Lê Hữu-Những ngọn cỏ may trong truyện Nhất Linh

Những ngọn cỏ may

trong truyện Nhất Linh

Lê Hữu

“Trên mặt đất, chỗ chàng nằm

chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng

rung rung trước gió thờ ơ.”

(“Bướm trắng”, Nhất Linh)

 

Hồn anh như bông cỏ may

một chiều cả gió bám đầy áo em

Câu lục bát trên là bài thơ ngắn nhất của thi sĩ Nguyễn Bính, “Bông cỏ may”. (*) Bài thơ thật ngắn, chỉ hai câu, nhưng đầy những ý tình. Trong số nhiều người yêu thích bài thơ ấy tôi chắc có nhà văn Nhất Linh. Trong một bài hồi ức khá lý thú viết về thân phụ mình (Người thừa trong làng thơ, “thi sĩ” Nhất Linh – Diễn Đàn Thế Kỷ, 23/1/2012), nhà văn Nguyễn Tường Thiết tiết lộ rằng Nhất Linh rất yêu thơ; hơn thế nữa, từng làm thơ rất sớm và có thơ đăng trên báo Trung Bắc Tân Văn năm mười bảy tuổi. Đọc văn Nhất Linh, người ta cũng đọc thấy một tâm hồn đầy chất thơ trong con người nhà văn, con người nghệ sĩ, một tâm hồn thật phóng khoáng, nhiều lúc trải rộng đến mênh mông như là những cánh đồng cỏ may.

Bài học thuộc lòng khó quên

Không rõ ngày trước có bao nhiêu thầy cô giáo dạy môn Việt văn từng cho học trò mình lời khuyên rằng nên học thuộc lòng những đoạn văn hay của các nhà văn tên tuổi để học cách viết văn? Không rõ ngày trước có bao nhiêu thầy cô giáo từng trích ra ít đoạn văn mở đầu trong bài Tôi đi học của Thanh Tịnh làm bài “Học thuộc lòng” cho học trò mình? Cô giáo dạy Việt văn của tôi thì “thoáng” hơn, cô cho học trò “tự chọn” đoạn văn nào đó của nhà văn nào mình yêu thích để học thuộc lòng (tất nhiên đoạn văn phải được cô giáo thông qua). Tôi không chọn Tôi đi học như nhiều bạn học khác vì hai lẽ: thứ nhất, những câu văn và ý tưởng trong bài có vẻ được “phóng tác” từ bài La rentrée trong tập truyện Le livre de mon ami của Anatole France; thứ hai, một chi tiết trong bài khiến tôi khựng lại và bớt phần hứng thú để thưởng thức một áng văn đẹp. Chi tiết ấy là hai chữ “hoang mang” ở ngay câu đầu của bài văn:

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…

Kỷ niệm hoang mang” là kỷ niệm như thế nào?! Cho dù cảm xúc “hoang mang” ấy là có thật đi nữa thì tác giả cũng không thể viết “nao nức những kỷ niệm hoang mang” được. Cũng vì nhận ra chỗ ấy, nhiều người đã tự ý đổi động từ “hoang mang” trong câu thành ra “mơn man” (động từ) hoặc “miên man”, “mênh mang” (tính từ). Chưa nói đúng sai, hay dở thế nào, câu văn được sửa đổi dù ít hay nhiều cũng không còn là câu văn của tác giả nữa khiến tôi đành chia tay với Thanh Tịnh để tìm đến một nhà văn khác, một bài học thuộc lòng khác. Không phải chuyện tựu trường, tan trường chi cả mà là chuyện một người nghĩ về cái chết của mình:

Chiều đến, Trương xuống cuối làng thăm mộ hai thân chàng. Trương không muốn chết ở quê nhưng chàng mong khi chết rồi người ta sẽ đem chàng mai táng ở nghĩa địa nhà; chàng thấy nằm ở các nghĩa địa gần Hà Nội có vẻ tạm thời, không được vĩnh viễn và ấm áp như ở đây, cạnh những người thân thuộc. Chàng hơi buồn nghĩ đến chẳng bao lâu nữa lại có những đứa trẻ như chàng hồi còn bé, chạy nhẩy trên mộ chàng, hoặc thả diều, hoặc bắt châu chấu những buổi chiều hè lộng gió. Chàng sẽ không biết đau khổ là gì nữa: trên mặt đất, chỗ chàng nằm chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng rung rung trước gió thờ ơ, và ở một nơi nào đó, Thu mà chàng không bao giờ quên, vẫn đi lại, cười nói, vẫn sống tự nhiên trong ánh sáng của thế gian trên kia.

