Châu Đình An- Kẻ cưỡng hiếp xác chết ( Nguyễn Hữ u Nghĩa-Phạm Duy sau khi PD chết)- Feb 2013

LGT: Nhạc sĩ Phạm Duy đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam, điều đó không ai phủ nhận. Do hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam, ông đã chọn con đường đi của mình và hoàn toàn chịu trách nhiệm trên sự lựa chọn đó. Sự lựa chọn trở về năm 2005 đã dấy lên những chỉ trích kéo dài từ đó đến nay. Ngay sau khi ông chết, có một số bài viết. Nội dung chỉ trích không có gì mới, vẫn là những gì nói dài dài từ 8 năm nay. Tuy nhiên, mới đây ông Nguyễn Hữu Nghĩa đã có viết một bài mà nội dung là kể lại những “kỷ niệm”, theo như ông nói, nhưng lại là những “kỷ niệm xấu” mà Phạm Duy thì đã chết, không có cách gì đính chính. Tất nhiên những “kể xấu” đó chả làm PD xấu hơn nhưng đứng trên phương diện luật pháp thì không công bằng vì một người bị tố giác mà không có cơ hội bào chữa. Đứng trên phương diện tình người thì là điều không hay vì có tính cách đâm bồi người mới chết, đâm cả gia đình người chết. Là người cầm bút chân chính, theo thiển ý chúng tôi thì nên “nhả ngọc phun châu” thay vì “ phun máu nhổ đàm”.

Kẻ cưỡng hiếp xác chết

Châu Đình An

http://www.chaudinhan.net/

Khi ta nghĩ đến hình ảnh kẻ cưỡng hiếp, ta đã thấy ghê tởm phỉ nhổ và kẻ này luôn bị xã hội lên án. Nhưng nếu tên cưỡng hiếp đào mồ lên để cưỡng hiếp cái xác chết thì bạn nghĩ sao?

Ông Phạm Duy, người nhạc sĩ lớn nhất của Việt Nam vừa nằm xuống chưa quá một tháng (27 tháng 1, 2013) đang khi tôi viết bài bày (18 tháng 2, 2013) thì có những bài viết phát tán trên mạng với nội dung chửi rủa, đả kích người nhạc sĩ này. Vài bài viết có tính cách bươi xới, lục lọi đời tư cá nhân, từ những bài đưa ra những vụ việc về cái gọi là “loạn luân” của ông Phạm Duy và các mối tình với con dâu Julie Quang (vợ của Duy Quang) cho đến việc bà Khánh Ngọc, vợ của ông anh vợ Phạm Duy là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tác giả ca khúc Nửa Hồn Thương Đau.

Mới đây nhất là bài viết của ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở Canada kể chuyện ông Phạm Duy nằm trên bụng đàn bà, lại còn chuyện “hỏi con nít” của Phạm Duy để đưa ra cho người đọc thấy là gia đình Phạm Duy nói tục và thiếu dạy dỗ con cái, làm cho người đọc ngộ nhận là gia đình ông Phạm Duy không có văn hoá. Tựu chung, cho dù che đậy qua cách viết một vài kỷ niệm “cà chớn” như lúc khen, lúc chê, nhưng hàm ý cuối cùng vẫn là những bài viết có tính cách mạ lỵ, bêu xấu người vừa nằm xuống.

Tôi cho rằng kẻ viết bài và phát tán trên mạng các bài viết xấu xa và bẩn thỉu như những tên giết người cầm con dao dính máu, đâm toạc vào thân thể người chết Phạm Duy, bất kể người thân, dòng họ, con cháu của nhạc sĩ đang đau khổ đeo vành tang trắng, nước mắt khóc Duy Quang chưa ráo thì lại phải khóc bố, khóc ông nội, ông ngoại của mình bên chiếc quan tài chứa thi thể bất động của một người đã cống hiến cho sự nghiệp lẫy lừng và đồ sộ cho nền tân nhạc Việt Nam.

