Tháng hai, đào Virginia có lẽ đang ươm nụ để tháng ba, hoa sẽ rực rỡ nghiêng mình bên dòng Potomac . Xứ mưa, mưa trên ngàn thông đang rải rác đào đón xuân con hổ. Những cây đào nhỏ nhắn mang chút dáng dấp của đào Hà Nội chúm chím hoa. Giá như trời đừng mưa, giá như mây đừng u ám thì Portland sẽ quyến rũ hơn. Nhưng mưa vẫn rơi và mây vẫn đen để lòng tôi không chút nào vương vấn xứ ngàn thông.
Nhớ Sài Gòn mưa nắng hai mùa. Mưa Sài Gòn có trải dài sáu tháng thật đấy nhưng mưa Sài Gòn không lê thê, không day dứt. Mưa thường ào một trận là xong. Mưa có khi bên này sông và bên kia sông thì không. Điều này quả thú vị đã khiến một nhạc sĩ viết:
Tôi đứng bên này sông, trời bên kia sông mưa…
Vì thế mưa Sài Gòn không làm não lòng người ở. Xứ ngàn thông, thành phố hoa hồng thì không thế. Mưa hoài và trời u ám mãi làm ủ dột người ở và không quyến rũ người mới đến.
Hôm nay mùng hai tết. Nhớ ngày xưa, mỗi mùng hai là lúc chúng tôi nắn nót theo lịnh cha:
Tân niên khai thần bút
Vạn sự tổng giai thành
Năm nào cũng khai bút như thế và chả năm nào được “ngũ sự” thành, nói chi đến vạn sự thành! Và tôi đã bật cưòi khi nghe bạn hữu chúc “Vạn sự như ý” vì chỉ cần hai sự như ý là cũng đủ vui rồi nói gì đến “vạn sự”!
Năm vừa qua con trâu và có vẻ trâu cày vất vả. Nói đến trâu là tôi nhớ đến nhạc phẩm sau:
Ai bảo chăn trâu là khổ
Ngồi mình trâu sướng lắm chứ
Cái ông nhạc sĩ này khéo nguỵ ngôn! Ông ta vẽ vời đủ thứ để thi vị hoá rồi kết luận chăn trâu sướng lắm chứ! Còn tôi nói trâu năm qua nhiều vất vả vì có đến vài vụ um sùm mà một trong các vụ đó là vụ vài vị Giám Đốc của đài Việt Nam Hải Ngoại bị tố cáo giao du với cán cộng cấp cao của Tòa Đại Sứ VC. Qua vụ này, tôi nghĩ cộng đồng người Việt hải ngoại hẳn có nhiều suy nghĩ. Suy nghĩ một là rất nhiều vị chống cộng nhưng nay không dám lên tiếng vụ Việt Nam Hải Ngoại chỉ vì các vị ấy đang nhờ vả đài để đọc thông cáo. Suy nghĩ hai là một số cơ quan truyền thông nín thinh trước việc này. Có lẽ họ e sợ một ngày nào đó báo/Đài Phát Thanh của họ cũng sẽ bị tố như vậy chăng nên họ im lặng? Suy nghĩ ba là người Việt tị nạn đã nhận thức được sức mạnh của internet. Vâng, chỉ bằng internet mà vài vị Giám đốc Việt Nam Hải Ngoại không dám cho chìm xuồng. Chỉ bằng internet mà chủ tịch cộng đồng vùng Hoa Thịnh Đốn không dám “ếm nhẹm” vụ VTV4.
Tôi không tuổi trâu mà năm qua vất vả theo trâu. Có gì đâu, chỉ là khi ông Hồng Phúc tố cáo, mọi việc như chìm trong quên lãng. Tôi, vốn xuất thân từ đài Việt Nam Hải Ngoại và chứng kiến mọi việc từ đầu nên tôi đã lên tiếng. Cũng may là tôi viết khá nhanh nên mọi việc được tường trình đầy đủ cho dư luận khắp nơi được rõ.
Vất vả viết nhưng bên cạnh đó có một niềm vui khác. Anh, người đàn ông đầu tiên đưa tôi lang thang qua những con đường cây cao của phố Sài Gòn, người đàn ông đầu tiên quỳ trong Vương Cung Thánh Đường với tôi đã viết cho tôi những giòng chữ dễ thương. Anh ví tôi là đoá tường vi. Tôi là Quỳnh của cha, là một đoá quỳnh trong “gia đình Quỳnh” nhưng tôi lại không yêu hoa quỳnh lắm. Tôi yêu hoa hồng và sau hồng là lan. Tôi không chú ý tường vi. Có lẽ khi anh viết thơ thì tường vi cho vần với cái tên Lan Chi chăng!