Đoạn văn trên ở trong truyện dài Bướm trắng của nhà văn Nhất Linh (Phần thứ nhì, Chương I), là đoạn văn khá quen thuộc với những người từng đọc, từng yêu văn Nhất Linh.

Vì lẽ gì tôi chọn đoạn văn ấy mà không phải đoạn văn nào khác? Lý do thứ nhất, đấy là đoạn văn tả tình, tả cảnh, tả tâm lý nhân vật thật hay (là theo nhận xét của riêng tôi) và cũng dễ… học thuộc lòng nữa. Lý do thứ hai có chút… riêng tư: tên của một trong hai nhân vật trong đoạn văn ấy cũng là tên cô bạn học cùng lớp mà trái tim chàng trai mới lớn là tôi vẫn có chút rung động nhẹ nhàng mỗi khi len lén đưa mắt về phía cô bên dãy bàn đối diện. Tôi đã có những lúc… tưởng tượng rằng nhân vật Trương ấy chính là tôi, và không ngại đẩy trí tượng tưởng đi xa hơn: anh chàng nằm dưới đáy mộ ấy chính là tôi.

Cũng như Trương, khi chết rồi tôi cũng muốn được “mai táng ở nghĩa địa nhà” hoặc một nghĩa địa nào ở gần nhà để được gần gũi những người thân thuộc và cảm thấy ấm áp hay ít ra cũng bớt phần lạnh lẽo. Cũng như Trương, tôi “sẽ không biết đau khổ là gì nữa”, và trên mặt đất, chỗ tôi đang nằm “chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng rung rung trước gió thờ ơ”. Và…, đến chỗ này mới thật là hay, “và ở một nơi nào đó, Thu mà chàng không bao giờ quên, vẫn đi lại, cười nói, vẫn sống tự nhiên trong ánh sáng của thế gian trên kia”. Câu ấy, ngay từ những ngày ấy, đã gieo vào lòng tôi mối thương cảm và đồng cảm sâu xa với anh chàng Trương tội nghiệp.

Thu mà chàng không bao giờ quên”, câu ấy bộc lộ một tình yêu thiết tha, sâu kín. Câu ấy lại rất “mới”, và mãi đến bây giờ đọc lên nghe vẫn cứ mới. Bây giờ người ta vẫn đang viết như thế, vẫn còn học cách viết như thế.

Trương hơi buồn nghĩ đến…”, cái buồn buồn của Trương khiến người đọc là tôi ngày ấy cũng phải chạnh lòng. Không buồn nhiều lắm, chỉ là cái buồn thoáng qua, vì chàng đã tiên liệu, đã chấp nhận cuộc sống là như thế, đã biết chắc mọi việc sẽ diễn ra như thế. Nhưng mà vẫn cứ buồn. Một người vừa nằm xuống, vừa chia tay với cuộc sống tươi đẹp, với tình yêu say đắm. Dòng đời vẫn cứ bình thản trôi đi, vẫn cứ “một ngày như mọi ngày” cho dù có chàng hay không có chàng. Những đứa trẻ vẫn cứ nô đùa, chạy nhảy, thả diều, bắt châu chấu trong những buổi chiều hè lộng gió ở ngay trên mộ chàng. Những ngọn cỏ may hồng vẫn cứ “rung rung trước gió thờ ơ”.

