“Bên chị mùa xuân sắp tàn chưa hả chị”, cậu em nói với tôi như thế. Tôi mỉm cười. Câu nói sẽ rất bình thường với người khác, nhưng với tôi là dễ thương. Thế đấy, ngôn ngữ đôi khi chỉ dành cho một người hoặc quá lắm hai người. Năm ngoái, cuối hạ em gọi cho tôi “Bên chị, thu đã về chưa”. Câu nói “bên chị” làm tôi thấy ngộ nghĩnh. Nghe em nói, tôi cứ hình dung là tôi lấy chồng phương xa và em thì thầm hỏi vì:Mưa bên chồng chắc làm chị khóc
Chắc làm chị nhớ những ngày xưa thân ái…!
Là tôi tưởng tượng thế thôi. Thực tế, tôi ở rừng phong Virginia mà tôi luôn khoe khoang mùa thu diễm lệ, mùa xuân rực rỡ, mùa hạ lộng lẫy và mùa đông thanh thoát và em thì ở nắng ấm Cali. Hai miền cách nhau ba giờ. Nửa đêm của tôi thì mới chỉ là vào khuya của em. Năm nay em gọi vì mới đọc một bài phóng sự ngắn của tôi. “Cậu cả” vẫn đọc bài chị viết và năm ngoái đồng tình về chuyện nọ còn năm nay phản đối về chuyện kia. Được thôi, ta phản kháng tức là ta hiện hữu kia mà. Tôi cũng không phải típ người thích bằng phẳng, thích sóng êm biển lặng.Tôi chưa kịp phản bác những gì em nói thì hai chị em đã nhảy sang chuyện khác. Em khoe tôi sắp trình diễn một chương trình nhạc để giới thiệu ca sĩ Úc Châu T.B. Với tôi, TB hát hay nhưng việc T.B về Việt Nam để đóng phim thì tôi hơi e ngại. Tuổi trẻ lớn lên ở xứ người không biết gì cả và chỉ đam mê nghệ thuật, chả có gì đáng trách nhưng với tôi, những người coi như đã từng biết cộng sản là gì thì đành ngậm ngùi nhìn tuổi trẻ “hồn nhiên” như thế.
Đề tài em phản bác những người trong bài phóng sự của tôi là “Nên hay không hát nhạc TCS ở các buổi tiệc cộng đồng”! Em lý luận rằng nhạc và lý tưởng của người nhạc sĩ là hai cái khác nhau. Rằng “Người con gái VN da vàng nghe hay thấy mồ”! Ơ hay, thì hay nhưng điều quan trọng là có nên cho vang ở tiệc cộng đồng không! Chứ nghe ở nhà thì ai dám cấm! Cá nhân tôi cứ nghe vang nhạc “phản chiến” của TCS là lòng tôi sôi sục. Hôm trước chủ nhà cho hát um sùm những nhạc phẩm loại đó. Tôi bước ra khỏi phòng “Năm 2010 rồi nghe. Cấm nghe lại nhạc phản chiến nghe!” Cậu chủ nhà cười cười “Cô không thích thì con tắt”! Thế đấy, chỉ cần nghe vang dòng nhạc đó là tôi nhớ lại một TCS hèn nhát, một TCS nằm vùng, một TCS đâm sau lưng chiến sĩ! Tôi đã như vậy, nói gì đến một số cựu quân nhân khác?
Tháng trước về lại Virginia nhưng tôi chưa có hứng để viết về âm nhạc mà vẫn bị cuốn hút vào một số sinh hoạt chính trị của cộng đồng. Thì có gì đâu, cái máu “Giữa đường thấy việc bất bằng chẳng tha”. Trong nhóm nhạc sĩ của tôi, tôi vẫn âu yếm gọi thế vì coi như tôi giới thiệu về họ khá nhiều, chỉ nhạc sĩ M.D là hay mail cổ vũ tôi trong chính kiến. Ông là tác giả một nhạc phẩm quân đội nổi tiếng thời xưa. Bây giờ ông viết nhạc tình nhưng “nặng lòng với quê hương” nên ông vẫn theo dõi bước chân tôi đi. Ông là vị nhạc sĩ duy nhất mà thỉnh thoảng tôi gửi những bài viết “chính trị” của tôi.
