Bảy Ngày Ngà Ngọc

Tháng Chạp ngày N

Sài Gòn bắt đầu có những ngày mang hơi hướng mùa đông. Với một chút lạnh giá vào sáng mai hay khi hoàng hôn buông rủ. Những cô gái Sài Gòn với áo len hồng, khăn voan trắng làm phố phường như mềm mại hơn, tha thuớt hơn. Tháng chạp của Sài Gòn  không giống tháng chạp của bất cứ nơi nào..Nàng đứng đợi ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Một bó hoa thạch thảo tím trên tay. Đó là dấu hiệu của nhau.

Em

Anh biết là em yêu hoa hồng nhất. Nên nếu đón em sẽ là những bông hồng BB mà em hằng yêu thích. Nhưng anh xin được nhìn thấy em -đón anh -với thạch thảo tím. Những bông hoa bé nhỏ và màu tím thuỷ chung. Là những gì, em dành cho anh và ngược lại. Phải thế không?
 Ừ, thì có gì đâu, chút chiều nhau cho tháng chạp ngát huơng mùi thạch thảo.

Nàng nhìn lên màn hình TV. Chuyến bay…..từ San Francisco, quá cảnh Singapoore sẽ đến sân bay Tân Sân Nhất vào 11giờ khuya. Giờ Tý. Cũng là tuổi của nàng.

Tháng Chạp ngày N+1 

-A lô, anh dậy chưa?
-Anh đâu có ngủ mà dậy?
-Sao thế?
-Không biết. Tự nhiên không buồn ngủ. Anh ra lan can và ngắm Sài Gòn  về đêm. Lạ quá em à?
-Lạ gì cơ?
-Sài Gòn như không ngủ. Đuờng phố xe cộ tấp nập cho đến khuya. Nghe những hàng quà rong rao, anh như sống lại thuở xưa. Mà bầu trời thì đỏ hồng. Không có đêm đen?
– Ừ, bây giờ đêm đen ít thấy. Nhưng nếu ở lâu, anh sẽ chán vì tiếng xe cộ ồn ào, tiếng rao hàng. Anh sẽ thèm những giây phút tĩnh lặng.
– Có thể. Nhưng hiện nay thì anh đang thú vị với những cái đó.
– Em đến đón anh đi ăn phở nhé!
– OK

Nửa giờ sau.
Chàng mở cửa. Nàng khác hôm qua. Dường như khi đón chàng, vào khuya, nàng có vẻ huyền bí như đêm đen Ai cập. Bởi đôi mắt nâu. Phụ nữ Việt Nam ít ai có mắt nâu. Nàng thì như thế. Cũng như đa số phụ nữ Việt Nam mắt đen nhưng nàng thì nâu. Ở nàng cái gì cũng có vẻ khang khác với đám đông.

Em muốn là em, không trộn lẫn
Giữa muôn hồng nghìn tía ở chung quanh

Ừ thì nàng là đoá quỳnh và không trộn lẫn với bất cứ đoá hoa nào dưới ánh nắng mặt trời.
Còn bây giờ, Nàng có vẻ mềm mại hơn với chiếc khăn voan tím choàng quanh cổ, với áo khoác trắng và chiếc jupe dài mầu xanh lá.
-Anh đoán là ngày xưa em…
Nàng cười lớn:
-Thôi cho I can U! Anh đoán là ngày xưa em đẹp lắm. Anh định nói thế chứ gì?
Chàng phật ý:
-Thì sao nào?
-Chẳng sao cả, nhưng em muốn nghe những gì khác cơ. Chẳng hạn, có lẽ ngày xưa em buồn lắm!
-Ai lại nói thế bao giờ?
-Thì có thế mới lạ!
-Thôi không cãi nữa. Mình đi ăn phở 2000 nhé?
-Phở gì có 2000?
Nàng cười:
-Anh tôi ơi, phở 2000 là một tiệm phở của một Việt kiều Mỹ. Mở năm 2000. Nhưng giá thì đắt. Đến mười bốn hay mười sáu ngàn đồng cơ. Tuy vậy thịt khá mềm và ngon. Nước thì tàm tạm. Nhưng tiêu chuẩn vệ sinh thì chàng Việt kiều tự hào. Hồi đó khi khai trương vào năm 2000 anh ta đã tuyên bố “Mong rằng có ngày tổng thống Mỹ ghé Việt Nam, anh ta sẽ giới thiệu phở 2000”.  Báo chí và không ít người đã cười anh ta điên. Vì làm sao tổng thống Mỹ thăm Việt Nam được? Thế nhưng…
-Thế nhưng năm 2001, Bill Clinton đã sang Việt Nam và…
-Đúng thế. Cả bầu đoàn thê tử chàng Bill đã ăn phở 2000 này.
-Em làm anh có chút tò mò?
-Em thích vậy. Tò mò sẽ làm phong phú cuộc sống hơn, anh đồng ý không?
-Anh lúc nào cũng đồng ý với em!
-Xạo ke!

Chàng phá ra cười. Chàng đã cố tình trêu để nghe nàng nói những từ mà đã lâu lắm chàng nhớ biết mấy. Ơi, cô gái bắc kỳ dễ thương của tôi ơi, chúng tôi những chàng trai đất Việt dù xa quê bao năm vẫn nhớ mãi tóc thề, guốc mộc, áo lụa Hà Đông và răng khểnh ai đó chúm chím “Gì cơ “.

Phở 2000 nằm ngay trung tâm Sài Gòn, trên đuờng Phạm Hồng Thái rất gần chợ. Chàng kêu chín nạm. Nàng cũng vậy. Muốn có hương vị phở thì nên ăn nạm chứ tái thì chẳng có mùi.
-Em ăn ít thế, nhỏ nhẻ như con mèo?
– Thế mà không xuống ký đấy. Than ôi, thời… năm chục ký nay còn đâu.
– Em quả là có óc khôi hài, thế em muốn xuống mấy ký?
Nàng duyên dáng đưa ba ngón tay:
-Ba! Chỉ xin ba mà sao khó thế. Em mà 52 ký thì chuẩn hơn?
-A ha! Chuẩn hơn! Em tôi ơi, em dùng chữ VC hơi bị nhiều đấy?

Nàng phì cười.
– Bây giờ đi một vòng quanh Sài Gòn nhé?
– Anh muốn đi gì?
– Xích lô! Được không?
– Hai chiếc nhé?
– Không, một thôi. Em chỉ hơi thừa cân và anh thì hơi thiếu. Anh muốn mình ngồi chung. Để anh ngồi truớc nhé.
Nàng mủm mỉm. Ừ thì chiều nhau một tí. Có gì đâu- Có nghĩa gì đâu một chút chiều- tình như sương khói quá hoang liêu- Bên nhau một thoáng đời hư ảo- Biền biệt một mai, nhớ nỗi chiều! 
Chàng lên truớc. Nàng vén jupe lên sau. Nàng biết âm mưu của chàng chứ.

Em
Có những đêm trời buốt giá. Tiếng mèo kêu làm anh thức giấc. Anh bỗng thèm có em bên cạnh. Có thể là gối đầu lên tay anh. Có thể là ngồi trong lòng anh. Vì em vẫn nói là em thèm được che chở.  Anh muốn bù đắp cho em. Em xứng đáng được hưởng những hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Anh thề là anh sẽ rất vô tư và trong sáng vô cùng khi em ở trong lòng anh như vậy! 


Chàng đã giữ lời thề. Nàng ngồi nép một bên nhưng vẫn rất gần chàng. Chàng nghe phảng phất mùi phấn em bé.
– Này em?
– Gì cơ?
– Đa số phụ nữ thích nước hoa. Họ coi đó là một công cụ để dụ đàn ông. Vì sao em thích phấn trẻ con?
Nàng nghiêng đầu cười. Anh đã nghe mùi phấn trẻ con mà không biết vì sao ư?
– Thì em không dụ đàn ông bao giờ, chỉ đàn ông dụ em thôi! Vả lại, em đã nói rồi, ngày xưa có người đã nói em là típ femme enfant. Nên em thích mùi phấn rôm trẻ con. Em muốn là em bé!

Chàng vòng tay qua vai nàng:

-Thế cho anh “thơm” em bé một cái được không?
-Bậy nào!
Đường phố Sài Gòn thật náo nhiệt. Xe cộ như mắc cửi. Chàng hoa cả mắt. Sao mọi người chạy xe hay thế nhỉ. Chẳng có luật lệ gì cả, cứ len lỏi, luồn lách mà đi.
-Anh biết không mấy năm trước họ định xây mới chợ Sài Gòn nhưng may quá báo chí và dân chúng lên tiếng đả kích. Chợ Sài Gòn đã từng được coi như một biểu tượng của Sài Gòn. Xây chợ khác đi sẽ làm đau lòng những người ở lại và cả những người đã ra đi. Khi về lại, biết tìm đâu hình bóng cũ. Nhờ thế Sài Gòn đã tồn tại như anh thấy, không khác gì so với thuở anh đi, đúng không?
-Ừ !
-Thế nhưng chợ hoa Nguyễn Huệ đã không còn anh ạ.
-Sao?
– Họ đã dẹp chợ hoa Nguyễn Huệ. Dân chúng Sài Gòn cũng phản đối vì chợ hoa Nguyễn Huệ là một nét văn hoá độc đáo của Sài Gòn nhưng cuối cùng dân chúng thua. Chợ hoa đưa về bờ sông. Năm đầu tiên ế thê thảm. Bây giờ chợ hoa được đưa vào công viên ở Hai Bà Trưng, nơi nghĩa địa cũ, anh nhớ không?
– Nhớ! Nhưng như vậy thì chán quá. Anh thích chợ hoa trên đuờng Nguyễn Huệ. Ngày xưa, bọn anh hay đi dạo vào dịp tết để ngắm hoa không biết nói và cả hoa biết nói. Ngắm đã đời xong là rủ nhau vào Nhà thờ Đức Bà. Vui lắm. Thế nhà thờ Đức Bà có bị đổi mới không?
– Không. Vẫn như cũ. Nhưng chung quanh, nhiều cao ốc đã mọc lên và Nhà Thờ đã bị nuốt chửng.  Họ không biết một cảnh quan hài hoà là như thế nào. Họ chỉ biết cho phép xây dựng vì một công trình xây dựng là làm giàu cho một số người. Người Sài Gòn  cũ rất buồn nhưng biết làm sao.