Những ngọn cỏ may ấy, những ngọn cỏ may màu hồng lay động nhè nhẹ trong gió chiều ấy đã đọng lại lâu dài trong ký ức tôi từ bao năm, và còn theo tôi mãi đến bây giờ. Thường thì người ta chỉ viết “mấy ngọn/bông cỏ may” chứ ít có ai viết “mấy ngọn cỏ may hồng” như Nhất Linh để tô thêm màu sắc cho câu văn ấy, cho hình ảnh ấy ở trong đầu người đọc. Đến hai chữ “thờ ơ” đặt ở cuối câu ấy thì quả là tuyệt, và… chỉ có Nhất Linh viết ra. Chỉ có ông mới thật là tinh tế trong cách sử dụng những tính từ, trạng từ, làm rung lên những cảm xúc trong lòng người đọc. Nhiều lắm người ta chỉ viết “rung rung trong/trước gió”, rồi thôi. “Thờ ơ” biểu tỏ trạng thái dửng dưng, không màng đến. Thờ ơ như không cần biết người nằm dưới mộ kia là ai. Thờ ơ như “Thu mà chàng không bao giờ quên” vẫn cứ đi lại, vẫn cứ cười nói, vẫn cứ sống tự nhiên “trong ánh sáng của thế gian trên kia”.

Ánh sáng của thế gian”, hai chữ “ánh sáng” ấy được dùng có chủ ý, trong nghĩa tương phản với “bóng tối của huyệt mộ”. Bóng tối phủ trùm, bóng tối vây quanh Trương. Chàng đã thuộc về một thế giới khác. Nhất Linh không viết “thế giới bên kia” như cách người ta vẫn nói, ông viết “thế gian trên kia”. Chữ “trên” được hiểu là trên “chỗ chàng nằm”, là ở “trên mặt đất”, trong nghĩa tương phản với “dưới đáy mộ”. Trên và dưới, ánh sáng và bóng tối, vẽ ra ý niệm rõ nét của “âm dương cách biệt”.

Chỉ một vài nét chấm phá, chỉ một vài câu, chữ như “thờ ơ”, như “ngọn cỏ may hồng”, như “thế gian trên kia”…, đoạn văn ấy, đoạn văn mà tôi đọc được thuở còn ngồi ghế nhà trường, mãi đến nay vẫn là bài học thuộc lòng “mà chàng không bao giờ quên được”.

Những dấu lặng của tình yêu

Đâu phải chỉ trong Bướm trắng, trong những trang tiểu thuyết khác, trong thế giới văn chương của Nhất Linh, người đọc vẫn gặp không ít những vạt cỏ may mọc rải rác chỗ này chỗ khác, dọc bờ đê, ven đường làng, trên cánh đồng, dưới chân đồi…

Triết vừa đi vừa hỏi Mạch:
“Anh có thích bươm bướm không?”
“Thích lắm nhưng ở Hải Phòng không có bươm bướm.”

Triết giơ tay kéo Mạch vào vì thấy Mạch loăng quăng chạy ra ngoài ô giẫm lên một đám cỏ may ở cạnh đường để xem cỏ may bám vào quần ra làm sao. (…)

Mùi ngồi xuống kéo Mạch lại gần, vuốt lại tóc, nhặt những cái lá dính ở trán ở má, sửa lại cổ áo, nhặt các hoa cỏ may vướng ở áo và kéo lại cái quần cho ngay ngắn. (Xóm Cầu Mới – Phần thứ nhất, Chương VIII)

Những bông cỏ may be bé, nhòn nhọn tựa những chiếc dằm nhỏ nghịch ngợm, chỉ chực chờ ai đó đi ngang qua là bám theo, ghim chi chít vào những vạt áo, gấu quần. Tình yêu trong Đôi bạn, tình yêu của Loan và Dũng cũng lấm tấm những bông cỏ may như thế.

Dũng thấy trên ống quần Loan lấm tấm những bông cỏ may, mà đường từ nhà ra trường học toàn lát gạch cả. Mấy bông cỏ may là cái chứng cớ hiển nhiên bảo cho Dũng biết rằng Loan đã một lần vượt qua cổng nhà trường, không vào, cứ đi thẳng về phía cánh đồng. (Đôi bạn – Phần thứ nhất, Chương IV)

Những bông cỏ may tim tím, sắc nhọn ghim cả vào những trang chữ, những dòng chữ viết về câu chuyện tình khép kín của “đôi bạn”.

