Phạm Thị Nhung-Trầu Cau Trong Đời Sống Văn Hóa Dân Tộc

Xin ghi rõ nguồn ( trích từ blog Hoàng Lan Chi ) 

GS Phạm  Thị Nhung

Ngày nay, qua nhiều sách vở và các tài liệu khảo cổ, người ta được biết trầu cau là hai loại cây đã xuất hiện rất lâu đời ở các vùng Trung Ấn, Ðông Nam Á và ở một số quần đảo trên Thái Bình Dương; như trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, hạt cau đã được tìm thấy trên dưới một vạn năm (1). Tại các nơi đây đã có nhiều dân tộc có tục ăn trầu như các dân tộc thiểu số xưa ở miền nam nước Trung Hoa (kể từ lưu vực sông Dương tử trở xuống), tức người Trung Hoa miền nam ngày nay, các dân tộc Thái Lan, Miến Điện, các dân tộc Việt-Mên-Lào, kể cả các dân tộc thiểu số như người Thái, Tày, Nùng, Mường, Dao, Thượng… trên bán đảo Đông Dương, cùng các dân tộc trên quần đảo Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân; và ở Ấn Độ cũng có nhiều nơi dân chúng có tục ăn trầu (2).

Có lẽ người xưa, do kinh nghiệm mà có, đã biết sử dụng vôi, trầu ,cau, cũng như các loại lá, rễ, quả của nhiều thứ cây khác tìm được để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa hay trị bệnh. Quả thực, ăn trầu đã giúp cho cơ thể được ấm nóng chống lạnh, chống sơn lam thủy khí; ăn trầu lại sạch miệng, răng lợi và xương cốt được bồi dưỡng, vững mạnh.

 

Sự tích trầu cau – Ý nghĩa.

Riêng tại xứ ta, tục ăn trầu tất nhiên đã có rất sớm, ngay tục dùng trầu cau làm sính lễ cưới hỏi thay muối (vì người xưa cho muối là quí nhất) có thể cũng có đã lâu, nhưng chưa biết bắt đầu từ thời điểm nào. Phải đợi đến cuối thế kỷ thứ XV, sách Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp ra đời, nó mới được ghi chép lại thành một truyện tích rõ ràng, có một nguồn gốc mang nhiều ý nghĩa thâm thúy.

Theo tài liệu của Bùi Văn Nguyên, dịch giả cuốn Tân Đính Lĩnh Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh, thì Trần Thế Pháp trong bài đề tựa sách của mình, có cho biết, chính ông là người đã sưu tập được cuốn Lĩnh Nam Chích Quái Lục, bản gốc, của một tác giả khuyến danh, có lẽ khởi thảo vào đời Trần. Sách chép những chuyện huyền hoặc, quái dị trong nước từ xưa đến nay, căn cứ vào lời kể của dân gian và chỉ được phổ biến trong từng địa phương.

Được sách, họ Trần bèn nghiên cứu cho sáng tỏ đầu đuôi sự việc rồi chép lại, có sắp xếp và chỉnh lý về nội dung một số truyện.

Sau đó, tác giả Vũ Quỳnh rồi Kiền Phú (đời hậu Lê) cũng dựa vào bản gốc để viết lại L.N.C.Q. theo sự sắp đặt riêng của mình. Đặc biệt trong cuốn Tân Đính L.N.C.Q., Vũ Quỳnh đã bổ xung nhiều chi tiết, thêm nhiều truyện mới và viết bằng một hình thức mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Sự tích Trầu Cau trong L.N.C.Q. đã có nội dung như thế nào?

Vào thời xa xưa, có hai anh em nhà họ Cao, một người tên Tân, một người tên Lang (tân lang có nghĩa là cây cau) rất mực thương yêu nhau. Khi cha mẹ qua đời, hai anh em đến trọ học nhà ông thầy họ Lưu.

Thấy Tân và Lang vừa học giỏi, vừa đẹp người đẹp nết, ông thầy yêu quí như con. Cô con gái của thầy cũng đem lòng quyến luyến, muốn chọn người anh làm chồng.

Hai anh em Tân và Lang sát tuổi nhau, dung mạo lại giống nhau như khuôn đúc, cô gái không sao đoán được ai là anh, ai là em. Nhân dịp biếu cháo, cô cố ý chỉ đưa tới một bát cháo với một đôi đũa rồi rình xem, thấy Lang cung kính mời Tân ăn trước cô mới biết Tân là anh, và xin cha được gá nghĩa cùng chàng.

Vợ chồng Tân và Xuân Phù (tên cô gái, xuân phù có nghĩa là trầu không mùa xuân) sống rất hạnh phúc. Hai anh em Tân và Lang vẫn ở bên nhau, nhưng Lang nhận thấy từ ngày anh có vợ, tình anh đối với mình không còn quyến luyến như xưa, trong khi ấy người anh vô tình không hề hay biết. Đã thế lại xẩy ra chuyện hiểu lầm. Một hôm hai anh em đi làm đồng về muộn, Lang về trước, nàng Lưu tưởng chồng, chạy ra vồn vã âu yếm. Lang vội lên tiếng, cả hai đều biết là nhầm nên rất ngượng. Tân về,biết chuyện để dạ nghi ngờ, từ đó tỏ ra lạnh nhạt với em hơn.

Lang buồn tủi âm thầm bỏ nhà ra đi. Chàng lang thang trong rừng cho tới khi kiệt sức, chết đi hóa thân thành cây cau bên bờ suối vắng.

Thấy em không về, Tân ân hận, xót xa. Chàng lặng lẽ lên đường tìm em. Tân cũng đã tới bờ suối nọ, ngồi bên cây cau than khóc. Khi thân xác rũ liệt, chàng chết hóa thân thành tảng đá vôi, nằm sát bên gốc cau.

Nàng Lưu chờ chồng mãi chẳng thấy trở về, quá nhớ thương nên lại đi tìm. Một chiều kia nàng cũng tới được bờ suối định mệnh. Nàng ngồi trên tảng đá khóc miết… đến khi hồn lìa khỏi xác thì hóa thân thành cây trầu không, leo bám trên thân đá.

Gia đình họ Lưu đi tìm con, được biết chuyện bèn lập miếu thờ. Người đương thời rất cảm kích trước tình anh em khăng khít, tình vợ chồng thắm thiết, thủy chung của anh em vợ chồng họ Cao nên thường đến đốt nhang, chiêm bái, cầu cúng (3).

Một hôm vua Hùng thứ tư nhân dịp tuần du qua đấy, thấy có miếu thờ, lại được dân sở tại kể cho nghe câu chuyện thương tâm kia thì vô cùng cảm động. Ngài bảo lấy trầu cau ăn thử mới khám phá ra một mùi vị thơm cay, nồng ấm, và khi nhổ nước cốt trầu xuống tảng đá vôi lại thấy hiện ra sắc đỏ tươi như máu, nhà vua cho là quý bèn truyền lấy giống về trồng, xa gần bắt chước làm theo. Ngài còn xuống lệnh cho thần dân từ nay sẽ nhất thiết dùng trầu cau trong các dịp cưới hỏi, và trong các buổi hội họp lớn, nhỏ. Tục ăn trầu ở nước ta có từ đó.

Sau khi đọc sự tích Trầu Cau trong  L.N.C.Q., ta nhận thấy, truyện được ghi chép lại không những có kết cấu chặt chẽ, lại phối hợp được cả hai yếu tố hiện thực lẫn huyền hoặc một cách khéo léo. Như thế , các tác giả của nó đã khiến một câu chuyện truyền khẩu vụn vặt, còn mờ nhạt trong dân gian trở thành một truyện cổ tích có đầu đuôi, vừa lý thú hấp dẫn, vừa hàm chứa nhiều ý nghĩa thâm thúy.

Quả vậy, ở giai đoạn đầu, truyền có tính hiện thực với dấu vết thời đại, với những tên tuổi rõ ràng, có ý nghĩa, với những tình tiết hợp tình, hợp lý, tự nhiên. Ở giai đoạn cuối, truyện trở nên huyền hoặc: hai anh em họ Cao và vợ người anh vì không hiểu nhau nên đã tự chia lìa. Chỉ đến khi cả ba người cùng chết đi và chết bên nhau, người em hóa cây cau, người anh hóa phiến đá vôi và vợ người anh hóa cây trầu không, họ mới có được sự cảm thông hoàn toàn; từ nay họ sẽ mãi mãi gắn bó bên nhau và kết hợp thành một qua miếng trầu tình nghĩa. Ở đó, một dòng nước đỏ tươi như máu được tiết ra, tượng trưng cho tình gia đình muôn đời thiêng liêng, bền chặt.

Trần Thế Pháp, cũng như các tác giả  khác đời Lê , khi viết lại sự tích Trầu Cau nói riêng, dàn dựng lại những huyền thoại dân gian trong L.N.C.Q. nói chung, hiển nhiên đã có hậu ý đề cao những giá trị cũ của dân tộc, với mục đích phổ biến để giáo dục con em theo tinh thần 24 điều dụ của vua Lê Thánh Tông (4). Có lẽ bắt đầu từ đấy (cuối thế kỷ XV) các truyện cổ tích, thần thoại nói chung, truyện Trầu Cau nói riêng mới được truyền bá rộng rãi trong toàn quốc. Riêng trong sự tích Trầu Cau, ta thấy các tác giả muốn giải thích cho mọi người hiểu rằng, dân tộc ta đã có một đời sống văn hóa khá cao ngay từ thuở xa xưa, từ thời Hùng Vương kia (theo Đại Việt Sử Lược, vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Tây lịch) (5). Ngay từ thuở đó xã hội Việt Nam đã có truyền thống lấy gia đình làm gốc, anh em biết thương quý nhau, trên kính dưới nhường; vợ chồng lấy nhau vì tình vì nghĩa, và người đàn bà đã biết trọn niềm chung thủy son sắt với chồng… Không phải đợi đến khi người Trung Hoa sang đô hộ nước ta, giáo hóa ta, dân ta mới biết thế nào là hiếu đễ, thế nào là tiết nghĩa.

Và cũng vì sự tích Trầu Cau có ý nghĩa sâu sắc như thế nên tục ăn trầu của dân ta đã được thăng hoa, trở thành một mỹ tục mang tính chất đặc thù của một nền văn minh cổ Ðông Nam Á.