Không khí bỗng chùng xuống. Chàng nắm tay nàng bóp nhẹ.
– Ừ thì đã nói cứ mỗi một công trình được xây dựng là nhiều kẻ vơ thêm tiền nên họ đâu cần đến cảnh quan của đất nước. Ôi, thà làm đầy tớ người khôn còn hơn làm chủ đứa ngu.
Chàng bẹo má nàng:
-Thế mà em tôi, một tư tuởng lớn đang làm đầy tớ kẻ ngu.
-Anh.. Chọc em goài!

Goài! Cô bắc kỳ lai mất rồi. Nhưng chàng thấy vui vui. Như áo lụa Hà Đông năm xưa chỉ thổi hồn thơ dưới nắng Sài Gòn!
Xích lô vòng qua Nhà thờ Đức Bà. Vẫn như thế. Con đuờng Thống Nhất vẫn thênh thang so với những con đuờng khác trong thành phố. Thênh thang. Chàng mỉm cười. Ừ thì ngày xưa là thênh thang. Bây giờ hơn hai mươi năm sống ở xứ người với những con đuờng mênh mông, chàng bỗng thấy Thống Nhất nhỏ bé vô cùng. Bên hông nhà thờ một đám đông đang bu quanh các cô gái trẻ nhảy nhót. Chàng:
-Gì vậy em?
-À, một nhóm nhạc trẻ thu hình ngoại cảnh
– Các cô bé Việt Nam bây giờ ăn mặc mát mẻ nhỉ?
– Thì thời trang yếm đang thịnh hành. Yếm và hở rốn.
– Quả là thay đổi! Anh nhớ năm 75, mọi người đua nhau ăn mặc chân quê!

Nàng cười lớn:
-Thì nói làm gì. Anh biết không sau 75, em bỏ hết áo dài. Mặc quần đen áo thuờng. Khi em mặc áo bà ba, các chị ở phòng học vụ trố mắt nhìn.
-Vì sao, Anh thấy em mặc áo tứ thân cũng đẹp lắm mà?
-Nhưng xưa nay mọi người quen nhìn em diện mode. Nên bây giờ bỗng thấy em thuỳ mị nết na với quần đen áo bà ba, ai cũng thấy ngộ.

Chàng dụ khị:
-Hôm nào em mặc áo bà ba, quấn khăn rằn đứng dưới bóng dừa chụp một tấm đi?
-Ha ha, để xem em có giống cô gái xung phong đi tải đạn không chứ gì? No, em sẽ mặc áo bà ba nhưng không có khăn rằn nhé!
-Thế có gì?
– Nón lá! Em sẽ đứng bên bờ sông có tàu lá chuối và nón lá nghiêng nghiêng.
– Chỉ tuởng tượng thôi anh đã muốn làm thơ rồi. Nhưng cái mặt em mặc áo bà ba anh nghi chẳng giống ai?
– Lại chọc em” goài “?
– Thật mà, vì em mắt nâu. Mắt Á Ðông đen mà.
– Chê mắt nâu há?
– Mắt nâu không chung tình!
– Có thể lắm. Với em, tình có đâu mà chung? À mà có!

Nàng quay sang nhìn chàng. Đôi mắt nâu nghịch ngợm. Chàng muốn cắn một cái! Khi nhìn nàng trên màn hình computer, lúc nào chàng cũng có ý nghĩ muốn cắn một cái.
-Tình nào,  Anh nhé?
-No. Đừng tuởng bở. Anh hư lắm.
-Anh hư lâu rồi. Hư kể từ khi biết em! Nhưng thôi nói anh nghe đi, tình nào?

Nàng mủm mỉm:
Em chỉ có một tình yêu thứ nhất
Em trao cô cùng với những bông hoa
Cô không lấy và tình em bay mất
Tình em cho, không có lại bao giờ?

( Nhái thơ NB)

– Em cứ lãng mạn mãi thế.
– Lãng mạn là một hình thức trang điểm cho tâm hồn?
– Đồng ý. Nhưng giả dụ em cho anh một tình yêu thứ cuối, anh vồ ngay không từ chối bao giờ! Thì… lãng mạn hơn là tình yêu thứ nhất em dành cho cô giáo!
– Anh cù nhây lắm.
– Anh cù nhây từ khi biết em.
– Nghỉ chơi anh ra.
– Haha!
Chàng cuời sảng khoái. Nhớ một thuở xa xưa, những cô bé Trưng Vương cũng chu mỏ “nghỉ chơi anh ra”.
-Thực ra, anh biết không, hôm kia là sinh nhật ngày ta của em. Cô nhớ. Cô đã gửi cho em những bông hồng BB và vài vần thơ. Cô bảo năm ngoái về Sài Gòn, khi nghe em phone, cô đã nói “Ngày xưa em làm tôi khổ quá”.  Rồi cô viết Được yêu mà khổ? Ừ, thì được yêu chưa chắc là hạnh phúc.
-Không, giả dụ bây giờ em yêu anh thì anh không khổ?
-Anh lại “cù là ” nữa rồi. Thì phụ nữ giàu tình thương. Khi họ thấy ai đó yêu họ mà họ không đáp được thì họ khổ. Cô khổ vì học trò yêu cô. Nhưng bây giờ thì…
-Thì sao?
-Cô sung suớng được gặp lại em. Cô và em đều đã qua bao nỗi gập ghềnh, đã Tri thiên mệnh, đã Lục thập nhi nhĩ thuận. Nhưng trên hết, Thầy trò chung một niềm riêng: cổ vũ cho sự gìn giữ văn hoá dân tộc và thích làm việc thiện.

Chàng thở dài:
Em cứ như con sò muốn ôm cả sóng đại duơng vào lòng. Em hãy đơn giản tí đi cho anh nhờ?
Nàng phật ý:
– Bộ em rắc rối lắm sao?
– Còn hơn thế. Cứ như tắc kè! Này em, anh chỉ thích tiếng em cười. Khi em cười, thấy em rất hồn nhiên và trẻ thơ. Anh khoái cái đó. Anh không thích cái lãng mạn tình yêu thứ nhất của em, anh cũng chẳng thích cái ôm đồm gìn vàng giữ ngọc của em. Vì sao em biết không? Vì nó làm em già lắm, vì nó làm em khắc khoải, vì nó làm em đau khổ. Mà anh, anh chỉ muốn em được hạnh phúc!
– Cám ơn!
À, nàng giận. Được thôi. Thì chàng và nàng cũng đã từng cãi lộn xuyên đại dương bao lần! Bây giờ ngắm nàng giận ngay trước mắt, chàng thấy vui vui.

Em
Trời sinh phụ nữ để được nuông chiều và sống hạnh phúc. Nhất là những phụ nữ hiền lương như em. Anh vẫn nghĩ, giá như ngày đó anh biết em, anh sẽ tìm cho em một ông chồng đúng như em mơ ước! Một con người khoa học nhưng tâm hồn văn chương. Một người rất thực tế nhưng cũng rất lãng mạn. Nhưng để được thế, em cũng đừng ôm đá cho nặng bụng. Xã hội, thế sự, em hãy gác ngoài tai. Lịch sử sẽ được viết như giòng chảy định sẵn. Lịch sử không vì em mà xấu hay đẹp hơn! 
-A, xổ số kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta vẻ vang quá trời !

Chàng reo lên khi xích lô đi ngang công ty xổ số cũng trên đuờng Thống Nhất. Nàng phì cười. Đặt tên người và sửa lời hát thì nàng thuộc loại… nữ hoàng.
-Này em, ngày xưa em có vào đây bao giờ không?
-Có chứ. Năm tú tài thì phải, em vô cho biết thế nào là quay lồng cầu. Hôm đó em được xem Thanh Tuyền. Nàng mới từ Đà Lạt hạ san nên eo ơi mập quá xá quà xa và xí nữa ! Em thích Hoàng Oanh chứ không thích Thanh Tuyền.

Chàng bĩu môi:
-Thì ai chả biết em ủng hộ gà nhà!
-Nói bậy nhe. Gà nhà mà dở thì cũng không ủng hộ nhe. Hoàng Oanh hát khá hay mà ngâm thơ hay. Lại đứng đắn nữa !
Chàng năn nỉ:
– Cho anh xin đi, em sắp sửa ca con gái Gia Long ngoan nhất nước phải không?

Nàng giận dỗi:
– Thì đúng là như thế. Coi bộ anh kê tủ đứng em hơi nhiều đó.
– Tại vì anh muốn biết khả năng cãi của em ở mức nào?
Nàng im lặng. Ai đó nói nàng rất thông minh nhưng cũng rất dại khờ. Nhưng nàng chẳng dại gì đối đầu với dân Chu Văn An. Họ thông minh, lém lỉnh, bẻm mép. “Ngoan nhất nước” làm sao địch nổi? Hoạ may có mấy cô gái bắc kỳ Trưng Vương chứ bắc kỳ lai như nàng thì chịu thua trước cho xong chuyện.
-Này em, Sở Thú cũng không thay đổi?
-Ừ, thì bề ngoài vẫn như cũ, họ không thay đổi cổng làm gì. Nhưng cấu trúc bên trong thì có, tùm lum chuồng trại và khu vui chơi.

