Bài này viết tiếp “Sài Gòn ngày ấy”. Trong Sài Gòn ngày ấy, tôi viết về quãng thời gian di cư vào Nam, học tiểu trung đại học. Coi tại đây: Sài Gòn ngày ấy
Về Ban Vật Lý Địa Cầu
ĐH Khoa Học 1972 Đại Học Khoa Học 2004
Biết thân phận là người Bắc, sẽ khó xin vào Ban Hoá, tôi mon men đến một ban mà tôi đậu khá cao và Thầy thì rất dễ thương. Đó là GS Nguyễn Hải với Ban Vật Lý Địa Cầu. Chứng chỉ VLDC là chứng chỉ nhiệm ý Lý của tôi và như đã nói vì thương thầy, quý thầy mà tôi chăm chỉ học. Tôi được nhận nhưng phải nhường cho mấy ông con trai vào ngạch trước vì lý do quân dịch của họ. Một điều kiện khác: tôi phải học Cao Học Vật Lý Địa Cầu và phải theo luôn. Tôi rầu lắm vì tôi học ban A (Vạn Vật) ( vì tôi thích Y Khoa thì phải học ban A) nên kiến thức toán không bằng ban B. Họ học nhiều giờ hơn mà. Tôi chấp nhận vì như tôi đã nói, tôi đang mơ có một Hoàng Tử bác sĩ đến rước đi! Mê Y, xui xẻo không được học Y thì mơ lấy chồng Y vậy. Trong khi chờ đợi Hoàng Tử đến, tôi ngậm ngùi …làm và học Cao Học VLĐC!
Trước đó khi tôi chưa chính thức vào Ban thì phải, Thầy tổ chức Đại Hội VLĐC gì đó và kêu tôi làm MC. Có lẽ Thầy gọi tôi vì tôi “dạn” chứ không phải là “người đẹp duy nhất” của Ban. Sau đại hội, tôi đến hai nơi, Thông Tấn Xã và báo Sống. Tôi chả quen ai ở Thông Tấn Xã cả nhưng tôi luôn chủ trương “ không quen thì mình làm thành quen”! Lâu quá tôi không nhớ chính xác nhưng có lẽ mình có vài “lợi điểm” như con gái là một, lại ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương, lại “cô ký điệu” nên tôi đã gặp được một ông “bừ bự” nào đó (chả nhớ nữa). Ông ta tào lao xích đế rồi “ Sẽ có ở bản tin sớm nhất”.
Rời Thông Tấn Xã tôi đến Toà Soạn Sống của Chu Tử. Cũng lâu ngày quá quên mất cái anh chàng (mà tôi quen qua người bạn), tên gì. Anh ta phụ trách mục Trẻ hay Thanh Niên Học Trò gì đó của Sống. Tuy vậy ở đây có một kỷ niệm: khi tôi lên gác, cái cầu thang nhỏ, gác cũng nhỏ hẹp, anh chàng mời tôi ngồi ở salon cũng nho nhỏ. Trong khi tôi nói chuyện, mấy tay ký giả (tôi đoán vậy) ở xa xa …đứng ngó. Có gì đâu, hôm đó “Nàng” chơi áo dài đen viền kim tuyến ở cổ tay áo và cổ áo, quần trắng. Trông cứ như ca sĩ. Anh chàng tôi quen, nói rằng không đăng ngay bài tôi viết về Đại Hội được vì báo sao sao đó nhưng hẹn sẽ vào số sau. Mấy tay ký giả cứ cười rúc rích trong khi anh chàng nói chuyện với tôi.
Thế là xong nhiệm vụ giao tế. Bản tin Thông Tấn Xã gần nhất đăng, Sống đăng vào hôm sau và Thầy hài lòng. Sau này nếu tôi nhớ không lầm, một ký giả báo Sống (Dường như Phạm Nguyễn?) đến tìm tôi ở Khoa Học. Anh chàng tán “Tôi chưa thấy người nào mặc áo đen đẹp thế” Còn tôi thì vênh mặt “ Thì hôm đó anh thấy rồi đó!” .
Vì tôi ngoại giao dễ dàng như vậy nên Thầy Hải “khoái” có cô học trò để lo mấy vụ đó. Mặt khác, Thầy cưng tôi vì tôi cũng học giỏi môn Thầy cơ mà. Mấy trự đàn ông trong Ban thấy Thầy cưng thì họ …kỵ tôi. “Ông Tạ Công Quyền” không thèm xếp giờ dạy cho tôi! Đợi tôi “mét” Thầy lần thứ hai, mới chịu xếp. Chạy qua bên Ban Vật Lý của Thầy Nguyễn Chung Tú (kiêm Khoa Trưởng Khoa Học) dạy thêm, cũng bị mấy trự đàn ông bên đó ăn hiếp. Có gì đâu, mấy ông bắc kỳ kiểu đó hay chơi “phủ đầu” ma mới. Xét cho cùng, mấy tay khoa học chả dễ thương gì cả. So với LQT của Tổng Nha Kế Hoạch, thua xa! Khi vào Tổng Nha Kế Hoạch, LQT lại làm quen và đưa tôi đi giới thiệu với mọi người, rồi khi trời mưa lâm râm là lấy dù rủ tôi đi mưa. Lúc nào anh cũng nhỏ nhẹ dịu dàng. 40 năm sau gặp gỡ ở group Tổng Nha Kế Hoạch, anh vẫn như thế với tôi. Dễ thương.