Mỹ tục ăn trầu này đã gắn liền với những sinh hoạt văn hóa, từ đời sống vật chất hằng ngày đến đời sống tinh thần của dân ta trước kia như thế nào?

Để tìm hiểu, chúng ta tất phải dựa một phần lớn vào những tài liệu có từ ngàn xưa, đó chính là loại văn chương bình dân truyền khẩu của dân tộc: thành ngữ, tục ngữ, ca dao và dân ca vậy.

 

1. Trầu cau nơi quê hương

Chúng ta đều biết, xưa kia trầu cau là hai loại cây được trồng khắp nơi trên quê hương đất nước để lấy lá, lấy trái dùng hằng ngày. Từ vua quan cho chí thứ dân, từ đàn ông cho chí đàn bà, ai ai cũng thích nhai trầu; nhiều người còn nghiện là đằng khác, nhất là các bà già bình dân, nhai trầu bỏm bẻm suốt ngày, do đó mới có khẩu ngữ “bà già trầu”.

Đặc biệt cây cau chẳng những được dân gian quí hóa bảo nhau trồng ở sân trước nhà – chuối sau cau trước – mà ngay ở Hoàng thành, vào đời Minh Mạng (1820 – 1840), cây cau còn được chọn khắc trên đỉnh đồng, có tên Anh Đỉnh, đỉnh thứ tư trong cửu đỉnh, được đặt trước sân Thế Miếu.

Với chúng ta, hình ảnh những hàng cau thẳng tắp, cao vút (nhiều khi cao hơn 10 mét), có lá mọc thành chùm ở ngọn cây, thân lá xẻ hình lông chim, lung linh trong nắng sớm, đong đưa trước gió chiều hay in hình trên nền trời xanh thẳm vào những đêm trăng sáng; cùng hình ảnh những giàn trầu không xanh rờn với những chiếc lá to bằng bàn tay, có hình trái tim duyên dáng nơi góc vườn của nội, của ngoại… đều là những hình ảnh thân quen đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Ngày nay chúng đã trở thành những hình ảnh biểu tượng cho quê hương trong nỗi nhớ, niềm thương của bầy con xa xứ.

Hoa cau thì mọc thành một chùm lớn, phân nhánh, có mo bọc ngoài. Khi hoa kết trái thì buồng cau nở lớn, mo cau khô, rụng xuống. Câu ca dao sau đây đã mô tả hình ảnh và giới thiệu thời gian cau đơm hoa kết trái một cách thật lý thú:

Đầu rồng đuôi phượng te te

  Mùa đông ấp trứng, mùa hè nở con.

Riêng loại cau liên phòng, còn gọi là cau tứ quí thì ra trái cả bốn mùa. Khi được mùa, mỗi buồng cau có đến trên trăm trái, hình bầu bầu và lớn bằng quả trứng gà.

Trầu cau không chỉ được trồng để nhà dùng mà nhiều khi còn là nguồn sống của gia đình và lập nên  cửa nên nhà :

Anh về cuốc đất trồng cau,

  Cho em vun ké dây trầu một bên.

  Chừng nào trầu nọ bén lên,

Cau kia sai trái lập nên cửa nhà.

Chả thế, gia đình nào có cả vườn trồng cau sinh lợi đều được kể là một trong những nhà giầu có nơi thôn dã:

– Nhà ngói, cây mít

– Ruộng sâu, trâu nái

hay  :   – Vườn cau, ao cá.

Ở nước ta, từ Bắc chí Nam đều có nhiều vùng nổi tiếng trồng trầu cau và sản xuất được nhiều trầu cau ngon, gửi bán đi các nơi hoặc để xuất cảng.

Theo tài liệu của Đỗ Tất Lợi, trước đây (1930) diện tích trồng cau ở ngoài Bắc ước chừng 2.500 hectare, chủ yếu là các vùng Hải Dương, Kiến An, Quảng Ninh, Nam Định và Thái Bình. Ca dao cũng có câu:

Đồn rằng kẻ Trọng lắm cau,

  Kẻ Cát lắm luá, kẻ Mau lắm tiền.

Ở miền Trung, diện tích trồng cau khoảng 1.400 hectare. Đặc biệt trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ đã được ca dao vùng Huế – Thừa Thiên ca tụng hết lời:

Trầu Chợ Dinh với cau Nam Phổ

  Non vôi cũng đỏ, thiếu vỏ cũng ngon.

  Hạt thơm mà xác lại giòn,

  Được tiếng khen là phải, dậy tiếng đồn không sai.

Chợ Dinh và Nam Phổ là hai đại xã nằm đối diện nhau ở hai bên bờ sông Hương, thuộc ngoại biên thành phố Huế.

Trong Nam, cau được trồng nhiều ở Mỹ Tho, Bến Tre, Cần Thơ, nhưng có tiếng hơn cả là trầu cau Bà Điểm – Hóc Môn. Bà Điểm – Hóc Môn, một miệt vườn ngoại thành Sài Gòn , có biệt danh là Mười Tám Thôn Vườn Trầu, chả vì cả mười tám thôn làng nơi đây dân chúng đều trồng trầu làm nghề chính. Trầu trồng từ vườn nhà này tiếp nối vườn nhà kia, tạo thành một vùng trầu xanh tươi bát ngát.

Hiện nay, một phần do chiến tranh tàn phá, một phần do giới trẻ bỏ hẳn tục ăn trầu nên diện tích trồng trọt tất đã giảm nhiều.

2. Công dụng của trầu cau

Trầu cau rất đa dụng, nhất là cau. Thân cau được dùng làm cột nhà, làm cầu, người ta bắc thành cầu khỉ hay đóng thành bè thay cầu ván. Mo cau để lợp nhà, làm quạt, làm gầu tát nước, đôi khi còn để đựng đồ như gói tiền, gói vàng hay bọc thức ăn. Tàu cau thì làm chổi quét sân v.v…

Trong Đông-y, ngành thuốc Nam, trầu cau được dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo Đỗ Tất Lợi, lá trầu giã nhỏ ép lấy nước chữa viêm mủ chân răng hoặc hòa với nước để rửa các vết lở loét, mụn nhọt hay vết chàm của trẻ sơ sinh. Lá trầu giã nhỏ để nguyên chất đắp lên ngực chữa ho hen, đắp lên vú cho sữa ngưng chảy.

Còn cau thì vỏ cau chữa bụng đầy trướng, bí tiểu, ốm nghén, nôn mửa.

Hạt cau khô giúp sự tiêu hóa, viêm ruột, sốt rét, sán lãi và bệnh chốc đầu trẻ em.

Tất nhiên, công dụng chính của trầu cau là để ăn. Ăn trầu vừa chắc răng, bổ xương, lại vừa ngon miệng, say sưa vui chuyện; ngoài ra ăn trầu còn để làm đẹp.

Một miếng trầu được gọi là khẩu trầu gồm có một lá trầu xanh hay xanh ngả vàng têm sẵn, trong để chút vôi; cộng với một miếng cau, ngoài là vỏ xanh đậm rồi đến cùi có sợi trắng ngà, phía trong, phần trên là thịt trắng phau, dưới là hạt nhờ nhờ lòng tôm; cộng thêm một lát vỏ mỏng chuyển dần từ mầu nâu non đến phớt hồng (thường lấy từ rễ các cây chay, mít chay hay cây đề …). Nhìn mầu sắc đã thấy đẹp mắt, khi ăn vào còn có vị ngọt ngọt của cau, cay cay, thơm thơm của lá trầu (toàn thân cây trầu có tinh dầu thơm), chát chát của hạt và vỏ (có chất tanin), cùng cảm nhận được cơ thể đang nóng nóng vì vôi và đầu óc hơi choáng váng say vì trong hạt cau có chất arécoline làm kích thích thần kinh hệ.

Đã vậy, nếu còn được đệm thêm tí quế, tí hồi hay tí thuốc lào, thuốc lá thì miếng trầu ăn vào càng tăng phần kích thích, làm thêm nóng bừng cơ thể, thêm dậy hồng đôi má và thêm long lanh cặp mắt. Sau nữa, nước cốt trầu có sắc màu đỏ tươi làm hồng thắm đôi môi. Người phụ nữ xưa đã biết lợi dụng những ưu điểm này của miếng trầu, nên họ ăn trầu còn để làm đẹp.

Làm đẹp cũng phải biết cách và phải có nghệ thuật nữa. Đời nào chả thế, người phụ nữ xưa “có trầu chẳng để môi thâm” đã đành, mà còn biết cách ăn hai ba miếng trầu liên tiếp nhau, tạo cho được một cặp môi đỏ có đường viền như sợi chỉ, trông thật quyến rũ, được mệnh danh là “môi ăn trầu cắn chỉ”. Khác nào ngày nay chị em bạn gái chúng ta, sau khi đã tô son trên đôi môi rồi còn lấy bút lông vẽ thêm một đường son đỏ đậm thật nhỏ quanh vành môi cho đôi môi thêm nổi.

Sau hết, trầu cau được sử dụng làm phương tiện giao tiếp xã hội, biểu lộ tình cảm và được dùng làm lễ vật trong những dịp cưới xin, tang ma, cúng tế gia tiên và thần linh.

3. Tục Mời Trầu

Tục mời trầu ở xứ ta cho thấy, trầu cau là phương tiện không thể thiếu trước nhất trong những nghi thức giao tế hằng ngày ngoài xã hội. Vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “đầu trò tiếp khách”, nên chi vừa gặp nhau, sau mấy tiếng chào hỏi, người ta liền mở trầu mời ăn rồi mới nói gì thì nói, bàn gì thì bàn:

Có trầu thì giở trầu ra

  Trước là đãi bạn, sau ta với mình.

Người ta còn mời trầu để bắt chuyện làm quen:

Tiện đây ăn một miếng trầu

  Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là?

– Xưa kia ai biết ai đâu,

  Chỉ vì điếu thuốc, miếng trầu nên quen.

Nhất là khi tới chỗ xa lạ, muốn được đón nhận vui vẻ, người khôn ngoan phải có cơi trầu đem ra mời chào mọi người để gây thiện cảm. Nếu vì một lẽ gì mà thiếu sót thì họ sẽ vô cùng áy náy, băn khoăn:

Nhẽ thì có khẩu trầu hoa

  Hiềm vì chợ vắng, nhà xa thế nào.

