Hoàng Lan Chi giới thiệu: Mục Chia Sẻ , Bút Tre tháng 8/2013 với bài “Thực Đơn Buổi Sáng” của Hoàng Tích Hương.
Hôm trước Hoàng Lan Chi giới thiệu Khôi An là em họ. Hôm nay, Hoàng Tích Hương …cũng là em họ.
Hai cô, một cô họ nội và một cô họ ngoại. Một cô cư trú vùng nắng ấm và một cô mưa phố núi.
Hoàng Tích Hương muốn nhớ đến người cha đã mất nên lấy bút hiệu này.
Hoàng Lan Chi thì lấy họ ngoại Hoàng vì ông ngoại là người đi làm cách mạng và giỏi văn chương. Lan Chi cho rằng nếu Lan Chi có khiếu văn chút đỉnh thì là từ họ ngoại.
Xin mời đọc Chia Sẻ từ Hoàng Tích Hương
Chia sẻ kỳ 3
LGT: Hân hạnh giới thiệu mục mới: Chia Sẻ do cô Hoàng Lan Chi phụ trách. Nội dung là chia sẻ những gì mà chúng ta “rút kinh nghiệm” được từ chính bản thân mình hay có khi chỉ là kinh nghiệm của người khác chia cho ta như rót nước từ ly lớn sang ly nhỏ. Mục này hân hoan đón nhận mọi chia sẻ từ độc giả. Xin gửi những suy nghĩ của bạn để chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cuộc sống về: hoanglanchi
Kỳ này Hoàng Lan Chi xin giới thiệu bài viết của Hoàng Tích Hương. Chuyện con trẻ buổi sáng là chuyện nhức đầu của các bà mẹ. Nào ăn, nào quần áo, nào giày dép. Ngày nào cũng “đánh vật” với lũ trẻ. HTH đã đọc sách, học kinh nghiệm rồi nghĩ áp dụng cho mình. Kết quả thật tuyệt vời. Cuộc sống dễ chịu hẳn cho cả mẹ và con. Quan trọng hơn là chúng ta đã tập được cho con trẻ nhiều tính tốt: lập kế hoạch cho cuộc sống, chịu trách nhiệm trên quyết định của mình và vô hình chung còn chia sẻ được một vài vất vả của cha mẹ.
Thực đơn buổi sáng
Buổi sáng, tôi uể oải mở mắt nhìn cái đồng hồ trên đầu giường và giật mình thức giấc. Tôi không thích để đồng hồ reo, mỗi lần reo tôi thấy bực bội thêm. Chưa bước chân xuống giường, câu đầu tiên tôi mở miệng: “Dậy chưa con? Dậy đi, trễ rồi. Dậy thay quần áo đi. Hôm nay ăn sáng món gì đây?”
Không biết các bạn thế nào chứ tôi thì cứ như là đánh lộn với các con, thức nó dậy, hò hét thay quần áo, đánh răng, rửa mặt. Buổi sáng nhà như cái chợ nhỏ mở cửa sớm vậy. Ồn ào, náo nhiệt. Hai thằng nhỏ lại léo nhéo cãi nhau cái vụ đánh răng hay chọn quần áo đi học gì gì đó. Còn tôi thì vội vàng nhảy vào phòng tắm, đánh răng và tắm. Tắm xong thì vừa sấy tóc vừa hò hét xem hai đứa đã dậy chưa, đã thay đồ xong chưa. Đến lúc ăn sáng thì đứa thích món này, đứa thích món kia. Có bữa thì “Con không biết”. Và Mẹ như tôi thì cũng chẳng biết luôn. Bạn nghĩ xem, cả tuần lễ trong đầu vừa nghĩ chuyện đi làm, rồi thực đơn cho bữa trưa, rồi cơm chiều. Tôi cảm thấy mình có lý khi nói: “Mẹ cũng không biết luôn!”. Nói xong rồi lại thấy hối hận. Cuối cùng thì nghĩ ra một món gì đó, làm thật nhanh rồi dọn ra bàn. Tụi nhỏ không thích thì ăn uể oải. Tôi thì nổi cáu vì nhìn quanh đâu đâu cũng có đồng hồ. Đồng hồ trên microwave, trên coffee maker, trên lò nướng bánh, trên tường. Tôi có cảm giác bọn chúng đang gào thét là tôi trễ giờ! Tôi chẳng còn nhớ nổi khi nào thì tôi bắt đầu cảm nhận được “giờ giấc”. Tụi nhỏ hình như chẳng có gì để lo toan nên chúng cứ ngồi ỳ ra đó, đủng đỉnh nhai. Sáng nào tôi cũng phát cáu. Sáng nào cũng stress như thế đó. Rồi lật đật hốt hai thằng lên xe, chạy như là bị giặc đuổi để kịp giờ vào lớp. Sáng nào đến lớp cùng xém trễ.
