Hạt ngọc tôi mới gặp trên đường

Trích từ LanChiYesterday (Những vụn vặt đời sống quanh tôi)

(www.hoanglanchi.com)

Hoàng Lan Chi

Hạt ngọc tôi mới gặp trên đường

Tôi thích nghe nhạc nhưng không chú tâm tác giả nên có một tật xấu thật là xấu là không nhớ tên các nhạc sĩ. Chỉ một số ít tên tuổi đọng trong trí nhớ tôi thường rơi vào các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc “sang”. Nhạc sĩ của giòng nhạc “sến” thì khỏi nhớ hay nhớ rất ít.

Chính vì thế, bạn hữu muốn nói cái gì là phải ca hát lên vài câu để cho tôi nhận ra. Sở thích nghe nhạc (sang hay sến) có lẽ do trời sinh hay cái gì sinh thì tôi không biết. Lý do cha mẹ tôi không phải là người sính nhạc và các cụ hồi đó còn quan niệm “xướng ca vô loài” thì khỏi nói coi như tôi nghe là tự tai tôi chứ chả ai hướng dẫn.

Tuần trước nhận mail giới thiệu nhạc từ một người bạn. Khi nghe, nhận ra nét quen thuộc “ Rồi mai tôi đưa em” hay “Xin còn gọi tên nhau” mà ngày xưa tôi thích với tiếng hát Lệ Thu thì tôi hỏi và mới biết tác giả là Trường Sa. Đấy, coi HLC quá tệ không!

Cũng như cách đây vài năm, một người bạn nói về Anh Bằng. Có trời tôi mới nhớ nổi bài hát nào là của Anh Bằng. Lê Minh Bằng thì tôi cũng biết nhưng để nhớ tác phẩm của họ thì giời ạ, không nhớ nổi. Người bạn nói “Anh Bằng không phải là giòng nhạc sang nên em không nhớ cũng phải”.

Các lãnh vực khác như thơ văn cũng vậy. Tôi chỉ nhớ người tôi thích mà thôi. Ví dụ “cụ” Hoàng Anh Tuấn làm thơ rất ít nhưng ngày ấy “cụ” hớp hồn tôi ở bài “Còn lại”. Khi cụ ra đi, tôi mới khám phá ra là chả phải mình tôi “đắm đuối” bài ấy mà còn mấy vị khác cũng ngẩn ngơ với:

Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót

E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu

Bây giờ thì tôi ít “đắm đuối” với nhạc mới, thơ mới. Không hiểu lý do. Có thể quý vị cũ viết nhạc không còn hay như xưa, thể nào cũng có chút gượng nào đó trong tác phẩm của họ. Các vị mới thì melody có khi hay nhưng lời thì kỳ quá. Có thể vì họ là bác sĩ, là dược sĩ nên thiếu ngôn ngữ nhạc thơ và đôi lúc giống như nhét chữ cho đầy khuôn nhạc. Thật ra mà nói bài “Mùa thu cho em” của Ngô Thuỵ Miên ngày đó nổi tiếng là nhờ giới sinh viên học sinh đang bắt đầu chán không khí chiến tranh, muốn tìm về khung trời tình yêu lãng mạn nhẹ nhàng. Phân tích kỹ sẽ thấy lời của Mùa Thu cho em rất đơn sơ giản dị. Ví dụ “Sẽ hát bài cho em và ru em yên giấc tối” nghe quá là đời thường. Dù sao Ngô Thuỵ Miên là dân khoa học, không phải văn khoa và cũng chẳng có vẻ gì là mê đắm văn chương Việt Nam nên thiếu lời đẹp cho nhạc phẩm.

Tuy thế lâu lâu cũng gặp được vài hạt ngọc nho nhỏ lung linh.

Một hạt ngọc lung linh mà tôi mới gặp không phải qua một duyên kỳ ngộ hay đẹp đẽ nào mà lại là qua một “tai ương”. “Tai nạn” nhỏ thôi nhưng cũng vẫn là tai nạn. Cả cho tôi và hạt ngọc.

Hạt ngọc ấy lại là thơ. Một lãnh vực mà đôi khi tôi hay nói đùa là tôi “sợ”. “Sợ” vì hải ngoại lúc này nhà nhà làm thơ, người người làm thơ.

Tôi nằm

chết thử nửa giờ

nghe ba mươi phút bỗng ngơ ngẩn dài

Tôi nằm

chết thử một giây

nghe sáu mươi khắc mà thay đổi lòng

Tôi nằm

chết thử một hôm

nghe hăm bốn tiếng không còn một ai

Tôi nằm

chết thử nào hay

chiều tang nghi quán lạnh dài khói hương

Nghe chừng tâm sự bọt bèo

Người đi

soi cội tìm nguồn

nghe trong cơ thể hao mòn khớp xương

Người đi

tháng giận năm hờn

nghe phai đường chỉ trong lòng bàn tay

Người đi

phiêu dạt hình hài

nghe trong ngôn ngữ một vài gieo neo

Người đi

phách lạc hồn xiêu

nghe chừng tâm sự bọt bèo nổi trôi

Nhập Thế

Mưa trong nắng

nắng trong mưa

Mầm hoa trong cỏ cũng vừa thụ thai

Mây trong gió

gió trong mây

Tình yêu trong mắt cũng đầy nhớ thương

Sương trong lá

lá trong sương

Vầng trăng trong lửa cũng dường cháy lên

Quên trong nhớ

nhớ trong quên

Buồn ơi! ngàn mảnh vỡ

Người quên ta thuở nọ

như đá nát vàng phai

đêm ngậm vành kết cỏ

thương một ánh sao gầy.

Người ngọt ngào cho ai

để mình ta vò võ

đau đớn tiếng ly rơi

buồn ơi! ngàn mảnh vỡ.

Bạn có đồng ý với tôi là “hạt ngọc lung linh” không? Không quá đời thường mà cũng chẳng “Huế xưa”. Phải không nào?

Hạt ngọc lung linh tôi mới gặp ấy có tên là

Ngô Tịnh Yên

Rừng gió California

Hoàng Lan Chi

2/2014

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.