  Nghĩ sao đây, hỡi anh hào

  Lấy gì tiếp đãi mà chào chị em?

Lại nữa, người xưa thường cho rằng ăn trầu  lúc nào là được hưởng chút hương vị  cuộc đời lúc đó, kẻo thời gian vùn vụt trôi qua, già lúc nào không biết.

Lại đây ăn một miếng trầu

  Nữa mai tuyến nhuộm mái đầu huê râm.

Trong phạm vi tình yêu và hôn nhân, tục mời trầu đã được người bình dân khai thác triệt để. Vì trầu cau còn là lễ vật cưới xin nên những hình ảnh, màu sắc, hương vị của trầu, cau, vôi… luôn luôn gợi ý cho thanh niên nam nữ liên tưởng tới những chuyện tình yêu, chuyện duyên phận lứa đôi:

Vào vườn hái quả cau non,

  Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

– Phấn trắng hơn vôi, vôi nồng phấn lạt,

  Bởi anh thương nàng, mới lạc tới đây.

– Vôi nồng, trầu thắm ai ơi,

  Gá duyên chồng vợ ở đời trăm năm.

– Trầu xanh, cau trắng, chay hồng

  Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.

Thế nên việc mời trầu người khác phái nhiều khi phải hiểu là một cách tỏ tình gián tiếp, và đồng thời cũng để ướm thử xem tình cảm của người ấy đối với mình ra sao.

Thường thì người con trai chủ động, mời trầu trước:

Gặp nhau ăn một miếng trầu

  Gọi là chút nghĩa về sau mà chào.

và họ đã không quên lợi dụng lúc mời trầu để tán tỉnh các nàng:

Trầu ăn là nghĩa, thuốc xỉa là tình,

  Đội ơn cha mẹ sinh mình dễ thương.

– Trầu lên nửa nọc trầu vàng

  Khéo khen phụ mẫu sinh nàng dễ thương.

Nếu người con gái dứt khoát từ chối không nhận trầu thì dù sự từ chối ấy lịch sự, tế nhị đến đâu cũng phải hiểu đó là sự từ chối tình yêu:

Thưa rằng bác mẹ tôi răn

  Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Còn như người con gái chỉ tỏ ý ngần ngại, vì muốn tìm hiểu thêm tình ý của đối phương:

Miếng trầu ăn nặng bằng chì,

Ăn rồi em biết lấy gì trả ơn ?

Thì người con trai trong trường hợp này phải trấn an liền, và thổ lộ rõ tình ý đứng đắn, xây dựng của mình:

Miếng trầu ăn nặng là bao,

  Muốn cho đông liễu, tây đào là hơn.

– Miếng trầu là nghĩa tương giao,

  Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên.

Một khi thấy ý hợp, lòng ưa rồi người con gái mới nhận trầu. Hành động này hàm ý “chấp thuận”, thật là một cách bầy tỏ tình cảm vừa kín đáo, tế nhị, vừa duyên dáng dễ thương.

Từ ngày nhận ăn miếng trầu kết nghĩa tương giao, gắn bó trở về, tình yêu của người con gái lớn dậy, làm thăng hoa cuộc sống. Nàng trở nên xinh tươi, đằm thắm:

Từ ngày ăn miếng trầu anh,

  Cho nên má đỏ, tóc xanh đến giờ.

Và thường để tâm hồn lãng mạn bay xa, mơ tưởng về một ngày mai được sống trong hạnh phúc lứa đôi với chàng, được cùng chàng thân mật dùng chung một hộp trầu, một ống vôi:

Ước gì chung mẹ chung thầy

  Để em giữ cái quạt này làm thân.

  Rồi ra chung gối chung chăn,

  Chung quần, chung áo, chung khăn đội đầu.

Nằm thì chung cái giường tàu,

  Dậy thì chung cả hộp trầu, ống vôi.

Trở về hiện tại, giây phút sung sướng nhất hiển nhiên là giây phút nàng được thưởng thức những miếng trầu tình ái do chàng trao tặng:

Trầu này đủ vỏ, đủ vôi     

  Đủ cau, đủ thuốc, đủ mùi xạ hương.

  Không ăn thì bảo rằng thường

  Ăn rồi mới biết người thương thế nào.

Nhất là những miếng trầu ấy lại được chàng quí hóa, trân trọng bọc trong chiếc khăn tay trắng, dành riêng cho nàng:

Trầu bọc khăn trắng cau tươi,

  Trầu bọc khăn trắng đãi người xinh xinh.

  Ăn cho nó thỏa tâm tình,

  Ăn cho nó thỏa sự mình sự ta.

Phần nàng, nàng cũng không quên sửa soạn sẵn những miếng trầu thật đặc biệt

Ở giữa đệm quế, hai đầu thơm cay.- rồi buộc trầu trong dải yếm đào, đem tới tặng lại chàng với tất cả tấm lòng trìu mến:

Trầu em buộc dải yếm đào

  Hỏi người tri kỷ ăn vào có say?

Những kẻ đang yêu ăn trầu dễ say lắm. Nhiều khi họ tự hỏi họ say vì trầu hay say vì tình, vì mê bóng sắc của  nhau ?

Tay ai như ngọc, như ngà

  Đưa trầu ta tưởng đưa ta miếng vàng.

  Anh say nhan sắc của nàng

  Hay say vì miếng trầu vàng, cau tươi ?

Tất nhiên cả hai rồi. Họ say vì trầu, vì trong hạt cau có chất arécoline làm kích thích thần kinh, đồng thời họ còn say vì tình ; nhưng say vì tình mới là chính:

Yêu nhau trầu vỏ cũng say

  Ghét nhau cau đậu (6) đầy khay chẳng màng.

Và :    – Gặp nhau ăn một khẩu trầu

  Không mặn vì thuốc, say nhau vì lời.

Như thế đủ thấy, những kẻ đang yêu được ngồi ăn trầu bên nhau thì dù trầu có thiếu vị họ vẫn say như thường, vì họ say tình nhau, say bóng sắc của nhau, say lời yêu đương của nhau chứ nào có xá gì trầu!

Tình yêu khi đã đến lúc đắm say tất xa nhau sẽ nhớ nhung, tương tư sầu khổ:

Một thương hai nhớ ba sầu,

  Cơm ăn chẳng được, ăn trầu cầm hơi.

  Thương chàng lắm lắm chàng ơi,

  Biết đâu thanh vắng mà ngồi thở than ?

Nàng thở than những gì đây ?

Từ ngày ăn phải miếng trầu,

  Miệng ăn môi đỏ, dạ sầu đăm chiêu.

  Biết là thuốc dấu hay bùa yêu

  Làm cho thiếp phải nhiều điều xót xa.

  Làm cho quên mẹ, quên cha

  Làm cho quên cửa, quên nhà

  Làm cho quên cả đường ra, lối vào

  Làm cho quên cá dưới ao

  Quên sông tắm mát, quên sao trên trời.

Trong vấn đề tình yêu và hôn nhân, không phải bao giờ người con gái cũng ở thế thụ động, như ca dao đã chứng tỏ, có nhiều trường hợp nếu người con gái bạo dạn một chút, lanh lợi một chút, và cũng phải biết tế nhị nữa thì có thể lợi dụng tục mời trầu để tự kén chọn cho mình một người bạn tình trăm năm. Thật thế, như khi đã gặp được người vừa ý rồi mà đối phương lại quá nhút nhát như anh chàng này chẳng hạn :

Thương em chẳng dám trao trầu

  Để trên bó mạ, gió nam lầu thổi qua.

Nếu người con gái cũng lại chấp nê, thụ động thì cuộc tình này đành để cho gió bay đi. Trái lại, nếu người con gái khôn ngoan, biết mở lời bóng gió đưa duyên thì có thể khích lệ đối phương tiến tới:

Có trầu mà chả có cau

  Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm.

Đúng ra phải nói là:

Có trầu mà chả có vôi

  Làm sao cho đỏ môi tôi thì làm.

Chả vì theo lời giải thích của Thúc Nguyên, “vôi phản ứng trên những polyphénols thuộc nhóm flavone của lá trầu và miếng cau, bằng cách ô-xít hóa chúng và biến chúng thành orthoquinones. Sự việc này làm cho nước bọt người nhai trầu trở thành đỏ”. Như thế, có trầu đã đành, còn phải ăn thêm với vôi mới làm đỏ được môi. Cũng như trong tình yêu, một người đã lên tiếng, kẻ kia phải đáp lời ; tình yêu song phương mới thực sự tạo được hạnh phúc lứa đôi.

Lại những khi chưa biết rõ đối phương đối với mình ra sao, người thiếu nữ cũng đã biết mượn miếng trầu để dò ý, ướm tình :

Trầu đã có đây, cau đã có đây

  Nhân duyên chưa định, trầu này ai ăn?

  Trầu này trầu túi, trầu khăn,

  Trầu này dải yếm, anh ăn trầu nào?

Nếu người con trai nhận ăn “trầu dải yếm” là những miếng trầu thiết thân của nàng thì nàng hiểu ngay là đối phương đã thầm xác nhận có yêu nàng, và những mong cùng nàng kết mối lương duyên; bằng không chỉ là bạn thường, vì bạn thường thì chỉ được phép ăn “trầu khăn”, “trầu túi” của nàng mà thôi.

Lại những khi người con gái đã lỡ yêu rồi thì nàng cũng dám tấn công trước qua miếng trầu tỏ tình:

Vào vườn hái quả cau xanh

  Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.

  Trầu này têm những vôi tàu (7)

Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.

  Trầu này ăn thật là say

  Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng

  Dù chẳng nên vợ nên chồng

  Xơi dăm ba miếng, kẻo lòng nhớ thương.

Miếng trầu đối với nàng lúc này không chỉ là một vật chất đơn thuần mà là một biểu tượng của tình yêu, nói khác đi, nó chính là tình yêu của nàng đã hóa thân:

Trầu này trầu quế, trầu hồi

  Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình.

  Trầu này trầu tính, trầu tình

  Trầu nhân, trầu nghĩa, trầu mình, trầu ta.

