Hôm Qua Mưa Giống Sài Gòn!

 

Hôm qua chủ nhật, thành phố biển mưa từ sớm! Ai thích mưa, tôi thì không. Hơn hai phần ba đời “nghe” mưa ở Sài Gòn ròng rã sáu tháng đủ cho tôi không còn yêu mưa. Đến Mỹ tôi yêu Virginia vì mưa lạ. Mưa không chợt đến chợt đi như mưa Sài Gòn. Mưa cũng không ồ ạt thác lũ để bối rối đường đi. Và vì thế mưa Portland, mưa Cali phần nào giống mưa Sài Gòn và tôi không yêu mưa ấy. Nhưng tôi “yêu” người Cali!

Khi chưa đến đã nghe anh thủ thỉ
Nắng Cali em ạ, ấm tình người !
Ừ thì về và Cali tình ấm
Chỉ vì anh, người ở Cali!

Yêu người Cali chứ không thể yêu nắng mưa Cali. Nắng gì chói chang, mưa gì lớn quá. Sao không là mưa bụi để nhớ ngày nào, con đường Phùng Khắc Khoan với hai hàng me cao vút và những bụi mưa chỉ lắc rắc uớt chút bờ vai. Mưa như thế mới là lãng mạn và đáng yêu. Chứ mưa ồ ạt sao yêu được nhỉ?

Anh bạn có nick name dài nhất thế giới (Người nợ đóa tường vi yêu kiều từ muôn kiếp trước NNĐTVYKTMKT) viết “Sao lại là LanChiToday? Bố trẻ thích LanChiYesterday hơn!” Ờ nhỉ, Yesterday nghe khiêm tốn (!) và dễ thương hơn. “Bố trẻ, cô nương sẽ nghe lời bt!”

Khi xa Sài Gòn thì nhớ nhung nhiều. Chẳng qua là nỗi nhớ của thời đã qua, của kỷ niệm ấu thơ. Còn nếu bây giờ có về sẽ là những hụt hẫng, ngác ngơ. Lứa chúng tôi di cư vào Nam khi còn rât nhỏ nên hòai niệm là dành cho Sài Gòn chứ không là Hà Nội. Hồi 93, về Hà Nội tôi chán vì đường nhỏ hẹp, vì Tháp Rùa bé tí giống cái chuồng chim cu (!), vì Chùa Hương xấu xí hơn là tôi nghĩ. Cũng có thể tôi không yêu Hà Nội vì tôi không lớn lên ở đó, vì tôi ghét VC và trong tôi là “bàng bạc” niềm suy nghĩ rằng VC đã chiếm Hà Nội từ lâu lắm, tôi không có gì lưu trữ trong tâm tưởng một Hà Nội như thế hệ Thầy cô chú bác của tôi. Tôi chỉ yêu và nhớ Sài Gòn. Hôm nào tôi sẽ viết “Sài Gòn ngày ấy” tập hai! Tập một là cả một lịch sử về Sài Gòn thuở ấy với một chút lịch sử, chút địa lý, chút giáo dục, chút thời sự và được tha đi khắp nơi vì tính cách “sử liệu” của nó.

Đặc trưng của Sài Gòn là cái gì? Là nắng đổ lửa là mưa tầm tã hay ..? Mọi người thích ám chỉ thời tiết Sài Gòn nhưng có lẽ gây ấn tượng nhất là quán cà phê. Ở Sài Gòn có cái thú úông cà phê. Cà phê nóng buổi sáng và đá buổi trưa. Tôi biết uống cà phê sau khi đậu tú tài hai. Có gì đâu nhắm mắt mũi úông cà phê để thức học thi và sau đó dần dần thích. Tuy thích chứ tôi không phải là người ghiền cà phê nặng. Bằng cớ tôi không uống được thứ “xịn” và có bỏ ít hơm cũng chả sao. Tôi uống cà phê “dỏm” không thôi. “Xịn” một tí là mất ngủ là hồi hộp. Giờ này tôi vẫn lười biếng cho cà phê Vinacaphe hòa tan vào ly. Chả bao giờ pha phin. Kể ra trời nóng ở Sài Gòn úông cà phê đá ngon thật. Có thời kỳ sau 75, ngồi vỉa hè bán cà phê cũng vui. Tôi học cách pha cà phê bằng vợt. Cà phê đá thì đánh cho sủi bọt rồi mới cho đá vô. Ở Virginia tôi còn có cái thú uống cà phê sữa tuyết.

Hôm qua vừa vui vừa buồn. Vui vì PĐ viết bài về xe cộ đã trích một câu viết của tôi về GPS. Không phải trích mà thích hay vui mà vì người trích là PĐ. Tuy vậy, tôi mới khám phá ra là PĐ nhỏ hơn tôi trong khi tôi nhớ … bậy là PĐ lớn hơn. Vì nhớ bậy nên “bà Tổng” đanh đá đã rất ngọt ngào “Em đây”. Sau khi khám phá mình nhớ bậy, tôi đìều chỉnh ngay “Ơ thế này thì xuống làm em bà tổng”. PĐ cực lực phản đối và một hai đính chính lại PĐ là con rồng lớn chứ không phải con rồng nhỏ!

Buồn vì lâm râm đau bao tử ba ngày nay. Khi đau, vùng thượng vị cứ xót, tay chân rã rời. Tôi gọi cho vài người bạn và cứ vừa khóc vừa nói. Một ông khuyên “Cứ chửi toáng lên đi cho hả” “ Ông mà gần tôi thì tôi úynh ông mới hả, chửi không không hả!” Đêm qua ngủ sớm nhưng nó xót ruột lúc hai rưỡi khuya và cứ thế lâm râm đến năm rưỡi! Sáng ra tôi gọi về Việt Nam cho bác sĩ ngày xưa của tôi! Chả là chưa “apply” cho bảo hiểm mà. Bao tử mỗi khi buồn phiền là nó làm nư. Tôi chợt nhớ đến câu thơ Bùi Giáng:

Tuổi thơ em có buồn nhiều
Xin em hãy để nắng chiều trôi qua
Giấc mơ chợt tỉnh sơn hà
Còn sơ nguyên mộng bên tà áo xanh.

Anh này, Bùi Giáng khuyên hãy để nắng chiều trôi qua nếu tuổi thơ em có buồn nhiều! Còn nếu tuổi già buồn nhiều thì sao hả anh?

(Trích LanChiYesterday)

This entry was posted in LanChiYesterday. Bookmark the permalink.