Điều vui nhưng “rưng rưng” là sau bao năm “gặp lại” thì điều tôi nghĩ về anh giống như anh nghĩ về tôi.
Anh gửi bài thơ “Tình Mất”
Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận,
Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,
Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,
Chắc ta đã yêu nhau rồi, – hẳn chứ..
(Huy Cận)
Tôi và anh không chỉ “chào một bận” mà có những ngày Sài Gòn mưa lất phất, con đường Lê Thánh Tôn nhỏ hẹp với hai hàng cây cao, anh che dù cho tôi và cùng nhau đi mưa. Từ bé cho đến giờ, tôi vẫn mơ mộng những điều thật thơ. Như thích đi mưa nho nhỏ, thích được dạo trong rừng phong lá đỏ với một người bạn “thân hơn bạn nhưng không phải người tình”! Vì thế kỷ niệm đi mưa với anh vẫn nằm trong một góc hồn tôi.
Tôi yêu Sài Gòn với những ngày mưa tầm tã hay những cuối đông chỉ hơi se lạnh. Tôi hết sức chán những người thích ca tụng Hà Nội trong khi họ chả biết Hà Nội là gì. Chỉ là họ a dua thôi. Một ví dụ a dua của họ là họ làm thơ, viết văn và cả ti toe nhạc để nói về …hoa sữa. Có gì đâu chỉ là một nhạc phẩm trong nước nói về hoa sữa và thế là hoa sữa lên ngôi. Dân Hà Nội có người nói với tôi “Con đường nào có nhiều hoa sữa là đại hoạ vì mùi nồng nặc chịu không thấu!” Tôi đã thấy hoa sữa và chả thấy nó đẹp gì hết cả. Một chùm hoa trắng nhỏ xíu và mùi sữa thì có gì hay cơ chứ! Vì sữa là thực phẩm nên mùi sữa theo tôi là rất trần tục! Tôi yêu hương hoa hồng, tôi thích mùi hoa ngâu. Còn nếu nói về hương trái cây thì giời ạ, tôi thích đứng dưới gốc hoa bưởi hay khế kia! Mùi hoa nhẹ, thoang thoảng và rất chân quê. Viết đến đây lại nhớ truyền hình đêm ba mươi với dàn ca sĩ:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…
Các cô mặc áo tứ thân đủ mầu loè loẹt mà nói “hương đồng gió nội” cái gì! Tôi lại “hết sức chán” khi thấy áo tứ thân đủ mầu như thế. Áo tứ thân chỉ đẹp với mầu nâu non thôi. Đó mới là tứ thân “chính hiệu con nai vàng”!
Nói đến tứ thân lại muốn lan man sang vành khăn hoàng hậu. Thuở xưa, vành khăn này chỉ dành cho cô dâu và đặc biệt vành khăn với nhiều lớp là biểu tượng cho người phụ nữ quyền uy của một quốc gia: Hoàng Hậu. Ngày nay vành khăn bị lạm dụng nhiều quá. Ai cũng đội khăn hoàng hậu, kể cả các mợ “vừa béo vừa già” cũng diện khăn hoàng hậu. Chả ra sao cả. Một anh bạn nói rằng, “Lẽ ra trong buổi lễ, chỉ nên để một cô tương đối trẻ và đẹp đội khăn ấy thì người ngoại quốc hẳn sẽ phải trầm trồ nguỡng mộ. Đằng này nhìn một rừng khăn với những thân hình ‘bồ tượng’ của các mợ, với những khuôn mặt tròn như bánh bao, tôi có cảm tưởng chính họ đã làm xấu chiếc khăn của quê hương!” Nghe anh ta nói tôi thấy cũng có lý!