Tôi không biết dùng chữ nào để diễn tả và cá nhân tôi đẻ ra nhóm chữ “Những người còn nặng lòng với quê hương” để ám chỉ những tâm hồn dù ở tuổi nào vẫn quan tâm đến quê hương, đến đồng bào, đến tổ quốc. Đơn thuần là quan tâm và ngấm ngầm ủng hộ việc làm của người khác chứ cá nhân họ thì không tham gia nồng nhiệt vì nhiều lý do.
Ông bạn già Bùi Xuân C… là một người như thế. Khi đọc bài tôi gửi, ông luôn trả lời và cổ võ tôi. Đọc mail của ông, tôi như thấy nỗi căm hận, oán ghét Vc của ông thể hiện trên từng con chữ. Nhạc sĩ M.D cũng là nhóm người trên nhưng ngôn ngữ của ông không đượm vẻ tức giận hay hằn học nào. Tôi bật cười khi nhớ đến mình. Nhiều lần tôi nói với người ngồi bên cạnh khi cùng ngồi trong xe hơi hay người bên kia đầu dây điện thoại “Thôi không nói nữa. Nói đến VC là tôi nổi nóng lên ngay đây”. Con gái tôi từng kêu tôi “quá khích” kia mà!
Tháng Tư qua rồi nhưng tháng Năm có niềm vui. Trước hết là vô tình tôi xem được DVD Asia “55 năm nhìn lại”. Một số thành tựu của hai nền cộng hoà về vài phương diện như văn học, giáo dục, quân sự …được giới thiệu bằng hình ảnh, thước phim rõ ràng. Điều này giúp thế hệ trẻ lớn lên sau 1975 sẽ có cái nhìn tổng quát để tự họ có nhận định về một Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa! Khi trò chuyện, cô Dương Nguyệt Ánh cho biết cô, Nam Lộc viết script nhiều nhất và sau đó là Việt Dzũng. Qua DVD này, người tôi yêu mến nhất là Dương Nguyệt Ánh. Vẫn thái độ dứt khoát, vẫn khuôn mặt nghiêm và ánh mắt long lanh giọt lệ khi nói về quá khứ Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi chuẩn bị cho trang web cá nhân bằng việc viết về “những người tôi biết”.Không thể gọi “thân hữu” vì tôi có thể quen/từng gặp gỡ nhưng lập trường thì bây giờ không giống nhau. Họ, có thể có nhiều lý do để “hoà dịu” hơn tôi! Điều ngộ nghĩnh là chính các bạn gái của tôi lại thích xem những đoản văn nhỏ ấy. Có lẽ xuyên qua những gì tôi viết về người khác, họ biết thêm về tôi và cả những người đó. Một “netter” không đồng ý với tôi về những gì tôi viết cho Trần Trung Đạo. Tôi trả lời rằng, tôi toàn quyền viết suy nghĩ của tôi và họ cũng thế. Tôi không ép ai phải sáng tác theo chỉ đạo của người khác như “netter” này đã chụp cho tôi. Thật buồn cười khi netter này nghĩ rằng tôi phê bình thơ TTĐ không cao, thì có nghĩa là tôi thích thơ Thanh Tâm Tuyền! Vớ vẩn thật, người mình hay có lối diễn dịch lạ lùng, hay có lối tranh luận ngộ nghĩnh. “Netter” đó không biết rằng tôi ghét thơ Thanh Tâm Tuyền vì “bí hiểm” sao! Và tôi không yêu thơ TTĐ vì tôi cho là ngôn ngữ thơ không “cao cao”! Không “cao cao” nghĩa là không chắt lọc, không có chút hoa mỹ đỏm dáng của thơ, không có chút “thâm trầm” của triết học. Thơ TTĐ giản dị, đôi khi như ca dao tục ngữ. Và vì thế số người trẻ cỡ tuổi bốn mươi thường thích thơ TTĐ.
