Nội ơi!

Bà nội tôi, xinh đẹp với khuôn mặt trái xoan, cái mũi thanh tú và môi mỏng. Các cụ nói mỏng môi hay hớt, dầy môi hay hờn nhưng tôi thấy môi mỏng vừa phải thường là người có khả năng ăn nói. Bà nội tôi đúng là như thế.

Vào thời bà, phụ nữ ít đuợc học cao nhưng bà nội tôi là một ngọai lệ. Bà đuợc cha mẹ cưng và đã học chữ nho khá giỏi. Gỉoi đến độ đã thay chồng dậy học trò khi ông tôi bận việc quan. Các môn đồ ông tôi đùa “ chúng con thọ giáo cụ bà nhiều hơn cụ ông! “ Gỉoi đến độ bà học đuợc cả cách bốc thuốc của ông lang quen. Dân làng thời đó còn nhớ hình ảnh bà tôi, ra khỏi nhà là một bụng thuốc. Bà gói trong những mảnh giấy nhỏ, nhét vào ruột tượng quấn quanh bụng. Bà đi một vòng quanh làng là. . thuốc hết sạch.

Cứ anh tá điền nọ:
-Bẩm cụ, thằng cu nhà con hôm qua sốt cao quá, cứ khò khè thở không đuợc!

Hay chị vú già kia:
-Bẩm cụ, con Gái mới đẻ tròn tháng đau bụng máu ạ!

Cứ thế bà lấy thuốc trong ruột tượng ra cho. Điều hay là bà nhớ ai bịnh gì cho gói nào mà không cần ghi chú gì cả. Bà còn có một toa thuốc theo kiểu trị bá bệnh. Thế mà đa số dân làng khỏi bệnh mới kỳ!

Mẹ tôi, con dâu thứ của bà nội tôi kể:

Bà rất nhanh trí và can đảm ngay từ nhỏ. Thuở con gái, nhà cha mẹ giàu có. Một hôm cướp vào. Trong khi chúng đang lục nhà trên, bà không hề hỏang sợ mà đã nhanh nhẹn lấy tất cả nữ trang riêng, bọc khăn và thả vào lu nước.

Chồng đi vắng, bà ở nhà một mình với hai con nhỏ. Hơn thế nữa, thấy trộm rình và đóan biết tối đó sẽ vào nhà, bà dám ra ngòai sân, trèo lên cây nhãn để. . nhận diện. Đấy chẳng qua chỉ là vài đứa du thử du thực trong làng. Hôm sau, bà ra ngòai trình làng và tuần đinh tóm lại gần đủ hết!

Bà rất từ tâm. Khi mẹ tôi đuợc giao trông coi việc xúc lúa, thấy nhà tá điền nghèo, mẹ lơ cho họ xúc lố, bà tôi biết nhưng cũng giả bộ lơ luôn. Vào thời xưa, mẹ chồng thường khắc nghiệt với con dâu nhưng bà nội tôi thì không. Mẹ tôi yêu quý và khâm phục sự thông minh của mẹ chồng lắm!

Cô Út tôi kể, bà tôi tự học chữ quốc ngữ không cần thầy dạy bằng cuốn sách đối chiếu, theo kiểu song ngữ: Nho- quốc ngữ. Khi cô học Luật, bà tôi ngồi buồn, cầm sách xem và nhớ bao nhiều là điều luật! Nhờ bà, cô tôi thuộc bài khá dễ vì bà nhắc tuồng mỗi khi cô quên.

Chục đứa con và mấy chục cháu sau này thêm chắt mà bà tôi thuộc hết ngày sinh tháng đẻ của từng đứa. Thậm chí rất nhiều lần, các con bà. . quên ngày sinh của chính các con họ, hỏi bà là ra ngay!

Tôi chứng kiến bà tôi đọc truyện kiếm hiệp hết pho này pho khác và thuộc vanh vách tên các nhân vật cùng tình tiết và. . cả các thế võ!

Khi vào Nam, bà tôi sống chính thức với bác tôi, con trai trưởng và đi một vòng. Nghĩa là đến sống với các con khác, chừng một hay hai tháng. Cha tôi là con trai thứ nên bà tôi đến ở lâu hơn so với các cô chú. Mỗi khi bà nội tôi đến thì mẹ tôi lại ruớc bà ngọai tôi qua. Hai bà sui rất tấm đầu ý hợp dù rằng khác nhau khá nhiều.