Trong một đất nước Việt Nam chiến tranh do bởi ý thức hệ, do bởi địa phương tính, do bởi kẻ xâm lược, do bởi sự can thiệp của nhiều cường quốc vào cái mảnh đất chữ S bé nhỏ, nghèo nàn, đã sản sinh rất nhiều anh hùng, nhưng cũng tạo ra những tên vô loại bán nước, cũng tạo ra những kẻ bất chính từ các lĩnh vực, mà lãnh vực văn hoá là nơi cũng có kẻ bất chính, bất minh, bất nhân len lỏi vào.

Khi một kẻ lưu manh có chữ nghĩa, ta gọi là “trí thức lưu manh”, thì kẻ lưu manh này “đểu giả” không thể tả. Nó còn tàn tệ hơn một tên du đãng giang hồ bình thường ngoài xã hội, vì nó có cái đầu biết tính toán, hơn thế nó còn biết chữ nghĩa để viết lách loạn xà ngầu, phun hơi độc vào bầu khí quyển trong lành, mà nó vẫn tìm mọi cách để che đậy dã tâm, ta gọi kẻ này là “nguỵ quân tử”. Thành phần này nguy hiểm nhưng chóng bị xã hội và con người vạch mặt chỉ tên đào thải, chỉ vì nó không có sự thật trong ngòi bút của nó. Cho dù nó có khoác lên bao nhiêu danh xưng mỹ miều đi nữa, cho dù nó có nhân danh là cái gì đi nữa, người ta cũng sẽ thấy chân tướng của nó lộ diện.

Sự việc nhạc sĩ Phạm Duy nằm xuống, là cơ hội cho bọn này lộ diện qua những bài viết “bẩn” phát tán trên mạng. Những bài viết, trước hết hoàn toàn không có một căn bản tình người. Không ai lại đi chà đạp người chết, không ai lại nhẫn tâm chà đạp và làm tăng thêm sự đau khổ tinh thần trên tình cảm thân nhân của người nằm xuống có hai cái “đại tang” trong vòng hơn một tháng. Là con người không ai làm thế. Chỉ có súc vật như bầy quạ đen và lũ kên kên mới ăn thịt xác chết.

Sự việc nhạc sĩ Phạm Duy quay về sinh sống tại Việt Nam trong những năm cuối đời của một nhạc sĩ già 93 tuổi, đã có quá nhiều chỉ trích, phê bình lên án, là một vấn đề mà sau này, những người có chính danh và tư cách viết sử về tân nhạc Việt sẽ đề cập, và đó là thuộc phạm vi thời gian.

Thái độ sống, và chọn lựa cung cách sống của ông Phạm Duy không làm tổn hại đến người khác. Ông Phạm Duy không nhân danh ai hết, vì ông đã tự nhận rằng, ông ta chỉ là một tên hát rong của thế kỷ. Khác biệt với người khác, những người bước vào thế giới chữ nghĩa văn chương, không hiểu sao một thời gian cứ thích tự nhận cho mình danh hiệu làm văn hoá để làm gì? Ví dụ như có kẻ làm thương mại qua lãnh vực băng nhạc, làm đại nhạc hội, hay làm tạp chí báo biếu, làm nhà xuất bản sách rồi cứ tự cho mình là bảo tồn văn hoá! Dù rằng họ chẳng hiểu cái văn hoá đang rêu rao “bảo tồn” là cái gì? Và nhìn quanh đâu có ai rình rập để cướp giật cái văn hoá mà phải lo bảo vệ?

Những nhà thơ, nhà văn, nhà báo làm dáng (tôi không nói đến những vị chân chính, có lòng) cứ khoác áo “trách nhiệm” vì tổ quốc, vì xã hội, vì giống nòi để làm gì nhỉ? Người làm văn nghệ, văn hoá thiện tâm, thiện ý do bởi tài năng của họ thể hiện qua sáng tác được nhiều người đồng cảm, qua các tác phẩm có tính cống hiến, ở chỗ cho đi mà không hề quan tâm đến sự nhận lại. Đó mới là người cầm bút chân chính. Ngoài ra, những kẻ luôn rình rập thời cơ để tự đánh bóng mình, chẳng qua là ngọn cỏ, ngọn lau nằm rạp đưới đáy bùn trong cơn thuỷ triều, bây giờ nước rút, lau sậy loe hoe dựng đầu ngóc dậy.