Xích lô đang bon bon và chàng nhìn trực diện Sở Thú. Tên hoa mỹ là Thảo Cầm Viên nhưng dân Sài Gòn có mấy ai gọi như vậy bao giờ.
-Anh muốn quẹo trái hay phải?
Chàng cười lớn:
-Này cô bé Gia Long khờ khạo, cô tưởng qua mặt tôi được sao? Tôi đã từng trồng cây si trước cổng truờng Trưng Vương mười chín năm nhé. Xin mời nàng ra lịnh quẹo phải dùm tôi!
Nàng cuời khi biết không bịp được chàng:
-Ăn nói ngoa ngoét. Mười chín năm, chắc mười chín tháng!
Xích lô quẹo phải. Con đuờng Nguyễn Bình Khiêm vẫn như xưa. Hẹp và nhiều bóng cây cao. Tiếng vượn hú văng vẳng. Chàng im lặng. Thả hồn về dĩ vãng. Nơi đây ngày xưa, có một cô bé tóc thề. Con gái bắc hay để tóc thề. Chàng thích tóc thề….
-Anh nghĩ gì thế?
-Hồi học Gia Long, em có để tóc thề không?
-Nếu bỏ xoã là thề, nhưng cột lên thì là đuôi gà.
-Thế em thề hay gà?
-Gà!
-Có lẽ vì thế em không gặp được anh?
-Nói như bố con chó xồm!
Chàng phá ra cười:
– Này em, ngày xưa mẹ anh cũng hay mắng tụi anh vậy lắm. Bố con chó xồm! Em mà dùng từ ấy thì em sẽ là bà già bắc kỳ khăn đen mỏ quạ đấy nhé?
– Thì có sao?
– Thì chán chết chứ sao! Xem em kìa, tóc thì tém, da thì trắng, mặt vênh vênh lên mà làm bà già mỏ quạ chẳng hay tí nào!
Nàng im lặng. Ta không chấp với nhà ngươi! Xe đi ngang truờng Trưng Vương. Chàng nhảy xuống chụp hình.
– Bây giờ anh muốn đi đâu?
– Còn đâu nữa, trường xưa lớp cũ em ơi!
– Vậy thì xích lô sẽ đạp lâu lắm.
– Kệ ! Anh sẽ được ngồi bên em suốt sáng nay.
Xe đi thẳng và vòng cua theo bờ sông. Con đuờng êm ả và có chút gì đó thanh bình. Ngang bùng binh, chàng thoáng ngậm ngùi. Ngày đó, dân Sài Gòn đã đùa “Đức Thánh Trần chỉ tay ra hướng sông là ý bảo hãy vượt biên đi!”

Rồi cũng đến trường xưa của chàng. Nơi đây ngày xưa đã sản sinh ra bao nhân tài cho đất nước. Ngày nay đã bị xếp vào thứ yếu. Nhưng có sao đâu, danh tiếng con trai Chu Văn An vẫn còn đó. Có một cô Gia Long luôn viết bài về con trai Chu Văn An kia mà.

Tháng Chạp ngày N+2

-A lô, tối qua anh ngủ được rồi chứ?
– Anh ngủ từ 9 giờ. Nhưng nửa đêm thức giấc. Anh đi bộ ra ngã sáu và làm tô cháo trắng hột vịt muối. Ngày xưa đi chơi khuya về, bọn anh hay ghé ăn quà như vậy lắm. Bây giờ ăn cháo đêm khuya, anh nhớ ngày xưa quá. Mới đó mà đã mấy chục năm.
– Rồi anh về lại khách sạn ngủ tiếp hả?
– Ừ
– Anh chuẩn bị nhé. Nửa giờ sau em có mặt đó.
– Tuân lệnh cô em!
Nửa giờ sau. Khách sạn gọi phone báo. Chàng xuống. Nàng ngồi trên xe Dream mầu nho chín ở lề đuờng. Quần jean xanh, áo thun đỏ, kính đen, mũ cao bồi. Trông nàng thật trẻ trung, khoẻ khoắn trong trang phục ấy. Chàng trèo lên ngồi phía sau.
-Hôm nay anh được đi xe ôm nhé !
-Ok. Mà tài xế lại là một cô.
-Bà chứ không phải cô.
-Bà với ai chứ với anh là cô! Mà có cho anh ôm eo không?
-Không, anh vịn vô thanh sắt ấy.
-Eo ơi, thò ra sau vịn ư? Khó lắm, cho anh ôm em tí mà. Anh té xuống đuờng chết bỏ em lại một mình sao?
-Trước anh, em một mình. Sau anh, em cũng một mình. Đừng lộn xộn!

Chàng thở dài. Ngồi sau lưng nàng mà không được ôm eo nàng thì tức quá đi.
Nàng chạy rất chậm. Chỉ 20km/giờ. Chàng ngoan ngoãn thò tay ra sau vịn vào thanh sắt. Buổi sáng trời Sài Gòn  hơi lạnh nhưng với chàng thì mát.
-Này em?
-Gì cơ?
– Ngày xưa em có hay ngồi cho anh nào đó chở không?
– Thì cũng có. Thỉnh thoảng.
– Em có ôm không?
– Không bao vờ!
– Ngoan nhỉ?
– Thì đã nói ngoan nhất nước mà lỵ!
Chiếc xe thắng gấp vì một cặp trai gái quẹo cua gắt ngay đầu xe nàng. Chàng chúi vào nàng và vội vàng ôm ngay eo nàng:
-Giời ơi!
Nàng ngoái lại phía sau cười:
-Ơi! giời bảo anh bỏ tay ra.
-Ối anh sợ lắm. Nếu anh không nhanh tay ôm em thì anh lọt xuống đuờng rồi.
Nàng ngẫm nghĩ. Ừ, chàng đâu có quen ngồi xe ôm.Lại lóng ngóng.Thôi cho chàng ôm một tí.
– Sao con gái Sài Gòn  bây giờ kỳ ghê em?
– Kỳ sao?
– Mặc áo dài mà ngồi chàng hảng hai bên, kỳ vậy?
– Ừ, chướng vậy đó? Em cũng ghét hình ảnh đó lắm. Khi mặc áo dài hay đầm, em ngồi một bên. Chỉ khi mặc tây, em mới ngồi hai bên. Bọn nữ sinh bây giờ kỳ cục lắm. Đi học mà nện giầy cao gót lộp cộp thật chướng. Em mà là giáo viên chủ nhiệm chúng, em phạt con bé nào dám đi giày cao!
– Em khó như bà già trầu.
– Hiển nhiên rồi.
– Thế con gái em đi học ra sao?
– Nó phải mang sandal như mẹ nó ngày xưa.
– Em có vẻ phát xít gớm?
– Hiển nhiên. Con gái em cũng chỉ ba bộ như mẹ ngày xưa, cũng không nữ trang gì cả, cũng tóc thề. Em chúa ghét còn đi học mà nhuộm tóc chứ, đeo nữ trang tùm lum chứ, đi giày cao chứ. Tưởng tượng lớp học đang im lặng, thầy kêu và nữ sinh lên bảng nên gót gìaylộp cộp,coi sao được.  Chưa kể đi giày có vẻ như ăn chơi, không có vẻ học trò gì cả. Mà khốn thay bây giờ nữ sinh đi giày cao nhiều lắm anh ơi!
– Hoan hô em, một tiêu biểu cho nền văn hoá cổ truyền Việt Nam!
Nàng quay lại cấu một cái rõ đau vào tay chàng. Chàng chỉ xuýt xoa.
Phở gà Hiền Vương vẫn như xưa. Chàng thích thú nhấm lá chanh xắt nhỏ. Lá chanh Việt Nam vẫn có mùi vị khác lá chanh Mỹ.
Nàng quẹo qua Hai bà Trưng.
-Chợ Tân Định cũng vậy em nhỉ?
– Nhờ rút kinh nghiệm các chợ đi trước đấy. Các chợ kia xây xong thì..ế rề. Nên khi nhà nước kêu tiểu thuơng đóng góp thì họ cương quyết không chịu. Họ chỉ cho làm nền gạch hoa thôi.
– Anh thích chuối Tân Định lắm. Loại chuối già chín trứng quốc ấy. Còn ngon như xưa không em?
– Vẫn.
– Ô, nhà thờ Tân Định vẫn xinh em nhỉ?
Nàng mỉm cười. Tâm lý người đi xa về, cứ thấy cái gì còn như cũ là reo như trẻ nhỏ!
Chàng ôm eo nàng nhưng cũng có ý, chỉ ôm hờ không dám chặt. Cho mười điểm. Nàng thầm nghĩ thế. Ngày xưa nhìn tướng nàng, nhiều người đã lầm tưởng nàng thuộc típ ăn chơi, bay buớm. Nhưng không, trái lại. Do đó nàng không biết nhẩy, không biết đánh bài. Nàng tập hút thuốc, uống rượu cũng chỉ muốn cho đàn ông biết tay (!) chứ bản thân nàng chỉ ghiền cà phê sữa đá. Nàng không thích khiêu vũ vì không thích đàn ông đụng vô người mình. Nàng chỉ thích nói chuyện văn thơ. Thuở sinh viên một người bạn trai đã gọi nàng là lãng mạn con nhà giáo. Nàng cười khẽ khi nhớ lại chuyện xưa.
-Em cười gì thế?
-Lãng mạn con nhà giáo.Ngày xưa bạn trai nói em thế. Anh hiểu không?
-Anh cũng có cảm tưởng vậy. Em lãng mạn nhưng bên ngoài thì khe khắt như bà già trầu thứ thiệt. Kể ra anh nào đặt cho em là lãng mạn con nhà giáo nghe cũng hay đấy.
– Em này, sao lại có công viên nào lạ thế?
-Đất thánh tây cũ. Họ sửa thành công viên lâu rồi
-Eo ơi, thế thì nhiều ma lắm. Ban đêm mấy cô cậu vào đây tình tự, tha hồ cho ma bóp cổ.
-Anh này!
– Ừ nhỉ, anh quên là em sợ ma.
Xe quẹo vào đuờng PhanThanh Giản, bon bon ra ngã tư Hàng Xanh.
-Đường gì bé quá. Xe cộ phát khiếp, em định đi đâu?
-Đến Bình Qưới. Anh sẽ thích.