  Trầu này têm tối hôm qua

Dấu cha dấu mẹ, đem ra mời chàng.

Nhưng không phải hễ người con gái mời trầu là bao giờ cũng được bọn nam nhi đón nhận sốt sắng cả đâu. Nhiều chàng trai có tính đa nghi lắm, lại luôn luôn được phụ mẫu nhắc nhở, căn dặn: “Ra đường thấy con gái mời trầu thì chớ có ăn, nó bỏ bùa yêu, thuốc dấu cho là khốn, rồi đến bỏ cả học hành thôi”. Thế nên nhiều chàng đã tỏ ra rất dè dặt trước những miếng trầu mời mọc của các nàng, bởi vậy mới có cái cảnh mời trầu nài nỉ:

Trầu này không phải trầu hàng

  Không bùa, không thuốc sao chàng không ăn ?

  Hay là chê khó, chê khăn

  Xin chàng dừng lại làm ăn miếng trầu.

Rất may chuyện này xẩy ra cũng hi hữu thôi, vì các cụ ta xưa đã dạy cho người thiếu nữ biết cách từ chối nhận trầu thì cũng lại dạy cho người thanh niên phải biết nhận trầu, có thế mới ra con người lịch sự :

Tiện đây đưa một miếng trầu

  Không ăn, cầm lấy cho nhau bằng lòng.

4. Trầu Cau Trong Nghi Lễ Cưới Hỏi

Người bình dân Việt Nam xưa nhờ vào hoàn cảnh sống gần gũi với thiên nhiên, nhờ điều kiện sinh hoạt tập thể về nông nghiệp, hội hè, hát xướng, lại nhờ vào tục mời trầu của xã hội… đã giúp cho tình yêu của họ dễ dàng nẩy nở, cởi mở, hồn nhiên. Dù thế nào chăng nữa, tình yêu của họ cũng không cuồng nhiệt, tự do quá trớn đến vượt ra khỏi vòng lễ giáo gia đình và phong tục xã hội.

Thực tế, người thiếu nữ vẫn hằng nhủ lòng “áo mặc sao qua khỏi đầu”, nên khi vừa bước vào cuộc tình là không quên nhắc nhở bạn về thủ tục đầu tiên:

Thương tôi rượu chén, trầu cơi

  Đến cùng phụ mẫu, đến nơi sinh thành.

Nếu người con trai còn nghi ngại:

Tốn hao anh chẳng màng chi

  Chỉ e lỡ dở uổng thì trầu cau.

thì người con gái xin hứa trước một lời để bạn vững dạ về trình cha mẹ, rồi nhờ mai dong đến thưa chuyện cùng song thân nàng:

Đợi lệnh song thân em phải vậy

  Song em quyết một lời rồi, anh hãy cậy mai dong.

Người con trai sau khi đã được lời hứa chắc của bạn lòng , mặt mày hớn hở, đi khoe cùng làng, khắp xóm:

Tôi về thưa với mẹ cha

  Chạy lo sáu lễ đem qua cưới nàng.

Nhưng khi vào chuyện rồi người ta mới thấy, trong ba việc khó khăn ở đời :

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà

  Trong ba việc ấy thật là khó thay!

thì việc cưới xin, việc hệ trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người, là khó khăn nhất, nghi thức cũng nhiêu khê nhất, và tốn kém nhất.

Trước hết, nhà trai phải đem phẩm vật đến cầu cạnh người mai mối, nhò họ chuyển lời cầu hôn đến nhà gái, đúng như phong tục đã định:

Mâm trầu hũ rượu đàng hoàng

  Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng mới xong.

Khi ông mai, bà mối đã trình bầy tự sự, nhà gái thấy xứng đôi (xưa theo tiêu chuẩn môn đăng hộ đối) thì ưng, liền cho so đôi tuổi cô dâu, chú rể; tuổi tác có hợp rồi mới bắt đầu tính đến chuyện cưới hỏi. Đâu đấy xong xuôi, hai bên gia đình nhà trai, nhà gái cho tiến hành các thủ tục hôn phối. Bắt chước Trung Hoa, tất cả phải trải qua sáu lễ. Đó là:

– Lễ Nạp Thái còn gọi là Lễ Sơ Vấn, nhà trai đưa lễ vật để tỏ ý đã kén chọn. Lễ này nôm na gọi là lễ chạm ngõ hay lễ giạm vợ.

– Lễ Vấn Danh: hỏi tên tuổi và họ người con gái.

– Lễ Nạp Cát: báo cho nhà gái biết đã bói được điềm tốt.

– Lễ Thỉnh Kỳ: xin định ngày cưới.

– Lễ Nạp Tệ: tệ là lụa, nghĩa là đem lụa hay phẩm vật quí đến nhà gái, nói chung là đem đồ sính lễ đến nhà gái trong ngày lễ cưới.

– Lễ Thân Nghinh: lễ đón dâu.

Sáu lễ kể trên về sau ta giảm xuống còn ba là lễ Sơ Vấn (chạm ngõ), lễ Vấn Danh (ăn hỏi) và lễ Thân Nghinh (đón dâu). Nghi thức cũng đã được thay đổi phần nào cho hợp với phong cách Việt Nam. Theo phong tục của nước ta thì cả ba lễ này, trầu cau đều là lễ vật căn bản (7).

– Lễ chạm ngõ: nhà trai chỉ phải đem tới nhà gái vài gói trà, vài chai rượu và một nhánh cau cùng một xấp lá trầu (tất cả đều phải đi số chẵn). Theo tục lệ trong Nam thì ngoài trà rượu bánh mứt, nhà trai còn đem tới nhà gái một khay trên bầy 2 cái chung (ly) nhỏ, 1 nậm rượu và 1 cơi trầu têm sẵn 4 miếng, để mời anh chị sui mà trực tiếp thưa chuyện giạm vợ cho con.

Chiếc khăn nhiễu tím đội đầu

  Quai thao, nón thúng, cơi trầu cầm tay

  Xu xê, bánh cốm, bánh dầy

  Anh nhờ cả mẹ cùng thầy đưa sang.

Nếu cô dâu, chú rể tương lai chưa hề biết nhau thì đây chính là dịp họ được thấy mặt nhau, nên lễ này còn gọi là lễ xem mặt.

Người thiếu nữ từ ngày nhận trầu cau coi như đã là dâu con nhà người, tục ngữ có câu: “Miếng trầu nên dâu nhà người” là vậy.

Tuy nhiên lễ chạm ngõ không quan trọng mấy, vì dù sao mới chỉ là “giạm”, nghĩa là ướm hỏi trước giữa hai gia đình mà thôi. Do đó sau này vì lẽ gì một bên muốn bãi bỏ thì cũng dễ dàng, chỉ cần thông báo cho bên kia biết chứ không phải thưa kiện, bồi thường gì. Thế nên tục ngữ lại có câu: “Miếng trầu chạm ngõ là miếng trầu bỏ đi”.

– Lễ ăn hỏi: trong Nam lễ vật quan trọng nhất kỳ này là trầu cau, rượu trà và cặp đèn cầy để lễ gia tiên bên gái. Ở ngoài Bắc, xưa có lệ vào dịp lễ ăn hỏi, nhà gái chia phần trầu bánh cho bà con họ hàng, xóm giềng, bạn bè để báo tin lễ đính hôn chính thức của đôi trẻ; vì thế nhà trai phải dẫn cho đủ số trầu cau, trà bánh, nem trạo để nhà gái biếu xén.

Sau lễ ăn hỏi, hai gia đình mới bàn đến chuyện đám cưới. Theo phong tục xã hội Việt Nam xưa, nhà gái được quyền thách cưới. Ngoài vụ thách cưới áo quần, chăn chiếu, màn gối, nữ trang cho cô dâu, nhiều bậc cha mẹ còn đòi thách cưới cả tiền mặt để trang trải cỗ bàn thết đãi hai họ, cùng là ruộng vườn, trâu bò cho đôi vợ chồng mới ra riêng lập nghiệp. Nhiều chàng trai nhà nghèo, không theo được đành phải mất vợ.

Vắn tay với chẳng tới kèo

  Cha mẹ anh nghèo, cưới chẳng đặng em.

Từ lễ ăn hỏi đến lễ cưới khoảng một hai năm, người con trai phải sêu tết nhà vợ. Theo tài liệu trong Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính thì bốn mùa xuân hạ thu đông, mùa nào thức nấy. Tháng ba thì sêu vải; tháng năm sêu dưa hấu, đường, ngỗng; tháng chín sêu cốm, hồng, gạo mới, chim ngói; tết sêu bánh mứt, cam bưởi. Không sêu mà xin cưới thì người ta cho là thiếu lễ.

Lễ đón dâu: sáng sớm ngày lễ đón dâu, chính bà mẹ chồng đích thân mang một cơi trầu, ngoài phủ khăn điều, trong đựng 6 miếng trầu, tượng trưng đủ 6 lễ, đem tới nhà gái để xin dâu cho trịnh trọng (nếu bà mẹ chồng mất sớm mới phải nhờ tới cô, bác hay người chị lớn của chú rể đi thay). Đồng thời báo cho nhà gái biết trước giờ phái đoàn nhà trai đến để sửa soạn nghênh tiếp.

Phái đoàn đón dâu đi đầu là vị chủ hôn (phải là người trọng tuổi, vợ chồng song toàn, con cái đề huề, kén chọn trong gia đình họ hàng chú rể), sau đến vợ chồng người mai dong, tiếp theo là đoàn người đội phù trang mang đồ sính lễ, gồm trầu, cau (nguyên buồng), trà rượu, bánh mứt, xôi heo… Với người miền Nam còn phải thêm đôi đèn cầy lớn, trạm rồng phượng và đôi bông tai (hoa con gái) cho cô dâu. Chú rể, bà con đi sau chót.

Cặp đèn cầy nhà trai đưa tới được thắp sáng trên bàn thờ gia tiên nhà gái, một phần lễ vật đem ra bầy cúng. Sau khi lễ gia tiên, (4 lạy, 3 vái) cô dâu chú rể lạy tạ cha mẹ vợ (2 lạy, 1 vái), đoạn đi chào ra mắt cùng mời trầu, mời thuốc chú bác, cô dì bên gái ; đồng thời họ nhận được tiền phong bao và lời chúc mừng cùa họ hàng. Xong xuôi, lễ vật còn lại với cỗ bàn được bưng ra, đãi đằng hai họ:

Anh hai đi cưới chị hai,

  Mâm trầu, hũ rượu tốn hai mươi tiền.