Những ngày cận tết ở xứ người không như ngày xưa. Ngày xưa ở quê nhà đón tết sao mà vui thế. Bây giờ tất bật làm ăn, thì giờ đâu đón tết. Không nhớ đã bao năm tôi chả biết gì đến giao thừa, đến chúc tết. Năm nay ở thành phố hoa hồng nhưng tôi cũng chả có thì giờ đi xem chợ tết. Bận và mệt với việc “học nghề”. Nói “học nghề” cho oai chứ già rồi, học gì được nữa. Chỉ học “tà lọt” của nghề thôi. Toàn đi và đứng suốt sáu giờ đồng hồ và đêm về, chân mỏi rũ. Sáng dậy hết mỏi và lại cày tiếp. Con gái mail “Mẹ than mệt nhưng sao vẫn còn sức cãi nhau ở net vậy!” Chả là nó xem những bài tôi viết về vụ đài Việt Nam Hải Ngoại giao du với VC mà! Con với chả cái. Đệ tử tôi có lần trêu tôi như nó “Tội nghiệp bé Tí. Mẹ mải yêu quê hương nên quên cả yêu bé” ! Tôi từng “lý sự” với một bà cô như sau:
-Cháu hỏi cô, quỹ thời gian của một người chỉ là 24 như nhau. Do đó nếu ngày xưa bà Nhất Linh cứ nhất định bắt ông Nhất Linh phải chu toàn bổn phận làm chồng/cha thì ông chỉ là một ông đồ nho tầm thường. Nhưng bà đã thay ông nuôi dạy con và ông mới có thì giờ lo việc lớn. Nhờ đó chúng ta mới có được “một thời kỳ văn học Tự Lực Văn Đoàn tiêu biểu”, mới có người viết bài đả kích những hủ lậu và cổ vũ cho nếp sống mới, giải thoát người phụ nữ Việt Nam…
Chả là vì bà cô tôi mỉa mai mấy ông không lo chuyện nhà chỉ lo chuyện bao đồng!
Tháng tư tôi sẽ trở về thành phố hoa đào. Giòng sông Potomac thuở tôi mới đến Virginia , hoa đào lộng lẫy. Tôi nhớ đến anh bạn, chụp cho tôi rất nhiều hình nhưng có một tấm tôi rất thích vì anh ghi chú phía sau “Em tôi”. Tôi không có anh trai vì thế tôi rất thích “nũng nịu” với “anh trai hờ”. ‘Em tôi” gợi cho tôi nhớ bài hát của Lê Trạch Lựu. “Em tôi” có cái gì đó ẩn chứa dịu dàng bao dung. Mới đó mà đã năm năm trôi qua kể từ ngày anh đến Virginia đi với tôi và hoa đào cuối mùa…
Thời gian lúc nào cũng như vó câu. Biết nhưng để tận hưởng thời gian thì đôi khi quá sức người. Như tôi vẫn đang lo kiếm sống và những “ngậm ngùi” của một thời đã qua vẫn cứ là “ngùi ngậm”. Tôi chợt nhớ đến “ông” Trương Sĩ Lương của báo Thế Giới Mới Houston. Anh viết “Công nương ơi gửi hình cho tôi đăng báo bài tạp ghi”. Tôi bùi ngùi “Các bạn thường gọi Lan Chi là cô nương vì Lan Chi hay xưng vậy. Chỉ có một mình … Phan Nhật Nam là gọi Lan Chi bằng công nương thôi. Anh gọi thế làm Lan Chi nhớ Nam quá!”. Nói là nhớ nhưng bận rộn và mãi sau mới đi tìm lại e-mail của Phan Nhật Nam để hỏi “ …Anh chết chưa vậy?! Trương Sĩ Lương khi không bắt chước anh gọi Lan Chi công nương làm Lan Chi nhớ đến anh !!!” Nam trả lời “ …sắp chết rồi nhưng trước khi chết phải gặp công nương đã”. Trong cuộc sống, có những cái vui nho nhỏ thế. Già nhưng vẫn trêu ghẹo nhau như hồi trẻ.
..Trời tháng giêng tháng bẩy buồn như nhau
Gió vẫn đưa mùi hoa bưởi hoa ngâu
Rồi tết đến rồi lòng anh nhớ quá
Khi em về bước xưa chừng xa lạ
Và cỏ hoa tất cả đã lặng im
Giấc ngủ ấy một đời anh ao ước
Từ máu mình hoài dứt khỏi đường tim …
(thơ Nguyễn Đình Toàn)
Với Nguyễn Đình Toàn trời tháng giêng tháng bẩy buồn như nhau còn với tôi trời Oregon buồn chả như Virginia !
Virginia dù buồn nhưng vẫn đẹp
Với rừng phong lá đỏ mỗi chiều thu
Với tường vi yêu kiều bên hàng dậu
Và lan vàng thơm ngát lối người đi!
Hoàng Lan Chi