Vũ Khí của Thế kỷ 21

Năm 2012, chúng tôi có một cuộc trò chuyện nhỏ liên quan đến vấn đề “thông tin toàn thế giới”. Cô bạn của tôi viết “Tiêu chuẩn cao nhất của báo chí trong kỷ nguyên mới thế kỷ 21 nằm trong tay blogger.Chị LC đã hoàn toàn áp dụng tiêu chuẩn cao nhất của báo chí: the equal time doctrine! Publisher-editor-journalist all in one person”. Trước đó năm 2009, tôi cũng viết một bài có tựa “Sức mạnh của internet”. Từ lâu chúng tôi đã khẳng định internet nói chung và blog nói riêng là một vũ khí mạnh.

Tuy công nhận đó là một vũ khí mạnh nhưng một thiểu số trong cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn chối bỏ. Sự chối bỏ dựa vào mặt tiêu cực của internet. Một lý do khác là không theo kịp kỹ thuật thời đại. Nếu một con dao có hai lưỡi thì internet cũng vậy. Tôi cho rằng người khôn ngoan là phải biết vận dụng internet sao cho có ích cho đời sống. Sự chối bỏ kỹ thuật tối tân, hay viện cớ mặt trái, lưỡi dao xấu xí để thủ cựu là một biểu lộ của sự yếu đuối. Trong thế kỷ mới, có lẽ không nên tự cho phép mình yếu đuối hay lạc hậu với những cái mà mình có thể tóm bắt trong tay.

Cho đến nay, sau vài năm thì hẳn đa số mọi người đều thừa nhận sự đóng góp to lớn và hữu hiệu của blog. Chính nhờ blog, con người khám phá, biết được nhiều tin tức khắp nơi. Chẳng phải những bài viết “sáng giá” về tin tức thời sự là từ các blog trong nước đó hay sao?

Blog là tờ báo của chính mình.

Nơi đó, tác giả toàn quyền quyết định mọi mặt của “tờ báo”. Đương nhiên, một tờ báo lá cải hay một tờ báo có giá trị cũng sẽ mau chóng được định chân giá trị bởi chính độc giả là các netters.

Một số ích lợi của blog mà blogger thụ hưởng:

· Tự giới thiệu về mình. Điều này rất ích lợi khi muốn tham gia một công tác xã hội, một vị trí dân cử, một chức vụ chính quyền.

· Trình bày tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của mình. Điều này có ích lợi về mọi mặt. Một người bạn mới quen, một nhân viên mới thâu nạp, một ông chủ muốn tìm hiểu, một người dân muốn biết, tất cả đều có thể có một nét khái quát ( không hẳn đúng 100%) về blogger.

· Trình bầy những thành tích, hoạt động trong quá khứ và hiện tại của mình. Điều này cũng rất có ích cho người khác khi muốn tìm hiểu về ai đó. Thông qua blog, xem xét những hoạt động của blogger trong quá khứ, thì phần nào cũng có được vài nét về tài ba, trí tuệ, leader skill của người đó (không hẳn chính xác 100% nhưng khoảng 60-70% thì đúng).

· Trình bày những ước mơ cho tương lai của mình. Điều này cũng rất có ích cho ai đó muốn biết về một blogger để kết bạn, để cộng tác, để đề cử…

Hiện nay làm một blog rất dễ dàng nhanh chóng. Chỉ cần nửa giờ là tương đối có một blog hoàn chỉnh. Những công cụ mới sau này cho phép một số chỉnh sửa rất tiện lợi.

Vấn đề là một người trong thế kỷ 21 nên sử dụng thông tin trên net ra sao để mở rộng quan hệ hay đối thoại?

Ngày hôm qua, tôi có viết cho một bà rằng: Những nhận định của bà liên quan đến tôi về hai sự kiện hoàn toàn sai bét. Lý do: bà là người lạc hậu, không biết sử dụng internet hữu hiệu. Bà còn bấu víu vào những cái gọi là radio, truyền hình trong khi với cộng đồng hải ngoại hiện nay, làn sóng phát thanh hay truyền hình nhiều khi rất hạn chế. Hạn chế vì chỉ phát ở một số tiểu bang, hạn chế vì phải coi đúng giờ, nghe đúng lúc. Trong khi đó internet là toàn cầu và có thể “access” mọi lúc mọi nơi. Một số đài phát thanh hiện nay nhận thức được sức mạnh của internet và upload net những chương trình đặc biệt nhưng tác dụng còn chậm vì tốc độ net không mạnh.

Tôi viết cho bà đó rằng:

Muốn biết về một người mà người đó có blog hay website thì hay nhất là vào blog của người ta và coi theo thứ tự sau:

1-Tiểu sử: để có khái niệm tổng quát. Người đó xuất thân từ tầng lớp nào, trình độ học vấn cao nhất là level nào, trình độ giáo dục từ xã hội thế nào.

2-Tìm xem

1-Vài bài “tâm bút”. Những bài này nói lên tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của người ấy. Từ đó, sẽ xác định được đây là:

-loại người cá nhân chủ nghĩa hay không.

-loại người chỉ biết thương mại của mình và gia đình, không san sẻ cho đồng loại một chút gì, hay không.

-loại người có hay không có tình yêu tổ quốc quê hương đậm đà.

-loại người thích tranh luận trên chữ nghĩa, lý lẽ hay chỉ nói hàm hồ, vu vơ.

-loại người thích chỉ trích vì đố kị ghen tị hay phê bình để ước mong một xã hội tốt đẹp hơn.

2-Tìm xem vài hoạt động quá khứ của người ấy: có những quá khứ là dự đoán cho một con người ở tương lai. Ví dụ một đứa trẻ học và hạnh đều tốt ở bậc tiểu học, rồi kéo dài đến cả thời trung học và đại học thì sác xuất đó là một công dân tốt: khá cao.

3-Tìm xem vài hoạt động xã hội hiện tại của người ấy: một người tử tế bao giờ cũng có đóng góp cho xã hội sau khi thực hiện xong nghĩa vụ của mình. Ví dụ đi làm, đóng thuế đầy đủ, không ăn cắp lươn lẹo trốn thuế: là một công dân tốt. Nhưng nếu người ấy biết đóng góp thêm cho xã hội bằng những hoạt động từ thiện: thì mức tử tế cao hơn.

Tóm lại, trong thế kỷ mới, nên sử dụng tối đa những gì hỗ trợ cho mình. Không ai bắt mình phải chia sẻ quá chi tiết, riêng tư ở blog. Nhưng để giúp người khác nhanh chóng có một khái niệm về mình thì blog cá nhân là một phương tiện hữu hiệu để tự giới thiệu. Sau nữa, là một công dân thế kỷ 21, hãy tập lấy thông tin từ internet và blog trước khi giao thiệp hay đối thoại với ai đó. Sự mù tịt tin tức đưa đến nhiễu quan điểm, nhận định và làm mất thì giờ của cả đôi bên.

Hoàng Lan Chi 4/2014

This entry was posted in Tạp Ghi and tagged . Bookmark the permalink.