Đọc đến đây, chắc mọi người đang cười tôi phải không? Đang nghĩ sao không chịu dậy sớm một chút? Tôi thú nhận tôi là tôi không thể dậy sớm. Có những ngày tôi làm việc đến tận nửa đêm hay một, hai giờ sáng. Bẩy giờ thức dậy được là giỏi lắm rồi. Còn chồng tôi hả? Anh ấy đã đi làm từ lúc sáng sớm. Lúc đó tôi còn đang ngủ mê ngủ mệt. Cuối cùng tôi nghĩ ra một cách (không phải tự nghĩ ra một mình đâu, mà là đọc sách dạy con, đọc internet về kinh nghiệm của người khác thôi). Thì ra, con nít hay người lớn cũng vậy, mọi người đều thích mình là người quyết định chứ không phải người khác quyết định cho mình.
Một ngày cuối tuần, tôi bảo hai đứa nhỏ: “Từ hôm nay con viết menu xuống cho Mẹ, con muốn ăn gì vào mỗi buổi sáng?”. Lúc đó thằng con lớn chỉ mới năm tuổi, thằng nhỏ bốn tuổi. Hai đứa chưa biết viết và chúng chỉ cho ý kiến còn tôi viết dùm. Tuy thế tôi ra điều kiện là hai anh em phải chọn cùng món. Hai đứa vò đầu, bức tai thấy mà thương. Và nó mất tới khoảng một tiếng đồng hồ mới ra được bẩy món cho bẩy ngày.
Để có một quyết định khó lắm bạn biết không? Là người lớn còn khó, huống chi mấy đứa nhỏ. Mấy tuần sau thì mọi việc dễ dàng hơn. Tụi nhỏ đã quen. Tôi thì giữ vững lập trường của mình, phải viết xuống, và không được đổi ý vào buổi sáng. Đến khi tụi nó biết viết thì nó viết một mình. Tôi đọc đâu đó trên internet, đấy cũng là một cách dạy cho con biết viết. Một công hai chuyện, tôi áp dụng ngay, cho nó viết thực đơn, và cả list để đi chợ cuối tuần. Ban đầu nó viết sai chính tả, tôi không sửa, cứ để vậy vì chủ yếu là tập cho có thói quen viết. Khi nó lên thêm một lớp nữa thì bắt đầu sửa lỗi chính tả. Mà tụi nhỏ cũng khôn đáo để, đến khi nó lười thì nó viết cùng món cho hai, ba ngày để khỏi phải suy nghĩ. Tôi cũng chẳng cằn nhằn. Kết quả: ăn giống nhau, ngán quá, nó tự đổi menu.
Bây giờ buổi sáng mấy mẹ con không còn khổ sở la nhau chí chóe nữa. Tôi cứ theo thực đơn mà làm. Nếu nó muốn thay đổi, phải cho biết từ hôm trước. Tôi vô tình đã tập cho con biết chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Kể từ hôm đó, tôi mới nhận ra một điều: khi nó quyết định, nó có cảm giác trách nhiệm hơn và không còn cằn nhằn: con không thích ăn món nầy hôm nay, v.v. và v.v.