Bình Qưới nằm gần cuối đuờng. Chàng thích thật. Một con thuyền hoa. Một xe ngựa. Ôi xe thổ mộ. Nhớ ngày xưa còn bé, chàng vẫn cùng bạn bè nhảy xe thổ mộ đi học. Tiếng vó ngựa lốp cốp trên đuờng nghe thật vui tai.

Sài Gòn  ơi, thuở ấy mới thanh bình làm sao. Những con đuờng êm ả với lá me bay. Những người dân miền nam hiền hoà chất phác. Những bà mẹ Bắc hay Huế vẫn đi chợ với áo dài tha thuớt. Những bà mẹ quê sáng ngời hạnh phúc với lúa trĩu cánh đồng. Nhưng rồi chiến tranh. Đã tàn phá…
Chàng và nàng chọn một góc nhỏ. Phía trước là thảm cỏ xanh. Xa hơn chút là khu tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Cây đa bóng rũ. Một bức tượng bán thân. Một bình hoa. Giản dị đến vô cùng. Một hàng mẹt tre với những hòn sỏi nhỏ:

Ngày sau sỏi đá cũng còn có nhau 

-Em thích nhạc Trịnh không?
-Có bài thích, bài không.
-Bài nào không?
– Bài nào được xếp là phản chiến.
Chàng năn nỉ:
-Anh đã nói rồi. Trời sinh ra đàn bà dễ thương để được hạnh phúc, không phải để lo chính sự?
– Em không hề lo chính sự, nhưng em yêu quê hương. Và vì thế em không thích khi những người lính đang chiến đấu thì lại có người…

Chàng im lặng. Gió từ bờ sông thổi lên mát rượi. Tiếng sáo nhạc vi vu. Xa xa, vài cặp cô dâu chú rể đang chụp hình.
– Em nghĩ gì khi thấy đám cưới?
– Kỳ lạ? cứ mỗi khi nhìn thấy một đám cưới, em lại có một ý nghĩ hết sức bậy bạ!
-?
– Em nghĩ là: rồi lại có hai kẻ điên! Cô dâu chú rể mà đọc được tư tuởng em, chắc họ… uýnh em quá.
– Em như con chim, bị tên một lần và khi nhìn cành cây cong đã ngỡ là cung. Cuối năm chắc là mùa cưới?
– Vâng. Đến cuối năm, nhiều người mệt mỏi vì đóng tiền cưới phí, vì phải đi ăn mà thực đơn đám cứơi thì na ná. Em may mắn không bị vì hầu như họ hàng, gia đình không còn ai ở đây. Vài bạn em còn ở đây thì con đang đi học như con em.
– Thế thì tết đến, em buồn lắm nhỉ?
– Vâng. Tết là ngày đoàn tụ. Với em không có gì cả. Canh Cô Mậu Quả. Chấp nhận thôi.

Chàng rón rén cầm tay nàng. Bàn tay đã gân guốc với những tháng năm rất nghèo, đã hơi nhăn nheo với thời gian. Nàng đã không may mắn và chịu bao điều cơ cực trong cả một khoảng thời gian dài.

Em

Xưa Thuý Kiều so bề tài sắc lại là phần hơn nhưng Ngu si hưởng thái bình nên Thuý Vân đã hưởng tất cả và Kiều thì truân chuyên. Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao. Kiều nhảy sông nhưng con đuờng đoạn truờng chưa đi hết nên đã được cứu để đi cho trọn.

Có một lần em viết rằng, với em bây giờ là Tri thiên mệnh nên em không còn oán trời giận đất hờn người .Nhìn sự cam chịu của em, anh xót xa biết bao.
Anh, lúc nào anh cũng nghĩ rằng em hiền lương vô cùng kể và em xứng đáng được huởng những gì mà lẽ ra em phải có.

Tháng Chạp ngày N+3 

-Alô, tối qua vui không anh?
-Vui. Gặp lại đám bạn cũ Chu Văn An thích lắm em à. Tụi anh nhìn nhau cười quá xá vì đứa nào cũng bảo nhau “Sao trông mày già thế?!”.
-Các anh đã làm những gì?
-Đi ăn buffet ở Bình Qưới?
-Anh lại đến Bình Qưới?
-Ừ thì anh đâu biết gì, về đây, chỉ nhắm mắt theo em và bạn bè. Bình Qưới ban đêm thích hơn nữa em ạ. Họ thả hoa đăng trên giòng sông. Anh thích những hình ảnh cô bán hàng với áo bà ba, chõng tre có nước vối, chè xanh, bắp nướng. Đố em biết anh gặm bao nhiêu bắp nướng?
-Sức anh chỉ một thôi!
-Lầm to nhá. Anh gậm ba trái đấy. Anh cũng thích cháo lươn và bánh xèo.
-Thế anh có ăn nai đồng quê không?
-Ban đầu không dám. Lũ bạn nài nỉ. Anh ăn thử. Thấy cũng ngon ngon. Này em?
-Gì cơ?
-Em đáng đánh đòn?
-Vì sao?
-Tại sao ban sáng em không dắt anh đi cầu khỉ, không đu dây với anh?
-……
– Buổi tối anh và lũ bạn như trẻ con. Kéo cả đám đi qua cầu tre. Không lắt lẻo gì cả. Rồi tụi anh cũng đánh đu. Ôi, được làm trẻ nhỏ thú vị ghê. Mà em ơi?
– Ơi !
– Hoa súng đẹp quá em ạ. Ban đêm những bông súng trong ao và cả trong chậu nở đẹp quá. Anh ước ao phải chi có em, nhất định anh sẽ phải chụp em với hoa súng.
– Em cũng thích hoa súng.

Dọc đuờng đất quanh co. Hai bên đầm ngòi dài. Cuối thu..
Ai bảo sen là hoa quân tử. Còn ta, ta bảo súng là hoa tiên tử…
(TTM)

Em, anh cũng yêu hoa súng như em. Ai thích hoa sen chứ anh thích hoa súng hơn. Mầu hoa trắng pha chút vàng chanh và có gì đó giông giống hoa quỳnh. Nhà văn đã ví hoa súng là hoa tiên tử. Anh cũng muốn ví như vậy. Và em, hoa súng của anh, em là một đóa hoa tiên tử.
-Chuơng trình hôm nay là gì hở em?
-Về miền trung.
-Ok, về miền trung miền thuỳ dương với ngàn đồi thông, thuyền ngược xuôi suốt một giòng sông dài..
-Hôm qua anh có đi hát karaoke không mà sao còn dài hơi đến hôm nay?
-Có chứ? Sau khi ăn buffet ở Bình Qưới, bọn anh về Sài Gòn  leo lên tầng lầu 33 ở gần Sở Thú đó. Eo ơi, họ bán kem đắt kinh khủng, đến năm Mỹ kim một ly.
-Mua chỗ ngồi mà, chỉ có đó là cao nhất Sài Gòn .
-Ngắm Sài Gòn  từ trên cao cũng rất thú vị em ạ. Sau đó kéo nhau đi hát karaoke.
-Anh hát bài gì?
– Em PY!
– Cái gì? Em PY là cái gì?
– Hì hì em tôi thông minh nhưng hơi chậm hiểu. Em tôi là PY !
– PY là ai?
– Là em?
– Là em?
– Thì là em!
– Dóc. Nghỉ chơi anh ra. Lại trêu em rồi?
– Không hề nhé. PY là Phượng Yêu! Em hiểu chưa nào?

Em

Tên em mang đến hai loài hoa mà anh đều yêu quý. Một loài hoa gắn với tuổi học trò của tất cả những ai được cặp sách đến trường. Và một loài hoa chỉ nở vào đêm.
Cành phượng vĩ là tuổi em muời sáu.  Một nhà thơ đã viết như thế. Đoá hoa quỳnh là duyên số em mang.  Hoa phuợng vĩ chỉ mùa hè khoe sắc. Quỳnh hoa ơi, đến sáng đã tàn rồi….

Em, Phượng Quỳnh, tôi vừa tìm được
Một buổi chiều trên net lang thang
Văn em như gió thổi bạt ngàn
Làm mê hoặc hồn tôi không lối thoát

-Thế ra anh hát bài Phượng yêu?
-Ừ.
-Anh hát giống gì?
-Ống bơ rỉ !
-Có lẽ !
Chàng và nàng đến Ban Mê vào quá trưa. Thành phố khá yên tĩnh và đẹp. Ngày xưa gọi là Ban Mê Thuột nhưng bây giờ thì đổi lại là Buôn Ma Thuột. Nhưng lời bài hát vẫn là ly cà phê Ban Mê chứ phải Buôn Ma.
-Chắc em thích Ban Mê thuột?
-Vì sao?
-Vì em thích cà phê?
– Lý luận nghe cù là quá?
– Em có những ngôn ngữ không giống ai, cù là!

