Trần Thanh Hiệp-Đi Tìm Ý Thức Tuyệt Đối

 

L.G.T. Bài viết đưới đây của Trần Thanh Hiệp đã được đăng, vào thời điểm cuối năm 1965 tại Sài Gòn, trên một đặc san về nghệ thuật do Mai Thảo chủ trương. Trần Thanh Hiệp, qua bài viết này, đã trình bày những suy nghĩ của ông về thái độ và đường lối sáng tác của Nhóm Sáng Tạo, một đằng tích cực chống chính sách văn nghệ chỉ huy của nhà cầm quyền miền Bắc, đằng khác, đã lấy sáng kiến tự ý đình bản Tạp chí Sáng Tạo để giữ sự im lặng, một hình thức bất hợp tác, trước ý đồ của chính quyền quốc gia ở miền Nam mà xu hướng muốn thuần dưỡng văn nghệ sĩ ngày càng rõ.

Gửi Mai Thảo

Trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Đường Upsal Thụy Điển ngày 14 tháng 12 năm 1957 nhân dịp nhận giải thưởng Nobel về Văn Chương, Albert Camus đã nhận định rằng nhà văn không thể nào tách rời khỏi cuộc đời ngoài xã hội để được yên thân. Lên tiếng, họ tức khắc bị chỉ trích. Im lặng, họ lại bị trách mắng. Mọi vật đều thay đổi, ngay cả đến sự im lặng cũng có một ý nghĩa đáng sợ.

Lúc này là lúc chúng ta nên suy nghĩ nhiều về ý kiến của Camus. Chắc chắn rằng những ý kiến ấy không ghê gớm gì và cũng không phải là hoàn toàn mới mẻ. Chính chúng ta đã là những người cũng đã mường tượng được sự ràng buộc của người làm nghệ thuật với xã hội. Chúng ta lên tiếng. Chúng ta im lặng. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều bị công kích, miệt thị. Nhưng rồi mọi việc đều cũng đã xảy ra và chúng ta cũng vẫn tiếp tục cầm bút, làm nghề của người cầm bút, mặc dù trong thâm tâm chúng ta, có thể mỗi người đã có một lối nghĩ riêng về dĩ vãng và hiểu dĩ vãng ấy.

Có điều chắc chắn là hiện nay chúng ta đang đi cùng một đường. Tôi tưởng rằng như thế ít nữa chúng ta cũng còn mang một số ám ảnh chung. Chưa hề bao giờ chúng ta giải thích được một cách minh bạch sự hiện hữu của chúng ta trong một thời cơ của lịch sử: giai đoạn hậu chiến bán thế kỷ XX và – trong một vị trí của thế giới: phân nửa về phía Nam của nước Việt Nam – sự hiện hữu của chúng ta với tư cách người cầm bút mà thôi. Gạt bỏ tư cách ấy, vấn đề sẽ đổi khác và không còn là một vấn đề của chúng ta.

Giải thích sự hiện hữu của chúng ta có nghĩa là tìm giải đáp cho nhiều câu hỏi: Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta viết? Chúng ta phải viết những gì? Viết cho ai v.v…?

Hai mươi năm về trước, Jean Paul Sartre với một biệt tài lỗi lạc, đã khiến cho những ai biết đến thuyết-minh của ông về vấn đề định nghĩa văn chương đều khó có thể quên được lý luận có hệ thống của ông.

Trước nữa, nhiều lý thuyết gia cộng sản chẳng những đã quy định rõ rệt cho người cầm bút nhiệm vụ của họ là phải viết cho ai, phải viết như thế nào, mà còn kiểm soát tư tưởng những người cầm bút và ra lệnh cho họ phải tuyệt đối đi theo con đường đã được chỉ định.

Vậy mà những định nghĩa “quý báu” ấy nay cũng thành xưa rồi, chẳng còn giữ được ánh hào quang của những giáo điều thuở nào. Số người cầm bút ngày mỗi đông thêm và nhiều người vẫn viết, dù chẳng biết đến Sartre hay cộng sản.