  Còn dư mua chả mua nem

  Mua cặp lồng đèn, hai họ cùng lên.

  Ông cai, ông ký ngồi trên

  Sui gia ngồi dưới, hai bên họ hàng.

Mọi người ăn uống say sưa, chuyện trò vui vẻ; chờ tới giờ hoàng đạo (giờ tốt) mới đón dâu về nhà chồng.

Về tới đằng trai, cô dâu, chú rể lễ gia tiên trước rồi mới lễ tơ hồng ( chủ đích tạ ơn Nguyệt Lão đã xe duyên đôi lứa) .Lễ tơ hồng cốt yếu có đĩa trầu cau, đĩa sôi gấc trên đặt con gà trống thiến luộc, mỏ cắm một bông hồng đỏ và đôi bạch lạp.

Theo tài liệu của Đỗ Thì Kênh G, trên nguyệt san Thế Kỷ 21 số 88 thì lễ gia tiên    cũng như lễ tơ hồng lúc này đều có bài bản sẵn. Có thể mỗi gia đình soạn một bài riêng, nhưng đại khái cũng không khác nhau là bao.

Thí dụ lễ gia tiên:

Cung cúc bái trước bàn thờ

  Kính dâng lễ bạc hương hoa rượu trầu

  Cùng là phẩm vật trước sau

  Lòng thành tâm nguyệt thỉnh cầu gia tiên

Lễ gia tiên xong, cô dâu chú rể ra sân, quỳ trước bàn thờ Nguyệt Lão để lễ tơ hồng:

Cung duy tơ hồng… Nguyệt Lão thiên tiên

  Xích thằng giao cấu kết nhân duyên.

  Gối phượng, chăn loan tưng bừng đôi lứa

  Chèo lan, lái quế êm ấm một thuyền …

Người chủ tế vừa  hoàn tất việc xướng lễ, bái lễ, chú rể bước tới bàn thờ, nâng chung rượu uống nửa rồi trao cho cô dâu nhắp phần còn lại, đoạn nhón 2 miếng trầu trong cái đĩa đặt trên bàn thờ, chia cho cô dâu một miếng, xong hai người cùng ăn. Ðể kết thúc buổi lễ tơ hồng, người chủ tế nhấc hai cây bạch lạp trên ban thờ xuống cho châu đầu vào nhau để hai ngọn lửa nhập làm một, đoạn thổi tắt, hàm ý vợ chồng từ nay sống chết cùng nhau, không rời bỏ nhau.

Sau lễ tơ hồng, cô dâu chú rể vào nhà lạy cha mẹ chồng cùng chú bác bên chồng, lại được tiền phong bao nữa.

Buổi tối, mâm cỗ lễ tơ hồng được hạ xuống cho cô dâu chú rể ăn chung.

Hôm sau ngày cưới gọi là ngày nhị hỉ hay ba hôm sau gọi là ngày tứ hỉ, cô dâu chú rể đem heo, xôi – sau này được thay bằng trà rượu – về bên ngoại cúng từ đường, thăm nhà và đi chào , cám ơn bà con cô bác.

Tục lệ thách cưới và dẫn lễ này không chỉ áp dụng trong dân gian mà ngay cả trong triều nội.

Theo tài liệu của Ông Tiến Hưng, đăng trong báo Thế Kỷ 21 số 84, cho biết, vua Thiệu Trị có em gái là công chúa Hương La, đến tuổi kén chồng. Các quan trong triều và hội đồng hoàng gia thấy ông Hoàng Kế Viêm đỗ cử nhân, 23 tuổi, là người hiền đức, lại là con cụ Hoàng Kim Xán, nổi tiếng hiếu hạnh, có bài vị thờ tại miếu Hiền Lương, nên đồng thanh tiến cử làm phò mã và được chuẩn y (mặc dầu ông đã có vợ và có 1 con gái, đang sống cùng mẹ chồng tại làng Văn La, Quảng Bình). Đám cưới công chúa trước sau đủ 6 lễ rườm rà, mỗi lễ đều có lễ vật, tính chung gồm 2 mâm trầu cau, 2 trâu, 2 bò, 3 heo, 4 ché rượu, 2 cây gấm, 12 cây lụa, 10 nén vàng, 36 nén bạc và 2 chuỗi ngọc. Ngoài ra còn các thứ lặt vặt khác như 2 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền tượng trưng sự phú quí, 2 lá thiên tuế tượng trưng cho sống lâu, 2 con ngỗng thay cặp nhạn ở xứ ta không có (chim nhạn không lìa đôi).

Nghi lễ ấn định như thế, nhưng sau Bộ Binh và Bộ Lại tâu lên vua về gia cảnh nhà trai nên nhà vua chấp nhận mọi chuyện chi phí về hôn lễ sẽ do công bố đài thọ.

Từ nửa đầu thế kỷ XX trở đi, các nghi lễ cưới xin nào quá rườm rà và không hợp lẽ đã bị nhiều nhà văn, nhà báo tiến bộ như nhóm Phong Hóa, Ngày Nay… viết sách viết báo đả kích kịch liệt. Như chuyện thách cưới chẳng hạn, sự đòi hỏi quá lố của nhà gái có khác gì bán con? Khẩu ngữ “gả bán” cũng từ đấy mới có. Nhiều nhà trai nghèo phải vay nợ để cưới dâu nên đem lòng oán hận, cưới được dâu về rồi cha mẹ chồng mới hành hạ cho đáo để:

Mất tiền mua mâm

  Bà đâm cho thủng.

Chỉ vì cha mẹ tham của hay vì chút tự ái, thích huênh hoang với xóm làng, ra cái điều con gái ta cao giá mà để cho con phải chịu đọa đầy. Đã vậy, hai vợ chồng trẻ còn phải làm việc còng lưng, trầy vẩy để trả nợ cưới mà mãi vẫn không xong.

Những tục lệ nào phiền nhiễu và vô lý như thế, không chỉ bị đả kích mà còn vì xã hội đã có nhiều đổi thay, chiến tranh kéo dài, kinh tế khó khăn, tiêm nhiễm văn minh tây phương nên chúng đã phải suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên ở ngoài Bắc trước năm 1954, và ở trong nam trước năm 1975, lễ ăn hỏi vẫn còn giữ lại tục lệ chia trầu cau, trà và bánh mứt (thường là bánh dầy, bánh chưng, sau mới đổi ra bánh xu xê – chính là bánh phu thê – hay bánh quế, bánh cốm, mứt sen…) cho bà con họ hàng, xóm giềng và bạn bè. Tất nhiên nhà nào nghèo thì chỉ cần chia trầu cau với gói trà nhỏ  cũng đủ.

Xưa kia trong Nam chưa có tục chia trầu cau thì lại có tục gửi rể. Trong khoảng thời gian từ lễ giạm đến lễ cưới kéo dài hai ba năm, người con trai phải về nhà vợ ở rể, giúp đỡ cha mẹ vợ mọi việc khi được yêu cầu, thường là những công việc nặng nhọc như cầy cấy, tát nước, dọn nhà, đào giếng… ăn uống thì lại kham khổ khiến nhiều chàng đã phải than thở:

Trời mưa cho ướt lá khoai

  Công anh làm rể đã hai năm ròng

  Nhà em lắm ruộng ngoài đồng

  Bắt anh tát nước, cực lòng anh thay.

  Tháng chín mưa bụi, gió bay

  Cất lấy gầu nước, chân tay rụng rời !

Chẳng qua chàng trai này vì nhà nghèo, không đủ điều kiện cưới vợ nên khi ở rể phải làm những công việc nặng nhọc để đền bù… nhờ vậy nhà gái mới chịu gả con cho.

Trái lại,chàng trai nào chữ nghĩa lầu thông thì chẳng những nhà vợ nể vì mà còn được phục dịch là đằng khác:

Ham chi rể học hơn người

  Ngồi trên phản vọng còn đòi lửa lư.

(phản vọng là phản kê ở gian giữa, lửa lư là lửa than trong cái đỉnh nhỏ, dùng để mồi thuốc hút)

Như thế ai dám bảo cứ “ở rể” là khổ ?!

5. Tục cheo cưới

Ở xứ ta những tục lệ liên quan tới việc cưới xin thì ngoài những lễ nghi đã trình bày ở trên, còn một tục lệ rất đặc biệt và cũng rất quan trọng là tục nộp cheo (tục này không có ở Trung Hoa).

– Nuôi lợn thì phải vớt bèo

  Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng.

Nộp cheo là gì? Khi người con trai muốn cưới vợ thì phải nộp một khoản tiền hay vật liệu cho làng xã bên người con gái (gọi là cheo ngoại) để chứng thị lễ hôn nhân, rồi xin tờ cheo ở lý trưởng trong làng, tương tự như tờ hôn thú ngày nay.

Muốn cám ơn những hương chức đã xét và đã chấp nhận cuộc hôn phối của họ là phải phép, người con trai ngoài tiền nộp cheo còn phải dẫn thêm xôi thịt, trầu cau, trà rượu để khao đãi các vị.

– Ông xã đánh trống thình thình

  Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

Bằng chưa nộp cheo, chưa khao đãi thì dù đám cưới đã được cử hành trọng thể giữa hai họ đến thế nào, làng cũng không cần biết, và coi đôi trẻ như chưa thành vợ, thành chồng.

Ai chồng ai vợ mặc ai

  Bao giờ ra bảng, ra bài sẽ hay.

  Bao giờ tiền cưới trao tay

  Tiền cheo rấp nước mới hay vợ chồng.

Cuộc nhân duyên này sẽ không có gì là vững chắc vì không được làng bảo vệ:

Có cưới mà chẳng có cheo

  Nhân duyên trắc trở như kèo không đinh.

Trai gái cùng làng lấy nhau thì tiền cheo có được giảm bớt (gọi là cheo nội).