Chỉ có vài người không “kỵ” tôi là thầy Trần Tấn Mỹ. Dưới thầy Hải là thầy Mỹ và thầy Mỹ là người Nam. Bên cạnh đó là một cậu người Nam, và một cô thư ký nhỏ. Một ông bắc kỳ ban đầu cũng hay vênh mặt với tôi nhưng sau 75, lại thành bạn thân.
Thời gian ở VLĐC không có gì đặc sắc. Quy chế một tuần 12 giờ, số giờ còn lại, chúng tôi đi dạy tư và học cao học hay làm luận án tiến sĩ đệ tam cấp. Do đó cũng không gặp nhau thường vì chia nhau ra trực ban. Coi như suốt thời gian từ 72-75, tôi không chơi với ai ở Khoa Học, chỉ vào trường khi phải dạy hay trực. Thời gian còn lại, dạy tư và học Cao Học theo lệnh thầy.
Hồi đó ở Thủ Đức có làng Đại Học gồm khu nhà ở cho các giáo sư đại học gì đó tôi không nhớ rõ. Mặt khác, quốc tế, cụ thể là các nước tư bản, mỗi nước tài trợ cho một phân khoa đại học để có cơ sở ở Thủ Đức. Khoa Học cũng có một cơ ngơi ở đây và tôi không nhớ quốc gia nào đỡ đầu. Dường như chủ đích của chính phủ là đưa sinh viên ra học ở ngoại thành, một hình thức “dãn dân”. Nhưng vì đi khá xa, cũng mất nửa giờ từ xa lộ Sài Gòn nên cuối cùng trường nào trường nấy vẫn “cố thủ” ở Sài Gòn!
Thuở đó, Thầy Nguyễn Hải dạy Cao Học Vật Lý Địa Cầu ở Thủ Đức một tuần một lần. Thầy lái xe đến đón cô học trò là tôi và có khi giao tôi cho một ông, lâu quá cũng quên mất tên. Anh này sau đó du học Pháp. Thời gian du học, chúng tôi có thư qua lại cho đến ngày mất nước. Được ít lâu thì Thầy đổi ý, không dậy ở Thủ Đức nữa. Thế là tôi khoẻ!
Nếu Cô Nhung là vị giáo sư tôi yêu vì cô đẹp, dậy hay và tận tâm thì Thầy Hải là người tôi yêu vì cũng dậy tận tâm, thương sinh viên và lúc nào cũng dịu dàng nhỏ nhẹ như con gái. Không chỉ tôi , tất cả sinh viên đều yêu quý Thầy. Tôi còn nhớ mỗi khi Thầy đi dạy ở các đại học tỉnh như Huế hay Cần Thơ Đà Lạt chi chi đó, lúc về Thầy đều có quà cho tôi. Hồi đó, tôi quý cái nón lá bài thơ, quà Huế của Thầy lắm. Tôi hay ghé nhà Thầy chơi với Cô và các em. Vì lý do đó, Cô và các em cũng quý lại tôi.
Sau 1975, Thầy trò trôi nổi như nhau. Có một cô trong ban VLĐC chúng tôi, tên là La Thị Cang, dân nằm vùng, từng chịu ơn Thầy vì Thầy đã bảo lãnh cho cô ta khi bị Tổng Nha Cảnh Sát bắt. Thế nhưng sau 75, cô ta đã có vài hành vi không chấp nhận được đối với Thầy. Thầy tôi, cũng như tất cả các GS Đại Học, bị kẹt lại, là thân cá chậu chim lồng. Năm 1980, Thầy vượt biên. Chuyến đầu ba con trai thoát. Chuyến sau, Thầy, đứa con trai đầu và con gái duy nhất mất tích. Cô tôi đang ở California, các em tôi giờ cũng đã yên ổn. Tôi, thỉnh thoảng vẫn nhớ về Thầy, người giáo sư tôi kính yêu vì tài vì đức. Tôi vẫn nghĩ giá như Thầy đi thoát được 1980, hẳn cuộc đời tôi cũng khác. Thầy sẽ tìm cách giúp tôi cũng thoát luôn bằng cách …tìm chồng cho tôi chẳng hạn hay giới thiệu “tuyau” cho tôi. Bởi vì nói gì thì nói, mấy trự đàn ông muốn ghen tị đố kỵ cứ việc (!), chứ tôi biết tôi là cô học trò cưng nhất của Thầy ở ban VLĐC!!!( Trong ban có bốn cô Mỹ Dung, Phương Nga, La Thị Cang, Quỳnh Giao)
Sau 1975, dường như Khoa Lý không nhiều người thoát. Đa số bị kẹt. Tôi còn nhớ, ngay sáng mùng 1 tháng 5, Đặng Văn Liệt đến nhà tôi và bảo “Thầy nói chị vô trường”. Lúc đó tôi còn ngây thơ lắm, tôi ào ra tay bắt mừng rỡ, không hề biết Liệt là dân Bến Tre và cũng chẳng ưa gì chế độ VNCH. Khi vào trường thì thầy trò nhìn nhau e dè vì đa số hiểu rõ thủ đoạn của Việt Cộng. Thời 1945, Việt Cộng còn làm cho con tố cha, trò tố thầy kia mà.
( Xem tiếp những tháng ngày sau khi vc vào thành)
Hoàng Lan Chi 9/2014