Hôm nay chủ nhật. Buổi sáng hôm nay trời đẹp và ly cà phê tôi uống dở dang quá đỗi ..ngọt ngào.
Ngọt ngào không phải vì vị ngọt mà ngọt vì tôi vừa được đọc một bài viết rất hay. Bài viết ấy liên quan đến Gia Long của tôi.
Giờ đây nơi đất khách quê người, tỷ muội chúng tôi có lẽ tóc bạc lốm đốm như nhau nhưng trên hết cái Gia Long hoài cổ là chất keo mạnh mẽ nhất đã kết nối những người Gia Long lại với nhau.
Tôi hoàn toàn đồng ý với những gì GL Phương Thuý trải tâm tình trong bài dưới đây.
Người Gia Long là người gì? Hãy xem nhé, Phương Thuý định nghĩa như tôi từng định nghĩa và như GS Phạm Thị Nhung vừa gửi gấm trong bài thuyết trình tại Đại Hội Thế Giới Kỳ 6: người Gia Long được rèn luyện Công-Dung-Ngôn Hạnh và 5 đức tính Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín như người Trưng Vương, người Lê Văn Duyệt, người Petrus Ký, người Chu Văn An, người Nguyễn Trãi, Trần Lục, người Biên Hoà, người Võ Tánh Nha Trang..
Xn mời đọc “Có mấy Gia Long” của Nguyễn Phương Thuý (GL 66-73) để thấy ly cà phê sẽ rất ngọt ngào như tôi đang cảm vậy, bạn nhé.
Có Mấy Gia Long – Nguyễn P. Thúy, GL 73
Vừa xong Tiền Đại Hội Gia Long Thế Giới (ĐHGLTG) Kỳ VI tại Sydney, các bạn GL73 đang tham dự đại hội đã vội vàng báo tin vui: “GL Miền Đông Hoa Kỳ (GLMĐHK) đã đoạt cờ Luân lưu để tổ chức ĐHGLTG Kỳ VII vào năm 2015 tại Washington DC.” cùng với tấm hình làm bằng chứng cho thấy quý chị và giáo sư đại diện GLMĐHK hãnh diện nhận cờ trên sân khấu.
Tin hành lang còn cho biết là ĐHGLTG Kỳ VII sẽ được tổ chức nhằm dịp lễ Hội Hoa Anh Đào (Cherry Blossoms Festival). Lúc đó đầu xuân, trời mát mẻ, du xuân ở thủ đô Washington DC sẽ thuận lợi, không phải nhọc nhằn, đổ mồ hôi.
Du khách sẽ được ngắm rừng hoa Anh Đào dọc theo bờ hồ Tidal Basin, trước Jefferson Memorial, chung quanh Monuments, và các con đường gần đấy. Lại còn có dịp vào xem những Museums to lớn, đủ loại mà không phải tốn tiền.
Tôi thấy GLMĐHK tính như vậy thật là thiên thời địa lợi nhưng lại đâm lo vì chỉ có 18 tháng để chuẩn bị thay vì 2 năm, nếu tính theo chu kỳ của những ĐHGLTG trước, thường được tổ chức vào khoảng tháng Tám.
Tôi miên man nghĩ xem mình sẽ đóng góp như thế nào cho đại hội, óc tưởng tượng đi hoang, và tôi bắt đầu run, không phải run vì sợ mà run vì … thích!
Có lẽ tôi sẽ bắt đầu làm website cho GLMĐHK để tiện việc thông báo chương trình và diễn tiến của đại hội. Cách đây 2 năm tôi có hứa với Như Nguyện như vậy và Như Nguyện đã mau lẹ gọi phone đòi nợ. Mỗi lần xông pha vào chốn lao xao, tôi e dè, chỉ muốn hợp tác trong tinh thần quốc gia. Chỉ cần biết mình vào đúng chỗ, gặp đúng người thì tôi sẽ tự nguyện đút đầu vào rọ, sẵn sàng vác ngà voi và chấp nhận đau thương sau này.