Lệ nộp cheo này có xuất xứ từ tục “lan nhai”, tức tục bọn trẻ trong làng nhà gái giăng dây tơ hồng (lụa đỏ) ở cổng hay trên đường làng để đón mừng hôn lễ, có nơi còn đốt pháo. Để cảm ơn, nhà trai mời trầu và thưởng tiền. Dây được cởi ra, đoàn đón dâu tiếp tục lên đường. Về sau nhiều người có ý đồ bất chính, họ giăng dây làm trở ngại đường đi với mục đích vòi tiền. Tiền không nộp đủ, họ không cởi dây cho đi, hoặc họ cắt dây và nói những lời không hay. Nhà trai sợ xui, đồng thời sợ trễ giờ tốt, cứ phải nộp tiền hết chặng này đến chặng khác. Tục “lan nhai” trở thành một tục lệ xấu. Triều đình thấy vậy ra lệnh bãi bỏ và thay vào đấy, cho phép làng được thu tiền cheo. Tiền này sẽ được làng chi dùng vào những việc công ích.

6. Nghệ Thuật Têm Trầu Bổ Cau

Chúng ta cũng nên biết, trầu cau không chỉ được têm để ăn hay đãi khách hằng ngày mà còn được dùng làm tặng phẩm hay làm lễ vật trong các dịp cúng Phật, tế lễ thần linh, cúng gia tiên hay trong tang lễ, hôn lễ v.v…

Lễ Phật và tế thần linh thì trầu phải để nguyên lá, cau phải để nguyên trái. Riêng lễ bàn thờ gia tiên thì bao giờ trầu cau cũng được têm sẵn để trong cơi hay trên đĩa. Đặc biệt trong lễ cưới, từ miếng trầu đi xin dâu, trầu đặt trên bàn thờ gia tiên hay bàn thờ lễ tơ hồng, hay ngay cả trong các cơi trầu để thết đãi bà con họ hàng đều nhất nhất được o bế cẩn thận. Cau phải bổ làm sao, trầu phải têm  thế nào cho có nghệ thuật.

 – Cau non tiễn chũm hạt đào

              Trầu têm cánh phượng rọc dao Lưu Cầu

.

Tại sao thế ? Vì quả cau có cùi cứng, dao phải sắc bổ cau mới ngọt, trông mới ngon, cau già cũng tưởng là non:

Cau già, dao sắc lại non

 (Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa).

Dao sắc đã có, người ta bắt đầu róc vỏ cau, nhưng phải khéo vì chỉ cắt vứt đi chừng 1/3 vỏ phía dưới thôi, rồi tiễn chũm. Xong đâu đấy, lấy loại dao tỉa thủy tiên khắc hoa trên phần vỏ xanh còn lại. Quả cau trổ hoa hay không đều được bổ dọc chia làm 5 hay 6 phần đều nhau, khi ăn thì tước bỏ chỗ vỏ xanh đi.

Muốn têm trầu cánh phượng thì người ta gấp lá trầu làm hai theo chiều dọc, đoạn đưa một nhát dao hơi xéo vào hai bên phiến lá, khoảng từ giữa lá lên phía cuống, nhưng không được để đứt. Phần giữa lá, xén bỏ hai bên mép lại cho thẳng như têm trầu ăn thường ngày, đoạn phết một chút vôi ở giữa, rồi cuộn tròn lại; sau đó dùi một lỗ ở giữa cuộn trầu, xong gài cuống lá vào cho chặt. Hai rẻo lá hình cong được cắt gần sát cuống lúc đầu, vì không cuộn nên vểnh lên trông như hai cánh con chim phượng.

Hai rẻo lá hình cong vểnh lên ở hai đầu cuộn trầu trông cũng giống hình vành trăng non lưỡi liềm, mà theo thần thoại Trung Hoa thì trên cung trăng, nơi Hằng Nga ở có cây quế nên cung trăng còn được gọi là cung quế, và trầu cánh phượng cũng được gọi là trầu cánh quế.

Têm trầu cánh kiến cũng vậy thôi, chỉ khác là thay vì rọc một đường khá rộng (1cm) hai bên phiến lá thì người ta rọc làm hai, ba đường hẹp, rẻo lá vểnh ra có nhiều cánh nhỏ trông như những cánh của con kiến xòe ra vậy.

Ngày xưa người đàn bà nào mà chả biết têm trầu, bổ cau? Nhưng têm khéo hay không lại là một chuyện khác. Dù sao miếng trầu têm có nghệ thuật cũng làm tôn được giá trị về nữ công, về tài khéo của người phụ nữ. Bởi thế, trong nhiều hội làng, theo tài liệu của Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục, người ta vẫn thường tổ chức các cuộc thi têm trầu bên cạnh các cuộc thi nấu cỗ, thổi cơm, làm bánh… để khuyến khích con em.

Miếng trầu têm vô hình trung còn phản ảnh cá tính của người têm nó. Thật thế, nhìn hình ảnh cuộn trầu trông lùng bùng hay tròn trịa, mực thước hay bay bướm; lại qua hương vị của miếng trầu khi thưởng thức, nhạt hay vừa hay mặn vôi, cay thơm dìu dịu hay cay nồng vì quế vì hồi mà đoán biết được phần nào tính nết chủ nhân của nó: cẩu thả hay cẩn thận, vụng về hay khéo léo, giản dị hay cầu kỳ, điềm đạm hay nồng nhiệt …

Chính nhờ miếng trầu têm cánh phượng xinh đẹp, nhà vua trong truyện cổ tích Tấm Cám đã thấy lại những nét thân quen xưa mà nhìn ra vợ.

7. Miếng Trầu Trong Cách Ứng Xử Đối Với Tha Nhân

Từ việc dùng trầu trong vấn đề xã giao, người bình dân xưa đi xa hơn đến việc mượn trầu cau để nói lên quan niệm ứng xứ và bầy tỏ tình cảm của mình đối với tha nhân.

– Đối với bạn bè, bà con láng giềng: tục lệ chia trầu cau trong Lễ Vấn Danh (lễ ăn hỏi) cho khắp họ hàng cũng như cho bà con láng giềng và bạn bè đã nói lên đầy đủ quan niệm ứng xử của người xưa, coi tất cả đều là anh em một nhà, đều được chia vui (cũng như sẽ buồn) như nhau. Một khi đã coi nhau như anh em thì cách đối xử tất dựa trên tình cảm, yêu hay ghét cũng chỉ theo tinh thần “chín bỏ làm mười”: yêu thì cho thêm một chút, ghét thì bỏ bớt một chút, chứ không thẳng thừng “cạn tầu ráo máng”. Thế nên:

Yêu nhau cau bẩy bổ ba

  Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Cách ứng xử theo tình nghĩa này còn trải rộng đến khắp cả bà con trong làng, ngoài nước, nói chung về những người cùng một nòi giống, một dân tộc, vì tất cả đều là anh em ruột thịt, cùng một bọc mẹ Việt sinh ra. Từ ngữ “đồng bào” đã giải thích trọn vẹn ý nghĩa này. Và theo thiểu ý, đây chính là một truyền thống tốt đẹp nhất trong đời sống văn hóa dân tộc. Một truyền thống có giá trị tích cực, vĩnh cửa và phổ cập đến mọi tầng lớp trong xã hội.

– Đối với cha mẹ, qua miếng trầu, buồng cau người con gái tỏ được sự săn sóc và lòng hiếu kính.

Khi còn ở nhà thì:

Cau non khéo bổ cũng dầy

  Trầu têm cánh phượng để thầy ăn đêm.

Khi đi lấy chồng xa thì:

Ai về tôi gửi buồng cau

  Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy.

– Đối với người bạn trăm năm, công việc têm trầu cho chồng xơi hằng ngày đã được xem là một bổn phận không thể thiếu của người đàn bà. Những ai biếng nhác têm trầu để đến nỗi chồng thèm trầu phải đi nhờ cô bạn hàng xóm têm hộ:

Có trầu têm cho anh một miếng

  Anh có vợ nhà làm biếng không têm.

thì phải tự hiểu là đã bị chồng chê, và hạnh phúc gia đình có thể từ đó bị đe dọa.

Dưới con mắt người xưa, những người đàn bà sung sướng là những người đàn bà chẳng phải làm gì khác ngoài sự nhàn hạ, thảnh thơi ngồi têm trầu để hầu chồng:

Cô ấy mà lấy anh này

  Chẳng phải đi cấy, đi cầy nữa đâu.

  Ngồi trong cửa sổ têm trầu

  Có hai thằng bé đứng hầu hai bên.

Nói chung, người đàn bà yêu chồng, biết để ý săn đón, chiều chuộng từng thói quen, từng ý thích của chồng tất không bao giờ quên sửa soạn sẵn một đĩa trầu thật ngon, chờ chồng sau mỗi bữa cơm chiều:

Tôi đà biết tính chồng tôi

  Cơm thôi thì nước, nước thôi thì trầu.

Và những giờ phút hạnh phúc tuyệt vời nhất trong cuộc đời tính ái lứa đôi của họ chẳng  là những giờ phút riêng tư, giữa đêm khuya thanh vắng, đôi vợ chồng cùng chung hưởng những miếng trầu ngon do chính tay người vợ têm sẵn, dành riêng cho họ đó sao?

–  Ðêm khuya thiếp mới hỏi chàng

  Cau xanh ăn với trầu vàng xứng không ?

Trầu vàng nhá với cau xanh

  Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời !

Hạnh phúc của người xưa giản dị thế đó nhưng cũng đằm thắm và mặn nồng biết bao!

Những khi người chồng có việc phải đi xa, bất kể vì công tác gì, thì người vợ dù có bận đến đâu cũng cố gắng lo chăm sóc thật chu đáo những gói trầu hay những túi trầu têm sẵn để tiễn chồng lên đường.

Này đây là người chồng sắp ra đi vì nghĩa vụ quân dịch, vợ chàng đã sửa soạn túi trầu ra sao cho chàng đem theo ăn đường?

Trời mưa nước dội dọc dừa

  Sắp tiền anh trẩy bây giờ nàng ơi!

  Quan trên có lệnh về đòi

  Tôi vâng lệnh người, tôi phải bước ra.

Túi vóc mà cải bốn hoa

  Hai tay hai túi mở ra, khép vào.

  Cau non tiễn chũm hạt đào

  Trầu têm cánh phượng rọc dao Lưu Cầu

  Trầu em têm những vôi tàu (6)

  Anh cất miếng trầu, anh bước chân đi.