Đột nhiên Loan hỏi Dũng:

“Anh sắp định đi đâu?”

Cả hai người cùng ngửng lên một lúc. Dũng ngạc nhiên vì câu hỏi bất ngờ, chàng nhìn Loan dò xét. Loan cúi xuống tìm nhặt những bông hoa cỏ may vương trên vạt áo, nàng nói tiếp:

“Hình như anh sắp đi đâu xa, xa lắm?” (…)

Trong lúc cúi xuống để giấu đi sự bối rối trước cái nhìn dò xét của Dũng hoặc vì không biết nói năng câu gì, Loan vờ như chăm chú “tìm nhặt những bông hoa cỏ may”. Những ngón tay mềm mại chuyển động nhẹ nhàng trên vạt áo. Những bông hoa cỏ may li ti màu tím nhạt nói hộ tình yêu.

Một đoạn khác:

Hai người lại yên lặng. Loan chăm chú nhặt cỏ may. Một cơn gió từ ngoài cánh đồng đưa vào thoảng mùi lúa chín thơm và ấm. Một con cào cào bay ngang qua mặt Dũng cánh xoè ra lấp lánh xanh đỏ rồi bay lẫn vào trong nắng. (…)

Thay vì nói với Dũng câu gì đó, Loan lại lặng lẽ cúi xuống… “chăm chú nhặt cỏ may”. Cử động dịu dàng mà e ấp ấy là ngôn ngữ của tình yêu.

Lại một đoạn khác:

Dũng biết là chỗ này rất tiện để nói với Loan, nếu không nói được thì không còn dịp nào nữa. Chàng nghiêng người về phía Loan, dịu dàng gọi:

“Cô Loan…”

Loan thong thả quay lại,nét mặt nàng bỗng trở nên nghiêm trang. Tay nàng vẫn đưa đi đưa lại trên vạt áo tìm hoa cỏ may. Dũng nhẩm trong miệng tìm câu bắt đầu,nhưng câu nào chàng cũng thấy nó tầm thường quá. (…)

Bằng những ngón tay nhè nhẹ “đưa đi đưa lại trên vạt áo tìm hoa cỏ may”, Loan muốn che giấu nhịp tim hồi hộp đang chờ đợi ở Dũng một lời tỏ tình.

Đoạn tiếp theo:

Chàng không dám cất tiếng vì chàng đã thấy trước rằng câu chàng nói ra chắc không tự nhiên, có vẻ trơ trẽn, giả dối sẽ làm chàng tự thẹn với mình và ngượng với Loan mãi mãi.

Nhưng cần gì phải nói với Loan. Ý quyết định ấy vụt ra trong trí bất thần quá khiến Dũng cho ngay là có lý và tuân theo ngay. Chàng đứng lên nói:

“Ngày chóng hết quá. Đã chiều rồi đấy.”
Loan cũng
phủi áo cho sạch cỏ may đứng lên theo. (Đôi bạn – Phần thứ hai, Chương X)

Cơ hội tỏ tình của Dũng đã vụt qua như những bông cỏ may đã được phủi sạch. Anh chàng Dũng đã có thể ngồi sát gần Loan hơn, vừa gỡ giúp nàng những bông cỏ may bám trên vạt áo vừa ngập ngừng thốt lời yêu, ngập ngừng chiếc hôn trao yêu. Và Loan cũng đang chờ đợi…, nhưng Dũng đã không làm vậy. Bây giờ thì chẳng còn một bông cỏ may nào trên vạt áo Loan.