Chúng ta giải thích hiện tượng đó ra sao? Chỉ riêng việc tìm hiểu một người cầm bút đã đủ khó khăn rồi huống hồ lại còn phải tìm hiểu tất cả những người cầm bút nữa. Tại sao Thanh Tâm Tuyền đã dựng nên những nhân vật trong Bếp Lửa? Tại sao Thanh Tâm Tuyền lại phô bày khuôn mặt thảm hại của tình yêu? “Phượng” của Mai Thảo có những gì khác biệt với “Cô Lái Đò Thời Kỳ Kháng Chiến?” Meursault là một thực tại hay một huyền thoại? Ai ngờ rằng sau anh chàng Antoine Roquentin lại còn có một cậu nhỏ Jean Paul sáng suốt một cách tàn ác? Tại sao tình bạn giữa Camus và Sartre lại đứt đoạn? Mỗi lần muốn tìm một câu trả lời là phải đi sâu mãi vào cái hun hút tối đen của hư vô mà ta thường có cảm tưởng sai lầm là đã giới hạn được.

Tuy nhiên, nếu khiêm nhượng, chúng ta cũng có thể soi sáng vào một phần của vấn đề và cùng nhau thỏa thuận về một sự nhận định nào đó. Từ đó, chúng ta hy vọng khám phá toàn bộ vấn đề.

Những gì tôi sẽ nói với anh dưới đây không phải là lý thuyết văn nghệ. Tôi không có một tham vọng quá lớn đến mức ấy. Xin anh coi rằng việc làm của tôi chỉ là sự cố gắng của một người tìm hiểu mình và tìm hiểu bạn hữu. Vì thế tôi có thể rất chủ quan. Ở điểm tôi giả định rằng giữa chúng ta (anh và tôi, và một số bạn hữu) có một mẫu số chung mặc dù chúng ta có rất nhiều sự khác biệt nhau. Tôi tạm gọi mẫu số chung đó là một Ý Thức Tuyệt Đối.

Chúng ta là những người đi tìm cho mình một Tuyệt Đối, hay đúng hơn, mỗi người đều đuổi theo hình bóng Tuyệt Đối bằng cách tự mình tạo ra cho mình Tuyệt Đối ấy. Cái đẹp của chúng ta – Nghệ Thuật của chúng ta – là hình dáng một Tuyệt Đối. Tôi không muốn nói rằng chúng ta có một Tuyệt Đối duy nhất. Rất có thể là khác nhau, rất có thể là giống nhau, vì chúng ta hãy còn trẻ quá, và nghề viết của chúng ta vừa mới bắt đầu.

Nhưng trên một quãng đường đi chung từ mười năm nay, chúng ta đã gặp nhau chính là nhờ ở Ý Thức Tuyệt Đối. Những kẻ nửa vời đã rời bỏ chúng ta, hay ngược lại cũng vậy. Đó là sự đãi lọc của Tuyệt Đối từ khước Tầm Thường.

Chúng ta tự hỏi: Ý Thức Tuyệt Đối đã và còn ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào?

Tác phẩm và thái độ đã trả lời nghi vấn này.

Bởi vì muốn vươn tới Tuyệt Đối, trong nội dung và trên hình thức văn nghệ, mà chúng ta đã phủ nhận giá trị của văn nghệ tiền chiến. Chúng ta đã vận động đổi mới văn nghệ.

Bởi vì muốn đạt tới Tuyệt Đối mà chúng ta đứng đối diện với những người làm văn nghệ tự mệnh danh là hiện thực xã hội mặc dù trong hàng ngũ đó vẫn có những tên tuổi mà chúng ta ưa thích.

Sự đối diện của chúng ta không có nghĩa là sự sợ hãi tiến bộ, sự thù nghịch những người nghèo khổ, mà có nghĩa như một sự chối bỏ cái “ẩn ý gian lận” bắt gặp ở trong nhiều tác phẩm rất thành công về hình thức. Có thể họ phải gian lận vì cần chiều đãi những ông chính trị viên, nhưng dầu sao cũng là gian lận.