Nàng mỉm cười. Đó là những cái rất riêng của nàng. Đó là những cái làm nên Phượng Quỳnh. Và ai đã tiếp xúc, dù chỉ một lần-cũng khó quên..
Ban Mê lạnh hơn Sài Gòn. Chàng và nàng vào quán cà phê Thương Thương nằm trong khuôn viên dinh Bảo Đại cũ. Bầu trời cao trong xanh. Ly cà phê hơi đậm. Nàng khẽ nhăn mặt. Chàng mỉm cười:
-Anh vẫn còn nhớ cô bé Hoà Bình chỉ thích cà phê ngọt. Hoà Bình thì phải dịu ngọt chứ không đắng cay! Phải không em?

Chàng kêu quán đem đến ly sữa đặc và nước sôi. Tự tay chế thêm, rất chậm rãi, chút sữa vào tách của nàng. Rồi chút nước sôi. Nếm thử. Chàng làm với tất cả sự tỉ mỉ, say sưa như một hoạ sĩ đang chăm chút tác phẩm của mình.

Xin anh đừng làm em xao xuyến. Đã lâu rồi em khép chặt lối vào. Hoàng hôn cuộc đời đang buông rủ. Hãy để em sống bình yên cho đến hết cuộc đời 

Chàng đưa tách cà phê:
-Anh nghĩ là em sẽ hài lòng. Nhìn mặt và pha cà phê đúng gu thì có lẽ chỉ có người ấy! Còn anh, anh chỉ biết pha theo cảm nhận của anh về em.

Nàng cầm tách cà phê. Một ngụm. Chàng nheo mắt nhìn nàng. Đôi mắt nâu còn phảng phất một thời xưa cũ. Cái răng khểnh rất hiếm khi nhìn thấy. Chỉ hơi khểnh. Và như thế, chỉ những ai làm nàng cuời, cuời nhiều- mới nhìn được cái răng khểnh ấy. Nàng ngước mắt nhìn chàng. Chàng hỏi – cũng bằng ánh mắt.
Chúa ơi! Đã bao lâu rồi mới có người nói chuyện với tôi bằng mắt? Nhớ thuở sinh viên, trong giảng đuờng nho nhỏ, em ngồi cuối lớp nheo mắt trêu ai. Ai đã luống cuống khi nhìn thấy em đang chống cằm khiêu khích. Ai đã mím môi và doạ em bằng ánh mắt tình nhân? Em thích thú với trò chơi thơ trẻ. Thầy luống cuống, bài bỗng dưng tùng phèo tất cả. Đám sinh viên ngơ ngẩn không hiểu vì sao. Chỉ mình em và Ai, cũng là Thầy-biết vì sao Thầy bối rối.. Ôi những ánh mắt ngày xưa!

Nàng chớp mắt. Chàng reo:
– Thế là anh có thể mở tiệm bán cà phê được rồi nhé? Chỉ nhìn mặt và pha cà phê đúng gu! Hay thật!
Ừ. Thế là đủ. Chàng đã pha đúng ý nàng.

Buổi tối chàng và nàng đến quán thịt rừng. Quả là ngon, nhất là nai. Nhím nhiều xuơng, ít thịt, không ngon.
-Đi uống cà phê với em thì thú vị. Còn nhậu thịt rừng thì không?
– Tại sao?
-Em đâu biết uống bia? Ai đời uống seven up với chút bia! Chẳng thể cụng ly hay chén tạc chén thù với em?
-Thôi nhé, đừng tham lam. Đàn ông chúa tham lam. Bản thân mình không hoàn hảo mà đòi bạn phải vừa bợm nhậu vừa lãng mạn cà phê.

Buổi tối trung tâm thành phố khá tấp nập. Chàng và nàng đi loanh quanh. Ban mê chứ không phải Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Nên tóc em ướt. Nên má em ướt. Nên em mềm như mây chiều trôi. Phố núi cao. Phố núi trời gần. Phố xá không xa. Nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nao. Lòng bỗng bâng khuâng…  nhưng cũng đi dăm phút lại về chốn cũ…

Em

Anh không phải là một quá khứ của em. Phải chi anh được thế. Thì bây giờ .bao năm tháng lại về bến cũ có lẽ sẽ thơ mộng hơn chăng? Hay như em đã một lần viết, thời gian đã xoá mờ và cuốn trôi tất cả. Có những qúa khứ, khi gặp lại chỉ thêm thất vọng.  Một quá khứ nào đó bàng bạc trong văn em đã làm em vô cùng chán ngán với những lá mail nhạt nhẽo vô vị. Thì anh lại có đôi chút thú vị khi chúng ta đã không từng gặp nhau bao năm trước!
 
 
Tháng Chạp ngày N + 4 

– Alô, anh dậy đi!
– Sao lúc nào em cũng là người đánh thức anh?
– Ý anh nói gì?
– Em như cô vợ ngoan đánh thức mỗi sáng “anh ơi dậy đi làm!”
– Nhảm nhí!
– Nhảm nhí từ khi biết em!
– Không nói với anh. Phải đi sớm đấy.

Xe đi buôn Jun. Trên đuờng đi, nàng đòi xuống vuờn cà phê.
– Để làm gì?
– Em chụp hình. Chưa bao giờ em thấy cây cà phê cả.
– Em đúng là “quê” quá!
– Phải nói là em “tỉnh” quá mới đúng! Vì “tỉnh” quá nên không biết cây cối vùng quê ra sao!

Cây cà phê chỉ thấp ngang tầm người. Hoa cà phê trắng muốt. Những nụ hoa trắng và trái đen.
– Em có biết sự tích cà phê không?
– Không.
Chàng vênh mặt:
– Nghe anh kể này… Nghe nói ngày xửa ngày xưa, ở buôn làng nọ có một người chăn ngựa. Anh ta ngạc nhiên khi thấy một con hay tách bầy và khi trở về bỗng linh hoạt hơn hẳn. Anh ta theo dõi và khám phá ra ngựa nhấm một loài cây… Anh ta đem trái về cho một nhà trí thức. Ông ta mầy mò. Đun trái. Thấy ra nuớc đen. Uống thấy đắng nhưng cho tí đuờng thì rất ngon. Nhưng điều kỳ diệu là mỗi khi uống chất nước đó thì thấy người sảng khoái hẳn. Từ đó cà phê được biết đến.
– Cũng thú vị đấy!
Chàng phật ý:
– Em đúng là con gái Bắc kỳ của Nguyễn Tất Nhiên! Chuyện anh kể hay thế mà…
Nàng mỉm cười. Ừ, những cô gái Bắc kỳ răng khểnh tóc đuôi gà đã là nguồn cảm hứng cho những vần thơ tuyệt tác…

Buổi trưa. Đến buôn Jun. Nơi đây có hồ Lăke rộng mênh mông như Hồ Tây Hà nội. Trời tháng Chạp, sóng và gió lồng lộng nên chiếc thuyền độc mộc chỉ dám đi ven bờ và cả hai đều được trang bị áo phao.
– Này em!
– Gì cơ?
– Nếu bây giờ thuyền lật em sẽ làm gì?
– Thì em sẽ bơi vào bờ!
– Thế em không cứu anh à? Em thì biết bơi, anh thì không.
– Không.
– Một phụ nữ độc ác!
– Em ác kể từ khi biết anh!
Nàng nhại giọng chàng. Cả hai phá ra cuời vui vẻ làm chiếc thuyền chòng chành. Nàng vẫn thản nhiên. Năm 78, tìm đuờng vuợt biên nàng đã đi học bơi. Nhưng mới được vài tuần thì con đau nên bỏ dở. Cho mãi đến năm 84, nàng mới học thuần thục. Bỏ học bơi bao năm nhưng xuống nước nàng vẫn bơi được. Nàng thích bơi nhưng không có bạn đi cùng. Lúc nào nàng cũng phải một mình.

Chàng và nàng vào buôn. Tại địa điểm cho thuê voi cưỡi, có xây bệ cao. Từ bệ này, du khách sẽ trèo lên chiếc ghế tre cột trên lưng voi. Nàng nghịch ngợm:
– Anh cứ ngồi trong ghế nhé!
– Em đi đâu?
– Em ra ngồi sau lưng nài.
– Ôi trời ơi, em tôi!
Nàng phá ra cười. Rồi thản nhiên trèo ra ngồi sau lưng nài. Gồ ghề quá. Nhưng nàng thích. Chú voi đi chậm rãi trên con đuờng làng. Mỗi khi có xe máy, voi biết đi tránh xuống đuờng. Nàng hỏi:
– Này chú, tự nó biết tránh hay chú làm dấu hiệu cho nó?
– Làm dấu hiệu.
Chú voi chắc đói hay sao mà trên đuờng đi đã ghé vào cây và quật ngã vài cành nhỏ… Nàng thú vị nghe tiếng cành cây răng rắc khi vòi voi cuốn gãy.
Một vòng trên đuờng làng rồi voi đi xuống đất bùn ven hồ Lăke. Những bước chân voi nặng nề in dấu thật rõ.
-Em ơi nói họ cho voi vào đi.
-Sao vậy?
-Anh sợ lắm, lỡ nó đổ, mình té xuống hồ.
-Có chết đâu mà anh lo? Voi đi có vững họ mới cho xuống sình chứ! Em nghe nói mùa cạn, nó còn băng ngang hồ nữa kìa.
-Không lo nhưng nhìn nước ven hồ bẩn quá. Anh sợ em té xuống sẽ xấu lắm. Mà anh không muốn nhìn thấy hình ảnh em xấu xí lấm bùn bê bết!
– Xạo ke!
Nhưng nàng cũng yêu cầu chú nài cho voi đi vào đuờng trong khô ráo. Kể ra cảm giác chòng chành trên lưng voi khi đi trên đất bùn ven hồ làm nàng cũng hơi ngan ngán…