Được thể, tôi làm tới. Bây giờ, đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ chín tuổi. Tụi nó viết menu cho lunch luôn, nên tôi cứ thế mà theo. Hôm nào nó thích ăn ở trường thì tôi khỏi làm, không thích thì tôi theo menu. Buổi sáng qua đi êm đẹp và mấy mẹ con có thời gian ngồi ăn sáng và không vội vã như trước nữa. Cùng với ý nghĩ này, tôi áp dụng vào những việc sau đây:
-Vacation: tụi nhỏ tự quyết định mang theo đồ chơi gì, tôi chỉ lo phần quần áo. Khi đến nơi, tụi nó chẳng dám cằn nhằn là quên thằng lính này hay con gấu kia. Khi cằn nhằn, tôi bảo: “Mẹ không biết đồ chơi của con. Con “pack” mà”. Thế là yên chuyện. Năm nay thì tôi tăng lên một nấc. Tôi bắt nó viết list tất cả những thứ cần mang theo. Tôi kiểm tra cái list lại, bổ sung, rồi cho hai anh em nó tự sắp luôn cả cái va-li.
-Quần áo đi học: tụi nhỏ sắp sẵn quần áo trước năm (5) bộ trong tuần, sáng thức dậy chỉ cần bốc lên là thay thôi. Buổi sáng thức giấc mình cũng uể oải, con nít cũng vậy. Để sẵn nó không cần phải suy nghĩ và như vậy thì nhanh hơn. Hai năm sau này tôi đổi trường cho con. Tụi nhỏ học Charter school nên mặc đồng phục, chỉ có màu xanh và màu trắng nên dễ hơn trước. Chỉ là mặc tay ngắn hay tay dài theo thời tiết thôi. Và cảm ơn cái IPad ra đời. Tụi nó tự xem thời tiết và mặc đồ cho thích hợp.
-Homework: cái khoản này tôi phải kể hơi dông dài.
Sau khi đón tụi nhỏ tan trường, tôi gởi hai đứa cho Ngoại. Lúc đầu tôi hò hét thế này: “Ở nhà Ngoại con phải làm cho xong homework nghe chưa? Không xong thì tối về không được coi TV”. Bạn có thể đoán được kết quả rồi phải không? Chiều đi làm về, tới đón con, chưa đứa nào làm homework hết. Về nhà ăn cơm tối, tắm rửa xong rồi bắt nó ngồi làm homework. Lại tiếp tục nhìn cái đồng hồ, sợ trễ giờ ngủ, sáng mai tụi nhỏ dậy không nổi. Tôi thấy mệt mỏi quá. Cảm giác như mình đang “fighting a losing battle”. Thế là tôi đổi chiến thuật. Tôi nói với 2 đứa:
“Tụi con có hai chọn lựa:
1. Về nhà Ngoại làm xong homework, tối về nhà xem TV hoặc chơi game.
2. Chơi ở nhà Ngoại, tối phải về làm homework”
Ngày đầu tiên, thằng lớn quyết định làm homework ở nhà Ngoại; thằng nhỏ không làm gì cả. Tôi đón con, không càu nhàu lấy một câu. Sau cơm tối và tắm rửa, thằng lớn chơi game còn thằng nhỏ ngồi làm bài. Nó khổ sở làm vì thấy anh nó đang chơi game ngoài kia. Nó không tập trung, chuẩn bị khóc.
Tôi bảo rất nhẹ nhàng: “Con chọn lựa cái này phải không?” Nó gật đầu. Tôi tiếp: “Vậy thì tiếp tục với quyết định của mình”. Ngày hôm sau: hoan hô! Cả hai thằng tự làm homework ở nhà Ngoại. Tôi cũng không còn cãi cọ với các con nữa. Buổi tối cũng được thư thả nhẹ nhàng hơn.
Nói thật, tôi là người rất thiếu tự tin trong vấn đề dạy con. Ngày nào tôi cũng có cảm giác như mình đang đối đầu với điều-không-biết. Cứ phải làm mà không biết đúng hay sai. Ngày nào cũng phải “fighting a losing battle”… Bài viết này chỉ là một chia sẻ nhỏ. Mong các bạn chia sẻ thêm kinh nghiệm để tôi học hỏi với nhé.
Hoàng Tích Hương
Bài liên quan: