Hai Người Tôi Muốn Gặp Bây Giờ

Hai Người Tôi Muốn Gặp Bây Giờ

Chiều thứ Năm là ngày nghỉ cuối tuần của tôi. Đó là ngày mà tôi “tào lao thiên hạ sự” để viết LanChiYesterday.

Mấy hôm trước, tôi gọi được cho ca sĩ Hà Thanh. Chị đang ở Boston. Tuy sức khoẻ kém nhưng Hà (trong tình thân, tôi vẫn gọi chị là Hà theo tên thật Lục Hà) vẫn lạc quan. Với Hà thì mọi sự là vô thường mà. Hà vẫn “líu lo” hát cho tôi nghe:

Đến tuổi này không đau mới lạ

Chuyện ốm đau là chuyện bình thường

Chỉ xin trời Phật độ và thương

Đau in ít đừng đau tất cả.

Đến tuổi này không quên mới lạ

Chuyện lãng quên là chuyện bình thường

Chỉ xin Trời Phật độ và thương

Quên ít ít đừng quên tất cả

Có thể tôi không nhớ chính xác lắm nhưng ý là thế. Hà nói đó là thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và Hà “bịa” thành nhạc để hát. Tôi muốn đi thăm Hà lắm mà không có điều kiện vì kẹt tùm lum thứ.

Một nhà sản xuất quen nhờ tôi liên lạc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông để xin phép phát hành nhạc phẩm của ông. Tôi viết cho Nguyễn Văn Đông như sau “Anh à, em nói rằng nhạc phổ cập là Phiên Gác Đêm Xuân hay Sắc Hoa Mầu Nhớ nhưng tiêu biểu nhạc lính Nguyễn Văn Đông thì là Mấy Dặm Sơn Khê. Ông sản xuất nói rằng bảo đảm Hoàng Lan Chi sẽ ưng ý khi nghe ca sĩ của ổng hát Mấy Dặm Sơn Khê. Em bật cười vì cứ làm như Hoàng Lan Chi là tác giả của Mấy Dặm Sơn Khê vậy!”.

Tôi cũng có một ao ước nhỏ: gặp Nguyễn Văn Đông. Tôi từng viết cho Đông rằng tôi thích được ngồi trong rừng phong lá đỏ của mùa Thu Virginia và nghe anh kể chuyện ngày xưa.

Coi như tôi có hai ao ước bé dành cho hai người tôi yêu mến và hai người này lại là “quyện với nhau trong nhạc và ca”.

Gặp Hà Thanh để được ôm Hà trong tay, nghe Hà hát “chay” và để được Hà “đút cho một miếng mì”. (Qua điện thoại, Hà rất hay đùa. Ví dụ: “chị đang chuẩn bị ăn chiều. Có mì ngon lắm. Hoàng Lan Chi há miệng ra chưa, chị Hà đút cho một miếng, hỉ!”

Gặp Nguyễn Văn Đông để được nghe vô số chuyện ngày xưa. Anh Đông cũng đang không được khoẻ lắm.

Hai người, một với giòng nhạc và một với giọng ca, tôi từng đắm đuối và vẫn đắm đuối.

Là hai người mà tôi muốn gặp bây giờ.

Cũng Vui Vì “Ta” Còn Chút “Tình”

Vài hôm trước vui vì Mai Vàng gửi mail nói rằng buổi ra mắt sách của Phan Nhật Nam ở Dc rất thành công dù hơi gấp gáp.

Vui vì Ta, ( chúng ta) còn chút Tình ( với người lính).

Thời buổi internet, chữ nghĩa rẻ như bèo vì ai cũng viết được và tha hồ thả thì Ta (chúng ta) vẫn dành tiền mua sách thì quả là đáng quý. Một ông bảo rằng người ta đến đông vì tên tuổi của Nam, vì họ tò mò muốn gặp, muốn bắt tay Nam…Còn tôi thì nghịch ngợm viết cho Nam như thế này “Công nương cho rằng Nam bán được nhiều sách là nhờ hồng phước của công nương!!! Mấy kỳ trước có được đình đám như vậy không? Sau bài cn phỏng vấn Nam, nhiều người thương Nam hơn chứ bộ”. Phan Nhật Nam thì vốn dĩ rất “hiền lành” với Hoàng Lan Chi (chỉ phải tội lâu lâu cãi bướng tí thôi) nên cũng ừ và còn rủ rê Hoàng Lan Chi sang năm đi Azirona để ra mắt sách với Nam. Tôi chảnh “Để công nương xem nếu cn hưởn thì sẽ đi với Nam”. Mộng Tuyền, chủ báo Bút Tre thì “Hoan hô. Cô chú cứ qua ở nhà con, con sẽ lo chu đáo tất cả”. Gì chứ Mộng Tuyền mà tổ chức thì sự thành công bảo đảm đến chín mươi phần trăm rồi.

