Thư cho một người nhưng gửi nhiều người

Anh thân mến

Sao anh không gửi cho em bài “Về thăm trường xưa” mà lại chỉ mời Quỳnh Giao nghe Lời Ru Nồng Nàn? Anh có biết rằng chính bài Trường Xưa lại gây xúc động cho QG nhiều hơn?

Ai cũng có một thời để thương và một thời để nhớ. Thời đi học bao giờ cũng là quãng thời gian êm đềm nhất của đời người. Tuổi học trò ngây thơ hồn nhiên và tình bạn hữu ngày xưa thì đẹp vô ngần.

Những câu viết của anh thấm thía lắm:

Lòng sao vấn vương ước mộng về cố hương để tìm lại giấc mơ nơi trường xưa.

Câu viết này làm em mỉm cười vì đúng quá và dễ thương nè:

Về đây nhớ lại những mối tình thời khờ dại.

Anh à, những mối tình thời khờ dại bao giờ cũng đáng yêu vì chưa biết tính toán cơ mà.

Còn câu này thì làm lòng em chùng lại. Một thời học trò với cảnh thanh bình trong sân trường và những tà áo tung bay…Ôi sao mà giờ xa lắc xa lơ đến thế

Về đây nắng hanh trên tà áo xanh, khơi dậy thời hoa bướm thanh bình

Và cả đây, thật là đúng ghê anh à:

Làm sao níu lại những tháng ngày một thời trẻ dại

Bạn bè cùng chia ước mơ nơi trường xưa..

Anh làm em nhớ lại ngày tháng cũ. Khi đôi bạn tung tăng sân trường, tay trong tay và sôi nổi ước mơ. Những mơ ước của thời ấy, đôi khi rất khờ dại vì cứ ngỡ mình là Nữ Oa đội đá vá trời, nhưng đôi khi cũng rất thực tế. “Bồ thích là cô giáo hả, Qg thích là bác sĩ cơ”. Ví dụ vậy.

Còn ước mơ ngày ấy của anh trong sân trường trung học hay ghế giảng đường là gì hả anh? Có vẻ như anh được Thượng Đế ưu đãi (chả như Qg, bị lão Thượng Đế đì sói trán!) nên bước đường sự nghiệp của anh thênh thang rộng mở. Anh đã hoàn tất đại học, dạy Khoa Học rồi may mắn du học Úc và cái bằng Tiến Sĩ Toán nắm trong tay..

Trở về với Trường Xưa nhé. Nhớ năm 2009, anh và QG từng đối thoại về vụ “nhạc hay lời”. Quỳnh Giao dùng chữ “đối thoại” vì có vẻ Lê vân Tú không bao giờ thích tranh luận cả. Anh đúng là “hiền như ma sơ”! Anh nhẹ nhàng, lịch sự và Qg nhớ có lần còn bảo rằng vì anh mong manh như sợi tơ vậy nên Qg không nỡ làm anh bị tổn thương. Hồi đó Qg cho rằng tai người Việt thuở trước đa số thích nghe lời hơn hay lời một nửa và âm điệu một nửa. Qg dẫn chứng bài Tình Ca. Nếu không có những lời diễm tuyệt ấy thì Tình Ca có bất tử thế không. Tất nhiên có những lúc đêm khuya thanh vắng thì chỉ nghe nhạc không lời cũng đủ “phê”. Còn anh thì cho rằng nhạc melody quan trọng hơn.

Vì thế lời của Về Thăm Trường Xưa thật đúng và khi nói lên hộ tâm trạng người nghe thì có nghĩa tác giả đã thành công một nửa rồi vậy.

Anh biết không, ngoài anh còn một người mà Qg cũng hay gọi đùa là “hiền như masơ”. Thậm chí “masơ” đã biến thành nickname của ông ý. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Tuấn. Anh Tuấn cũng rất hiền. Ví dụ em gọi phone và tào lao âm nhạc. Qg nói rằng mấy vị y bác sĩ viết nhạc thì “melody Ok nhưng lời thì lắm khi buồn cười chết đi được. Lý do quý vị khô khan, đâu có giỏi Việt Văn, không học ban C nên ngôn ngữ Việt của quý vị hơi vắng bóng. Quý vị dùng chữ gì mà lắm khi như câu nói đời thường bên ngoài, nghe chán quá là chán”. Masơ Nguyễn Tuấn, thay vì “sửng cồ” với Qg thì ảnh cười cười “Cô nương nói thế có người bị nhột nghe”. Em bật cười vì Tuấn là bác sĩ thú y! Thì cũng thuộc loại y bác sĩ thích viết nhạc. Em vẫn trêu Nguyễn Tuấn là những bài hay mà em thích đều là do Tuấn phổ thơ người ta!

Thư viết cho anh nhưng Qg gửi nhiều người và có lẽ Qg phải mời họ nghe mới đúng chứ nhỉ.

Xuân Phú hát Về Thăm Trường Xưa của Lê Vân Tú:

http://nhacviet-ucchau.com/MP32013/VeThamTruongXua_LeVanTu.mp3

Đây là một nhạc phẩm mới của “masơ” Nguyễn Tuấn. Nhịp điệu tango làm em thấy lòng vui. Nhạc hay, ca sĩ hát cũng hay. Như ngày nào em thích “Ngọn nến mùa đông” của Nguyễn Tuấn vậy.

Bích Hảo hát Người Qua Sông của Nguyễn Tuấn. (Masơ ơi, bài này lời của masơ hay masơ phổ từ thơ người ta vậy?!)

https://dl.dropboxusercontent.com/u/89792831/Music/Single/NguoiQuaSongNguyenTuanBichHao.mp3

Hoàng Lan Chi 4/2014

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.