Cái nghiệp “vác ngà voi” ly kỳ rùng rợn lắm, có 4 chặng. Chặng 1: hồ hởi, phấn khởi, vác ngà lên lưng. Chặng 2: vác ngà lên núi, oải, mệt, thở không ra. Chặng 3: vác ngà xuống núi, lăn lông lốc, thở hồng hộc. Chặng 4 kịch liệt nhất: có thể đang ngắc ngoải chuyển sang từ trần vì bị bị ngà đè. Muốn sống sót thì phải biết đấm ngực “Lỗi tại tôi mọi đàng” và tự … xoa bằng “Nỗi buồn ai hay cùng tôi… “ Mà đã là cái nghiệp thì chạy trời không khỏi nắng và đã hứa thì phải làm.
Đang lúc tôi cần có thì giờ để vác ngà voi thì hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ hục hặc, kình chống, không giải quyết ngân sách quốc gia, chính phủ tạm thời đóng cửa (government shutdown), không trả lương cho nhân viên, thiên tai!
Tôi được nghỉ nhà 3 tuần, lụi cụi làm websites. Cũng gần xong thì có tin đi làm lại và sẽ được chính phủ trả lui lương, tôi mừng rơn. Đúng là ăn cơm nhà, tiêu tiền chính phủ Mỹ, vác ngà voi cho GL. hihihi…
Tôi định gọi mấy đứa em để rủ đi ĐHGLTG. Gia đình tôi có 4 chị em học Gia Long. Tôi thuộc niên khoá 1966-1973 (GL 73). Tháng Tư năm 1975, Thái chưa kịp ra trường thì chạy tuốt qua Mỹ, coi như là niên khóa chót 1968-1975. Còn Hòa đang học Đệ Ngũ và An học Đệ Thất. An ở cách Washington DC chừng 2 tiếng lái xe, chắc nó đi được nên tôi gọi nó trước. An hứa sẽ về tham dự nhưng muốn hỏi tôi vài chuyện. Tôi thấy có triệu chứng bất bình thường rồi nha, tự dưng lại đặt điều kiện, muốn hỏi … cung bà chị cả. Không sao, nó có hỏi mình mới biết nó nghĩ lung tung cỡ nào. Tôi bật đèn xanh:
– Cứ hỏi, chị sẵn sàng gỡ rối tơ lòng.
– Chị là GL 73 còn em thì gọi là GL gì vì em mới học năm đầu đã ra trường đâu?
– Nếu lấy tháng Tư năm 1975 là điểm mốc thì Gia Long niên khóa 1968-1975 là niên khóa cuối cùng. Chị Thái là GL 75. Sau đó trường bị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) thì chính danh của những học sinh đã học dưới trường Gia Long và trường NTMK là GL-NTMK (đầu GL, đuôi NTMK) và gồm có GL-NTMK 76, 77, 78, 79, 80, 81. Đến năm 1982 thì hoàn toàn là NTMK. Còn em đang học GL mà phải chạy loạn hay đi Tị Nạn CS (TNCS) khiến dở dang việc học thì chỉ gọi là Gia Long không thôi.
– Em tham dự ĐHGLTG được không và với tư cách gì? Những nữ sinh NTMK thì sao?
– Được chứ. Ngoài các cựu nữ sinh có mẫu số chung là GL, ai cũng có thể tham dự ĐHGLTG với tư cách thân hữu. Điều quan trọng là phải có tinh thần quốc gia và cùng mục đích là phát huy danh tiếng trường Gia Long chứ đừng vì những mục đích cá nhân. Tôn chỉ hoạt động chung của các hội đoàn bên Mỹ là hợp tác với mọi thân hữu bất kể tôn giáo, địa phương, sắc tộc, … miễn là có tinh thần quốc gia, cùng căn cước TNCS, tôn trọng cờ Vàng, các nghi lễ của hội, … Hãy đến với ĐHGLTG với tất cả chân tình.
– Mấy chị hoan hỉ đón nhận NTMK thì sẽ tạo được sự hòa đồng, cảm thông dù cách tổ chức và giáo dục của trường NTMK không giống như GL. Bạn em, Nga, là GL-NTMK 81, quốc gia 100%, chỉ muốn được gọi là GL 81 có được không?
