Nam Cali mấy hôm nay bỗng trở lạnh nhiều vào sáng sớm và đêm khuya. Có hôm lại mưa đêm nữa. Sài Gòn mưa nắng hai mùa làm tôi sợ mưa nhưng mưa đêm thì thú vị. Nghe tiếng mưa tí tách ngoài cửa sổ thật dễ chịu. Một người bạn còn nói rằng mỗi khi trời mưa thì Mỹ giống Sài Gòn quá!
Khi tiết trời se lạnh thì dễ cho người ta có hứng viết thơ. Tôi không thích thơ, dù là đọc hay viết và chỉ thỉnh thoảng mới “đụng” đến nàng thơ. Nói cho chính xác thì tôi không thích kể từ khi ra hải ngoại. Lý do là sau này nhiều thi sĩ quá. Cứ như lá mùa thu ấy thôi. Người người làm thơ, nhà nhà in thơ. Trong lúc mình đang long đong, đang vất vả kiếm sống hay đang “bực bội” “cáu sườn” với việt gian mà phải đọc thơ thì trời ơi là một cực hình. Không chỉ thơ mà nhạc nữa kia. Tôi chỉ dành thì giờ thưởng thức những thứ ấy khi không âu lo một chuyện gì đó, tinh thần thoải mái. Cũng như hoạ hoằn lắm tôi mới nổi hứng lăng quăng vài câu thơ.
Cuối tuần trước tôi nhận bó muguet từ người bạn. Bình thường Nhận, thì rất nhiều thứ từ thân hữu. Nhưng nhận với vài giòng đặc biệt của riêng người ấy thì nó sẽ khác. Nôm na là vầy tôi có thể nhận cả “một đống hoa lá cành” từ người A rất đẹp nhưng tôi chỉ liếc sơ và không xúc cảm gì cả. Ngược lại, có khi tôi chỉ nhận một giỏ hoa muguet hay một chùm hoa giấy từ người B với vài giòng chữ thì lại gây xúc cảm cho tôi. Quà net được fw không ai giống ai là vậy. Vì thế, sáng thứ Bẩy, tôi biết là người ấy bận, bận ghê lắm nhưng vẫn dành thì giờ gửi một bó muguet cho tôi kèm một giòng nhắn thì tôi thấy vui vui.
Tôi bèn viết vài vài giòng thơ tự do. Thơ tự do dễ, khỏi cần vần điệu. Thơ tân hình thức càng dễ viết hơn nữa! Tôi chọn lọc người nhận. Thì một người trong nhóm reply all với một bài thơ. Tôi hơi đau khổ khi nhận! Vì bài thơ mang hơi hướng Hai Sắc Hoa Ti Gôn của TTKH! TTKH là một tác giả mà tôi rất ác cảm. Tôi không thích thơ TTKH. Với cá nhân tôi, thơ TTKH dở và quê chết đi được. Hai câu tôi ghét nhất là “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, Trời ơi người ấy có buồn không”. Tôi nói rằng Hỏi gì vô duyên lãng nhách. Đương nhiên là phải buồn khi người yêu đi lấy chồng!
Với tôi thì không phải mọi bài thơ thuở tiền chiến đều là hay, là khuôn mẫu cho mình noi theo và hít hà. Vào thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ, giai đoạn mà phụ nữ còn bị kín cổng cao tường thì một bút danh nữ xuất hiện với những câu “bạo dạn” theo kiểu “Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời, Ái ân lạt lẽo của chồng tôi” đã có ấn tượng mạnh cho giới văn chương cũng như độc giả thời đó. Còn thật sự có hay không thì câu trả lời của cá nhân tôi là Không.
Thật tình mà nói, có hai điều đọc từ nghệ thuật mà tôi không ưa là câu thơ trên (Ái ân lạt lẽo của chồng tôi!) với (Vũ Thành An- Mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng). Tại sao ư? Tôi nghĩ là đa số phụ nữ thời tôi đều biết câu trả lời cho tại sao!
Trở lại thơ tiền chiến thì tôi cũng không thích vài bài của Nguyễn Bính. Với tôi nó quê mùa và giống vè, ca dao quá. Có một bài tôi hay nhại là:
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh lè!
Tuy thế, Chân Quê của Nguyễn Bính có những câu hay như:
Nào đâu cái áo lụa sồi
Cái khăn mỏ quạ nhuộm mầu nâu non..
Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi…
Tôi thích thơ hùng vì thế thuở bé tôi thích những câu thơ hào hùng của Huỳnh Văn Nghệ viết khi ông đang kháng chiến chống Pháp. [1]
Hay mấy câu của Vũ Hoàng Chương
Trả ta sông núi! Từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha,
Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta!
(Vũ Hoàng Chương) [2]
Tương tự sau này tôi “đắm đuối” với “Ta Về” của Tô Thuỳ Yên vì có những vần thơ hào hùng:
Làng ta ngựa đá đã qua sông..
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này.
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ..
Phạm Thiên Thư có mấy câu này rất hay:
Xưa em là chữ biếc,
nằm giữa lòng cuốn kinh,
anh là thiền sư buồn,
ngồi tụng dưới ánh trăng
Lạ một điều là tôi thích thơ Hà Huyền Chi và không cảm được Du Tử Lê.
Người làm thơ bây giờ với tôi thì Phạm Ngọc có thể nói là khá hay rồi Trần Vấn Lệ và một nick trên net có cái tên kỳ cục Cà Phê Suốt Ngày! Nick này làm thơ tự do khá hay. [3]
Một số câu rải rác từ nhiều bài thơ của Cà Phê Suốt Ngày:
Ai hay sỏi nhỏ tan thành cát
Vào đỉnh không trung bụi cuốn trời
Có lẽ triệu năm còn vẩn thể
Trong vòng vô định để rong chơi.
Nén hương thở khói như ngừng đọng
Đôi mắt ban thờ hiện rất trong
Và cái mỉm cười âu yếm nhớ
Con sông già, đẵm nước lá dong.
Đêm vành vạnh trăng 15, 16
Ngày trắng sân trường đệ Tứ, đệ Tam
Lá Phượng Vĩ xanh mà lòng anh như nắng
Hoa nung trời tô đẫm lên son.
Tôi đem dăm cánh hoa Gạo ra ngòi
Xếp chồng lên nhau làm con thuyền bé
Chở sang bên kia bờ tâm tình non trẻ
Để buổi chiều chị bớt xa xăm.
Một người bạn cũ mà tôi nhốt rất kỹ trong ngăn tủ, chép cho tôi bài “Tình Mất” của Huy Cận, tôi thấy thích vì nói hộ mình vài điều.
Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận,
Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,
Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,
Chắc ta đã yêu nhau rồi, – hẳn chứ..
Ôi! Bao kẻ chỉ một lần gặp gỡ!
Bởi vì sao lòng tôi rất thương đau
Khi nghĩ thầm: “nếu ta đã gần nhau!…” [4]Ơ, bảo rằng mình không thích thơ mà từ sáng đến giờ tìm thơ, đọc thơ!
Hoá ra Quỳnh nói thế nhưng mà không phải thế!
Hoàng Lan Chi 7/2013
——————————————————————–
[1] Trích từ Wikipedia về Huỳnh Văn Nghệ
Thơ của ông giản dị mà gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động. Bài thơ Nhớ Bắc của ông làm tại Chiến khu Đ năm 1946 với 4 câu tuyệt bút mở đầu đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng:
Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
(Câu cuối có một số bản chép là “Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Tuy nhiên sau này đã được đính chính lại đúng nguyên tác là “trời Nam”).
Bài thơ kết thúc bằng 4 câu mang nặng tình với đất nước:
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta.
[2]
Đoản văn:
Trả Ta Sông Núi Từng Trang Sử
Hoàng Lan Chi
Trả ta sông núi! Từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha,
Ngược vết thời gian cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta!
(Vũ Hoàng Chương)
Chỉ còn vài tuần là hết một năm. Thời gian lúc nào cũng như bóng câu qua cửa sổ. Trời cuối năm, sau những tưng bừng của Giáng Sinh là mưa phủ và giá lạnh. Giờ đây, tôi bắt đầu thèm nắng ấm Sài Gòn. Núi sông kia, ta mất đi và sông núi này là vay mượn. Hơn nửa đời hư với bao thăng trầm. Ngoảnh đầu, mái tóc đã sương pha. Ngoảnh đầu, cố quận cũng vời xa.
Chuyến ra đi thứ nhất với bao vất vả mà bản thân thì quá bé nên hồn nhiên vô tư lự. Từ Thái Bình luồn lách bao chặng đến Hải Phòng. Lênh đênh tầu cuối vào Nam. Mọi cái người lớn lo. Những năm tháng thanh bình ngắn ngủi. Nhưng chỉ một thời đó thôi mà bao nền móng được dựng xây và trăm hoa nở rộ vuờn văn hóa. Từ những ngàn hoa này, tôi được biết về nơi sinh ra và phải bỏ đi. Đuợc biết núi sông này, ai chia cắt và những ai đang đòi lại lịch sử hùng oai. Ngày đó, tôi chỉ biết học. Nhưng đâu chỉ Tiên Học Lễ Hậu Học Văn mà còn là hai chữ Biết Ơn.
Không nói suông như ai kia cải lương chữ nghĩa. Chốn học đường theo kêu gọi của Thầy Cô, tôi với thư hậu phương gửi người tiền tuyến và quà cho chiến sỹ miền xa.
Thế cuộc đảo điên. Người tâm huyết thì đồng minh bức tử. Kẻ tiểu nhân thì chễm chệ vị ngôi. Nhìn xứ người, lao đầu kinh tế khi bị trói tay quân sự mà ngậm ngùi. Cũng Á Châu mà xứ hoa đào với giấc mộng bá quyền đã thăng hoa khiến Tây Phương kiềng mặt. Còn Việt tôi, ôi Trưng Triệu nữ nhi vung gươm để lưu danh thiên cổ. Lý Lê Trần bao anh hùng sách sử còn ghi. Nay đâu?
Cuộc di cư thứ hai với vô vàn khổ ải. Bởi xứ người, ngôn ngữ, tiết thời, văn hóa, thẩy thẩy làm dân tôi điêu đứng.
Thế mà chỉ mới hơn 30 năm. Hờn vong quốc, ai là người đã quên mối hận? Ai là người toan tính bắt tay? Ai là kẻ hám danh quên đi những tháng ngày xưa ấy?
Không đòi, ai trả núi sông ta !
Ai là kẻ không đòi mà còn trói tay kẻ khác?
Việt Nam ơi, ta nhỏ lệ cho người.
Hoàng Lan Chi 2006
[3]
Một số thơ của nick Cà Phê Suốt Ngày
Viết cho chị
Thế là chị về bên ấy
Hàng Xoan mùa này đã tím lắm rồi
Tôi nhớ một trưa nắng vàng bóng nhẫy
Quá khứ là con diều giấy trên đê
Thế là nơi đây còn lại giấc mơ
Dòng sông thủy chung êm đềm chẩy
Và mùi hương Ngâu mỏng hơn tơ
Tất cả những gì ngày xưa vẫn vậy
Tôi đem dăm cánh hoa Gạo ra ngòi
Xếp chồng lên nhau làm con thuyền bé
Chở sang bên kia bờ tâm tình non trẻ
Để buổi chiều chị bớt xa xăm
Tôi không biết bên ấy có buồn không
Cũng chưa lần nào nghe ai nói
Nhưng cứ từng mỗi hòang hôn
Gió nhắn trên sông như lời chị gọi
Phượng Vĩ
Mùa để thương con đường Vĩ đỏ
Em ngày xưa có khác bây giờ?
Ga, bến cuộc đời xa nhau vẫn nhớ
Má, môi hồng hực lửa cháy trang thơ
Đêm vành vạnh trăng 15, 16
Ngày trắng sân trường đệ Tứ, đệ Tam
Lá Phượng Vĩ xanh mà lòng anh như nắng
Hoa nung trời tô đẫm lên son
Thềm chiều lịm ngất bờ nón nghiêng
Trăm mái tóc dài gió bay một hướng
Phượng Vĩ trên cao và hồn anh bướm lượn
Đậu nhé em ghé xuống vai mềm
Mắt che tay bao quá khứ chưa quên
Ngát hương thơm của mùa rộn rã
Nào phải đâu là hoa là lá
Phấn thơ ngây trăm buổi đợi tan trường
Ai ghép được tim thời gian rạn vỡ
Níu màu trời thổn thức tuổi say mơ
Những con đường ướt đằm ký ức
Phượng Vĩ xưa còn thắm đến bây giờ
Hà Nội anh về
Mình bắt đầu từ đâu?
Ngày phố chưa có những căn nhà lấn lòng đường nhức nhối ?
Ngày góc Trần Hưng Đạo, Cơm Nguội trải màu vàng cội?
Ngày Nhị hà sôi nổi phút chờ trông ?
Bắt đầu từ nhớ mong
Hà Nội sang mùa thay son mới
Những vạt áo ngày xưa vẫn giấu vẻ thẹn thùng
Mái ngói thương mưa
Qua mùa nắng đợi
Má tiểu thư từ độ biết tô hồng
Em bắt đầu từ bài thơ suông
Anh cảm nhận một lần xa xứ
Bức thư đêm không bao giờ ngủ
Trằn trọc khuya từng chữ hiện về
Gió máy lê thê
Con đường một mình và lằn xe cũ
Hoa bắt đầu từ nụ
Mình bắt đầu sau cái hôn mềm
Dễ gì quên
Như bàn tay hơn ngàn lần nắm
Như hàm răng trắng
Môi cười khuyết vành trăng
Em ươm chuỗi tháng năm
Thức sáng những ngôi sao để Đông về ăn cưới
Ngư phủ bấp bênh dong buồm đợi
Sóng, nước chờ em và đôi mắt trả lời
Anh về, mình sẽ có đôi
Hà Nội thèm cơn say
Rượu cẩm ngoại thành còn ai cất nữa ?
Chiều nay em dạo phố, mũ, khăn len hãy đủ….
Giữ hộ anh hơi ấm một lần thôi
Những ngày cận Tết
Cận kề Tết, độ mươi hôm nữa
Bánh chưng năm ngoái vẫn còn nguyên
Trong ngăn đá, đủ đầy khoanh, cũ
Ngoài kia huyền thoại rụng êm đềm
Con sông già trôi ngang ký ức
Những buổi chiều hăm mấy cuối năm
Mẹ, khăn quấn, sau bàn, xếp lá
Da thời gian, trán bố, nhăn nhăn
Tết sẽ cận kề mươi hôm nữa
Chợ lại đầy, đỏ ối xác bao
Cuối tuần soạn áo quần, phẳng nếp
Bận bịu còn quà kiếc xôn xao
Hôm nay sáng sớm sương nhiều lắm
Rồi bỗng rưng rưng chuyển nắng vàng
Có mấy loài chim không tránh rét
Bay về trong lúc sắp xuân sang
Trên đồi đã thấy xinh tươi lại
Đôi lần mưa đến trải niềm tin
Nửa đêm đánh thức như lay gọi
Ngỡ nước sôi già, thả bánh chưng
Không dám bật đèn, yên lặng sợ
Ánh điện làm biến mất xa xăm
Víu cơn mộng mị, lo lo quá
Trở mình nhẹ thế cũng qua đêm
Nén hương thở khói như ngừng đọng
Đôi mắt ban thờ hiện rất trong
Và cái mỉm cười âu yếm nhớ
Con sông già, đẵm nước lá dong
Tết sẽ cận kề mươi hôm nữa
Vắng vẻ không người, bếp cũng không
Ngăn đá vẫn ắp đầy nguyên vẹn
Một mình, ai gói bánh chưng xanh
Uống rượu với trăng
Chia đôi nậm rượu cùng trăng cổ
Nửa ngược sông dài, nửa bến xuôi
Chợt gió đâu về đơn lẻ quá
Ngoảnh nhìn chỉ thấy bóng mình thôi
Em cười vui bước xa ta dạo…
Ước hẹn trên môi cuộc trở về
Ta cũng phong trần miền dạ thảo
Gối đầu chờ đợi buổi đam mê
Ai hay sỏi nhỏ tan thành cát
Vào đỉnh không trung bụi cuốn trời
Có lẽ triệu năm còn vẩn thể
Trong vòng vô định để rong chơi
Tội cho ta quá về nơi cũ
Tìm lại giang đầu vớt lá xưa
Triều thủy đâu còn nguyên vẹn nữa
Cuối nguồn nhân thế chịu tang mưa
Tôi quì xuống lạy vùng dương thế
Trả kiếp trăng ngần xuống đáy sông
Trời hỡi bàn tay tôi giá lạnh
Những điều tôi khấn tự tâm linh
Đêm nay trăng uống hồn e thẹn
Giấu mắt môi xinh, giấu dáng hình
Tôi vẫn gối quì trong thăm thẳm
Ngậm vào cho máu bớt rưng rưng
[4]
Tình Mất
Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận,
Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,
Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,
Chắc ta đã yêu nhau rồi, – hẳn chứ..
Một lời nói nếu có gan ướm thử;
Một bàn tay đừng lưỡng lự trao thơ;
Một lúc nhìn thêm, đôi lúc tình cờ,
Chắc có lẽ đã làm nên luyến ái…
Yêu biết mấy nếu có lần gặp lại!
Tôi vụng về, tôi ngơ ngác, nên chi
Người bên tôi mà để người đi,
Tôi làm nũng, quyết giữ lòng kiêu hãnh;
Người ở đó, tôi làm như ghẻ lạnh;
Người đi rồi, thôi mong mỏi gì đâu!
Những bàn tay đáng lẽ phải giao nhau,
Hờ hững thế! Không chịu cầm lưu luyến.
Ôi! Những kẻ cùng tôi không hứa hẹn!
Người không quen nhưng tôi chắc sẽ yêu;
Mặt vừa nhìn mà chân đã muốn theo;
Tình mới chép một hai dòng nhật ký;
Tên viết tắt, tin rằng lòng nhớ kỹ
Bạn một hôm đi đến rất tình cờ;
Tình quên đi ở trong những bức thơ
Viết không gửi, xếp nằm trong sách cũ;
Ôi! Bao kẻ chỉ một lần gặp gỡ!
Bởi vì sao lòng tôi rất thương đau
Khi nghĩ thầm: “nếu ta đã gần nhau!…”
Huy Cận