Có lẽ vì thông minh, quán xuyến việc nhà giỏi giang, thích sách vở mà bà tôi. . ít đi chùa! Tuy vậy bà giữ lễ nghĩa thánh hiền rất chu đáo. Tôi đã học đuợc ở bà nhiều điều. Ngay cả khi bà đến ở nhà, cha mẹ tôi đã dậy các con thông qua cách cư xử với mẹ. Bữa ăn bao giờ cũng đuợc mẹ tôi chăm chút những món bà thích. Bà là người cầm đũa đầu tiên. Bà còn ngồi ăn, con cháu muốn đứng dậy phải xin phép. Ai thấy đó là “phong kiến còn tôi cho là hay!

Tôi yêu bà không như tình yêu bà cháu thông thường vì bà tôi có vẻ nghiêm, không chiều cháu như đa số các bà nội/ngọai khác. Tôi chẳng bao giờ nũng nịu vòi vĩnh gì vì bà không âu yếm các cháu theo kiểu bà /cháu thuờng thấy. . . Nhưng tôi nguỡng mộ bà vì bà rất thông minh, trí nhớ siêu phàm và cư xử đâu ra đó. Tôi khâm phục khi thấy bà đã ngòai bẩy mươi mà siêng năng tập thể dục hàng ngày, lại tòan các đông tác lẽ ra dành cho bọn con gái!

Tôi chỉ bắt đầu yêu bà nhiều hơn khi một lần, tôi thiêm thiếp ngủ và thấy bà ra đặt tay lên trán tôi rồi lẩm bẩm “ Con bé sốt thế này mà không nói cho mẹ nó biết!”

Bà nội tôi quan sát và đưa ý kiến rất chính xác về mọi người quanh bà. Ví như bà nhận xét với bác tôi “ Cậu phải biết, con Mỹ là đứa có tình cảm. Mỗi khi câu phát lương tháng, nó lại đi mua quà ngon cho bà và bố! “ Nhờ bà, bác tôi đã hiểu và cư xử khác với chị Mỹ chứ trước kia, bác có ý thiên vị chị Thanh vì Thanh học giỏi hơn Mỹ. Hay bà bảo với tôi “ Chưa thấy ai chiều vợ như thằng Minh. Con Thanh đau một tí là nó cuống cuồng cả lên. “

Bà không chiều tôi nho nhỏ như bà ngọai tôi nhưng khi bà mất, bà dặn cô tôi “ Cái hụi tôi đang chơi với cô, tôi để lại coi như hồi môn cho con Quỳnh “ Bà làm tôi rất cảm động vì lúc đó, tôi là cháu gái trong khi bà còn bao nhiêu cháu trai khác chưa có gia đình.

Năm 74, đang ở nhà con gái, bà tôi có linh cảm mình sẽ ra đi. Bà đòi về nhà bác tôi, con truởng. Cô tôi giữ thế nào cũng không đuợc. Bà gắt lên “ cô phải để tôi về nhà tôi mà chết chứ “

Bà ra đi rất bình an. Người đàn bà thông minh chính trực, luôn giúp dân làng, mở kho lúa phát chẩn năm Ất dậu, thừa lệnh người trên, xé văn tự xóa sạch nợ cho dân làng khi cụ cố mất,, cứu bao người bệnh …và bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng. . Tôi đuợc tin, lên ngay. Vào phòng, bà tôi nằm đó như ngủ. Tôi nắm tay bà thì thầm.

Đám tang bà nội tôi rất lớn vì con cháu đông và đa số làm trong ngành giáo dục nên ngòai thân hữu, đồng nghiệp, họ hàng còn biết bao học trò của khắp các trường.

Trước đó, thân nhân trong giòng họ tôi đều đuợc chôn ở Nghĩa Trang Bắc Việt. Từ ông nội tôi, bác dâu gái, em họ, em ruột tôi. Nhưng khi bà nội tôi mất, ông Ban, bạn của bác tôi, người coi bói, tướng số tử vi lừng danh của Saigon, (rất đuợc cựu Tổng Thống Thiệu trọng vọng), đã nói:
-Đất này bị động sau mười năm nữa. Hãy chôn cụ nơi khác.

Họ tộc họp và chọn Nghĩa trang Đại Giác ở Hốc Môn. Quả đúng như ông Ban nói, mười năm sau, chính quyền mới ra lệnh giải tỏa Nghĩa trang Bắc Việt!