– Bạn em muốn làm gì tùy ý, muốn gọi mình là X,Y,Z cũng được nhưng đấy không phải là chính danh vì ai cũng biết sau 1975 tên trường Gia Long đã không còn nữa, không thể phủ nhận lịch sử! Chính danh nghĩa là mỗi sự vật phải được gọi đúng tên của nó, mỗi người phải được gọi đúng chức phận, làm đúng trách nhiệm của mình. Gọi đúng chính danh của các em không có nghĩa là đặt nặng vấn đề phân biệt đối xử. ĐHGLTG vẫn chào đón tất cả thân hữu và trân quý chân tình.
Nếu các em nghĩ rằng chỉ một ngày học dưới mái trường Gia Long vẫn là học sinh Gia Long, thì dù có chối bỏ tên NTMK, các em vẫn là học sinh của trường NTMK. Nên nhớ, trường học chỉ là những dẫy nhà vô tri, tên trường không tự tạo nên danh tiếng của trường. Chỉ có những học sinh được giáo huấn cẩn thận, được rèn luyện kỹ càng mới tạo được cái danh tiếng cho trường.
– Nếu sau này tên trường Gia Long được phục hồi thì sao?
– Thì mình lại có đầu NTMK và đuôi Gia Long. Sau đó hoàn toàn là Gia Long.
Yên lặng vài giây, không thấy An hỏi gì thêm, tôi thở phào nhẹ nhõm, lơ đãng nhìn lá vàng theo gió rơi lả tả trên sân. Bỗng có tiếng tằng hắng, rồi lại ậm ừ như đang uốn lưỡi bẩy lần, tôi giục:
– Hãy còn théc méc ư? Nói đại đi. Có hỏi thì chị mới đả thông tư tưởng được chứ.
– Em … em … không phải trù ẻo gì mấy chị nhưng mai mốt quý chị cưỡi hạc quy tiên thì hội GL và ĐHGLTG cũng theo mấy chị về trời phải không?
– Hihihi… Sống chết là chuyện đương nhiên, trù ẻo hay không thì chị cũng … thăng, em ơi! Trường Gia Long còn bị khai tử trước chị nữa kìa. ĐHGLTG cũng thế, sắp hết thời vì cái thời lập hội, tổ chức họp mặt là cái thời sau 1975, trong bối cảnh tha hương, trong tâm trạng thương đau và cô đơn tại hải ngoại đã thúc đẩy con người lưu lạc tìm đến nhau để nhớ về chốn cũ và ôn lại những kỷ niệm đã qua cho cuộc sống bớt nhọc nhằn, khô khan.
Chị nhớ rất rõ ngày đại hội Gia Long Hải Ngoại (sau này đổi thành ĐHGLTG B) vào tháng 10 năm 2001 tại nhà hàng Fortune ở Gaithersburg, Maryland, chỉ hơn một tháng sau khi không tặc đâm máy bay vào Twin Towers tại thành phố Nữu Ước vào ngày 11 tháng 9. BTC lo ngại sẽ không có sự tham gia đông đảo vì ai cũng sợ đi máy bay nhưng trái lại số người hiện diện tại đại hội quá đông, hơn 600 người, đến nỗi không đủ chỗ ngồi. Chị lò dò đi vào, ngỡ ngàng vì không nhận ra bạn cũ. Người nào cũng lịch sự, phát tướng, có vẻ bà lớn quá. Chị đến bàn tiếp tân, hỏi một câu rất … dư thừa: “Đây có phải là Đại hội Gia Long không ạ?” Thay vì trả lời, ban tiếp tân hỏi ngược lại: “Chị học lớp nào, ra trường năm nào?” Chị kể một mạch: “Tôi thuộc niên khóa 1966-1973, lớp 12A2, bạn tôi có …” Chưa dứt lời thì một đám dăm bẩy đứa đã ào đến, tíu tít kê khai lý lịch: “tao là …., còn tao là …, mày nhớ tao không…” Chị xúc động quá chừng, 26 năm mới có được ngày này. Hồi sinh! hồi sinh! Nhựa sống rần rần trong huyết quản, niềm vui hội ngộ òa vỡ, rạt rào. Chị dần dần nhận ra những nét quen thuộc xa xưa của từng đứa bạn và tự dưng gọi nhau bằng “mày, tao” dẻo quẹo.