Tháng Chạp ngày N + 5 

Trời tháng Chạp Kontum lồng lộng gió. Lạnh như Đà lạt ngày xưa mà chàng còn giữ trong tâm tưởng. Trên sân thượng của khách sạn, dưới giàn hoa lan, hoa đậu biếc, chàng đã yêu cầu khách sạn cho một ngọn nến lung linh nằm kín gió trong ống tre. Chàng thích được nói chuyện dưới ánh nến huyền ảo. Mọi việc và mọi sự dường như đẹp hơn duới ánh nến…

Hôm nay là giao thừa tây. Một ché rượu cần cho đúng hương vị Tây nguyên, một ổ bánh nhỏ và chỉ độc một ngọn nến xanh lá. Vậy thôi. Chàng và nàng đã đón giao thừa như thế
– Em lạnh không?
Chàng trìu mến hỏi.
– Nếu em nói “có”, anh sẽ làm gì?
– Thì anh sẽ “rủ rê” em qua ngồi cạnh anh thay vì đối diện như bây giờ.
Thế đấy. Những anh chàng Chu Văn An lúc nào cũng lém lỉnh. Dù ở tuổi nào! Hay vì tâm hồn chàng trẻ mãi với thời gian? Có thể lắm! Thật đáng tiếc cho những kẻ đã chai sạn theo năm tháng, chỉ còn biết chạy theo đồng tiền, công danh phù du và đã lãng quên một thời lãng mạn dễ thương của tuổi trung niên.
– Rồi sao nữa?
Chàng mỉm cười:

Bờ vai anh ấm đầu em tựa
Một chút tình thôi, biết có không?
(Hoàng Lan Chi)

– Em đã viết như thế, đúng không nào?
Nàng hơi ửng hồng má. Chỉ là những vần thơ trong phút giây xúc cảm… Anh nhớ để làm gì?
– Anh thích em dựa đầu vào vai anh. Và nếu như em còn lạnh, xin cho anh được ôm em trong tay anh. Anh đã thề là sẽ rất trong sáng khi em ở trong vòng tay anh như thế, em nhớ không?

Nàng bật cười. Thề cá trê chui ống! Ở tuổi này nàng mới dám làm thế. Chứ thuở sinh viên thì đừng hòng. Ngày ấy, nàng luôn nhớ lời mẹ dặn.

Những khung cảnh trữ tình, mờ ảo là khơi nguồn cho tội lỗi… Cho dù ban đầu hai người hoàn toàn trong sáng nhưng trước sự quyến rũ của ngoại cảnh, sa ngã là điều không tránh khỏi… Và nàng, cô bé Gia Long ngoan nhất nước luôn tránh xa những hoàn cảnh đó. Chưa ai dám đụng vào người nàng. Ngày ấy, nàng như đoá hoa quỳnh khiến ai cũng chỉ muốn nâng niu, trân trọng và không chút sàm sỡ.

– Vì sao anh để độc một ngọn nến trên ổ bánh?
– Tại sao chúng ta lại phải phân thành hai, khi mà chúng ta đang là một? Anh nghĩ có lẽ không bao giờ chúng ta có dịp như thế này nữa. Mai mốt em đi xa, con đuờng ấy rồi nhiều chông gai. Em sẽ bị cuốn hút. Và mỏi mòn… Khó có dịp chúng ta lại bên nhau nơi quê nhà như thế này.
– Thế mầu xanh lá?
– Em mạng hoả. Mộc sinh hoả. Những mầu phù hợp với em là hồng và xanh lá. Anh muốn ngọn nến xanh lá này sẽ là ngọn đuốc soi sáng cho con đuờng còn lại của em. Anh biết em sẽ phải đuơng đầu với nhiều khó khăn khi ra đi muộn màng. Anh biết làm sao hơn ngoài sự cầu nguyện cho em vững vàng.

Nàng lặng thinh.
Anh chăm chút từng cái nhỏ nhặt. Anh đã nhớ cả đến mạng Hoả của em để tế nhị chọn nến mầu xanh lá. Nếu khen anh dễ thương thì đúng là dễ thương. Nhưng có phải người ta chỉ dễ thương khi không thuộc về nhau vĩnh viễn?

Một cơn gió mạnh. Nàng rùng mình nhẹ. Chàng đứng dậy, vòng qua bên nàng, giọng như gió thoảng:
– Qua với anh đi em.
Nàng như chìm trong cơn mê. Hoa Lan trên giàn đẹp quá. Ánh nến lung linh quá… Chàng âu yếm quá, Nàng để chàng dìu qua…
Rất trân trọng, chàng ôm đầu nàng đặt trên vai mình:
– Em ơi hãy tựa, anh hầu quạt đây.
– Giờ này hầu quạt thì chết em rồi!
Cả hai phá ra cuời vui vẻ.
-Mấy giờ rồi anh?
-Còn chín phút rưỡi nữa.
– Anh lúc nào cũng dóc tổ. Đếm ở đâu đến chín phút rưỡi?
– “Dóc” chứ chưa “tổ”!

Rồi giao thừa cũng điểm. Lặng lẽ. Chàng và nàng cùng chúm môi thổi nến.
Ôi hạnh phúc vô cùng. Trên Tây nguyên lộng gió. Giao thừa. Rượu cần ngọt lịm. Và nàng, “người đàn bà tắc kè”! Khi đọc văn nàng một chiều lang thang trên net, tôi như cảm nhận được rằng đây chính là người đàn bà cuối cùng trong đời ta. Trước nàng, tôi cũng đã say đắm bao người và cũng lãng quên chừng ấy… Nhưng với nàng, tôi như tìm lại được tuổi trẻ của tôi, hình ảnh ngày xưa thân ái. Từ nàng, tôi như thấy bóng mẹ, bóng em, bóng chị và cả bóng người yêu đầu tiên, người vợ xưa của tôi. Nàng khắt khe như mẹ già của tôi ngày truớc. Nàng ngoan hiền như cô em út hay dỗi hờn thuở tôi là sinh viên và cô em mới chập chững lớp đệ Thất. Nàng chua ngoa như bà chị cả hơn tôi mười tuổi mỗi khi la mắng cậu em đoảng vị. Nàng ngây thơ như người yêu Trưng Vương mười sáu tuổi của tôi ngày tôi muời tám. Và nàng đảm đang như người vợ vắn số của tôi… Nhưng trên tất cả là nàng lãng mạn như tôi. Hai cái lãng mạn gặp nhau thì sẽ thành gì nhỉ? Lãng mạn con nhà ma thay vì lãng mạn con nhà giáo của nàng? 

– Nếu cho một điều ước, anh…
– Tất nhiên anh ước anh là người yêu của em!
– Nhảm nhí!
– Tại sao nhảm? Tại sao em cứ khăng khăng bắt anh dậm chân tại chỗ, không cho anh “thừa thắng xông lên”?
– Ê, “thắng” ở chỗ nào mà anh đòi “xông lên”?
– Không phải sao? Anh đoan chắc, chưa bao giờ em đi chơi với một người đàn ông nào như hiện tại em đang đi với anh!
– Lêu lêu, chẳng qua em tội nghiệp anh về Việt Nam  cu ky không có thân nhân.
– Vớ vẩn. Chỉ là một cái cớ!
Nàng giận dỗi:
– Nếu vậy ngày mai em về Sài Gòn  ngay. Kệ anh ở đây.
– Ối cho anh xin. Bỏ anh bơ vơ ở đây là cái tội lớn nhất trong đời của em đấy!
– Em nhiều tội rồi, thêm một cũng không sao.
A, cô nàng Bắc kỳ bắt đầu giở thói đỏng đảnh. Chàng xoa đầu nàng:
– Không có đâu. Mỗi sợi tóc là một tội. Tóc em thưa thế này, em ít tội lắm!
– Hết chê mắt nâu đến chê tóc thưa.
– Đâu có. Nếu em cái gì cũng đẹp cả thì chán chết. Nếu anh nhớ không lầm, Albert Camus nói “Hạnh phúc chỉ có giá trị khi có sự hiện diện của đau khổ”?
– Ăn nhậu gì đến điều chúng ta đang nói?
Chàng ký đầu nàng:
– Đàn bà con gái không nên nói “ăn nhậu”, xấu lắm! Thì anh suy diễn thêm. Ví dụ cái đẹp chỉ có giá trị khi có sự hiện diện của cái xấu!

Nàng phì cười. Thật thú vị khi nói chuyện với những anh chàng Chu Văn An dí dỏm và cù là!
– Này em, rượu cần thế nào?
– Giống rượu nếp của người Bắc.
– Em thích không?
– Hơi hơi.
– Em thì chỉ cà phê sữa đá!
– Ngoan thế còn chê! Không thích gì, chỉ có cà phê. Kiếm được một bà vợ như em hơi hiếm đấy.
– Ối, anh biết mà, cho anh nộp đơn đi.
– Không. Cho dù một ngày nào đó em thay đổi ý kiến, định lấy chồng thì em cũng không bao giờ nhận đơn của anh.
Chàng thở dài:
– Vì sao?
Nàng nói mà như thủ thỉ:
– Em thích anh chỉ là bạn của em thôi. Lấy nhau rồi, nhiều chuyện lắm anh ơi! Mà em, em thích mỗi đêm được nghe tiếng anh gọi cho em, “Em ơi, hôm nay có ai làm em buồn không? Nếu có thì bán cái buồn đó cho anh nhé. Và cho anh hôn lên trán em một cái nè. Chúc em ngủ ngon nè.” Như vậy lãng mạn, chả thích hơn ư?
– Ối, anh OK tất cả những cái lãng mạn khác của em. Riêng cái vừa rồi thì anh phản đối. Anh cũng chỉ là đàn ông tầm thuờng thôi em ơi. Anh thương em và anh chẳng muốn em lấy tên nào hết?
– Lại nhảm nhí nữa rồi.
– Thưa cô…?
Nàng rời vai chàng:
– Gì đó em?
– Có người tìm cô!
– Tôi? Tôi đâu có quen ai trên này.
– Dạ xin cô xuống duới một chút. Nếu lầm thì thôi.
Chàng xen vào:
– Phải đấy, em xuống đi, còn trong giao thừa mà em.
Nàng theo chân cô bé tiếp tân.
Hòn non bộ thật xinh, giòng suối nhỏ lững lờ. Một chiếc thuyền giấy nhỏ trên giòng nước.
– Em xin lỗi cô. Không ai tìm cô cả. Nhưng chiếc thuyền giấy này là của cô!
Nàng mỉm cuời thay lời cám ơn. Cô bé tiếp tân đi vào. Nàng quỳ gối, nâng nhẹ chiếc thuyền giấy. Chỉ là một chiếc thuyền giấy của thuở học trò… Ngày xưa trời mưa, nàng từng xếp thuyền giấy thả với người bạn…
Thuyền có mui. Nàng nghiêng người nâng cao thuyền trên bàn tay và nhìn vào trong. Một bông hồng BB nằm nghiêng. Tuyệt đẹp. Và một cánh thiệp. Nàng nhẹ tay mở thiệp.

Gửi em, Vương Ngọc Yến
Anh xin làm Đoàn Dự kể từ hôm nay
(1)

Nàng mỉm cười.
– Sao em?
Chàng đứng sau lưng. Nàng ngước nhìn lên. Vòm trời cao xanh đen. Hôm nay giao thừa tây nhưng mười sáu ta. Nửa đêm ánh trăng vàng rực rỡ. Ai yêu hoa quân tử; còn ta, ta xin yêu nàng hoa tiên tử. Ai yêu trăng rằm; còn ta, xin vầng trăng mười sáu.
Chàng ngồi đối diện nàng. Một nụ hôn rất nhẹ trên trán.

Em
Đã bao lần chúng ta cãi nhau xuyên đại dương về nụ hôn. Anh
người đàn ông tầm thuờng như muôn vàn đàn ông khácchỉ thích hôn môi. Còn em, em chỉ muốn được hôn trán. Em bảo anh trần tục. Anh bảo em ngớ ngẩn.
Nhưng đêm nay! Trời Kontum. Tây nguyên phả hơi thở núi rừng. Đêm giao thừa. Anh tình nguyện xin làm Đoàn Dự. Và một nụ hôn trán. Như em hằng thích.

Tháng Chạp ngày N + 6 

– A lô, em dậy chưa? Đàn bà con gái ngủ muộn là xấu lắm!
– Em dậy lâu rồi.Nhưng vì anh bảo em cứ như vợ trước của anh, mỗi sáng đánh thức chồng, nên em không thèm gọi nữa.
– Ối, bây giờ anh khám phá ra em có tính thù dai.
– Ở lâu thêm đi, sẽ khám phá thêm vô số tính xấu khác.
– Thế thì anh không ở lâu. Anh qua em nhé?
Chàng gõ cửa phòng nàng. Chiếc quần lửng ngang đầu gối và áo thun ngắn. Trông nàng giống trẻ con.
– Hôm nay chúng ta ra biên giới nên em phải bận cho gọn.
Nàng giải thích.
– Thì anh có nói gì đâu. “Trúc xinh trúc mọc bờ mương, em xinh em mặc áo mường cũng xinh” kia mà.
Nàng bỉu môi. Bẻm mép là cá tính của con trai Bắc kỳ.

Quốc lộ 14 ra Ngã ba biên giới không xóc lắm. Xe đi qua những vùng cà phê, hoa trắng xoá…
Sân bay Phượng Hoàng. Chàng và nàng xuống xe đi bộ. Trải dài trên sân bay là những lát khoai mì phơi khô.
– Em nghĩ gì thế?
– Buồn!
– Vì sao?
– Tất cả những gì gợi nhớ đến chiến tranh đều làm em buồn.
– Thế ngày xưa em có người yêu là lính hay sao?
– Không. Em chẳng yêu ai cả. Nhưng người yêu em thì có gần khắp các binh chủng. Tất nhiên em thích hải và không quân.
– Anh biết. Vì em lãng mạn mà!
– Đúng. Hải quân với hoa biển trắng xoá. Không quân với những đám mây như vồng cải quê nhà.
– Anh nhớ em kể cái anh chàng không quân nào đó đã viết cho em về những đám mây xếp lớp như vồng cải… “Vườn cải ngồng dỗ ong buớm về sân. Anh nằm đấy buổi trưa và tiếng nắng” (Thơ Nguyễn Đình Toàn).
– Nhớ dai nhỉ?
– Cái gì của em, anh cũng nhớ dai cả.
– Anh?
– Gì cơ?
Nàng phì cười. Con trai mà “Gì cơ?” nghe ngồ ngộ.
– Anh hát cho em nghe bài “Người ở lại Charlie” đi. Hồi nẫy chúng ta đi ngang đồi Charlie đó.
– Anh không thuộc.
– Chán anh!
– Đừng chán. Vì anh thuộc cái khác hay hơn.
– Ví dụ?
– Áo nàng vàng, anh về xin hoa cúc. Áo nàng xanh, anh vẽ lá trên rừng (nhái thơ Nguyên Sa).
– Áo nàng đen?
– Áo nàng đen, anh xin vầng trăng lụa. Rải tơ vàng cho óng ả áo ai.
– Xạo ke! Áo đen thui lấy đâu ra óng ả?
– Thì anh mới xin ánh trăng mười sáu cho áo đen óng ả!
-Anh bẻm mép lắm!

Ngã ba biên giới. Vùng đồi cao và bầu trời trong vắt. Bên kia là đất Campuchia. Nàng và chàng đứng cạnh nhau trên đồi cao, mỗi người đeo đuổi một suy nghĩ.

Em,

Anh biết dù anh có xin làm Đoàn Dự thì ngã ba biên giới vẫn là nơi dành sẵn cho đôi ta. Vì sao? Không biết! Anh cảm nhận thế. Ở tuổi này bỗng nhiên lười suy nghĩ, cứ để mọi chuyện đẩy đưa và theo cảm nhận. Mà cũng có thể vì anh mơ hồ rằng “ừ, hãy để em là bạn, biết đâu sẽ tuyệt vời hơn? 

Nàng nhìn quanh. Bao giờ những vuông lúa dợn sóng, những cánh cò bay lả, những cánh diều vi vu… đều làm nàng yêu thích.

Quê huơng ơi
Tiếng sáo diều ai thổi
Buổi chiều vàng ngọn trúc khẽ đong đưa

Thanh bình quá
Mẹ già cuời móm mém
Lá trầu xanh mẹ nhổ thắm góc hè
Áo nâu non
Như mầu gạch ngói
Sứt đuờng tà, mẹ chăm chỉ ngồi khâu

Hiền hoà quá
Giòng sông đang uốn khúc
Vòng luỹ tre ôm gọn cuối đuờng quê
Thuyền lan nhỏ lững lờ xuôi dòng chảy
Em trên bờ mắt liễu khép lối về

Quê huơng đó
Một đời tôi ao uớc
Tiếng sáo diều và đồng lúa xanh non
Trẻ ê a và cuộc sống vuông tròn
Cho tất cả
Tất cả những người
Tôi
gọi là… cùng một mẹ sinh ra… 
(Hoàng Lan Chi )

Lúc nào lòng nàng cũng trĩu nặng tình quê hương. Nhớ những ngày sôi động cuối tháng tư lịch sử, nàng và cậu em cùng tuổi, nên ngoài tình chị em còn có tình bạn hữu, đã nắm tay nhau mắt ngời sáng:
– Dù có ăn rau muống cũng không đi đâu. Quê hương là tất cả!
Rồi sao? Cậu em đi học tập và đã thoát năm 85. Nàng còn ở trên đỉnh núi–lối ví von của một người bạn. Giờ đây, nàng cũng đang đứng trên núi đồi, nhìn ra xa. Vùng biên giới sáng nay trời xanh lắm… Nuớc tôi là một giải giang sơn gấm vóc từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. 

Tôi đi từ Ải Nam Quan
Ơi người ơi…

Trường ca “Con đuờng cái quan” đã một thời làm nàng xúc động. Tuổi mười bốn, con gái thích nhạc tình, còn nàng thích nhạc tình tự quê hương. Tuổi muời lăm, con gái viết thơ tình, còn nàng viết thơ quê hương…

Đất Mẹ

Vuợt trùng duơng con đã trở về đây
Tìm đất mẹ mà con hằng yêu dấu
Ôi quê huơng xứ dân nghèo có thấu
Nơi phuơng trời em gái vẫn chờ mong
Vẫn còn đây mầu áo tím Gia Long
Mầu nhung nhớ trong nỗi buồn trẻ dại
Đất mẹ ơi con về không ái ngại
Lối đuờng xưa lại in buớc chân con
Con sẽ đi trên khắp nẻo đuờng mòn
Nghe hơi mẹ vang lên từng nhịp thở
Nghe đất lành cuộn phù sa mầu mỡ
Nghe tin yêu dâng rộn rịp lòng dân
Mẹ yêu ơi con thuơng mẹ vô ngần
Khi thấy mẹ vẫn còn sầu ly biệt
Tiếng kêu than như oán hờn tha thiết
Ách bạo tàn đang xiết chặt nơi nơi
Nuớc dâng lên như ngập bốn phuơng trời
Con chua xót không bút nào tả xiết
Chỉ nhủ lòng sẽ về thăm đất Việt
Dù xa xôi dù cách trở gian nan
Mẹ thấy không con vuợt suối băng ngàn
Về với mẹ cánh đồng thơm lúa chín
Mẹ đây rồi miền phù sa cát mịn
Việt Nam ơi, con ôm trọn vòng tay!