Hôm chôn bà tôi, Ông Ban đích thân chọn giờ. Tôi còn nhớ, chúng tôi cứ phải đi vòng quanh mộ khá lâu vì ông Ban vẫn chưa cho phép hạ quan tài. Ông đang dùng la bàn chọn giờ, chọn hướng gì đó tôi không rõ để hạ huyệt! Tôi cũng khâm phục Ông Ban. Lúc bấy giờ ai dám nghĩ Nghĩa Trang Bắc Việt sẽ mất ? hay Nghĩa Trang Đại Giác đất sũng nước vì quanh đó dân chúng trồng rau mà ông nhất quyết chọn. Lúc đào, huyệt bà tôi dâng nước nhiều lắm và có người đã xầm xì “ Điệu này chỉ một năm là quan tài mục hết. Đất tốt cái gì mà chôn ở đâ y?”

Thế nhưng, mười năm sau, họ hàng lần lượt định cư nước ngòai, gia đình cha tôi cũng sắp rời Saigon nên họ tộc quyết định bốc mộ bà đưa vào chùa. Hơn mười năm nằm ở vị trí đẫm nước mà khi đào, quan tài còn nguyên si! Thợ phải dùng xà beng tháo đinh ốc. Nắp quan tài mở, bao ny lông bên trong còn lờ mờ hình dáng bà nội tôi. Bà tôi đuợc đem đi thiêu và để cốt ở chùa Vĩnh Nghiêm cùng các thân nhân khácđuợc bốc từ Nghĩa trang Bắc Việt.

Trước đó, năm 82, tôi đến nhà bác ở. Nơi đây là từ đuờng chính vì bác là con trưởng. Tôi từng nghe mọi người nói về sự linh thiêng của bà. Ví như, một lần, xe Honda để trước cửa, cô tôi ra thấy mất, vọt miệng la “ ối mẹ ơi, mẹ giúp con”  thì chú tôi đã chạy tìm đúng hướng kẻ trộm và tóm lại đuợc vì hắn đang đẩy! Lý do, xe không nổ máy đuợc!

Nhưng điều tôi chứng kiến là: anh họ tôi từ Bắc vào và ở đó đuợc một tuần. Anh vẫn nằm trên cái divan ngày xưa bà nội tôi ngủ và không sao hết. Tuần sau, cô vợ anh tới. Hôm sau chị hớt hãi nói với bác tôi:
-Bác ơi, đêm qua có một bà cụ về mắng cháu!

Bác tôi dắt chị vào bàn thờ, chị trố mắt nhìn ảnh bà tôi:
– Đúng là cụ này! Cụ bảo hai vợ chồng cháu không đuợc ngủ chung ở giường cụ!

Tôi mỉm cười. Tôi vẫn biết tính bà tôi khó và kỹ. Đắp chăn mà bà tôi còn đánh dấu đầu đuôi kia mà ? Sau này khi có dịp sử dụng cũng cái divan ấy, tôi đã khấn “ bà ơi, cho con biết đâu là đầu, đâu là đuôi nhé “ Rồi tôi xé giấy bốc thăm để nằm cho đúng chứ không dám phạm thượng để chân lên nơi ngày xưa bà gối đầu!

Tôi nhát, hay sợ ma. Nhưng khi ở nhà bác, biệt thự to mà ít sợ vì tôi tin đã có bà nội tôi! Tôi tin bà nội tôi đã che chở cho nhà khỏi trộm. Vì ít khi bác tôi đi ngã hông. Hôm ấy bà (??) đã xui khiến bác đi ngã đó và khám phá, kẻ trộm đã bẻ khóa cổng bên hông để sẵn, chờ đêm tối sẽ vào. Đêm đó, chúng tôi rình bắt trộm rất vui!

Tôi luôn cầu khấn bà mỗi khi có việc buồn. Tôi tin bà che chở cho tôi. Hàng năm tôi vẫn đến Vĩnh Nghiêm thăm bà. Năm nay không còn ở VN, đứa cháu gái lận đận này không có dịp đến thắp cho bà nén nhang, đốt cho bà ít vàng mã nhưng với những giòng chữ chân tình này, tôi thành kính dâng lên người phụ nữ mà tôi cảm phục, mến yêu nhân lần giỗ thứ 29 của bà.

Rừng gió Virginia cuối thu năm 2004

Hòang Lan Chi

This entry was posted in Văn. Bookmark the permalink.