có thể là một mái tóc thề ngang vai, một nhân dáng gầy gầy, một ánh mắt trẻ thơ và một nụ cười thánh thiện.

Con đường Nàng đi khá suông sẻ. Sự nghiệp đang viên mãn, Nàng còn hứa hẹn nhiều ở những ngày tới.

Nét mới nhất của Nàng là “Người Về”, do Asia dàn dựng trong DVD 68. Mới tinh khôi cho Nàng trong chủ đề nhớ về người lính, tháng quốc hận, ngày quốc hận.

Nghe và sẽ thấy, chữ được Nàng nhả chữ rõ ràng, tròn trịa và không quá cao như Thái Thanh, giọng Nàng không  hề khàn như Lệ Thu và cũng chẳng “ nửa vời” như Khánh Ly.

Dịu dàng, đằm thắm trong phong cách trình diễn, giọng hát mềm mại như tơ trời, ngọt và tinh khôi- như một giòng suối, “tiếng hát lụa Hà Đông” Y Phương quả xứng đáng khi được Asia chọn là người kết thúc chương trình với nhạc phẩm “Người về”.

Xin mời nghe giới thiệu của Nam Lộc, Dương Nguyệt Ánh và Thùy Dương và sau đó Y Phương với “Người Về”:

http://thuvientoancau.org/HoangLanChi/Music/NguoiVe-PD-YPhuong.mp3

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.