Lẽ ra những người ấy có thể sử dụng một thứ khí giới do Ý Thức Tuyệt Đối mang lại: sự khước từ bằng im lặng, nếu chẳng thể vì lòng yêu chuộng chân lý mà tuẫn tiết. Sự im lặng đó sẽ làm cho bộ mặt của bạo quyền thêm khủng khiếp để tới một ngày nào đó bị tan rã.

Vẫn biết dù chọn một hình thức chống đối tiêu cực như sự im lặng cũng chẳng là việc dễ. Nhưng sự đầu hàng hoặc đồng lão nửa vời, rút lại, cũng làm tiêu tan bất cứ một phần giá trị nào của nghệ thuật và không cứu vãn được nhân cách của người cầm bút. Tố Hữu còn là gì sau bài thơ khóc Stalin? Chúng ta cũng đã từng gặp phải bạo lực. Nhưng may mắn hơn, chúng ta không bị đàn áp một cách khốc liệt. Chúng ta chỉ mới mất tự do tích cực để để biểu lộ, nhưng chúng ta vẫn còn sự tự do tiêu cực để lựa chọn bằng sự chối từ. Sự thật, chưa có những roi đòn quất vào thể xác, vào tinh thần của chúng ta như roi đòn của lãnh chúa quất vào lung những tên nô lệ. So với bên kia giới tuyến, chúng ta còn có được sự may mắn đó. Nhưng dù thế, chúng ta cũng vẫn bị ném vào trong một bộ máy khổng lồ đe dọa nghiến nát chúng ta, nếu nếu bộ máy đó còn đủ thời gian để chuyển động.

Phản ứng của chúng ta đã diễn ra một cách lăng lẽ: chúng ta từ khước những ân huệ dành cho những tên hề văn nghệ – chúng ta im lặng để làm nổi bật những tấn hài kịch xưng tụng rất quê kệch – những ân huệ có nhiều sức hút cám dỗ.

Nhìn lại bước đường đã qua, chúng ta không làm được gì ghê gớm, nhưng ít nữa chúng ta cũng đã không làm tiêu trầm nhân cách người cầm bút trong cơn lốc của thời đại. Đúng như Thanh Tâm Tuyền đã thốt lên trong bài tựa Bếp Lửa, mỗi chúng ta là một kẻ “sống sót.” Và tuy chỉ là một kẻ sống sót hèn mọn, những tiêu chuẩn về giá trị của chúng ta, trong cuộc hành trình săn bắt Tuyệt Đối, vẫn còn nguyên vẹn để đánh dấu sự hiện hữu của chúng ta.

Phải chăng vì thế mà chúng ta trở nên những kẻ đứng ngoài cuộc, nhìn các biến cố lớn nhỏ nối đuôi nhau tiếp diễn? Đã đành chúng ta không mơ ước những vinh hiển dành cho những kẻ được cuộc, nhưng cũng không thể có bộ mặt thê lương của những nhà triết học không đủ can đảm nhìn thẳng vào thực tại của xã hội với tất cả những bi đát của nó.

Có thể là có những người đang chờ đợi, hay chính chúng ta cũng đang chờ đợi, một cái gì chưa xác định. Chờ đợi chúng ta ra khỏi cái im lặng may mắn chưa thành một thói quen, một nếp sống của chúng ta.

Những lời của Camus dưới đây thực ra hơi quá lý tưởng: “Tất cả những binh đội của bạo quyền với hàng triệu người sẽ không tách được người làm văn nghệ ra khỏi sự cô đơn ngay cả khi và nhất là người đó theo gót họ. Nhưng sự im lặng của một tù nhân vô danh, bị bỏ rơi trong tủi nhục, nơi góc bể chân trời, đủ để kéo người làm văn nghệ ra khỏi sự lưu đày. Ít ra, mỗi lần người đó có thể, giữa những đặc quyền của tự do, không quên sự im lặng ấy và vang vọng nó lên bằng những phương tiện của nghệ thuật.” Nhưng ít nữa cũng là một ảnh tượng để ám ảnh.

Chúng ta tưởng hơn những người ở phương Tây ở điểm chúng ta đã thấu hiểu sự thê thảm của áp bức. Cho nên trong cái ý chí đi tìm Tuyệt Đối một cách tổng quát, tất cả chúng ta, những người bị áp bức đã hoặc tự dấn mình, hoặc bị lôi cuốn vào những cuộc làm lịch sử, có lẽ là một chặng đường quan trọng đưa tới Tuyệt Đối. Chúng ta đã nhập vào dòng ý thức làm lịch sử.