Cái chết nhạc sĩ Phạm Duy là một cái chết bình thường của kiếp người qua sinh, bệnh, lão, tử. Nhưng cuộc sống của ông mới đáng nói, là ông đã để lại cả một di sản đồ sộ về âm nhạc qua số lượng cũng như tính chất, và các ca khúc này đã hát đến 3 thế hệ. Ngày nay, hay ngàn sau khi nói đến Truyện Kiều ta nhớ Đại Thi Hào Nguyễn Du, nói đến tân nhạc ta sẽ phải nhớ đến Đại Nhạc Sĩ Phạm Duy.

Có nhiều bài viết đã nói đến tư cách và con người của ông Phạm Duy, tôi không cần phải nhắc lại. Vì tôi không phải là kẻ phán xét soi mói về đời tư của người khác. Chỉ có một điều là khi con người danh lớn thì hoạ lớn như lời Phật dạy. Hoặc là: “hơn người là một cái tội”. Ông Phạm Duy cũng không thể thoát ra điều mà Đức Phật đã dạy.

Nhạc sĩ, nhất là làm nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam là sinh lầm thế kỷ, nhìn tấm gương của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bây giờ là nhạc sĩ Phạm Duy ta quá biết, chỉ vì một đất nước điêu đứng lầm than và qua chiến tranh, qua ý thức hệ, qua chủ nghĩa… và xã hội Việt Nam đã sản sinh ra các loại người “vàng thau lẫn lộn” “lộng giả thành chân” nơi một số ngòi bút đầy nhỏ nhen tị hiềm và ác cảm. Tài năng của họ như cái móng tay, đầu óc họ bé như con ruồi, nhưng họ vẫn muốn làm đại thi hào, đại nhạc sĩ bằng cách chà đạp người khác, kể cả khi người ta chết, chỉ vì họ muốn hơn người.

Một nhà báo Pháp phỏng vấn đại tài tử Pháp là Alain Delon “Ông có cảm nghĩ gì về tư cách của John McEnroe, khi anh ta hỗn láo với trọng tài”. Alian Delon đã trả lời rất hay là“Tôi không có thói quen phê bình người khác, nhưng tôi nghĩ rằng, John McEnroe là một thiên tài quần vợt, anh ta có quyền kiêu hãnh làm điều đó. Tôi chỉ ngại rằng chỉ những kẻ không có tài năng thực sự, mà kiêu ngạo hống hách mới đáng chê trách”.

Nếu qua câu nói này với cách suy nghĩ của người Tây Phương, thì một người có trên 1,000 ca khúc nổi tiếng, cũng xứng đáng có quyền phát biểu linh tinh mà không ngại phiền lòng người nghe.

Cách đây không lâu, báo chí trong nước đã đăng bản tin như sau:

“Một gã đàn ông đã vào nghĩa địa và đào một xác chết từ dưới mộ lên để cưỡng hiếp. Nghe nói động cơ là muốn trả thù đối với gia đình của xác chết nữ này.”

Tôi cho rằng, hành động lăng mạ người chết, bất chấp sự đau khổ của thân nhân người quá cố đang hứng chịu hai cái đại tang là Duy Quang và Phạm Duy, có khác gì gã đàn ông cưỡng bức xác chết để trả thù.

Sẽ không một ai dám giao du làm bạn với kẻ cưỡng hiếp!

Sẽ không một ai trong xã hội văn minh tiến bộ này, lại có thể nhẫn tâm bắn một phát đạn vào một xác hết lần thứ hai.

Châu Đình An

Để bạn đọc biết rõ câu chuyện, đây là link vào bài viết của Nguyễn Hữu Nghĩa

Nhận xét về bài “Nguyễn Hữu Nghĩa viết về Phạm Duy”

This entry was posted in Tạp Ghi. Bookmark the permalink.