Lời cảm ơn cho Ta (chúng ta) vì vẫn dành Tình cho người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Chuyện buồn

Một chuyện buồn be bé mà làm lòng tôi hơi trĩu trĩu.

Trĩu là vì buồn quá. Ơ mà nói buồn be bé mà bây giờ lại buồn quá, kỳ nhỉ?

Là thế này, có lẽ tôi là thuộc “đồ cổ”, cộng thêm gốc “nhà giáo” nên chuyện khó tính là chuyện bình thường ( Hà Thanh hát, chuyện ốm đau là chuyện bình thường của tuổi già). Vì khó tính nên khi đọc “ Bài Viết Tạ Lỗi Các Thầy Trường Chu Văn An” của Việt Nguyên do một người bạn chuyển đến, tôi bực quá.

Bực vì không thể tưởng tượng được một bác sĩ đã ngoài sáu mươi, từng học Chu Văn An lại có thể viết một bài với ngôn ngữ “xấc láo” như thế. Ông ta kể những chuyện cũ mà theo tôi chỉ những học trò thiếu giáo dục mới như vậy. Ông ta viết như sau “Nếu trường Chu Văn An có nhiều thầy như các giáo sư Bùi Đình Tấn và Đào Văn Dương thì tôi không phải xin lỗi các thầy” để rồi sau đó trong bài viết là người cựu học sinh Chu Văn An này tố khổ, mạ lị nhiều thầy cũ và có lẽ mặc cảm tự ti là hồi xưa học Chu Văn An “không ra gì”, bây giờ may mắn học được bác sĩ và viết lách tí tỉnh nên như một cựu nữ sinh Trưng Vương nhận xét “Mắc bệnh tự ti nên mồm miệng văn chương phải tự tôn, khoác lác, thiếu lễ độ”.

Đây tôi xin đơn cử vài ví dụ: Ông Việt Nguyên này đã đùa cợt trả lời thầy giáo là “Lớn lên em sẽ lấy con gái thầy!”. Hoặc chọc ghẹo thầy giám thị có tên Mốc là “Mốc xì”. Hay trả lời thầy giáo về câu thơ “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai” trong Lục Vân Tiên rằng “không phải vậy thầy ạ, sau khi đánh cướp, Vân Tiên quần bị tụt phải sửa soạn lại y phục không cho Kiều Nguyệt Nga ra xe vội phải nhìn cảnh kém thuần phong mỹ tục” hay trả lời khi giáo sư triết hỏi có muốn học không ( ông phạt cả lớp vì tội ồn ào và không dậy mấy buổi) “môn triết chỉ cần về nhà học bài đọc sách là có thể đi thi”.

Đấy chỉ đơn cử vài ví dụ, tôi nghĩ rằng dân Chu Văn An chính cống cũng sẽ thấy đây là một loại “lạc loài” chứ không phải học trò Chu Văn An nữa. Tôi thấy nó toát ra cái vẻ thiếu giáo dục từ gia đình trong toàn bộ hành động của Việt Nguyên trong sân trường Chu Văn An. Ngoài ra, Việt Nguyên còn kể những chuyện bây giờ mà có lẽ VN ngỡ là hay nhưng thực chất toát ra vẻ tự cao hợm hĩnh và một người đã phải kết luận “ tên này bé đã mất dậy, già vẫn mất dậy”. Đây là câu của Việt Nguyên “Mãi đến những năm 2000 sau này tôi mới hiểu, nhà báo Ngô Nhân Dụng đã có con mắt tinh đời, biết tôi sẽ viết báo nổi tiếng nên đã dìm tài Việt Nguyên từ năm tôi 16 tuổi! Năm 2008, ra mắt sách “Từ bàn viết Houston” ở tòa soạn báo Người Việt, tôi đã trả được mối thâm thù với ông thầy cũ trung học: “đọc văn Việt Nguyên nếu quí vị thấy văn chương lơ mơ lờ mờ tối tăm, khó hiểu thì quý vị cũng rõ đây là kết quả của một năm học việt văn đệ tam trường Chu Văn An với thầy tôi….giáo sư Đỗ Qúy Toàn”!

Chuyện buồn thật sự là, một người bạn Chu Văn An viết “Vài vị chính gốc Chu Văn An đọc xong còn nói rằng họ chả thấy gì cả, chỉ là chuyện đùa nghịch thuở học trò”.

Hỡi ôi

cái học ngày này đã hỏng rồi

cái “đọc” ngày nay cũng quá tồi. [1]

Cali những ngày mưa cuối năm 2013

Hoàng Lan Chi

***************************************************************

[1] Xem đầy đủ bài viết của Việt Nguyên, cựu Chu Văn An, đăng trong đặc san Chu Văn An thế giới 2013 và ý kiến phản đối từ Chu Văn An Nguyễn Khánh Do cùng vài vị khác tại đây:

Nguyễn Khánh Do-Mấy điều về Đại Hội CVA Toàn Cầu 2013 và về bài viết của Việt Nguyên

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged , . Bookmark the permalink.