Hoàng Lan Chi (1963)

-Ở đây không có cái cầu nào em nhỉ?
-Ý anh?
-Anh sẽ hát cho em nghe Chiếc cầu biên giới
-Thì tưởng tượng !
-Tưởng tượng cầu? không bao vờ. Giá tuởng tượng anh là người yêu của em thì anh dễ tưởng tượng hơn!
-Lại nhảm nhí !

Tháng Chạp ngày N+7

Này em tháng chạp qua rồi đó
Áo lụa xong chưa để đón xuân
Guốc mộc nếu mòn, anh mua nhé…

– Em không đi guốc mộc nữa đâu?
– Ôi trời, sao em làm cụt nguồn thơ của anh?
Nàng cười ròn rã như pha lê. Những ngày bên nhau, chàng thích trêu nàng và ngược lại. Chỉ là những tiếng cười, chưa một giọt nước mắt nào kể cả khi nàng đón chàng ở sân bay.
Nàng nhanh nhẹn đóng thùng đồ cho chàng. Chàng mỉm cười thích thú ngó nàng. Bàn tay thoăn thoắt buộc dây rất đúng và chắc.
-Em đa đoan vì em biết nhiều đấy.
-Gì cơ?
-Nhìn em đóng thùng đồ, anh ngỡ dân chuyên nghiệp!
-Dạ bẩm ông, em từng phải trông dùm tiệm sơn mài cho cậu em trong một năm. Do đó em phải biết cách làm sơn mài, cách gói đồ.
Nàng thắt ruban mầu xanh lá vào quai va ly.
– Chi vậy em?
– Cho anh dễ nhận ra. Va ly đa số giống nhau. Anh khỏi mất công nhìn. Em chán đôi mắt cận của anh lắm. Làm cái nơ cho anh nhìn ra nhanh hơn.
– Mắt cận là biểu lộ của thông thái, nông dân ít cận lắm.
Nàng bĩu môi.
– Thế em có cận không?
– Không bao vờ. Em mê đọc sách. Hè, em mải mê đọc, không chú ý trời tối. Bố dập đầu cái bốp “đôi mắt là hai viên ngọc trời cho,phải giữ kỹ. Xem con gái đeo kính, có đẹp không?”. Em thấy có lý. Và em giữ. Báo cho biết hiện nay em nhìn xa còn tỏ hơn nhiều bạn cùng tuổi nhé. Nhưng em không giữ nổi cho con gái. Chúng bây giờ học nhiều quá. Cũng may nó đã đi nước ngoài. Chứ cứ ở Việt Nam, với chính sách giáo dục không giống ai thì…
– Mai mốt về Mỹ, anh đập bỏ kính!
– Đừng. Em thấy con trai đeo kính cũng được lắm.Chỉ con gái thôi. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà. Để cửa sổ bị kính che thì cũng hơi buồn. Em thích nói chuyện bằng mắt lắm.
– Còn anh thích bằng tay!
– Lại nhảm nhí!
Chàng thở dài:
-Mai mốt về Mỹ, anh sẽ buồn lắm vì chẳng còn được nghe mắng “nhảm nhí” nữa.  Mà sao qua phone, em đâu có bắt nạt anh như bây giờ?
– Tiên trách kỷ nhé. Qua phone thì “em ơi, cười đi cho anh nghe nào. Anh chỉ thích nghe tiếng cười của em thôi. Tiếng em cười rất hồn nhiên”. Còn bây giờ, lúc nào cũng nhảm nhí?
Chàng nghiêm chỉnh:
-Này em, qua phone thì anh chỉ tưởng tượng thôi. Cái hình em mặc áo tứ thân thì trông giống con nhà lành trăm phần trăm. Còn bây giờ, em cứ khiêu khích thế kia, làm sao anh nói chuyện bằng mắt được?
Nàng dơ nắm tay doạ:
– Không nói nhảm nhé. Em lúc nào cũng ngoan nhất nước (!), không hề khiêu khích nhé. Anh chỉ giỏi vu khống. Rồi, xong.
Chiếc va ly đã cột gọn.
-Đi đâu bây giờ em?
-Ăn cơm niêu. Gần trưa rồi.

Con đuờng Tú Xương bây giờ không như xưa. Ngày xưa đây là con đuờng quý tộc. Hàng cây cao, bóng mát. Những villa xinh đẹp. Giàn hoa giấy tím. Hay ti gôn hồng. Nhưng khi những đỉnh cao tiếp thu thì villa được biến thành nơi chăn heo.Và bây giờ là những căn nhà được cơi thêm, mất hết nét sang trọng hài hoà của phố Sài Gòn  xưa.

Niêu cơm nhỏ bé. Nguời tiếp viên tung niêu. Xoảng. Chiếc niêu vỡ. Một vồng cơm cháy vàng rụm bao tròn. Vồng cơm cháy được tung hứng vài vòng trên không như làm xiếc.
Chàng chấm miếng cơm cháy vàng rụm với muối vừng. Tuyệt.
– Sao anh?
– Ngon lắm. Lâu lắm anh mới được ăn cơm cháy muối vừng. Mà này, sao em không trổ tài nấu món gì đó cho anh mà toàn đưa đi nhà hàng vậy? Có lẽ gia chánh em rất tệ! Thông thuờng như thế. Đàn bà dễ thương, lại học giỏi thì thường ẹ về nấu nướng!
Nàng phì cuời:
– Có lẽ em phải bầu anh là quán quân trong việc khiêu khích, chọc tức người khác.
Chàng ngây thơ:
-Đâu có, bạn anh đa số quý anh lắm vì tụi nó bảo anh hiền như bụt ấy!
Nàng bĩu môi:
-Hoá ra đi với bạn, anh mặc áo cà sa còn đi với em anh mặc áo giấy!
-Oan lắm em ơi. Anh chỉ có một bộ mặt thôi, ai mà tắc kè như em? Nhưng thôi, nói đi em biết nấu ăn không?
Nàng vênh mặt:
-Xin báo cho “chàng” hay, con gái tôi đoạt giải nhất nấu ăn, giải ba cắm hoa nhé. Báo đăng đàng hoàng nhé?
Chàng gật gù:
– À ra vậy, nhìn mẹ biết con. Còn bây giờ nhìn thành tích con để suy ra mẹ!
– Chứ sao!
Cả chàng và nàng cùng cười.

Những giây phút cuối đang được đếm. Nàng huyên thuyên. Chàng cũng huyên thuyên. Như không hẹn mà cả hai như cố làm ra vẻ bình tĩnh. Ra vẻ mọi chuyện bình thuờng.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất – nửa đêm 

Chàng đã về quê hương vào nửa đêm. Và cũng ra đi vào nửa đêm. Về khuya, trời Sài Gòn có phần hơi lạnh.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách…

(CTT và PD )

Ngày xưa, ga Lyon đèn vàng. Chàng đã tiễn nàng về xứ mẹ. Chàng đã nói bằng tiếng hôn…
Còn bây giờ sân bay Tân Sơn Nhất không buồn hiu hắt. Và nàng thì tiễn chàng đi. Đi hay về? Với bao nhiêu người Việt, rời khỏi Việt Nam là đi hay về? Ôi quê hương, nỗi đau này bao giờ mới khỏi?

-Em nghĩ gì thế?
-Không nghĩ gì.
-Em đang nghĩ lung tung. Khi lung tung thì đồng nghiã với không có gì.
Nàng im lặng. Gió thổi rì rào. Chàng choàng tay qua vai nàng.

Em
Còn bao lâu nữa, chúng ta còn gặp nhau lần nữa không hay muôn trùng xa cách? Cuộc đời làm sao biết trước được?
Đã bẩy ngày bên nhau. Cám ơn em. Đã cho anh những giây phút ngọc ngà. Cám ơn em để chuyến về quê của anh như hoa gấm. Rồi đây trong quãng đời còn lại, anh có tìm được những giây phút như những ngày qua? Duyên kỳ ngộ, mấy ai có được?
Rồi em cũng sẽ đi xa. Nơi vùng trời ấy, chỉ mình em đương cự với bão táp phong ba ở tuổi xế chiều. Anh thương lắm. Thánh giá trên vai em quá nặng. Muốn san sẻ cùng em nhưng ngã ba biên giới vẫn còn đây!


Biết làm sao hơn. Thôi thì mỗi tối lại vỗ về em ” Em ơi, xin trao cho anh những nỗi buồn của ngày hôm nay. Anh sẽ giữ dùm cho em. Và hãy ngủ đi, cô Bắc kỳ “nhảm nhí” của anh. Ngủ đi em, mộng hãy bình thuờng. Ru em, anh vượt trùng dương gọi về…

Nàng nhìn đồng hồ:
-Đến giờ rồi. Anh vào đi?

Chàng xoay nguời nàng. Đối diện. Nàng cúi xuống. Mông mênh… Chàng dịu dàng hôn nhẹ lên trán nàng. Nàng ngẩng lên. Giọt nước mắt lăn tròn trên gò má.

Đêm Sài Gòn  vẫn mênh mông…

Hoàng Lan Chi

 

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.