Tôi, tôi yêu thơ Hà Huyền Chi, Hoàng Anh Tuấn, Mường Mán…
Bước rất nhẹ như mây mềm dưới gót
E nắng buồn làm rối tóc mưa ngâu
Em chờ anh nước cuốn nhịp ven cầu
Năm tháng cũ rộn tình xưa thổn thức
…………
Bước rât nhẹ như hường qua sắc đỏ
Như bầu trời len lén bước vào xanh
Như chưa lần nào em nói yêu anh
Bước rất nhẹ như vẫn còn đứng lại
Bước rất nhẹ như mùa thu con gái
Như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh..
(Còn lại- thơ Hoàng Anh Tuấn)
Mình đến tình nhau rất thảnh thơi
Như đôi cá nhỏ lãng quên đời
Em từ thác lệ lao mình xuống
Anh ngược dòng oan bỏ cuộc chơi
Tình cờ không hẹn mà ta gặp
Thấy ở lòng nhau chút biển trời
Thấy nhạc đẫy hồn vui réo rắt
Thơ như triều sóng dục sông trôi
Những lần say khướt quên còn mất
Đã cạn cùng nhau những chén mời
Hé mở niềm riêng phơi sự thật
Đôi bờ xao xuyến nước đầy vơi
Anh thừa ân oán, thừa đơn độc
Em cũng bây giờ, rất lẻ loi
Một kẻ tóc xanh, người bạc tóc
Cùng nhau san sẻ chuyện buồn vui…
(Đủ Lãng Quên Đời -thơ Hà Huyền Chi)
Tháng chạp về rồi bé biết không Một chút mầu xanh một chút hồng
Một chút vàng mơ và tím nhạt
Chưa giao thừa đã tết trong anh..
Tháng chạp về rồi bé biết không
Anh nằm trên cỏ nghe mùa xuân
Nghe sông đổ nước xuôi ra biển
Nghe biển phụ tình quên nước sông
Tháng chạp về rồi bé biết không Gió đưa làm rơi lá sầu đông
Trong mơ cứ ngỡ mình vừa thoáng
Thấy bóng ai về trong nắng hanh
( Ngợi ca tháng Chạp- Mường Mán)
Bây giờ, tôi cũng yêu thơ …”bác Phó” của tôi. “Bác Phó” đọc bài này đến đây hẳn bác giật mình! “Bác Phó” ám chỉ ông Phó tổng giám đốc Tổng Nha Kế Hoạch thời tôi là chuyên viên. Tôi không được đọc nhiều nhưng chỉ thoang thoảng chút nào đó, đủ cho tôi “thẩm định” thơ “Bác Phó” là hay!
Tổng Nha Kế Hoạch, làm tôi nhớ đến Bộ Kế Hoạch và cuốn sách đang gây nhiều phản ứng của một cựu Tổng Trưởng: “Tâm tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu” của Ông Nguyễn Tiến Hưng. Hai cuốn là đã dư, ông tham lam viết thêm cuốn thứ ba để chuốc ưu phiền. Ông cứ ngỡ bàn tay che được mặt trời, rằng những “trích, ghi chú” công phu ở dưới mỗi bài, rằng cái danh giáo sư Havard đủ bảo đảm cho ông! Nhưng không, thời đại bây giờ là của “internet”! Của tự do khôn cùng. Đã qua rồi cái thời mưa gió thông tin nằm trong tay một nhóm người, một thể chế, một chính quyền. Bây giờ “internet” tạo sự công bằng cho hết thảy. Và vì thế những dối gian, những nguỵ biện của ông đã bị vạch trần. Tôi, ngao ngán cho những con người đã quá “đui mù” vì lợi danh.
Tháng Năm, xuân đã tàn rồi và hè đang rộn rã. Tôi đã gọi “Sao anh không về chơi Hoa Thịnh Đốn” mà quên gọi em, cậu em từ miền viễn tây Hoa Kỳ! Để bây giờ đã chớm qua tháng Sáu, tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt, trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa…
À ngày xưa cũng có yêu thơ Nguyên Sa nhưng bây giờ thì không còn nữa…
Hoàng Lan Chi