Gia đình tôi hơi khó chịu. Cha tôi là giáo sư, cộng thêm tánh cũng khó sẵn (chớ không phải cái nghiệp giáo làm cho khó) nên khó dàn trời.
Thuở nhỏ, khi di cư vô nam, để có nghề ngay, ông đành xuống Sóc Trăng dạy. Mọi việc ở nhà phó cho vợ. Mẹ tôi không phải giáo sư gì ráo nhưng cũng khó từ máu khó ra nên tụi tui coi như bị kềm kẹp. Và cha tôi hoàn toàn yên tâm khi đi xa, khỏi sợ “con hư tại mẹ”.
Hồi đó tôi ví von: lũ chúng tôi bị ba tầng áp bức: gia đình, học đuờng, xã hội. Tầng nào cũng kinh như nhau. Gia Long thì kỷ luật nghiêm quá trời. Chắc có lẽ nhìn thấy Gia Long đã có cơ ngơi sẵn, kỷ luật gắt nên hồi đó cha tôi biểu tôi thi vô GL, chứ lẽ ra, con gái bắc kỳ 9 nút như chúng tôi, phải học Trưng Vương mới đúng.
Sau này cha tôi đổi dần về gần Saigon. Ban đầu là giáo sư Cần Giuộc. Sau đó Hiệu truởng Bến Lức, rồi Cần Đước. Cuối cùng về dạy Anh văn ở Petrus Ký cho đến 75.
Cha tôi giỏi văn. Cụ làm nhiều thơ. Gia nhập văn đàn gì đó. Tất nhiên thời đó, thơ các cụ đa số đường luật. Tôi thấy để “chỉ trích” hay “tự trào” chi đó thì làm kiểu thơ đuờng là phù hợp, còn thơ tình, tôi thích bảy hay tám chữ.
Ở nhà, có lẽ chỉ có tôi là thừa hưởng cái gien văn chương “vớ vẩn” đó của cha. Nhưng vì cha gắt nên tôi dấu nhẹm. Người ta– tuổi học trò- viết bài đăng báo là hãnh diện khoe gia đình. Còn tôi, không dám. Dấu kín bưng. Cha tôi không hay gì hết ráo. Nhưng tôi vẽ vời lung tung trong tập thì cha biết. Cha la “ Lo học cho có nghề đàng hoàng. Văn sĩ hay hoạ sĩ, đa số gian truân, lao đao. Có khi nổi tiếng thì đã chết rồi. Còn sống thì nghèo khổ. . ”
Tôi nghe lời ngay tắp lự. Chả là “bổn cô nuơng” cũng sợ nghèo mà nên chỉ lâu lâu vẽ tí chơi. Cũng uổng, coi như cha tôi đã giết từ trứng nuớc một hoạ sĩ lừng danh của VN !
Nhưng viết , còn khuya đi bố của con ơi. Tôi lén cha, lai rai. Với tôi ngày đó, viết chỉ để giải trí và kiếm tiền đãi bạn bè ăn bò viên. Báo Chính Luân trả nhuận bút khá nhất. Một bài chừng hai trang A 4 là tám trăm ngàn. Tiền dạy lớp 10 ở trường tư là 500. 000/1giờ. Tôi ngoáy bút đâu đến một giờ . Chỉ khoảng nửa giờ là xong một bài cho Chính Luận.
Tôi cũng viết lai rai chuyện tình cho báo khác. Chuyện tình thì toàn là “cô bé” bịa. Cứ một câu nói, một tình huống có thực nào đó là tôi thêu dệt thành một chuyện tình lâm ly bi đát ngay tút suỵt! Còn bản thân mình thực sự ngoài đời thì em hiền còn hơn ma soeu ! Mà hồi sinh viên, tôi thuộc loại xí xọn nên cũng nhiều đuôi. Do vậy mỗi đuôi đều đuợc tôi cho vô truyện của mình hết ráo.
Cha tôi hoàn toàn không ngờ con gái lén mình viết báo. Nhưng cha biết tôi khá văn. Nên thỉnh thoảng ông đem thơ ra và hỏi “Có hay không”. Trời đất, hỏi nguời ta thơ mình có hay không! Mà chỉ hỏi tôi thôi chớ mấy mạng kia trong nhà coi như dùi đục chấm mắm cáy! Vì cha biết họ thực tế, không văn chương thơ thẩn như tôi. Tôi xem và phán tỉnh bơ “Thơ bố thì cũng khá (!!) nhưng bài nào cũng có một câu bị gãy” “Bố cô!” Tôi chạy “ Sao bố hỏi , con nói thiệt lại chửi. Lần sau con không nói nữa đâu”. Đó là sự thật. Cha tôi làm thơ cũng hay. Nhưng trong tám câu thế nào cũng có một câu gượng ơi là gượng, ép ơi là é !