Từ đó chị nghiện cái không khí ồn ào, náo nhiệt, rất học trò và thèm gặp lại những khuôn mặt bè bạn thân thương. Chị nôn nóng và háo hức mong đợi những chương trình ĐHGLTG khác. Chương trình đại hội càng ngày càng lớn mạnh, càng phong phú với sự tham gia nồng nhiệt của quý giáo sư, chị em Gia Long, thân hữu, và quan khách từ khắp nơi trên thế giới.
Những gì tụi chị đã và đang làm, ví như tấm áo, may khít khao vừa vặn cho tụi chị. Qua bao năm, áo đã mỏng tanh, bỏ đi là đúng. Các em chẳng nên mượn đỡ, mặc tạm mà hãy tạo cho mình tấm áo khít khao khác, chuyên chở những ân tình, kỷ niệm của riêng các em, của một khoảng không gian, thời gian rất khác tuy cùng dưới một mái trường.
– Nếu đi, em có được ngồi chung bàn với chị không?
– Được chứ, chị sẽ đặt nguyên bàn cho gia đình mình ngồi, nhưng chị sẽ qua lại bàn của GL 73 để chuyện trò với các bạn của chị. Ủa, tại sao em không muốn ngồi chung với các bạn cùng niên khóa để hàn huyên tâm sự? Nếu muốn ngồi chung với nhau như đám GL 73 của chị thì hãy mua vé qua người đại diện, đặt cọc 2,3 bàn sát nhau. Nhưng được ngồi gần nhau thì chưa chắc được chỗ tốt. Mấy lần trước, bàn của GL 73 thường ở trong góc, cuối phòng. Cũng không sao vì mình đi ĐHGLTG là cốt để gặp bạn bè, tâm tình cho thỏa chứ đâu vì chỗ ngồi, miếng ăn.
– Em mới vào lớp Bẩy, tình chưa sâu, kỷ niệm chưa nhiều, bạn bè không nhớ tên nên chẳng biết tìm đâu ra.
– An có thể hỏi ban tổ chức, vào website GL Cali để nhắn tin tìm bạn. Khi mua vé nhớ đề rõ ước muốn được ngồi chung với nhóm của em. Nếu không có ai thì BTC sẽ xếp em ngồi với nhóm khác.
– Thôi chị cứ để em ngồi chung bàn với gia đình được rồi. GL 73 của các chị có họp mặt không?
– Có chứ. Mỗi khi có ĐHGLTG ở nơi nào thì GL 73 tại nơi đó đều tổ chức một buổi sinh hoạt và văn nghệ bỏ túi tại tư gia để thắt chặt tình thân. Năm 2015, GL 73 sẽ mừng “60 Năm Cuộc Đời” đấy.
– Chị có nghe nghe tin đồn không?
– Tin đồn về cái gì? – Tôi giựt mình lo ngại.
– Họ đồn rằng: “Nếu GLMĐHK không đoạt cờ Luân lưu thì Gia Long 73 vẫn đứng ra làm đại hội” hay “Gia Long 73 làm đại hội riêng”.
– GL 73 tuy đông, làm được nhiều chuyện hay nhưng GL 73 không có chính danh, không có cờ Luân lưu để tổ chức đại hội. Những sinh hoạt của nhóm GL 73 chỉ là sinh hoạt bên lề của ĐHGLTG. Nếu họ biết dựa vào những dữ kiện và dùng trí tuệ để suy xét thì thấy ngay lẽ phải trái, đúng sai và sẽ không có tin … vịt cồ. Cựu giáo sư Phạm Thị Nhung bên Pháp, trong bài nói chuyện “Vinh Danh Trường Nữ Trung Học Gia Long” tại ĐHGLTG Kỳ VI, Sydney, Úc châu, đã đề cao tầm quan trọng của TRÍ như sau: “…Nhà trường bèn chọn Hoa Mai Vàng Năm Cánh cho Huy Hiệu của trường với ngụ ý, đây là ngôi trường của các nữ sinh miền Nam. 5 cánh hoa mai biểu hiện cho 5 đức tính: nhân-nghĩa-lễ-trí-tín. Theo văn hóa nhân bản cổ truyền của dân tộc, đây là những đức tính căn bản tạo nên tư cách và phẩm chất con người. Qua đó, nhà trường muốn nói lên tôn chỉ giáo dục về đức hạnh cho các nữ sinh của trường.