Chúng ta có cả một dân tộc đau khổ, cả một quê hương bị tàn phá để yêu thương. Tất cả những gì chúng ta có thể làm được nhất định sẽ để bồi đáp cho những đối tượng ấy. “Anh yêu quê hương vô cùng và anh yêu em vô cùng.” Người thanh niên đã rời bỏ quê hương ra đi, đã bị tất cả những gì người ấy không làm chủ được trục xuất ra khỏi quê hương, vẫn còn cố nhen nhúm ngọn lửa quê hương trong thâm tâm mình để tự ràng buộc với quê hương.

Chúng ta thèm khát thay đổi bộ mặt của quê hương, thù ghét những hình ảnh độc ác của áp bức. Trên lương tâm của chúng ta, không tội lỗi đè nặng. Ngày hôm qua chúng ta còn là những tên nô lệ, ngày hôm nay chúng ta nhất quyết đòi hỏi giải phóng cho tất cả những ai còn là nô lệ của sợ hãi, của ngu dốt, của nghèo đói.

Với chúng ta, không có giai cấp, hay có chăng nữa thì giai cấp của chúng ta là giai cấp những người bị áp bức, dù bất cứ dưới hình thức nào. Chắc không ai có thể tìm thấy một kẻ nào trong chúng ta đã đứng về phía những người áp bức.

Đó chính là một sự cộng thong thứ hai của chúng ta, nhưng đó cũng chính là thảm kịch của chúng ta.

Chúng ta đã có được những gì để làm được, những gì để tự mình không gian lận với chính mình trước đã?

Câu trả lời thuộc về tương la,i nhưng chúng ta có nhiệm vụ phải đem lại cho mọi người câu trả lời đó, và phải giúp cho mọi người khỏi bị lầm lẫn.

Tôi không dám nhận rằng tôi vừa đưa ra một định nghĩa về những người cầm bút hoặc phác họa một đường lối văn nghệ. Chẳng qua chỉ là một sự suy nghĩ của riêng tôi về một nghề mà tôi định chọn, mà các bạn hữu của tôi, mà chúng ta đã lựa chọn.

Mỗi người – nhất là người cầm bút – thường có hai đời sống: cá nhân và xã hội. Chúng ta dừng lại trước ngưỡng cửa của đời sống cá nhân, nhưng chúng ta có thể biết và phê bình về đời sống xã hội vì đời sống ấy tất cả mọi người đã tạo nên.

Trong cái nhận định chủ quan ấy, tôi nghĩ rằng những người cầm bút cần có một cốt cách xã hội. Cốt cách ấy có thể thay đổi tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Ở đây – tôi vẫn nghĩ một cách chủ quan – cốt cách ấy được dựng nên bởi Ý Thức Tuyệt Đối và lịch sử. Tôi còn nghĩ một cách đơn giản rằng, thiếu cốt cách ấy, chúng ta sẽ khó có thể khu định cho mình một vị trí trong thời đại.

Anh Mai Thảo,

Chẳng ai chối cãi được một sự thật: xã hội của chúng ta còn quá nhiều áp bức. Tuyệt Đối mà mỗi chúng ta theo đuổi có thể là ân sủng trong Chúa, có thể là Phật Tính, có thể là sự nhận thức nhân bản của Sartre hay sự hợp nhất giữa con người và đời sống của Camus, có thể là sự vinh quang của Dân Tộc, v.v… vẫn còn xa vời khi anh bắt tay vào việc khai sinh ra Nghệ Thuật.

Trong tình bằng hữu, xin anh nhận lấy một lời thú nhận nữa của tôi: Tôi chưa tìm được trả lời cho một câu hỏi thường đập vào trí não tôi như những nhát búa “Chúng ta những người cầm bút sẽ làm gì?”

Saigon, 22-9-1965

Trần Thanh Hiệp

This entry was posted in Trần Thanh Hiệp and tagged . Bookmark the permalink.