Ngay người vợ quê nghèo nhất, không tiền mua vóc, mua gấm, không có tài thêu phượng, kết hoa may túi đựng trầu cho chồng, nhưng trong khả năng của mình, nàng cũng cố chọn cho được mớ “trầu lộc” là những lá trầu ra lứa đầu vừa ngon, vừa quí, rồi cẩn thận bọc trong chiếc lá dừa, cốt bảo vệ cho trầu được tươi lâu để chồng mang theo:

Lính này có vua có quan

  Nào ai bắt lĩnh cho chàng phải đi

  Nay trẩy Kim Thì, mai trẩy Kim Ngân.

  Lấy nhau chửa được ái ân

  Chưa được kim chỉ Tấn Tần như xưa.

  Trầu lộc em phong lá dừa

  Chàng trẩy mười sáu, em đưa hôm rằm.

Còn đây là một chinh nhân vào hàng võ tướng thì người vợ chăm chút gói trầu như thế nào khi tiễn chồng cất bước hành quân?

Trèo lên trái núi mà coi

  Coi ông quản tượng cưỡi voi, đánh cồng.

  Túi gấm cho lẫn túi hồng

  Têm trầu cánh kiến cho chồng trảy quân.

Lại nữa, nếu người chồng là một anh đồ sắp lên đường ứng thí, người vợ muốn lấy lòng chồng sẽ o bế túi trầu tiễn hành ra sao?

Túi gấm cho lẫn túi hồng

  Têm trầu cánh quế cho chồng đi thi.

  Mai sau chàng đỗ vinh qui

  Võng anh đi trước, em thì võng sau.

  Tàn quạt, hương án theo hầu

  Rước vinh qui về nhà bái tổ

  Ngả trâu bò làm lễ tế vua.

  Họ hàng ăn uống say sưa

  Hàng tổng, hàng xã mừng cho ông nghè.

Nếu chúng ta để ý tất sẽ thấy ngay là ở những trường hợp hai vợ chồng sắp phải chia xa, người vợ nào cũng cố đem hết tài khéo léo nữ công nữ hạnh của mình để sửa soạn cho chồng những miếng trầu đẹp nhất, đặc biệt nhất. Thôi thì trầu têm cánh phượng, thôi thì trầu cánh kiến, trầu cánh quế, đủ cả. Vì sao vậy? Vì nàng nào cũng hiểu rằng:

– Miếng trầu lúc này có giá trị của một tặng phẩm, biểu tượng cho sự may mắn. Nàng muốn chúc cho người chồng mọi sự hanh thông, mau mắn thành công, đắc ý trở về.

– Miếng trầu lúc này vô hình trung gắn liền với hình ảnh của nàng. Trên bước hành trình vất vả của chồng, khi giở trầu ra ăn, nhìn thấy miếng trầu xinh đẹp, ăn vào thấy lại hương vị thơm ngon nồng ấm quen thuộc, chồng nàng sẽ nhớ ngay tới nàng và cảm thấy được an ủi, tưởng như nàng vẫn luôn ở bên cạnh để săn sóc cho chàng.

– Miếng trầu lúc này là những gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm yêu đương, gắn bó giữa hai vợ chồng. Khi xa nhau người ta mới dễ, mới thích hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp xưa, tình yêu vì thế có cơ hội được hâm nóng và bồi dưỡng thêm.

Như thế, miếng trầu lúc này đã gói ghém, đã chuyên chở bao nhiêu tình ý của nàng đối với chồng. Và túi trầu được nàng trân trọng và ây yếm trao tặng cho chàng trong giây phút chia ly ấy sẽ nói dùm nàng tất cả.

Vâng tất cả đó sẽ giúp chồng nàng thêm nghị lực, thêm hăng hái hoàn thành nghĩa vụ một cách tốt đẹp, để sớm được trở về xum họp với nàng, người vợ rất mực yêu thương ở quê nhà,đang ngày ngày tha thiết mong ngóng chàng về.

8. Trầu Cau Qua Những Câu Ca Dao Ví Von

Trong kho tàng văn chương bình dân của ta , còn thấy rất nhiều câu ca dao ví von, liên quan tới trầu cau thật hay

Điều này chứng tỏ người bình dân VN xưa rất ưa ví von. Và trầu cau đã thực sự gắn bó thiết thân vào đời sống tâm tư của họ, đến độ mỗi khi họ nhìn một người nào, nghĩ đến một chuyện gì, họ thường có thói quen liên tưởng, so sánh để cảm nhận về người đó, chuyện đó qua những hình ảnh, hương vị, mầu sắc của trầu cau, hay những vật dụng liên quan tới trầu cau. Sự ví von so sánh này rất tài tình khiến cho những vấn đề dù tế nhị đến đâu cũng trở thành rõ ràng trong sáng, đôi khi còn dí dỏm và sâu sắc nữa.

Như nói về nhan sắc của người thiếu nữ, khi vừa chớm tuổi dậy thì, đôi nhũ hoa mới nhú lên trông khác nào “cau buồng còn non”?

Trên đầu em đội khăn vuông

  Nhìn xuống dưới ngục, cau buồng còn non.

Lại đến khi các nàng vào độ đào tơ mơn mởn, xinh tươi, hấp dẫn, thì quả là đúng thời “cau non vừa độ hái”:

Vào vườn hái quả cau non

  Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.

  Hai má có hai đồng tiền

  Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.

Cô gái nào có vẻ mặt bầu bĩnh dễ thương thì lá trầu nõn vàng, hình trái tim tròn trịa, duyên dáng kia hẳn sẽ là một hình ảnh diễn tả thi vị nhất:

Trầu vàng nhỏ lá, rau giấp cá nhai giòn

  Khéo khen phụ mẫu sinh em mặt tròn dễ thương.

Vẻ đẹp của phái nữ thường chia làm hai loại, có vẻ đẹp ngoan hiền:

Trầu lên nửa nọc trầu vàng

  Đội ơn phụ mẫu sinh nàng dễ thương.

Có vẻ đẹp sắc sảo:

Cổ tay em trắng như ngà

  Con mắt em biếc như là dao cau.

Người phụ nữ  khi  có cả bầy con, tuổi đời dẫu đã chín, nhưng nếu nàng biết khéo léo điểm trang thì ai dám bảo là không đẹp?

Cau già, dao sắc lại non

  Nạ dòng trang điểm lại giòn hơn xưa.

Những câu ca dao ví von về hạnh phúc tình yêu và hôn nhân cũng thật là dí dỏm. Như trường hợp trai gái vừa nhìn thấy mặt nhau đã ưng liền, chịu liền, khác nào “con dao vàng rọc lá trầu vàng”. Người ta bảo đó là “diện cảm thường tình” hay “phải lòng mặt” rồi. Trường hợp này đố tránh khỏi cảnh mắt đi, mày lại:

Con dao vàng rọc lá trầu vàng

  Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.

Trong thời đang yêu , người con trai thường thực tế, luôn luôn ao ước được gần gụi người thương:

Ước gì anh hóa ra cơi

  Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng.

Trong khi đó người thiếu nữ lại ưa mơ mộng, hay tơ tưởng tới những chuyện hạnh phúc, tình nghĩa còn xa vời :

Trầu xanh, cau trắng, chay hồng

  Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên.

Lại nói đến chuyện hẩm hiu, nếu chẳng may người thiếu nữ đã đến tuổi trầm cài, lược giắt, má phấn môi son mà vẫn chưa có đối tượng thương yêu thì tránh sao khỏi tủi buồn cho số phận:

Cau non, trầu lộc mỉa mai

  Da trắng, tóc dài đẹp với ai đây ?

Đêm đêm nàng nhìn chăn, nhìn chiếu mà than thầm cho cảnh ngộ cô đơn bóng chiếc của mình:

Có trầu, có vỏ, không vôi

  Có chăn, có chiếu, không người nằm chung.

Nói chi đến những nàng đã từng được yêu, nay vì gặp cảnh trắc trở không lấy được người thương mới càng muộn phiền đến đâu, đến nỗi chẳng còn thiết làm ăn gì :

Yêu nhau chẳng lấy được nhau

  Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già.

Lại những kẻ bị phụ tình nghĩ sao mà cay đắng, “Khi xưa ta vẫn ăn trầu một cơi”, hạnh phúc chung đôi là thế mà giờ đây phải xa lìa nhau. Vì sao? Vì sao?

Bây giờ anh bắt gặp nàng

  Hỏi sao lá ngọc, cành vàng xa nhau ?

Xa nhau, ta mới xa nhau,

  Khi xưa ta vẫn ăn trầu một cơi.

Những kẻ thất tình đã vậy, những người đàn bà lấy chồng, gặp phải chồng hư hèn không xứng đôi vừa lứa, kém bè kém bạn cũng buồn sao là buồn, đến tiều tụy cả thể xác:

– Hai tay sách nước tưới trầu

  Trầu bao nhiêu lá, dạ sầu bấy nhiêu.

– Trầu vàng ăn với cau sâu

  Lấy chồng kém bạn những rầu mà hư.

Nhiều người đàn bà khác lại không chịu nổi nỗi cay đắng của cảnh gia đình nay hợp mai tan, tình duyên trỏng trảnh, chẳng có gì bền vững; thôi thì đành một lần dứt đi cho xong, nuối tiếc làm gì, kéo dài chỉ thêm mua khổ vào mình:

Trầu nào cay bằng trầu xà-lẹt

  Thịt nào khét bằng thịt kên kên.

  Đôi ta gá nghĩa không bền

Dứt đi cho rảnh, xuống lên làm gì ?

Ngoài ra ,ca dao cũng còn mượn  hình ảnh cây trầu, cây cau để ví von về nhiều vấn đề tế nhị khác nữa. Như khi nói về thời gian mà người ta nhắc tới thành ngữ “nhai dập bã trầu”, thì phải hiểu họ muốn nói đến một thời gian rất ngắn, chừng một hai phút đồng hồ mà thôi. Trái lại, khi nói đến một thời gian dài, ca dao có khá nhiều câu ví von để chúng ta có thể dựa vào đó mà ước tính:

Thương thì chờ đợi năm sau

  Chờ cau lớn trái, lột tầu sẽ hay.

