Viết để tặng một người của thế hệ một rưỡi
“Nổi” hay “Chìm”
Hôm nay cuối tuần, dù “không hưởn” nhưng tôi cũng muốn nghỉ một chút và viết một tí. Chia sẻ và mong ước điều mình nghĩ có người đồng cảm để thay đổi. Chỉ thế thôi.
Hôm nay tôi muốn viết ngắn về “Nổi hay Chìm”.
Dường như tâm lý của đa số con người là thích “nổi”. “Chơi nổi” nghe: câu nói này không lạ với lỗ tai chúng ta.
Tuy vậy có một số người lại thích “chìm”.
Tìm hiểu vài nguyên nhân từ chính chủ nhân:
“thích kín đáo, không muốn bị soi mói, để làm việc mình muốn làm được lâu dài.”
“.. chọn chìm (thay vì nổi và ồn ào) để đảm bảo kéo dài đủ lâu và duy trì được mục đích.”
Nguyên nhân chính là sợ. Sợ bị soi mói, phê bình, chỉ trích. Tóm lại, những người này muốn con đường đi được bằng phẳng. Họ muốn được tự do “nói” và tạm thời ẩn, chờ dịp mới lộ diện. “Nói” ở đây là nói cái gì thích nói sau khi cân, đong, đo, đếm.
Cân xem điều đó nên nói không.
Đong xem điều đó nên nói theo liều lượng nào.
Đo xem điều đó nên phổ biến trong giới hạn nào.
Đếm xem điều nói đó sẽ thu hoạch để trong kho dự trữ ra sao.
Lý thuyết thì có vẻ đúng cho sự lựa chọn đó. Thực tế có vẻ hơi khác chút đỉnh.
Một, đời sống thay đổi từng giây nhất là trong thời đại net. Thiên thời, địa lợi cho việc “Nổi” bây giờ so với “Nổi” sau này, chưa chắc cái nào hơn cái nào.
Hai, tuổi nào cũng vậy, không cứ tuổi trẻ, cần “challenge”. Con đường đơn giản dẫn đến những mục tiêu thấp (tầm thường) và con đường khó khăn dẫn đến những đỉnh cao (mục tiêu lớn hơn).
Ba, mỗi vấp ngã của hiện tại là một thành công của tương lai. Mỗi chỉ trích là một lần mài cho con dao bén hơn.
Bốn, “nổi” bây giờ với “nhân hòa” từ những người của thế hệ Một, lớn tuổi hơn, kinh nghiệm nhiều hơn từ hai cuộc chiến, hai lần di cư, tấm lòng cho dân tộc đậm hơn, nên chăng? “Nổi” sau này khi thế giới không còn những con người trên, thiếu “vòng tay che chở”, có thể sẽ phải đối phó mệt mỏi hơn với lớp người thế hệ Một rưỡi, nên chăng?
Cá nhân tôi, rất thích câu chuyện “Who Move My Cheese”, vì thế tôi không chọn “Chìm” mà tôi thích vớ tất cả để “nổi”. Dường như tư cách, trình độ của một “leader” của Hoa Kỳ được đào tạo ngay từ thuở còn thơ?
Hoàng Lan Chi 3/2015