(Trong 5 đức tính ấy, theo thiển ý, đức TRÍ quan trọng đầu tiên trong vấn đề giáo dục. Sao vậy? Trí ở đây không có nghĩa là kiến thức cao rộng, chuyên môn, mà là trí biết suy xét, phán đoán phải trái, đúng sai. Một khi không biết đâu là phải, đâu là trái; không biết đâu là đúng, đâu là sai, thì những đức Nhân-Nghĩa-Lễ-Tín kia làm sao thực thi đứng đắn được?)”
– Em xin hỏi câu chót. “Nền nếp Gia Long” là sao? So sánh với nền nếp của những trường nữ trung học khác như Trưng Vương có tốt hơn không?
– Trời đất ơi! Hỏi chi mà khúc mắc dữ dzậy. Chị đâu có biết định nghĩa của “Nền nếp Gia Long” và nếu không biết thì làm sao so sánh. Chị nghĩ các trường nữ trung học thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) nói chung và Gia Long nói riêng đã đặt nặng việc rèn luyện phẩm chất và tư cách của nữ sinh dựa trên Công-Dung-Ngôn Hạnh và 5 đức tính Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín để đào tạo những công dân gương mẫu và những phụ nữ đảm đang, tháo vát trong gia đình. Đó là cái nền nếp chung của phụ nữ có học thức.
– Chị dậy rất phải.
– Không dám … không dám. Chị chỉ gỡ rối tơ lòng thôi. Chị tuy là đàn chị Gia Long nhưng không dám dậy dỗ ai, cũng chẳng dám đại diện cho ai, nên những gì chị nói thì An biết vậy chớ đừng tin như vậy mà phải dùng trí tuệ suy xét nha. Nè, chị nói nãy giờ rất nhiều có làm An điên đầu chưa?
– Dạ chưa vì em nhớ chẳng bao nhiêu. Chỉ nhớ “Ba Có, Một Không” mà thôi.
– Là cái gì vậy? Chị nói “Ba C, Một K” hồi nào?
– “Ba Có” là có chính danh, trí tuệ và tâm. Còn “Một Không” là không Cộng sản.
– Ờ … ờ … An nghĩ gọn vậy cũng đúng. “Ba C” rất quan trọng trong cuộc sống. Hahaha … Thế chị đố An có mấy GL?
– Chỉ có một thôi chị ơi. Đó là Gia Long … hoài cổ!
– Được … được lắm. Chị sẽ thưởng An bằng cách mời hai vợ chồng đi dự ĐHGLTG Kỳ VII miễn phí nhé.
– Cám ơn chị nhưng nếu chị cho em thêm bonus được chúc mừng “60 Năm Cuộc Đời” của GL 73 nữa thì tuyệt. Em rất thích nghe các chị đấu láo. Mấy chị trên 5 bó hết rồi mà vẫn mà ơi ới gọi nhau là “mày, tao” nghe vui quá chừng.
– Hihihihi.. . Xưa sao nay vậy, không có chuyện thay lòng đổi dạ đâu em. Nhưng “60 Năm Cuộc Đời” chỉ dành riêng cho GL 73 và một số thân hữu thôi, chị không dám hứa .
– Tội nghiệp em chị ơi, GL lạc loài, không nơi nương tựa … mà … mà em còn là thân nhân của chị nữa chứ bộ.
– OK, chị sẽ cho An biết sau. Bây giờ bye nha. Chị hết hơi rồi.
Tôi cúp phone, cánh tay bải hoải, mỏi nhừ, còn hơi sức đâu mà gọi mấy đứa kia, thôi để khi khác. Biết vậy lúc nãy dùng máy ghi âm, hễ mấy đứa kia cũng théc méc như rứa thì mở ra cho tụi nó nghe, khỏe tấm thân già biết bao!
Nguyễn P. Thúy, GL 73