Chỉ có thế thôi, như chẳng có chuyện gì cả. Những bông cỏ may đã theo gió bay đi mang theo những lời yêu chưa kịp ngỏ. Chuyện tình trong Đôi bạn và trong những trang tiểu thuyết khác của Nhất Linh thường là những “chuyện tình cỏ may”, đơn sơ và thầm kín. Thử đọc một đoạn khác:

Không nghe tiếng Loan và Thảo nói chuyện nữa, Dũng nghiêng mặt quay về phía hai người. Chàng thấp thoáng thấy hai con mắt đen của Loan. Thấy Dũng bắt gặp mình đương nhìn trộm, Loan vội nhắm mắt lại làm như ngủ; song biết là Dũng đã trông thấy rồi, nàng lại vội mở mắt ra, rồi qua những ngọn lá cỏ rung động trước gió, hai người yên lặng nhìn nhau. (…)

Những ngọn lá cỏ rung động trước gió” ấy là những thoáng xao động của tình yêu.

Hai người yên lặng nhìn nhau…”, những khoảng lặng như thế vẫn thấy trong những đoạn văn kể “chuyện hai người”. Những bông cỏ may ở đây là “dấu lặng” của tình yêu.

Thử đọc thêm một đoạn nữa:

Loan nói:

“Anh yên lặng mà nghe tiếng thông reo… Anh có nghe thấy không?”
Dũng đáp:
“Từ nãy tôi vẫn nghe và nghe rõ lắm.”
(Đôi bạn – Phần thứ ba, Chương XVI)

Dũng “nghe và nghe rõ lắm” nhịp đập xao xuyến trong trái tim mình. Tình yêu trong truyện Nhất Linh vẫn thường có những thời khắc lặng yên như thế, trong lúc trái tim của hai kẻ yêu nhau thì lay động nhè nhẹ như những ngọn cỏ may đong đưa nhẹ nhàng trước gió.

Nhà văn Nhất Linh, tranh Hiếu Đệ

* * *

“Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?”

Những câu thơ trên ở trong bài thơ cùng tên với bài thơ của Nguyễn Bính. Tác giả bài thơ là Xuân Quỳnh. Hai bài thơ cùng tên, nhưng khoảng cách giữa hai bài thì xa đến mấy mươi năm.

“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói”, hai chữ “mỏng mảnh” ấy thật hay. Mỏng mảnh như màu khói nhàn nhạt, như hoa cỏ may tim tím, như tình yêu thật mong manh.

Chẳng phải “sơ ý” đâu, cỏ may vương trên áo như tình yêu vấn vương.

Những bông hoa li ti, những mũi gai nhòn nhọn như đầu nhọn của chiếc kim may, găm đầy vạt áo như găm vào trái tim cô gái vừa biết yêu. Những chiếc gai mỏng mảnh chỉ vừa đủ làm xao xuyến, vừa đủ làm xốn xang. Chỉ cảm thấy ram ráp chứ không đến nỗi nhức nhối như mũi kim chích vào người. Chỉ ram ráp thôi, nhưng thế nào thì cũng phải gỡ ra, gỡ ra từng chiếc gai nhỏ của tình yêu.

Dễ chừng lâu lắm tôi không gặp lại những bông cỏ may. Nơi tôi ở không có những bông cỏ may, hay là có mà tôi không biết vì chưa hề gặp. Chắc là phải đi đến một nơi nào xa lắm. Xa như tuổi ấu thơ tôi, như những vạt cỏ may rập rờn “cuốn theo chiều gió” chạy vờn trên những cánh đồng tuổi thơ xa tắp. Câu thơ Xuân Quỳnh, câu thơ Nguyễn Bính và những câu thơ cỏ may nào khác đưa tôi về lại chốn cũ của những ngày xưa êm đềm, có tôi ngồi trong lớp học mà “mộng ngoài cửa lớp”, có tôi mê mải cúi xuống những trang tiểu thuyết của Nhất Linh.

Nhất Linh, trong những tấm ảnh mà tôi thấy được, hiếm khi tôi nhìn thấy trên môi ông một nụ cười. Thường là vẻ mặt lặng yên dưới vầng trán rộng, vẻ mặt đôi lúc trông khắc khổ, và đôi mắt sâu đăm chiêu, tư lự. Khuôn mặt ấy dường như thể hiện con người thứ hai, con người được gọi bằng tên thực của ông hơn là một Nhất Linh nhà văn. Tôi chú ý nhất là đôi mắt đen sâu, lặng lẽ và có chút gì bí ẩn. Lặng lẽ và bí ẩn như chiếc bóng câm lặng của người ngồi trong phòng vắng mà nhìn từ sau lưng ta chỉ thấy được một phần khuôn mặt chìm trong bóng tối mờ mờ. Nhất Linh, không chỉ là những khoảng lặng trong những trang tiểu thuyết, cả trong đời sống, cả đến những phút cuối đời, lúc nào cũng vẫn là niềm im lặng sâu thẳm. Đôi lúc tôi tự hỏi liệu tôi, liệu nhiều người từng đọc ông, liệu nhiều người từng ở gần ông và cả những người thân của ông, thực sự đã “đọc” hết được ông chưa, thực sự đã hiểu được bao nhiêu về ông, sau những cánh cửa mà ông mới chỉ hé lộ. Có những cánh cửa vẫn còn đóng kín, im lìm.

Cũng có những bức ảnh chụp ông với đôi mắt mơ màng, với ánh mắt mênh mông xa vắng, ánh mắt chứa đầy những sức sống mơ hồ. Dưới vẻ trầm ngâm, mơ màng ấy trông ông có vẻ như một nhà suy tưởng. Tôi thích vẻ mơ màng ấy và tôi cũng thích trông thấy ông cười, nụ cười thật đẹp. Những lúc ấy trông ông có vẻ “Nhất Linh” hơn cả.

Ánh mắt mênh mông xa vắng ấy cũng làm tôi nhớ đến câu cuối trong chương sách cuối của Đôi bạn:

Trước mặt hai người, về phía bên kia cánh đồng, ánh đèn nhà ai mới thắp, yếu ớt trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần…

Câu văn đọc lên nghe đọng lại một cảm giác êm ả mà buồn buồn. Cái buồn buồn nhè nhẹ, xa xôi, bàng bạc trong những truyện của Nhất Linh, tạo nên cái khí hậu văn chương rất “Nhất Linh”. Cái khí hậu ấy thấm vào lòng người đọc là tôi, thấm vào lòng biết bao nhiêu người đọc của hơn một thế hệ. Cái khí hậu ấy hẳn phải đến từ một tâm hồn thật phong phú, một trái tim thật giàu cảm xúc và những giác quan thật tinh tế, thật bén nhạy trước những diễn biến, những đổi thay từng khoảnh khắc của thiên nhiên và trạng thái tình cảm của con người.

Câu văn ấy, sau bao nhiêu năm, đọc lên nghe vẫn cứ mới. Gọi là “mới” theo cái nghĩa ngày nay người ta vẫn chuộng cách viết, cách dùng chữ như thế.

Nhất Linh, có lúc tôi tưởng như ông vẫn còn lẩn khuất đâu đây, tưởng như ông vẫn chưa đi xa lắm. Sau những cố gắng, những hô hào, vận động đổi mới trong văn chương của nhóm này nhóm nọ (trên cái nền nhà cũ của Tự Lực Văn Đoàn), dường như người ta vẫn chưa vượt lên ông là bao nhiêu. Ngoảnh lại sau lưng, vẫn thấy xa xa cái bóng ông thấp thoáng, chập chờn. Đổi mới, tôi chắc ông phải là người muốn đổi mới, muốn thực hiện việc đổi mới hơn ai hết. “Theo mới, hoàn toàn theo mới, không chút do dự!” đấy không phải là khẩu hiệu, là điều “tâm niệm” hàng đầu của ông và của các “bạn văn” ông ngày ấy hay sao? Người ta còn gọi ông là “nhà cách mạng” nữa kia mà. Tôi chắc ông phải vui lắm ngày nào được trông thấy những thành tựu của cuộc cách mạng trong văn học đến từ “những người viết mới”.

Nhất Linh, bao giờ thì người ta mới thực sự quên ông? Bao giờ thì ông mới như là “một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần”? Chắc phải là ngày nào trên mặt đất này không còn trông thấy những ngọn cỏ may.

Lê Hữu

7/2013

(Nhân tưởng niệm 50 năm ngày mất của nhà văn Nhất Linh)

This entry was posted in Lê Hữu and tagged . Bookmark the permalink.