Thương nhau hẹn lại năm sau

  Cho trầu ra lộc, cho cau trổ buồng.

Tất nhiên chúng ta hiểu ngay, thời gian chờ đợi ở 2 câu dưới  ngắn hơn ở 2 câu trên

Lại như câu:

Thương nhau cau hết nửa buồng

  Trầu hết nửa chợ chưa tường mặt nhau.

là muốn nói, chàng trai than phiền về thời gian “ở rể” đã lâu mà chưa được gặp mặt vợ.

Lại như khi nói về :

Cảnh nhà nghèo thì:

Nhà anh lợp những mo nang

  Nói láo với nàng nhà ngói ba gian.

Cảnh tình nghèo thì :

Đôi ta như thể cây cau

  Anh bẹ, em bẹ, nương nhau ở đời

  Anh đừng thấy khó đổi dời

  Tiền tài phấn thổ, nhân ngãi đời thiên kim.

Mẹ già cả lo thì:

Mẹ già lo bẩy lo ba

  Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên.

Số phận không may thì:

Chẳng qua cái số muộn màng

  Buôn trầu gặp nắng, buôn đàng(đường) gặp mưa.

Những kẻ ngu đần thì:

Mặt nạc, đóm dầy

              Mo nang trôi xấp biết ngày nào khôn.

Trai già chưa vợ thì:

– Cau không buồng gọi là cau đực

  Trai không vợ cực lắm ai ơi.

Nhưng trong tất cả các câu ca dao của ta thuộc loại ví von, có liên quan tới trầu cau thì bài “Thằng Bờm có cái quạt mo” phải kể là hóm hỉnh và sâu sắc nhất.

Thật thế, cái quạt mo của thằng Bờm chẳng có giá trị là bao,  ấy vậy mà lại được phú ông gạ gẫm xin đánh đổi với bao nhiêu tài sản quí giá, có thứ cả đời Bờm cũng không dám mơ ước tới:

Thằng Bờm có quạt mo

  Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

  Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu;

  Phú ông xin đổi ao sâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè;

  Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

  Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim;

  Phú ông xin đổi đôi chim đồi mồi

  Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi;

  Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười !

Phú ông muốn đề nghị gì thì đề nghị, Bờm vẫn lắc đầu quầy quậy, chỉ đến khi phú ông đưa nắm xôi ra đổi, nó mới khoái chí cười chấp thuận.

Tại sao thế? Bờm có ngu không? Không đâu, vì nó rất hiểu, chỉ có nắm xôi mới ngang bằng giá trị cái quạt mo của nó, đổi như thế mới là hợp lý; lại nữa , vì nắm xôi là vật cụ thể trước mắt, mới có thể “tiền trao, cháo múc”. Còn những lời đề nghị về những thứ của cải cao sang kia, ở mãi đâu đâu, chắc chắn chỉ là những lời hứa hẹn hão huyền, không bao giờ được thực hiện.

Bài ca dao Thằng Bờm không chỉ mang tính cách bông đùa dí dỏm quanh cuộc trả giá cái quạt mo giữa phú ông và thằng Bờm , mà còn hàm chứa một ý nghĩa sâu sắc.

Ở đây sự ví von đã đạt mức trình độ nghệ thuật cao, thằng Bờm và phú ông là những nhân vật biểu tượng :

– Thằng Bờm tượng trưng cho những người bình dân Việt Nam, xưa nay vốn tính hiền lành, chân thật, nhưng có đầu óc tỉnh táo, thực tế, chỉ  yêu quí những gì thiết thân với đời sống hằng ngày của mình, như cái quạt mo, như nắm xôi .

– Phú ông tượng trưng cho những kẻ ăn trên ngồi trốc trong xã hội, vì lòng tham không đáy, họ sẵn sàng dùng thủ đoạn phỉnh phờ để lường gạt dân đen hầu cướp đoạt của cải, ngay đến những thứ  nhỏ nhoi nhất – như cái quạt mo – chẳng đáng giá gì đối với họ, họ cũng không từ.

Như thế, bài ca dao Thằng Bờm đã cho chúng ta một  bài học khôn ngoan : Hãy bắt chước Bờm, phải luôn luôn tỉnh thức để không bao giờ bị những lời đường mật   của kẻ quyền thế ( tiền của luôn luôn đi đôi với quyền thế ) phỉnh gạt hòng cướp không của cải của ta. Ngày nay chúng ta còn có chiều hướng bàn xa hơn khi nói đến quyền sống tự do, dân chủ căn bản của mỗi con người.

Tóm lại, cái lối ưa ví von để diễn đạt tình cảm,  tư  tưởng này đã tạo nên một phong cách riêng cho ngôn ngữ nói và cho văn chương bình dân truyền khẩu Việt Nam. Đây cũng là một sắc thái độc đáo trong đời sống văn hóa dân tộc.

 

Kết luận

Sau khi đã trình bầy một số vấn đề có liên quan tới trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc, chúng tôi xin đi đến kết luận:

Kể tất cả các dân tộc có tục ăn trầu ở miền Á Đông này, có lẽ chưa một dân tộc nào lại quí và khoác cho miếng trầu, quả cau nhiều ý nghĩa như dân tộc Việt Nam mình.

Trong văn chương Việt Nam thì chưa có một loại cây cỏ nào lại được ca ngợi và nhắc nhở đến nhiều như cây trầu, cây cau.

Trong các loại thảo mộc được trồng trọt ở xứ ta thì cũng không có một loại thảo mộc nào lại được người dân khai thác kỹ lưỡng như cây trầu, cây cau. Từ giá trị vật chất nhỏ nhoi “ba đồng một mớ trầu cay” đến giá trị cao quí khi nó trở nên một tặng phẩm hay một lễ vật. Từ đời sống tinh thần cá nhân (tình cảm riêng tư) đến đời sống gia đình (tình cảm anh em khắng khít, tình vợ chồng đằm thắm, thủy chung trong sự tích Trầu Cau), đến tinh thần xã hội (trầu cau biểu tượng cho một triết lý nhân sinh đặc thù Việt Nam, lấy tình nghĩa mà khu xử ở đời).

Ngày nay xã hội Việt Nam đã quá đổi thay, một phần vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài hàng mấy thập niên, một phần do ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ đưa tới … Những thế hệ Việt Nam sinh từ 1930 trở đi đã bắt đầu bỏ tục ăn trầu, người ta không còn coi miếng trầu là phương tiện giao tế hằng ngày nữa, giới trẻ cũng không còn mượn miếng trầu để tỏ tình, và nhiều gia đình cũng đã bỏ luôn tục lệ chia trầu cau trong những dịp lễ hỏi…

Rồi đây hình ảnh thơ mộng của những giàn trầu, những hàng cau  sẽ không còn phấp phới trên khắp các nẻo đường quê hương đất nước nữa. Nhưng văn chương bình dân truyền khẩu còn đó, lại được đem giảng dạy tại học đường, thì tôi tin chắc rằng chúng vẫn đóng trọn được vai trò giáo dục và bồi dưỡng tâm hồn người Việt Nam, để muôn đời con cháu chúng ta vẫn biết sống theo quan niệm triết lý tình nghĩa trầu cau, một truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc.

Chúng ta hiện đang sống ở hải ngoại, việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, những tinh hoa của nòi giống tất nhiên là hoài bão chung của phần đông bà con chúng ta.Sự bảo tồn này chắc chắn sẽ không làm trở ngại bước tiến của giới trẻ trên đường hội nhập vào xã hội mới, mà trái lại ,còn tạo cho họ một tiềm năng, một cơ sở dễ nhận biết, so sánh, phê bình và lãnh hội những giá trị mới. Cuộc sống của họ vì thế càng thêm ý nghĩa và phong phú.

 

PHẠM THỊ NHUNG

(Cựu Giáo Sư trường Gia Long và Régina-Mundi saigon)

Chú Thích

(1) Tài liệu Trần Quốc Vượng, Trong Cõi, mục Triết lý trầu cau, trang 139

(2) Có thể xem thêm bài “Vài nét về tục ăn trầu trên thế giới” của Thúc Nguyên, Paris, sắp in, và xem thêm cuốn “Le Monde Chinois” của Jacque Gernet, trang 25

(3) Dân Việt ta xưa có truyền thống thờ các vị thiên thần (Huyền Thiên Trấn Võ, Phù Đổng Thiên Vương …), nhiên thần (thần đá, thần cây, thần sông nước), nhân thần (gồm các vị anh hùng liệt sĩ có công với dân với nước và những người có đức hạnh trung liệt, tiết nghĩa…). Họ tin tưởng rằng những vị thần này có khả năng bảo vệ và phù hộ cho những người tại thế. Xem thêm cuốn “Thần, Người và Đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường, Văn Nghệ xb, Cali 1989.

(4) Trong sách Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có ghi 24 điều huấn dụ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), sức cho dân xã để giảng dạy con em giữ lấy thói tốt về đạo nghĩa vợ chồng, anh em v.v…

.(5) Sách Đại Việt Sử Lược do Trần Hy Tộ hiệu đính có chép: “Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 trước TL) ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp

phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu nước là Văn Lang… Truyền được18 đời đều gọi là Hùng Vương”.

(6) Cau đậu: Cau khô nguyên hạt, thứ nhỏ trái, có tiếng là nhai dẻo, ngon.

(7) Câu này đáng lẽ phải nói là:

– Trầu này têm những vôi “hầu”

– Trầu em têm những vôi “hầu”

vì theo Thúc Nguyên, vôi ăn trầu do việc nung đá vôi hay vỏ sò, vỏ hầu mà có. Vôi sò, vôi hầu ngon và hiếm nên quý, chứ vôi Tàu có khác gì vôi ta, có gì là quý.

(8) Không riêng gì dân tộc ta mới có tục lệ dùng trầu cau trong các nghi lễ cưới hỏi. Trong cuốn Dictionnaire des Symboles Chinois (trang 236) Wolfram Eberhard cho biết, một số dân tộc thiểu số ở miền Nam Trung Hoa cũng có tục dùng trầu cau làm lễ cưới, và họ cũng dùng những cơi bằng bạc hay bằng thiếc để đựng trầu.

 

This entry was posted in Phạm Thị Nhung. Bookmark the permalink.