Cha tôi còn “thần sầu” ở chỗ – ông phán xanh dờn :
Trung học: cấam không có bạn trai. Cái khoản này được bốn đứa con gái chấp hành nghiêm chỉnh.
Đại học: đuợc quyền có bạn trai nhưng cấm không cho đến nhà. Trời đất, “gian ác” kinh khủng chưa? Không cho đến nhà thì làm sao tiếp xúc nhiều để biết tên đó có thuộc anh em với Sở Khanh không? Cái khoản này đuợc bà chị tôi nghiêm chỉnh thi hành. Tôi cũng thi nghiêm chỉnh không kém chị một ly ông cụ nào cả. Nhưng năm thứ hai, tên T “mắc toi”, cái tên ngang tàng bướng bỉnh, không sợ ai, đã lợi dụng lúc tôi đang ở truờng, hăn đến nhà tỉnh bơ. Sau đó hắn về truờng “Tôi mới đến nhà LC đấy. Gặp ba LC ” Tôi sợ xanh mặt. Về nhà, rón rén đi vào, chờ cơn thịnh nộ của ông bố “hắc ám”. Nhưng lạ, ông chỉ đơn giản “Hồi nãy có thằng T đến đấy”. Cho đến giờ phút này, tôi cũng không hiểu vì sao cha tôi không la? Vì sao cha tôi xé bỏ luật của người ? Đương nhiên từ đó về sau, mấy tên con trai khác, nghe tin T đến được là cũngtheo gót. Vậy l : trong gia đình, chị tôi bị siết. Và tôi đỡ hơn bà chị được một khoản !
Đậu trung học: trả ¼ tự do. Tú tài một: trả tiếp ¼. Tú tài 2: trả tiếp ¼. Đại học: trả nốt ¼ còn lại. Lúc đó mới đuợc quyền tìm hiểu để lập gia đình.
Thế đó, có ông bố nào “dễ sợ” như cha tôi không? Vậy mà chúng tôi tuân răm rắp. Cũng ngộ thật, ngộ hơn nữa là sau này tôi phán y chang với hai nhóc của tôi! Năm 96, tôi đang hùng hồn thuyết “Lên đại học mới đuợc phép cho bạn trai hay gái đến nhà. Chúng mày nghe rõ chưa? Còn bây giờ là cấm!” Hai nhóc cuời. Thêm thằng em- đệ tử- cũng cuời. Tôi quát “Chúng mày cuời cái gì” Thằng con tôi kính cẩn “ Bẩm bà Tổng, con đang là sinh viên ạ” Mải thuyết moral, tôi quên mất tiêu thằng nhóc mới lên đại học. Tôi cứ tưởng nó còn trung học. Nhưng có lẽ con trai tôi cũng ớn bà mẹ hắc ám (giống tôi ớn cha mẹ mình ngày xưa!) nên không bao giờ đưa bạn gái về nhà. Năm 98, từ Úc về VN chơi, cũng chỉ báo cho mẹ đi đón, không dám cho bồ ra. Có lẽ tôi bị lây cái hắc của cha tôi!
Nhưng tôi còn nhớ, cha tôi đã đưa tôi đi thi tú tài hai. Nói nào ngay, ông chở tôi đi rồi ông đến hội đồng kia vì ông là Chánh Chủ Khảo ở đó. Mẹ tôi không chú ý tôi đi thi ra sao, đi bằng cách gì. Nhớ lại ngày đó cha đưa đi thi, thấy lòng cũng cảm động. Sau đó ông nhờ bạn bè xem điểm trước cho tôi. Tôi thì ngày xưa mê học nên cũng hồi hộp muốn biết truớc điểm.
Cha tôi định cư Canada năm 93. Năm 2000, tôi đang ở Mỹ, ông gọi từ Canada “ Này, tôi cho cô 500 US, cô sang Canada đi”. Thế đó, ông tưởng tôi không có tiền mua vé bay. Hôm sau tôi phải đi từ San Jose đến Los Angeles làm thủ tục sang Canada nhưng tụi Ca- na- điên phát ghét, đòi thêm nhiều giấy tờ mà tôi đang để ở VN nên tôi phải huỷ bỏ.
Giờ này đây, tôi cũng không biết mình có cám ơn cha đã cấm gắt gao cái khoản “bạn trai” để mình lo học hay không nữa? Chắc chỉ một phần. Vì những mối tình thuở sinh viên thì mới đẹp. Mà hồi đó bị siết quá, tôi không có mảnh nào vắt vai. Anh nào theo cũng tránh né. Khi ra truờng thì dường như đầu óc chai sạn hơn, tính toán hơn.
Mà thôi, những gì cha mẹ muốn, đều xuất phát từ lòng thương mà ra. Có ai muốn vì điều A mà con mình khổ đâu?
Tất cả, chẳng qua là cái số.
Hoàng Lan Chi 2002